BỘ TÀI
NGUYÊN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3776/QĐ-BTNMT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 11năm 2024 |
VỀ VIỆC CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG HỒNG - THÁI BÌNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Trên cơ sở các thông tin, số liệu của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu công bố: phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
2. Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
3. Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2024-2025 (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025).
(Chi tiết Kịch bản nguồn nước kèm theo Quyết định này)
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
2. Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
3. Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
4. Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG |
KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG HỒNG - THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số: 3776/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [1] và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [2]; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lưu vực và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình cung cấp.
Phạm vi xây dựng kịch bản được phân chia dựa trên cơ sở phân vùng quy hoạch trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kịch bản nguồn nước). Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn 2024-2025 (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025).
Nội dung Kịch bản nguồn nước (lần đầu) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau:
I. HIỆN TRẠNG NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG HỒNG - THÁI BÌNH
1. Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt
Trong thời gian từ tháng 6 đến cuối tháng 10 năm 2024, đặc biệt là trong tháng 9 xuất hiện nhiều đợt mưa với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20-80%, một số tiểu vùng trên lưu vực sông Lô - Gâm, Thao và hạ lưu sông Hồng, Cầu - Thương cao hơn TBNN từ 100-200%. Lượng mưa phía thượng lưu lưu vực sông Đà (thượng lưu hồ Lai Châu) thiếu hụt từ 10-20%, lượng mưa trên lưu vực sông Đà sau hồ Sơn La xấp xỉ TBNN.
Dòng chảy trên các sông, suối trên lưu vực phổ biến cao hơn TBNN từ 15-75%, riêng lưu vực sông Lô, Thao cao hơn TBNN từ 1,5-2,5 lần. Dòng chảy thượng nguồn các sông (phía Trung Quốc) như sau: sông Đà thấp hơn TBNN khoảng 10%, sông Lô - Gâm cao hơn TBNN khoảng 45%.
2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất
- Các tầng chứa nước (TCN) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình được phân chia thành 04 nhóm gồm: các TCN lỗ hổng, TCN Neogen, các TCN trong các thành tạo Cacbonat và TCN khe nứt trong trầm tích lục nguyên, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng gồm 02 tầng chứa nước lỗ hổng là Holocen (qh) và Pleistocen (qp) có trữ lượng lớn, đang được tập trung khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Ở vùng đồng bằng sông Hồng, mực nước dưới đất trung bình trong các TCN Holocen (qh), Pleistocen (qp) và Neogen - Trias (n-t) đều có xu hướng dẫng nhẹ. Kết quả quan trắc, thống kê mực nước trung bình (từ năm 2020 đến các tháng cuối năm 2024) tại 40 công trình quan trắc mực nước TCN qh và tại 63 công trình quan trắc mực nước TCN qp cho thấy, mực nước đều có xu hướng dẫng nhẹ khoảng 0,05-0,1m/năm.
Mực nước sâu nhất tại các giếng quan trắc trong TCN qp đo được tại thời điểm tháng 9/2024 tại Hà Nội khoảng 29,77m; Hưng Yên khoảng 8,17m; Nam Định khoảng 18,5m và Hà Nam khoảng 7,19m nhỏ hơn so với ngưỡng giới hạn mực nước theo quy định (không vượt quá 35m đối với khu vực nội thành Tp. Hà Nội và các thành phố, thị xã khác; không vượt quá 30m đối với khu vực khác).
3. Hiện trạng tích nước của các hồ chứa
- Lượng nước tích trữ của các hồ chứa (phía Trung Quốc) trên thượng nguồn lưu vực sông Đà đạt khoảng 80%, trên lưu vực sông Thao đạt khoảng 70% và trên lưu vực sông Lô đạt trên 90% dung tích thiết kế.
- Tổng lượng nước tích trữ trong 07 hồ Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Bản Chát, Huội Quảng, Thác Bà và Tuyên Quang: sau khi thực hiện cắt, giảm lũ cho hạ du trong thời gian xảy ra cơn bão số 3 (Yagi), mực nước các hồ cơ bản xấp xỉ MNDBT (tương ứng dung tích thiết kế khoảng 27,86 tỷ m3) với tổng lượng trữ của 07 hồ khoảng 27,36 tỷ m3, cao hơn trung bình giai đoạn 2016 - 2023 khoảng 5%, tương đương năm 2023 (khoảng 27,32 tỷ m3).
Bảng 1. Lượng nước tích trữ tại 07 hồ chứa lớn (giữa tháng 11/2024)
TT |
Hồ chứa |
Mực nước hồ (m) |
Dung tích hồ (triệu m3) |
|
T11/2024 |
TB giai đoạn (2016-2023) |
|||
1 |
Lai Châu |
293,67 |
1.166 |
1.094 |
2 |
Bản Chát |
474,34 |
2.100 |
2.054 |
3 |
Huội Quảng |
368,96 |
176 |
179 |
4 |
Sơn La |
214,64 |
9.179 |
8.715 |
5 |
Hòa Bình |
116,37 |
9.732 |
9.373 |
6 |
Thác Bà |
57,35 |
2.784 |
2.508 |
7 |
Tuyên Quang |
119,45 |
2.218 |
2.127 |
Tổng |
|
27.355 |
26.049 |
- Các hồ, cụm hồ thủy lợi có dung tích trên 5 triệu m3 (32 hồ, cụm hồ) trên các lưu vực sông Đà, Thao, Lô - Gâm, Cầu - Thương, vùng đồng bằng sông Hồng có tổng dung tích theo thiết kế khoảng 800 triệu m3. Tính đến thời điểm hiện tại, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi lớn cơ bản đạt từ 85% dung tích thiết kế trở lên, một số hồ chứa lớn như Cấm Sơn (lưu vực sông Thương) đạt 95%, hồ Núi Cốc (lưu vực sông Cầu) đạt 98%, hồ Đại Lải (lưu vực sông Cà Lồ) đạt 86%, hồ Đồng Mô (lưu vực sông Bùi) đạt 99%,...
1. Hiện tại, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nghiêng dần về pha lạnh và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 50-55% và sẽ duy trì trạng thái La Nina đến các tháng đầu năm 2025, sau đó La Nina có khả năng suy yếu dần, chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất từ 55-70% từ khoảng tháng 3 đến tháng 5/2025.
Nhiệt độ trong các tháng 12/2024, tháng 01 và các tháng 4,5/2025 phổ biến xấp xỉ so với TBNN, các tháng còn lại phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ từ khoảng cuối tháng 02 đầu tháng 3/2025 và sẽ gia tăng từ khoảng tháng 3 và tháng 4/2025 tại khu vực Tây Bắc và Đông Bắc. Sau đó nắng nóng có khả năng tiếp tục gia tăng hơn về cường độ và tần suất trong các tháng chính hè 2025. Cường độ nắng nóng có khả năng tương đương TBNN.
2. Tổng lượng mưa trên lưu vực (Đà, Lô - Gâm, Thao, Cầu - Thương và khu vực đồng bằng sông Hồng) trong tháng 12/2024 phổ biến từ 10-35mm (thấp hơn từ 5-10mm so với TBNN); các tháng 01, 02/2025 phổ biến từ 15-40mm (xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ); tháng 3/2025 phổ biến 50-80mm (cao hơn TBNN từ 5-10mm), tháng 4/2025 phổ biến từ 70-120mm (xấp xỉ so với TBNN); tháng 5/2025 phổ biến từ 180-270mm (xấp xỉ so với TBNN).
Trong các tháng 01-02/2025, trên lưu vực Đà, Lô - Gâm, Thao, Cầu - Thương và khu vực đồng bằng sông Hồng có khả năng xuất hiện một số ngày mưa nhỏ với tổng lượng mưa tháng từ 15-30mm (xấp xỉ so với TBNN).
3. Dòng chảy các tháng mùa cạn:
- Trên các sông Đà, Thao, Cầu: về tổng thể dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông có xu hướng thiếu hụt trong thời gian cuối tháng 11 và các tháng 12/2024 và 01/2025 từ 10-40% (trừ hồ Hòa Bình tương đương TBNN). Từ tháng 02 đến tháng 5/2025 dòng chảy trên sông Đà, sông Thao, sông Cầu có khả năng thấp hơn so với TBNN từ 10-30% và xấp xỉ trung bình giai đoạn 2020-2024.
- Trên sông Lô: dòng chảy có xu hướng thiếu hụt so với TBNN trong thời gian từ cuối tháng 11/2024 đến tháng 01/2025 khoảng 10-40%, từ tháng 02 đến tháng 5/2025 có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 10-30%. Trên sông Gâm (hồ Tuyên Quang) và trên sông Chảy (hồ Thác Bà) từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025, dòng chảy tương đương TBNN.
- Trên sông Hồng: dòng chảy sông Hồng tại trạm thủy văn Sơn Tây, Hà Nội có xu hướng xấp xỉ dưới TBNN trong thời gian cuối tháng 11/2024 đến tháng 01/2025 và thấp hơn so với TBNN từ 10-25% trong các tháng 02 đến tháng 5/2025.
4. Tổng lượng nước tích trữ của 07 hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Bản Chát, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang tại thời điểm ngày 01/01/2025 (trước thời kỳ đổ ải) dự kiến đạt khoảng 27,4 tỷ m3, tương đương thời điểm giữa tháng 11/2024.
5. Mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất
- Trên toàn lưu vực, tổng lượng nước dưới đất có thể khai thác khoảng 5,97 tỷ m³/năm [3], trong đó hiện đang khai thác khoảng 01 tỷ m³/năm (khoảng 16,9%) và còn có thể khai thác khoảng 4,97 tỷ m³/năm. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, tổng lượng nước dưới đất có thể khai thác khoảng 2,47 tỷ m³/năm, hiện đang khai thác khoảng 0,67 tỷ m³/năm (khoảng 27%), còn có thể khai thác khoảng 1,8 tỷ m³/năm.
- Những năm gần đây việc khai thác nước dưới đất cơ bản đã được kiểm soát, mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước dao động ổn định và có xu hướng tăng nhẹ và dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong kỳ công bố Kịch bản nguồn nước.
Hình 1. Diễn biến mực nước TCN qh vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2020-2024 và xu thế đến tháng 6/2025
Hình 2. Diễn biến mực nước TCN qp vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2020-2024 và xu thế đến tháng 6/2025
Với tình hình diễn biến mực nước trong các TCN cho thấy có thể đảm bảo tiếp tục duy trì việc khai thác nước dưới đất tại 13 nhà máy khai thác nước dưới đất tại khu vực trung tâm (Lương Yên, Yên Phụ, Ngô Sỹ Liên, Mai Dịch, Pháp Vân, Ngọc Hà, Hạ Đình, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Tương Mai, Dương Nội, Hà Đông 1, Hà Đông 2), các nhà máy nước khác ở khu vực ngoại thành (Sơn Tây 1, Sơn Tây 2, Đông Anh) và các trạm cấp nước nhỏ với tổng lưu lượng khai thác đã được cấp phép khoảng 615.000 m3/ngày đêm trên địa bàn Thành phố Hà Nội; 20 nhà máy khai thác nước dưới đất tại Hưng Yên với tổng lưu lượng khai thác được cấp phép khoảng 55.250 m3/ngày đêm cũng như tại các công trình khai thác nước dưới đất tại các địa phương khác trên toàn đồng bằng sông Hồng để đảm bảo việc cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
III. NHU CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÁC NGÀNH TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN
Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 vào khoảng 9,71 tỷ m3 (nước dưới đất khoảng 7,2%, nước mặt khoảng 92,8%), trong đó lưu vực sông Đà khoảng 0,81 tỷ m3, lưu vực sông Thao khoảng 0,67 tỷ m3, lưu vực Cầu - Thương khoảng 1,58 tỷ m3, lưu vực Lô - Gâm khoảng 1,02 tỷ m3 và đồng bằng sông Hồng khoảng 5,63 tỷ m3.
Nhìn chung, so với năm 2024, nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế giảm khoảng 0,34%. Vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực có nhu cầu khai thác, sử dụng nước lớn nhất. Nhu cầu về nguồn nước của một số ngành sử dụng nước chính trên lưu vực như sau:
1. Nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp
Tổng lượng khai thác cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trên lưu vực khoảng 1,44 tỷ m3. Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt (với lưu lượng khai thác từ 5.000 m3/ngày đêm đối với khai thác nước mặt và từ 1.000 m3/ngày đêm đối với khai thác nước dưới đất) là 145 công trình, với tổng lượng nước khai thác khoảng 0,8 tỷ m3, trong đó:
- 62 công trình khai thác nước mặt (chủ yếu khai thác trên các sông Hồng, Đuống, Thương, Thái Bình; Hà Nội có 04 công trình, Bắc Giang có 02 công trình, Hải Dương có 09 công trình, tỉnh Thái Nguyên có 05 công trình, Hải Phòng có 02 công trình,…), với tổng lượng khai thác khoảng 0,64 tỷ m3, chiếm 79,3% tổng lượng nước khai thác.
- 83 công trình khai thác nước dưới đất (chủ yếu khai thác trong các tầng chứa nước qp1; Hà Nội có 35 công trình, Hưng Yên có 07 công trình, Sơn La có 14 công trình, Ninh Bình có 04 công trình, Hoà Bình có 04 công trình, Lạng Sơn có 06 công trình, Hải Phòng có 04 công trình, Thái Bình có 03 công trình, Thái Nguyên có 01 công trình,…), với tổng lượng khai thác khoảng 0,16 tỷ m3, chiếm 20,7% tổng lượng nước khai thác.
2. Nhu cầu nước cho nông nghiệp
Nhu cầu nước cho nông nghiệp tập trung lớn nhất vào thời kỳ đổ ải [4], tổng lượng nước xả từ các hồ chứa lớn phục vụ đổ ải trung bình thời kỳ 2019-2024 khoảng 3,81 tỷ m3, trong đó lượng xả lớn nhất khoảng 5,14 tỷ m3 vào năm 2021, thấp nhất khoảng 2,68 tỷ m3 vào năm 2020. Lượng nước xả từ các hồ chứa lớn phục vụ đổ ải những năm gần đây có xu thế giảm, cụ thể: năm 2021 là 5,14 tỷ m3, năm 2022 là 4,24 tỷ m3, năm 2023 là 3,62 tỷ m3, năm 2024 là 2,78 tỷ m3. Ngoài ra, sau thời kỳ đổ ải, còn có nhu cầu cho tưới dưỡng lúa vào các tháng 02, 3, 4 năm 2025.
3. Nhu cầu nước cho sản xuất thủy điện
Nhu cầu sản xuất thủy điện [5] trung bình giai đoạn từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 khoảng 26,1 tỷ m3 (tương đương sản lượng điện 10.928 triệu kwh), thấp hơn khoảng 8% so với trung bình giai đoạn 2015-2024 (11.894 triệu kwh), cao hơn 13,2% so với cùng thời kỳ của năm 2024. Trong đó, sản lượng điện (thủy điện) trong các tháng 4, 5, 6 năm 2025 dự kiến khoảng 5.655 triệu kwh, thấp hơn 15,6% so với trung bình giai đoạn 2015-2024, thấp hơn 15,4% cùng thời kỳ của năm 2024.
Dự kiến năm 2025, để đảm bảo mực nước phục vụ công tác thi công tháo dỡ đê quây công trình Hòa Bình mở rộng [6] (công trình trọng điểm để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc) vào tháng 4, 5, 6/2025, hồ Hòa Bình phải điều tiết để đảm bảo yêu cầu mực nước dự kiến tương ứng khoảng 111m, 109m và 103m.
IV. TRẠNG THÁI CỦA NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG HỒNG - THÁI BÌNH
Trên cơ sở hiện trạng [7], dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của 07 hồ chứa lớn, quan trọng; 32 hồ, cụm hồ chứa có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên; nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các TCN dưới đất; dự báo khí tượng, thủy văn trên các lưu vực sông thì nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong mùa cạn 2024 - 2025 ở “Trạng thái bình thường”. Để đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng [8] nhằm giảm thiểu rủi ro khả năng thiếu nước do việc khai thác, sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán, đánh giá theo các vùng, các nguồn nước, cụ thể như sau:
- Mức độ đáp ứng của 07 hồ chứa lớn trên lưu vực (Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Huội Quảng) cho các nhu cầu sử dụng nước lớn, quan trọng vùng đồng bằng sông Hồng (nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và nhu cầu nước cho nông nghiệp trong thời kỳ đổ ải) và nhu cầu nước phục vụ phát điện. Đối với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt vùng đồng bằng sông Hồng được đáp ứng thông qua việc điều tiết nước các hồ chứa, nguồn nước trên các sông, khả năng khai thác của các tầng chứa nước và các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất.
- Mức độ đáp ứng của nguồn nước các tiểu lưu vực sông (tiểu vùng) còn lại của các lưu vực sông Đà, sông Lô - Gâm, sông Thao, sông Cầu - Thương và vùng đồng bằng sông Hồng cho các nhu cầu sử dụng nước.
1. Đối với 07 hồ chứa thủy điện lớn trên lưu vực
Mức độ đáp ứng của 07 hồ chứa được đánh giá theo các trường hợp khai thác, sử dụng nước vùng đồng bằng sông Hồng như sau:
1.1. Trường hợp 1: Nhu cầu nước cho đổ ải (giả thiết) tương đương năm 2024 (2,78 tỷ m3) và nhu cầu nước phục vụ phát điện dự kiến (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025), thấp hơn khoảng 8 % so với trung bình giai đoạn 2015-2024.
Trong thời gian đổ ải, nhận định diễn biến mực nước hạ lưu tại các trạm thủy văn và một số cống, trạm bơm chính như sau:
- Mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội sẽ đạt trung bình khoảng 1,58m; mực nước trạm thủy văn Sơn Tây đạt trung bình khoảng 2,0m đến 2,3m.
- Mực nước trung bình tại một số cống, trạm bơm quan trọng như sau: cống Xuân Quan khoảng 1,59m; cống Long Tửu khoảng 1,69m; trạm bơm Ấp Bắc khoảng 1,6m; trạm bơm Thanh Điềm khoảng 2,0m.
Hình 3. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 07 hồ chứa đối với trường hợp 1
1.2. Trường hợp 2: Nhu cầu nước cho đổ ải (giả thiết) tương đương trung bình giai đoạn 2019-2024 (3,81 tỷ m3) và nhu cầu nước phục vụ phát điện dự kiến (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025), thấp hơn khoảng 8% so với trung bình giai đoạn 2015-2024.
Trong thời gian đổ ải, nhận định diễn biến mực nước hạ lưu tại các trạm thủy văn và một số cống, trạm bơm chính như sau:
- Mực nước của trạm thủy văn Hà Nội sẽ đạt trung bình khoảng 1,72m; mực nước trạm thủy văn Sơn Tây đạt trung bình khoảng 2,30m đến 2,52m.
- Mực nước trung bình tại một số cống, trạm bơm quan trọng như sau: cống Xuân Quan khoảng 1,71m; cống Long Tửu khoảng 1,84m; trạm bơm Ấp Bắc khoảng 1,70m; trạm bơm Thanh Điềm khoảng 2,23m.
Hình 4. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 07 hồ chứa đối với trường hợp 2
1.3. Trường hợp 3: Nhu cầu nước cho đổ ải (giả thiết) tương đương trung bình giai đoạn 2019-2024 (3,81 tỷ m3) và nhu cầu nước phục vụ phát điện (giả thiết) từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 tương đương so với trung bình giai đoạn 2015-2024.
Hình 5. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 07 hồ chứa đối với trường hợp 3
Như vậy, mặc dù về tổng thể thì nguồn nước của 07 hồ chứa cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du. Tuy nhiên, nếu nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao từ mức tương đương trung bình giai đoạn 2015-2024 trở lên hoặc trong các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng (các tháng 4, 5, 6/2025) xảy ra thiếu hụt các nguồn điện khác thì nguồn nước của 07 hồ chứa có nguy cơ không đáp ứng đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du.
Ngoài ra, hiện nay một số hệ thống thủy lợi trong vùng đang xuống cấp không phát huy được hiệu quả, một số công trình khai thác nước (cống, trạm bơm) dòng chính sông Hồng và các sông vùng đồng bằng sông Hồng không hoạt động được do mực nước hạ thấp, diễn biến xâm nhập mặn những năm gần đây có xu hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả, khả năng lấy nước của công trình ở một số địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình,…
2. Đối với các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông
Trên cơ sở tính toán, dự báo mưa, dòng chảy, nhu cầu sử dụng nước và hiện trạng, quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng nước trên 95 vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước cơ bản ở trạng thái bình thường, khả năng không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước diện rộng trên các lưu vực sông Đà, Lô - Gâm, Thao, Cầu - Thương, vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, một số vùng, tiểu lưu vực vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ, bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc thiếu nước các khu vực này ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
- Các địa phương ở khu vực thượng nguồn lưu vực sông Đà có khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước trong các tháng từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025 do thiếu hụt lượng mưa từ 10% đến 50% so với TBNN tùy từng vùng, trong đó, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước như: các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, tỉnh Điện Biên (thuộc các tiểu lưu vực sông Nậm Nhè, Nậm Mức, Nậm Chim) và các huyện: Tam Đường, Sìn Hồ, Mường Tè, tỉnh Lai Châu (thuộc các tiểu lưu vực sông Nậm Na, Nậm Mu).
- Hiện trạng hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi trên các tiểu lưu vực: Các hồ chứa thủy lợi với dung tích nhỏ và phân bố rải rác trên các sông, suối nhỏ. Hiện nay toàn vùng có khoảng 107 hồ chứa thủy lợi và quy hoạch khoảng 32 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 126 triệu m3. Năng lực của các hồ chứa về cơ bản chưa khai thác hết tiềm tăng của nguồn nước trên các tiểu lưu vực và nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tại một số xã thuộc huyện Mường Nhé, Mường Chà, tỉnh Điện Biên (hiện chỉ có 01 hồ chứa thủy lợi) và huyện Tam Đường, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (tổng số hồ chứa thủy lợi hiện có khoảng 03 công trình).
Trong các hồ chứa có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên trên lưu vực, hồ Phượng Mao (tiểu lưu vực suối Ngòi Cái), tỉnh Phú Thọ có nguy cơ thiếu hụt lượng nước so với yêu cầu vào các tháng 01, 02 và 3/2025, khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực tại các xã Tu Vũ, Đồng Trung, Hoàng Xá, Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy.
- Một số địa phương thuộc lưu vực sông Chảy và thượng nguồn sông Miện, sông Gâm có khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước trong các tháng từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025 do thiếu hụt lượng mưa từ 10-50% so với TBNN.
Một số khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước như các huyện: Hoàng Su Phì, Yên Minh, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai và các huyện Lục Yên, Yên Bình, tỉnh Yên Bái (thuộc các tiểu lưu vực sông Chảy) và các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, tỉnh Hà Giang (thuộc tiểu vùng trung lưu sông Lô, sông Con); các huyện: Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang (thuộc hạ lưu các tiểu lưu vực sông Gâm, Lô).
- Hiện trạng hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi trên các tiểu lưu vực: các hồ chứa thủy lợi với dung tích nhỏ và phân bố rải rác trên các sông, suối nhỏ. Hiện nay, toàn vùng có khoảng 600 hồ chứa thủy lợi xây dựng trên các nhánh suối nhỏ và quy hoạch khoảng 10 công trình với tổng dung tích khoảng 107 triệu m3. Năng lực của các hồ chứa về cơ bản chưa khai thác hết tiềm tăng của nguồn nước trên các tiểu lưu vực và nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tại một số xã thuộc huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (hiện có khoảng 16 hồ chứa thủy lợi); một số xã thuộc huyện Vị Xuyên, Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Một số công trình cấp nước tập trung vùng thượng lưu sông Nho Quế tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có nguy cơ xảy ra thiếu nước vào cuối tháng 01, giữa tháng 02 đến hết tháng 3/2025.
Một số địa phương thuộc tiểu lưu vực sông Ngòi Bo, Ngòi Hút, Ngòi Thia có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong tháng 01/2025 với mức thiếu hụt lượng mưa từ 10-30% so với TBNN. Một số khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước như khu vực huyện Bảo Thắng, Sa Pa, tỉnh Lào Cai (thuộc tiểu lưu vực sông Ngòi Bo); khu vực huyện Trấn Yên, Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (thuộc tiểu lưu vực sông Ngòi Thia).
- Hiện trạng hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi trên vùng lưu vực sông Thao: Các hồ chứa thủy lợi với dung tích nhỏ và phân bố rải rác trên các sông, suối nhỏ. Hiện nay vùng thượng lưu sông Thao có khoảng 105 hồ chứa thủy lợi xây dựng trên các nhánh suối nhỏ và quy hoạch khoảng 12 công trình với tổng dung tích khoảng 20,5 triệu m3. Với diễn biến nguồn nước như trên kết hợp với năng lực của hệ thống thủy lợi trong vùng thì nguy cơ cao sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở một số xã thuộc huyện Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai (hiện có khoảng 26 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 3,8 triệu m3) và một số xã thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
2.4. Lưu vực sông Cầu - Thương:
Một số địa phương thuộc lưu vực sông Lục Nam có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong tháng 01/2025 với mức thiếu hụt lượng mưa từ 10-50% so với TBNN. Một số khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước như khu vực huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (thuộc lưu vực sông Lục Nam).
Với năng lực của hệ thống thủy lợi trên khu vực thì cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành, ít có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước trong các tháng mùa cạn năm 2024-2025.
Tuy nhiên, đối với hồ Suối Nứa, tỉnh Bắc Giang (dung tích toàn bộ khoảng 6,2 triệu m3) khả năng trong cuối tháng 3 và tháng 4/2025 có nguy cơ thiếu hụt lượng nước so với yêu cầu và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực xã Đông Phú, Đông Hưng, Tam Dị (huyện Lục Nam) và xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn). Ngoài ra, nguy cơ thiếu nước khả năng xảy ra đối với các công trình cấp nước tập trung vùng lưu vực sông Sỏi tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vào các tháng 02, 3/2025.
Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông cơ bản ở Trạng thái bình thường, lượng nước vẫn có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản không phải là “dồi dào” và vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Giang vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.
Đối với việc sử dụng nguồn nước trong thời kỳ đổ ải (tháng 01, 02 năm 2025) và sau thời kỳ đổ ải (tháng 3, 4, 5, 6 năm 2025): mặc dù năm 2025, nguồn nước ở Trạng thái bình thường, tuy nhiên nếu lượng nước xả từ các hồ chứa phục vụ đổ ải lớn và nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao so với dự kiến lên mức tương đương trung bình giai đoạn 2015 - 2024 trở lên hoặc trong các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng (các tháng 4, 5, 6 năm 2025) xảy ra thiếu hụt các nguồn điện khác thì nguồn nước của 07 hồ chứa có nguy cơ không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương [9]. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
b) Để bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện, dự phòng trường hợp xảy ra nắng nóng diện rộng các tháng 4, 5, 6/2025 và giảm thiểu rủi ro nguy cơ thiếu hụt nguồn điện từ các nhà máy Nhiệt điện trong bối cảnh tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc và Quốc gia trong năm 2025 và các năm tới gặp nhiều khó khăn, do đó các hồ thủy điện (đặc biệt đối với các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc trên sông Đà) sẽ cần phải duy trì mực nước hồ để đảm bảo không bị suy giảm công suất phát điện đến cuối mùa cạn.
Vì vậy, khuyến nghị lượng nước phục vụ đổ ải trong khoảng 2,8 - 3,2 tỷ m3 [10] và nhu cầu nước cho thủy điện với sản lượng như dự kiến hoặc tăng nhưng không vượt quá sản lượng trung bình giai đoạn 2015 - 2024 để bảo đảm khả năng nguồn nước đáp ứng hài hòa các mục đích sử dụng nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong mùa cạn năm 2024 - 2025 và thời gian tiếp theo. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo việc xây dựng và sớm ban hành kế hoạch lấy nước, kế hoạch phát điện trong thời kỳ đổ ải phù hợp, tiết kiệm; chỉ đạo các địa phương có phương án sử dụng tối ưu nguồn nước trong thời gian đổ ải để rút ngắn thời gian và lượng nước xả từ các hồ chứa để phục vụ đổ ải.
Trường hợp năm 2025, hồ Hòa Bình cần vận hành để đảm bảo mực nước phục vụ công tác thi công tháo dỡ đê quây công trình Hòa Bình mở rộng (công trình trọng điểm để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc) vào đầu tháng 4, 5 và 6/2025, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch huy động tối đa có thể phần sản lượng điện thủy điện Hòa Bình trong thời gian hạ mực nước hồ Hòa Bình và đảm bảo phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương ở hạ du trong các tháng mùa cạn 2024 - 2025. Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu sau hồ Hòa Bình, bảo đảm an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng các tháng cuối mùa cạn và đầu mùa lũ năm 2025 (cuối tháng 6, tháng 7 năm 2025).
c) Nâng cao khả năng đảm bảo nước cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát, cải tạo hệ thống thủy lợi, nâng cao khả năng lấy nước của các cống, trạm bơm dọc sông Hồng, các sông hạ lưu sông Hồng để giảm áp lực lên hệ thống hồ chứa, tăng hiệu quả sử dụng nước.
Đồng thời, chỉ đạo việc tính toán cụ thể nhu cầu nước cho tưới dưỡng lúa (tháng 02, 3, 4/2025) theo hướng tăng hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi, phù hợp với nhu cầu huy động điện.
- Bộ Công Thương: chỉ đạo tổ chức thực hiện vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước theo kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, tạo thuận lợi cho vận hành công trình thủy lợi lấy nước và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện; trong thời gian phục vụ tưới dưỡng, vận hành theo quy định tại quy trình vận hành và gia tăng (nếu có đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- UBND các tỉnh, thành phố:
+ Chỉ đạo tổ chức vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi để lấy nước phục vụ đổ ải và tưới dưỡng theo đúng kế hoạch lấy nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, hạn chế tối đa phát sinh các nhu cầu lấy nước gia tăng ngoài các đợt lấy nước tập trung.
+ Tiếp tục rà soát khả năng, đánh giá hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi; tăng cường sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi có hiệu quả lấy nước kém; lắp đặt khẩn cấp các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành trường hợp nguồn nước khó khăn.
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Tp.Hải Phòng và các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diến biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp, lưu ý việc đảm bảo số lượng, chất lượng nước cho các Nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất cho các địa phương trong hệ thống các công trình thủy lợi như hệ thống Đa Độ, Vĩnh Bảo, An Hải, Tiên Lãng và các hệ thống, công trình thủy lợi các địa phương ở hạ du.
d) Đối với các vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp do thiếu hạ tầng, thiếu công trình điều tiết, tích trữ nước, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang và các địa phương:
- Nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước theo Kết luận 36- KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Khẩn trương, hoàn thiện các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch thủy lợi, quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch khác có liên quan.
- Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước đối với các vùng có nguy cơ xảy ra thiếu nước nêu trên theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Trong đó, nghiên cứu kết hợp hoặc luân phiên khai thác nước mặt với khai thác nước dưới đất, nước mưa; tăng cường việc tích trữ nước mưa để chủ động phòng tránh hạn hán, thiếu nước; có giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước,…
đ) Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, hạn chế thất thoát, lãng phí nước:
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
e) Đảm bảo an ninh nước cấp cho sinh hoạt
Hiện nay, việc cấp nước sạch cho Thành phố Hà Nội và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện theo các Quy hoạch cấp nước Thủ đô, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị,...được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong các quy hoạch này đã điều chỉnh quy mô, công suất theo từng giai đoạn 2025, 2030, 2050 đối với các nhà máy khai thác nước dưới đất theo hướng giảm hoặc dừng khai thác. Thực tế hiện nay, việc đầu tư, xây dựng các nhà máy nước khai thác nước mặt ở nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ, công suất như quy hoạch thì việc các nhà máy đang khai thác nước dưới đất có thể vẫn phải tiếp tục khai thác để đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Trên cơ sở quan trắc, dự báo diễn biến và nhu cầu khai thác nước dưới đất thì tổng lượng khai thác nước dưới đất trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình chỉ chiếm khoảng 16,9% so với lượng nước có thể khai thác và những năm gần đây mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước đang được kiểm soát ổn định và có xu hướng tăng. Vì vậy, nguồn nước dưới đất vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng để khai thác, phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất thông qua các hoạt động khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đăng ký, kê khai, cấp phép theo quy định để đảm bảo không gây hạ thấp mực nước quá mức, gia tăng sụt lún mặt đất, xâm nhập mặn.
Vì vậy, để đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục, ổn định, an toàn cho nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Chỉ đạo khẩn trương xây dựng, đưa các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước vào hoạt động theo đúng tiến độ và lộ trình.
- Khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô, công suất và lộ trình điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nước (nếu cần thiết) trong trường hợp các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước không đảm bảo tiến độ để cấp nước liên tục, ổn định cho nhân dân.
- Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu thực hiện Văn bản số 3201/BTNMT-TNN ngày 20/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Phần diện tích lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm 5 vùng quy hoạch [11]: lưu vực sông Đà, lưu vực sông Lô - Gâm, lưu vực sông Cầu - Thương, lưu vực sông Thao và vùng đồng bằng sông Hồng tương đương với 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định.
Sơ đồ phạm vi xây dựng kịch bản lưu vực sông Hồng - Thái Bình
TT |
Tên vùng |
Phạm vi hành chính (tỉnh/huyện) |
Diện tích (km2) |
1 |
LVS Đà |
Điện Biên (TX. Mường Lay, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên, Nậm Pồ), Hòa Bình (TP. Hòa Bình, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn), Lai Châu (TP. Lai Châu, Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn), Phú Thọ ( Thanh Thủy), Sơn La (TP. Sơn La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Vân Hồ), Yên Bái ( Mù Cang Chải) |
26.826 |
2 |
LVS Thao |
Lào Cai (TP. Lào Cai, TX. Sa Pa, Bát Xát , Mường Khương , Bảo Thắng , Văn bản , Văn bản ), Phú Thọ (TX. Phú Thọ, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Lâm Thao, Thanh Sơn, Tân Sơn), Yên Bái (TP. Yên Bái, TX. Nghĩa Lộ, Lục Yên, Văn Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình) |
12.191 |
3 |
LVS Lô - Gâm |
Bắc Kạn ( Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn), Cao Bằng (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình), Hà Giang (TP. Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn , Mèo Vạc), Lào Cai ( Si Ma Cai, Bắc Hà , Bảo Yên), Phú Thọ (TP. Việt Trì, Đoan Hùng, Phù Ninh), Tuyên Quang (TP. Tuyên Quang, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Lâm Bình), Vĩnh Phúc ( Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô). |
22.540 |
4 |
LVS Cầu - Thương |
Bắc Kạn (TP. Bắc Kạn, Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì), Bắc Giang (Yên Thế , Tân Yên, Lạng Giang , Lục Nam , Lục Ngạn, Sơn Động , Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà), Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du), Hà Nội (Sóc Sơn, Mê Linh), Lạng Sơn ( Văn Quan, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập), Thái Nguyên (TP.Thái Nguyên,TP. Sông Công, TX. Phổ Yên, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình), Vĩnh Phúc (TP. Vĩnh Yên,TP. Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường). |
12.475 |
5 |
Vùng đồng bằng sông Hồng |
Bắc Ninh (TX. Từ Sơn, Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài) Hà Nam (TP. Phủ Lý, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân), Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức), Hải Dương (TP. Hải Dương,TP. Chí Linh,TX. Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện), Hải Phòng (Hồng Bàng,Ngô Quyền,Lê Chân,Hải An,Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải, Bạch Long Vĩ), Hòa Bình ( Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy), Hưng Yên (TP. Hưng Yên, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, TX. Mỹ Hào, Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ), Nam Định (TP. Nam Định, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu), Ninh Bình (TP. Ninh Bình, TP. Tam Điệp, Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô), Quảng Ninh (TP. Uông Bí, TX. Quảng Yên,TX. Đông Triều), Thái Bình (TP. Thái Bình, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư). |
14.828 |
[1] Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[2] Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ
[3] Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ
[4] Từ 10 ngày đến 18 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 02 tùy theo lịch vụ Đông Xuân từng năm.
[5] Thông tin, số liệu cung cấp của 07 NMTĐ lớn trên lưu vực
[6] Theo thông tin, số liệu cung cấp của Bộ Công Thương
[7] Số liệu các Bộ, ngành, địa phương cung cấp
[8] Số liệu các Bộ, ngành, địa phương cung cấp
[9] Khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
[10] Phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo kết luận số 500/TB-VPCP ngày 01/11/2024 của Văn phòng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
[11] Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định 3776/QĐ-BTNMT năm 2024 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu: | 3776/QĐ-BTNMT |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký: | Lê Minh Ngân |
Ngày ban hành: | 25/11/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3776/QĐ-BTNMT năm 2024 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Chưa có Video