VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 488/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2017 |
Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trực tiếp đi thị sát, làm việc với tỉnh Yên Bái về tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ. Cùng dự buổi làm việc có đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Tư lệnh Quân khu 2; về phía địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình mưa lũ, công tác ứng phó, khắc phục và các đề xuất kiến nghị của địa phương, ý kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và của lãnh đạo một số Bộ, cơ quan có liên quan, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận chỉ đạo như sau:
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 10 tháng 10 năm 2017 tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300 đến 400 mm, một số nơi trên 600mm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái một số nơi cũng đã có mưa rất to.
Mưa lớn kéo dài đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân, cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Thống kê đến ngày 13 tháng 10 năm 2017, mưa lũ đã làm 93 người chết và mất tích, thiệt hại nghiêm trọng nhất về người là tại các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái và Thanh Hóa (tại Yên Bái 22 người chết và mất tích, trong đó vẫn còn 16 người chưa được tìm thấy; 73 nhà bị sập trôi, trên 1.700 nhà bị ngập lũ; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, cầu cống, đê kè, công trình thủy lợi bị phá hủy; hàng trăm ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại). Đây là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái mùa, đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các tổ chức, cơ quan của tỉnh đã chủ động tới các địa bàn xung yếu trực tiếp chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; đã kịp thời di dời 452 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu được 30 người trong tình trạng nguy cấp khi mưa lũ,... qua đó đã góp phần hạn chế được thiệt hại. Ngay sau thiên tai, đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân, dọn vệ sinh môi trường,...
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào và cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn; biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy, chính quyền, nhất là lực lượng vũ trang, các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân địa phương trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ.
3. Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Hiện nay bão số 11 đang hoạt động trên biển Đông và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, thời tiết, mưa lũ được dự báo còn diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Yên Bái cần tập trung chỉ đạo khắc phục khẩn trương hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2017, trong đó tập trung một số biện pháp cấp bách như sau:
a) Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó kịp thời, đặc biệt lưu ý đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tiếp tục xảy ra do đất đã bão hòa nước. Tiếp tục rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là một số khu dân cư ven suối Thia, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
b) Huy động lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể và nhân dân tiếp tục tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Công an, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 2 huy động thêm lực lượng, phương tiện nghiệp vụ để hỗ trợ địa phương tìm kiếm những người còn mất tích.
c) Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, vận động các tổ chức, cơ quan, đoàn thể ở địa phương phát huy tinh thần tương thân tương ái, tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người có người bị chết, mất tích; hỗ trợ và tổ chức chu đáo việc mai táng người bị thiệt mạng, nhất là đối với những người bị nạn không còn người thân thích; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, ốm đau, bệnh tật.
d) Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tổ chức việc cứu chữa miễn phí cho những người bị thương, khám chữa bệnh cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; triển khai, hướng dẫn tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.
đ) Chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu để bảo đảm an toàn, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
e) Huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên,... tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng sau lũ, nhất là tại các khu vực vừa qua bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, không để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ. Giao Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng (Quân khu 2), Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo, huy động bổ sung lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu của địa phương.
g) Khẩn trương khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho người dân, học tập cho học sinh; khôi phục công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao triển khai hỗ trợ địa phương sớm khắc phục hậu quả mưa lũ.
h) Ngành giao thông vận tải chỉ đạo triển khai phương án khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông, nhất là trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, các trục giao thông chính, chủ động điều tiết giải tỏa các điểm còn ách tắc do sạt lở, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
i) Tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm những phát sinh ngay từ cơ sở.
k) Rà soát thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ; trước mắt, tỉnh chủ động tạm ứng ngân sách của địa phương triển khai thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cho người dân theo quy định; ngân sách Trung ương sẽ cân đối, hỗ trợ địa phương theo các chính sách chung hiện hành.
4. Về một số đề xuất kiến nghị
a) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cử lực lượng kỹ thuật, chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân hư hại của một số công trình thủy lợi, giao thông, công trình hạ tầng khác, nhất là đối với một số công trình trên suối Thia để có phương án sửa chữa, khắc phục căn cơ, bảo đảm ổn định lâu dài.
b) Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo xử lý sự cố, khắc phục sạt lở, bảo đảm giao thông trên các tuyến Quốc lộ; hỗ trợ dầm cầu bailey và rọ đá để khắc phục, đảm bảo giao thông trên các tuyến trọng yếu, trong đó có cầu Thia; cân đối, đề xuất bố trí kinh phí từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ hỗ trợ địa phương xử lý các tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh.
c) Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổng hợp thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án xử lý hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, trong đó có tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả mưa lũ.
d) Giao Bộ Xây dựng và Tổng công ty xi măng xem xét, xử lý đề nghị hỗ trợ khoảng 3.000 tấn xi măng cho địa phương để sửa chữa các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
đ) Về đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó cần lưu ý rà soát các khu tái định cư để người dân sinh sống ổn định lâu dài, bảo đảm sinh kế.
e) Về đề nghị chuyển 23,9 tỷ đồng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 còn dư của dự án xây dựng tuyến đường Mường La - Mù Cang Chải sang đầu tư dự án sửa chữa cải tạo đường Trạm Tấu - Bắc Yên nhằm khắc phục thế giao thông độc đạo của tuyến đường đi huyện Trạm Tấu: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 488/TB-VPCP năm 2017 về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thị sát tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 488/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 17/10/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 488/TB-VPCP năm 2017 về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thị sát tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video