Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2020/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 26 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11/11/2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường;

Căn cứ Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

Căn cứ Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Cóng nghệ Quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BKHCN ngày 15/6/2018 của của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT- BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ;

Căn cứ Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2020

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Khoa học và Công nghệ; (để báo cáo)
- Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp; (để báo cáo)
- TT. Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- Đoàn ĐBQH tỉnh; (để báo cáo)
- TT. HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- TT UBND tỉnh: U;
- Sở Tư pháp;
- VP UBND tỉnh: VI, KS, CB;
- Lưu: VT, VX4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2020/QĐ- UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về công tác quản lý các hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh Lai Châu, bao gồm: các phương tiện đo nhóm 2 phải chịu sự quản lý nhà nước về đo lường; các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sử dụng phương tiện đo trong kinh doanh, thương mại bán lẻ; kiểm định đối chứng phương tiện đo; điểm cân đối chứng; hàng đóng gói sẵn; đo lường trong kinh doanh vàng; kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 và hàng đóng gói sẵn (sau đây gọi tắt là cơ sở);

b) Các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn phương tiện đo;

c) Các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật, bao gồm: thiết bị, dụng cụ đo; thiết bị, dụng cụ có chức năng đo; hệ thống đo để thực hiện phép đo”.

2. Phương tiện đo nhóm 2 là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.

3. Kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.

4. Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

5. Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

6. Cơ sở sản xuất phương tiện đo là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc các hoạt động chuyển giao công nghệ, chế tạo, lắp ráp, cải tiến, cải tạo phương tiện đo tại Việt Nam.

7. Cơ sở nhập khẩu phương tiện đo là tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu phương tiện đo nguyên chiếc.

8.Cơ sở kinh doanh phương tiện đo là tổ chức, cá nhân bán buôn, bán lẻ, đại lý mua bán phương tiện đo tại Việt Nam.

9. Hàng đóng gói sẵn là hàng hoá được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hoá mà không có sự chứng kiến của bên mua.

10. LPG: Khí dầu mỏ hóa lỏng, tên tiếng Anh là Liquefied Petroleum Gas, sau đây viết tắt là LPG.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Quản lý hoạt động đo lường nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất về đo lường của phương tiện đo, kết quả đo và lượng của hàng đóng gói sẵn; góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.

2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; Đảm bảo sự quản lý và phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong hoạt động về đo lường trên địa bàn tỉnh.

3. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo và hàng đóng gói sẵn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Các phương tiện đo nhóm 2 phải chịu sự quản lý nhà nước về đo lường

1. Các phương tiện đo sử dụng trong các mục đích sau:

a) Định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, hoạt động thương mại;

b) Đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường;

c) Thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác của Nhà nước.

2. Danh mục phương tiện đo, biện pháp quản lý về đo lường (phê duyệt mẫu, kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa) và chu kỳ kiểm định phương tiện đo được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.

3. Các phương tiện đo không được quy định tại khoản 2 Điều này khi sử dụng cho mục đích thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp, hoạt động công vụ khác của nhà nước phải được kiểm định, hiệu chuẩn nhưng không phải phê duyệt mẫu.

Điều 5. Sử dụng phương tiện đo trong kinh doanh, thương mại bán lẻ

1. Phương tiện đo phải được đặt ở vị trí thuận tiện, dễ quan sát. Các bộ phận của phương tiện đo hoạt động bình thường, chỉ thị của phương tiện đo khi bắt đầu thực hiện phép đo phải tại điểm không (0).

2. Người bán hàng phải đảm bảo cân, đong đủ lượng hàng hóa đã thỏa thuận cho khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể chứng kiến, kiểm tra lượng hàng hóa đó.

3. Người mua hàng có quyền yêu cầu người bán tiến hành cân, đong lại hàng hóa tại nơi bán bằng phương tiện đo của người bán hoặc tự kiểm tra tại các điểm cân đối chứng (nếu có) hoặc thông qua phương tiện đo hợp pháp của người khác.

Điều 6. Sửa chữa phương tiện đo đang trong thời hạn sử dụng

1. Phương tiện đo bị hư hỏng, phải tiến hành hiệu chỉnh, sửa chữa, thay thế các chi tiết, bộ phận, chức năng đã được niêm phong hoặc kẹp chì, cơ sở sử dụng phương tiện đo thực hiện biện pháp khắc phục theo quy định hiện hành.

2. Kết thúc quá trình sửa chữa, cơ sở sử dụng phương tiện đo phải tiến hành kiểm định phương tiện đo theo quy định hiện hành.

Điều 7. Kiểm định phương tiện đo

1. Phương tiện đo trong Danh mục phương tiện đo được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ) được sử dụng vào các mục đích: Định lượng hàng hóa, mua bán, thanh toán; an toàn, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường phải được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định.

2. Kiểm định sau sửa chữa thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 19 của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

3. Các loại phương tiện đo có quy định về phê duyệt mẫu, phải có quyết định phê duyệt mẫu và phải đúng như mẫu đã được phê duyệt mới tiến hành kiểm định và đưa vào sử dụng.

Điều 8. Kiểm định đối chứng phương tiện đo

1. Phương tiện đo phải được kiểm định đối chứng bao gồm:

a) Công tơ điện các loại;

b) Đồng hồ đo nước lạnh.

2. Các tổ chức kiểm định phương tiện đo được quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm phối hợp với tổ chức được chỉ định kiểm định đối chứng để thực hiện kiểm định đối chứng.

3. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn các tổ chức kiểm định xác định tỉ lệ phương tiện đo phải kiểm định đối chứng.

Điều 9. Điểm cân đối chứng

1. Điểm cân đối chứng được sự chỉ đạo thống nhất quản lý của UBND các huyện, thành phố, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ (trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

2. Quả cân đối chứng phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ và được dùng để thực hiện phép đo đối chứng quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Phép đo đối chứng do các cơ quan quy định tại Điều 9 và Điều 11 của Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện để kiểm tra sự phù hợp với quy định về lượng thiếu tại Điều 5 Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 10. Hàng đóng gói sẵn

1. Yêu cầu kỹ thuật đối với lượng của hàng đóng gói sẵn

a) Hàng đóng gói sẵn phải ghi lượng danh định trên nhãn hàng hóa bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên bao bì hoặc nhãn của hàng đóng gói sẵn;

b) Vị trí ghi lượng danh định phải dễ thấy, dễ đọc trong điều kiện trưng bày thông thường của hoạt động buôn bán; Chiều cao tối thiểu của chữ và số thể hiện lượng danh định phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn;

c) Bao hàng đóng gói sẵn không được có hình dáng, kích thước và các cấu trúc khác (như đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ) gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng; các quy định cụ thể đối với hàng đóng gói sẵn được thực hiện theo Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

2. Hàng đóng gói sẵn nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra, thông quan theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 3, khoản 4, điểm a, điểm b, tiết c2 điểm c, điểm d khoản 6 Điều 10 Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.

Điều 11. Quy định về đo lường trong kinh doanh vàng

1. Cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng trong mua, bán giữa các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Mức cân phải phù hợp với giá trị độ chia kiểm (e) quy định tại Bảng 1 điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 22/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (được đính chính tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 1550/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ);

b) Đã được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị.

2. Khối lượng vàng trong mua, bán với các tổ chức, cá nhân hoặc trong thanh tra, kiểm tra không được nhỏ hơn khối lượng công bố. Giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng vàng phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Bảng 2 khoản 3 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (được đính chính tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 1550/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Điều 12. Quy định đối với cửa hàng bán lẻ và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

1. Cửa hàng bán lẻ LPG phải trang bị phương tiện đo có cấp chính xác, phạm vi đo phù hợp và sẵn sàng thực hiện phép đo đối chứng khi được yêu cầu. Cần phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Đã được kiểm định và còn trong thời hạn giá trị của chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định);

b) Được đặt tại vị trí thuận tiện tại cửa hàng để người mua LPG có thể kiểm tra kết quả đo.

2. Các bình LPG phải bảo đảm yêu cầu về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn theo quy định Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

3. Nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đo lường phải được đào tạo và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý đo lường LPG trong kinh doanh.

Điều 13. Quy định đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1. Cột đo xăng dầu được sử dụng để xác định lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại khoản 1, Điều 6 của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

2. Trên cột đo xăng dầu phải niêm yết biển “Không bơm nối”; “Trả số về 0 trước khi bán”. Nghiêm cấm việc bơm nối của người bán khi bán hàng.

3. Định kỳ hàng tháng thực hiện tự kiểm tra phương tiện đo, điều kiện thực hiện phép đo ít nhất một (01) lần để đảm bảo lượng xăng dầu trong bán lẻ cho khách hàng phù hợp với quy định. Việc tự kiểm tra phải được lập sổ theo dõi và ghi chép đầy đủ được lưu giữ tại cửa hàng.

4. Cột đo xăng dầu sử dụng để kinh doanh phải còn nguyên niêm phong bằng tem, kẹp chì của cơ quan chức năng. Nếu cột đo bị hư, hỏng hoặc không đạt yêu cầu về đo lường, trước khi tháo bỏ niêm phong để sửa chữa, thay thế cửa hàng xăng dầu phải thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 6 của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

5. Các quy định cụ thể về đo lường trong hoạt động bán lẻ xăng dầu thực hiện theo điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng, dự thảo các quy hoạch, kế hoạch, các văn bản quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.

4. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan giúp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và kiểm tra đặc thù về đo lường; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và xử lý các vi phạm về đo lường trên địa bàn tỉnh.

5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khảo sát, lập kế hoạch đề xuất đầu tư và theo dõi, quản lý mạng lưới các điểm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại.

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan

1. Các sở, ban, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Sở Công Thương thanh tra, kiểm tra phương tiện đo sử dụng tại cơ sở kinh doanh mua, bán điện năng, xăng, dầu và một số phương tiện đo dùng trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương quản lý.

b. Sở Y tế thanh tra, kiểm tra phương tiện đo sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở kinh doanh kính thuốc và một số phương tiện đo dùng trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành Y tế quản lý.

c. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh tra, kiểm tra các phương tiện đo sử dụng trong kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp và một số phương tiện đo khác thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

d. Sở Xây dựng thanh tra, kiểm tra trong hoạt động quản lý, sử dụng đồng hồ nước tại các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh và một số phương tiện đo khác thuộc trách nhiệm của ngành Xây dựng quản lý.

đ. Sở Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra nhà nước trong hoạt động quản lý, sử dụng phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới, phương tiện đo độ ồn, cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, taximet và một số phương tiện đo khác thuộc trách nhiệm của ngành Giao thông vận tải quản lý.

e. Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông, nồng độ cồn trong hơi thở và một số phương tiện đo khác thuộc trách nhiệm của ngành Công an quản lý.

g. Cục Quản lý Thị trường thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về đo lường thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công.

h. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Ma Lù Thàng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường theo quy định hiện hành.

2. Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về đo lường; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường.

2. Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn theo phân cấp. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý việc sử dụng có hiệu quả các điểm cân đối chứng được trang bị. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận các thông tin gian lận về đo lường trên địa bàn.

4. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, lập kế hoạch đề xuất đầu tư và theo dõi, quản lý mạng lưới các điểm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại.

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định nhà nước về đo lường đến các tổ chức, người dân trên địa bàn quản lý.

2. Triển khai các nhiệm vụ có liên quan, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kiểm tra, thanh tra về đo lường trên địa bàn; Kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục của cơ sở được kiểm tra theo thông báo của cơ quan chủ trì kiểm tra.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của Ban Quản lý chợ, trung tâm thương mại

1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về đo lường; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm định phương tiện đo theo đúng quy định và buôn bán hàng đóng gói sẵn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường.

2. Thống kê, lập kế hoạch về nhu cầu kiểm định phương tiện đo tại khu vực quản lý hàng năm, gửi về Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện thực hiện kiểm định định kỳ cân cấp 4 tại khu vực chợ, trung tâm thương mại cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và gửi về Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để quản lý.

3. Tiếp nhận kiến nghị của khách hàng về sự không phù hợp của phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn so với yêu cầu kỹ thuật đo lường và thông báo kịp thời với Phòng Kinh tế thành phố hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện để giải quyết theo địa bàn và thẩm quyền quản lý. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kiểm tra, thanh tra về đo lường trong khu vực quản lý; đôn đốc, giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục của cơ sở được kiểm tra theo thông báo của cơ quan kiểm tra, thanh tra.

4. Xây dựng và ban hành nội quy hoạt động của điểm cân đối chứng; hướng dẫn sử dụng cân đối chứng và đặt tại vị trí thuận tiện để tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng biết, so sánh kết quả lượng hàng hóa qua việc sử dụng cân đối chứng.

5. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng sử dụng cân đối chứng, tiếp nhận và giải quyết các vụ việc tranh chấp của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng cân đối chứng. Thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng.

6. Quản lý, bảo dưỡng, và thực hiện kiểm định định kỳ các cân đối chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.

7. Chấp hành việc kiểm tra Nhà nước về đo lường trong hoạt động của điểm cân đối chứng.

Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phương tiện đo

1. Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phương tiện đo đã được phê duyệt mẫu và kiểm định ban đầu theo quy định.

2. Thông tin, hướng dẫn cho khách hàng về các đặc tính kỹ thuật đo lường điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản của phương tiện đo.

3. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo

1. Bảo đảm các điều kiện bảo quản, sử dụng phương tiện đo theo quy định của nhà sản xuất, yêu cầu kỹ thuật đo lường của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

2. Thực hiện việc kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng. Thực hiện việc phê duyệt mẫu phương tiện đo theo quy định.

3. Tuân thủ yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn trong sử dụng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

4. Bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa.

5. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường theo quy định của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

Điều 21. Trách nhiêm của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo

1. Đối với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo trong tỉnh:

a) Chỉ thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi lĩnh vực đã đăng ký hoạt động được công nhận hoặc chỉ định;

b) Công khai, minh bạch và tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; bảo đảm khách quan, chính xác; tuân thủ quy định về chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;

c) Kiểm định viên đo lường xuất trình và đeo thẻ khi thực hiện kiểm định;

d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo ngoài tỉnh, trước khi tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo trên địa bàn tỉnh phải báo cáo bằng văn bản gửi Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Lai Châu để quản lý và thực hiện theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 22. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán hàng đóng gói sẵn

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng đóng gói sẵn:

a) Thông tin trung thực về lượng của hàng đóng gói sẵn; thông báo với khách hàng, người sử dụng về điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hàng đóng gói sẵn;

b) Thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường để đảm bảo lượng hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu theo quy định;

c) Khi tiếp nhận thông báo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân khác hoặc tự phát hiện sự không phù hợp của hàng đóng gói sẵn so với yêu cầu kỹ thuật đo lường, cơ sở tiến hành các biện pháp khắc phục đồng thời thông báo với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về sự không phù hợp, biện pháp khắc phục và kết quả khắc phục sự không phù hợp;

d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu thông, buôn bán hàng đóng gói sẵn:

a) Thông tin trung thực về lượng của hàng đóng gói sẵn; Thông báo với khách hàng, người sử dụng về điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hàng đóng gói sẵn;

b) Chỉ được lưu thông, buôn bán hàng đóng gói sẵn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường;

d) Tiếp nhận kiến nghị của khách hàng về sự không phù hợp của hàng đóng gói sẵn so với yêu cầu kỹ thuật đo lường và thông báo kịp thời tới cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng đóng gói sẵn đó;

c) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường của cơ quan, người có thẩm quyền.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 24. Chế độ báo cáo

1. Các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Khoa học và Công nghệ định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm hoặc đột xuất về tình hình công tác quản lý đo lường thuộc phạm vi được phân công tại Quy định này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình công tác quản lý đo lường trong tỉnh theo định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, thông báo cho các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được biết để phối hợp thực hiện.

Điều 25. Điều khoản thi hành

1. Những nội dung khác không quy định trong văn bản này thì được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.

2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện Quy định này.

3. Giao thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, xây dựng kế hoạch và chương trình công tác cụ thể của ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đo lường theo quy định này.

4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đo lường trên địa bàn tình tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung trong quy định này và chấp hành việc thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện các nội dung của Quy định này và tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm đảm bảo đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, chưa phù hợp cần bổ sung, sửa đổi, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 42/2020/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu: 42/2020/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
Người ký: Tống Thanh Hải
Ngày ban hành: 26/11/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [14]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 42/2020/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…