TỔNG
CUC HÓA CHẤT |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 2094-HC/QLKT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 1971 |
HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ CUNG CẤP Ô-XY
Trong Quyết định số 16-TTg ngày
18-01-1971, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng cục Hóa chất thống nhất quản
lý và cung cấp ô-xy để đáp ứng nhu cầu cho các ngành và địa phương.
Để thi hành quyết định ấy và để công tác quản lý kế hoạch, quản lý kỹ thuật sản
xuất ô-xy và cung cấp ô-xy cho các Bộ, các ngành (dưới đây gọi tắt là các
ngành) và các địa phương được cân đối, đều đặn và kịp thời: sau khi trao đổi thống
nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan, Tổng cục Hóa chất
ra thông tư hướng dẫn và quy định công tác quản lý sản xuất và cung cấp ô-xy
như sau.
1. Công tác lập kế hoạch đối với các ngành không có máy sản xuất ô-xy:
a) Ðể có cơ sở lập kế hoạch dài hạn về sản xuất và cung cấp ô-xy, các ngành, các địa phương phải gửi cho Tổng cục Hóa chất kế hoạch dài hạn về nhu cầu ô-xy của ngành mình, địa phương mình vào cuối năm trước một năm của năm đầu năm kế hoạch dài hạn.
b) Hàng năm, các ngành, các địa phương lập kế hoạch nhu cầu ô-xy cho năm kế hoạch và dự kiến nhu cầu cho năm sau (ghi rõ nhu cầu theo khu vực: Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phú để tiện việc phân phối theo khu vực) gửi cho Tổng cục Hóa chất vào tháng 3 năm trước năm kế hoạch.
c) Tổng cục Hóa chất tổng hợp nhu cầu của các ngành, các địa phương và cân đối khả năng sản xuất của mình, dự kiến kế hoạch phân bổ và thông báo cho các ngành, các địa phương biết số lượng ô-xy được cung cấp và nơi cung cấp vào tháng 5 năm trước của năm kế hoạch.
d) Nhận được thông báo của Tổng cục Hóa chất, các ngành, các địa phương hướng dẫn các cơ sở của mình ký hợp đồng nguyên tắc với cơ sở sản xuất ô-xy vào tháng 6 và tháng 7 năm trước năm kế hoạch.
đ) Sau khi có chỉ tiêu kế hoạch chính thức, các cơ sở tiêu thụ ô-xy sẽ ký hợp đồng cụ thể với cơ sở sản xuất ô-xy vào tháng 11 và tháng 12 năm trước năm kế hoạch.
2. Công tác lập kế hoạch đối với các ngành có máy sản xuất ô-xy:
Ðể tận dụng công suất các máy sản xuất ô-xy của các ngành, trong Quyết định số 16-TTg ngày 18-1-1971 có quy định “Nếu các máy của Bộ Quốc phòng, các máy đi theo thiết bị toàn bộ và các máy được Thủ tướng Chính phủ giao cho các ngành khác quản lý không sử dụng hết công suất, Tổng cục Hóa chất có trách nhiệm cùng các Bộ, các ngành đó có kế hoạch sản xuất và phân phối ô-xy để tận dụng cao nhất công suất của thiết bị này”, đồng thời để nắm được nhu cầu ô-xy của các ngành, giúp cho việc lập quy hoạch và kế hoạch cung cấp ô-xy cho các ngành được vững chắc; do đó, yêu cầu các ngành đăng ký cho Tổng cục Hóa chất biết công suất thiết kế và công suất thực tế những máy sản xuất ô-xy của ngành mình. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hóa chất sẽ bàn bạc cụ thể với các ngành để có biện pháp đẩy mạnh sản xuất ô-xy nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành. Các bước tiến hành như sau:
a) Hàng năm, vào tháng 3 năm trước năm kế hoạch các ngành báo cho Tổng cục Hóa chất biết dự kiến kế hoạch sản xuât ô-xy của ngành mình, số lượng ô-xy thừa có thể cung cấp cho các ngành khác, hoặc số lượng ô-xy thiếu cần xin thêm (ghi rõ cung cấp hoặc tiêu thụ theo khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phú để tiện việc điều hòa phân phối).
b) Tổng cục Hóa chất tổng hợp, cân đối và thông báo cho các ngành biết số lượng ô-xy sẽ tiêu thụ (nếu thừa), hoặc sẽ cung cấp thêm (nếu thiếu) và nơi tiêu thụ hoặc nơi cung cấp, vào tháng 5 năm trước kế hoạch.
c) Nhận được thông báo, các ngành hướng dẫn các cơ sở tiêu thụ ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ sở sản xuất ô-xy vào tháng 6 năm trước năm kế hoạch.
d) Sau khi có chỉ tiêu kế hoạch chính thức, các cơ sở tiêu thụ sẽ ký hợp đồng cụ thể với cơ sở sản xuất ô-xy vào tháng 11 và tháng 12 năm trước năm kế hoạch.
Để giảm bớt chi phí lưu thông, các ngành có máy sản xuất ô-xy, không vận chuyển ô-xy từ khu vực này đến sử dụng ở khu vực khác, mà báo cho Tổng cục Hóa chất biết, để Tổng cục Hóa chất nghiên cứu phân phối cho ngành khác tại khu vực gần nhất. Ví dụ: Bộ Giao thông vận tải có máy sản xuất ô-xy đặt tại Hải Phòng, nếu các cơ sở của Bộ Giao thông vận tải ở khu vực Hải Phòng không dùng hết thì Bộ Giao thông vận tải không phân phối cho các cơ sở khác của mình tại khu vực Hà Nội, mà giao cho Tổng cục Hóa chất phân phối cho các ngành khác có yêu cầu cung cấp ô-xy tại Hải Phòng và sẽ được nhận phân phối lại lượng ô-xy khác tại khu vực Hà Nội.
a) Trường hợp do thay đổi kế hoạch sản xuất, các ngành, các địa phương cần tăng, hoặc giảm nhu cầu ô-xy (đối với các ngành có máy sản xuất ô-xy có thể tăng hoặc giảm việc cung cấp ô-xy cho ngành khác) trong 6 tháng cuối năm, thì gửi kế hoạch yêu cầu điều chỉnh cho Tổng cục Hóa chất vào tháng 5 năm kế hoạch.
b) Tổng cục Hóa chất tổng hợp, cân đối và thông báo cho các ngành, các địa phương vào đầu quý III năm kế hoạch.
c) Nhận được thông báo kế hoạch điều chỉnh, các ngành, các địa phương hướng dẫn các cơ sở tiêu thụ ký hợp đồng bổ sung với cơ sở sản xuât vào tháng 7 và tháng 8 năm kế hoạch.
a) Các trường hợp do thay đổi kế hoạch sản xuất đột xuất, yêu cầu phải cung cấp thêm hoặc ngừng cung cấp ô-xy với khối lượng lớn, trong thời gian dài (đối với các ngành có máy sản xuất ô-xy thì trường hợp máy hỏng đột xuất phải ngừng cung cấp lâu), vượt ngoài hợp đồng cụ thể đã ký kết, thì các ngành, các địa phương phải báo cáo ngay cho Tổng cục Hóa chất biết, để Tổng cục Hóa chất có kế hoạch điều hòa ô-xy đột xuất giữa các ngành, các địa phương.
b) Trường hợp cơ sở sản xuất ô-xy hoặc cơ sở tiêu thụ ô-xy vi phạm hợp đồng cụ thể đã ký kết giữa 2 bên, gây thiệt hại đến sản xuất của bên này hoặc bên kia, thì bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị gây thiệt hại theo hợp đồng đã quy định.
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ KỸ THUẬT, ĐÀO TẠO CÁN BỘ VÀ CÔNG NHÂN
Tất cả các ngành có sản xuất ô-xy, đều phải sản xuất ô-xy theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Tổng cục Hóa chất cùng với Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm ô-xy, quy phạm sản xuất ô-xy trình Chính phủ ban hành, đồng thời có trách nhiệm đi sát các cơ sở sản xuất ô-xy của các ngành, kiểm tra tiêu chuẩn sản phẩm và quy phạm, quy trình sản xuất, hướng dẫn, giúp đỡ các biện pháp nâng cao chất lượng và số lượng ô-xy.
2. Quản lý vận hành và sửa chữa thiết bị sản xuất ô-xy:
a) Các ngành có máy sản xuất ô-xy, tự quản lý vận hành và sửa chữa các máy đó. Trường hợp không tự sửa chữa lớn được, nếu yêu cầu Tổng cục Hóa chất sửa chữa thì gửi kế hoạch cho Tổng cục Hóa chất vào tháng 3 năm trước năm kế hoạch.
b) Nhận được yêu cầu sửa chữa của các ngành, Tổng cục Hóa chất cử cán bộ đến cơ sở sản xuất ô-xy của các ngành để kiểm tra, xem xét tình hình hoạt động của máy móc, thiết bị; nghiên cứu bố trí lịch sửa chữa và thông báo cho các ngành thiết biết vào quý III trước năm kế hoạch.
c) Nhận được thông báo của Tổng cục Hóa chất các cơ sở có máy sản xuất ô-xy đến ký hợp đồng cụ thể với Nhà máy dưỡng khí Yên -viên vào tháng 11 và tháng 12 năm trước năm kế hoạch.
d) Trường hợp các máy hư hỏng đột xuất mà không thể tự sửa chữa được thì các cơ sở sản xuất ô-xy có thể trực tiếp yêu cầu Nhà máy dưỡng khí Yên-Viên đến kiểm tra, hướng dẫn sửa chữa hoặc sửa chữa giúp và thanh toán các khoản chi phí cho Nhà máy dưỡng khí Yên -Viên.
3. Kiểm tra và sơn chai đựng ô-xy
a) Tổng cục Hóa chất giao cho Nhà máy dưỡng khí Yên -Viên chịu trách nhiệm kiểm tra chai và sửa chữa chai cho ngành mình và cho các ngành (nếu ngành đó không có bộ phận kiểm tra và sửa chữa chai).
b) Tất cả các cơ sở sản xuất ô-xy phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra chai, thời gian quy định giữa 2 lần kiểm tra là 5 năm. Khi hết thời hạn quy định, các đơn vị quản lý chai phải kiểm tra lại hoặc mang đến Nhà máy dưỡng khí Yên Viên để kiểm tra lại, (khi nào có thêm cơ sở kiểm tra chai, Tổng cục Hóa chất sẽ thông báo cho các ngành mang chai đến kiểm tra ở nơi gần nhất). Hàng năm, các đơn vị quản lý chai phải ký hợp đồng kiểm tra chai với Nhà máy dưỡng khí Yên -viên (nếu yêu cầu Nhà máy dưỡng khí Yên Viên kiểm tra) vào quý IV năm trước năm kế hoạch. Chai kiểm tra xong phải sơn lại mầu xanh da trời theo mẫu quy định của Nhà nước và đóng dấu ngày, tháng, năm kiểm tra. Chai mới cũng phải qua kiểm tra, sơn lại (nếu mẫu không đúng theo mẫu quy định) và đóng dấu kiểm tra mới được sử dụng. Các đơn vị sản xuất ô-xy không được nạp ô-xy vào những chai đã hết hạn kiểm tra hoặc những chai không thuộc đơn vị mình quản lý. Trường hợp vi phạm để xảy ra tai nạn thì đơn vị nạp ô-xy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Các cơ sở sản xuất ô-xy và các cơ sở tiêu thụ ô-xy phải thi hành đúng những điều quy định trong quy phạm tạm thời về “chế tạo và sử dụng các thiết bị chịu áp lực”, theo quyết định số 239-LB/QĐ ngày 15-10-1968 của Bộ Lao động và Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành.
Tổng cục Hóa chất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động kiểm tra kỹ thuật an toàn các cơ sở sản xuất ô-xy của các ngành và tự kiểm tra các cơ sở của ngành mình để chấp hành đúng quy phạm an toàn về sản xuất ô-xy
5. Đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật:
Các ngành có máy sản xuất ô-xy, có thể gửi cán bộ và công nhân kỹ thuật cho Tổng cục Hóa chất đào tạo giúp theo hình thức kèm cặp tại xí nghiệp. Ngoài ra, khi cần thiết, Tổng cục Hóa chất có thể cung cấp cán bộ và công nhân kỹ thuật về sản xuất ô-xy cho các ngành theo sự thỏa thuận của hai bên.
III. QUẢN LÝ VẬT TƯ KỸ THUẬT VÀ GIÁ BÁN Ô-XY
1. Mua phụ tùng thay thế, mua chai đựng ô-xy và thiết bị mới:
a) Hàng năm, các ngành lập kế hoạch dự trù xin kim ngạch để mua phụ tùng thay thế, mua thêm chai và máy mới của nước ngoài; đồng thời báo cho Tổng cục Hóa chất biết, Tổng cục Hóa chất có trách nhiệm xem xét, kiểm tra và đề xuất ý kiến với Chính phủ về việc nhập thêm vật tư kỹ thuật cho các ngành, và tổng hợp, đặt hàng, thông báo cho các ngành biết kết quả về ký hợp đồng đặt hàng với Bộ Ngoại thương; khi hàng về Tổng cục sẽ báo cho các ngành đến nhận tại ga, cảng hoặc tại kho của Tổng cục Hóa chất.
b) Tổng cục Hóa chất chịu trách nhiệm nhập toàn bộ van để thay thế khi sửa chữa chai của ngành mình và của các ngành .
c) Đối với phụ tùng đặt mua trong nước dùng cho sửa chữa các thiết bị sản xuất ô-xy của ngành nào thì ngành đó trực tiếp đặt với các ngành có liên quan.
a) Tổng cục Hóa chất chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ chai đựng ô-xy và chỉ cung cấp cho các ngành có máy sản xuất ô-xy theo kế hoạch và theo kim ngạch của ngành đó đặt mua hàng năm.
b) Các cơ sở tiêu thụ ô-xy sẽ thuê chai đựng ô-xy tại cớ sở sản xuất ô-xy. Để tiện việc quản lý chai đựng ô-xy, các đơn vị được cung cấp ô-xy ở nhà máy nào thì thuê chai tại nhà máy đó, không được đem chai của nhà máy này đến nạp ô-xy ở nhà máy khác.
a) Các ngành có máy sản xuất ô-xy đã bán ô-xy theo giá nào thì vấn tiếp tục bán theo giá đó cho đến khi có giá quy định thống nhất.
b) Tổng cục Hóa chất phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Vật giá nghiên cứu xây dựng và ban hành giá bán buôn công nghiệp của ô-xy.
c) Sau khi có giá bán buôn công nghiệp của ô-xy, các ngành phải bán ô-xy theo giá quy định thống nhất.
Trên đây là những điều hướng dẫn và quy định về công tác quản lý sản xuất và cung cấp ô-xy, Tổng cục yêu cầu các ngành, các địa phương tiêu thụ ô-xy và các ngành có máy sản xuất ô-xy thực hiện đúng những điều quy định trong thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thi hành, nếu gặp những khó khăn mắc mứu gì đề nghị các ngành các địa phương phản ánh cho Tổng cục Hóa chất biết để nghiên cứu và hướng dẫn thêm.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Thông tư 2094-HC/QLKT-1971 hướng dẫn công tác quản lý sản xuất và cung cấp ô-xy do Tổng cục hóa chất ban hành
Số hiệu: | 2094-HC/QLKT |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Tổng cục hoá chất |
Người ký: | Hoàng Hữu Bình |
Ngày ban hành: | 30/09/1971 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 2094-HC/QLKT-1971 hướng dẫn công tác quản lý sản xuất và cung cấp ô-xy do Tổng cục hóa chất ban hành
Chưa có Video