BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-BYT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ VONG MẸ, TỬ VONG SƠ SINH
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, tử vong bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền; tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em có xu hướng chậm lại; Tử vong sơ sinh vẫn còn cao và chiếm khoảng 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Trong thời gian gần đây, tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh liên quan đến tai biến sản khoa xảy ra khá phổ biến ở một số cơ sở y tế, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Đưa các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh;
b) Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách của địa phương nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ chuyên ngành sản, nhi về công tác tại các vùng khó khăn; Thực hiện chính sách đối với cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
c) Chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành Y tế và các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp hướng tới thực hiện các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em, của Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Giám đốc Sở Y tế tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở địa phương; Chỉ đạo và phối hợp với các ban ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017-2020, trong đó ưu tiên thực hiện giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh (TVM, TVSS) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt;
b) Thiết lập, vận hành “Đường dây nóng về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa”; Tăng cường phối kết hợp, hỗ trợ, hội chẩn liên chuyên khoa khi có “báo động đỏ” của hệ thống sản khoa như: sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê, huyết học truyền máu, tim mạch, nội tiết...; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa tại địa phương, rà soát và nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện của các cơ sở khám, chữa bệnh sản khoa, nhi khoa tuyến tỉnh; những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định phải được kịp thời củng cố, tăng cường hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ, Quan tâm đầu tư cho các bệnh viện huyện ở xa trung tâm tỉnh để có thể thực hiện chăm sóc sản khoa thiết yếu toàn diện (mổ đẻ và truyền máu); ưu tiên cho các nội dung về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh;
c) Củng cố, kiện toàn hoặc thành lập ngay (nếu chưa có) các đơn nguyên sơ sinh thuộc khoa nhi đối với bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện; thành lập đơn vị hồi sức sơ sinh thuộc khoa sơ sinh tại bệnh viện sản - nhi, bệnh viện chuyên khoa sản và bệnh viện nhi tuyến tỉnh;
d) Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tư nhân trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản và các quy định liên quan; kiểm tra giấy phép hoạt động, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến:
a) Thực hiện đúng quy trình khám thai, phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến phù hợp; Theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời. Thực hiện theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ, đỡ đẻ đúng kỹ thuật; can thiệp thủ thuật, phẫu thuật đúng chỉ định. Thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết. Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ;
b) Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ, đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng;
c) Tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; Thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức trong các khoa phòng; đảm bảo chế độ trực đường dây nóng cũng như tuân thủ nghiêm quy chế bệnh viện, quy trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
4. Các bệnh viện được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa:
a) Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Chủ động triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên khoa phụ sản và chuyên khoa nhi theo Đề án đã được Bộ Y tế phê duyệt;
b) Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành về cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh cho cán bộ y tế chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa của các tỉnh. Đối với những địa phương năng lực yếu kém, hay xảy ra tai biến sản khoa cần tổ chức tập huấn theo từng chuyên đề cụ thể; rà soát, yêu cầu Sở Y tế đầu tư nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của công tác làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh.
5. Các Vụ/Cục/đơn vị liên quan của Bộ Y tế:
5.1. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em:
a) Làm đầu mối tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ thành lập hai tiểu ban Giám sát tử vong mẹ và Đáp ứng đặt tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ kỹ thuật cũng như giúp đỡ cải thiện chuyên môn cho các tỉnh;
b) Làm đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ rà soát và tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ thiết lập mạng lưới chỉ đạo tuyến sản/nhi theo vùng/miền/khu vực cũng như có giải pháp tăng cường nhân lực sản/nhi cho các tuyến; huy động các nguồn lực, tập trung hỗ trợ cho tuyến huyện để giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và sơ sinh;
c) Làm đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển giao gói kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực Sản khoa, Nhi khoa;
d) Phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu, kế hoạch đào tạo liên tục và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thực hành chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh;
e) Chỉ đạo và phối hợp với các Bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến về sản khoa tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật, trong đó ưu tiên hướng dẫn việc chăm sóc, theo dõi, xử trí trong và ngay sau đẻ đến 24 giờ, đặc biệt là xử trí cấp cứu chảy máu trong và ngay sau đẻ;
f) Định kỳ tổ chức các hội thảo chuyên đề về hồi sức cấp cứu sản khoa, sơ sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh để chia sẻ kinh nghiệm giữa bệnh viện trung ương và địa phương.
5.2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:
a) Chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa;
b) Phối hợp cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em rà soát, phân công, triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giao gói kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực sản, nhi; kiểm tra các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực sản phụ khoa/Kế hoạch hóa gia đình.
5.3. Vụ Kế hoạch - Tài chính: Xem xét bố trí ngân sách hàng năm; ngân sách hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh tại các bệnh viện huyện.
5.4. Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Làm đầu mối nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng lâu dài và ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ chuyên môn giỏi nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
5.5. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo:
a) Xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt chuẩn đầu ra đối với đào tạo chuyên khoa cho chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa;
b) Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nhân lực y tế xây dựng, rà soát, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo chuyên khoa và đào tạo liên tục đối với chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra do Bộ Y tế ban hành.
5.6. Vụ Truyền thông Thi đua và Khen thưởng:
a) Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương xây dựng tài liệu, kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng chống các tai biến sản khoa;
b) Truyền thông giáo dục y đức, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung và lĩnh vực sản phụ khoa, nhi khoa nói riêng.
5.7. Thanh tra Bộ Y tế: Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật, các quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, nhi khoa.
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo việc triển khai thực hiện về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em). Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đầu mối tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện Chỉ thị và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 09/01/2015.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2017 về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 06/CT-BYT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Nguyễn Thị Kim Tiến |
Ngày ban hành: | 11/08/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2017 về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh do Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video