UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2008/QĐ-UBND |
Tuyên Quang, ngày 22 tháng 12 năm 2008 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30/11/2007 của Chính phủ về một số giải
pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số
thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp;
Căn cứ Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác,
chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 124/2006/QĐ-TTg
ngày 30/5/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng
quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 176/2006/QĐ-TTg
ngày 01/8/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng
quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020; Quyết định số
104/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác,
chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025;
Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 về việc Quy hoạch các khu công nghiệp
Việt Nam đến 2015 định hướng đến 2020; Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày
21/7/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản
làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày
28/11/2008 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản
làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ các văn bản của các Bộ: Công văn số 1223/BCN-CLH ngày 08/3/2006 của Bộ
Công nghiệp về việc quy hoạch khoáng sản tại Tuyên Quang; Công văn số
120/BXD-VLXD ngày 06/6/2007 của Bộ Xây dựng về việc Quy hoạch thăm dò, khai
thác và sử dụng một số điểm khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh Tuyên
Quang; Quyết định số 33/2007/QĐ-BCN ngày 26/7/2007 của Bộ Công nghiệp phê duyệt
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Crômit,
Mangan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025; Quyết định số
05/2008/QĐ-BCT ngày 04/3/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng
thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn
2007 - 2015, có xét đến năm 2025; Quyết định số 11/2008/QĐ-BCT ngày 05/6/2008 của
Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử
dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm
2025; Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT ngày 04/8/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất
hiếm và urani giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025; Quyết định số
41/2008/QĐ-BCT ngày 17/11/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng
thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp
(serpentin, barit, grafit, fluofit, bentonit, diatomit và talc) đến năm 2015,
có xét đến năm 2025; Quyết định số 47/2008/QĐ-BCT ngày 17/12/2008 của Bộ Công
Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng
nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và
magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 97/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Tuyên Quang khoá XVI, kỳ họp thứ 7 về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai
thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến
năm 2020; văn bản số 291/HĐND16-KTNS ngày 10/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Tuyên Quang về việc cho ý kiến về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử
dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về
việc phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản trên địa
bàn tỉnh Tuyên Quang;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số
209/TTr-TNMT ngày 27/8/2008 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai
thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến
năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 có xét đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm của Quy hoạch
- Khoáng sản là nguồn tài nguyên có hạn, không thể tái tạo được, phải được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.
- Quy hoạch khoáng sản tỉnh Tuyên Quang phải phù hợp và thống nhất với Quy hoạch chung của cả nước và các Quy hoạch khác của tỉnh. Quy hoạch khoáng sản phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với an ninh quốc phòng, bảo vệ an toàn môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan và di tích lịch sử.
- Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo định hướng cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông lâm nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV đã đề ra.
- Thăm dò, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến sâu nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
- Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản, các ngành chức năng có trách nhiệm thường xuyên cập nhật các thông tin về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản để kịp thời báo cáo, đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.
2. Nội dung Quy hoạch
2.1- Quy hoạch thăm dò khoáng sản
a) Mục tiêu của Quy hoạch:
- Xác định trữ lượng, chất lượng và các điều kiện khai thác mỏ.
- Làm cơ sở cho lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của dự án.
b) Nguyên tắc lựa chọn các đối tượng thăm dò và sắp xếp thứ tự ưu tiên thăm dò:
- Các mỏ, điểm quặng và vùng khoáng sản có chất lượng tốt, có trữ lượng khá tập trung, điều kiện khai thác thuận lợi.
- Các mỏ, điểm quặng và vùng khoáng sản phân bố gần các mỏ lớn, các khu mỏ khoáng sản nằm trong khu vực đã được quy hoạch công nghiệp, đất đai, giao thông, du lịch và theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
c) Danh mục cụ thể các dự án thăm dò thể hiện tại Phụ lục I kèm theo.
2.2- Quy hoạch khai thác khoáng sản
Quy hoạch khai thác khoáng sản được tiến hành theo 2 mức:
a) Mức 1: Khai thác quy mô công nghiệp được chia thành 2 loại:
- Loại I: Các mỏ khai thác quy mô công nghiệp thuộc quy hoạch Trung ương.
- Loại II: Các mỏ khai thác quy mô công nghiệp thuộc quy hoạch địa phương.
Tập trung những mỏ đã được đánh giá trữ lượng và dự báo sau khi thăm dò có trữ lượng lớn, điều kiện khai thác, chế biến đầu tư có hiệu quả.
b) Mức 2: Khai thác quy mô nhỏ gồm các điểm mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ, nằm rải rác không tập trung.
Danh mục Quy hoạch cụ thể cho từng loại khoáng sản thể hiện tại Phụ lục II kèm theo.
2.3- Quy hoạch chế biến, sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang
a) Nguyên tắc của Quy hoạch
- Quy hoạch chế biến sử dụng khoáng sản phải là quy hoạch động, phụ thuộc vào trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò và tùy thuộc vào vốn và khả năng đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tham gia.
- Đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu với thiết bị công nghệ hiện đại, tận thu triệt để các khoáng sản đi kèm, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên không gây ô nhiễm môi trường.
- Đáp ứng và đảm bảo yêu cầu thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp chế biến khoáng sản phù hợp với các Quy hoạch của tỉnh.
- Các dự án chế biến khoáng sản nên tập trung vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và của huyện.
b) Quy hoạch các cơ sở chế biến khoáng sản
Từ các cơ sở trên có thể dự kiến Quy hoạch chế biến các loại khoáng sản tỉnh Tuyên Quang tại Phụ lục III kèm theo.
2.4- Quy hoạch các khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản
Theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
2.5- Xác định nguồn vốn và phương thức huy động vốn
Vốn thăm dò khoáng sản: Thuộc nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản khi được phép triển khai các dự án.
3. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch
3.1- Các giải pháp chủ yếu
3.1.1- Tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành trong hoạt động khoáng sản
a) Tuân thủ chặt chẽ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài nguyên và môi trường khi triển khai các hạng mục của Quy hoạch như:
- Luật Khoáng sản (ngày 20/3/1996), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (ngày 14/6/2005); Nghị định số 160/2005/NĐ-CP (ngày 27/12/2005) của Chính phủ; Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND (ngày 17/4/2008) của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan.
b) Triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản phải gắn liền với các quy hoạch ngành, vùng khác của tỉnh (như quy hoạch công nghiệp, đất đai, giao thông, du lịch, an ninh quốc phòng, ...).
c) Tăng cường công tác quản lý ở các cấp, các ngành trong hoạt động khoáng sản:
- Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật về Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các luật, văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khoáng sản; ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản.
- Khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
- Quản lý chặt chẽ các vùng cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
- Đẩy nhanh các thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản.
- Triển khai nhanh các dự án đã có chủ trương thực hiện.
3.1.2- Giải pháp về kỹ thuật
a) Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ:
- Xây dựng các quy chế, tiêu chuẩn kỹ thuật trong khai thác, chế biến, khoáng sản, an toàn lao động thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch và tiến độ thực hiện việc thăm dò tài nguyên theo quy hoạch đối với từng nhóm, từng loại hình khoáng sản.
b) Các nhà đầu tư phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo kỹ thuật an toàn tuyệt đối không để xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến tính mạng người lao động, tài sản của đơn vị trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đầu tư dây truyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm tiết kiệm tài nguyên và thu hồi tối đa nguyên liệu khoáng, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững.
3.1.3- Về môi trường
Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong hoạt động khoáng sản.
3.1.4- Giải pháp về vốn
Các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực vào công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, kỹ thuật, công nghệ vào xây dựng nhà máy chế biến, tuyển luyện khoáng sản.
3.1.5- Công khai quy hoạch khoáng sản
Các cấp, các ngành rà soát các quy hoạch theo lĩnh vực của ngành để bổ sung điều chỉnh kịp thời và triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch khoáng sản được duyệt đảm bảo tiến độ và hiệu quả của Quy hoạch. Các vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cần được bảo vệ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp triển khai nhiệm vụ Quy hoạch khoáng sản của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo đẩy nhanh và hiệu quả ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh theo đúng các quy định của Nhà nước.
2. Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; kiểm tra, thanh tra các cơ sở hoạt động khoáng sản; thực hiện việc kiểm kê tất cả các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác; chấn chỉnh trật tự khai thác, chế biến và mua bán khoáng sản, giải toả, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Quyết định 24/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
Số hiệu: | 24/2008/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký: | Lê Thị Quang |
Ngày ban hành: | 22/12/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 24/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
Chưa có Video