ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2735/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 24 tháng 10 năm 2017 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI CƠ ĐỘNG LIÊN NGÀNH BẢO VỆ RỪNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 2169/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 1792/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thành lập Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 114/TTr-SNN-KL ngày 12/9/2017 và Tờ trình số 133/TTr-SNN-KL ngày 13/10/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thành viên của Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh Bình Phước; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
|
CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Trăm |
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI CƠ ĐỘNG LIÊN NGÀNH BẢO VỆ RỪNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2017 của UBND tỉnh)
Quy chế này quy định trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh Bình Phước (từ đây gọi là Đội cơ động) và các biện pháp phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Quy chế này áp dụng cho Đội cơ động được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập và các lực lượng tham gia khác (lực lượng ở địa phương) để thực hiện nhiệm vụ.
1. Việc phối hợp giữa các lực lượng phải bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng trong Đội cơ động nhằm phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.
2. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ khi có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bình Phước (viết tắt là BCĐ) hoặc theo kế hoạch đề ra. Bảo đảm xử lý các hành vi vi phạm kịp thời, chính xác, khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật, góp phần xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, đủ sức thừa hành nhiệm vụ được giao.
3. Thường xuyên trao đổi cùng nhau nắm bắt thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ; đánh giá tình hình, rút ra kinh nghiệm sau những đợt công tác để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả khi phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN PHẠM VI HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Đội cơ động bao gồm thành viên của lực lượng Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng và Quân sự. Quân số của Đội cơ động được bố trí từ 17 cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ và hoạt động thống nhất.
2. Lãnh đạo Đội Cơ động
- 01 Đội trưởng do Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 của Chi cục Kiểm lâm đảm nhiệm; 01 Phó Đội trưởng thường trực để thay Đội trưởng điều hành công tác khi Đội trưởng vắng mặt, bảo đảm hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
- 03 Phó Đội trưởng do cán bộ các đơn vị thành viên tham gia (phụ trách đơn vị phối hợp) để điều hành đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
3. Tổ cơ động: Đội cơ động được phân làm hai tổ trực chiến thay nhau làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra theo sự phân công của lãnh đạo Đội hoặc theo diễn biến vụ việc Đội sẽ huy động toàn lực lượng để tham gia xử lý triệt để.
1. Nhiệm vụ:
a. Lãnh đạo Đội có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch, phương án xử lý đối với tình huống xảy ra. Tham mưu Ban chỉ đạo xem xét, chỉ đạo thực hiện.
b. Tập trung lực lượng, sử dụng các biện pháp phối hợp hỗ trợ các địa phương để ngăn chặn, xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và làm thiệt hại tài nguyên rừng với tính chất và phương thức phức tạp.
c. Thành viên Đội cơ động chấp hành sự phân công của lãnh đạo Đội, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để nâng cao hiệu quả công tác.
2. Quyền hạn:
a. Được quyền thừa hành pháp luật trong lĩnh vực công tác đã phân công theo đúng quy định của pháp luật.
b. Được quyền yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các Ban Quản lý rừng huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
c. Được phép sử dụng con dấu riêng và phương tiện của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 - Chi cục Kiểm lâm để hoạt động theo quy định của pháp luật. Được phép dùng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các nghiệp vụ chuyên môn phù hợp để trấn áp, khống chế các đối tượng có hành vi chống đối, manh động nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng thừa hành pháp luật, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm theo quy định.
1. Đội cơ động hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo hoặc theo Kế hoạch được phê duyệt.
2. Chủ động phối hợp các lực lượng địa phương hoặc độc lập kiểm tra ngăn chặn các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Điều 7. Chế độ hội họp, báo cáo, giao ban
1. Sau mỗi đợt công tác, các thành viên trong Đội đánh giá tình hình thực hiện, rút kinh nghiệm cho những đợt công tác sau. Đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin báo cáo kịp thời những diễn biến vụ việc để lãnh đạo Đội phân tích, đề ra phương án xử lý cụ thể.
2. Định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, Đội tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động, tham mưu, đề xuất phương án hoạt động cụ thể cho Thường trực Ban Chỉ đạo nắm tình hình và chỉ đạo.
3. Hàng quý Đội cơ động tổ chức họp giao ban 01 lần để tổng kết, đánh giá tình hình kết quả hoạt động và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
TRÁCH NHIỆM VÀ BIỆN PHÁP PHỐI HỢP
Điều 8. Trách nhiệm của lực lượng Chi cục Kiểm lâm
1. Tham mưu Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong việc xây dựng và thực hiện các phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đề nghị chính quyền địa phương các cấp chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ để phối hợp ngăn chặn kịp thời các điểm nóng phá rừng, cháy rừng, săn bắn động vật và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp chủ rừng, chính quyền địa phương nắm bắt các điểm nóng về phá rừng làm rẫy, các tụ điểm cất giữ, mua bán lâm sản, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản và động vật rừng trái phép, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm.
3. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tuyên truyền, phổ biến những quy định phòng, chống cháy rừng; kiểm tra phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các đơn vị chủ rừng; chú trọng và kiểm tra những khu vực có nguy cơ cháy rừng trong mùa khô để chủ động phòng chống hiệu quả.
4. Phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Môi trường kiểm tra việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng (Ban quản lý rừng, Nông lâm trường...) kiểm tra việc triển khai các dự án sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân được giao theo quyết định của UBND tỉnh để quản lý hiệu quả tài nguyên rừng.
5. Lập Kế hoạch thường xuyên, định kỳ phối hợp cùng lực lượng Công an, Quân đội các cấp tổ chức tuần tra, kiểm tra (quân sự hành quân dã ngoại) các điểm nóng về phá rừng, khai thác lấy cắp lâm sản trái phép. Các tụ điểm cất giữ, kinh doanh lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, qua đó phát hiện những đường dây, các đầu nậu, các hình thức vi phạm để triệt phá, xử lý nghiêm minh.
6. Phối hợp cùng chủ rừng, cơ quan thừa hành pháp luật điều tra, xác minh tính chất, mức độ vi phạm của từng vụ việc để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của lực lượng Công an tỉnh
1. Sẵn sàng điều động lực lượng Công an cho Đội cơ động, theo từng vụ việc (theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị) để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực hiện nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện những đối tượng đầu nậu đứng sau các hoạt động khai thác rừng, phá rừng, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép để xử lý kịp thời; ngăn chặn những hành vi manh động, chống đối người thi hành công vụ, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp cơ quan Kiểm lâm, Quân đội, các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh với các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; trực tiếp chỉ huy lực lượng liên ngành ở địa phương kiểm tra truy quét, xóa bỏ các tụ điểm, đường dây phá rừng, mua bán lâm sản trái phép ở vùng giáp ranh giữa các huyện và tỉnh theo Kế hoạch.
4. Hỗ trợ cơ quan Kiểm lâm trong công tác điều tra, xử lý các hành vi mang tính hình sự. Tiếp nhận hồ sơ vi phạm do các ngành chức năng chuyển đến để điều tra, xử lý theo thẩm quyền; định kỳ hoặc đột xuất cung cấp những thông tin liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, kết quả điều tra, xử lý các vụ việc do cơ quan Kiểm lâm, chủ rừng chuyển đến để cùng phối hợp thực hiện.
5. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về PCCCR, kiểm tra phương án PCCCR và sử dụng các trang bị, phương tiện chuyên dùng để chữa cháy rừng ở cơ sở. Hướng dẫn các đơn vị có liên quan xây dựng phương án chữa cháy rừng cấp tỉnh sát với điều kiện, tình hình thực tế ở từng khu vực. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy để phối hợp các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng, địa phương hạn chế thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp điều tra, xác minh nguyên nhân gây cháy rừng để xử lý theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí quân dụng của các đơn vị, phối hợp với ngành Công an kiểm tra, nắm bắt tình hình tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, vũ khí tự tạo trái phép trong cộng đồng dân cư. Đồng thời có Kế hoạch kiểm tra thu hồi, tiêu hủy nhằm ngăn chặn những hậu quả tác hại khi các đối tượng vi phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để chống đối lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
2. Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuần tra, truy quét, ngăn chặn các đối tượng ra, vào rừng ở những khu vực biên giới để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm tích cực thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Các đơn vị đóng quân gần rừng, trong rừng phải xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng; sẵn sàng ứng cứu khi cháy rừng xảy ra.
3. Phối hợp cơ quan Kiểm lâm điều tra, xử lý kịp thời đối với những đơn vị quân đội, cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất lâm nghiệp và quản lý lâm sản.
KINH PHÍ, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA PHỐI HỢP BẢO VỆ RỪNG
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) hàng năm dự trù kinh phí hoạt động theo Kế hoạch trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Cán bộ chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, công chức Kiểm lâm, cán bộ nhân viên các Ban quản lý rừng khi tham gia phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng nếu bị thương tích hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phối hợp công tác sẽ được động viên, khen thưởng kịp thời. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân làm trái Quy chế, cản trở việc thực hiện Quy chế này thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Theo mức độ vi phạm tiến hành xử lý hành chính hoặc truy tố theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện nghiêm Quy chế này. Đồng thời, thường xuyên thông báo cho nhau tình hình, kết quả thực hiện.
Trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Chi cục Kiểm lâm) để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp./.
Quyết định 2735/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế hoạt động của Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh Bình Phước
Số hiệu: | 2735/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Phước |
Người ký: | Nguyễn Văn Trăm |
Ngày ban hành: | 24/10/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2735/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế hoạt động của Đội cơ động liên ngành Bảo vệ rừng tỉnh Bình Phước
Chưa có Video