ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội đã kiểm soát và kiềm chế tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao. Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
1. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã
1.1. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm
a) Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy, UBND Thành phố. Đồng thời, thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với các điều kiện cụ thể của Thành phố.
b) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
c) Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; nới lỏng nhưng không lơi lỏng.
d) Dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh.
1.2. Tiếp tục thực hiện các biện pháp
a) Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
b) Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
c) Tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ hiệu cắt tóc), karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, internet, nhà hát, rạp chiếu phim.
d) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các cơ sở nêu tại điểm c mục 1.2 trên đây, được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 02m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 01 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
đ) Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, kê khai y tế, bố trí xà phòng, dung dịch sát khuẩn để hành khách vệ sinh sát khuẩn tay.
e) Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Phương án cụ thể theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế.
g) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích họp trực tuyến và làm việc qua ứng dụng CNTT. Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế xã hội thực sự cần thiết phải do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.
h) Các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới trên địa bàn (trừ các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ) chỉ được mở cửa sau 09 giờ sáng hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị. Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
i) Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi tuyên truyền, phát tán các thông tin sai sự thật, cố tình không chấp hành quy định về phòng, chống dịch, kể cả xử lý hình sự theo quy định.
2. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nhóm nguy cơ
Hà Nội nằm trong nhóm có nguy cơ, trong đó có 2 huyện Mê Linh và Thường Tín là địa bàn có nguy cơ cao. Vì vậy cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cụ thể cho đến khi điều chỉnh mức nguy cơ, như sau:
2.1. Đối với huyện Mê Linh và Thường Tín
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố.
b) Các phương tiện vận tải được phép qua lại trên các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ thuộc địa bàn có nguy cơ cao trên địa bàn Thành phố, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định và không dừng, đỗ, đón trả khách.
2.2. Các quận, huyện, thị xã khác thực hiện các biện pháp tại Mục 1 văn bản này và các biện pháp
a) Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
b) Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc
3. Sở Y tế
3.1. Kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, xác định các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
3.2. Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế. Một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn.
3.3. Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan kịp thời ban hành Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trường xây dựng, phương tiện vận tải.
4. Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp Sở Y tế
4.1. Thực hiện cách ly tập trung theo quy định tất cả các trường hợp được nhập cảnh, phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phân loại theo quy định.
4.2. Tiếp tục duy trì, tổ chức tốt việc thực hiện cách ly, cải thiện điều kiện sinh hoạt tại các cơ sở cách ly tập trung.
5. Sở Công Thương chủ trì phối hợp đơn vị liên quan
5.1. Tập trung, khẩn trương thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại.
5.2. Tiếp tục rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.
5.3. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; dần từng bước mở lại du lịch nội địa.
5.4. Chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động phục vụ chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản; ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo minh bạch về nguồn gốc nông sản, an toàn thực phẩm với năng suất chất lượng cao, phát triển bền vững, giảm tiếp xúc xã hội tại địa bàn Thành phố.
7. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Khu công nghệ cao, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các quận, huyện, thị xã: chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố.
8. Sở Giao thông vận tải: chỉ đạo, kiểm tra xe buýt khi hoạt động, đảm bảo bắt buộc đeo khẩu trang đối với toàn bộ người trên xe; thực hiện khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ phương tiện trước và sau khi hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện công tác vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách liên tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
9. Công an thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Chủ tịch UBND Thành phố.
10. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp báo đài Thành phố tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng; nghiên cứu các biện pháp, hành vi về phòng, chống dịch bệnh nêu trên để xem xét, bổ sung quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.
11. Sở Du lịch: quản lý, hướng dẫn các cơ sở lưu trú, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đảm bảo thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố.
12. Sở Ngoại vụ: quản lý, hướng dẫn hoạt động của các đoàn ngoại giao ra, vào Thành phố, thực hiện công tác xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
13. Các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
14. Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn phòng UBND Thành phố tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, làm việc, học tập trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số.
15. Đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Tiếp tục vận động, chăm lo, hỗ trợ cho người dân khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
16. Yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các tổ chức đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
CHỦ
TỊCH |
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2020 về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 07/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Đức Chung |
Ngày ban hành: | 28/04/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2020 về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do thành phố Hà Nội ban hành
Chưa có Video