VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2010 |
Ngày 12 tháng 01 năm 2010, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 và triển khai kế hoạch công tác năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2009 và kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC NĂM 2009
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, năm 2009 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế (tăng trưởng GDP 5,32%), ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... giữ vững ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, giải quyết được nhiều bức xúc, yêu cầu của nhân dân.
Trong năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đều có bước phát triển (cả về xây dựng thể chế và chính sách, về tổ chức chỉ đạo, điều hành), góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Tuy nhiên, năm 2009 có 5/22 chỉ tiêu cơ bản chưa đạt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu về môi trường (tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch).
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nước ta ngày càng đặt ra yêu cầu phải bảo vệ môi trường, là yếu tố bảo đảm cho phát triển bền vững. Chính phủ cũng đã xác định tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong 08 nhóm giải pháp quan trọng trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2010. Ngành Tài nguyên và Môi trường phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quan trọng này, đánh giá nguyên nhân, tồn tại, bám sát thực tiễn, xây dựng thể chế, chính sách, điều hành quyết liệt, linh hoạt nhằm tạo ra chuyển biến tích cực ngay trong năm 2010 và những năm tiếp theo.
II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2010 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, của Chiến lược 10 năm 2001 - 2010, cũng là năm đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có việc tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về tài nguyên và môi trường, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, hướng về địa phương cơ sở; kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức quản lý tài nguyên và môi trường các cấp nhằm phát huy tối đa sức mạnh tập thể, hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động của bộ máy;
- Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế;
- Đẩy mạnh tham gia đóng góp vào tăng trưởng, phát triển bền vững đất nước; nhanh chóng áp dụng các công cụ kinh tế linh hoạt, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước;
- Đổi mới cơ bản công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đối thoại, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường.
2. Đối với các lĩnh vực quản lý chuyên ngành
a) Về lĩnh vực bảo vệ môi trường:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện tốt các chỉ tiêu về môi trường năm 2010. Phải có kế hoạch khả thi, bố trí ngân sách Trung ương, địa phương nhằm thực hiện cho được các mục tiêu cụ thể, trước hết phải bảo đảm nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần có kế hoạch để bảo vệ nguồn nước trên các hệ thống sông phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tập trung kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết không cho phép triển khai các dự án mới nếu không có phương án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.
Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ để xử lý chất thải, trước hết ở các đô thị, thành phố lớn; năm 2010 giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm từ chất thải công nghiệp, sinh hoạt và y tế; phải tạo bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực môi trường từ năm 2010 và 5 năm sắp tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá hiệu quả hoạt động của các Uỷ ban bảo vệ lưu vực sông, đề xuất giải pháp quản lý tốt các lưu vực sông.
b) Về lĩnh vực quản lý đất đai:
Tập trung hoàn thiện Đề án sửa đổi Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, chủ động rà soát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy hoạch đất lúa của cả nước đến năm 2020 nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm đất cho phát triển công nghiệp, đô thị..., trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng, sát với thực tế, tránh chồng chéo, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội, anh ninh, quốc phòng của địa phương và cả nước; qui hoạch của các ngành phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở mỗi cấp. Tập trung công tác kiểm tra quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, việc thực hiện các chính sách về đất đai, quản lý hiệu quả đất công bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách; chủ trì phối hợp với các địa phương giải quyết tốt khiếu nại của nhân dân về đất đai.
Thực hiện tốt công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 trình Quốc hội xét duyệt.
c) Về lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu :
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2020; tăng cường mối quan hệ, phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các địa phương, đặc biệt là trong công tác dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền phổ biến cho nhân dân nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các đề án ứng phó với biến đổi khí hậu (đê biển, đê bao bảo vệ thành phố, phát triển rừng phòng hộ ven biển...) làm cơ sở kêu gọi đầu tư.
d) Về lĩnh vực địa chất và khoáng sản:
Khẩn trương điều tra tiềm năng khoáng sản, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến một số loại khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn; hình thành ngành sản xuất công nghiệp đối với những khoáng sản có quy mô trữ lượng lớn.
Đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô, tăng cường chế biến sâu, bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính hợp lý nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động khoáng sản.
e) Về lĩnh vực biển và hải đảo:
Tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thu thập số liệu, thông tin, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể, tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; phát triển kinh tế biển, hải đảo kết hợp với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đề xuất phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý biển, đảo của các Bộ, ngành và địa phương ven biển;
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 39/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 39/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 08/02/2010 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 39/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video