ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Quảng Ninh, ngày 01 tháng 04 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai và có những chuyển biến tích cực; các văn bản pháp luật an toàn thực phẩm từng bước hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ được kiện toàn; chỉ đạo điều hành phối hợp liên ngành kiểm soát thực phẩm được coi trọng; nhiều mô hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh thực phẩm được áp dụng. Nhận thức và hành vi sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng được nâng cao. Ngộ độc thực phẩm được kiểm soát góp phần chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang gặp nhiều thách thức như: Ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, thẩm lậu kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể và do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đang gây bức xúc dư luận xã hội.
Để khắc phục những tồn tại và thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế
a) Triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm.
b) Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành liên quan chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo quá mức, sai sự thật, không đúng theo nội dung đã được xác nhận quảng cáo.
c) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo, tổ chức quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt, trước mắt tập trung kiểm soát tốt chất lượng đối với nguồn nước cung cấp ở các khu đô thị, các hệ thống cấp nước tập trung.
d) Hàng năm Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, các Sở ngành liên quan và các địa phương tổ chức, triển khai Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 để nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động tối đa các nguồn lực và toàn thể xã hội tham gia.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tập trung quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chất xử lý môi trường, hóa chất bảo quản nông, lâm, thủy sản thực phẩm bảo đảm chất lượng, trong danh mục được phép sử dụng. Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản. Quan tâm các loại thịt, thủy sản, rau, củ, quả tươi sống và qua chế biến trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này.
b) Kiểm soát hiệu quả điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, lâm sản và thủy sản; bảo đảm an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
c) Chỉ đạo các địa phương quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng và phát hiện nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và khai thác nông lâm thủy sản an toàn, quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
3. Sở Công thương
a) Tăng cường triển khai các biện pháp an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến, bánh mứt kẹo, các sản phẩm được chế biến từ bột và tinh bột.
b) Phối hợp với các Sở, ngành và địa phương kiểm soát an toàn thực phẩm tại các làng nghề thực phẩm; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; từng bước kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và các địa phương để thông tin đăng tải đầy đủ về gương tốt và phê phán các cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các đơn vị phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được phê duyệt, bảo đảm thông tin quảng cáo chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu trong xã hội. Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo quá mức, sai sự thật và quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận.
5. Sở Tài chính
a) Triển khai các phương thức kiểm soát phù hợp tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm nhưng đồng thời phải bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.
b) Phân bổ kinh phí đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ở cả Trung ương và địa phương.
6. Cục Hải quan
Phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với các lực lượng ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu.
7. Các Sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP
a) Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
b) Tổ chức triển khai các biện pháp phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
b) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm giữa phòng ban chức năng của địa phương và Ủy ban nhân dân các xã, phường thị trấn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý.
c) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương: Tổ chức, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông lâm thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể xây dựng tại chỗ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
d) Tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm cho phòng Y tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, đội quản lý thị trường; củng cố, nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm và đầu tư kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm tại cấp huyện và cấp xã.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường công tác giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, vận động các tổ chức quần chúng nhân dân tham gia triển khai các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.
Yêu cầu các Sở, ban ngành của tỉnh liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; Hàng năm, tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế - Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về vệ sinh ATTP./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về việc tiếp tục đấy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
Số hiệu: | 06/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký: | Nguyễn Văn Đọc |
Ngày ban hành: | 01/04/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về việc tiếp tục đấy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
Chưa có Video