Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chương trình số 09-CTr/TU ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Tổ nghiên cứu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”;

Căn cứ Thông báo số 445-TB/TU ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Tỉnh ủy về Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 765/TTr-STNMT ngày 18 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của Quyết định;
- TT. Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành cấp tỉnh;
- Sở TN&MT (02 bản);
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP, P.KT, P.TH;
- Lưu: VT, hdtan (01 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nhàn

 

ĐỀ ÁN

XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số: 340/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Phần I

MỞ ĐẦU

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các các giải pháp bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ môi trường được tăng cường; các ngành và địa phương ngoài thực hiện đúng quy định về phân cấp quản lý còn có sự phối hợp khá tốt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính quy định: “c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1 % tổng chi ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm.” Trên cơ sở đó, thời gian qua UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ số chi sự nghiệp môi trường hàng năm đúng 1% tổng chi ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng, đặc biệt là yêu cầu tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tăng, dẫn đến nhu cầu kinh phí tăng. Với mức 1% tổng chi ngân sách tỉnh đã không thể đáp ứng nhu cầu. Do vậy, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường ở các địa phương trong tỉnh không được đảm bảo, đặc biệt là quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt nhìn chung vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Chất thải sinh hoạt chưa được quản lý còn chiếm tỷ lệ cao, việc vứt rác thải bừa bãi còn xảy ra, nhất là trên kênh, rạch, sông, biển hay những nơi công cộng. Song song đó, các sức ép từ quá trình phát triển kinh tế xã - hội giai đoạn 2016-2020 lên môi trường luôn ở mức cao, không chỉ do quy mô và nhịp độ tăng trưởng kinh tế xã hội tăng lên, mà còn do xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Đó là sức ép từ tác động của biến đổi khí hậu; sức ép do dịch bệnh phát sinh ở người và vật nuôi (COVID 19, dịch tả heo Châu phi,...). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề liên quan đến chất thải cũng gia tăng, đòi hỏi nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường cũng phải được quan tâm cùng mức với sự phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trước “bài toán” này, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước (nhân lực và vật lực) thì không thể đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực khác tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để có thể bổ sung vào “khoảng trống thiếu hụt” nguồn lực như hiện nay một cách hiệu quả.

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. “Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường” là một trong các giải pháp chính mang tính chủ đạo của Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường”. Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu 5 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó tiếp tục chỉ đạo “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường là “Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải”. Với những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và tình hình thực tế tại tỉnh Kiên Giang, việc xây dựng Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025” là rất cần thiết.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý nguyên và bảo vệ môi trường”.

- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 năm 2020;

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn;

- Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

- Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường”;

- Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nghị quyết số 150/2015/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 08/6/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Chương trình số 09-CTr/TU ngày 15/4/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.

III. YÊU CẦU, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Đảm bảo sự thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện, giám sát việc bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy xã hội hóa, thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, đóng góp mọi nguồn lực (nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, nguồn lực khoa học và công nghệ tiên tiến và các nguồn lực khác) vào các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ toàn diện các thành phần môi trường, có lộ trình và theo thứ tự ưu tiên các vấn đề bức xúc, nổi cộm trước.

Phần II

NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN QUA

I. NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết về hiện trạng chất lượng môi trường (không khí, đất, nước, biển, quản lý chất thải rắn (CTR), đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai, sự cố), cũng như mức độ tác động ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường và BĐKH đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội, cùng những đánh giá, phân tích về ưu - nhược điểm, tồn tại và nguyên nhân trong công tác quản lý môi trường của tỉnh, có thể xác định những thách thức về môi trường tại thời điểm hiện tại theo thứ tự ưu tiên, mà sẽ cần tiếp tục được đầu tư và giải quyết đồng bộ, cụ thể:

1. Vấn đề ô nhiễm môi trường do CTR sinh hoạt:

Công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng quy chuẩn, trình độ kỹ thuật - công nghệ và nhu cầu thực tế tại địa phương, đặc biệt là rác thải sinh hoạt nông thôn còn chủ yếu do hộ dân tự xử lý (thu gom đốt, chôn lấp tại vườn nhà, ủ phân, hoặc thải trực tiếp ra các ao, đầm, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nước, biển); 12 bãi chôn lấp rác thải của tỉnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mới chỉ một số bãi chôn lấp rác thải đang được xử lý; chưa lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, có hiệu quả cao; trang thiết bị thu gom và vận chuyển chưa phù hợp với chương trình phân loại rác thải tại nguồn.

2. Vấn đề ô nhiễm môi trường do CTR, chất thải nguy hại (CTNH) và nước thải công nghiệp chưa được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn:

Năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 8.600 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Do đó, công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở này còn có khó khăn và hạn chế (chưa thực hiện việc giám sát chuyển giao chất thải nguy hại; vẫn còn xảy ra tình trạng xả thải nước thải công nghiệp vượt quy chuẩn ra môi trường). Các KCN, CCN đang hoạt động cũng chưa có trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

3. Vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt dân cư:

Các khu đô thị và khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và phi tập trung, nước thải sinh hoạt của các hộ dân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Tỷ lệ các hộ dân có hố xí hợp vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng môi trường nước mặt ở các kênh rạch có xu hướng gia tăng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

4. Vấn đề ô nhiễm môi trường do CTR, CTNH và nước thải chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc tập trung:

CTR, CTNH và nước thải chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc tập trung thường phát sinh nhiều, với mức độ ô nhiễm cao, làm phát thải khí nhà kính, mùi hôi không khí, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, nước mặt, nước ngầm và vệ sinh môi trường, trong khi đó tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có hầm biogas còn rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chăn nuôi và lò giết mổ gia súc tập trung.

5. Vấn đề ô nhiễm môi trường do bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trong nông nghiệp:

Công tác tổ chức thu gom, quản lý và xử lý bao bì hóa chất BVTV chưa được thường xuyên và đồng bộ, ý thức “bỏ rác thải vào bể thu gom” của người dân đã được nâng lên nhưng chưa cao, thiếu nguồn lực thực hiện công tác thu gom, vận chuyển từ bể chứa đến nơi tập kết (chưa đầu tư, bố trí đầy đủ bể thu gom, khu vực lưu chứa và thiết bị thu gom chuyên dùng theo quy định), từ đó dẫn đến tỷ lệ thu gom, xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

6. Nguồn tài nguyên nước dưới đất đang suy giảm về chất lượng và số lượng, kết hợp tác động từ BĐKH:

Sự suy giảm này liên quan đến sự suy giảm mực nước chung của hệ thống nước dưới đất toàn vùng Đồng bằng Nam bộ, mà lý do chủ yếu là do việc khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gây ra hiện tượng sụt lún, hạ thấp địa tầng vùng châu thổ, kết hợp tác động từ BĐKH làm gia tăng xâm nhập mặn, gây nhiễm mặn đất đai, thiếu nước sinh hoạt, làm tăng xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển, phá hủy kết cấu hạ tầng giao thông, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và tính mạng người dân trong khu vực bị sạt lở. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sạt lở hàng loạt các tuyến quốc lộ huyết mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông.

7. Vấn đề ô nhiễm môi trường do CTR, CTNH và nước thải, thức ăn dư thừa trong nuôi thủy sản:

Việc CTR, CTNH và nước thải, thức ăn dư thừa trong nuôi thủy sản chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn, gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ cho môi trường nước mặt và nước biển ven bờ, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước nuôi thủy sản, cũng như chất lượng nước bãi tắm và thể thao, bảo tồn thủy sinh,...

8. Vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu tại huyện Kiên Lương):

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD),... là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, từ đó có ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe cộng đồng, cũng như đến việc bảo đảm an toàn giao thông trong vận chuyển VLXD.

9. Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống các loài ngoại lai xâm hại môi trường:

Có 61 nguồn gen quý hiếm đã phát hiện là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thực hiện bảo tồn các gen quý hiếm có giá trị cao. Mặt khác, 82 loài ngoại lai xâm hại môi trường đã phát hiện, cũng cần tiếp tục công tác phòng chống, diệt trừ. Hiện nay mới bảo tồn được 35/61 nguồn gen quý hiếm (chiếm 57,4%) và diệt trừ được 5/82 loài ngoại lai xâm hại môi trường (chiếm 6,1%).

10. Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng tại các khu vực đô thị:

Đã phát hiện thấy tình hình gia tăng ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng tại các khu vực đô thị, đến mức phải áp dụng các biện pháp nghiên cứu, điều tra, đánh giá tác động và đề xuất thực hiện công tác quản lý, xử lý theo quy định, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động nuôi chim yến, tập trung chủ yếu tại thành phố Rạch Giá.

11. Vấn đề thiếu hụt các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT:

Sự thiếu hụt các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT là nguyên nhân chính gây chậm trễ tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình xử lý chất thải cấp thiết (CTR, nước thải sản xuất và sinh hoạt), cũng như tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động BVMT, từ đó làm nghiêm trọng hơn các vấn đề môi trường bức xúc nêu trên.

12. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, trang thiết bị và trình độ kỹ thuật - công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, sự hợp tác trong nước và quốc tế về BVMT:

Đây là vấn đề có tính thể chế phát sinh hàng năm trong lĩnh vực BVMT, song chưa có hướng giải quyết triệt để, khả thi, từ đó làm nghiêm trọng hơn các vấn đề môi trường bức xúc, làm giảm hiệu quả thực thi các chính sách và giải pháp BVMT áp dụng trong quá trình phát triển KT-XH hàng năm, gây cản trở và vướng mắc cho quá trình xây dựng, phát triển thị trường và ngành công nghiệp BVMT nói chung.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN QUA

1. Kết quả đạt được

Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thực hiện từ lâu. Đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như sau:

* Công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành cơ chế, chính sách đến 31/12/2020:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 08/6/2018 Ban hành Quy định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ngày 24/8/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1888/QĐ-UBND Phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, có 6 dự án thuộc lĩnh vực môi trường, gồm: (1) Dự án xử lý nước thải Phú Quốc, (2) Hệ thống xử lý nước thải thành phố Rạch Giá, (3) Dự án xử lý nước thải huyện Tân Hiệp, (4) Hệ thống xử lý nước thải thị trấn Vĩnh Thuận, (5) Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị xã Hà Tiên, (6) Dự án xử lý rác thải/ chất thải rắn.

Ngày 03/5/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1019/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư bổ sung trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2019, giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, có bổ sung thêm 08 dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, gồm: (1) Nhà máy xử lý rác thải plasma công suất 100 tấn/ngày (tại Hòn Đất), (2) Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác (tại Giang Thành), (3) Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (tại U Minh Thượng), (4) Khu xử lý rác huyện Tân Hiệp (tại Tân Hiệp), (5) Khu xử lý rác kênh 500 (tại Vĩnh Thuận), (6) Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Giồng Riềng, (7) Trạm thu gom và xử lý nước thải các cụm dân cư trên địa bàn huyện (Giồng Riềng), (8) Dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân và bãi xử lý rác (tại xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải). Nâng tổng số dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực môi trường giai đoạn 2018 - 2020 là 14 dự án.

* Kết quả đạt được đến 31/12/2020:

Đã kêu gọi đầu tư và đã có nhà đầu tư đầu tư 01 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Rạch Giá (Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Hòn Đất). Hiện nay nhà máy đang hoạt động.

Trong 14 dự án được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020: đã có 02 nhà đầu tư tham gia 02 dự án: (nhà máy xử lý rác thải plasma công suất 100 tấn/ngày (tại Hòn Đất) và Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác (tại Giang Thành)); 01 dự án đã chuyển sang ngân sách Nhà nước đầu tư (Khu xử lý rác kênh 500 (tại Vĩnh Thuận)).

Còn lại 11/14 dự án chưa có nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, theo kế hoạch kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025: chỉ còn 3 dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, gồm: (1) Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Giồng Riềng, (2) Trạm thu gom và xử lý nước thải tại các cụm dân cư trên địa bàn huyện Giồng Riềng, (3) Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt xã Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng). Lý do giảm: các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 - 2020 đến nay không còn phù hợp quy hoạch[1].

2. Hạn chế và khó khăn trong thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa về bảo vệ môi trường

a) Hạn chế

Do ngân sách Nhà nước hạn hẹp và đang ưu tiên phát triển kinh tế nên nhiều năm nay, Tỉnh chủ trương kêu gọi xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Mặc dù công tác khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định nhưng còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đạt rất thấp so với danh mục dự án kêu gọi đầu tư (2/14 dự án).

- Ngoài những dự án nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư chính thức, có một số dự án (về xử lý rác thải, nước thải KCN) kêu gọi đầu tư, đã có nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, về công nghệ, thiết bị nên cũng bỏ dỡ hoặc chuyển nhượng lại, làm kéo dài tiến độ đầu tư: dự án đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải KCN Thạnh Lộc, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác Bãi Bổn (Phú Quốc), dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác huyện Kiên Lương... Dẫn đến tình trạng hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập: hệ thống thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tạm thời tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư bài bản và chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

b) Khó khăn, rào cản đối với doanh nghiệp

- Thông tin về các chính sách khuyến khích xã hội hóa: chính sách chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn, khó tiếp cận.

- Hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quản lý hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa: doanh nghiệp tiếp cận còn khó khăn; các thủ tục hành chính chưa được giải quyết nhanh chóng; ràng buộc và chồng chéo lẫn nhau.

- Quy mô, công suất của Dự án kêu gọi xã hội hóa: quy mô các dự án kêu gọi đầu tư của Tỉnh trong thời gian qua là nhỏ, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn và hiệu quả của nhà đầu tư.

- Việc triển khai thực hiện chính sách về đất đai: việc tiếp cận đất đai để thực hiện dự án còn khó khăn do Nhà nước không có quỹ đất sạch. Trong khi đó lại chưa hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong việc: giải phóng mặt bằng nhanh, giao đất sạch và hỗ trợ nhà đầu tư các công trình ngoài tường rào như đường, điện, nước nhanh và kịp thời theo tiến độ dự án.

- Việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng: tỉnh Kiên Giang chưa hỗ trợ, chỉ đạo cho vay từ các nguồn vốn ưu đãi giá rẻ của tỉnh để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực khó khăn này. UBND tỉnh chưa có cam kết rõ ràng về chính sách, giá cả, thời gian thanh toán chi phí môi trường để các Tổ chức tín dụng có thể yên tâm hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư rất khó tiếp cận các nguồn vốn khi không có hoặc có nhưng không rõ ràng chính sách thu hút nhà đầu tư của tỉnh, đặc biệt là đầu tư nhà máy xử lý rác đang là một lĩnh vực rủi ro lớn và khó.

- Việc thực hiện trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố: chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số sở, ban, ngành và UBND cấp huyện còn cho rằng việc bảo vệ môi trường là của Sở Tài nguyên và Môi trường và của nhà đầu tư; chưa nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của các ngành chức năng đối với 1 lĩnh vực còn quá khó khăn và chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

- Việc thực hiện trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa: nhà đầu tư chưa có cam kết rõ ràng về hiệu quả đầu tư: hiệu quả về kinh tế, môi trường, an ninh, chính trị xã hội của Dự án.

3. Nguyên nhân

Qua phân tích những tồn tại, những khó khăn, rào cản mà Doanh nghiệp gặp phải, thấy rằng những rào cản trong thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả đạt được trong thực hiện chính sách xã hội hóa thời gian qua còn rất hạn chế.

- Thông tin giữa tỉnh và các nhà đầu tư chưa thông suốt, kỳ vọng của 2 bên chưa gặp nhau, cả 2 bên chưa đưa ra được cam kết rõ ràng, mạnh mẽ với nhau. Điển hình như dự án xử lý rác: các nhà đầu tư chưa cung cấp, cho thấy công nghệ rõ ràng, chi tiết; các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ đầu tư. Trong khi, chính quyền cũng chưa có cam kết cụ thể, rõ ràng đối với các nhà đầu tư vào bảo vệ môi trường. Ví dụ: tối thiểu giao bao nhiêu rác/ngày, giá cả xử lý bao nhiêu và được trả như thế nào...

- Đầu tư cho bảo vệ môi trường vốn dĩ là lĩnh vực khó khăn, rủi ro cao, đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao nhưng chính sách thu hút đầu tư chưa mạnh dạn, rõ ràng và minh bạch nên các nhà đầu tư tiếp cận còn e dè hoặc bị lúng túng, hoặc chính các cơ quan Nhà nước cũng lúng túng.

- Công tác quy hoạch chưa mạnh dạn, chưa tối ưu, đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo các nhà đầu tư, một dự án xử lý chất thải có công suất tối thiểu 600 tấn/ngày thì mới có hiệu quả về mặt kinh tế khi đầu tư bài bản, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với các dự án xử lý chất thải của tỉnh Kiên Giang theo quy hoạch và theo thực tế lượng chất thải phát sinh thấp hơn con số này nên rất khó thu hút được nhà đầu tư thực sự muốn đầu tư cho môi trường. Sự kỳ vọng của chính quyền tỉnh và các nhà đầu tư chưa gặp nhau.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU VỀ XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

1. Quan điểm, định hướng và mục tiêu

a) Quan điểm

Theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã giao trách nhiệm cho UBND tỉnh ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung[2], cụm công nghiệp[3]. Và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã xác định nguồn vốn xã hội hóa là một nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, song song với ngân sách Nhà nước[4].

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường tại tất cả các vùng, địa phương trong tỉnh, nông thôn, biển và ven biển, miền núi, đô thị.

Quyền và lợi ích hợp pháp giữa Nhà nước và nhà đầu tư xã hội hóa phải đặt ngang bằng và hài hòa với nhau nhằm hướng tới đạt mục tiêu của các dự án đầu tư xã hội hóa.

b) Định hướng

Nhà nước lập, phê duyệt và công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan khác; xác định các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển cho bảo vệ môi trường; phân định tính chất của từng dự án để phân chia nguồn lực đầu tư (Nhà nước đầu tư và nguồn lực xã hội hóa đầu tư).

Tất cả chất thải được xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (chất thải của nhà máy, cơ sở này là nguyên, nhiên liệu của nhà máy kia), biến chất thải thành năng lượng sạch; ưu tiên những công nghệ tối ưu, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường.

UBND tỉnh sẽ tìm các giải pháp, xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường đảm bảo “đứng vững” trong thời gian ban đầu cũng như đảm bảo lợi ích hợp pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

c) Mục tiêu

* Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục những hạn chế, bất cập trong huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng bảo vệ và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

* Mục tiêu cụ thể

- Xác định được danh mục các dự án bảo vệ môi trường ưu tiên kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho cả tỉnh Kiên Giang từ năm 2022 - 2025 và định hướng đến 2030.

- Đến hết năm 2030, kêu gọi được nhà đầu tư tham gia đầu tư được tối thiểu 50% các dự án ưu tiên khuyến đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh (được nêu tại mục 4.1.5 Phần 2 của Đề án).

2. Các nhiệm vụ chủ yếu

a) Rà soát các quy hoạch có liên quan hiện có và đề xuất những nội dung liên quan vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch bảo vệ môi trường là một trong các nội dung của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050. Hơn nữa, việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy hoạch. Qua đánh giá kết quả thực hiện chính sách xã hội hóa về bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua, thấy rằng từ công tác lập quy hoạch, xác định quy mô quy hoạch các khu xử lý chất thải đến công tác triển khai quy hoạch và kêu gọi đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, rào cản mà chưa thúc đẩy được sự tham gia của nhà đầu tư. Do đó, để thống nhất với quy hoạch chung và để có thể triển khai thực hiện Đề án này khả thi, cần phải thực hiện nhiệm vụ này trước tiên. Quy hoạch tốt sẽ tạo tiền đề tốt cho các dự án triển khai thực hiện.

* Thời gian thực hiện: hoàn thành trong năm 2021.

* Nội dung thực hiện:

- Rà soát các quy hoạch được đề cập tại Mục VI, Danh mục Ban hành kèm theo Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề xuất quy mô và nhu cầu cấp đất đối với các loại hình nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn của địa phương. Riêng đối với chất thải rắn và nước thải cần theo các định hướng sau đây:

+ Đối với chất thải rắn:

Quy hoạch, ưu tiên cho các Dự án lớn tập trung, trọng điểm, công tác quy hoạch đảm bảo tính khoa học, hiệu quả kinh tế (khoảng cách thu gom rác thải sinh hoạt trung bình khoảng 30 km, xa nhất là 50 km). Quy hoạch phải đảm bảo tính bền vững lâu dài (30 năm, 50 năm). Hạn chế tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn 10 năm đã quá tải (quá ngắn, vất vả và không hiệu quả).

Quy hoạch trên phạm vi cả tỉnh từ 01 đến 02 “Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp - Đốt rác phát điện”, xử lý tất cả các loại chất thải, bao gồm: rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại (bao gồm: chất thải CNNH, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải y tế nguy hại), chất thải xây dựng, bùn thải, bồn cầu, ắc quy thải, dầu thải, dung môi thải, xác súc vật nuôi bị chết do dịch bệnh, ... toàn bộ hoặc đa số rác thải trên địa bàn tỉnh và thậm chí cả khu vực lân cận (đối với rác y tế và rác nguy hại). Đây được coi là một Khu kinh tế tái chế, xử lý tất cả các loại chất thải, phải định vị rác là “tài nguyên”. Quy hoạch diện tích đất đủ rộng từ 30 - 50 ha/khu để đảm bảo tầm nhìn quy hoạch cho 30 năm hoặc 50 năm tới, đồng thời tạo “vành đai cây xanh”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các khu vực vùng sâu, vùng xa, đảo nhỏ (trên 50 km đường bộ, đường giao thông nhỏ, các đảo của huyện Kiên Hải và Thổ Chu (Phú Quốc), lượng rác nhỏ (dưới 20 tấn rác thải sinh hoạt/ngày): quy hoạch các khu xử lý rác nông thôn quy mô nhỏ. Đồng thời, Nhà nước nên đầu tư lò đốt rác và đấu thầu thu gom, vận chuyển và vận hành hàng năm, đảm bảo việc đầu tư nhanh và hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi Nhà nước đầu tư bằng vốn công thì chi phí vận hành sẽ rẻ, chỉ bằng khoảng 50% chi phí xử lý rác theo Quyết định 1345/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng (Chi phí khi đó chỉ khoảng 200.000 đồng/tấn rác).

Ngoài ra, cần phải rà soát và đưa vào quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác.

+ Đối với nước thải:

Quy hoạch, ưu tiên kêu gọi đầu tư xã hội hóa hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho 3 thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc (Dương Đông, Dương Tơ).

Đối với các Khu đô thị, Khu dân cư mới: Những dự án này, trách nhiệm đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải là của chủ dự án. Sau khi xây dựng và hoàn thành hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chủ dự án sẽ bàn giao lại (chung với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án) cho chính quyền đô thị nơi thực hiện dự án để tiếp nhận và vận hành. Nhà nước nên đấu thầu, kêu gọi xã hội hóa vận hành các hệ thống này.

b) Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung

Thời gian thực hiện: hoàn thành và trình ban hành sau khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (dự kiến trong Quý I năm 2022).

Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện: quý II năm 2022.

Cơ quan tham mưu chính: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Cơ quan phối hợp: các sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan.

Nội dung chính của quy định: cụ thể hóa Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, thông tư có liên quan đến khuyến khích xã hội hóa.

c) Ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh

Thời gian thực hiện: hoàn thành trong quý I năm 2022.

Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện: quý II năm 2022.

Cơ quan tham mưu chính: Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan phối hợp: các sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan.

Nội dung chính của quy định: cụ thể hóa Điều 58 và Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, thông tư có liên quan đến khuyến khích xã hội hóa và bảo vệ môi trường.

3. Các dự án ưu tiên khuyến đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh

Qua tổng hợp, xếp hạng các đề xuất của các tổ chức, cơ quan trong các phiếu phỏng vấn, đã xác định được các loại hình nghề nghiệp sau đây được ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến 2025 và 2030:

STT

Loại hình nghề nghiệp

Quy mô dự kiến

Ghi chú

Giai đoạn đến 2025

1.

Cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải

Theo quy hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt

Áp dụng cho cấp huyện/ liên huyện

2.

Cơ sở xử lý rác thải

Theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

Các loại hình nghề nghiệp này gom lại thành 1 Khu liên hợp xử lý chất thải, kêu gọi 1 dự án đầu tư cho quy mô cả tỉnh.

Ở những vùng nông thôn, hải đảo thì Nhà nước đầu tư, đấu thầu chọn tổ chức/cá nhân vận hành Cơ sở xử lý rác sinh hoạt

3.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại (kể cả chất thải y tế)

Theo quy hoạch đã được phê duyệt

4.

Cơ sở xử lý chất thải nguy hại (kể cả chất thải y tế)

Theo quy hoạch đã được phê duyệt

5.

Cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc

phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Mỗi thành phố 1 dự án đầu tư riêng

6.

Đầu tư xây dựng, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Mỗi khu 1 dự án đầu tư riêng

7.

Đầu tư xây dựng, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp

phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Mỗi khu 1 dự án đầu tư riêng

Giai đoạn đến 2030

8.

Cơ sở xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị

Phù hợp với yêu cầu sinh hoạt và quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền tại khu vực dân cư và cộng đồng.

 

9.

Cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo từ sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt, năng lượng, sinh học, sản xuất năng lượng sạch từ việc tiêu hủy chất thải ô nhiễm môi trường

 

 

10.

Cơ sở hỏa táng, điện táng tại 3 thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc

Phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

11.

Cơ sở cung cấp nước sạch

Phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

4. Các giải pháp chính

a) Hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội hóa về bảo vệ môi trường

Các sở, ngành tập trung nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật và học tập kinh nghiệm của các tỉnh có thực tiễn triển khai chính sách xã hội hóa về bảo vệ môi trường tốt, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, quy định được nêu tại Mục 3.2 Phần 2 của Đề án.

Các quy định, cơ chế, chính sách phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể; Quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư xã hội hóa về môi trường cũng như của từng cơ quan Nhà nước; Hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quản lý hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa về bảo vệ môi trường.

b) Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa về bảo vệ môi trường

Thông qua việc minh bạch hóa trong quy trình đầu tư các dự án xã hội hóa về bảo vệ môi trường, các cơ quan Nhà nước nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá sát đúng năng lực nhà đầu tư, hạn chế đầu cơ, bán dự án.

Song song với việc nâng cao chất lượng các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn), Tỉnh cần phải tạo được quỹ đất sạch cho các khu vực bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (trong đó có các công trình bảo vệ môi trường) để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền trong việc thực hiện kêu gọi đầu tư xã hội hóa về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là những dự án đầu tư lớn.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và kiên quyết thu hồi đối với các nhà đầu tư chậm đưa dự án đi vào hoạt động.

c) Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, quảng bá chính sách khuyến khích xã hội hóa về bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh khác nhau nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm thực sự, có tâm huyết và có công nghệ tiên tiến và chủ động. Chủ động đón, tiếp và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện đề án

Các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

2. Kinh phí thực hiện

Các cơ quan được giao nhiệm vụ trong Đề án chủ động dự trù kinh phí (trong dự toán ngân sách hàng năm) và tổ chức thực hiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Riêng các nhiệm vụ nêu tại mục 3.2.2; 3.2.3 Phần 2 của Đề án thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2022.

3. Phân công thực hiện

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

Là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Hàng năm có tổng hợp báo cáo, đánh giá và đề xuất phù hợp với tình hình nhu cầu thực tiễn nhằm thúc đẩy đầu tư xã hội hóa. Chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ được trong Đề án (mục 4.3.4) và phối hợp với các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Nhiệm vụ đã nêu Đề án.

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quản lý hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa; kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án xã hội hóa về bảo vệ môi trường.

Chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp của Đề án. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

b) Sở Tài chính

Bố trí kinh phí để các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ được giao trong Đề án để thực hiện nhiệm vụ từ nguồn ngân sách đúng quy định.

Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan: hướng dẫn về công tác quản lý tài chính đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa; thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá cho thuê ưu đãi theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố để xác định và tổng hợp nhu cầu kinh phí giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án xã hội hóa và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu UBND tỉnh hàng năm cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí các nguồn vốn đảm bảo thực hiện đề án xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường của tỉnh.

Chủ trì thẩm định, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án xã hội hóa theo quy định;

Hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh liên quan tới việc đầu tư và ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa theo thẩm quyền;

Kiểm tra việc thực hiện các dự án xã hội hóa đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án đã lựa chọn chủ đầu tư và kiểm tra đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án; đề xuất xử lý và theo dõi việc xử lý đối với trường hợp vi phạm pháp luật của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư.

d) Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang

Chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án (mục 3.2.3) và phối hợp với các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ còn lại đã nêu Đề án.

đ) Sở Xây dựng

Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND ban hành chính sách ưu đãi về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất trong lĩnh vực xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện công tác giám sát, quản lý đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo chất lượng và đúng quy định của Nhà nước.

e) Sở Ngoại vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tham gia hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

g) Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn các chính sách thuế liên quan đến cơ sở thực hiện xã hội hóa; quy trình thủ tục cấp mã số thuế; quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ; kê khai, nộp thuế; và thủ tục miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất; thanh tra, kiểm tra việc kê khai nộp thuế và chấp hành chính sách thuế của các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành và xây dựng kế hoạch xã hội hóa cụ thể của địa phương; tạo quỹ đất sử dụng trong các dự án xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa.

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất để cập nhật vào quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn.

Trên đây là Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025”. Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cá nhân, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện tốt Đề án này./.



[1] Theo Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 -2025, kèm theo Dự thảo tờ trình của Sở kế hoạch và Đầu tư, được cung cp ngày 12/8/2021).

[2] Điểm c khoản 5 Điều 51 Luật BVMT năm 2020.

[3] Điểm b khoản 6 Điều 52 Lut BVMT năm 2020.

[4] Khoản 2 Điều 148 Luật BVMT năm 2020.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 340/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025”

Số hiệu: 340/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
Người ký: Nguyễn Thanh Nhàn
Ngày ban hành: 26/01/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [18]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 340/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025”

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…