VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ TĨNH VỀ HIỆN TƯỢNG HẢI SẢN CHẾT BẤT THƯỜNG
Ngày 24 tháng 4 năm 2016, tại tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực tế tại xã Kỳ Hà và phường Kỳ Phương thuộc thị xã Kỳ Anh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường trên địa bàn tỉnh. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, đồng chí Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tình hình thủy, hải sản chết, công tác chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả; ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong Khoảng thời gian từ ngày 06 đến ngày 18 tháng 4 năm 2016, tại khu vực ven biển thuộc địa phận các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng (cá, tôm, ngao) và thủy, hải sản tự nhiên chết bất thường, không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ với những thiệt hại của người dân do tác động tiêu cực của việc cá chết bất thường trong vùng gây ra và đánh giá cao sự cố gắng, sâu sát, vào cuộc kịp thời của chính quyền các tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác chỉ đạo xử lý, các cơ quan báo chí, truyền thông đã rất có trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, theo sát tình hình vụ việc. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các Bộ, các địa phương liên quan đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, tổ chức thu gom, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi, khai thác phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống. Đến nay tình hình cơ bản đã ổn định, tình trạng cá chết đã giảm, vệ sinh môi trường được bảo đảm; một số lồng nuôi người dân thả thử nghiệm cá giống đã sống bình thường.
Tuy nhiên, do đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta, có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên trong quá trình xử lý ban đầu vẫn còn bị động, lúng túng. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, hệ thống quan trắc môi trường còn hạn chế lại chưa được kết nối liên thông giữa cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nên công tác kiểm soát môi trường còn chưa kịp thời, thiếu chính xác và chưa thường xuyên.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để khẩn trương xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, xử lý, khôi phục hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, ổn định cuộc sống của bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an...) khẩn trương xác định nguyên nhân làm thủy, hải sản chết bất thường, bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, thận trọng và nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2575/VPCP-KTN và Công văn số 2760/VPCP-KTN ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ. Trường hợp cần thiết, yêu cầu thuê các tổ chức tư vấn, khoa học và các chuyên gia nước ngoài để thực hiện. Trường hợp nguyên nhân là do các vi phạm của tổ chức, cá nhân thì phải Điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, quan trắc, thí nghiệm mẫu nước biển, mẫu cá tại các khu vực bị ảnh hưởng của các tỉnh, xác định, kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực thời Điểm phù hợp để tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.
- Trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các địa phương để chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động nhằm phục vụ kiểm tra giám sát môi trường và kết nối với hệ thống giám sát tự động của tỉnh; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan kỹ thuật chuyên môn ở các địa phương trong việc xây dựng Trạm quan trắc để kiểm soát độc lập về môi trường và thiết lập hệ thống cập nhật dữ liệu quan trắc tự động đối với các cơ sở sản xuất, các dự án có thải chất thải ra môi trường.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất.
- Trong khi chờ xác định nguyên nhân làm cá chết; căn cứ tình hình thực tế, kịp thời hướng dẫn các địa phương và bà con ngư dân chủ động các phương án để tiếp tục khôi phục sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền chính xác, khách quan, đầy đủ, có cơ sở khoa học, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống của người dân.
4. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
- Kịp thời thống kê đầy đủ các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo chính xác, đúng thực tế; chủ động thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại nặng nề đảm bảo người dân ổn định cuộc sống.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thời Điểm phù hợp để chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản;
- Chỉ đạo các doanh nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện đúng các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ động rà soát, tự kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của cơ sở mình, đảm bảo đúng quy định, tự giác chủ động báo cáo với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố môi trường để kịp thời xử lý; phối hợp, tạo Điều kiện cho các cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường tại cơ sở của mình.
6. Để việc bảo vệ môi trường đạt kết quả, giảm thiểu các tác hại do chất thải từ các cơ sở sản xuất, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc độc lập của địa phương nhất là đối với các cơ sở sản xuất có thải ra các chất thải, nước thải ra môi trường. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 67/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 67/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 28/04/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 67/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video