Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/2004/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ KHAI THÁC MĂNG TRE ĐIỀM TRÚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quy chế lập, xét duyệt và ban hành tiêu chuẩn ngành ban hành kèm theo Quyết định số 135/1999-QĐ-BNN-KHCN ngày 01 tháng 10 năm 1999;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và ông Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này tiêu chuẩn ngành 04TCN 69-2004: "Quy phạm kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác măng tre Điềm trúc (Dendrocalamus Latiflorus Munro)";

Điều 2: Tiêu chuẩn trên có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo;

Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
 THỨ TRƯỞNG
 



Bùi Bá Bổng

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 69 - 2004

QUI PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ KHAI THÁC MĂNG TRE ĐIỀM TRÚC.
Tên khác: Ma trúc, Bát Độ
(Tên khoa học: Dendrocalamus latiflorus Munro)
(ban hành kèm theo quyết định số: 51/2004/qđ-bnn ngày 19 tháng 10 năm 2004)

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Nội dung

Qui phạm này qui định những giải pháp kỹ thuật từ khâu xác định điều kiện gây trồng, nhân giống, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý bảo vệ đến khai thác măng tre Điềm trúc.

1.2. Mục tiêu

Qui phạm này qui định trồng tre Điềm trúc nhằm khai thác sản phẩm chính là măng, đạt năng suất tối thiểu 30tấn/ha/năm kể từ năm thứ 4 trở đi.

1.3. Phạm vi áp dụng

Qui phạm này được áp dụng trong phạm vi cả nước, ở những nơi có điều kiện gây trồng phù hợp và trồng theo phương thức thuần loại.

Qui phạm này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.

2. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG

Các điều kiện thích hợp cho việc gây trồng tre Điềm trúc:

NHÂN TỐ, CHỈ TIÊU

ĐIỀU KIỆN THÍCH HỢP

ĐIỀU KIỆN MỞ RỘNG

Khí hậu

- Nhiệt độ bình quân năm

- Lượng mưa

- Sương muối

 

230 ¸ 250

 1500 - 2000mm

Không có

 

200 ¸ 230, 250 ¸ 270

1100 ¸ 1500 mm

ít

Địa hình

- Độ cao so với mực nước biển

- Độ dốc

 

< 500m

< 250

 

500 ¸ 700 m

Mọi điều kiện địa hình

Đất đai

- Độ dày tầng đất

- Thành phần cơ giới

 

³ 50 cm

Thịt trung bình - thịt nhẹ

Thoát nước tốt

 

30 ¸50 cm

Cát pha

Thoát nước tốt

Thực bì

Mọi dạng thực bì

 

Lưu ý: Không trồng tre điềm trúc trên các loại đất phèn, đất nhiễm mặn, đá ong hoá, đất ngập úng lâu ngày.

3. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

Đối với tre Điềm trúc phương pháp nhân giống thích hợp là bằng cành chiết.

3.1. Tiêu chuẩn chọn cây mẹ và cành chiết

Chọn cây mẹ 12 ¸ 14 tháng tuổi sinh trưởng tốt, không sâu bệnh (thân xanh thẫm, cành lá phát triển đầy đủ).

Chọn cành chiết là cành bánh tẻ, có đường kính gốc cành từ 0,8 cm trở lên, đã rụng 3 ¸ 4 bẹ mo, lá trên cành phát triển đạt kích thước tối đa, không sâu bệnh, dị tật.

3.2. Thời vụ chiết cành: Từ tháng 4 đến tháng 11.

3.3. Kỹ thuật nhân giống

3.3.1. Chuẩn bị công cụ và vật liệu.

Công cụ.

Cưa tay.

Kéo cắt cành.

Dao tông.

Vật liệu.

Đất thịt trung bình sàng nhỏ (mắt sàng 1cm).

Rơm khô băm nhỏ (Tối đa 3cm).

Dây nilon: 12cm x 60cm hoặc 12 cm x 70cm.

Nước sạch.

Thuốc kích thích ra rễ IAA hoặc aNAA.

3.3.2. Tạo hỗn hợp bó bầu chiết

Trộn đất đã sàng nhỏ với rơm băm nhỏ theo tỷ lệ 50% đất + 50% rơm (theo thể tích).

Dùng nước sạch để pha thuốc kích thích với nồng độ 50 ¸100 ppm.

Dùng dung dịch thuốc kích thích trộn vào hỗn hợp đất - rơm tạo thành hỗn hợp đất dẻo (đất nắm vào tay thấy mềm, dẻo, khi nắm chặt đất không dính bết vào lòng bàn tay).

3.3.3. Chiết cành

Dùng kéo cắt phần ngọn của cành chiết, để lại phần hom dài 30 ¸ 40cm kể từ gốc cành, hom phải có 2 mắt, 3 lóng, lóng thứ 3 chừa lại 4 ¸ 5cm.

Dùng dao tông lóc bỏ cành phụ ở 2 bên gốc cành chiết, tránh phạm vào cành và mắt gốc của cành chiết.

Dùng cưa tay cưa phía trên gốc cành chiết sát thân cây mẹ sâu 2/3 đường kính, sau đó cưa phía dưới gốc cành chiết sâu 2mm (vết cắt trên và dưới hợp thành đường thẳng).

Dùng tay bóc sạch lớp bẹ quanh gốc cành chiết.

Dùng 100 ¸ 150 gam hỗn hợp đất dẻo đắp vào gốc cành chiết với độ dài khoảng 5cm.

Dùng dây nilon quấn chặt, kín bầu chiết đảm bảo nước mưa không ngấm ướt bầu và không bị khô khi thời tiết khô hanh.

3.3.4. Tiêu chuẩn cành chiết xuống vườn

Sau 20 ¸ 30 ngày khi bộ rễ đã phát triển hoàn chỉnh, rễ chuyển từ trắng sang trắng đục ngả vàng (nhận biết qua lớp nilon trắng) tiến hành bẻ cành chiết đưa vào nuôi dưỡng tại vườn ươm.

3.4. Nuôi dưỡng cành giống tại vườn ươm

3.4.1. Vườn ươm

Vườn ươm được xây dựng theo tiêu chuẩn ngành 04TCN-52-2002, ban hành kèm theo quyết định số 3588/QĐ-BNN-KHCN ngày 3 tháng 9 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.4.2. Tạo luống

Luống giâm cành trực tiếp: Chiều dài luống theo điều kiện cụ thể vườn ươm, rộng 1,2 ¸ 1,4m, cao 15 ¸ 20 cm, có rãnh thoát nước giữa 2 luống rộng 40cm. Đất mặt luống được cuốc xới tơi xốp trộn đều với phân chuồng hoai, liều lượng 5kg/m2 mặt luống.

Luống nổi xếp bầu: Chiều dài luống theo điều kiện cụ thể vườn ươm, rộng 1,2 ¸ 1,4m, cao 5 ¸ 7 cm, có rãnh thoát nước giữa 2 luống rộng 40cm.

3.4.3. Giâm cành

3.4.3.1. Giâm cành trực tiếp trên luống

Cành chiết được giâm theo rạch sâu 5 ¸ 7 cm với cự li 10cm x10cm (100 cành/m2). Cành chiết được bóc bỏ nilon, đặt nghiêng 60o trong rạch sao cho mắt cành phát triển sang hai bên, lấp đất và lèn chặt vừa phải. Sau khi giâm tưới nước 5 ¸ 8 lít/m2 đều trên mặt luống.

3.4.3.2. Giâm cành vào bầu

Thành phần hỗn hợp ruột bầu:

Đất mặt hoặc tầng B : 69%

Phân chuồng hoai: 30%

Supe lân: 1%.

Vỏ bầu: Dùng túi bầu PE kích thước 14x20cm hoặc 15x22cm.

Đóng bầu và cấy cây: Cho hỗn hợp ruột bầu vào1/3 đáy bầu, dùng tay lèn chặt rồi đưa cành chiết đã bóc bỏ nilon vào bầu, đặt cành chiết nghiêng 80 ¸ 850 trong bầu sao cho nhánh rễ phát triển sang hai bên, tiếp tục cho hỗn hợp ruột bầu lèn chặt đầy bầu nhưng không được làm vỡ bầu.

Xếp bầu: Bầu được xếp chặt trong luống nổi đã tạo sẵn, các hàng bầu xếp theo một hướng so le trên mặt luống, mật độ khoảng 120 bầu/m2. Vun đất cao 2/3 bầu kín hai bên thành luống. Tưới nước 5 ¸ 8 lít/m2 đều mặt bầu.

3.4.4. Chăm sóc cây ươm

Sau khi ươm đảm bảo độ che bóng 60%, chiều cao giàn che 2m trên toàn bộ diện tích ươm giống.

Sau 30 ¸ 40 ngày giảm độ che bóng xuống 30%, sau 60 ¸ 70 ngày còn 15%. Trước khi xuất vườn 15 ¸ 20 ngày dỡ bỏ toàn bộ giàn che.

Tưới nước thường xuyên đủ ẩm cho luống giâm đến khi xuất vườn.

Tiến hành làm cỏ mặt luống, đảo bầu, phá váng mặt luống, mặt bầu theo định kỳ 1 lần/tháng

3.5. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

Cây con được nuôi trong vườn ươm 3 ¸ 4 tháng.

Cây con có bộ lá phát triển, mầu xanh tự nhiên, bộ rễ thứ cấp hoàn chỉnh

Cây con không bị sâu bệnh, dị tật thân, cành lá không dập nát.

4. KỸ THUẬT GÂY TRỒNG

4.1. Thiết kế trồng rừng

Tiến hành khảo sát, đo đạc diện tích, lập bản đồ và dự toán chi phí theo tiêu chuẩn ngành 04 – TCN – 51 – 2001 về qui trình thiết kế trồng rừng được ban hành theo Quyết định số 516 /QĐ-BNN-KHCN ngày 18/02/2002 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4.2. Phương thức, phương pháp và mật độ trồng

4.2.1. Phương thức trồng: Thuần loại

4.2.2. Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con có bầu hoặc không bầu.

4.2.3. Mật độ trồng

Mật độ: 500 cây/ha Cự ly: Cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m.

4.3. Chuẩn bị đất trồng rừng:

4.3.1. Xử lý thực bì: Phát trắng toàn bộ, tiến hành thu gom xác thực vật xếp theo đường đồng mức.

4.3.2. Làm đất: Theo hố.Kích thước hố: 60cm x 60cm x 60cm. Khi cuốc hố để riêng lớp đất mặt dùng cho lấp hố sau này.

4.3.3. Bố trí cây trồng: + Trên đất dốc: Nanh sấu

 + Trên đất bằng: Thẳng hàng

4.3.4. Lấp hố và bón lót:

Dùng cuốc bàn bạt toàn bộ phần đất mặt (đất màu, tơi xốp) xung quanh hố và lớp đất mặt đã để riêng lúc cuốc hố xuống 1/2 ¸ 2/3 chiều sâu hố đào.

Bón lót phân hữu cơ (phân chuồng hoai hoặc phân xanh đã ủ kỹ) với liều lượng 15kg ¸ 30 kg/hố, đảo đều hỗn hợp đất - phân, sau đó lấp một lớp đất mặt (3cm) lên trên để tránh rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân.

4.4. Thời vụ trồng

Miền Bắc: + Vụ xuân: Từ tháng 2 đến tháng 4.

 + Vụ thu: Từ tháng 8 đến tháng 9.

Miền Trung: Từ tháng 8 đến tháng 11.

Miền Nam và Tây Nguyên :Từ tháng 5 đến tháng 9.

Lưu ý: Chọn những ngày có mưa hoặc trời râm mát để trồng cây.

4.5. Kỹ thuật trồng:

4.5.1. Trồng bằng cây con có bầu

Dùng cuốc bàn tạo lỗ chính giữa hố đã được lấp bằng hỗn hợp đất-phân, độ sâu lỗ đảm bảo khi đặt cây giống xuống thì mặt bầu thấp hơn mặt hố từ 4-5 cm.

Xé bỏ vỏ bầu PE, tránh không làm vỡ bầu đất.

Đặt bầu cây xuống hố trồng theo phương thẳng đứng. Nơi đất dốc đặt chiều nghiêng của hom hướng theo đỉnh núi. Nơi đất bằng, đặt chiều nghiêng của hom theo cùng một hướng.

Tiến hành lấp đất: Ba lấp hai dận (ba lần lấp đất chỉ hai lần đầu dận chặt xung quanh bầu, lần 3 không dận để lớp đất mặt tơi xốp và tạo mặt hố sau khi trồng).Vun đất dầy 4-5 cm phủ kín mặt bầu theo hình mâm xôi.

Phủ rơm rạ, cỏ rác quanh gốc cây trên mặt hố để giữ ẩm.

4.5.2. Trồng bằng cây con không có bầu

Đánh cây giống trên luống giâm trực tiếp, cắt bớt phần rễ mọc quá dài. Sau đó hồ rễ bằng bùn hoặc đất pha loãng trước khi trồng.

Tạo lỗ trồng như mục 4.5.1.

Đặt cây nghiêng 600 xuống hố trồng, rễ buông tự nhiên. Nơi đất dốc đặt chiều nghiêng của cây hướng theo đỉnh núi. Nơi đất bằng đặt chiều nghiêng của cây theo cùng một hướng sao cho cành bên của cây phân bố đều sang hai bên.

Tiến hành lấp đất: Hai lấp một dận (hai lần lấp đất chỉ lần đầu dận chặt xung quanh gốc cây, lần hai không dận để lớp đất mặt tơi xốp và tạo mặt hố sau khi trồng).Vun đất phủ từ 2/3 đến hết lóng thứ nhất của cây giống.

5. CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VÀ BẢO VỆ RỪNG

5.1. Chăm sóc, nuôi dưỡng rừng:

5.1.1. Trồng dặm

Tiến hành trồng dặm ngay trong lần chăm sóc đầu tiên trên toàn bộ diện tích trồng rừng.

Trồng dặm toàn bộ những cây bị chết và cây không có khả năng phát triển

5.1.2. Chăm sóc

Số lần chăm sóc: Chăm sóc ba năm đầu sau khi trồng:

Năm thứ nhất: Từ 1 - 2 lần

Năm thứ 2 và 3: Từ 2 - 3 lần

Nội dung chăm sóc:

Phát toàn bộ dây leo, cây bụi trên toàn bộ diện tích.

Rẫy cỏ, phá váng xung quanh hố trồng với đường kính 1m

5.1.3.Nuôi dưỡng rừng

5.1.3.1. Chặt tu bổ vệ sinh rừng

Thời gian chặt từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Bài cây chừa: Chọn những cây mẹ bánh tẻ khỏe mạnh, bố trí đều trong khóm, số lượng cây để lại 6 - 8 cây/khóm.

Bài cây chặt: Những cây già, những cây bị sâu bệnh, khóm có hiện tượng khuy.

Kỹ thuật chặt: Bới hở gốc những cây cần chặt, dùng dụng cụ như dao tông hoặc rìu chặt sát gốc. Dọn sạch cây và cành nhánh ra khỏi rừng.

5.1.3.2. Bón phân - Rẫy cỏ,vun gốc

Bón phân: Hàng năm bón hai lần.

Thời gian bón:

Lần 1: tháng 2 đến tháng 3.

Lần 2: tháng 7 đến tháng 8.

Khối lượng bón: Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục hoặc phân xanh đã qua ủ kỹ) từ 15 – 30 kg/hố. Phân vô cơ từ 0,2kg/gốc - 0,3kg/gốc (theo tỉ lệ N-P-K là 5-10-3).

Kỹ thuật bón: Dùng cuốc bới đất sát cây trong khóm theo rãnh hình vành khuyên sâu 15 - 20cm. Tiến hành rải đều phân hữu cơ cùng phân vô cơ xung quanh gốc trên rãnh đã cuốc.

Rẫy cỏ vun gốc: Rãy sạch cỏ xung quanh khóm. Dùng cuốc vun đất tơi xốp lấp kín phân. Chiều cao gốc vun đến 2/3 lóng thứ nhất của cây trong khóm. Chiều rộng gốc vun từ 30cm - 40cm tính từ cây ngoài cùng của khóm tới mép rãnh ngoài của gốc vun.

5.2. Bảo vệ rừng

5.2.1. Phòng trừ sâu bệnh hại

Chủ yếu dùng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để phòng trừ sâu bệnh hại.

Cuốc xới rộng 1m xung quanh khóm để diệt ấu trùng của sâu hại măng.

Chăm sóc, phát dọn định kỳ đúng mùa vụ để hạn chế các loại rệp hại thân, lá và bệnh rỉ sắt.

Trường hợp có sâu cuốn lá dùng thuốc Nitox 1o/oo phun trên toàn bộ diện tích có sâu hại xuất hiện.

5.2.2. Phòng cháy và chữa cháy rừng

Áp dụng Quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác (QPN8-86), được ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ ngày 26/9/1986 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn).

6. KHAI THÁC MĂNG

6.1. Thời vụ khai thác

Măng được khai thác chính từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.

6.2. Đối tượng, cường độ khai thác

6.2.1. Đối tượng khai thác

Măng củ: Măng còn nằm dưới mặt đất. Cách phát hiện: Tìm nơi đất nứt chân chim hoặc mặt đất ướt ẩm hoặc tai mo nhú lên mặt đất.

Măng mầm: Măng đã nhú khỏi mặt đất từ 20cm - 40cm.

Măng ống: Măng mọc trên mặt đất cao 80cm - 100cm.

6.2.2. Cường độ khai thác

Khai thác toàn bộ măng nhưng giữa vụ chọn 6 – 8 măng to khỏe bố trí đều trong khóm để lại làm cây mẹ cho năm sau.

6.3. Kỹ thuật khai thác

Măng củ, măng mầm: Dùng cuốc bới đất hở măng hoàn toàn, dùng dụng cụ cắt tại nơi phình to nhất của củ măng. Tránh không phạm vào mắt măng còn lại của củ măng. Sau khi cắt măng lấp đất lại như ban đầu. Trường hợp gặp mưa sau khi cắt măng cần để lại 1 - 2 ngày mới lấp đất.

Măng ống: Dùng dụng cụ cắt sát mặt đất trong bụi, sau khi cắt lấp đất lên vết cắt.

6.4. Sơ chế, bảo quản măng sau khai thác

Măng củ, măng mầm: Măng khai thác về trong vòng 2 –3 giờ phải rửa sạch, luộc sôi 30 – 40 phút, vớt ra để nguội, bóc bẹ măng sau đó chuyển tới nơi chế biến. Nếu giữ măng 6 -7 ngày thì cần cho măng vào bể ngâm nước muối bão hoà.

(Khai thác ® Rửa sạch ® Luộc ® Vớt, để nguội ® Vận chuyển tới nơi chế biến)

Măng ống: Măng được bóc bỏ bẹ rồi cắt khoanh (phần non trong mỗi lóng của măng dài 3 - 5 cm). Luộc kỹ sôi 30 - 40 phút, vớt ra để nguội và ráo nước, cho vào túi nilon buộc kín miệng ủ 15 ngày cho lên men, sau đó phơi khô trong bóng râm, nơi thoáng gió.

(Khai thác ® Cắt khoanh ® Luộc ® Vớt,để nguội ® ủ lên men ® Phơi khô.)

7. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

7.1. Xây dựng qui trình trồng rừng tre Điềm trúc

Trên cơ sở Qui phạm này, các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Qui trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

7.2. Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng tre Điềm trúc

Căn cứ vào qui trình, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng tre Điềm trúc trình UBND tỉnh phê duyệt để áp dụng trên địa bàn tỉnh./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 51/2004/QĐ-BNN về quy phạm kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác măng tre Điềm trúc do Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành.

Số hiệu: 51/2004/QĐ-BNN
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký: Bùi Bá Bổng
Ngày ban hành: 19/10/2004
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 51/2004/QĐ-BNN về quy phạm kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác măng tre Điềm trúc do Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành.

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…