UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 58/2009/QĐ-UBND |
Pleiku, ngày 28 tháng 12 năm 2009 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ, quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01
năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị quyết số 20/2009/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng
nhân dân tỉnh khóa IX tại kỳ họp thứ 19 về việc thông qua Quy hoạch thăm dò,
khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn
2010 đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1335/TT-TNMT
ngày 20 tháng 11 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020 thuộc phạm vi quy hoạch và cấp phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh với các nội dung chính sau:
I/ QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH:
1. Quan điểm:
a) Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng là nguồn tài nguyên có hạn và không thể tái tạo được nên cần được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
b) Việc điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn được quản lý, tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu phát triển hiệu quả, bền vững, tiết kiệm phù hợp với tiềm năng khoáng sản, trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch khoáng sản của cả nước, bảo vệ môi trường sinh thái, đúng quy định của pháp luật.
c) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác công nghiệp, quy mô lớn, công nghệ tiên tiến.
d) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về các hoạt động khoáng sản. Tăng cường chế biến sâu và đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư, của nhà nước và của cộng đồng dân cư, đảm bảo trật tự an ninh xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
e) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là quy hoạch mở, có tính định hướng, trong quá trình thực hiện cần được bổ sung, điều chỉnh cập nhật kịp thời. Các khu vực khoáng sản chưa được điều tra, đánh giá và không nằm trong quy hoạch khoáng sản của cả nước tùy theo tình hình thực tế có thể được khảo sát, thăm dò, đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản để lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp cho từng giai đoạn.
2. Nguyên tắc:
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 đến 2020 đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.
b) Bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.
c) Phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền các Bộ, Ngành phê duyệt.
3. Mục tiêu:
a) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh là cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng của Nhà nước quản lý cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc xin cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
b) Đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xác định nhu cầu, trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến giai đoạn 2010 đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản; xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác và chế biến các mỏ trong từng giai đoạn, các mỏ hoặc khu vực dự trữ tài nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Sử dụng lợi thế nguồn tài nguyên sẵn có của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trên địa bàn các huyện còn nhiều khó khăn.
c) Quy hoạch là cơ sở xây dựng bộ bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; trên cơ sở làm rõ các vùng có triển vọng khoáng sản, khu vực khai thác quy mô công nghiệp, khu vực khai thác quy mô nhỏ, khu vực cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cần tiến hành điều tra, khảo sát, thăm dò khoáng sản để phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực khoáng sản của tỉnh.
d) Quy hoạch là cơ sở nhằm định hướng công tác thăm dò địa chất, khai thác, chế biến các loại khoáng sản, đặc biệt tập trung vào một số khoáng sản có triển vọng như: than bùn, vàng, sắt, bauxit, chì-kẽm, magnesit, wolastonit, felspat, fluorit, barit, kaolin, diatomit-trepel, bentonit, thạch anh-gốm, laterit, puzơlan, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, vật liệu san lấp, nước khoáng-nóng...
Trên địa bàn tỉnh các dự án về đo vẽ, lập bản đồ địa chất – khoáng sán còn ít. Bên cạnh bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 phủ trùm toàn tỉnh, thì việc tìm kiếm, đánh giá tài nguyên khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 chỉ mới được thực hiện ở 9 nhóm tờ (khoảng 5.000 km2) thuộc địa bàn các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và một phần các huyện Chư Păh, Kbang và thị xã Ayun Pa.
Do đó, các khu vực mỏ, điểm mỏ, điểm biểu hiện khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng hóa mới phát hiện được 524 điểm tập trung ở các huyện đã được đo vẽ bản đồ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 gồm: than bùn, vàng, sắt, bauxit, chì-kẽm, magnesit, wolastonit, felspat, fluorit, barit, kaolin, diatomit-trepel, bentonit, thạch anh-gốm, laterit, puzơlan, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, vật liệu san lấp, nước khoáng-nóng... (Phụ lục 1).
1. Quy hoạch tìm kiếm đánh giá, thăm dò khoáng sản:
a) Mục tiêu:
Làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất tại Gia Lai; các loại khoáng sản hiện có công nghệ chế biến thích hợp và dự báo có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường thì thực hiện khai thác, chế biến và xuất khẩu.
b) Đối tượng khoáng sản tìm kiếm đánh giá, thăm dò:
- Các mỏ, điểm khoáng sản và vùng khoáng sản dự báo có chất lượng tốt, có trữ lượng lớn, phân bố tập trung; điều kiện khai thác, chế biến, tiêu thụ thuận lợi.
- Các điểm mỏ và vùng khoáng sản phân bố gần các mỏ lớn, các khu mỏ khoáng sản nằm trong khu vực đã được quy hoạch công nghiệp, giao thông, du lịch và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
- Giai đoạn 2010-2015: bao gồm 20 điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản, biểu hiện khoáng hóa như sau: Than bùn, Quặng Vonfram, Cao lanh, Quặng Laterit, Puzơlan, Đá ốp lát, Đá bazan xây dựng, Ryolit xây dựng, Sét gạch ngói, Cát, cuội sỏi (Phụ lục 2).
- Giai đoạn 2016-2020: bao gồm 36 điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản, biểu hiện khoáng hóa như sau: Quặng nhôm, Quặng Vàng – Bạc, Cao lanh, Điatomit, Wolastonit,Quặng Laterit, Puzơlan, Đá ốp lát, Đá bazan xây dựng, Ryolit xây dựng, Sét gạch ngói, Cát, cuội sỏi (Phụ lục 3).
2. Quy hoạch tìm kiếm đánh giá, khai thác khoáng sản:
a) Mục tiêu:
+ Quy hoạch nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng trước hết ưu tiên cho các cơ sở sản xuất đã có và xây dựng tại địa phương nhằm tạo thêm việc làm, nguồn thu cho ngân sách.
+ Quy hoạch nhằm khai thác sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả với trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo tận thu tối đa nguồn tài nguyên và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường phục vụ cho phát triển bền vững.
b) Đối tượng lập quy hoạch tìm kiếm, đánh giá khai thác:
- Quy hoạch khai thác khoáng sản là quy hoạch mở (có thể cập nhật, điều chỉnh, thay đổi) để phù hợp với từng giai đoạn, từng chu kỳ phát triển kinh tế - xã hội hoặc do nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
- Các mỏ đưa vào quy hoạch khai thác là các mỏ có kết quả thăm dò với các số liệu khả quan, tin cậy về trữ lượng, chất lượng và điều kiện khai thác, hoặc dự kiến trữ lượng sẽ có triển vọng khả quan và được làm rõ sau khi thực hiện tìm kiếm đánh giá hoặc thăm dò.
+ Giai đoạn 2010-2015: bao gồm 108 điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản, biểu hiện khoáng hóa như sau: Than bùn, Quặng sắt, Quặng Chì-kẽm, Quặng felspat, Quặng Fluorit (barit), Thạch anh-gốm, Quặng diatomit-trepel, Cao lanh, Quặng dolomit, Thạch anh gốm, Quặng Laterit, Đá vôi, Puzơlan, Đá ốp lát, Đá xây dựng, Sét gạch ngói, Cát, cuội sỏi, đất san lắp (Phụ lục 4).
+ Giai đoạn 2016-2020: bao gồm 27 điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản, biểu hiện khoáng hóa như sau: Quặng Wolfram, Quặng Thiếc, Quặng Vàng – Bạc, Quặng Fluorit (barit), Cao lanh, Quặng Laterit, Đá carbonat, Puzơlan, Đá ốp lát, Đá xây dựng, Sét gạch ngói, Cát, cuội sỏi, đất san lấp (Phụ lục 5).
3. Định hướng chế biến và sử dụng khoáng sản:
- Quy hoạch chế biến khoáng sản là quy hoạch mở (có thể cập nhật, bổ sung, sửa đổi), tất cả phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò, khai thác, phụ thuộc vào nguồn vốn, trình độ công nghệ và khả năng đầu tư của các doanh nghiệp.
- Quy hoạch nhằm đáp ứng và đảm bảo yêu cầu thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp chế biến khoáng sản phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh.
- Đối với khoáng sản có quy mô nhỏ hoặc quặng nghèo cần phải làm giàu trước khi đưa vào chế biến.
Từ các nguyên tắc và các yêu cầu nêu trên có thể định hướng quy hoạch chế biến khoáng sản tỉnh Gia Lai gồm các loại khoáng sản như sau: nhà máy chế biến Đá ốp lát, nhà máy sản xuất Diatomit, nhà máy sản xuất Kaolin, nhà máy tuyển Fluorit, nhà máy chế biến đá bazan, nhà máy chế biến bột carbonat, nhà máy chế biến sợi bông khoáng bazan...
III/ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Tăng cường công tác truyền thông, công khai quy hoạch khoáng sản. Nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp và nhân dân hiểu, tham gia công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, tổ chức bảo vệ chặt chẽ khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản, từng bước hoàn thiện các văn bản quy định pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản: Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp; Quy chế đấu thầu; Quy chế cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với quy định của pháp luật.
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ tỉnh đến huyện đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác hậu kiểm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
3. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản; đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng tinh thần Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản.
4. Tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ, đầu tư kinh phí để đẩy nhanh công tác điều tra, đánh giá toàn bộ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ đó có cơ sở bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý nguồn tài khoáng sản trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế bền vững, lâu dài.
5. Giao cho các ngành chức năng tăng cường công tác cập nhật, bổ sung kịp thời các cơ sở dữ liệu địa chất được nghiên cứu vào quy hoạch, kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp, giải pháp trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đúng với lộ trình quy hoạch, vừa đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh vừa đảm bảo sử dụng tiết kiệm có hiệu nguồn tài nguyên cho tương lai.
6. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:
Để thực hiện thành công các nội dung đã đề ra trong quy hoạch dự kiến cần có nguồn đầu tư tài chính rất lớn (chưa tính giá trị tiền sử dụng đất và nhà xưởng) nhằm phục vụ cho tìm kiếm đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở dự kiến nguồn vốn cần đầu tư nêu trên đòi hỏi phải thực hiện các chính sách, biện pháp huy động tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, cụ thể như sau:
- Xác định những loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, có nhiều nhà đầu tư tham gia thì có thể thực hiện việc đấu thầu để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế.
- Công bố rộng rãi danh mục, tài nguyên các mỏ đã quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư thăm dò và tổ chức khai thác phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
7. Các giải pháp nhằm thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản:
- Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trong tất cả các lĩnh vực hoạt động khoáng sản, bắt đầu từ công nghệ điều tra, tìm kiếm, đánh giá khoáng sản đến công nghệ khai thác khoáng sản, công nghệ tuyển làm giàu khoáng sản, công nghệ chế biến từ khoáng sản ra các loại bán thành phẩm và thành phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các hoạt động khoáng sản, bao gồm:
+ Đầu tư công nghệ tiên tiến giúp đánh giá một cách chính xác chất lượng, trữ lượng các khoáng sản chính và các khoáng sản đi kèm của vùng mỏ; nâng cao giá trị khoáng sản của vùng mỏ.
+ Các giải pháp công nghệ hướng vào việc chế biến sâu từ khoáng sản trên địa bàn tỉnh tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao phục vụ cho tiêu dùng hoặc xuất khẩu như: gạch nhẹ, gạch cách âm cách nhiệt; bê tông nhẹ, cấu kiện bê tông chống cháy; sợi bông khoáng hoặc các vật liệu compozit; các loại gạch và vật liệu chịu lửa…
- Tổ chức nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản giai đoạn sau khi kết thúc khai thác;
- Áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị của sản phẩm sau chế biến, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản. Tăng cường chế biến sâu đối với các loại khoáng sản như: than bùn, vàng, sắt, bauxit, chì-kẽm, magnesit, wolastonit, felspat, fluorit, barit, kaolin, diatomit-trepel, bentonit, thạch anh-gốm, laterit, puzơlan, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, vật liệu san lấp, nước khoáng-nóng…
8. Các giải pháp bảo vệ môi trường:
- Xây dựng quy chế ký quỹ môi trường bắt buộc đối với các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn. Có những chế tài mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp quỹ đúng theo quy định.
- Hỗ trợ một phần vốn ngân sách cho việc xây dựng một số công trình trọng điểm xử lý nước thải, hoàn thổ khai trường, phục hồi đất nông nghiệp và lâm nghiệp.
- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát môi trường. Thành lập bộ phận chuyên trách, có đầy đủ điều kiện trang thiết bị và nhân lực để theo dõi và quản lý môi trường.
- Hình thành quỹ bảo vệ môi trường để chi cho các hoạt động kiểm tra, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, hoặc hỗ trợ thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.
1. Sở Tài nguyên Môi trường:
- Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; định kỳ cập nhập tình hình thực hiện và điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và lộ trình hội nhập quốc tế. Đề xuất các giải pháp để phát triển ổn định và bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
- Cập nhập, bổ sung và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2020 để làm cơ sở tổ chức công tác điều tra cơ bản địa chất, thăm dò khoáng sản kịp thời và trên diện tích hợp lý.
- Củng cố và hoàn thiện tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước và thanh tra nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với các Sở: Công Thương, Xây dựng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản cho phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật.
- Chấn chỉnh lại việc cấp phép khai thác tài nguyên theo luật định và theo định hướng của bản quy hoạch này.
2. Sở Công Thương:
- Tổ chức và hoàn thiện công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn trong phạm vi quản lý của mình.
- Chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ việc thiết kế và thực hiện thiết kế khai thác mỏ, các quy trình, quy phạm trong khai thác mỏ và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
- Nghiên cứu đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích việc đầu tư các thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và thu được sản phẩm sau chế biến có chất lượng tốt nhất.
- Phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác xúc tiến đầu tư ở lĩnh vực khoáng sản.
- Tham gia thẩm định các dự án, thiết kế khai thác và chế biến khoáng sản, các báo cáo tác động môi trường của các dự án khai thác và chế biến khoáng sản theo quy định.
3. Sở Xây dựng:
- Tổ chức và hoàn thiện công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn trong phạm vi quản lý của mình.
- Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm công tác xúc tiến đầu tư.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đến hoạt động khoáng sản thực hiện công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản.
- Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho các hoạt động khoáng sản.
5. Công an tỉnh:
- Giúp UBND tỉnh giám sát chặt chẽ việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; phát hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý về các vấn đề liên quan về hoạt động khoáng sản với các cơ quan quản lý nhà nước.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về môi trường của các đơn vị hoạt động khoáng sản.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức tốt việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa đưa vào khai thác trên địa bàn.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường đến quần chúng, nhân dân.
- Tích cực hỗ trợ các tổ chức và cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn.
- Giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm luật pháp về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Ông: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH |
Quyết định 58/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu: | 58/2009/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Gia Lai |
Người ký: | Phạm Thế Dũng |
Ngày ban hành: | 28/12/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 58/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
Chưa có Video