ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1931/QĐ-UBND |
Bắc Kạn, ngày 23 tháng 11 năm 2016 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;
Căn cứ Văn bản số 5080/ BNN-TCTL ngày 20/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại về việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương;
Căn cứ Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 03/6/2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 11/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 144/TTr-SNN ngày 03/11/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Phòng chống thiên tai -TKCN tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; Giáo dục và đào tạo, Xây dựng; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn; Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn; Bí thư Tỉnh đoàn; Chủ tịch các Hội: Chữ thập đỏ tỉnh, Phụ nữ tỉnh; Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn)
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều luật phòng chống thiên tai;
Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;
Căn cứ Văn bản số 5080/ BNN-TCTL ngày 20/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương;
Căn cứ Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 03/6/2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 11/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai;
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai như sau:
1. Nhằm tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của thiên tai đến an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh;
2. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn theo quy định của pháp luật;
3. Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai;
4. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ);
5. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả;
6. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân;
7. Cung cấp thông tin cho việc lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh.
I. ĐẶC ĐIỂM DÂN SINH, KINH TẾ XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế
- Bắc Kạn nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ Việt Nam với tổng dân số 313.084 người (Niên giám thống kê năm 2015), gồm 7 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay) cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Nhận thức về rủi ro thiên tai và khả năng thích ứng với thiên tai của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
- Đặc điểm kinh tế: Chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, với nguồn tài nguyên rừng, đất rừng phong phú. Tuy nhiên, do nằm trong vành đai nhiệt đới khu vực gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với mạng lưới sông ngòi tương đối phong phú có đặc điểm chung là ngắn, dốc, thủy chế thất thường. Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu, cùng với biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân.
2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cơ sở hạ tầng của tỉnh trong những năm gần đây đã có sự cải thiện rõ rệt, tuy nhiên về quy mô và chất lượng, chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là công trình phòng chống thiên tai, hệ thống đường giao thông…
II. RỦI RO THIÊN TAI VÀ CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI THƯỜNG GẶP
1. Bão, áp thấp nhiệt đới
- Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, ảnh hưởng đến tỉnh Bắc Kạn thường ở loại hình thấp, sức gió đã suy yếu khoảng cấp 6 đến cấp 7 (39 đến 61 km/h). Cấp gió mạnh nhất từng ghi nhận được khi bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh là khoảng cấp 10 (89 đến 102 km/h). Ảnh hưởng của bão trên địa bàn tỉnh chủ yếu do hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng thấp trũng, ngập lụt ở đô thị.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhận được: Cấp 3.
- Số cơn bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh trung bình: Từ 02 đến 04 cơn/năm.
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
2. Mưa lớn
- Mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ATNĐ; rãnh thấp, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao; không khí lạnh bị nén bởi khối áp cao lục địa phía Bắc. Điển hình như trận mưa ngày 22/9/1990 với lượng mưa phổ biến từ 250 đến 400mm, trận mưa ngày 17/7/2006 lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm, có nơi như Đông Viên, Phương Viên đạt từ 400 đến 500mm, trận mưa từ ngày 02 đến 04/7/2009 tại huyện Pác Nặm từ 400 đến 500mm.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhận được: Cấp 2.
- Số đợt mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình: 03÷05 đợt/năm (lượng mưa >200 mm/đợt)
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
3. Lốc, sét, mưa đá
- Lốc, sét, mưa đá thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đây là loại hình thiên tai gây chết người, gia súc, tốc mái, đổ nhà cửa, cây cối gây thiệt hại nặng về hoa màu. Điển hình trận mưa đá kèm theo lốc xoáy, dông, sét ngày 17/4/2012 đã gây thiệt hại nặng về người cũng như tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhận được: Cấp 1.
- Số trận lốc, sét, mưa đá xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình:
+ Lốc: 3 đến 7 trận/năm;
+ Sét: 3 đến 5 trận/năm (thường đi kèm mưa dông).
+ Mưa đá: 01 đến 02 cơn/năm.
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
4. Lũ, ngập lụt
- Do một số vùng thấp trũng, nằm cạnh sông Năng, Sông Cầu nên tình trạng ngập lụt hàng năm vẫn xảy ra, nhất là những đợt mưa lớn như năm 1990, 2002, 2008, 2013 làm ngập úng nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân; mực nước ngập cao nhất là năm 1986, 1990, 2006 với mực nước tại Cầu Phà đều trên báo động III từ 0,5 đến 2,6m.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhận được do lũ: Cấp 2.
- Vùng bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt: Thành phố Bắc Kạn, huyện Ba Bể, huyện Na Rì.
5. Lũ quét
- Do mạng lưới sông suối nhiều nên lũ quét là loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điển hình là trận lũ quét xảy ra ngày 30/5/2013 gây thiệt hại nặng về người, tài sản và hoa màu, thiệt hại ước tỉnh hàng trăm tỷ đồng. Trận lũ quét và sạt lở đất ngày 04/7/2009 tại 02 xã Nhạn Môn và Công Bằng, huyện Pác Nặm làm chết và mất tích 13 người, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng trên 152 tỷ đồng. Trận lũ quét và sạt lở đất ngày 31/7/2010 tại 02 xã Mỹ Phương và xã Chu Hương làm 01 người bị thương, làm sập và cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, ruộng nương của nhân dân.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhận được do lũ quét: Cấp 1.
- Vùng bị ảnh hưởng do lũ quét: Toàn tỉnh.
6. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
- Sạt lở đất, sụt lún thường xảy ra khi có mưa to hoặc dòng chảy mạnh. Sạt lở, sụt lún thường diễn ra ở các vùng sườn núi, sườn đồi dốc, nền đất yếu không ổn định. Sạt lở đất đã xảy ra tại khu vực đường giao thông hằng năm khi có mưa lớn. Đặc biệt là sạt lở sườn núi tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm làm 13 người chết và mất tích năm 2009.
- Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhận được: Cấp 2.
- Vùng thường bị ảnh hưởng: Các sườn dốc, các tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
7. Nắng nóng
- Nắng nóng thường xuyên xảy ra vào các tháng 5, 6 hàng năm với nền nhiệt độ trong ngày từ 35oC đến 40oC. Các đợt nắng nóng từng xảy ra trên địa bàn tỉnh như: 2012, 2013, 2014, 2015 kéo dài từ 3 đến 5 ngày, cá biệt có đợt kéo dài đến 10 ngày. Nhiệt độ cao nhất tại Chợ Rã đạt 40,5oC, Bắc Kạn đạt 39,8oC.
- Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhận được: Cấp 1.
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
8. Hạn hán
- Hạn hán thường xảy ra vào các tháng mùa khô trong năm: tháng 1, 2, 3, 10,11, 12. Trên địa bàn tỉnh hạn hán đã xảy ra vào cuối các năm 2000 đến nay với lượng mưa rất thấp, độ thiếu hụt nước trên 50% xảy ra trong 3 tháng liên tục. Mưa ít nhất là các năm 1977, 1987, 2011 với lượng mưa cả năm chỉ đạt xấp xỉ 70%, vào mùa khô hạn thì lượng mưa chỉ đạt 50 đến 60%.
- Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhận được do hạn hán: Cấp 1.
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
9. Rét hại, sương muối
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận những đợt rét hại kéo dài điển hình là đợt rét hại lịch sử kéo dài liên tục như năm: 2008, 2010, 2012, 2014. Mỗi đợt rét kéo dài khoảng từ 5 đến 10 ngày, cá biệt có những đợt kéo dài đến 93 ngày tại Ngân Sơn, 71 ngày tại Bắc Kạn ( năm 2012), nhiệt độ thấp nhất tại Ngân Sơn - 0,6oC, Bắc Kạn 1,4oC.
- Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhận được do rét hại, sương muối: Cấp 1.
- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.
Nhìn chung rủi ro thiên tai tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sản xuất nông lâm nghiệp.
III. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
1. Tổ chức phòng ngừa
a) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai;
- Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn luôn xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai là 1 nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành;
- Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội xây dựng phương án lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào các nội dung hoạt động của tổ chức mình để vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện;
- Trường học đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh về phòng chống thiên tai như: Đuối nước, đau mắt đỏ...;
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho cán bộ các cấp và nhân dân.
b) Tăng cường hệ thống thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và giáo dục luật phòng chống thiên tai như tổ chức truyền thông tại khu vực cộng đồng có nguy cơ cao về thiên tai, phương pháp phòng tránh khi có thiên tai xảy ra; xây dựng pa nô, áp phích tuyên truyền và cảnh báo thiên tai;
- Rà soát, nâng cấp, xây dựng hệ thống truyền thanh của các xã để kịp thời tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt cho công tác chỉ huy theo phương châm 4 tại chỗ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp.
c) Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, có kế hoạch di dời dân cư ra khỏi vùng có rủi ro thiên tai cao.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu dân cư đặc biệt là khu dân cư ở vùng nguy cơ sạt lở đất đến khu vực an toàn.
d) Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai. Quản lý tốt lực lượng xung kích, nắm chắc số lượng, tổ chức huấn luyện công tác PCTT- TKCN, đảm bảo chấp hành tốt lệnh điều động khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra, rà soát mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT như: áo phao, máy phát điện, loa cầm tay, dụng cụ cấp cứu.... bằng nguồn lực sẵn có của địa phương và trong nhân dân.
đ) Thực hiện tổng hợp các giải pháp:
(Chi tiết các chương trình, dự án như biểu kèm theo)
2. Xây dựng phương án ứng phó
2.1. Phương án ứng phó thiên tai
- Bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm bao gồm: kè chống sạt lở, công trình hồ đập, công trình kênh mương…;
- Phương án và địa điểm sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất: hàng năm rà soát và cập nhật các điểm có nguy cơ thiên tai cao trên địa bàn toàn tỉnh, có phương án di dời khi cần thiết;
- Đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc trong quá trình chỉ huy điều hành: Giao cho Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn người dân tại các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời phối hợp cùng lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân di dời đến nơi an toàn và bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm trú tránh;
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp trực ban nghiêm túc, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến xã;
- Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Hằng năm Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp kiện toàn, ban hành Phương án PCTT-TKCN để chủ động thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh;
- Xác định nguồn nhân lực ứng phó thiên tai: Huy động mọi nguồn lực sẵn có trong nhân dân. Khi có trường hợp khẩn cấp đề nghị cấp trên bổ sung thêm lực lượng để giúp địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai;
- Chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai theo phương án của đơn vị;
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai;
- Tổ chức thường trực, trực ban cập nhật thông tin diễn biến thiên tai, chuẩn bị địa điểm sơ tán.
2.2. Phương án ứng phó với một số loại thiên tai cụ thể
Căn cứ vào các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đưa ra các biện pháp ứng phó như sau:
a) Biện pháp ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cập nhật kịp thời diễn biến của bão, ATNĐ từ đó chủ động tham mưu ban hành các công điện, lệnh đến các ngành, các cấp trong tỉnh để chủ động ứng phó với thiên tai bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất trong thời gian tối thiểu trước 24 giờ;
- Chủ động sơ tán người, tài sản của nhà nước và nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối, các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất…;
- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Cứu người trước cứu tài sản sau”, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực xảy ra thiên tai, vùng bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
- Huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai. Nhân lực, phương tiện của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các kho vật tư dự trữ của tỉnh, các kho của địa phương;
- Khôi phục sản xuất, nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, khống chế dịch bệnh tuyệt đối không được để dịch bệnh bùng phát, ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi thiên tai đi qua.
b) Biện pháp ứng phó với hạn hán
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cập nhật kịp thời các bản tin dự báo trung hạn, dài hạn tới các ngành, các cấp về tình hình hạn hán để từ đó có phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình hạn hán;
- Quản lý chặt chẽ nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc; có các biện pháp sử dụng tiết kiệm nguồn nước;
- Tiến hành nạo vét hệ thống kênh, mương; tính toán lắp đặt thêm hệ thống các trạm bơm dã chiến tại những vị trí thuận lợi về nguồn nước để nâng cao năng lực cấp nước cho hệ thống, linh hoạt trong công tác cấp nước đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất;
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích của việc trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn;
- Ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm.
c) Biện pháp ứng phó với rét hại, sương muối
- Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu, ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với rét hại, sương muối tới các ngành, các cấp để chủ động phòng tránh;
- Triển khai đồng bộ các biện pháp chống rét cho người, gia súc và cây trồng. Đối với người đặc biệt lưu ý đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật;
- Triển khai biện pháp bảo vệ cây trồng phù hợp, nghiên cứu đề xuất, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt;
- Sẵn sàng triển khai phương án khắc phục và phục hồi sản xuất sau thiên tai (chuẩn bị đủ cơ số về giống cây trồng, vật nuôi).
d) Biện pháp ứng phó đối với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá tới các ngành, các cấp để chủ động phòng tránh;
- Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các cấp triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng tình huống cụ thể.
3. Tổ chức khắc phục hậu quả
3.1. Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân
- Cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích do thiên tai gây ra;
- Tiếp tục sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương (người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai...);
- Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn;
- Xác định đối tượng cần được cứu trợ bao gồm người bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương;
- Huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn;
- Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở;
- Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu;
- Tăng cường thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và người dân.
3.2. Thống kê, đánh giá thiệt hại, nhu cầu cần cứu trợ
- Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;
- Kiến nghị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;
- Kiến nghị hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;
- Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;
- Lập kế hoạch và đề xuất sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng.
1. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh
Là cơ quan điều hành thống nhất mọi hoạt động về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh)
Tham mưu triển khai các giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh;
Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai. Kiểm tra công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Là đầu mối, tổng hợp, phối hợp giữa các ngành, các cấp;
Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai giao;
Chỉ đạo các công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi xây dựng cụ thể hóa quy trình điều tiết hồ, nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa nhưng vẫn đảm bảo quy trình tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;
Chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thường trực 24/24h trong thời gian từ ngày 05/5 - 31/10 và trực theo quy định trong thời gian còn lại; khai thác và cập nhật kịp thời những thông tin về tình hình diễn biến của thời tiết, thủy văn, kè, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai khác. Tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các chỉ thị, lệnh, công điện; phối hợp với các đơn vị liên quan, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, các đợt truyền thông tại cộng đồng theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đề xuất phương án, giải pháp kỹ thuật xử lý sự cố công trình; chỉ đạo, đôn đốc xử lý các sự cố công trình phòng, chống thiên tai; kiểm kê, lập kế hoạch bổ sung, điều động vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai cho công tác ứng phó, khắc phục;
Tổng hợp báo cáo công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kịp thời và chính xác, đúng thời gian quy định;
Chủ động tham mưu đề xuất cơ chế chính sách, phương án khắc phục hậu quả thiên tai với UBND tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương; xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân;
Hằng năm vào thời điểm lập dự toán, lập dự toán kinh phí cụ thể gửi Sở Tài chính đối với nguồn sự nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với nguồn vốn đầu tư để tổng hợp thẩm định theo quy định.
3. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh
- Tổ chức trực ban nghiêm túc theo đúng quy định,
- Phối hợp với các đơn vị liên quan, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, các đợt truyền thông tại cộng đồng theo kế hoạch đã được phê duyệt.
- Theo dõi, tổng hợp tham mưu cho cơ quan thường trực, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các hoạt động liên quan đến việc triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai;
Hằng năm vào thời điểm lập dự toán kinh phí, lập, tổng hợp kế hoạch kinh phí báo cáo cơ quan thường trực để trình thẩm định theo quy định.
4. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh; có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng ứng cứu, cứu hộ chi viện kịp thời khi rủi ro thiên tai xảy ra; tiếp tục kiện toàn biên chế và duy trì lực lượng tiền phương ở cấp tỉnh (100 đ/c) và các phân đội dân quân tự vệ, dự bị động viên của các cấp trực cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng cơ động xử trí khi có tình huống xảy ra.
Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh, ban Chỉ huy PCTT-TKCN sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, hằng năm xây dựng kế hoạch huấn luyện cho lực lượng tiền phương theo đúng nội dung, chương trình quy định đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
5. Công an tỉnh
Thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh khi xảy ra thiên tai, nhất là tại các công trình trọng điểm; bảo vệ tài sản của nhà nước, nhân dân và các doanh nghiệp khi có rủi ro thiên tai xảy ra.
6. Sở Giao thông vận tải
Rà soát các tuyến đường hay xảy ra sự cố, xây kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, huy động phương tiện vận tải cho công tác cứu hộ và sơ tán dân trong vùng bị rủi ro thiên tai khi cần thiết.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo, đài địa phương, Cổng thông tin điện tử tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai, thông tin kịp thời diễn biến khi có thiên tai xảy ra.
Chỉ đạo doanh nghiệp Viễn thông đảm bảo thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương; chú trọng củng cố mạng thông tin đến các trọng điểm phòng chống thiên tai.
8. Sở Công Thương
Xây dựng kế hoạch dự trữ, đảm bảo cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, nhất là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, ngập, lụt nhất là các vùng có nguy cơ bị cô lập. Chỉ đạo công tác giám sát, kiểm tra quản lý thị trường, giá vật tư, vật liệu xây dựng... tại vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Chỉ đạo các chủ hồ thủy điện xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch phòng chống thiên và tìm kiếm cứu nạn cho công trình trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ đảm bảo vận hành an toàn cho vùng hạ du, bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn công trình khi gặp sự cố.
9. Sở Y tế
Xây dựng kế hoạch dự phòng thuốc men phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức tập huấn cho các đội vệ sinh phòng dịch bệnh và làm sạch môi trường, đội sơ, cấp cứu ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện; dự trữ đủ cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh và làm sạch môi trường sau thiên tai xảy ra; có kế hoạch sơ tán, di dời cơ sở y tế khi xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để nhanh chóng cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp, đảm bảo đủ nguồn nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng xử lý kịp thời đối với người bị nạn và môi trường khi có thiên tai.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN về nguồn lực xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trong kế hoạch đã được phê duyệt.
11. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch trên cơ sở số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị, địa phương tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
12. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp, đôn đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện tốt công tác dự báo, phát các bản tin dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão lũ, cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức cung cấp thông tin dự báo phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận; theo dõi, quan trắc, dự báo sớm lưu lượng lũ trên sông để chủ động ứng phó có hiệu quả.
Phối hợp với sở Y tế xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ môi trường trước, trong và sau thiên tai xảy ra.
13. Sở Xây dựng
Có kế hoạch phòng chống thiên tai trong lĩnh vực xây dựng, ban hành hệ thống lưới khống chế cao độ đảm bảo hệ thống công trình an toàn trước thiên tai trong quá trình lập quy hoạch.
14. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai theo đúng quy định; xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách của nhà nước; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố giải quyết các chính sách, chế độ trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai theo quy định.
15. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức tuyên truyền chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác PCTT-TKCN; thông tin kịp thời những diễn biến về rủi ro thiên tai để các cơ quan liên quan và nhân dân chủ động phòng, tránh.
16. Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn
Xây dựng các phương án dự báo, cảnh báo thời tiết, rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; cung cấp số liệu khí tượng thủy văn kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phục vụ công tác điều hành.
17. Điện lực tỉnh
Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ an toàn hệ thống nguồn, lưới điện trong mọi tình huống để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất và công tác phòng chống thiên tai.
18. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về phòng chống thiên tai; tham gia công tác vận động, cứu trợ sau rủi ro thiên tai, tạo nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai.
19. Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn
Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn các hồ chứa nhất là tại các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập. Tiến hành kiểm tra, đánh giá việc vận hành điều tiết hệ thống các hồ chứa trên địa bàn quản lý, đồng thời rà soát, lập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ theo quy định.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn cụ thể, chi tiết sát thực tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước do yếu tố chủ quan gây nên.
20. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương, chỉ đạo cấp xã phường chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.
- Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn để phối hợp với các đơn vị quản lý công trình xây dựng phương án phòng chống thiên tai bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão.
- Có kế hoạch dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân đảm bảo đủ nhu cầu khi có rủi ro thiên tai.
Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn để đề xuất giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện, thành phố. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sập đổ khi xảy ra giông, gió, lốc xoáy.
21. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
Thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình rủi ro thiên tai, để chủ động phòng chống; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng để tham gia vào công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai khi được sự huy động của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp.
22. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh
Theo phân công nhiệm vụ được giao, chủ động xuống địa bàn được phân công phụ trách kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra và công tác khắc phục hậu quả sau khi thiên tai. Chủ trì phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh, các đơn vị liên quan lập Đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi cần thiết.
1. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 573.453 triệu đồng.
2. Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, Quỹ phòng chống thiên tai, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó:
2.1. Ngân sách Trung ương: Đầu tư các dự án di dân tái định cư, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cấp an toàn hồ chứa, công trình phòng chống sạt lở, hệ thống cảnh báo thiên tai, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
2.2. Ngân sách dự phòng của tỉnh: Đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, chống sạt lở, dự án di dời dân, mở các lớp tập huấn, truyền thông về phòng chống thiên tai….
2.3. Quỹ Phòng chống thiên tai: Mua sắm trang thiết bị, phục vụ kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, diễn tập, dự báo, cảnh báo thiên tai gia cố các công trình xung yếu phòng, chống thiên tai, khắc phục thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra.
2.4. Ngân sách Sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn: đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Bốn tại chỗ”, trang bị những điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền, phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.
2.5. Ngoài ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng, 9 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cáo theo quy định./.
Quyết định 1931/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: | 1931/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký: | Đỗ Thị Minh Hoa |
Ngày ban hành: | 23/11/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1931/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020
Chưa có Video