BỘ
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3370-TT/MTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1995 |
Căn cứ vào Luật bảo vệ môi
trường đã được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 175-CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn
thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ vào Nghị định số 22-CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trên cơ sở quy định tại các văn bản tiêu chuẩn an toàn cháy nổ:
TCVN-2622-78- Tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình.
TCVN-3255-86- An toàn nổ - yêu cầu chung
TCVN-3254-89- An toàn cháy - yêu cầu chung
TCVN-5684-92- An toàn cháy các công trình xăng dầu
TCVN-5654-92- Quy phạm bảo vệ môi trường ở các bến giao nhận dầu thô trên biển.
TCVN-5760-93- Hệ thống chữa cháy yêu cầu về thiết kế lắp đặt và sử dụng.
Để đáp ứng kịp thời những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng Luật bảo vệ môi trường khi xảy ra sự cố môi trường do cháy nổ xăng, dầu. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng, dầu.
1. Hậu quả sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu.
Tuỳ thuộc vào thực tế không gian, thời gian, thời tiết và đặc điểm địa hình nơi xảy ra cháy nổ mà mức độ sự cố môi trường có khác nhau. Hậu quả của sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu thường là nghiêm trọng, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ô nhiễm các thành phần môi trường như đất, nước, không khí, mất cân bằng hệ sinh thái vùng, đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, sức khoẻ của nhiều người trong thời gian nhất định hoặc kéo dài. Vì vậy, khi có sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu xảy ra, ngoài việc phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cứu chữa, phải đồng thời tổ chức triển khai thực hiện việc khắc phục sự cố môi trường theo các quy định của bản hướng dẫn này.
2. Những công việc cần làm trong quá trình khắc phục sự cố môi trường
Mục đích của công việc này là nhằm ngăn chặn kịp thời ảnh hưởng của sự cố cháy nổ xăng dầu tới môi trường. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ xăng dầu phải thực hiện đầy đủ và nhanh chóng những công việc sau đây:
2.1. Công tác thông báo
2.1.1. Tất cả các tổ chức hoặc cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác có liên quan đến xăng dầu khi xảy ra cháy nổ hoặc nhận được tin báo, phát hiện sự cố cháy nổ xăng dầu hoặc rò rỉ đường ống dẫn dầu phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy gần nhất và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương, hoặc thông báo cho tổ chức hoặc cá nhân gần nhất có phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại, fax... Tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm khẩn trương thông báo tiếp tới các cơ quan hữu quan như đơn vị quản lý xăng dầu cấp trên, chính quyền địa phương và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực thuộc tỉnh hoặc thành phố biết để nhanh chóng phối hợp triển khai phương án khắc phục sự cố môi trường.
2.1.2. Trường hợp sự cố cháy nổ xăng dầu xảy ra ở phạm vi rộng lớn như cháy kho xăng dầu, bể chứa, dàn khoan, nhà máy lọc dầu thì cơ quan quản lý đơn vị bị sự cố và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải thông báo ngay về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Bộ Nội vụ để kịp thời có kế hoạch tổ chức phối hợp các lực lượng chữa cháy trong nước hoặc với nước ngoài cùng tham gia khắc phục sự cố.
2.2. Các bước thực hiện:
2.2.1. Khi sự cố cháy nổ xăng dầu xảy ra trước hết phải dừng ngay việc cung cấp xăng dầu vào bất cứ thiết bị nào nằm trong khu vực bị cháy và áp dụng các biện pháp tạo ra vùng ngăn cháy với nguồn xăng dầu phía sau.
2.2.2. Cắt toàn bộ hệ thống điện dẫn vào khu vực cháy.
2.2.3. Tìm mọi cách cứu người bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm.
2.2.4. Sơ tán nhanh chóng số xăng dầu còn lại, các phương tiện, tài sản quý hiếm và dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
2.2.5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương có quyền huy động nhân lực, vật tư, thiết bị trong phạm vi địa phương mình để nhanh chóng khắc phục sự cố. Kinh phí thanh toán cho các chi phí này sẽ được hoàn trả sau khi xác định được nguyên nhân gây ra sự cố. Trong trường hợp sự cố cháy nổ xăng dầu xảy ra trong phạm vi nhiều địa phương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương nơi xảy ra sự cố cùng phối hợp để khắc phục.
2.2.6. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương tổ chức tiến hành điều tra, quan trắc đánh giá mức độ và phạm vi gây ô nhiễm môi trường, thống kê và đánh giá thiệt hại về kinh tế, dự báo khả năng xảy ra dịch bệnh.
2.2.7. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương tổ chức theo dõi các biến động về môi trường, kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án và kế hoạch phục hồi môi trường.
2.2.8. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức hoặc cá nhân gây ra sự cố phải giải quyết trợ cấp ban đầu cho các gia đình gặp khó khăn về kinh tế do sự cố môi trường. Số tiền này sẽ được hoàn trả ngay sau khi xác định nguyên nhân và trách nhiệm bồi thường.
2.2.9. Trường hợp sự cố môi trường xảy ra đặc biệt nghiêm trọng thì Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý khẩn cấp.
3. Xây dựng hồ sơ pháp lý xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
3.1. Việc bồi thường các thiệt hại về môi trường đã được quy định ở Điều 7 của Luật bảo vệ môi trường.
3.2. Toàn bộ thiệt hại về môi trường và chi phí khắc phục sự cố môi trường theo Điều 52 của Luật bảo vệ môi trường do tổ chức hoặc cá nhân gây ra sự cố môi trường chịu trách nhiệm thanh toán bao gồm các khoản sau:
- Chi phí cho việc huy động các lực lượng và phương tiện đến ứng cứu sự cố.
- Chi phí cho công tác điều tra khảo sát thu thập số liệu, phân tích mẫu làm căn cứ đánh giá thiệt hại về môi trường.
- Bồi thường thiệt hại về kinh tế.
- Bồi thường thiệt hại về sức khoẻ con người.
- Bồi thường chi phí phục hồi về môi trường.
3.3. Nội dung cơ bản của thủ tục pháp lý đòi bồi thường:
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng thu thập đầy đủ chứng cứ để lập hồ sơ đòi bồi thường. Trong quá trình thụ lý, các địa phương cần trao đổi ý kiến, phối hợp với Cục Môi trường và cơ quan chuyên môn về pháp luật hoặc sử dụng tư vấn về luật pháp quốc tế nếu cần thiết.
Nội dung cơ bản tiến hành làm các thủ tục pháp lý bao gồm:
- Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân đòi bồi thường.
- Tên, địa chỉ cơ quan, thủ trưởng tổ chức, cá nhân gây ra sự cố cháy nổ xăng dầu.
- Thời gian và nơi xảy ra sự cố cháy nổ xăng dầu.
- Mô tả tóm tắt về diễn biến và tiến trình các công việc đã thực hiện để khắc phục sự cố cháy nổ xăng dầu.
- Chi phí cho các nguồn nhân lực, vật lực đã được huy động tham gia ứng cứu sự cố cháy nổ.
- Loại xăng, dầu, số lượng xăng, dầu đã bị phá huỷ.
- Diện tích lan toả bị ô nhiễm.
- Bản thống kê các chi phí cho việc phục hồi môi trường. - Số người chết và bị thương do sự cố cháy nổ xăng, dầu.
- Giá trị thiệt hại về kinh tế do sự cố cháy nổ xăng, dầu và ô nhiễm môi trường bao gồm: nhà, thiết bị máy móc, tài sản quý hiếm, gia súc, gia cầm, hoa mầu, đất canh tác bị huỷ hoại do ô nhiễm...
- Bản đánh giá về mức độ và phạm vi ô nhiễm môi trường, các số liệu để so sánh phải căn cứ vào các tiêu chuẩn của nước Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đang hiện hành.
- Bản dự báo về nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và khả năng suy thoái môi trường trong tương lai.
- Các mẫu vật làm bằng chứng lấy tại hiện trường, các phim ảnh, băng hình và sơ đồ mô tả hiện trường xảy ra sự cố.
Việc khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng, dầu thường là rất khó khăn và phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố vật chất và kỹ thuật.
Do vậy, công tác tổ chức điều hành và thực hiện công tác này phải rất kịp thời, nhanh chóng và khoa học.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng là cơ quan đầu mối giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành khắc phục sự cố môi trường.
Trong khi chờ đợi thành lập quỹ dự phòng quốc gia để khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, sự cố môi trường nói chung việc thanh toán các chi phí trong quá trình khắc phục sự cố cháy nổ xăng, dầu được lấy từ ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch của của các Bộ, ngành, địa phương của khoản kinh phí dự phòng sự cố môi trường. Số tiền này sẽ được hoàn trả vào quỹ dự phòng quốc gia hoặc ngân sách Nhà nước sau khi xác định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo để các ngành, các địa phương nghiên cứu và chủ động tổ chức thực hiện hướng dẫn này, trong quá trình thực hiện phải thường xuyên thông báo cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về tình hình triển khai và thực hiện của mình.
Thông tư hướng dẫn tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày ký.
|
Phạm Khôi Nguyên (Đã ký) |
Thông tư 3370-TT/MTg-1995 hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
Số hiệu: | 3370-TT/MTg |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
Người ký: | Phạm Khôi Nguyên |
Ngày ban hành: | 22/12/1995 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 3370-TT/MTg-1995 hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
Chưa có Video