THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2007/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 3309/TTr-BNN-LN ngày 12 tháng 12 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thực trạng ngành lâm nghiệp.
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2005, diện tích rừng toàn quốc là 12,61 triệu ha, trong đó khoảng 10,28 triệu ha rừng tự nhiên và 2,33 triệu ha rừng trồng; độ che phủ rừng là 37%. Tổng trữ lượng gỗ là 813,3 triệu m3 (rừng tự nhiên chiếm 94%) và khoảng 8,5 tỷ cây tre nứa. Tuy diện tích rừng có tăng, nhưng chất lượng rừng tự nhiên cũng như rừng trồng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phòng hộ. Hiện trạng diện tích đất chưa sử dụng toàn quốc còn 6,76 triệu ha, trong đó đất trống đồi núi trọc là 6,16 triệu ha, chiếm 18,59% diện tích tự nhiên của cả nước, chủ yếu là đất bị thoái hoá; đây là nguồn tiềm năng nhưng đồng thời cũng là thách thức cho phát triển lâm nghiệp.
2. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 1996 - 2005.
- Thành tựu chính của ngành lâm nghiệp.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi toàn quốc đã đạt được bước tiến bộ, ngăn chặn được tình trạng suy thoái về diện tích và chất lượng rừng, diện tích rừng tăng từ 9,30 triệu ha năm 1995 lên 11,31 triệu ha năm 2000 và 12,61 triệu ha năm 2005 (bình quân tăng 0,3 triệu ha/năm). Hiện nay bình quân mỗi năm trồng mới được khoảng 200.000 ha rừng. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 2.000.000 m3/năm để cung cấp nguyên liệu cho chế biến hàng lâm sản xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Ngành chế biến hàng gỗ và lâm sản đã có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước, đóng góp ngày càng lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo cơ hội cho phát triển rừng trồng nguyên liệu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ từ 61 triệu USD năm 1996 lên 1.035 triệu USD năm 2004 và 1.570 triệu USD năm 2005.
Hoạt động sản xuất của ngành lâm nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ từ nền lâm nghiệp quốc doanh, theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền lâm nghiệp xã hội hoá với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và hoạt động theo cơ chế của nền kinh tế sản xuất hàng hoá, do đó ngành lâm nghiệp đã tham gia tích cực tạo việc làm, cải thiện đời sống cho gần 25% dân số của Việt Nam sống trên địa bàn rừng núi, góp phần bảo đảm an ninh chính trị xã hội, tạo đà phát triển chung cho đất nước trong các năm qua
- Những tồn tại và yếu kém.
Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị suy giảm, ở một số nơi diện tích rừng tiếp tục bị tàn phá, tiến độ thực hiện trồng rừng sản xuất theo Chương trình Dự án 661 chưa đạt mục tiêu.
Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp thấp, chưa bền vững, năng suất, lợi nhuận thấp, sức cạnh tranh kém, chưa khai thác tổng hợp tiềm năng tài nguyên rừng, nhất là lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ môi trường sinh thái.
3. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.
Lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù bao gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hoá và dịch vụ từ rừng như các hoạt động bảo vệ, gây trồng, khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường có liên quan đến rừng; đồng thời ngành lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt cho người dân miền núi, góp phần ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái…
- Phát triển lâm nghiệp để có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
- Quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp.
- Phát triển lâm nghiệp phải trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hoá nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.
b) Mục tiêu đến năm 2020
Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.
c) Nhiệm vụ về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) từ 3,5% đến 4 %/ năm, phấn đấu đến 2020 GDP lâm nghiệp đạt khoảng 2 - 3% GDP quốc gia.
- Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng gồm: 8,4 triệu ha rừng sản xuất, trong đó 4,15 triệu ha rừng trồng bao gồm rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, lâm sản ngoài gỗ, ... 3,63 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên và 0,62 triệu ha rừng tự nhiên phục hồi sản xuất nông lâm kết hợp (phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích có chứng chỉ rừng); 5,68 triệu ha rừng phòng hộ và 2,16 triệu ha rừng đặc dụng.
- Trồng rừng mới 1,0 triệu ha đến năm 2010 và 1,5 triệu ha cho giai đoạn sau. Trồng lại rừng sau khai thác 0,3 triệu ha/năm. Trồng cây phân tán: 200 triệu cây/năm.
- Sản lượng gỗ trong nước 20 - 24 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn), đáp ứng về cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy và xuất khẩu. Đáp ứng nhu cầu củi chủ yếu dùng cho khu vực nông thôn và duy trì ở mức 25-26 triệu m3/năm.
- Xuất khẩu lâm sản đạt trên 7,8 tỷ USD (bao gồm 7 tỷ USD sản phẩm gỗ và 0,8 tỷ USD sản phẩm lâm sản ngoài gỗ).
- Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM), phòng hộ bảo vệ nguồn nước, du lịch sinh thái ... (đạt 2 tỷ USD).
d) Nhiệm vụ tham gia giải quyết về xã hội
- Tạo thêm việc làm cho người lao động (bao gồm cả khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ).
- Tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm số hộ nghèo trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm.
- Hoàn thành giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn trước năm 2010.
- Nâng số lao động lâm nghiệp được đào tạo nghề lên 50%, chú trọng các hộ dân tộc ít người, hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa.
đ) Nhiệm vụ bảo đảm ổn định về môi trường
- Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm đóng góp có hiệu quả cho phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển và đô thị, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống và tạo nguồn thu từ các dịch vụ môi trường (phí môi trường, giảm khí thải CO2, du lịch sinh thái…).
- Nâng độ che phủ rừng lên 42 - 43 % vào năm 2010 và lên 47% vào năm 2020.
- Đến năm 2010, trồng 0,25 triệu ha rừng phòng hộ và đặc dụng.
- Giảm đến mức thấp nhất các vi phạm vào tài nguyên rừng, hạn chế canh tác nương rẫy.
4. Định hướng phát triển.
a) Định hướng quy hoạch cơ cấu 3 loại rừng và đất lâm nghiệp
- Đối với rừng phòng hộ: rà soát và bố trí sắp xếp lại hệ thống rừng phòng hộ quốc gia khoảng 5,68 triệu ha, gồm 5,28 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn; 0,18 triệu ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; 0,15 triệu ha rừng chắn gió, chắn cát bay và 70.000 ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và biên giới quốc gia. Tuỳ theo mức độ xung yếu, cần kết hợp phòng hộ với sản xuất nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường và các lợi ích khác của rừng phòng hộ.
- Đối với rừng đặc dụng: rà soát và củng cố hệ thống rừng đặc dụng quốc gia hiện có với tổng diện tích không quá 2,16 triệu ha, theo hướng nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học.
- Đối với rừng sản xuất: tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu ha, trong đó có 3,63 triệu ha rừng tự nhiên và 4,15 triệu ha rừng trồng; chú trọng xây dựng các vùng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung; quản lý sử dụng bền vững theo hướng đa mục đích. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất còn lại 0,62 triệu ha được sử dụng để phục hồi rừng và sản xuất nông lâm kết hợp.
b) Định hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.
- Quản lý rừng: toàn bộ 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phận quốc gia ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Đến năm 2010, về cơ bản tất cả diện tích rừng và đất lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và theo đúng cơ chế chính sách của Nhà nước. Hiện đại hoá công tác quản lý rừng trên bản đồ và ngoài thực địa trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, ảnh viễn thám … trong quản lý rừng, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
- Bảo vệ rừng: xác định bảo vệ rừng như bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển, vừa bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu và trên nguyên tắc lấy phát triển để bảo vệ. Coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân.
Ủy ban nhân dân các cấp phải tổ chức thực hiện bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thuộc địa phương quản lý. Tăng cường năng lực và củng cố các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bán chuyên trách của các chủ rừng và cộng đồng dân cư thôn để có đủ năng lực ứng phú với những vụ việc vi phạm lâm luật và thiên tai như cháy rừng, sâu bệnh hại rừng. Chú trọng kiểm tra quá trình khai thác lâm sản tại rừng; việc kiểm tra, kiểm soát quá trình lưu thông, tiêu thụ lâm sản chỉ là một giải pháp góp phần bảo vệ rừng.
Tổ chức sắp xếp lại lực lượng kiểm lâm theo hướng, tăng cường vai trò chức năng tham mưu trong công tác bảo vệ phát triển rừng, thực thi pháp luật về lâm nghiệp cho các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã. Có chính sách chế độ ưu tiên khuyến khích tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác bảo vệ phát triển rừng đến từng lô, khoảnh.
- Phát triển rừng:
+ Quy hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất), kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ môi trường khác.
Đối với rừng đặc dụng, hướng phát triển chủ yếu thông qua bảo tồn nguyên trạng, tạo ra điều kiện môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đặc hữu, các hệ sinh thái đặc thù, nhằm bảo tồn quỹ gen, bảo tồn sự đa dạng sinh học, phục vụ cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Đối với rừng phòng hộ, quy hoạch và phát triển nhằm đảm bảo tối đa các yêu cầu phòng hộ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm duy trì sự cân bằng ổn định về môi trường đất (chống sói mòn, sa mạc hoá, tồn dư hoá chất độc hại), môi trường nước và khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo đảm cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội và sự trường tồn của dân tộc.
Đối với rừng sản xuất, quy hoạch và có kế hoạch phát triển theo chiều sâu, tạo các vùng nguyên liệu tập trung, theo hướng thâm canh; quy mô vừa và lớn nhằm bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và tăng hiệu quả sử dụng đất, coi trọng năng suất, chất lượng; kết hợp sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; các chính sách ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng, giống động vật hoang dã, kỹ thuật thâm canh và chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, hệ thống phòng, chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.…., phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và thừa kế các kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp của đồng bào địa phương; nghiên cứu phát triển rừng theo 2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh.
+ Chú trọng phát triển mạnh trồng cây phân tán để đáp ứng kịp thời, tại chỗ và có hiệu quả các nhu cầu gỗ gia dụng và củi cho nhân dân, đặc biệt ở vùng đồng bằng, ven biển. Đẩy mạnh gây trồng, phát triển lâm sản ngoài gỗ (mây, tre, dược liệu…) để đáp ứng các nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, có sức cạnh tranh cao, phục vụ cho tiêu dựng và xuất khẩu.
- Sử dụng rừng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản
+ Khai thác sử dụng rừng:
Khai thác sử dụng rừng hợp lý là biện pháp lâm sinh để tái tạo và cải thiện chất lượng rừng; đồng thời khai thác tối đa các dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu cho bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng rừng tự nhiên bền vững trên cơ sở phương án điều chế rừng.
Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chú trọng tiếp tục khoanh nuụi, cải tạo, làm giầu rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng để tạo nguồn cung cấp gỗ lớn, các lâm sản khác và dịch vụ môi trường sau năm 2010. Chỉ áp dụng phương thức khai thác chính đối với rừng còn trữ lượng giàu, đối với rừng có trữ lượng trung bình và nghèo chú trọng áp dụng phương thức khai thác nuụi dưỡng làm giàu rừng; đẩy mạnh trồng phát triển, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhúm sản phẩm có thế mạnh như mây tre, dược liệu, dầu nhựa, thực phẩm; khuyến khích gây nuôi động vật hoang dã; có cơ chế hướng dẫn các chủ rừng được khai thác và sử dụng hợp pháp lâm sản ngoài gỗ.
Khuyến khích sử dụng chất đốt từ sản phẩm phụ của rừng trồng (cành ngọn tỉa thưa…), sản phẩm phụ của nông nghiệp và các nguồn nhiên liệu thay thế khác, nhằm hạn chế tối đa sử dụng chất đốt từ gỗ rừng tự nhiên.
+ Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.
Công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản phải trở thành mũi nhọn của kinh tế lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dựng nội địa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực đầu tư và thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển.
Phát triển mạnh các sản phẩm có ưu thế trong chế biến xuất khẩu. Từ nay đến năm 2015, tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp các cơ sở công nghiệp chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ; phát triển công nghiệp quy mô lớn sau năm 2015.
Xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định. Đẩy mạnh hiện đại hoá công nghiệp chế biến quy mô lớn, từng bước phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng.
+ Định hướng xuất nhập khẩu lâm sản.
+ Tổ chức tốt việc nhập khẩu nguyên liệu lâm sản đáp ứng cho nhu cầu sản xuất phục vụ tiêu dựng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ, để khẩn trương đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
+ Tổ chức nghiên cứu, đào tạo thiết kế mẫu mó hàng gỗ gia dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lâm sản, đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mó sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước; đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng và xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu.
5. Các giải pháp thực hiện Chiến lược.
a) Giải pháp về chính sách và pháp luật
- Quản lý rừng và đất lâm nghiệp.
Xây dựng một hành lang pháp lý để thiết lập lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa. Sửa đổi và hoàn thiện chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp. Ưu tiên giao, khoán rừng phòng hộ cho các cộng đồng, tổ chức kinh tế, hộ gia đình để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã duyệt.
Tạo thuận lợi cho người được giao, khoán đất và rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hàng hoá; làm cho rừng thực sự trở thành hàng hoá, thành nguồn vốn để phát triển lâm nghiệp. Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng các hình thức: các hộ gia đình, tổ chức kinh tế và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.
Tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng; hoàn thiện quy chế quản lý rừng và cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế. Thử nghiệm và xây dựng cơ sở pháp lý để cho các thành phần kinh tế được giao, được thuê rừng đặc dụng sử dụng trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Khẩn trương đẩy mạnh rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; xoá bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không hiệu quả. Các phong tục và tập tục tốt của các điạ phương cần được xem xét nghiên cứu, hoàn thiện đưa vào xây dựng các quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với địa phương.
Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp huyện và xã. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và thôn xã nếu để mất rừng, phá rừng ở địa phương.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật.
- Tài chính và tín dụng.
Xây dựng cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản đặc thù và đổi mới phương thức đầu tư của Nhà nước cho ngành lâm nghiệp theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được duyệt, thay dần cho việc cấp vốn theo suất đầu tư hỗ trợ bình quân hiện nay.
Xây dựng cơ chế bảo hiểm và bảo đảm cho mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh lâm nghiệp từ các nguồn vốn đầu tư và tín dụng một cách bình đẳng.
Chuyển hướng đầu tư của Nhà nước từ trực tiếp sang đầu tư gián tiếp (cơ sở hạ tầng, giống, khoa học công nghệ...). Tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực... và đầu tư thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.
Xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và chế biến lâm sản trên cơ sở gắn và chia xẻ lợi ích với cộng đồng. Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch và ổn định; bảo đảm quyền sở hữu công nghiệp rõ ràng, quyền sử dụng đất, sử dụng rừng hoặc sở hữu rừng lâu dài; hỗ trợ xây dựng quỹ bảo hiểm lâm nghiệp, miễn giảm một số loại thuế cho các chủ rừng, các nhà đầu tư tham gia kinh doanh rừng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Công khai các quy hoạch phát triển lâm nghiệp, thử nghiệm và nhân rộng việc đấu thầu cho thuê rừng để sản xuất, phục vụ du lịch sinh thái hoặc nghỉ dưỡng tùy theo chức năng của rừng. Nhà nước tăng cường xây dựng quy hoạch và hỗ trợ lập một số dự án vùng trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Xây dựng và từng bước thực hiện cơ chế thu phí dịch vụ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ rừng nhằm tạo thêm các nguồn tái đầu tư cho lâm nghiệp. Thực hiện thu phí phòng hộ đầu nguồn đối với các công trình thuỷ điện các công trình nước sạch và thớ điểm xây dựng dự án trồng rừng Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động và sự nghiệp hàng năm cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và có chính sách hỗ trợ một số chi phí hoạt động của các tổ bảo vệ rừng thôn, xã; với rừng sản xuất, Nhà nước hỗ trợ trồng các loài cây quý hiếm, cây có chu kỳ kinh doanh dài và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, chủ yếu là đường lâm nghiệp, công trình và thiết bị phòng, chống cháy rừng..., ưu tiên cho các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung.
Xây dựng cơ chế khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo hướng tăng khả năng hưởng lợi trực tiếp từ rừng, bao gồm cả các khoản thu từ dịch vụ môi trường đem lại, để thay thế dần hình thức khoán bằng tiền từ ngân sách nhà nước hiện nay.
Đối với các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt các hộ nghèo, dân tộc ít người, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi, cấp lương thực, cấp cây giống, phân bún... để trồng rừng sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất nông lâm kết hợp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng, đồng thời hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy.
Triển khai thực hiện việc định giá rừng làm cơ sở cho các giao dịch về rừng. Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của trung ương và địa phương từ các nguồn vốn khác nhau và có cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hợp lý, nhằm đẩy nhanh quá trình xã hội hoá nghề rừng và ngành lâm nghiệp.
b) Đổi mới hệ thống sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp.
- Xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh tổng hợp gắn với công nghiệp chế biến và thương mại, làm hạt nhân cho phát triển ngành. Từng bước đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước; phát triển các hình thức liên doanh liên kết giữa loại hình kinh tế trong sản xuất, kinh doanh nghề rừng và chế biến lâm sản.
Chú trọng phát triển hình thức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư thôn và kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ dân tộc ít người tham gia các hoạt động trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp tập trung và chế biến lâm sản quy mô nhỏ trong các doanh nghiệp, trang trại để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.
c) Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và giám sát
- Rà soát quy hoạch 3 loại rừng, xác định lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa.
- Tiến hành thống kê, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng gắn với thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên rừng, áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng điều tra quy hoạch rừng.
- Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, đồng thời phải lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học. Các dự án lâm nghiệp phải lồng ghép với các dự án xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn, ở các vùng sâu, vùng xa. Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp hướng hoạt động kinh doanh vào cung cấp các dịch vụ hoặc tham gia quản lý dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến và thương mại gắn với rà soát và xây dựng các vùng trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung. Cần có kế hoạch thay thế các diện tích rừng trồng có năng suất thấp. Chú ý quy hoạch phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến lâm sản quy mô nhỏ và các trang trại lâm nghiệp.
- Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng lập kế hoạch theo hướng tăng cường kết nối đa ngành, phối hợp sử dụng các thông tin liên ngành và có sự tham gia của các bên liên quan.
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Sớm xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá và tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, quản lý tài chính và giám sát ngành các cấp.
- Củng cố hệ thống thông tin và giám sát ngành lâm nghiệp phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực thi Chiến lược phát triển Lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành và hội nhập quốc tế.
d) Giải pháp về tổ chức quản lý ngành
- Khẩn trương xây dựng lộ trình đổi mới tổ chức ngành Lâm nghiệp theo hướng tiến tới có được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về lâm nghiệp thống nhất, đủ mạnh từ trung ương đến cơ sở; gắn với việc cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Coi việc thành lập tổ chức quản lý nhà nước và tăng cường cán bộ quản lý lâm nghiệp ở cấp huyện và xã có rừng là ưu tiên hàng đầu trong 5 năm tới. Ở các xã có nhiều rừng, bố trí cán bộ lâm nghiệp chuyên trách.
- Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hội, hiệp hội của các nhà sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản.
- Xây dựng cơ chế phối hợp lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm với các chủ rừng, doanh nghiệp và cộng đồng để gắn nghiên cứu, đào tạo, khuyến lâm với sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp.
đ) Giải pháp về khoa học công nghệ
- Các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, đồng thời có sự tham gia của các chủ rừng và doanh nghiệp.
- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật.
- Xây dựng và thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp từ năm 2006 đến năm 2020, tập trung vào những nghiên cứu có tính đột phá trong ngành như công nghệ sinh học, tinh chế lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng cao sản, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt......
- Thực hiện chiến lược giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, trước hết đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao cho trồng rừng của Dự án 661 và các dự án khác.
- Thực hiện Đề án quốc gia về bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006 - 2020.
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm và bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ.
- Tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu. Tăng cường áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường trong sản xuất và chế biến lâm sản; coi đầu tư nước ngoài như là một kênh chuyển giao công nghệ mới.
- Thành lập hệ thống tổ chức khuyến lâm từ trung ương đến các tỉnh, huyện có nhiều rừng (tỉnh có trên 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp) trực thuộc hệ thống khuyến nông các cấp. Các xã nhiều rừng, có cán bộ khuyến lâm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Những nơi mà hệ thống khuyến nông của Nhà nước khó tiếp cận, cần nhanh chóng xây dựng tổ chức khuyến lâm tự nguyện và Nhà nước có những hỗ trợ cần thiết cho các tổ chức này.
- Từng bước đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cho các viện, trường lâm nghiệp thành những trung tâm tư vấn đủ mạnh của ngành lâm nghiệp. Khuyến khích thành lập các trung tâm tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ khác trực thuộc các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm. Hoàn thiện cơ chế tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng sản phẩm cho các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm.
e) Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực
- Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã. Coi trọng đào tạo con em dân tộc thiểu số và đào tạo liên thông cán bộ lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa. Chú trọng các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người nghèo.
- Nâng cao năng lực các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình làm nghề rừng và chế biến lâm sản thông qua đào tạo ngắn hạn và khuyến lâm, để họ có thể từng bước tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch sản xuất của mình.
- Nâng cao năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị đào tạo lâm nghiệp. Xây dựng đề án đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo lâm nghiệp cả về cơ cấu, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và cơ chế quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 1 - 2 viện, trường lâm nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế.
- Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn theo chuyên đề, ưu tiên đào tạo nông dân, công nhân lâm nghiệp và thợ thủ công trong các làng nghề.
- Khuyến khích các tổ chức đào tạo và khuyến lâm, tổ chức phi chính phủ và dự án quốc tế tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo và khuyến lâm.
- Quy hoạch, đào tạo các nhà khoa học và cán bộ giảng dạy chuyên sâu trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chú ý lĩnh vực kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu và giảng dạy.
- Phát triển các loại hình đào tạo từ xa để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu ngày càng tăng. Sớm đưa giáo dục môi trường rừng vào các chương trình giảng dạy của các trường học trong cả nước.
g) Giải pháp hợp tác quốc tế
- Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lĩnh vực lâm nghiệp thông qua việc tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lâm nghiệp quốc tế, khu vực và song phương.
- Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng có chiến lược và đúng mục tiêu nguồn vốn ODA. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Uỷ thác lâm nghiệp (TFF) và Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF). Từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, chế biến lâm sản và chuyển giao công nghệ.
- Củng cố và đẩy mạnh các hoạt động của đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) và Ban điều hành đối tác để điều phối các nguồn tài trợ quốc tế hỗ trợ thực hiện các chương trình của Chiến lược phát triển lâm nghiệp.
- Chủ động và hợp tác tích cực với các quốc gia, các viện, trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để đẩy mạnh việc tiếp cận nhanh chóng các chuẩn mực khoa học và công nghệ lâm nghiệp tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực và nâng cấp trang thiết bị cho ngành.
- Tiếp tục thực hiện các thoả thuận đa phương về môi trường, các cam kết quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà Việt Nam tham gia để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực và tranh thủ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ.
6. Các chương trình và nhiệm vụ chủ yếu.
a) Chương trình quản lý và phát triển rừng bền vững
- Thiết lập lâm phận quốc gia ổn định 3 loại rừng.
- Tất cả rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê cho các chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế trước năm 2010, tăng cường năng lực cho các chủ rừng.
- Thực hiện quản lý rừng bền vững. Các chủ rừng sản xuất kinh doanh xây dựng và thực hiện phương án điều chế rừng, ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng.
- Trồng rừng mới 1 triệu hộc ta đến năm 2010 và 1,5 triệu hec ta cho giai đoạn tiếp theo, nâng cao năng suất rừng trồng; làm giàu 0,5 triệu ha rừng nghèo kiệt; trồng 200 triệu cây phân tán/năm.
- Sản xuất gỗ trong nước ổn định, đến năm 2010 đạt 9,7 triệu m3 gỗ/năm; đến năm 2020 đạt 20 - 24 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn).
- Cung cấp gỗ nhỏ cho chế biến bột giấy; đến 2010 là 3,4 triệu m3; đến 2020 là 8,3 triệu m3.
- Đầu tư trang thiết bị hiện đại hoá công tác quản lý rừng, kiểm kê rừng theo định kỳ; củng cố và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng.
b) Chương trình bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các dịch vụ môi trường
- Bảo vệ có hiệu quả 16,24 triệu ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp của 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).
- 100% các văn bản quy định về bảo vệ rừng được tuyên truyền phổ biến đến các chủ rừng và người dân trong vùng.
- Giảm 80% số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
- 100% các chủ rừng, thôn, xã có rừng có lực lượng bảo vệ rừng. 100% khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có chủ quản lý, có quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. 100% cán bộ, nhân viên bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và thôn, xã được đào tạo nâng cao năng lực.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chi phí hoạt động cho bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và phòng trừ sâu bệnh hại rừng...
- Xây dựng và củng cố hệ thống rừng phòng hộ với tổng diện tích khoảng 5,68 triệu ha và hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích khoảng 2,16 triệu ha.
- Tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng mô hình quản lý bảo vệ rừng cộng đồng và các hình thức khác.
- Nghiên cứu định giá các dịch vụ môi trường của rừng, xây dựng cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường của ngành lâm nghiệp. Từ năm 2007 xây dựng và triển khai hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
c) Chương trình định hướng quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp, tiến độ thực hiện chiến lược 2006 - 2010 và thực hiện các đề án, dự án ưu tiên 2007 - 2010.
- Triển khai thực hiện nội dung định hướng quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2010 - 2020 (theo nội dung biểu 2 kèm theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020).
- Triển khai nội dung dự kiến tiến độ thực hiện chiến lược giai đoạn 2006 - 2010 (theo nội dung biểu 3 kèm theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020).
- Triển khai thực hiện danh mục các đề án, dự án ưu tiên giai đoạn 2007 - 2010 (theo nội dung biểu 4 kèm theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020).
d) Chương trình chế biến gỗ và thương mại lâm sản.
- Tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
- Tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản để đáp ứng cơ bản các nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cụ thể:
+ Tổng công suất gỗ xẻ : 6 triệu m3/năm.
+ Ván dăm : 320.000 m3 sản phẩm/năm.
+ Ván MDF : 220.000 m3 sản phẩm/năm.
+ Giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu : 7 tỷ USD (3,5 triệu m3 sản phẩm).
+ Giá trị lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu : 0,8 tỷ USD.
- Đến năm 2020, lâm sản ngoài gỗ trở thành một trong các ngành hàng sản xuất chính, chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu tăng bình quân 15 - 20%; thu hút khoảng 1,5 triệu lao động và thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm 15 - 20% trong kinh tế hộ gia đình nông thôn.
đ) Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm
- Tập trung nghiên cứu một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ tinh chế lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng cao sản, nông lâm kết hợp và cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. Cải tiến công nghệ và trang thiết bị cho công nghiệp chế biến lâm sản để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các chính sách có tính đột phá trong ngành lâm nghiệp.
- Đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên, học sinh, chú ý đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt. Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân làm nghề rừng và khu vực các làng nghề chế biến lâm sản. Từ năm 2008, đưa giáo dục bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường vào giảng dạy trong các trường học phổ thông. 80% cán bộ quản lý rừng ở địa phương được đào tạo về điều tra rừng và xây dựng, thực thi kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xác định tiêu chí rừng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và trang thiết bị cơ bản cho các viện, trường lâm nghiệp. Hoàn thiện và cập nhật các chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường liên kết giữa hệ thống đào tạo lâm nghiệp với hệ thống khuyến lâm. Đến năm 2020 có từ 1 đến 2 trường đào tạo lâm nghiệp đạt chuẩn quốc tế.
- Thu hút 50% các thành phần kinh tế và các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động khuyến lâm; nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, bảo vệ rừng cho 80% hộ nông dân. Bố trí ít nhất 1 cán bộ khuyến lâm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm cho mỗi xã nhiều rừng; phát triển và tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến lâm tự nguyện. Cải tiến nội dung, phương pháp khuyến lâm để phù hợp với trình độ của nông dân. Xây dựng mối liên kết giữa hệ thống khuyến lâm và đào tạo với các chủ rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản.
e) Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập kế hoạch và giám sát ngành
- Xây dựng và cập nhật hệ thống chính sách pháp luật và thể chế chính sách, pháp luật theo hướng phân cấp nhiều hơn cho địa phương và phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá và xã hội hoá nghề rừng. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp.
- Tổ chức lại và nâng cao hiệu lực của hệ thống quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo hướng thống nhất chức năng quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lâm nghiệp các cấp và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ lâm nghiệp.
- Xây dựng cơ chế chính sách cho các lâm trường quốc doanh đã tổ chức, sắp xếp đổi mới thành công ty và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từng bước thực hiện cổ phần hoá các công ty kinh doanh lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Xây dựng, thực hiện và mở rộng hình thức quản lý bảo vệ rừng cộng đồng. Thiết lập hệ thống khuyến lâm nhà nước các cấp và có cơ chế hỗ trợ tổ chức khuyến lâm tự nguyện cho thôn, xã có nhiều rừng.
- Xây dựng các đơn vị chuyên trách về giám sát, đánh giá gắn với việc kiện toàn hệ thống lập kế hoạch lâm nghiệp các cấp.
7. Khái toán nhu cầu vốn và các nguồn vốn giai đoạn 2006 - 2010
(đơn vị tính tỷ đồng)
a) Tổng vốn đầu tư: |
33.885, 34 |
Trong đó: |
|
- Chương trình quản lý phát triển rừng bền vững: |
16.214,55 |
- Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường: |
3.871,00 |
- Chương trình chế biến gỗ và thương mại: |
10.428,07 |
- Chương trình nghiên cứu, giáo dục đào tạo, khuyến lâm: |
546,98 |
- Chương trình đổi mới chính sách, lập kế hoạch và giám sát ngành: |
885,57 |
b) Chi thường xuyên cho các hoạt động: |
|
Hoạt động quản lý bảo vệ rừng: |
1.939,17 |
c) Tỷ trọng các nguồn vốn đầu tư cho chiến lược giai đoạn 2006 - 2010 bao gồm: |
|
+ Ngân sách nhà nước chiếm: |
23,9% |
+ Tín dụng nhà nước: |
15,6% |
+ Vốn ODA: |
13,1% |
+ Doanh nghiệp Nhà nước và Hợp tác xã: |
11,3% |
+ Hộ gia đình tư nhân: |
11,2% |
+ FDI: |
24,5% |
+ Nguồn khác: |
0,4% |
1. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Làm cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và đưa các nội dung của Chiến lược vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các Bộ, ngành và địa phương.
- Thành lập các Tiểu ban điều phối thực hiện chương trình của Chiến lược với thành viên là đại diện cho các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, doanh nghiệp có liên quan và các đối tác, dự án quốc tế quan tâm và tự nguyện tham gia chương trình.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược theo định kỳ hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nội dung về bảo vệ và phát triển rừng phải được xem là một bộ phận quan trọng trong báo cáo cuối năm của Chính phủ trước Quốc hội.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, tính toán bảo đảm các nguồn vốn đầu tư để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất và giao, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược lâm nghiệp và xây dựng đề án gắn kiểm kê rừng với kiểm kê đất đai toàn quốc theo định kỳ 5 năm một lần.
4. Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên liên quan xác định nội dung và chỉ tiêu cho việc giám sát đánh giá ngành lâm nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và nghiên cứu những đóng góp của ngành Lâm nghiệp về kinh tế, môi trường..., theo các tiêu chí phù hợp với yêu cầu đổi mới và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Lâm nghiệp để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung về phân ngành lâm nghiệp trong Nghị định số 75/CP ngày 27 tháng 10 năm 1973.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các nội dung nhiệm vụ được giao trong Chiến lược, định kỳ hàng năm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI
ĐOẠN 2006 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTgngày 05 tháng 02 năm 2007 của
Thủ tướng Chính phủ)
MỞ ĐẦU
Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên 33,12 triệu ha, trong đó diện tích có rừng là 12,61 triệu ha và 6,16 triệu ha đất trống đồi núi trọc là đối tượng của sản xuất lâm nông nghiệp. Như vậy, ngành Lâm nghiệp đã và đang thực hiện hoạt động quản lý và sản xuất trên diện tích đất lớn nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Diện tích đất lâm nghiệp phân bố chủ yếu ở trên các vùng đồi núi của cả nước, đây cũng là nơi sinh sống của 25 triệu người với nhiều dân tộc ít người, có trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, kinh tế chậm phát triển và đời sống còn nhiều khó khăn.
Nghề rừng không những tạo ra các sản phẩm lâm sản hàng hóa và dịch vụ đóng góp cho nền kinh tế quốc dân; mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường như phòng hộ đầu nguồn, giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu..., góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt đối với bảo vệ biên giới hải đảo; góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn và miền núi.
Theo quy định hiện hành về phân ngành kinh tế quốc dân, lâm nghiệp là ngành kinh tế cấp II với các nội dung hoạt động chính là gây trồng, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản và một số dịch vụ lâm nghiệp. Sản phẩm cuối cùng là nguyên liệu lâm sản cung cấp cho Công nghiệp chế biến và tiêu dùng.
Theo các số liệu được công bố hiện nay, GDP lâm nghiệp chỉ chiếm hơn 1% tổng GDP quốc gia. Giá trị lâm nghiệp trong GDP theo cách thống kê hiện nay mới tính giá trị các hoạt động sản xuất chính thức theo kế hoạch, chưa tính được giá trị các lâm sản do dân khai thác, chế biến và lưu thông trên thị trường; đặc biệt khâu công nghiệp chế biến lâm sản cũng không được tính đến. Những hiệu quả rất to lớn của rừng như tác dụng phòng hộ đầu nguồn, ven biển và môi trường đô thị, giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gien, du lịch sinh thái v.v… chưa được thống kê vào GDP của lâm nghiệp. Điều đó làm cho các cấp, các ngành và xã hội hiểu chưa đầy đủ về hiệu quả của một ngành với đối tượng quản lý là lâm nghiệp chiếm hơn 1/2 lãnh thổ, với nguồn tài nguyên rừng phong phú và có hơn 25 triệu dân sinh sống trên địa bàn. Những nhận thức không đầy đủ này có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển và đầu tư của Nhà nước cho ngành Lâm nghiệp.
Theo quan niệm tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO ) và phân loại của Liên hợp quốc về ngành Lâm nghiệp, đã được nhiều quốc gia thừa nhận và căn cứ vào tình hình thực tiễn của Việt Nam hiện nay, cần phải có một định nghĩa đầy đủ về ngành lâm nghiệp như sau: Lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù bao gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hoá và dịch vụ từ rừng như gây trồng, khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến lâm sản và cung cấp các dịch vụ môi trường có liên quan đến rừng; ngành Lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt cho người dân miền núi, góp phần ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.
Trên cơ sở Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các bộ luật khác liên quan; căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn tới và với một quan niệm đầy đủ về ngành lâm nghiệp, cần có những điều chỉnh toàn diện về định hướng phát triển ngành để đáp ứng yêu cầu đổi mới và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành. Chỉ có nhận thức đầy đủ và hành động thống nhất về vai trò, vị trí và nhu cầu của ngành thì lâm nghiệp mới có điều kiện phát triển nhanh, mạnh, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, xoá đói, giảm nghèo cho nông dân miền núi, bảo vệ môi trường và đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra.
Xuất phát từ những lý do trên, cần phải xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 – 2020 làm căn cứ định hướng cho phát triển ngành lâu dài. Chiến lược này kế thừa Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và Khung chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP), có bổ sung các quan điểm, định hướng mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Nội dung của Chiến lược gồm 8 phần:
Phần thứ nhất: Thực trạng ngành lâm nghiệp.
Phần thứ hai: Bối cảnh và dự báo phát triển.
Phần thứ ba: Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển;
Phần thứ tư: Giải pháp thực hiện;
Phần thứ năm: Các Chương trình;
Phần thứ sáu: Tổ chức thực hiện;
Phần thứ bảy: Giám sát và đánh giá;
Phần thứ tám: Dự tính nhu cầu vốn và các nguồn vốn
và phần biểu, phụ lục kèm theo Chiến lược này.
THỰC TRẠNG NGÀNH LÂM NGHIỆP
I. Hiện trạng tài nguyên rừng và tiềm năng đất đai phát triển lâm nghiệp.
Do việc quản lý sử dụng chưa bền vững và nhu cầu rất lớn về khai hoang đất rừng và lâm sản cho phát triển kinh tế - xã hội, nên diện tích và chất lượng rừng trong nhiều năm trước đây đã bị suy giảm liên tục. Theo các tài liệu đã có được, năm 1943, Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng, độ che phủ là 43%, đến năm 1990 chỉ còn 9,18 triệu ha, độ che phủ rừng 27,2%; thời kỳ 1980 - 1990, bình quân mỗi năm hơn 100 nghìn ha rừng đã bị mất. Nhưng từ 1990 trở lại đây, diện tích rừng đã tăng liên tục nhờ trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên (trừ vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ diện tích rừng vẫn có chiều hướng giảm). Theo công bố tại Quyết định số 1970/QĐ/BNN-KL-LN ngày 06 tháng 7 năm 2006 tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2005, diện tích rừng toàn quốc là 12,61 triệu ha (độ che phủ rừng 37%) trong đó 10,28 triệu ha rừng tự nhiên và 2,33 triệu ha rừng trồng; được phân chia theo 3 loại rừng như sau:
- Rừng đặc dụng: 1,93 triệu ha, chiếm 15,2%;
- Rừng phòng hộ: 6,20 triệu ha, chiếm 49,0%;
- Rừng sản xuất : 4,48 triệu ha, chiếm 35,8%.
Tổng trữ lượng gỗ là 813,3 triệu m3 (rừng tự nhiên chiếm 94%, rừng trồng 6%) và khoảng 8,5 tỷ cây tre, nứa. Trữ lượng gỗ bình quân của rừng tự nhiên là 76,5/m3/ha và rừng trồng là 40,6 m3/ha. Gỗ tập trung chủ yếu ở 3 vùng là Tây Nguyên chiếm 33,8%, Bắc Trung Bộ 23% và Nam Trung Bộ 17,4% tổng trữ lượng. Tổng diện tích lâm sản ngoài gỗ được gây trồng là 379.000 ha, chủ yếu tập trung ở 3 vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Bắc.
Với vốn rừng như trên, chỉ tiêu bình quân hiện nay ở nước ta là 0,15 ha rừng/người và 9,16 m3 gỗ/người, thuộc loại thấp so với chỉ tiêu tương ứng của thế giới là 0,97 ha/người và 75m3/người.
Diện tích đất chưa sử dụng toàn quốc là 6,76 triệu ha, trong đó đất trống đồi núi trọc là 6,16 triệu ha chiếm 18,59% diện tích của cả nước; phân bố giảm dần theo vùng như sau: vùng Đông Bắc chiếm 28% tổng diện tích đất trống đồi núi trọc, Tây Bắc 21%, Bắc Trung Bộ 19%, duyên hải Nam Trung Bộ 13%, Tây Nguyên 12%, Đông Nam Bộ 5%.... Trong tổng diện tích đất trống đồi núi trọc có tới 71% diện tích phân bố ở độ cao < 700 m và 38% diện tích phân bố ở độ dốc từ 16 - 350. Diện tích đất trống đồi núi trọc này sẽ là tiềm năng, nhưng cũng là thách thức cho phát triển sản xuất lâm nghiệp trong giai đoạn tới, vì phần lớn là đất dốc, bạc màu và phân bố rải rác.
II. Đánh giá kết quả các hoạt động lâm nghiệp 1996 – 2005.
1. Thành tựu chính của ngành Lâm nghiệp
- Trên phạm vi toàn quốc, nước ta đã vượt qua được thời kỳ suy thoái diện tích rừng. Diện tích rừng tăng từ 9,3 triệu ha năm 1995 lên 11,31 triệu ha năm 2000 và 12,61 triệu ha năm 2005 (bình quân tăng khoảng 0,3 triệu ha/năm). Diện tích rừng trồng mới tăng từ 50.000 ha/năm lên 200.000 ha/năm, diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi bảo vệ phục hồi nhanh đã làm tăng đáng kể năng lực phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng khoảng 2.000.000 m3/năm, cung cấp một phần nguyên liệu cho công nghiệp giấy, mỏ, dăm gỗ xuất khẩu và củi đun, góp phần giảm sức ép vào rừng tự nhiên;
Những kết quả đạt được, chủ yếu do những nguyên nhân:
- Nhà nước quan tâm hơn đến việc bảo vệ và phát triển rừng, đã có những chính sách và chương trình mục tiêu đầu tư lớn như chính sách giao đất giao rừng, Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.... Nhận thức của xã hội, của các tầng lớp nhân dân và chính quyền các cấp về bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên;
- Sự tăng trưởng liên tục và bền vững của nền kinh tế quốc dân trước hết là kinh tế nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp.
- Khoa học và chuyển giao công nghệ về trồng rừng có tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trồng rừng trong những năm gần đây;
- Có sự hỗ trợ đáng kể của cộng đồng quốc tế cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn miền núi. Có sự nỗ lực, hy sinh lớn lao của những người làm nghề rừng trong những điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần.
2. Những tồn tại và yếu kém
- Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học rừng tự nhiên nhiều nơi vẫn tiếp tục bị suy giảm (năm 2005 so với kết quả tổng kiểm kê rừng năm 1999, diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu giảm 10,2%, rừng trung bình giảm 13,4%; trong khi đó rừng phục hồi tăng 20,7%, rừng trồng tăng 50,8%). Tiến độ thực hiện trồng rừng của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chưa đạt mục tiêu, riêng (giai đoạn 1998 - 2005, tổng diện tích rừng trồng mới đạt 70% kế hoạch, trồng rừng nguyên liệu công nghiệp chỉ đạt 49% kế hoạch). Một số địa phương, rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác bất hợp pháp, làm nương rẫy.... (từ năm 2000 đến năm 2005, bình quân có 9.345 vụ phá rừng/năm và diện tích bị chặt phá 2.160 ha/năm) và hiện tượng lũ ống, lũ quét, hạn hán, sụt lở đất bất thường có một phần nguyên nhân do mất hoặc suy thoái rừng;
- Tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp thấp và chưa bền vững (theo Tổng cục Thống kê, tốc độ phát triển của ngành Lâm nghiệp năm 2000: 4,9%, năm 2001: 1,9%, năm 2002: 1,6%, năm 2003: 1,1%, năm 2004: 1,1%, năm 2005: 1,2%), lợi nhuận thấp, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác tổng hợp và hợp lý, nhất là lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ môi trường. Rừng trồng cũng như rừng tự nhiên năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu;
- Ngành công nghiệp chế biến lâm sản mấy năm gần đây tuy phát triển nhanh nhưng chủ yếu là tự phát, chưa vững chắc, thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược, tính cạnh tranh chưa cao, sự liên kết và phân công sản xuất chưa tốt, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới, thiếu vốn đầu tư cho phát triển và hiện đại hoá công nghệ; nguồn gỗ nguyên liệu chưa ổn định, phụ thuộc vào nhập khẩu (trong 4 năm qua, kim ngạch xuất khẩu chế biến lâm sản tăng đột biến 400%, nhưng nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 80% tổng nhu cầu);
- Tác động của ngành lâm nghiệp đối với xoá đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa tạo ra được nhiều việc làm; thu nhập của người làm nghề rừng thấp và chưa ổn định (tại Thanh Hoá, thu nhập bình quân từ lâm nghiệp của nhóm hộ khá đạt khoảng 461 nghìn đồng/người/năm, nhóm hộ thoát nghèo đạt 786 nghìn đồng/người/năm, nhóm hộ nghèo đạt 241 nghìn đồng/người/năm), đa số người dân miền núi chưa thể sống được bằng nghề rừng, đời sống của cán bộ, công nhân viên lâm nghiệp còn rất khó khăn;
Nguyên nhân của những tồn tại chủ yếu là:
* Nguyên nhân chủ quan:
- Nhận thức về lâm nghiệp của các ngành các cấp chưa đầy đủ và toàn diện, chưa đánh giá đúng các giá trị môi trường của rừng đem lại cho xã hội, chưa xác định rõ vị thế lâm nghiệp là một ngành kinh tế hoàn chỉnh từ khâu tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản và cung cấp các dịch vụ từ rừng. Đặc biệt nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước chưa có chuyển biến về vai trò, vị trí của ngành trong cơ chế mới, trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế; chưa thấy lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù và quan trọng, cần có sự đầu tư thoả đáng về ngân sách và phải có các cơ chế chính sách riêng;
- Hệ thống chính sách lâm nghiệp thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với chủ trương xã hội hoá nghề rừng và cơ chế thị trường. Chưa bổ sung kịp thời những cơ chế chính sách mới đầu tư cho phát triển rừng sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ để tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế nhất là khu vực hộ gia đình, cộng đồng và tư nhân tham gia phát triển nghề rừng;
- Việc thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp chưa có chuyển biến rõ rệt, quản lý rừng và đất rừng còn nhiều bất cập, tiến độ giao đất, giao rừng chậm; nhiều địa phương chưa mạnh dạn tổ chức giao rừng tự nhiên và rừng trồng cho dân, đặc biệt giao cho cộng đồng, hộ gia đình và tư nhân (tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2006 mới giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần 20% diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình); sự tham gia các hoạt động lâm nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh chưa tương xứng với tiềm năng;
- Hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp chưa thống nhất, còn phân tán, chia cắt. Số lượng, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật... chưa đáp ứng yêu cầu khi bước vào cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Bố trí lực lượng cán bộ mất cân đối giữa khâu bảo vệ và phát triển rừng làm giảm hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý. Về quản lý rừng và lâm nghiệp, tuy về cơ bản đã phân cấp cho các địa phương, nhưng chưa tạo đủ tiền đề về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ để phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là ở cấp huyện và xã;
- Khoa học công nghệ chưa tạo được sức bật, làm chuyển biến căn bản hiệu quả kinh tế của nghề rừng, chưa gắn kết với sản xuất và thị trường, chưa có định hướng đầy đủ cho phát triển giống cây trồng lâm nghiệp, chưa có đóng góp đáng kể vào nâng cao năng suất rừng tự nhiên và chưa có giải pháp sử dụng hợp lý hàng triệu ha rừng tự nhiên nghèo kiệt để tạo nguồn thu nhập cho người dân miền núi. Mạng lưới tổ chức khuyến lâm còn rất thiếu và yếu;
- Cho đến nay, phát triển lâm nghiệp chủ yếu dựa vào vốn ngân sách nhà nước, chưa huy động tối đa các nguồn lực của khu vực ngoài quốc doanh và dịch vụ môi trường. Đầu tư cho ngành Lâm nghiệp và nghề rừng còn rất thấp so với nhu cầu; quản lý sử dụng các nguồn lực đầu tư chưa chặt chẽ, dàn trải và hiệu quả chưa cao. Cơ cấu đầu tư chưa cân đối, đầu tư nhiều cho rừng phòng hộ và đặc dụng, ít chú trọng đến rừng sản xuất; chưa quan tâm đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.
Nguyên nhân khách quan:
- Rừng trải rộng trên địa bàn lớn, trong khi sức ép dân số lên đất rừng và lâm sản gia tăng, nhất là đối với khu vực miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và có dân di cư tự do;
- Chu kỳ sản xuất của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro và phân bố chủ yếu ở những vùng miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển; tính cạnh tranh của cây rừng rất thấp so với nhiều cây trồng khác.
III. Cơ hội và thách thức.
1. Cơ hội.
- Nhu cầu thị trường lâm sản trong nước và quốc tế tăng mạnh, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao và quá trình hội nhập quốc tế sẽ tạo ra cơ hội lớn cho việc phát triển tăng tốc mở rộng sản xuất kinh doanh nghề rừng, chế biến và thương mại lâm sản của các hộ nông dân, cộng đồng, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân;
- Hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội cải thiện môi trường đầu tư, xâm nhập thị trường lâm sản thế giới, tiếp thu công nghệ tiên tiến và đầu tư tài chính, đặc biệt trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ cho xuất khẩu, thúc đẩy nhanh quá trình quản lý rừng bền vững;
- Đảng, Nhà nước và xã hội cũng như cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
2. Thách thức.
- Dân số vẫn tiếp tục gia tăng, tình trạng di dân tự do vẫn tiếp diễn và phương thức sử dụng đất nông, lâm nghiệp ít hiệu quả tạo ra sức ép liên tục vào rừng để mở rộng diện tích đất nông nghiệp;
- Nhu cầu lâm sản ngày càng tăng đang tạo sức ép đối với tài nguyên rừng và môi trường, đặc biệt đối với rừng tự nhiên. Hiện nay, nhu cầu lâm sản đang vượt khả năng cung ứng bền vững của rừng. Diện tích đất thích hợp để trồng rừng sản xuất cho năng suất cao còn rất hạn chế và manh mún;
- Sức cạnh tranh của sản xuất lâm nghiệp còn thấp, hội nhập quốc tế vừa là thời cơ vừa là thách thức lớn cho ngành công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản, trong tương lai vấn đề cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn trên thị trường quốc tế và ngay cả ở thị trường nội địa;
- Bất cập giữa yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với các nguồn lực hạn chế của ngành Lâm nghiệp (nhân lực, cơ sở hạ tầng, vốn, trình độ quản lý v.v...);
- Tầm quan trọng của ngành Lâm nghiệp chưa được đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và công bằng nên ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách đầu tư và phát triển ngành.
BỐI CẢNH VÀ DỰ BÁO PHÁT TRIỂN
I. Bối cảnh kinh tế - xã hội
1. Một số xu thế của thế giới tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước
- Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, hội nhập kinh tế là tất yếu và mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực, tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn thách thức lớn cho các quốc gia. Cạnh tranh kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ... giữa các nước ngày càng gay gắt. Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tiếp tục phát triển nhảy vọt, thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tri thức đã tác động nhiều mặt và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực về đời sống xã hội của tất cả các quốc gia;
- Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung trong khu vực và quốc tế. Những vấn đề toàn cầu như dân số, môi trường, an ninh tài chính và lương thực, bệnh tật…. trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nhu cầu hợp tác phát triển tăng lên, chi phối ngay từ đầu sự lựa chọn chiến lược phát triển của tất cả các ngành kinh tế trong nước, trong đó có lâm nghiệp. Việc xây dựng tuyến giao thông xuyên Á và hành lang kinh tế nối vùng Bắc Việt Nam với Tây Nam Trung Quốc sẽ tạo nhiều cơ hội cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp;
- Đối với các dòng vốn nước ngoài: xu thế chung, vốn ODA sẽ theo chiều hướng giảm đi, vốn FDI sẽ tăng lên, hướng tới những vùng lãnh thổ có môi trường đầu tư thuận lợi và các ngành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao;
Những xu thế phát triển này của thế giới và khu vực sẽ có tác động mạnh mẽ đến tình hình trong nước. Đây là những cơ hội để tạo ra bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng.
2. Bối cảnh phát triển trong nước những năm qua
- Sau 20 năm đổi mới (1986 - 2005), nước ta đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng còn thấp;
- Sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, tăng bình quân 15,7%/ năm, riêng khu vực chế biến lâm sản gần đây đã có sự khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng 400% trong 4 năm qua. Những cải cách trong nông nghiệp và nông thôn đã giúp tăng nhanh giá trị sản xuất, đưa Việt Nam thành một trong các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu.... Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ chậm và năng lực cạnh tranh thấp; sử dụng đất đai trong nông lâm nghiệp còn chưa hợp lý, năng suất chất lượng thấp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn chậm; khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành cơ sở và động lực cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp;
- Về mặt xã hội, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tình trạng nghèo đói tiếp tục giảm. Phát triển nguồn nhân lực đã có những chuyển biến tích cực kể cả đối với vùng nông thôn miền núi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao và nguy cơ tái nghèo vẫn tồn tại, đặc biệt trong nhóm các dân tộc ít người ở các vùng sâu, vùng xa; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng công cuộc đổi mới;
- Nhiều chính sách và đạo luật được ban hành hoặc sửa đổi để phù hợp hơn với các cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ, an toàn và thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh tế còn chưa đầy đủ và đồng bộ. Công tác cải cách hành chính thiếu kiên quyết, bộ máy hành chính chậm đổi mới, kém hiệu lực và hiệu quả, đội ngũ công chức còn yếu kém về năng lực và phẩm chất;
- Hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều tiến triển quan trọng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, trên 16%/năm. Chính sách tự do hoá thương mại đã tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, bao gồm cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Việc tham gia và thực hiện các cam kết, công ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước RAMSA về các vùng đất ngập nước quan trọng, Công ước đa dạng sinh học (CBD), Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hoá (UNCCD)... đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng nảy sinh không ít thách thức cho các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp trong cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường nội địa.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp được xây dựng trong lúc đang bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 với mục tiêu sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá.
II. Dự báo phát triển dân số, GDP đến 2020
- Dân số: dự báo Việt Nam có khoảng 100 triệu người vào năm 2020 (với tốc độ tăng dân số là 1,5% trong giai đoạn 2001 - 2010 và 1,3% cho giai đoạn 2011 - 2020) hoặc 98,6 triệu người (với tốc độ tăng dân số tương ứng là 1,4% và 1,2%).
- Tốc độ tăng trưởng GDP sử dụng trong mô hình dự báo là 7,2%/năm trong thời kỳ 2006 - 2020. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của Việt Nam đến năm 2010, GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 1.050 - 1.100 USD và Việt Nam sẽ thoát ra khỏi nhóm các nước nghèo. Định hướng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
III. Dự báo nhu cầu lâm sản và dịch vụ môi trường rừng
Dân số gia tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến nhu cầu lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp. Các phân tích và dự báo trong Chiến lược tập trung vào lâm sản, chủ yếu là gỗ. (Chi tiết xem Biểu 1 đính kèm).
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
I. Quan điểm phát triển.
1. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái,… (như quan định nghĩa về lâm nghiệp đã được trình bày trong phần Mở đầu)
Lâm nghiệp cũng như nông nghiệp không phải chỉ là ngành sản xuất sản phẩm thô đơn thuần mà còn bao gồm cả chế biến và kinh doanh, dịch vụ. Đánh giá đóng góp của ngành phải bao gồm cả giá trị gia tăng của các sản phẩm từ sản xuất, chế biến và kinh doanh, dịch vụ của ngành. Có như vậy, ngành Lâm nghiệp mới được bình đẳng như các ngành kinh tế khác
2. Phát triển lâm nghiệp phải đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường
Phát triển lâm nghiệp phải phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, theo cơ chế thị trường; sớm chuyển lâm nghiệp thành một ngành sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; khai thác hợp lý lợi ích tổng hợp của rừng, chú trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc biệt các dịch vụ môi trường rừng.
Phát triển lâm nghiệp góp phần đa dạng hoá kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng, đặc biệt cho đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ vững an ninh quốc phòng.
3. Quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp
Rừng phải được quản lý chặt chẽ và có chủ cụ thể; chỉ khi nào các chủ rừng (tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng dân cư…) có lợi ích, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng thì khi đó tài nguyên rừng mới được bảo vệ và phát triển bền vững.
Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp phải dựa trên nền tảng quản lý bền vững thông qua quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng rừng. Phải kết hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển với khai thác sử dụng rừng hợp lý; kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, cải tạo, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế đa mục đích, kết hợp việc bảo vệ, phát triển cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản nhằm đóng góp vào tăng trưởng về kinh tế, xã hội, môi trường và góp phần cho sự phát triển bền vững quốc gia.
4. Phát triển lâm nghiệp phải trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng
Tiếp tục thực hiện và làm sâu sắc hơn việc xã hội hoá nghề rừng. Thực hiện đa thành phần trong sử dụng tài nguyên rừng (kể cả rừng đặc dụng, phòng hộ); đa sở hữu trong quản lý, sử dụng rừng sản xuất và các cơ sở chế biến lâm sản. Từng bước áp dụng rộng rãi hình thức cổ phần hoá các cơ sở sản xuất lâm nghiệp, chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của các chủ rừng, vừa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn và của toàn xã hội; bảo vệ rừng phải dựa vào dân, kết hợp với lực lượng bảo vệ chuyên trách và chính quyền địa phương.
Đa dạng hoá các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp, tăng cường thu hút vốn của khu vực tư nhân, vốn ODA, FDI và các nguồn thu từ dịch vụ môi trường... cho bảo vệ và phát triển rừng.
Đầu tư của Nhà nước cho lâm nghiệp là phần chi trả của xã hội cho các giá trị môi trường từ rừng đem lại. Các ngành kinh tế có sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của lâm nghiệp (bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, cung cấp nguồn nước...) cũng phải chi trả lại cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng và được tính vào chi phí sản xuất, dịch vụ của các ngành đó.
II. Mục tiêu và nhiệm vụ đến 2020.
1. Mục tiêu
Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42% - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
2. Nhiệm vụ
a) Kinh tế: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng. Quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có, gia tăng diện tích và năng suất rừng trồng, tăng cường các hoạt động nông lâm kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất trống đồi trọc phù hợp cho phát triển lâm nghiệp. Sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có tính cạnh tranh và bền vững để đáp ứng về cơ bản nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản khác; cụ thể là:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) từ 4 đến 5%/năm, phấn đấu đến năm 2020, GDP của ngành lâm nghiệp đạt khoảng 2% - 3% GDP quốc gia;
- Quản lý bền vững và có hiệu quả 8,4 triệu ha rừng sản xuất, trong đó 4,15 triệu ha rừng trồng, bao gồm rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, lâm sản ngoài gỗ.... và 3,63 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Diện tích phục hồi rừng tự nhiên và nông lâm kết hợp là 0,62 triệu ha. Phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ rừng (là diện tích được đánh giá và cấp giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững);
Quy hoạch hợp lý, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ khoảng 5,68 triệu ha và rừng đặc dụng 2,16 triệu ha.
- Trồng rừng mới 1,0 triệu ha đến năm 2010 và 1,5 triệu ha cho giai đoạn sau. Trồng lại rừng sau khai thác 0,3 triệu ha/năm;
- Khoanh nuôi tái sinh rừng 0,8 triệu ha;
- Trồng cây phân tán: 200 triệu cây/năm;
- Sản lượng gỗ khai thác trong nước 20 - 24 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn), đáp ứng về cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy và xuất khẩu;
- Khai thác củi dùng cho khu vực nông thôn duy trì ở mức 25 - 26 triệu m3/ năm;
- Xuất khẩu lâm sản đạt trên 7,8 tỷ USD (bao gồm 7 tỷ USD sản phẩm gỗ và 0,8 tỷ USD sản phẩm lâm sản ngoài gỗ);
- Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước... đạt 2 tỷ USD vào năm 2020.
b) Xã hội:
Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng thông qua xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động lâm nghiệp; tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân; đặc biệt chú ý đồng bào các dân tộc ít người, các hộ nghèo và phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa để từng bước tạo cho người dân làm nghề rừng có thể sống được bằng nghề rừng, góp phần xoá đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh quốc phòng; các nhiệm vụ cụ thể là:
- Tạo thêm 2 triệu việc làm mới trong lâm nghiệp (bao gồm cả khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ) ;
- Tăng thu nhập, góp phần xoá đói và giảm 70% số hộ nghèo trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm ;
- Hoàn thành giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trước năm 2010 ;
- Nâng số lao động lâm nghiệp được đào tạo nghề lên 50%, chú trọng các hộ dân tộc ít người, hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa.
c) Môi trường:
- Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng phòng hộ của ngành lâm nghiệp là: Phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng hộ môi trường đô thị, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống; tạo nguồn thu cho ngành lâm nghiệp từ các dịch vụ môi trường (phí môi trường, thị trường khí thải CO2, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng…) để đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
- Nâng độ che phủ rừng lên 42 – 43% vào năm 2010 và lên 47% vào năm 2020 ;
- Đến năm 2010 trồng 0,25 triệu ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;
- Giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ vi phạm vào rừng. Hạn chế canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp.
III. Định hướng phát triển lâm nghiệp
1. Định hướng chung
a) Định hướng quy hoạch 3 loại rừng và đất lâm nghiệp
Căn cứ vào tiêu chí về rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và nhu cầu phát triển rừng sản xuất đáp ứng các mục tiêu kinh tế - xã hội; định hướng quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020 như sau:
- Đối với rừng phòng hộ
+ Rà soát và bố trí lại hệ thống rừng phòng hộ quốc gia khoảng 5,68 triệu ha chủ yếu là cấp rất xung yếu, gồm 5,28 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn; 0,18 triệu ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; 0,15 triệu ha rừng chắn gió, chắn cát bay và 70.000 ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và xây dựng các khu rừng phòng hộ biên giới, hải đảo;
+ Với rừng phòng hộ đầu nguồn, rà soát và sắp xếp hợp lý các dự án hiện có, đồng thời tập trung xây dựng các dự án đầu tư bảo vệ và khôi phục rừng phòng hộ vùng núi phía Bắc (lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Gâm...), vùng Bắc Trung Bộ (lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh...), vùng Nam Trung Bộ (lưu vực sông Cái, sông Côn, sông Đà Rằng, sông Trà Khóc…), vùng Tây Nguyên (lưu vực sông Xê Xan, sông Ba, sông Đồng Nai...);
+ Với rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, chắn gió, chắn cát bay cần tập trung xây dựng dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ở vùng ven biển phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và củng cố, phát triển hệ thống rừng chống cát bay, chắn sóng ở các vùng ven biển miền Trung;
+ Với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, cần tập trung xây dựng ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long, Cần Thơ... và các khu công nghiệp như Dung Quất, Vũng Tàu, Biên Hoà, Bình Dương… ;
+ Xây dựng rừng phòng hộ biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
- Đối với rừng đặc dụng:
Rà soát và củng cố hệ thống rừng đặc dụng quốc gia hiện có với tổng diện tích không quá 2,16 triệu ha theo hướng nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; không phát triển tràn lan các vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên. Đối với các hệ sinh thái chưa có hoặc còn ít, có thể đầu tư xây dựng thêm một vài khu mới ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng đất ngập nước ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Cần xây dựng các hành lang đa dạng sinh học nhằm hình thành các vùng sinh thái lớn hơn.
- Đối với rừng sản xuất:
+ Tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu ha, trong đó có 3,63 triệu ha rừng tự nhiên và 4,15 triệu ha rừng trồng; chú trọng xây dựng các vùng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung; quản lý sử dụng bền vững theo hướng đa mục đích. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất còn lại 0,62 triệu ha rừng tự nhiên nghèo kiệt được sử dụng để phục hồi rừng và sản xuất nông lâm kết hợp.
- Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, rừng được chia làm 3 loại đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Tuy nhiên, để tiếp cận với phân loại của quốc tế, cần nghiên cứu phân chia rừng thành 2 loại là rừng bảo vệ và rừng sản xuất.
(Chi tiết xem Biểu 2 đính kèm).
b) Định hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng
- Quản lý rừng:
+ Toàn bộ 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phận quốc gia ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Quản lý rừng phải trên cơ sở gắn chi phí đầu tư hiệu quả kinh tế và giá trị môi trường, gắn và chia sẻ lợi ích giữa các chủ rừng với cộng đồng;
+ Đến năm 2010, về cơ bản tất cả diện tích rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng) và đất lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế; cụ thể là:
Tổ chức nhà nước quản lý phần lớn diện tích rừng đặc dụng (khoảng 85%), rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia, có quy mô lớn (khoảng 70%), một số khu rừng sản xuất là rừng trồng và rừng tự nhiên tập trung (khoảng 25%). Toàn bộ diện tích còn lại của rừng sản xuất (75%), rừng đặc dụng (15%), rừng phòng hộ (30%) sẽ chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cộng đồng, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân quản lý theo quy định của pháp luật;
Các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn bản được giao, thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng trồng, đất lâm nghiệp và một số khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quy mô nhỏ, phân tán, đã gắn bó lâu đời với các cộng đồng dân cư, theo quy định của pháp luật. Những diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm rải rác gần các thôn bản sẽ giao cho các hộ gia đình, ưu tiên các hộ nghèo và dân tộc ít người, để xây dựng vườn rừng đáp ứng nhu cầu gia dụng;
Các doanh nghiệp được giao và thuê các diện tích rừng sản xuất (rừng tự nhiên, rừng trồng) và các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quy mô nhỏ theo quy định của pháp luật. Cần nhân rộng các mô hình cộng đồng, hộ gia đình và tư nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng thuộc các tổ chức nhà nước quản lý.
+ Giao và cho thuê rừng cho các chủ rừng phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tùy theo từng đối tượng được giao, được thuê và loại rừng, Nhà nước thu tiền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật với mức phù hợp;
+ Hiện đại hoá công tác quản lý rừng trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, ảnh viễn thám... trong thống kê, kiểm kê, cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp....
- Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học:
+ Chuyển đổi nhận thức từ bảo vệ đơn thuần cây rừng sang bảo vệ rừng như bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển vừa bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu. Chú trọng kiểm tra quá trình khai thác lâm sản tại rừng; việc kiểm tra, kiểm soát quá trình lưu thông, tiêu thụ lâm sản là biện pháp góp phần bảo vệ rừng;
+ Bảo vệ và bảo tồn rừng trên nguyên tắc lấy phát triển để bảo vệ, tạo mọi điều kiện cho các chủ rừng và người dân địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và tạo thu nhập hợp pháp để có thể sống được bằng nghề rừng. Nhà nước có các hỗ trợ cần thiết cho các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ rừng, khi chưa có thu nhập trực tiếp từ rừng;
+ Bảo vệ và bảo tồn rừng là trách nhiệm trực tiếp của các chủ rừng; phối hợp với cộng đồng dân cư thôn sở tại, có sự hỗ trợ hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chính quyền địa phương. Các chủ rừng phải tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng. Cộng đồng dân cư thôn là lực lượng tại chỗ quan trọng trong việc bảo vệ rừng;
+ Bảo vệ rừng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải tổ chức thực hiện bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra các vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở địa phương;
+ Coi trọng việc xây dựng và củng cố các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bán chuyên trách của các chủ rừng và cộng đồng dân cư thôn để có đủ năng lực ứng phó nhanh chóng với những vụ vi phạm lâm luật và thiên tai như cháy rừng, dịch sâu bệnh hại rừng...;
+ Bảo tồn rừng phải kết hợp giữa bảo tồn tại chỗ với bảo tồn ngoài nơi cư trú tự nhiên trên diện rộng; kết hợp với phát triển gây nuôi động vật rừng theo hướng đạt hiệu quả kinh tế cao và được kiểm soát theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn hàng hóa, phục vụ bảo tồn rừng. Chú ý phát triển vùng đệm và xây dựng các hành lang đa dạng sinh học;
+ Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho các chủ rừng và các thôn xã, là lực lượng chính trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ rừng. Đối với các xã có rừng, kiểm lâm địa bàn và cán bộ lâm nghiệp xã là cán bộ tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân xã trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng vũ trang và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải coi bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt đối với rừng phòng hộ biên giới;
+ Nhà nước đảm bảo kinh phí chi sự nghiệp thường xuyên và các chi phí khác cho hoạt động bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Đẩy nhanh việc thu phí dịch vụ môi trường từ rừng nhằm hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác bảo vệ rừng;
+ Từng bước tăng cường vai trò của các hiệp hội, của những người sản xuất, tiêu dùng lâm sản và sử dụng các dịch vụ từ rừng trong công tác bảo vệ rừng;
+ Coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho mọi tầng lớp nhân dân và Nhà nước dành kinh phí thích đáng cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
- Phát triển rừng: quy hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, và rừng sản xuất), kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ môi trường khác.
+ Đối với phát triển rừng đặc dụng chủ yếu thông qua bảo tồn nguyên trạng, tạo ra những môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật đặc hữu, các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học;
Ngoài việc bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng đặc thù trong khu bảo vệ nghiêm ngặt; đối với diện tích đất chưa có rừng, quy hoạch đồng cỏ, bãi trống cho phát triển động vật rừng hoặc tiến hành khoanh nuôi tái sinh tự nhiên kết hợp với trồng bổ sung các loài cây bản địa hoặc nông lâm kết hợp... để tạo thu nhập cho người dân còn sinh sống trong rừng đặc dụng. Cần giữ diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở mức vừa đủ, chú trọng đầu tư cho các khu phục hồi sinh thái nhằm tăng cường khả năng bảo tồn các loài động thực vật đặc hữu. Tăng cường khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... và nghiên cứu đổi mới cách quản lý các khu rừng đặc dụng cho phù hợp với nhận thức mới về bảo tồn thiên nhiên của thế giới.
+ Đối với phát triển rừng phòng hộ nhằm đảm bảo tối đa các yêu cầu về phòng hộ đầu nguồn, chắn sóng lấn biển, chắn cát bay … và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Với nhận thức: Tất cả diện tích rừng đều có chức năng phòng hộ, tuy nhiên chỉ bố trí và gọi là rừng phòng hộ đối với những khu rừng có mức độ phòng hộ rất xung yếu. Tùy theo mức độ xung yếu, có thể kết hợp phòng hộ với sản xuất nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường, khai thác lâm sản và các lợi ích khác của rừng phòng hộ.
Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng và nhiều tầng, chủ yếu thông qua tái sinh tự nhiên. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường phải được xây dựng thành các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng.
+ Rừng sản xuất phát triển chủ yếu theo hướng thâm canh, coi trọng năng suất và chất lượng; kết hợp sản xuất nông - ngư nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ môi trường khác;
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên cần có các tác động lâm sinh cần thiết nhằm đạt tối đa năng suất và hiệu quả. Đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển rừng tự nhiên thông qua các biện pháp lâm sinh nuôi dưỡng và làm giầu rừng bằng các loài cây đa tác dụng và lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của rừng và tăng thu nhập cho người dân miền núi. Đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt tái sinh kém và rừng trồng chất lượng thấp có thể cải tạo để trồng rừng mới, có hiệu quả kinh tế hoặc có giá trị môi trường cao hơn.
Rừng sản xuất là rừng trồng, cần ưu tiên phát triển theo quy hoạch các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày, khuyến khích gây trồng các loài cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ, chú trọng phát triển các loài là cây lợi thế của Việt Nam. Phát triển rừng trồng sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường và tập trung vào các vùng có lợi thế cạnh tranh, sản xuất ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Cần tập trung cải thiện nhanh chóng năng suất rừng trồng thông qua áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để bảo đảm về cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản vào năm 2020.
+ Phát triển mạnh trồng cây phân tán để đáp ứng kịp thời, có hiệu quả các nhu cầu gỗ gia dụng và củi cho địa phương, đặc biệt ở vùng đồng bằng, ven biển;
+ Khuyến khích tất cả thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô vừa và lớn nhằm bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và tăng hiệu quả sử dụng đất. Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết và thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp;
+ Áp dụng khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển lâm nghiệp; trên cơ sở trên cơ sở dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thừa kế các kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp của người dân địa phương. Nghiên cứu phát triển rừng theo 2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng và các biện pháp lâm sinh để không chỉ tăng năng suất, chất lượng rừng mà còn gia tăng các giá trị bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng.
+ Nhà nước đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho phát triển rừng, đặc biệt chú ý hệ thống hệ thống rừng giống, vườn giống quốc gia, đường lâm nghiệp, hệ thống phòng, chống cháy và sâu bệnh hại rừng…
+ Thực hiện đa dạng hoá các nguồn thu nhập thông qua phát triển cây trồng, vật nuôi ngắn ngày để có thu nhập trước mắt, đồng thời tiến hành trồng rừng quy mô nhỏ, tham gia quản lý bảo vệ và làm giầu rừng tự nhiên, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt trong chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ để tạo nguồn thu nhập lớn hơn cho người dân miền núi, đặc biệt cho các hộ nghèo và tránh nguy cơ tái nghèo.
- Định hướng sử dụng rừng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản:
+ Khai thác, sử dụng rừng:
Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đồng thời cũng là biện pháp lâm sinh để tái tạo và cải thiện chất lượng rừng; rừng được hướng dẫn khai thác phù hợp với chức năng và mức độ phòng hộ của rừng;
Khai thác sử dụng rừng tự nhiên bền vững phải trên cơ sở phương án điều chế rừng theo nguyên tắc: rừng được đưa vào khai thác chính, chủ yếu là rừng giàu, cường độ khai thác phải căn cứ vào lượng tăng trưởng của rừng; rừng trung bình và nghèo chủ yếu được khai thác với mức độ khác nhau nhằm mục đích nuôi dưỡng, làm giàu rừng.
Khai thác tối đa các dịch vụ môi trường từ rừng như phòng hộ đầu nguồn, ven biển và đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tín dụng cac-bon trong cơ chế phát triển sạch ….để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng;
Khai thác sử dụng rừng phải có lợi nhuận cho chủ rừng, cho cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, tư nhân và cộng đồng dân cư địa phương đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng rừng bền vững;
Khoảng 70% diện tích rừng sản xuất hiện nay là rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng mới phục hồi; trong 5 - 10 năm tới chưa có khả năng khai thác lâm sản, cần tiếp tục khoanh nuôi, cải tạo và làm giầu rừng nhằm nâng cao chất lượng để tạo nguồn cung cấp gỗ lớn, các lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường sau năm 2010;
Khuyến khích sử dụng chất đốt từ phế liệu rừng trồng, phế thải nông nghiệp và các nhiên liệu khác nhằm hạn chế tối đa sử dụng chất đốt từ gỗ rừng tự nhiên;
Đẩy mạnh gây trồng, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như mây tre, dược liệu, dầu nhựa, thực phẩm; khuyến khích gây nuôi động vật rừng. Có cơ chế cho các chủ rừng được quản lý, khai thác và sử dụng hợp pháp lâm sản ngoài gỗ theo quy định của pháp luật.
+ Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản:
Công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản phải trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng lâm sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Khu vực ngoài quốc doanh có vai trò quan trọng và được khuyến khích đầu tư trong phát triển công nghiệp chế biến lâm sản. Phải chú trọng chất lượng phát triển thông qua các biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và tạo ra các thị trường lành mạnh, minh bạch hơn;
Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre. Từ nay đến năm 2015, tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2015;
Khu công nghiệp chế biến lâm sản cần xây dựng và mở rộng ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh hiện đại hoá công nghiệp chế biến quy mô lớn, từng bước phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến lâm sản quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ;
Đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo và bột giấy, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng.
+ Định hướng xuất nhập khẩu lâm sản
Để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, công nghiệp chế biến lâm sản sẽ phát triển theo hướng không tự cung tự cấp toàn bộ nguyên liệu. Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu và một phần tiêu dùng nội địa. Cần tổ chức tốt việc nhập khẩu nguyên liệu lâm sản, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ, để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến;
Các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn là đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm tinh chế từ lâm sản ngoài gỗ. Chú ý các thị trường lớn là Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản;
Đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng xuất khẩu.
2. Định hướng phát triển lâm nghiệp theo vùng lãnh thổ
a) Vùng trung du miền núi phía Bắc
- Tiểu vùng Tây Bắc: (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình)
+ Xây dựng, củng cố các khu rừng phòng hộ đầu nguồn theo các bậc thang thuỷ điện trên sông Đà, nhằm giảm thiểu hạn hán, lũ lụt, xói mòn và tăng khả năng cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện và các công trình thuỷ lợi ;
+ Tiếp tục bảo tồn các hệ sinh thái rừng nhiệt đới núi cao và nguồn gien động thực vật rừng quý hiếm, phát triển du lịch sinh thái ;
+ Đa dạng hoá các nguồn thu nhập trên cơ sở phát triển lâm nghiệp xã hội, giảm dần và thay thế canh tác nương rẫy bằng sản xuất nông lâm kết hợp nhằm bảo vệ phát triển rừng và nâng cao mức sống cho cộng đồng ;
+ Xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (giấy, ván nhân tạo) và lâm sản ngoài gỗ. Ưu tiên phát triển chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đặc thù quy mô nhỏ, phù hợp với đặc điểm của vùng ;
- Tiểu vùng Đông Bắc: (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh)
+ Xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng cơ bản nhu cầu giấy, dăm, trụ mỏ và đồ mộc trên cơ sở thâm canh 1,5 triệu ha rừng sản xuất (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) và sử dụng các lập địa có năng suất cao trong gần 1 triệu ha đất trống đồi trọc để trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung ;
+ Xây dựng cụm công nghiệp chế biến - thương mại lâm sản cho miền Bắc trong khu tam giác phát triển Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh và các vùng phụ cận. Phát triển các làng nghề chế biến lâm sản. Xây dựng thêm một nhà máy ván MDF công suất 100.000 m3 sản phẩm/năm và hiện đại hóa các nhà máy đã có như ván nhân tạo Việt Trì, Thái Nguyên v.v… Đẩy mạnh xuất khẩu, chú ý thị trường Trung Quốc ;
+ Xây dựng và củng cố hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn cửa các sông, phòng hộ ven biển ;
+ Tiếp tục xây dựng, củng cố các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng lịch sử cảnh quan; phát triển du lịch sinh thái.
b) Vùng đồng bằng Bắc Bộ: (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình)
- Xây dựng và củng cố các khu rừng phòng hộ môi trường đô thị, khu công nghiệp và phòng hộ ven biển; đẩy mạnh trồng cây phân tán, cải tạo cảnh quan môi trường và đáp ứng một phần nhu cầu gỗ gia dụng ;
- Củng cố và bảo vệ các vườn quốc gia hiện có như Cóc Phương, Ba Vì, Cát Bà, Xuân Thủy, các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích lịch sử, văn hoá và cảnh quan; tăng cường khai thác các hoạt động du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống chế biến đồ mộc và lâm sản ngoài gỗ.
c) Vùng Bắc Trung Bộ: (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế)
- Tập trung xây dựng và củng cố các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển chống cát bay, chống sóng và xói lở bờ biển ;
- Bảo vệ và củng cố các vườn quốc gia Pù Mát, Vụ Quang, Bến En, Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Xây dựng các khu rừng đặc dụng Bắc và Trung Trường Sơn để bảo vệ nguồn đa dạng sinh học cao của vùng, kết hợp với phòng hộ đầu nguồn ;
- Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ gắn với công nghiệp chế biến để hình thành các vùng công nghiệp chế biến lâm sản của các địa phương trên cơ sở tiềm năng và thị trường. Đẩy mạnh chế biến đồ mộc (trước mắt là dăm giấy) và phát triển các làng nghề nông thôn, chú ý chế biến lâm sản ngoài gỗ (nhựa thông, tre luồng và song mây...) ;
- Đẩy mạnh hình thức quản lý rừng cộng đồng đặc biệt đối với những khu rừng phòng hộ đầu nguồn phân tán, phòng hộ chống cát bay và các hoạt động cải thiện đất nghèo kiệt.
d) Vùng duyên hải - Nam Trung Bộ: (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận)
- Củng cố hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt những vùng núi có độ dốc cao đã mất rừng. Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và chống xói lở bờ biển ;
- Tăng cường bảo vệ rừng hiện có và trồng rừng mới ở vùng khô hạn Ninh Thuận, Bình Thuận để cải tạo nguồn nước và đất canh tác ;
- Bảo vệ và củng cố các vườn quốc gia hiện có như Núi Ông, Takóu. Tiếp tục xây dựng các khu rừng đặc dụng Nam Trường Sơn và các vùng lịch sử, văn hoá truyền thống và đẩy mạnh, phát triển du lịch sinh thái;
- Xây dựng vùng trọng điểm trồng rừng nguyên liệu công nghiệp và lâm sản ngoài gỗ gắn với khu chế biến xuất khẩu tập trung trọng điểm từ Quy Nhơn đến Đà Nẵng. Nâng cấp công nghệ và thiết bị trong chế biến đồ mộc xuất khẩu, ván nhân tạo và bột giấy;
- Xây dựng thêm nhà máy ván dăm công suất trên 100.000 m3 sản phẩm/năm.
đ) Vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).
- Tiến hành ngay việc xác định lâm phận ổn định cho Tây nguyên để hình thành các khu rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn; đồng thời củng cố và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn cho Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ;
- Tăng cường bảo vệ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên giầu tính đa dạng sinh học như Ngọc Linh, Yok - Đôn, Chư - Yang - Shin, Bi Đúp - Núi Bà, Chư Mom Rây v.v… Bảo tồn các loài đặc hữu trong rừng hỗn loại cây họ Dầu (rừng Khộp), rừng thông ba lá và phát triển du lịch sinh thái;
- Quản lý tốt rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng và làm giàu rừng. Phát huy tiềm năng lập địa để trồng rừng đa mục đích (gỗ lớn, gỗ nhỏ, lâm sản ngoài gỗ, sinh thái môi trường), nhằm cung cấp cơ bản nhu cầu nguyên liệu lâm sản cho các trung tâm chế biến của Tây nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ;
- Tăng cường năng lực, nâng cấp thiết bị và công nghệ cho các cụm công nghiệp chế biến lâm sản Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, An Khê, Kon Tum…;
- Khẩn trương thực hiện chính sách đất đai, giao đất, giao rừng, phát triển lâm nghiệp cộng đồng góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
e) Vùng Đông Nam Bộ: (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Khẩn trương thiết lập lâm phận ổn định; củng cố và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ các hồ đập và thuỷ điện như Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ.... Đẩy mạnh xây dựng rừng phòng hộ môi trường cho các khu công nghiệp, các thành phố lớn và phòng hộ ven biển;
- Đẩy mạnh chế biến lâm sản trong vùng và trồng rừng thâm canh cung cấp một phần nguyên liệu cho cụm công nghiệp chế biến xuất khẩu thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Bình Dương - Vũng Tàu và nhà máy giấy Tân Mai - Đồng Nai;
- Tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu rừng đặc dụng như vườn quốc gia Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Sa Mát, Cần Giờ và các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
g) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau)
- Khẩn trương thiết lập lâm phận ổn định cho ba loại rừng. Đẩy mạnh trồng cây phân tán trên đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp. Giải quyết tốt quan hệ giữa bảo vệ rừng ngập mặn và nuôi trồng thuỷ sản;
- Xây dựng và củng cố các khu rừng phòng hộ chắn sóng bảo vệ bờ biển và các công trình khác;
- Củng cố, bảo vệ các khu rừng đặc dụng; khẩn trương phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng Tràm. Nghiên cứu và sử dụng các giải pháp hữu hiệu phòng chống cháy rừng Tràm. Khuyến khích bảo tồn và phát triển các loài động vật đặc hữu truyền thống như trăn, cá sấu, rùa, rắn, ong…;
- Xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản có quy mô thích hợp, ưu tiên nghiên cứu sử dụng nguyên liệu đước, tràm, bạch đàn... để sản xuất bột giấy, ván nhân tạo và đồ mộc cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu;
Tổ chức sản xuất kinh doanh tổng hợp nông - lâm - thuỷ sản để bảo đảm đời sống của người dân, đồng thời bảo vệ môi trường.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. Giải pháp về chính sách và pháp luật.
1. Chính sách về quản lý rừng và đất lâm nghiệp
- Xây dựng một hành lang pháp lý để thiết lập lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa
- Sửa đổi và hoàn thiện chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp nhằm tạo động lực để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển, kinh doanh lâm sản và đảm bảo lợi ích thoả đáng cho các chủ rừng;
- Ưu tiên giao đất, giao và khoán rừng phòng hộ cho các cộng đồng, hợp tác xã, hộ gia đình để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tạo điều kiện cho chủ rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của phát luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy luật của nền sản xuất hàng hoá làm cho rừng thực sự trở thành hàng hoá, thành nguồn vốn phát triển lâm nghiệp. Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng các hình thức: hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp;
- Tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng. Hoàn thiện quy chế quản lý rừng và hưởng lợi đa thành phần. Hoàn thiện và thực hiện cơ chế chính sách giao, cho thuê rừng sản xuất và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Thử nghiệm và xây dựng cơ sở pháp lý để giao, cho thuê rừng đặc dụng cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh , đặc biệt trong các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng;
- Đẩy mạnh rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, xoá bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không hiệu quả. Các phong tục và luật tục tốt của các điạ phương cần được xem xét để xây dựng các quy ước bảo vệ và phát triển rừng;
- Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp huyện và xã. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và thôn xã nếu để mất rừng, phá rừng ở địa phương;
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật.
2. Chính sách tài chính và tín dụng.
- Tạo lập cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản đặc thù cho ngành lâm nghiệp và đổi mới phương thức đầu tư của Nhà nước cho ngành theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thay cho việc cấp vốn theo suất đầu tư hỗ trợ bình quân hiện nay;
- Xây dựng cơ chế bảo đảm cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp từ các nguồn vốn đầu tư và tín dụng một cách bình đẳng;
- Để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài, cần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch và ổn định, bảo đảm quyền sở hữu công nghiệp rõ ràng, quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng lâu dài, cung cấp các thông tin chính xác về cơ hội đầu tư và tài nguyên rừng, đơn giản hoá các thủ tục thành lập doanh nghiệp. Có chính sách hướng đầu tư của Nhà nước từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp (cơ sở hạ tầng, giống, khoa học công nghệ...), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất và chế biến lâm sản;
- Công khai các quy hoạch phát triển lâm nghiệp, thử nghiệm và nhân rộng việc đấu thầu cho thuê rừng sản xuất, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng. Nhà nước tăng cường xây dựng quy hoạch và hỗ trợ lập một số dự án vùng trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước;
- Xúc tiến xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách kinh tế bảo đảm thu lại các giá trị dịch vụ môi trường do ngành Lâm nghiệp làm ra và đang cung cấp cho xã hội như: phòng hộ tạo nguồn nước cho các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường đô thị, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng .v.v.,. Đối với các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường của ngành lâm nghiệp phải có nghĩa vụ trả tiền, tạo nguồn tài chính để tái đầu tư cho ngành lâm nghiệp đủ cơ sở phát triển cân bằng bền vững. Như vậy, yêu cầu xây dựng một cơ chế chính sách lâm nghiệp trong thời thời kỳ mới là phải bảo đảm để ngành lâm nghiệp có thể "lấy rừng nuôi rừng", vượt ra ngoài sự bao cấp của nhà nước.
Thí điểm xây dựng dự án trồng rừng cơ chế phát triển sạch (CDM) quy mô nhỏ để tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư nghèo, doanh nghiệp nhỏ và quy mô lớn hơn cho các doanh nghiệp khác.
- Đẩy mạnh công tác định giá rừng làm cơ sở cho các giao dịch về rừng. Xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của trung ương và địa phương từ các nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách, vốn ODA, các phí dịch vụ môi trường, tín dụng các-bon, du lịch sinh thái, khoản thu xử lý các vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các đóng góp khác) và có cơ chế quản lý, sử dụng hợp lý quỹ này;
- Tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống quản lý rừng hiện đại, điều tra quy hoạch rừng, xây dựng rừng giống, vườn giống chất lượng cao và đầu tư thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp như cơ sở hạ tầng nông nghiệp;
- Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Nhà nước cấp kinh phí sự nghiệp hàng năm cho các ban quản lý và chi phí hoạt động của các tổ bảo vệ rừng thôn, xã; đối với rừng sản xuất, Nhà nước hỗ trợ trồng các loài cây quý hiếm, cây có chu kỳ kinh doanh dài và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp đặc biệt là đường lâm nghiệp, công trình và thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh rừng cho các khu trồng rừng nguyên liệu tập trung;
- Nhà nước tăng cường khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo hướng hưởng lợi trực tiếp từ rừng và các thu nhập khác bao gồm cả các khoản thu từ dịch vụ môi trường đem lại; tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thoả đáng cho phát triển nông lâm kết hợp và lâm sản ngoài gỗ (tập trung và dưới tán rừng) để thay thế dần cơ chế khoán bằng tiền từ ngân sách nhà nước hiện nay;
- Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt các hộ nghèo, dân tộc ít người, hộ ở vùng sâu, vùng xa để phát triển sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây nông nghiệp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng;
- Nhà nước cấp cây giống, phân bón… cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn, đặc biệt là các hộ nghèo để trồng rừng sản xuất quy mô nhỏ. Việc này được xem là khoản chi trả của Nhà nước cho người trồng rừng vì các lợi ích môi trường từ rừng của họ đem lại cho xã hội;
- Nghiên cứu cơ chế bảo hiểm rủi ro trong trồng rừng cho các chủ rừng, trước mắt vận dụng khoản hỗ trợ rủi ro từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
II. Đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp
- Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước (Nhà nước không giữ cổ phần chi phối); phát triển các hình thức liên doanh liên kết giữa các công ty nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng trong trồng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản; phát triển kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp;
- Đổi mới lâm trường quốc doanh, sắp xếp lại các đơn vị đang hoạt động có hiệu quả thành các công ty lâm nghiệp nhà nước quy mô vừa và lớn, sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản ở những vùng có diện tích đất lâm nghiệp tập trung để làm hạt nhân cho phát triển ngành; tiến tới cổ phần hoá, tự chủ về tài chính, thực hiện sản xuất, kinh doanh tổng hợp theo pháp luật. Nhà nước cấp kinh phí để hoàn thành các thủ tục giao hoặc cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; cấp kinh phí kiểm kê rừng và xây dựng phương án điều chế rừng cho chu kỳ đầu;
- Chú trọng phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư thôn và hợp tác xã. Đối với các hộ gia đình miền núi, Nhà nước hỗ trợ tài chính để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông lâm kết hợp nhằm hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy;
- Có cơ chế ưu tiên cho các hộ nghèo, dân tộc ít người và phụ nữ tham gia các hoạt động trồng rừng công nghiệp tập trung và chế biến lâm sản quy mô nhỏ của các doanh nghiệp, trang trại lâm nghiệp để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.
- Khuyến khích khu vực tư nhân và phi Chính phủ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm bằng hình thức đấu thầu công khai;
- Có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là tư nhân trong ngoài nước đầu tư vào kinh doanh rừng và chế biến lâm sản. Miễn thuế sử dụng đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp trong chu kỳ đầu; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chế biến lâm sản mới xây dựng hoặc đổi mới công nghệ; đơn giản hoá các thủ tục khai thác, lưu thông thương mại lâm sản.
III. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và giám sát
- Rà soát quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng không đạt tiêu chí sang rừng sản xuất, xác định lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa;
- Tiến hành thống kê, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng gắn với thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên rừng, áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng điều tra quy hoạch rừng;
- Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp, các đơn vị lâm nghiệp và cộng đồng, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, đồng thời phải lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học.
- Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng lập kế hoạch theo hướng tăng cường kết nối đa ngành, phối hợp sử dụng các thông tin liên ngành và có sự tham gia của các bên liên quan;
- Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản gắn với rà soát và xây dựng các vùng nguyên liệu công nghiệp tập trung. Có kế hoạch thay thế các diện tích rừng trồng có năng suất thấp. Chú ý quy hoạch phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến lâm sản quy mô nhỏ và các trang trại lâm nghiệp.
- Các dự án lâm nghiệp phải lồng ghép với chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn để sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn của Chính phủ có hiệu quả hơn. Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp cần tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoặc tham gia quản lý dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Sớm xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá và tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, quản lý tài chính các cấp để bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ hơn trong xây dựng kế hoạch và quản lý tài chính;
- Củng cố hệ thống thông tin và giám sát ngành lâm nghiệp phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực thi Chiến lược phát triển lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành lâm nghiệp và hội nhập quốc tế.
IV. Giải pháp về tổ chức quản lý ngành
- Đổi mới tổ chức ngành theo hướng tiến tới có được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về lâm nghiệp thống nhất, đủ mạnh từ trung ương đến cơ sở trên phạm vi cả nước;
- Khẩn trương xây dựng lộ trình đổi mới tổ chức ngành lâm nghiệp, gắn với việc cải cách hành chính và hội nhập quốc tế; coi việc thành lập tổ chức quản lý nhà nước và tăng cường cán bộ quản lý lâm nghiệp ở cấp huyện và xã có rừng là ưu tiên hàng đầu trong 5 năm tới. Ở các xã có rừng, bố trí cán bộ lâm nghiệp xã;
- Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hội, hiệp hội của các nhà sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản;
- Xây dựng cơ chế phối hợp lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm với các chủ rừng, doanh nghiệp và cộng đồng để gắn nghiên cứu, đào tạo, khuyến lâm với sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp.
V. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, đồng thời có sự tham gia của các chủ rừng và doanh nghiệp;
- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo, nuôi dưỡng và làm giàu rừng, phòng trừ sâu bệnh, phòng, chống cháy rừng, khai thác sử dụng rừng...;
- Xây dựng và thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, tập trung vào những nghiên cứu có tính đột phá trong ngành như công nghệ sinh học, công nghệ tinh chế lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng cao sản, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, chuyển hóa và sử dụng hiệu quả đất nương rãy, xác định giá trị môi trường rừng, giải pháp nông lâm kết hợp và các cơ chế chính sách tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế và người dân tham gia sản xuất và làm giàu từ nghề rừng;
- Xây dựng và thực hiện Chiến lược giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, trước hết đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao cho trồng rừng của Dự án 661 và các chương trình, dự án khác;
- Xây dựng và thực hiện Đề án quốc gia về bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006 – 2020;
- Tập trung nghiên cứu các giải pháp như nông lâm kết hợp, gây trồng lâm sản ngoài gỗ và chăn nuôi đại gia súc... để nâng cao nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là các hộ nghèo;
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm. Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đáp ứng những yêu cầu cho các thị trường xuất khẩu chính;
- Tăng cường áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến lâm sản, coi đầu tư nước ngoài như là một kênh chuyển giao công nghệ mới. Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng gỗ và vật liệu phế thải nông nghiệp trong chế biến lâm sản. Khuyến khích nghiên cứu, sử dụng các vật liệu mới thay thế gỗ, củi nhằm giảm sức ép vào rừng;
- Từng bước đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cho các viện, trường lâm nghiệp để trở thành các tổ chức tư vấn đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý ngành, doanh nghiệp chế biến và chủ rừng khác nhau;
- Từng bước đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cho các viện, trường lâm nghiệp để trở thành các tổ chức tư vấn đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý ngành, doanh nghiệp chế biến và chủ rừng khác nhau;
- Khuyến khích thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm tư vấn khoa học công nghệ lâm nghiệp và các trung tâm dịch vụ đào tạo chuyên sâu trực thuộc các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm;
- Thành lập tổ chức khuyến lâm từ trung ương đến các tỉnh, huyện có nhiều rừng trực thuộc hệ thống khuyến nông các cấp. Các xã nhiều rừng, có cán bộ khuyến lâm chuyên trách hoặc bán chuyên trách, ưu tiên sử dụng cán bộ khuyến lâm là dân tộc ít người ở các vùng sâu, vùng xa. Nhanh chóng xây dựng tổ chức khuyến lâm tự nguyện xã và thôn bản, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà hệ thống khuyến nông của Nhà nước khó tiếp cận. Nhà nước có những hỗ trợ cần thiết cho các tổ chức khuyến lâm tự nguyện;
- Hoàn thiện cơ chế tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở khoán chất lượng và số lượng sản phẩm cho các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm theo hướng đấu thầu công khai.
- Từng bước đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cho các viện, trường lâm nghiệp để trở thành các tổ chức tư vấn đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý ngành, doanh nghiệp chế biến và chủ rừng khác nhau;
- Khuyến khích thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm tư vấn khoa học công nghệ lâm nghiệp và các trung tâm dịch vụ đào tạo chuyên sâu trực thuộc các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm;
- Thành lập tổ chức khuyến lâm từ trung ương đến các tỉnh, huyện có nhiều rừng trực thuộc hệ thống khuyến nông các cấp. Các xã nhiều rừng, có cán bộ khuyến lâm chuyên trách hoặc bán chuyên trách, ưu tiên sử dụng cán bộ khuyến lâm là dân tộc ít người ở các vùng sâu, vùng xa. Nhanh chóng xây dựng tổ chức khuyến lâm tự nguyện xã và thôn bản, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà hệ thống khuyến nông của Nhà nước khó tiếp cận. Nhà nước có những hỗ trợ cần thiết cho các tổ chức khuyến lâm tự nguyện;
- Hoàn thiện cơ chế tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở khoán chất lượng và số lượng sản phẩm cho các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm theo hướng đấu thầu công khai.
VI. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực
- Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và vùng sâu, vùng xa để đáp ứng yêu cầu về đổi mới ngành và hội nhập quốc tế;
- Chú trọng các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người nghèo, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ, để họ có đủ năng lực thực hiện đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi và tạo thu nhập ổn định. Coi trọng đào tạo con em các dân tộc thiểu số và đào tạo liên thông cán bộ lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa;
- Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình làm nghề rừng thông qua đào tạo tại chỗ, ngắn hạn và khuyến lâm; từng bước nâng cao năng lực tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
- Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị đào tạo về lâm nghiệp. Tăng cường đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, trang trại lâm nghiệp và các làng nghề thủ công;
- Xây dựng đề án đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo lâm nghiệp cả về cơ cấu, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và cơ chế quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Đào tạo phải trên cơ sở nhu cầu, gắn lý thuyết với thực hành và tăng thời gian thực tập tại các cơ sở sản xuất cho học sinh, sinh viên. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có một số viện, trường lâm nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế về nghiên cứu, đào tạo;
- Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn trên cơ sở đào tạo theo chuyên đề, ưu tiên đào tạo nông dân làm nghề rừng, công nhân lâm nghiệp và thợ thủ công trong các làng nghề;
- Khuyến khích các tổ chức đào tạo và khuyến lâm trong nước, các tổ chức phi chính phủ và dự án quốc tế tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người làm nghề rừng, ưu tiên các hộ nghèo và phụ nữ;
- Quy hoạch, đào tạo các nhà khoa học và cán bộ giảng dạy chuyên sâu trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chú ý lĩnh vực kinh tế, quản lý lâm nghiệp và lâm nghiệp xã hội và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các cán bộ nghiên cứu trẻ, phụ nữ và dân tộc ít người tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy;
- Phát triển các loại hình đào tạo từ xa để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng tăng. Sớm đưa giáo dục môi trường rừng vào các chương trình giảng dạy của các trường học trong cả nước.
VII. Giải pháp hợp tác quốc tế
- Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lĩnh vực lâm nghiệp khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua việc tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lâm nghiệp quốc tế, khu vực và song phương;
- Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng đúng mục tiêu nguồn vốn ODA nhằm phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng và nâng cao hiệu quả quản lý ngành lâm nghiệp. Cải thiện các phương thức quản lý ODA trong ngành, đẩy mạnh giải ngân các dự án ODA, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Ủy thác lâm nghiệp (TFF) và Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF). Thử nghiệm và nhân rộng cách tiếp cận mới (tiếp cận theo ngành, theo chương trình) nhằm mục đích sử dụng các nguồn vốn quốc tế có hiệu quả hơn;
- Từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, chế biến lâm sản và chuyển giao công nghệ;
- Củng cố và đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) và Ban điều hành đối tác để điều phối các nguồn tài trợ quốc tế hỗ trợ thực hiện các chương trình của Chiến lược phát triển lâm nghiệp;
- Chủ động hợp tác tích cực với các quốc gia, các viện, trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm để nhanh chóng tiếp cận các chuẩn mực khoa học và công nghệ lâm nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, phát triển nguồn nhân lực và nâng cấp trang thiết bị cho ngành;
- Tiếp tục thực hiện các thoả thuận đa phương về môi trường, các cam kết quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà Việt Nam tham gia như Công ước về buôn bán quốc tế động vật hoang dã (CITES), Công ước về đa dạng sinh học (UNCBD), Công ước về chống sa mạc hoá (UNCCD), Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)... để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực và tranh thủ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ mới như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cơ chế phát triển sạch (CDM) ….
CÁC CHƯƠNG TRÌNH
Những mục tiêu và định hướng của Chiến lược phát triển lâm nghiệp sẽ được thực hiện thông qua các chương trình sau đây:
Ba chương trình phát triển:
1. Chương trình quản lý và phát triển rừng bền vững
2. Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển dịch vụ môi trường
3. Chương trình chế biến và thương mại lâm sản
Hai chương trình hỗ trợ:
1. Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm
2. Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập kế hoạch và giám sát ngành lâm nghiệp
I. Chương trình quản lý và phát triển rừng bền vững.
1. Mục tiêu
Quản lý, phát triển và sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả nhằm đáp ứng về cơ bản nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc dân, ổn định xã hội, đặc biệt tại khu vực các dân tộc ít người và miền núi, đồng thời bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần phát triển bền vững quốc gia.
2. Nhiệm vụ
- Thiết lập lâm phận quốc gia ổn định cho 3 loại rừng, lập bản đồ và cắm mốc trên thực địa, trong đó quản lý bền vững và hiệu quả toàn bộ diện tích rừng sản xuất ổn định 3,63 triệu ha rừng tự nhiên 4,15 triệu ha rừng trồng (bao gồm rừng trồng nguyên liệu công nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và các loại rừng trồng khác);
- Tất cả rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê cho các chủ quản lý trước năm 2010.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý rừng và tăng cường năng lực cho các chủ rừng như: các công ty lâm nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Sản xuất gỗ ổn định từ rừng tự nhiên, rừng trồng và cây trồng phân tán, đến năm 2010 đạt 9,7 triệu m3 gỗ/năm và đến năm 2020 đạt 20 - 24 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn) và phát triển lâm sản ngoài gỗ nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;
- Cung cấp gỗ nhỏ cho chế biến bột giấy: đến năm 2010 là 3,4 triệu m3; đến năm 2020 là 8,3 triệu m3;
- Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trung bình đạt 15 m3 gỗ/ha/năm trên cơ sở thực hiện Chiến lược giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.
- Làm giàu 0,5 triệu ha rừng nghèo kiệt góp phần nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.
- Trồng rừng mới đến năm 2010 đạt 1,0 triệu ha (trong đó trồng rừng sản xuất đạt 0,75 triệu ha, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trồng mới 0,25 triệu ha) và 1,5 triệu ha cho giai đoạn sau; trồng lại rừng sau khai thác từ 0,3 triệu ha/năm.
- Trồng cây phân tán 200 triệu cây/năm tương đương với 100.000 ha rừng để phục vụ nhu cầu gỗ gia dụng và gỗ củi ở các địa phương.
- Kiểm kê rừng theo định kỳ; củng cố và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và kinh tế xã hội liên quan.
- 100% các đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng, thực hiện và giám sát, đánh giá phương án điều chế rừng.
- Có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2020.
- Đầu tư trang thiết bị hiện đại hoá công tác quản lý rừng.
II. Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các dịch vụ môi trường
1. Mục tiêu
Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) một cách có hiệu quả, có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương và tăng cường đóng góp của các dịch vụ môi trường từ rừng.
2. Nhiệm vụ
a) Bảo vệ rừng (Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất)
- Bảo vệ có hiệu quả 16,24 triệu ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp;
- 100% các văn bản quy định về bảo vệ rừng được tuyên truyền phổ biến đến các chủ rừng và người dân trong vùng;
- Nhà nước tiếp tục giao khoán bảo vệ 1,5 triệu ha rừng phòng hộ và đặc dụng đến năm 2010.
- Giảm 80% số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
- 100% các chủ rừng, thôn, xã có rừng có lực lượng bảo vệ rừng. 100% cán bộ kiểm lâm địa bàn xã và lực lượng bảo vệ rừng được đào tạo nâng cao năng lực;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chi phí hoạt động cho bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
b) Quản lý hệ thống rừng phòng hộ và rừng đặc dụng
- Xây dựng và củng cố hệ thống rừng phòng hộ (đầu nguồn, ven biển và môi trường đô thị) với tổng diện tích khoảng 5,68 triệu ha và hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích không quá 2,16 triệu ha;
- 100% khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có chủ quản lý (tổ chức nhà nước, tư nhân hoặc cộng đồng) và có quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trung, dài hạn; đến năm 2010
- Tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng hình thức quản lý rừng cộng đồng và các hình thức khác (cộng đồng quản lý, công ty cổ phần, hợp tác xã, liên doanh liên kết...).
c) Các dịch vụ môi trường
- Nghiên cứu định giá các dịch vụ môi trường của rừng như bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, chống bồi tụ, hấp thụ CO2, du lịch sinh thái...; xây dựng cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường trong giai đoạn 2006 - 2010;
- Đến năm 2007, xây dựng và triển khai hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng .
III. Chương trình chế biến và thương mại lâm sản
1. Mục tiêu
Sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế chủ yếu dựa vào nguồn gỗ và lâm sản ngoài gỗ nội địa bền vững; áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng về cơ bản các nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành Lâm nghiệp.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ để cân đối giữa năng lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định.
b) Tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản để đáp ứng cơ bản các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cụ thể:
- Tổng công suất gỗ xẻ: 6 triệu m3/năm;
- Ván dăm: 320.000 m3 sản phẩm/năm;
- Ván MDF: 220.000 m3 sản phẩm/năm;
- Giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu: 7 tỷ USD (3,5 triệu m3 sản phẩm);
- Giá trị lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu: 0,8 tỷ USD.
c) Đến năm 2020, lâm sản ngoài gỗ trở thành một trong các ngành hàng sản xuất chính, chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu tăng bình quân 15- 20%; thu hút 1,5 triệu lao động và thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm 15 - 20% trong kinh tế hộ gia đình nông thôn
IV. Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm
1. Mục tiêu
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Lâm nghiệp. Lấy khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển ngành, gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất và thị trường nhằm nâng cao các đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và cải thiện mức sống cho những người dân làm nghề rừng.
2. Nhiệm vụ
a) Nghiên cứu
- Tập trung nghiên cứu một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ tính chế lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng cao sản, nông lâm kết hợp và cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt;
- Cải tiến công nghệ và trang thiết bị cho công nghiệp chế biến lâm sản để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các chính sách có tính đột phá trong ngành Lâm nghiệp (sản xuất có lợi nhuận cao, xã hội hoá, phát triển lâm sản ngoài gỗ, định giá dịch vụ môi trường, thu hút vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước...).
b) Giáo dục, đào tạo
- Đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên học sinh trong các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chú ý đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt;
- Đào tạo nghề cho 50% nông dân làm nghề rừng và khu vực các làng nghề chế biến lâm sản;
- Từ năm 2008, đưa giáo dục bảo vệ môi trường và rừng vào giảng dạy trong tất cả các trường học phổ thông;
- 80% cán bộ quản lý rừng ở địa phương được đào tạo về điều tra rừng và xây dựng, thực thi kế hoạch quản lý bảo vệ rừng;
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và trang thiết bị cơ bản cho các viện, trường lâm nghiệp;
- Hoàn thiện và cập nhật các chương trình, giáo trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tăng cường liên kết giữa hệ thống đào tạo lâm nghiệp với hệ thống khuyến lâm. Đến năm 2020 có từ 1 đến 2 trường đào tạo lâm nghiệp đạt chuẩn quốc tế.
c) Khuyến lâm
- Nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, bảo vệ rừng cho 80% hộ nông dân;
- Thu hút 50% thành phần kinh tế khu vực tư nhân và các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động khuyến lâm;
- Bố trí ít nhất 1 cán bộ khuyến lâm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm cho mỗi xã nhiều rừng; phát triển và tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến lâm tự nguyện;
- Cải tiến và cập nhật nội dung, phương pháp khuyến lâm để phù hợp với trình độ của nông dân, đặc biệt các hộ nghèo và dân tộc ít người;
- Xây dựng mối liên kết giữa hệ thống khuyến lâm và đào tạo với các chủ rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản.
V. Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập kế hoạch và giám sát ngành lâm nghiệp.
1. Mục tiêu
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động lâm nghiệp theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, có sự tham gia rộng rãi của khu vực hộ gia đình, cộng đồng và tư nhân; kiện toàn hệ thống tổ chức đồng thời đổi mới công tác lập kế hoạch và giám sát ngành lâm nghiệp.
2. Nhiệm vụ
a) Xây dựng và cập nhật hệ thống chính sách, pháp luật và thể chế lâm nghiệp theo hướng phân cấp nhiều hơn cho địa phương và phát triển lâm nghiệp bền vững theo định hướng thị trường và xã hội hóa nghề rừng;
b) Xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh phát triển kinh tế lâm nghiệp;
c) Tổ chức lại và nâng cao hiệu lực của hệ thống quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo hướng thống nhất chức năng quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lâm nghiệp các cấp và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ lâm nghiệp;
d) Tổ chức một số công ty lâm nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường tại những vùng lâm nghiệp xa xôi khó khăn mà các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa sẵn sàng đầu tư; thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp và chế biến lâm sản của nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả.
đ) Xây dựng, thực hiện và mở rộng các hình thức quản lý bảo vệ rừng cộng đồng;
e) Thiết lập hệ thống khuyến lâm nhà nước các cấp và có cơ chế hỗ trợ tổ chức khuyến lâm tự nguyện cho thôn, xã có rừng;
g) Xây dựng các đơn vị chuyên trách về giám sát, đánh giá gắn với việc kiện toàn hệ thống lập kế hoạch lâm nghiệp các cấp.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Phân công nhiệm vụ :
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp; đưa các nội dung của Chiến lược vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước, các Bộ, ngành và địa phương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối và bố trí vốn, tính toán các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất và giao, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược lâm nghiệp và xây dựng đề án gắn kiểm kê rừng với kiểm kê đất đai toàn quốc theo định kỳ 5 năm một lần;
- Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên liên quan xác định nội dung, tiêu chí và chỉ số giám sát đánh giá ngành lâm nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và nghiên cứu về những đóng góp về kinh tế, môi trường... theo định nghĩa mới về lâm nghiệp để trình Chính phủ sửa đổi bổ sung về phân ngành Lâm nghiệp trong Nghị định số 75/CP ngày 27 tháng 10 năm 1973;
- Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung của Chiến lược liên quan đến ngành mình. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược thông qua việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của địa phương mình. Các dự án lâm nghiệp tại địa phương phải lồng ghép với các dự án xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn;
- Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nội dung về bảo vệ và phát triển rừng phải được xem là một bộ phận quan trọng trong báo cáo cuối năm của Chính phủ trước Quốc hội.
II. Thành lập các Tiểu ban điều phối thực hiện chương trình
Mỗi chương trình thành lập một Tiểu ban điều phối thực hiện.
1. Thành phần
- Trưởng Tiểu ban là lãnh đạo của một cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có liên quan đến chương trình;
- Thành viên là đại diện cho các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân, nhà nước có liên quan và các đối tác, dự án quốc tế quan tâm và tự nguyện tham gia chương trình.
2. Nhiệm vụ
- Xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm cho chương trình bao gồm mục tiêu, nội dung hoạt động, thành quả, vốn và các nguồn tài trợ để thực hiện chương trình;
- Đề xuất các hoạt động phối hợp giữa các bên tham gia và tìm các nguồn tài trợ thực hiện chương trình;
- Hỗ trợ xây dựng các nội dung dự án cụ thể của chương trình và đề nghị các Bộ, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân tài trợ;
- Thảo luận, đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các chính sách và cơ chế có liên quan;
- Thảo luận, đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi của các quy trình, quy phạm, giáo trình, định mức kinh tế kỹ thuật;
- Định kỳ họp toàn thể và hội thảo chuyên đề giữa các bên tham gia, sử dụng diễn đàn của Chiến lược để các bên có liên quan trao đổi thông tin;
- Phối hợp với các đối tác quốc tế, cơ quan, tổ chức liên quan tìm nguồn tài trợ cho hoạt động trung hạn và hàng năm của Tiểu ban điều phối thực hiện chương trình.
III. Dự kiến tiến độ thực hiện Chiến lược giai đoạn 2006 - 2010
(Chi tiết xem Biểu 3 đính kèm)
IV. Danh mục các đề án/dự án ưu tiên giai đoạn 2007 - 2010
Trên cơ sở kế hoạch hành động (2007 - 2010) của các chương trình trong Chiến lược, nhằm sử dụng có hiệu quả các các nguồn lực trong nước; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển ngành, 21 đề án/dự án ưu tiên được xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 2007 - 2010 (xem Biểu 4 đính kèm)
GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ
I. Giám sát
Giám sát thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực hiện chiến lược thông qua cung cấp các thông tin, ý kiến phản hồi cho các nhà hoạch định chính sách để điều chỉnh kế hoạch và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Các nội dung chính của công tác giám sát thực hiện chiến lược:
- Đánh giá kết quả đạt được cũng như tồn tại theo các mục tiêu và tiến độ thực hiện;
- Tình hình huy động các nguồn lực và tài chính ở các cấp;
- Phân tích và đánh giá tác động trong quá trình thực hiện Chiến lược ở các cấp;
- Đánh giá hiệu quả của các chính sách liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược;
- Xác định và phân tích các vấn đề nổi cộm trong ngoài ngành và quốc tế có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chiến lược và những điều chỉnh cần thiết.
II. Đánh giá
Tập trung đánh giá những tác động phát triển chủ yếu. Lập kế hoạch cụ thể cho các đợt khảo sát, đánh giá trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược. Để đảm bảo tính khách quan, việc đánh giá phải giao cho các tổ chức và cơ quan độc lập bao gồm cả các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.
Các nội dung đánh giá:
- Đánh giá những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan đến các mục tiêu của Chiến lược;
- Cung cấp thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược như bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường giá trị phòng hộ, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp của ngành Lâm nghiệp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp;
- Đánh giá mức độ phối hợp giữa việc thực hiện Chiến lược với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Đánh giá những thay đổi về môi trường chính sách và tác động của các giải pháp chính sách;
- Đánh giá tác động của lâm nghiệp với xoá đói, giảm nghèo;
- Đánh giá tác động môi trường, bao gồm cả sự đóng góp đối với môi trường toàn cầu như hấp thụ các-bon;
- Định lượng đóng góp của ngành lâm nghiệp cho nền kinh tế quốc dân, kinh tế địa phương, thương mại quốc tế và tạo việc làm;
- Đánh giá việc triển khai thực hiện những cam kết quốc tế.
Đánh giá định kỳ vào cuối mỗi kế hoạch 5 năm. Đợt đánh giá đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2009 và kết quả sẽ được sử dụng để xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015.
DỰ TÍNH NHU CẦU VỐN VÀ CÁC NGUỒN VỐN
Tổng nhu cầu vốn toàn giai đoạn 2006 - 2020 cho Chiến lược là 106.759,06 tỷ đồng, trong đó: nhu cầu từ 2006 - 2010 là 33.885,34 tỷ đồng, từ 2011 - 2020 là 72.873,72 tỷ đồng (chi tiết xem Biểu 5, Biểu 6 và Biểu 7 đính kèm).
Biểu 1
DỰ BÁO NHU CẦU GỖ, LÂM SẢN NGOÀI GỖ VÀ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG
|
Năm |
Năm |
Năm |
Năm |
Năm |
I. Gỗ nội địa và xuất khẩu (1000 m3) |
7.420 |
10.063 |
14.004 |
18.620 |
22.160 |
1. Gỗ lớn trong công nghiệp và dân dụng |
4.561 |
5.373 |
8.030 |
10.266 |
11.993 |
2. Gỗ nhỏ sản xuất ván nhân tạo, dăm gỗ xuất khẩu |
1.649 |
2.032 |
2.464 |
2.922 |
1.682 |
3. Nhu cầu gỗ nhỏ cho sản xuất bột giấy. |
1.150 |
2.568 |
3.388 |
5.271 |
8.283 |
4. Gỗ trụ mỏ |
60 |
90 |
120 |
160 |
200 |
II. Giá trị lâm sản xuất khẩu (triệu USD) |
721 |
1.700 |
3.700 |
4.800 |
7.800 |
1. Sản phẩm gỗ |
567 |
1.500 |
3.400 |
4.200 |
7.000 |
2. Lâm sản ngoài gỗ |
154 |
200 |
300 |
600 |
800 |
III. Giá trị dịch vụ môi trường* (triệuUSD) |
0 |
0 |
250 |
900 |
2.000 |
1. Cơ chế phát triển sạch |
0 |
0 |
|
400 |
800 |
2. Phòng hộ đầu nguồn, ven biển, đô thị… |
0 |
0 |
200 |
300 |
800 |
3. Du lịch sinh thái |
|
|
50 |
200 |
400 |
IV. Nhu cầu củi (triệu m3) |
25 |
25 |
25,7 |
26,0 |
26,0 |
* Chỉ tính giá trị dịch vụ môi trường có thể thu được, chưa tính tổng giá trị môi trường
Biểu 2
ĐỊNH HƯỚNG QUY HỌACH DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP (TRIỆU HA)
Loại rừng và đất đai |
Hiện trạng năm 2005 * |
Quy hoạch |
|
Năm 2010 |
Năm 2020 |
||
Tổng diện tích đất lâm nghiệp |
19,02 |
16,24 |
16,24 |
- Đất có rừng |
12,61 |
14,07 |
15,57 |
- Đất chưa sử dụng |
6,41 |
|
|
- Đất trồng lại rừng sau khai thác |
|
0,30 |
- |
- Đất trống trong rừng |
|
0,05 |
0,05 |
- Đất phục hồi rừng và NLKH |
|
1,82 |
0,62 |
1. Rừng phòng hộ |
9,47 |
5,68 |
5,68 |
- Đất có rừng |
6,19 |
5,67 |
5,67 |
- Đất chưa sử dụng |
3,38 |
|
|
- Đất trống trong rừng |
|
0,01 |
0,01 |
2. Rừng đặc dụng |
2,32 |
2,16 |
2,16 |
- Đất có rừng |
1,92 |
2,12 |
2,12 |
- Đất chưa sử dụng |
0,40 |
|
|
- Đất trống trong rừng |
|
0,04 |
0,04 |
3. Rừng sản xuất |
7,10 |
8,40 |
8.40 |
- Đất có rừng |
4,48 |
6,28 |
7,78 |
+ Rừng tự nhiên |
3,10 |
3,63 |
3,63 |
+ Rừng trồng |
1,38 |
2,65 |
4,15 |
- Đất chưa sử dụng |
2,62 |
- |
- |
- Đất trồng lại rừng sau khai thác |
|
0,30 |
0 |
- Đất phục hồi lại rừng và NLKH |
|
1,82 |
0,62 |
Tỷ lệ đất có rừng |
37% |
42,6% |
47% |
* Hiện trạng tổng diện tích rừng và đất chưa sử dụng toàn quốc tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2005 theo công bố tại Quyết định số 1970/QĐ/BNN-KL-LN ngày 06 tháng 7 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Biểu 3
DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Chương trình |
Nhiệm vụ |
Chỉ tiêu đến năm 2020 |
Thực hiện giai đoạn 2006 - 2010 |
Tỷ lệ % (5)=(4)/(3) |
Ghi chú |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
QL&PTRBV |
1. Phân loại, quy hoạch, xác định lâm phần ổn định trên bản đồ và thực địa |
16,24 triệu ha |
16,24 triệu ha |
100% |
|
2. Giao và cho thuê đất |
100% |
100% |
100% |
|
|
3. Khoanh nuôi |
803.000 ha |
803.000 ha |
100% |
|
|
- Khoanh nuôi chuyển tiếp |
403.000 ha |
403.000 ha |
100% |
|
|
- Khoanh nuôi mới |
400.000 ha |
400.000 ha |
100% |
|
|
4. Trồng mới rừng, trong đó sản xuất tập trung (Chỉ tiêu định hướng) |
2,25 triệu ha |
750 000ha |
33,3% |
|
|
5. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng |
250.000 ha |
250.000 ha |
100% |
|
|
6. Làm giàu rừng |
|
500.000 ha |
100% |
|
|
7. Trồng cây phân tán |
3 tỷ cây |
1 tỷ cây |
33,3% |
|
|
8. Xây dựng hệ thống dữ liệu và hệ thống giám sát để quản lý 14 triệu ha rừng |
1 hệ thống |
1 hệ thống |
100% |
|
|
9. Xây dựng cơ sở liệu và phương án điều chế rừng cho các đơn vị sản xuất |
100 % |
100 % |
100% |
|
|
10. Nâng cấp năng lực quản lý cho chủ rừng, xây dựng các tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ rừng |
100% diện tích rừng sản xuất |
- Nâng cấp năng lực cho chủ rừng - Xây dựng tiêu chuẩn và 30% dung tích có chứng chỉ |
30% |
|
|
11. Chương trình giống cây lâm nghiệp |
80% giống được công nhận; 50% giống sinh dưỡng |
60% và 40% |
75 và 80% |
|
|
12. Sản xuất gỗ lớn trong nước |
10 triệu m3 |
3,7 triệu m3 |
37% |
Hỗ trợ khoanh nuôi, làm giàu rừng |
|
13. Sản xuất gỗ nhỏ |
10 triệu m3 |
6 triệu m3 |
60% |
- nt- |
|
14. Giá trị sản xuất lâm sản ngoài gỗ cho tiêu dùng nội địa |
0,8 USD |
50% |
|
|
|
BV&BTĐDSH |
1. Xây dựng hệ thống rừng PH |
5,68 triệu ha |
5,68 triệu ha |
100% |
|
2. Xây dựng hệ thống rừng ĐD |
2,16 triệu |
2,16 triệu |
100% |
|
|
3. Khoán bảo vệ rừng |
1,5 triệu ha |
1,5 triệu ha |
100% |
|
|
4. Xây dựng hệ thống bảo vệ rừng xã, thôn có rừng |
100% |
100% |
100% |
|
|
5. Thành lập Ban Quản lý rừng (NN hoặc cộng đồng) |
100% |
100% |
100% |
|
|
6. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng |
100% |
100% |
100% |
|
|
7. Thử nghiệm và nhân rộng các hình thức quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia |
100% |
30% |
30% |
|
|
8. Định giá các dịch vụ môi trường và cơ chế chi trả |
2010 |
2010 |
100% |
|
|
9. Xây dựng quỹ bảo vệ phát triển rừng |
2007 |
2007 |
100% |
|
|
10. Số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ, phát triển rừng |
Giảm 80 % |
Giảm 40 % |
50% |
|
|
CBG& TMLS |
1. Tổ chức lại ngành CBG&lâm sản ngoài gỗ |
2015 (100%) |
70% |
70% |
|
2. Gỗ nhập khẩu |
3,5triệu m3 |
5,0triệu m3 |
|
Gỗ lớn |
|
3. Sản xuất gỗ xẻ |
6 triệu m3 |
4,0 triệu m3 |
66,6% |
|
|
4. Sản phẩm ván dăm/năm |
320.000 m3 |
68.000 m3 |
21,5% |
|
|
5. Sản phẩm ván MDF/năm |
220.000 m3 |
170.000 m3 |
77,3% |
|
|
6. Giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu/năm |
7tỷ USD |
3,4 tỷ USD |
48,57% |
3,4 triệu m3 sp/năm |
|
7. Giá trị sản phẩm lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu/năm |
0,8 tỷ USD |
0,5 tỷ USD |
62,5% |
|
|
8. Tạo việc làm |
1,5 triệu LĐ |
0,5 triệu LĐ |
33,3% |
|
|
9. Tỷ lệ % thu nhập lâm sản ngoài gỗ trong kinh tế hộ |
15 - 20% |
10% |
50 - 60% |
|
|
10. Sản xuất bột giấy |
2 triệu tấn* |
0,85 triệu tấn |
42,5% |
* 60% nhu cầu |
|
NCGD ĐT&KL |
1. Đầu tư nghiên cứu LN |
2% GDP lâm nghiệp |
2% GDP LN |
100% |
|
2. Nghiên cứu giống |
60% diện tích trồng từ mô hom |
40% |
66,6% |
|
|
3. Cải tiến công nghệ chế biến gỗ và tinh chế lâm sản ngoài gỗ |
70% doanh nghiệp và làng nghề sử dụng công nghệ mới |
40% |
57,2% |
|
|
4. Nghiên cứu xây dựng chính sách đột phá |
Hoàn thiện các chính sách |
Thử nghiệm và nhân rộng |
20% |
|
|
5. Đào tạo chính quy |
5.000 sinh viên/năm |
5.000 sinh viên/năm |
100% |
Trong các trường LN |
|
6. Đào tào nghề |
50% nông dân nghề rừng và các làng nghề |
25% |
50% |
|
|
7. Đào tạo cán bộ quản lý |
80% tổng số cán bộ |
30% |
37,5% |
|
|
8. Xây dựng mối liên kết giữa HT nghiên cứu, đào tào và khuyến lâm |
Hoàn thiện mạng lưới |
Triển khai |
10% |
|
|
9. Xây trường đạt chuẩn quốc tế |
1 đến 2 trường |
Triển khai |
10% |
|
|
10. Khuyến lâm |
80% hộ nông dân được huấn luyện |
30% |
37,5% |
|
|
11. Tham gia hoạt động khuyến lâm |
Thu hút 50% tư nhân và tổ chức xã hội |
20% |
40% |
|
|
12. Hệ thống khuyên lâm cơ sở |
100% xã nhiều rừng có cán bộ khuyên lâm |
100 % |
100% |
|
|
13. Xây dựng khuyên lâm tự nguyện thôn, xã |
100% xã có rừng |
30% |
30% |
|
|
14. Xây dựng chương trình và tài liệu khuyến lâm |
Hoàn thiện và cập nhật |
Xây dựng |
50% |
|
|
15. Xây dựng liên kết giữa khuyên lâm, đào tạo, chủ rừng và doanh nghiệp |
Hoàn thiện mạng lưới |
Xây dựng và triển khai |
50% |
|
|
ĐMTC, CS, LKH &GS |
1. Xây dựng và cập nhật hệ thống chính sách, pháp luật và thể chế LN |
Cập nhật và hoàn thiện |
Xây dựng và triển khai |
50% |
|
2. Xây dựng cơ chế thúc đẩy tư nhân, cộng đồng, hộ gia đình tham gia hoạt động LN |
Hoàn thiện |
Xây dựng và triển khai |
50% |
|
|
3. Tổ chức lại, nâng cao hiệu lực hệ thống tổ chức quản lý NN về LN |
|
Hoàn thành |
100% |
|
|
4. Tổ chức lại công ty LN nhà nước ở vùng LN trọng điểm |
100% công ty LN |
100% |
100% |
|
|
5. Xây dựng hình thức quản lý rừng cộng đồng |
4 triệu ha rừng cộng đồng |
2,5 triệu ha |
62,5% |
|
|
6. Thiết lập tổ chức khuyên lâm NN các cấp |
Hoàn thành |
Hoàn thành |
100% |
|
|
7. Xây dựng đơn vị giám sát đánh giá, gắn với kiện toàn hệ thống lập kế hoạch |
Hoàn thành |
Xây dựng và triển khai |
50% |
|
Biểu 4
DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN/DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
STT |
Tên đề án/dự án ưu tiên |
A |
Chương trình phát triển |
1 |
Thiết lập lâm phận quốc gia ổn định - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
2 |
Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng phục vụ quản lý rừng bền vững - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
3 |
Đẩy mạnh giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
4 |
Thử nghiệm các hình thức quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
5 |
Thử nghiệm và phát triển quản lý rừng cộng đồng - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
6 |
Phát triển và quản lý bền vững các vùng trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Công nghiệp , Ủy ban nhân dân các tỉnh |
7 |
Phát triển trồng cây phân tán và lâm nông kết hợp Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
8 |
Bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cơ quan phối hợp: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh. |
9 |
Tăng cường quản lý và cung cấp giống có chất lượng trong lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
10 |
Tăng cường năng lực bảo vệ rừng, phòng cháy-chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi pháp luật trong ngành lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
11 |
Thử nghiệm cơ chế chi trả các dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
12 |
Tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu và thân thiện với môi trường trong chế biến lâm sản - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
13 |
Phát triển các làng nghề thủ công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chế biến lâm sản - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại |
14 |
Phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh lâm sản (thông tin thị trường, nghiên cứu thị trường, xúc tiến kinh doanh, chuyển giao công nghệ, cấp chứng chỉ ISO, xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp v.v..). - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
B |
Chương trình hỗ trợ |
15 |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Khoa học và Công nghệ |
16 |
Nâng cao năng lực cho các trường đào tạo về lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Giáo dục Đào tạo |
17 |
Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến lâm nhà nước và tự nguyện Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
18 |
Đẩy mạnh đổi mới lâm trường quốc doanh - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
19 |
Thiết lập và thử nghiệm các cơ chế tài chính hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp : Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh |
20 |
Nâng cao năng lực lập kế hoạch, điều phối và giám sát cho các chương trình, dự án và cam kết quốc tế về lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
21 |
Xây dựng và củng cố hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp - Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê |
Biểu 5
TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN CHO GIAI ĐOẠN 2006 - 2020 (TỶ ĐỒNG)
STT |
Hạng mục |
Năm |
Năm |
Tổng cộng |
% |
A |
Đầu tư |
31.946,17 |
68.413,63 |
100.359,80 |
94,0 |
1 |
Chương trình QLPT rừng bền vững |
16.214,55 |
28.220,80 |
44.435,35 |
44,3 |
2 |
Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH và dịch vụ môi trường |
3.871,00 |
10.262,60 |
14.133,60 |
14,1 |
3 |
Chương trình chế biến gỗ và thương mại lâm sản |
10.428,07 |
26.662,50 |
37.090,57 |
37,0 |
4 |
Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm. |
546,98 |
848,82 |
1.395,80 |
1,3 |
5 |
Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập KH và giám sát ngành LN |
885,57 |
2.418,91 |
3.304,48 |
3,3 |
B |
Chi thường xuyên |
1.939,17 |
4.460,09 |
6.399,26 |
6,0 |
|
Tổng nhu cầu vốn |
33.885,34 |
72.873,72 |
106.759,06 |
100,0 |
Giải thích bổ sung về nội dung Biểu 5 như sau:
Nhu cầu vốn tính theo 2 loại: vốn đầu tư và vốn chi thường xuyên.
Vốn chi thường xuyên được tính toán dựa trên cơ sở số liệu nguồn vốn này đã huy động trong 5 năm 2001 - 2005; tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến cho giai đoạn 2006 - 2010 (trung bình khoảng 7,2% năm) và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp là 4 - 5%/năm. Vốn đầu tư được dự tính căn cứ vào:
- Các nội dung hoạt động và khối lượng của từng chương trình;
- Đơn giá theo đề xuất sửa đổi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Thủ tướng Chính phủ cho Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các định mức liên quan khác;
- Đường lâm nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010
Khả năng cung ứng vốn thực hiện chiến lược giai đoạn 2006 - 2010 tính trên cơ sở:
- Số lượng vốn đã được huy động trong 5 năm 2001 - 2005 và dự kiến tốc độ tăng nguồn vốn có thể cung ứng là 30% so với 5 năm trước;
- Nguồn cung vốn ngân sách được coi là đủ để đáp ứng nhu cầu;
- Đối với Chương trình chế biến gỗ và thương mại lâm sản, nguồn cung ứng được coi là đủ để đáp ứng nhu cầu vốn trên cơ sở đánh giá tình hình các hoạt động chế biến gỗ hiện tại và tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất này;
- Nguồn vốn ODA được lấy theo các dự án đã được cam kết cho giai đoạn 2006 - 2010 tại thời điểm hiện tại;
- Việc phân bổ các nguồn vốn dựa vào nội dung hoạt động và đặc điểm của từng chương trình kết hợp với phân tích của chuyên gia tài chính;
- Chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng cung ứng là số vốn cần được huy động thêm cho việc thực hiện chiến lược lâm nghiệp./.
Biểu 6
TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
STT |
Hạng mục |
Phân chia theo năm (tỷ đồng) |
Tổng |
USD (triệu) |
% |
||||
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
|||||
A |
Đầu tư |
5.720.84 |
6.317,42 |
6.515,48 |
6.620,02 |
6.771,41 |
31.946,17 |
1.996,64 |
94,3 |
1 |
Chương trình QLPT rừng bền vững |
2.580,00 |
3.140,55 |
3.383,20 |
3.485,40 |
3.625,40 |
16.214,55 |
1.013,41 |
50,8 |
2 |
Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đồng bằng sông Hồng và dịch vụ môi trường. |
788,00 |
816,00 |
761,00 |
753,00 |
753,00 |
3.871,00 |
241,94 |
12,1 |
3 |
Chương trình chế biến gỗ và thương mại lâm sản |
2.085,61 |
2.085,61 |
2.085,61 |
2.085,61 |
2.085,63 |
10.428,07 |
671,75 |
32,6 |
4 |
Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm. |
90,50 |
99,05 |
108,46 |
118,80 |
130,17 |
546,98 |
34,19 |
1,7 |
5 |
Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập kế hoạch và giám sát ngành LN. |
176,73 |
177,21 |
177,21 |
177,21 |
177,21 |
885,57 |
55,35 |
2, 8 |
B |
Chi thường xuyên |
354,17 |
370,00 |
380,00 |
390,00 |
445,00 |
1.939,17 |
121,20 |
5,7 |
|
Tổng nhu cầu vốn |
6.075,01 |
6.688,42 |
6.895,48 |
7.010,02 |
7.216,41 |
33.885,34 |
2.117,83 |
100 |
Biểu 7
CƠ CẤU NHU CẦU VỐN 2006 - 2010 THEO NGUỒN VỐN VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH
STT |
Chương trình |
Các nguồn vốn (tỷ đồng) |
|||||||
ĐTNSNN |
Tín dụng ĐT NN |
ODA |
ĐT của DNNN, HTX |
ĐT của hộ GĐ, tư nhân |
FDI |
Nguồn vốn khác |
Tổng |
||
1 |
Chương trình QLPT rừng bền vững |
4.266,00 |
2.995,52 |
2.494,52 |
1.372,90 |
2.030,01 |
2.940,82 |
114,78 |
16.214,55 |
% so với tổng vốn của CT |
26,31 |
18,47 |
15,38 |
8,47 |
12,52 |
18,14 |
0,71 |
100,00 |
|
% so với tổng của từng loại vốn |
55,77 |
60,07 |
59,88 |
37,89 |
60,39 |
37,59 |
100,00 |
50,76 |
|
2 |
Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH và dịch vụ môi trường |
2.945,66 |
|
690,00 |
117,67 |
117,67 |
|
|
3.871,00 |
% so với tổng vốn của CT |
76,10 |
|
17,82 |
3,04 |
3,04 |
|
|
100 |
|
% so với tổng của từng loại vốn |
38,51 |
|
16,56 |
3,25 |
3,01 |
|
|
12,12 |
|
3 |
Chương trình chế biến và TMLS |
|
1.990,80 |
11,27 |
2.122,00 |
1.422,00 |
4.882,00 |
|
10.428,07 |
% so với tổng vốn của CT |
|
19,09 |
0,11 |
20,35 |
13,64 |
46,82 |
|
100 |
|
% so với tổng của từng loại vốn |
|
39,93 |
0,27 |
58,57 |
36,33 |
62,41 |
|
32,64 |
|
4 |
Chương trình nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm |
318,98 |
|
206,64 |
10,68 |
10,68 |
|
|
546,98 |
% so với tổng vốn của CT |
58,32 |
|
37,78 |
1,95 |
1,95 |
|
|
100 |
|
% so với tổng của từng loại vốn |
4,17 |
|
4,96 |
0,29 |
0,27 |
|
|
1,71 |
|
5 |
Chương trình đổi mới thể chế, chính sách, lập KH và giám sát ngành lâm nghiệp |
118,72 |
|
766,85 |
|
|
|
|
885,57 |
% so với tổng vốn của CT |
13,40 |
|
86,13 |
|
|
|
|
100,00 |
|
% so với tổng của từng loại vốn |
1,55 |
|
18,32 |
|
|
|
|
2,77 |
|
|
Tổng |
7.649,36 |
4.986,32 |
4.169,28 |
3.623,25 |
3.580,36 |
7.822,82 |
114,78 |
31.946,17 |
|
% |
23,9 |
15,6 |
13,1 |
11,3 |
11,2 |
24,5 |
0,4 |
100,0 |
THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT |
|
No: 18/2007/QD-TTg |
|
APPROVING
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the
December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the December 3, 2004 Law on Forest Protection and Development;
At the proposal of the Minister of Agriculture and Rural Development in Report
No. 3309/TTr-BNN-LN of December 12, 2006,
DECIDES:
1. Actual situation of the forestry sector
By December 31, 2005,
the national forest area was 12.61 million ha, including about 10.28 million ha
of natural forests and 2.33 million ha of plantation forests; forest cover was
37%. Total timber deposit was 813.3 million m3 (of which 94% was from
natural forests) and there were about 8.5 billion bamboo trees. While the
forest area increased, the quality of natural and plantation forests remained
low, failing to meet production and protection requirements. Nationwide, the
area of unused land was 6.76 million ha, including 6.16 million ha of bare
land, accounting for 18.59% of the country's natural area, most of which was
degraded land. This is a potential for as well as a challenge to forestry
development.
...
...
...
- Major achievements
of the forestry sector
The wood and forest product processing industry saw vigorous developments, step by step meeting domestic demands, making increasing contributions to export turnover and creating opportunities for the development of raw-material supply plantation forests. The export turnover of wood products rose from USD 61 million in 1996 to USD 1,035 million in 2004 and USD 1,570 million in 2005.
The forestry sector's
production activities saw vigorous changes as the sector switched from a
state-run sector operating under a centralized planning mechanism to a
socialized one with a multi-sectoral economic structure and operating according
to the mechanism of a commodity production economy. As a result, the forestry
sector made active contributions to creating jobs and improving living
standards for nearly 25% of
- Problems and weaknesses
Though the forest area increased but the quality and biodiversity of natural forests continued to decrease; in some places, forests were further destroyed and the planting of production forests under Project 661 failed to keep to its schedule.
The forestry sector grew at a low rate and in an unsustainable manner, with low productivity and profits and weak competitiveness, failing to exploit all natural forest resources, particularly non-timber forest products and eco-environmental services.
Forestry is a specific econo-technical sector embracing all activities related to the production of forest commodities and provision of forest services such as protection, planting, harvest, transportation, production and processing of forest products and environmental forest services. At the same time, the forestry sector plays a very important role in protecting the environment, conserving biodiversity, and eradicating poverty and reducing poverty, especially for mountainous inhabitants, contributing to social stability, security and defense.
...
...
...
- Forestry shall be developed in a coordinated manner from management, production, development and reasonable use of natural resources, plantation, improvement and enrichment of forests to harvest and processing of forest products, environmental services, ecotourism, etc.
- Forestry shall be developed to make considerable contributions to economic growth, hunger eradication and poverty alleviation, and environmental protection.
- To manage, use and develop forest in a sustainable manner is the foundation of forestry development.
- Forestry development shall be based on accelerating and deepening the socialization of afforestation, and attracting resources for investment in forest protection and development.
b/ Objectives toward 2020
To establish, manage, protect, develop and use in a sustainable manner 16.24 million ha of land planned for forestry; to increase the rate of land with forests to 42-43% by 2010 and 47% by 2020; to ensure wide participation of all economic sectors and social organizations in forestry development in order to make more and more contributions to socio-economic development, eco-environmental protection, conservation of biodiversity and provision of environmental services, contributing to hunger eradication and poverty alleviation and raising of living standards for rural and mountainous inhabitants and preservation of security and defense.
c/ Economic tasks
- The production value of the forestry sector (including forest product processing industry and environmental services) will grow at from 3.5% to 4% a year, striving for the target that the sector's GDP will account for 2-3% of national GDP by 2020.
- To establish, manage, protect, develop and use in a sustainable manner forests of three types, including 8.4 million ha of production forests, of which 4.15 million ha are plantation forests covering consolidated forests supplying industrial raw materials, non-timber forest products, etc., 3.63 million ha of production forests being natural forests and 0.62 million ha of regenerated natural forests for combined agro-forestry production (striving for the target that at least 30% of the area with forest certificates); 5.68 million ha of protection forests and 2.16 million ha of special-use forests.
...
...
...
- The domestic timber output will reach 20-24 million m3 a year (including 10 million m3 of big timber), basically meeting the raw materials needs of forest product processing and pulp industries and export. To meet the needs for fuel wood mainly in rural areas and maintain the level of 25-26 million m3 a year.
- The value of exported forest products will reach over USD 7.8 billion (including USD 7 billion of timber products and USD 0.8 billion of non-timber forest products).
- To increase revenues from forest environmental value through the clean development mechanism (CDM), protection of water sources, ecotourism, etc., (up to USD 2 billion).
d/ Participation in solving social problems
- To create more jobs for laborers (in the processing of timber and non-timber products and in fine-arts and handicraft villages).
- To generate incomes, contributing to eradicating poverty and reducing the number of poor households in key forestry areas.
- To complete the allocation and lease of forests and forestland to organizations, enterprises, households, individuals and village communities before 2010.
- To increase the percentage of trained forestry workforce to 50%, especially ethnic minority and poor households and women in deep-lying and remote areas.
e/ Assurance of environmental stability
...
...
...
- To increase forest cover to 42-43% by 2010 and to 47% by 2020.
- By 2010, to have new 0.25 million ha of protection and special-use forests.
- To minimize violations related to forest natural resources and restrict the slash-and-burn farming practice.
a/ Orientations on the planning for the structure of three types of forests and forestland
- For protection forests: To review and rearrange the system of national protection forests of about 5.68 million ha, including 5.28 million ha of watershed protection forests; 0.18 million ha of wavebreak and sea encroachment protection forests; 0.15 million ha of windbreak and sandbreak forests and 70,000 ha of protection forests in service of environmental protection for big cities, industrial parks and national border areas. Depending on the level of importance, it is necessary to combine protection with agro-forestry production, commercial operation of landscape sites, resort and eco-environmental tourism, and other benefits of protection forests.
- For special-use forests: To review and strengthen the system of existing national special-use forests with a total area not exceeding 2.16 million ha toward raising forest quality and biodiversity value.
- For production forests: The total area of planned production forests will be 8.4 million ha, including 3.63 million ha of natural forests and 4.15 million ha of plantation forests; importance will be attached to establishing consolidated industrial raw-material supply forest zones and managing their sustainable use for multiple purposes. The remaining area of land of 0.62 million ha planned for development of production forests will be used for forest regeneration and combined agro-forestry production.
b/ Orientations for forest management, protection, development and use
...
...
...
-
People's Committees at all levels shall organize forest protection and take responsibility for the occurrence of violations of the Law on Forest Protection and Development in localities under their management. To enhance the capacity of, and strengthen full-time and part-time forest protection forces of forest owners and village communities to be able to handle violations of forest law and cope with natural disasters such as forest fires and pests. To attach importance to inspection of the process of exploiting forest products in forests. To inspect and control the circulation and consumption of forest products is just a measure for forest protection.
To reorganize and rearrange the forest ranger force along the line of enhancing its role of giving advice to provincial, district and commune-level administrations in forest protection and forestry law enforcement. To adopt policies and regulations to prioritize and encourage the strengthening of local forest ranger forces which shall collaborate with local administrations in providing guidance for inhabitants to protect forests in each lot or compartment.
- Forest development:
+ To plan, classify and develop forests of three types (special-use forests, protection forests and production forests), combine conservation and protection with development of ecotourism, resort tourism and other environmental services.
For special-use forests, the major development orientation is to conserve forests in their original state, creating the best environmental conditions for conserving and developing endemic fauna and flora species and specific ecosystems in order to conserve gene sources and biodiversity to meet the requirements of national socio-economic development in the current period and the future.
For protection forests, planning and development aim to ensure protection requirements to the utmost, contribute to conserving biodiversity, preserving a stable balance of soil environment (preventing erosion, desertification and toxic chemical residues), water environment and climate, fighting natural disasters and ensuring sustainable socio-economic development and perpetuation of the nation.
For production forests, planning and plans shall be drawn up for their in-depth development, creation of medium and large consolidated raw-material supply zones where intensive cultivation is practiced with a view to supplying sufficient raw materials for processing industries and increasing the effectiveness of land use, productivity and quality; agro-forestry and fishery shall be combined.
+ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries and branches in, promulgating policies to encourage all economic sectors to invest in developing forests for commercial purposes, policies to prioritize and support development researches into plant varieties, wild animal species, intensive cultivation and animal raising techniques, building of forestry infrastructures, systems of prevention and fight of forest fires and prevention and control of forest pests, etc., in accordance with international commitments in which Vietnam has participated in.
...
...
...
+ To attach importance to strongly developing dispersed plantations to promptly and effectively meet on the spot local inhabitants' needs for timber for household use and fuel wood, especially in delta and coastal areas. To step up the planting and development of non-timber forest products (rattan, bamboo, pharmaceutical materials, etc.) to meet the needs for raw materials for the production of highly competitive handicraft and fine-art goods for domestic consumption and export.
- To use forests and develop the forest product processing industry
+ Forest exploitation and use:
To rationally exploit and use forests is a silvicultural measure to regenerate forests and improve their quality; at the same time to exploit to the utmost forest environmental services to generate revenues for forest protection and development. To use natural forests in a sustainable manner according to forest management plans.
For production forests that are natural forests, to attach importance to further zoning them off for tending, improvement and enrichment in order to increase their quality to create sources of supply of big timber, other forest products and provision of environmental services after 2010. To apply the major exploitation method only to forests with rich deposits. For forests with medium and poor deposits, to attach importance to applying the exploiting, tending and enriching method; to accelerate the planting, development and use of non-timber forest resources, focusing on such advantaged product groups as rattan, bamboo articles, pharmaceutical materials, resin oil and foodstuffs; to encourage the breeding and raising of wild animals; to apply a mechanism of guiding forest owners to lawfully exploit and use non-timber forest products.
To encourage the use of fuels made of by-products from plantation forests (thinly pruned top branches, etc.), by-products of agriculture and other sources of substitute fuels with a view to minimizing the use of fuel wood from natural forests.
+ To develop the
forest product processing industry
To strongly develop advantaged products in export processing. From now to 2015, to concentrate efforts on reviewing, strengthening and upgrading small- and medium-sized forest product processing industrial establishments; to develop the industry on a large scale after 2015.
...
...
...
+ To set orientations for export of forest products.
+ To properly organize the import of forest raw materials to meet the needs of production in service of domestic consumption and export, while increasing the plantation of forests supplying raw big timber and non-timber forest products to urgently meet the needs for raw materials for processing industries and gradually reduce dependence on imported raw materials.
+ To conduct research and training in the designing of household wood articles, renew technologies of manufacturing and processing forest products, diversify and continuously increase the quality and designs of processed products to cater for various domestic and foreign customers' tastes; to accelerate the issue of forest certificates and develop trademarks for export goods.
5. Solutions to implementing the Strategy
a/ Policy and law-related solutions
-
To build a legal setting for establishing permanent national forest estates and place markers on the field. To revise and perfect policies on allocation and lease of forests and forestland. To prioritize the allocation and contracting of protection forests to communities, economic organizations and households for long-term management, protection and benefit sharing according to approved plannings and plans.
To create favorable conditions for those who are assigned or contracted land and forests to exercise the rights to use land and use and own forests according to the provisions of law in their production and business activities to meet the requirements of a commodity economy; to make forests to truly become a commodity and a source of funding for forestry development. To encourage land accumulation for forming consolidated raw-material supply plantation forests in the form whereby households, economic organizations and individuals lease or contribute shares with their forest and forestland use rights.
To continue piloting before widely applying models of community-based forest management; to perfect forest management regulations and benefit- sharing mechanisms applicable to all economic sectors. To pilot and build a legal foundation for all economic sectors to be allocated or leased special-use forests for eco-tourist and resort business activities and services.
...
...
...
To further decentralize state management of forests to district- and commune-level administrations. To clearly define responsibilities and powers of forest owners, administrations at all local levels, law enforcement bodies and villages in localities where forests are lost or destroyed.
To intensify law dissemination and education to raise the forest protection and development awareness and responsibility of administrations at all levels, branches, every forest owner, every citizen and the entire society, along with enhancing state management, institutions and laws.
- Finance and credit
To develop specific capital construction investment mechanisms and renew the mode of state investment in the forestry sector according to the approved forest protection and development plans so as to gradually replace the current allocation of funds based on average investment support ratios.
To develop an insurance mechanism and ensure that all economic sectors taking part in forestry production and business access and borrow long-term loans from investment funds and credit sources on an equal basis, which are suitable to the forestry business cycle.
To switch state investment from direct to indirect investment (infrastructure, seeds and seedlings, science and technology, etc.). To increase the state investment budget for the management, protection and development of special-use forests, protection forests, production forests, scientific research, forestry extension, human resource training, etc., and reserve adequate investments in building forestry infrastructure.
To formulate policies to encourage all economic sectors to invest in the protection, development and use of forests and the processing of forest products based on linking and sharing benefits with the community. To create a transparent and stable investment environment; to ensure clear industrial property rights and the rights to use land, use or own forests in a permanent manner; to support the setting up of a forestry insurance fund, exempt and reduce some taxes for forest owners and investors engaged in forest business activities, and simplify administrative procedures for investors in the forestry domain.
To publicize forestry development plannings, pilot and widely apply the bidding for lease of forests for production, ecotourism or resort tourism services depending on the functions of forests. The State shall promote planning work and support the formulation of some projects on consolidated industrial raw-material supply forests to call for domestic and foreign investment.
To create and step by step implement a mechanism of collecting environmental service charges from organizations and individuals benefiting from forests as an additional source of reinvestment in forestry. To collect watershed protection charges for hydropower projects and clean water facilities, and build on a pilot basis a CDM-based afforestation project.
...
...
...
To devise a mechanism of contracting protection forests for protection with the increased possibility of directly enjoying forest benefits, including revenues collected from environmental services, in order to gradually replace the current contracting with cash payments from the state budget.
For households engaged in forest protection and development, especially households of the poor and ethnic minority people in mountainous, remote or deep-lying areas, the State shall implement such support mechanisms as provision of preferential loans, supply of food, seedlings, fertilizers, etc., for the planting of small production forests and combined agro-forestry production when they have not yet obtained any incomes from forests, and shall minimize the slash-and-burn farming practice.
To carry out the valuation of forests as a basis for forest-related transactions. To set up central and local forest protection and development funds from various funding sources and work out appropriate mechanisms of managing and using these funds in order to accelerate the socialization of silviculture and the forestry sector as a whole.
b/ Renewing the production and business system and encouraging all economic sectors to participate in forestry development
- To develop mechanisms and policies to facilitate the renewal of state-owned forestry farms into forestry companies engaged in production and business activities associated with the processing industry and trade, acting as the core in the sector's development. To step by step promote the equitization of state-owned forestry enterprises; to develop forms of joint venture and association among different economic entities in forestry production and business and forest product processing.
- To attach importance to developing forestry production and business based on households, farms, village communities and economic cooperation. The State shall adopt mechanisms to support poor and ethnic minority households to participate in enterprises' and farms' activities of planting raw-material supply forests, industrial trees, and processing forest products on a small scale, so as to create more jobs and generate more incomes for them.
c/ Planning and supervisory solutions
- To review the planning on three types of forests, identify permanent national forest estates and place markers on the field;
- To make statistics on, inventory and monitor natural forest resource changes in association with collecting statistics on and inventorying land. To create and update a database on natural forest resource management and apply advanced technologies to improve the quality of forest planning investigations.
...
...
...
- To plan and develop the processing industry and trade in combination with reviewing and establishing consolidated raw-material supply forests. To plan the replacement of low-yield plantation forests. To pay attention to planning the development of villages engaged in producing and processing forest products on a small scale and of forestry farms.
- To renew planning methods and raise planning quality toward promoting cross-cutting connection, using inter-branch information and involving the participation of concerned parties.
- To intensify monitoring and evaluation of the implementation of forest protection and development plannings and plans. To soon create a monitoring and evaluation system and enhance the capacity of the sector financial planning and management and monitoring agencies and units at all levels.
- To strengthen the forestry sector information and monitoring system to serve monitoring work and the evaluation of the implementation of the Forestry Development Strategy, meeting the requirements of the sector management and international integration.
d/ Sector organization and management solutions
- To urgently set a roadmap for renewing the organization of the forestry sector toward establishing a uniform organizational system of state management of forestry which is strong from the central to local levels combined with administrative reforms and international integration. To regard the establishment of state management organizations and the increase of forestry management officers in districts and communes with forests as a top priority in the coming five years. In communes with large forests, to arrange full-time forestry officers.
- To encourage and support the establishment of associations and unions of forestry product producers, traders, processors, imports and exporters.
- To develop a mechanism of long-term coordination between forestry research, education, training and extension and forest owners, enterprises and communities to combine forestry research, training and extension with forestry production and business.
e/ Scientific and technological solutions
...
...
...
- To review, formulate and perfect technical processes and standards.
- To formulate and implement a Forestry Research Strategy from 2006 to 2020, concentrate on breakthrough researches in the sector such as bio-technology, refining of non-timber forest products, planting of high-yield forests, improvement of impoverished natural forests, etc.
- To implement the Forest Tree Seed Strategy in the 2006-2020 period, first of all to meet the needs for high-quality seeds for afforestation under Project 661 and other projects.
- To implement the national scheme on conservation and development of non-timber forest products in the 2006-2020 period.
- To develop a system of national standards of sustainable forest management, product movement sequence and a set of national standards for timber products and non-timber forest products.
- To increase equipment and technical and material foundations for research institutions. To promote the application of modern, environment-friendly technologies and equipment in forest product production and processing; to regard foreign investment as a new channel of technology transfer.
- To set up a system of forestry extension organizations from the central level to provinces and districts with many forests (provinces with more than 50,000 ha of forests and forestland), which are attached to the agricultural extension system at all levels .To arrange full-time and part-time forestry extension officers in communes with many forests. In places hardly accessible by the State-built agricultural extension system, to quickly set up voluntary forestry extension organizations with necessary state supports.
- To step by step renew activities and build the capacity of forestry institutes and schools to turn them into strong consultancy centers of the sector. To encourage the establishment of other, scientific and technological consultancy, transfer and service centers under forestry research, training and extension agencies. To perfect the mechanism of enhancing the autonomy and accountability of forestry research, training and extension organizations for the quality and quantity of products.
f/ Human resource training solutions
...
...
...
- To raise the capacity of managers, enterprises, communities and households engaged in silviculture and forest product processing through short-term training and forestry extension so that they can step by step make, implement and monitor their own production plans.
- To raise the capacity and improve material and technical foundations of forestry training units. To elaborate a scheme on comprehensive renewal of the forestry education and training system in terms of structure, teaching programs, contents and methods and administration mechanisms for the purpose of raising training quality. To strive to have one or two forestry institutes and schools up to international standards by 2020.
- To develop short-term training programs on different subjects, prioritize training of forestry farmers and officers and craftsmen in craft villages.
- To encourage forestry training and extension organizations, non-governmental organizations and international projects to support forestry training and extension activities.
- To draw up a plan on and train scientists and lecturers specializing in forestry domains, particularly economics, and create favorable conditions for young scientists to take part in research and teaching activities.
- To develop forms of distance training to meet increasing learning and research needs. To integrate soon forest environment education into curricula of schools nationwide.
g/ International cooperation solutions
- To promote international economic integration in the forestry sector through active participation in and close cooperation with regional and bilateral international forestry organizations.
- To step up strategic
mobilization, attraction and use of ODA for proper purposes. To manage and
efficiently use the funding source of the Trust Fund for Forests (TFF) and the
...
...
...
- To take the initiative and actively cooperate with other states, world and regional advanced institutes and schools in promoting quick approach to advanced scientific and technological forestry standards, develop human resources and upgrade equipment for the sector.
- To further implement
multilateral environment agreements and international commitments related to
forestry which
a/ The program on sustainable forest management and development
- To establish permanent national forest estates for three types of forests.
- To allocate or lease all forests and forestland to forest owners of all economic sectors before 2010, and enhance the capacity of forest owners.
- To manage forests in a sustainable manner. Owners of forests used for production and business purposes shall make and implement forest management plans, with at least 30% of production forests to be granted forest certificates.
- To afforest 1 million ha by 2010 and 1.5 million ha in the subsequent period, raise the yield of plantation forests; to enrich 0.5 million ha of impoverished forests; and to plant 200 million dispersed trees a year.
- To produce domestic timber in a stable manner to reach 9.7 million m3/year by 2010, 20-24 million m3/year by 2020 (including 10 million m3 of big timber).
...
...
...
- To procure equipment and facilities to modernize periodical forest management and inventory work; to strengthen and update the database on natural forest resources.
b/ The program on protection and conservation of biodiversity and development of environmental services
- To effectively protect 16.24 million ha of forests and forestland of three types (special-use forests, protection forests and production forests).
- To disseminate 100% of regulatory documents on forest protection to forest owners and local inhabitants.
- To reduce by 80% of cases of violation of the law on forest protection and development.
- 100% of forest owners, and villages and communes with forests will have forest protection forces, 100% of protection and special-use forests will have managers and protection and development plans. 100% of forest protection and development staffs, especially commune ranger officers and forest protection forces of forest owners and villages and communes, will be trained to improve their capacity.
- To increase investment in infrastructures, equipment and facilities and funds for forest protection, forest fire prevention and fight and forest pest prevention and control, etc.
- To establish and strengthen the system of protection forests with a total area of about 5.68 million ha and the system of special-use forests with a total area of about 2.16 million ha.
- To continue piloting before widely applying the community-based forest management model and other forms.
...
...
...
c/ The program on orientations for forest and forestland planning, the progress of implementation of the Strategy in the 2006-2010 period and the implementation of priority schemes and projects in the 2007-2020 period
- To implement the
contents of orientations for forest and forestland planning till 2010 and 2020
(according to Table 2 enclosed with
- To implement the
planned contents of the Strategy in the 2006-2010 period (according to Table 3
enclosed with
- To implement
priority schemes and projects in the 2007-2010 period (according to Table 4
enclosed with
d/ The program on timber processing and forest product trade
- To reorganize the timber and non-timber forest product processing industry.
- To enhance the capacity of the forest product processing industry to basically meet domestic and export needs, specifically:
+ Total output of sawn timber: 6 million m3/year.
+ Particle boards: 320,000 m3 of products/year.
...
...
...
+ Value of exported timber products: USD 7 billion (3.5 million m3 of products).
+ Value of exported non-timber forest products: USD 0.8 billion.
- By 2020, non-timber forest products will become a major commodity, accounting more than 20% of total value of forestry production, and the value of exported non-timber forest products will increase 15-20% on average; to employ about 1.5 million laborers; and incomes generated from non-timber forest products will account 15-20% of rural household economy.
e/ The program on forestry research, education, training and extension
- To concentrate on conducting researches in some spearhead areas such as bio-technology, non-timber forest product refining technology, plantation of high-yield forests, agro-forestry and improvement of impoverished natural forests. To renovate technologies, equipment and facilities for the forest product processing industry to raise competitiveness and meet the requirements of international economic integration. To study scientific and practical grounds for the formulation of breakthrough policies in the forestry sector.
- To provide formal training for about 5,000 students and pupils on average every year. To pay attention to providing advanced training for key officials. To intensify vocational training for farmers engaged in silviculture and inhabitants in forest product processing villages. From 2008, to incorporate forest and environment protection education into teaching programs in general education schools. To provide training for 80% of local forest management staffs in forest inventory and formulation and implementation of forest management, protection and development plans, and identification of forest criteria. To enhance the capacity of lecturers and provide essential equipment and facilities for forestry institutes and schools. To perfect and update training programs and textbooks to meet the requirements of renewal and international economic integration. To promote linkages between the forestry training system and the forestry extension system. To have one to two forestry training institutions up to international standards by 2020.
- To attract 50% of economic sectors and mass organizations to take part in forestry extension activities; to raise forest management and protection knowledge and skills for 80% of farmer households. To place at least one full-time or part-time forestry extension officer in each commune with large forests; to develop and enhance the capacity of the voluntary forestry extension system. To improve forestry extension contents and methods to suit farmers' levels. To build up linkages between the forestry extension and training system and forest owners and forest product processing enterprises.
e/ The program on renewal of institutions and policies, planning and sector monitoring
- To build and update a system of policies, laws and institutions toward delegation of more powers to localities and on sustainable forestry development directed at commodity production and socialization of silviculture.
...
...
...
- To reorganize, and raise the effectiveness of, state management agencies in charge of forestry in the direction of unifying the functions of managing, protecting, using and developing forests; to make clearer the functions and tasks of forestry organizations at all levels and diversify forestry services.
- To develop mechanisms and policies applicable to state-owned forestry farms which have been re-organized, re-arranged and converted into companies and are running production and business activities efficiently. To step by step equitize forestry business companies, creating favorable conditions for them to operate according to the market mechanism. To form, implement and expand the model of community-based forest management and protection. To establish a state-owned forestry extension system at all levels and introduce mechanisms to support voluntary forestry extension organizations in villages and communes with large forests.
- To establish specialized monitoring and evaluation units along with strengthening the forestry planning system at all levels.
a/ Total investment funds: 33,885.34
in which:
- The sustainable forest development management program: 16,214.55
- The forest
protection, biodiversity conservation and environmental
services program: 3,817.00
- The timber processing and trade program: 10,428.07
...
...
...
- The sector policy renewal, planning and monitoring program: 885.57
b/ Regular
expenditures on activities:
c/ Ratios of investment funding sources for the 2006-2010 Strategy:
+ State budget funds: 23.9%
+ State credit: 15.6%
+ ODA capital: 13.1%
+ State enterprises and cooperatives: 11.3%
+ Households: 11.2%
...
...
...
+ Other sources: 0.4%
Article 2.- Organization of implementation:
1. To assign the Ministry of Agriculture and Rural Development:
- To act as the coordinator with the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches and provincial/municipal People's Committees in, organizing the implementation of the Forestry Development Strategy and incorporating its contents into the national, ministerial, sectoral and local socio-economic development plans.
- To establish sub-committees to coordinate the implementation of the programs of the Strategy, which are composed of representatives of related agencies, units, communities and enterprises and concerned partners and international projects that voluntarily participate in the programs.
- To coordinate with
other ministries, sectors and localities in evaluating the implementation of
the Strategy on an annual basis and report it to the Prime Minister.
2. The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in balancing and assuring investment funds for the effective implementation of the Strategy.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in instructing localities to review land use plannings and allocate or lease forestland according to the objectives and tasks of the Forestry Strategy and elaborate schemes integrating forest inventories with national land inventories conducted once every five years.
4. The General Statistics Office shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development and related parties in identifying contents and indicators for the forestry sector monitoring and evaluation; direct and guide localities in making statistics, inventory forests and study the forestry sector's economic and environmental contributions, etc., according to criteria compatible with the requirements of renewal and international economic integration of the forestry sector, and submit them to the Government for revision and supplementation of the forestry sub-sector in Decree No. 75/CP of October 27, 1973.
...
...
...
Article 3.- This Decision takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."
VICE
PRIME MINISTER
STANDING DEPUTY PRIME MINISTER
Nguyen Sinh Hung
(Promulgated together with Decision No. 18/2007/QD-TTg of February 5, 2007, of the Prime Minister)
INTRODUCTION
...
...
...
Silviculture not only turns out commercial forest products and services contributing to the national economy but also plays an important role in environmental protection such as protecting watershed, retaining soil and water, making the climate equable, etc., contributes to safeguarding national security, especially protecting border areas and islands; and makes important contributions to improving living standards, eradicating hunger and alleviating poverty for rural and mountainous inhabitants.
According to current regulations on grades of economic sectors, forestry is a grade-II economic sector with main activities of planting and protecting forests and exploiting forest products, and some forestry services. End products are forest materials supplied for processing industries and consumption.
According to current data, the forestry sector's GDP accounts for only more than 1% of national GDP. Forestry value in GDP, by current statistics methods, only covers the value of official production activities according to plan but not the value of forest products exploited, processed and marketed by inhabitants; particularly, forest product processing has not yet been taken into account. Enormous effects of forests, such as protection of watersheds, coastal areas and urban environment, conservation of biodiversity, gene sources, ecotourism, etc., have not yet been reflected into the sector's GDP. This has resulted in inadequate awareness of administrations at all levels, branches and society about the effects of a sector that manages forests and forestland representing more than half of the country's territory, with abundant natural forest resources and inhabited by more than 25 million people. This inadequate awareness has negatively affected the process of making state development and investment policies with respect to the forestry sector.
According to the concept of the United Nations Food and Agriculture Organization (FAO) and the United Nations classification of the forestry sector, which has been recognized by many states, and based on the practical situation in Vietnam, a complete definition of forestry sector should be as follows: Forestry is a specific econo-technical sector covering all activities related with production of goods and with services from forests such as planting, exploiting, transporting, producing and processing forest products and providing environmental forest services; the forestry sector plays a very important role in protecting the environment, conserving biodiversity, eradicating hunger and alleviating poverty, particularly for mountainous inhabitants, contributing to social stability, security and defense.
On the basis of the 2004 Law on Forest Protection and Development and other relevant laws; pursuant to the national socio-economic development orientations in the new period and the above definition of forestry sector, comprehensive adjustments to the sector's development orientations are needed to meet the requirements of renewal and international economic integration, creating conditions for attracting domestic and foreign resources for investment in the sector development. Only an adequate awareness and concerted actions regarding the role, position and demand of the sector can help the sector develop rapidly and vigorously, contributing to the cause of industrialization and modernization in rural areas and agriculture, hunger eradication and poverty alleviation for mountainous farmers, and environmental protection, and turn Vietnam into a basically industrialized country along the line of modernization by 2020 as laid down in the Resolution of the Xth National Party Congress.
For the above reasons, it is necessary to formulate the National Forestry Development Strategy for the 2006-2020 period as a basis for orienting long-term development of the sector. This Strategy perpetuates the Forestry Development Strategy for the 2001-2010 period approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development and the Forestry Sector Support Program, added with new viewpoints and orientations in response to the requirements of renewal, integration and sustainable development.
The Strategy consists of eight parts:
Part one: Present situation of the forestry sector.
Part two: Context and development forecasts
...
...
...
Part four: Implementation solutions.
Part five: Programs.
Part six: Organization of implementation.
Part seven: Monitoring and evaluation.
Part eight: Projected fund estimates and funding sources and tables and appendices to this Strategy.
PRESENT SITUATION OF THE FORESTRY SECTOR
I.
PRESENT SITUATION OF NATURAL
Because of
unsustainable management and use and enormous demands for forestland
reclamation and forest products for socio-economic development, the forest area
and quality kept decreasing over the past years. According to available
documents, in 1943,
...
...
...
- Protection forests: 6.20 million ha, accounting for 49%;
- Production forests: 4.48 million ha, accounting for 35.8%.
Total timber deposit
was 813.3 million m3 (of which 94% was from natural forests and 6% from
plantation forests) and there were about 8.5 billion bamboo trees. The average
timber deposits of natural forests and plantation forests were 76.5 m3/ha and
40.6 m3/ha respectively. Timber mainly exists in three regions, namely the
Central Highlands: 33.8%; northern Central Vietnam: 23%; and southern
With the above forest area, our current average indices are 0.15 ha of forest per capita and 9.16 m3 of timber per capita, which are much lower than the corresponding world average indices of 0.97 ha per capita and 75 m3 per capita.
The area of unused land was 6.76 million ha nationwide, including 6.16 million ha of bare land, accounting for 18.59% of the country's total area, which was distributed by region as follows: in the northeast, 28% of total bare land area; in the northwest, 21%; in the northern Central Vietnam, 19%; in the southern central coast, 13%; in the Central Highlands, 12%; in the eastern South Vietnam, 5%, etc. Of total bare land area, 71% was at the height of less than 700 m and 38% at the sloping degree of 16-35o. This area of bare land is a potential as well as a challenge for forestry development in the next period as most of which is sloping, exhausted and scattered.
II. EVALUATION OF FORESTRY ACTIVITIES IN THE 1996-2005 PERIOD
1. Major achievements of the forestry sector
- Nationwide, our country has left behind the period of decrease in forest area. The forest area increased from 9.30 million ha in 1995 to 11.31 million ha in 2000 and 12.61 million ha in 2005 (an average increase of 0.3 million ha a year). The afforested area rose from 50,000 ha/year to 200,000 ha/year. The area of rehabilitated natural forests helped considerably increase forest capacity of protection and biodiversity conservation. The volume of timber harvested from plantation forests increased about 2,000,000 m3 a year, which was supplied for the industries of paper, mining, wood chips for export and fuel wood, contributing to lessening pressure on natural forests.
- The processing of timber and forest products for export has seen vigorous developments in recent years (the export value of wood products rose from USD 61 million in 1996 to USD 1,034 million in 2004 and USD 1,570 million in 2005), making important contributions to national export value and creating opportunities for the development of industrial raw-material supply plantation forests.
...
...
...
The achievements were mostly attributed to the following:
- The State has paid more attention to forest protection and development, implemented policies and large target investment programs such as land and forest allocation policy, Program 327, Five Million Ha Afforestation Project, etc. The awareness of the society, people of all strata and administrations at all levels about forest protection and development has been raised;
- The national economy's constant and sustainable growth, particularly in agriculture, creates favorable conditions for forestry development;
- Silvicultural science and technology transfer has seen progress, contributing to raising afforestation quality and effectiveness in recent years;
- The international community has provided significant assistance for forest protection and development and hunger eradication and poverty alleviation efforts in rural and mountainous areas. Foresters have made great efforts and sacrifices under difficult working conditions.
2. Constraints and weaknesses
- Though the forest area has increased, the quality and biodiversity of natural forests in many places still further decrease (compared with the results of the general forest inventory conducted in 1999, in 2005 the area of rich natural forests shrank 10.2%, the area of medium forests decreased 13.4%, whereas the area of rehabilitated forests rose 20.7%; and the area of plantation forests increased 50.8%). Afforestation work under the Five Million Ha Afforestation Project fails to achieve the set target. Particularly in the 1998-2005 period, the total afforested area reached only 70% of the planned target while the area of planted industrial raw-material supply forests reached only 49% of the planned target). In some localities forests continued to be devastated due to change of use purposes, illegal exploitation, slash-and-burn farming practice, etc. (during 2000-2005, an average of 9.345 cases of forest destruction occurred a year and the destroyed forest area was 2,160 ha a year). Unexpected floods, droughts and landslides were partly attributed to forest loss or degradation.
- The forestry sector saw low and unsustainable growth (according to the General Statistics Office, the forestry sector' development rate was 4.9% in 2000, 1.9% in 2001, 1.6% in 2002, 1.1% in 2003, 1.1% in 2004, and 1.2% in 2005), with low profits, weak competitiveness, forest resource potential not yet tapped in a coordinated and rational manner, especially non-timber forest products and environmental services. The productivity and quality of plantation forests and natural forests remained low, failing to meet socio-economic development needs, particularly for large-timber materials for the processing industry and export.
- The forest product processing industry saw rapid developments in recent years, which, however, took place in a spontaneous and unstable manner without strategic planning and vision. Its competitiveness was not high while production association and division were not good. No trademark was created yet on the world market. Investments in development and technology modernization were insufficient. The supply of raw materials was unstable and still depended on imported raw materials (over the past four years, the export value of processed forest products soared 400% but imported raw materials accounted for 80% of total need quantity);
...
...
...
Following are causes of major constraints:
* Subjective causes:
- The awareness of branches and administrations at all levels about forestry is incomplete and incomprehensive. They have not yet had a correct assessment of the environmental values of forests to the society and a clear determination of the role of forestry as a complete economic sector from afforestation, exploitation and processing of forest products to provision of forest services. Particularly, a portion of state management officials has not changed their awareness about the role and position of the sector in the new mechanism and the process of accelerated rural and agricultural industrialization and modernization and international integration. They have not yet realized the fact that forestry is a specific, important econo-technical sector which needs adequate budgetary investments and particular mechanisms and policies;
- Forestry policies remain inconsistent and incompliant with the guideline on socialization of silviculture and the market mechanism. New policies on investment in the development of production forests and processing of timber and non-timber forest products have not yet been adopted in time to create a momentum for promoting economic sectors, especially households, communities and individuals, to participate in developing silviculture;
- The socialization of forestry has not yet seen marked progress; the forest and forestland management still reveals many constraints and the land and forest allocation remains slow. Many localities remain too cautious in allocating natural forests and plantation forests to local inhabitants, especially communities, households and private entities (by March 31, 2006, land use rights were allocated and land use rights certificates were granted to households for only nearly 20% of forestland area). The non-state sector's participation in forestry activities has not yet matched its potential.
- The system of management of the forestry sector lacks uniformity and remains uncoordinated and partitioned. The quantity, capacity and qualifications of managers, scientific and technical personnel, etc., fail to meet requirements of the market mechanism and international integration. Imbalanced arrangement of staffs between forest protection and forest development jobs has reduced the effect and effectiveness of the management apparatus. Forest and forestry management has basically been decentralized to localities but local administrations still lack mechanisms and policies, material and technical foundations and staffs to well bring into play their role in forest management, protection and development, particularly at district and commune levels;
- Science and technology has not yet created an impetus for substantially raising economic benefits of silviculture, linked production to the market, laid down adequate orientations for the development of forest tree seeds, made considerable contributions to raising productivity of natural forests and identified solutions to rationally using millions of ha of impoverished natural forests to generate incomes for mountainous inhabitants. The network of forestry extension organizations remains inadequate and weak.
- Forestry development has so far mainly relied on state budget funds and has not yet mobilized to the utmost resources from the non-state sector and environmental services. Investments in the forestry sector and silviculture remain lower than expected; the management of use of investment resources has not been strict, unified and effective. The investment structure remains imbalanced with a lot of investment in protection and special-use forests, less investment in production forests and no investment in building forestry infrastructure.
* Objective causes:
...
...
...
- The production cycle of forest trees is long, with low profits and many risks while forests are located mainly in mountainous areas with poor economic and social conditions. Compared to many crop plants, forest trees are much less competitive.
III. OPPORTUNITIES AND CHALLENGES
1. Opportunities
- The demand for forest products is strongly increasing in the domestic and world markets. Our continued stable economic development at a high rate and the process of international integration will create a big opportunity for farmer households, communities, and state and private enterprises to accelerate development and expansion of forestry production and business, and forest product processing and trade.
- International economic integration will offer opportunities for improving the investment environment and penetration into the world forest product market, acquisition of advanced technologies and financial investment, particularly in the development of the industry of processing timber and non-timber forest products for export, thereby accelerating the process of sustainable forest management;
- The Party, State and society as well as international community have paid greater and greater attention to forest protection and development work.
2. Challenges
- Growing population, continued free migration and inefficient modalities of use of agricultural land and forestland have exerted increasing pressure on forests for the expansion of agricultural land areas;
- Ever-increasing demands for forest products are exerting pressure on natural forest resources and the environment, especially on natural forests. At present, forest product demand exceeds the sustainable supply capacity of forests. Land areas suitable for the planting of high-yield production forests remain very limited and scattered;
...
...
...
- The forestry sector's limited resources (human resources, infrastructure, funds, management qualifications, etc.) have many constraints in meeting the requirements of rapid, comprehensive and sustainable development;
- The forestry sector's importance has not yet been fully, objectively and justly appreciated, which affects the process of making investment and development policies for the sector.
BACKGROUND AND DEVELOPMENT FORECASTS
1. Some world trends that affect national socio-economic development
- Economic globalization is an objective trend and economic integration is inevitable and expanded to most domains, creating opportunities for development as well as showing many factors of inequity and causing big difficulties and challenges to many states. Economic and trade competition and the fight over natural resources, energy, markets, funding sources, technologies, etc., among countries have become fiercer. Science and technology, particularly information technology, continues its development in leaps and bounds, promotes the formation of a knowledge economy and has exerted multiple impacts on and generated profound changes in all areas of social life in all countries.
- Peace, cooperation
and development constitute a common trend in the region and the world. Global
issues, such as population, environment, financial security and food security,
diseases, etc., have become ever severer. The increasing need for development
cooperation dictates from the outset the selection of development strategies by
all national economic sectors, including forestry. The construction of a
trans-Asia highway and an economic corridor linking
- For foreign capital flows: It is a general trend that ODA will decrease and FDI will increase in territories with a favorable investment environment and highly profitable production industries;
...
...
...
2. National development in the past years
- After 20 years' renewal (1986-2005), many achievements have been recorded in national socio-economic development. GDP grows at an average rate of 7.5%. However, economic growth is not truly stable with low quality and growth effectiveness;
- Industrial production
grows at a high rate, an annual average of 15.7%. Particularly, the sub-sector
of forest product processing has prospered, with the export value increasing
400% over the past four years. Agricultural and rural reforms help quickly
increase production value, turning
- Many achievements have been recorded in social aspects. The people's living standards have markedly improved. Poverty continues to decrease. Human resources development has seen positive changes even in rural and mountainous areas. However, the rate of hungry and poor households remains high and the danger of relapse into poverty still lingers, especially among ethnic minority groups in deep-lying and remote areas. The quality of human resources fails to meet renewal requirements;
- Many policies and laws have been promulgated or amended to better accord with market mechanisms and international integration, step by step forming a complete, secure and favorable legal environment for production and business activities. However, economic law remains incomplete and inconsistent. Administrative reforms have not yet been carried out resolutely and the administrative apparatus remains ineffective and slow to be renewed. Civil servants remain weak in capacity and quality.
- International economic integration has seen significant developments. Total export turnover increases rapidly over 16% a year. The trade liberalization policy has created a driving force for domestic and foreign enterprises to directly participate in export and import business activities, including export and import of timber and non-timber forest products. The accession to and implementation of international commitments and conventions concerning forestry such as the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES), the RAMSA Convention on Wetlands, the Biodiversity Convention (CBD), the United Nations Convention to Combat Desertification (UNCCD) and so on, have created many favorable conditions as well as posed not a few challenges to agricultural and forestry enterprises in their competition on the world market and even on the local market.
The Forestry Development Strategy is formulated at the time of beginning the implementation of the 2006-2010 five-year socio-economic development plan with the objective of soon taking our country out of underdevelopment status, creating a foundation for our country to basically become an industrialized country developing toward modernization.
II. FORECASTS ON POPULATION DEVELOPMENT AND GDP BY 2020
- Population:
...
...
...
III.
FORECASTS ON DEMANDS FOR
Population growth and economic development will affect demands for forest products and environmental services. Analyses and forecasts in the Strategy focus on forest products, mostly timber (see details in Table 1 enclosed herewith).
VIEWPOINTS, OBJECTIVES AND DEVELOPMENT ORIENTATIONS
1. Forestry shall be developed comprehensively from management, protection, development and reasonable use of natural resources, planting and improvement of forests to exploitation and processing of forest products, environmental services, ecotourism, etc. (as per the definition of forestry in the Part Introduction).
Forestry, like agriculture, is not merely production of crude products but covers also processing, trading and services. Evaluation of the sector's contributions should take into account added value of its products from production, processing and trading and its services. Only with such evaluation can forestry be treated equally as other economic sectors.
2. Forestry development must make greater and greater contributions to economic growth, hunger eradication and poverty alleviation, and environmental protection.
Forestry development must comply with the national socio-economic development line and accord with the market mechanism. Forestry shall be soon turned into an efficient and sustainable commodity production sector in response to renewal and integration requirements. Aggregate benefits of forest shall be rationally tapped and importance shall be attached to productivity, quality and effectiveness of production and business activities, particularly forest environmental services.
...
...
...
3. Sustainable forest management, use and development is the foundation for forestry development
Forests must be closely managed and have specific owners; only when forest owners (organizations, enterprises, households, communities, etc.,) have clear benefits, powers and responsibilities can natural forest resources be protected and developed in a sustainable manner.
Forestry production activities shall be based on sustainable management according to forest protection and development plannings and plans with a view to continuously raising forest quality. Forest protection, conservation and development shall be combined with rational forest use; afforestation, forest regeneration, rehabilitation and enrichment shall be closely combined with protection of existing forest areas; forestry shall be combined with agriculture, fishery and rural trades; planting of economic forests for multiple purposes shall be accelerated; protection and development of trees for timber and non-timber products shall be combined with development of the forest product processing industry so as to contribute to economic growth, social development, environmental protection and national sustainable development.
4. Forestry development shall be based on accelerating and deepening the socialization of silviculture and attraction of resources for investment in forest protection and development
To further carrying out and deepening the socialization of silviculture. To introduce multi-sector use of natural forest resources (including special-use and protection forests) and multi-owner management and use of production forests and forest products processing establishments. To step by step extensively equitize forestry production and processing establishments associated with raw-material supply zones.
To protect forests is
the duty of forest owners as well as administrations at all levels, branches,
organizations, village communities and the entire society.
To diversify resources for forestry development, further attract funds from the private sector, ODA capital, FDI, revenues from environmental services, etc., for forest protection and development.
State investment in forestry is social payment for the environmental values of forests. Economic branches that use forest products and forestry services (environmental protection, tourism, water supply, etc.) shall make payments in return for forest protection and development activities and account these payments as their production and service costs.
II. OBJECTIVES AND TASKS BY 2020
...
...
...
To establish, manage, protect, develop and use in a sustainable manner 16.24 million ha of land planned for forestry; to increase the percentage of land with forests to 42-43% by 2010 and 47% by 2020; to ensure wider participation of all economic sectors and social organizations in forestry activities in order to make greater and greater contributions to socio-economic development, protection of the ecological environment, conservation of biodiversity and provision of environmental services, hunger eradication and poverty alleviation, raising of living standards of rural and mountainous inhabitants, and preservation of security and defense.
2. Tasks
a/ Economic tasks: To establish, manage, protect, develop and use in a sustainable manner forests of three types. To properly manage existing natural forests, expand the area and raise the quality of plantation forests, promote agro-forestry activities and effectively use bare land areas appropriate for forestry development. Production and processing of timber and non-timber forest products must be competitive and sustainable to basically meet domestic and export demands for timber products and other forest products, specifically:
- The growth rate in production value of the forestry sector (including forest product processing industry and environmental services) will be from 4-5% a year, striving to increase the share of the sector's GDP in national GDP to 2-3% by 2020;
- To manage in a sustainable and effective manner 8.4 million ha of production forests, of which 4.15 million ha are plantation forests covering consolidated forests supplying industrial raw materials, non-timber forest products, etc., and 3.63 million ha of production forests being natural forests. The area of regenerated natural forests and for combined agro-forestry production will be 0.62 million ha. To strive for at least 30% of production forests to be issued forest certificates (assessed and issued certificates of compliance with standards of sustainable forest management);
To rationally plan, manage and effectively use about 5.68 million ha of protection forests and 2.16 million ha of special-use forests.
- To afforest 1.0 million ha by 2010 and 1.5 million ha afterwards. To reforest 0.3 million ha a year following exploitation.
- To zone off and regenerate 0.8 million ha of forests.
- To carry out dispersed plantation with 200 million trees a year.
...
...
...
- To harvest fuel wood with 25-26 million m3 a year for rural areas.
- To increase the value of exported forest products to over USD 7.8 billion (including USD 7 billion of timber products and USD 0.8 billion of non-timber forest products).
- To increase revenues from the forest environment values through the clean development mechanism (CDM), ecotourism, prevention of erosion, protection of water sources, etc., up to USD 2 billion by 2020.
b/ Social issues:
To improve the livelihood of inhabitants engaged in silviculture through socializing and diversifying forestry activities; to create jobs, raise awareness, capacity and living standards for inhabitants; to pay special attention to ethnic minority people, poor households and women in deep-lying and remote areas to step by step help inhabitants engaged in silviculture live on silviculture, contributing to hunger eradication and poverty alleviation, preservation of security and defense; specifically:
- To create 2 million jobs in forestry (including the processing of timber and non-timber products and fine-arts and handicraft villages);
- To generate incomes, contributing to eradicating poverty and reducing 70% of poor households in key silviculture areas;
- To complete the allocation and lease of forests and forestland to organizations, enterprises, households, individuals and village communities before 2010;
- To increase the percentage of trained forestry workforce to 50%, especially ethnic minority and poor households and women in deep-lying and remote areas.
...
...
...
- To protect forests and conserve the nature and biodiversity in order to effectively perform the functions of the forestry sector, including watershed protection, coastal protection, urban environmental protection, natural disasters mitigation, erosion prevention, water source preservation, protection of habitats and generation of revenues for the forestry sector from environmental services (environmental charges, carbon dioxide emissions market, ecotourism, cultural tourism, resorts, etc.), making contributions to the national economy.
- To increase forest cover to 42-43% by 2010 and to 47% by 2020.
- By 2010, to have new 0.25 million ha of protection and special-use forests.
- To minimize violations related to forest natural resources. To restrict slash-and-burn farming on forestland.
III. ORIENTATIONS FOR FORESTRY DEVELOPMENT
1. General orientations
a/ Orientations for planning three types of forests and forestland
On the basis of criteria of special-use forests and protection forests and the requirements of development of production forests to achieve socio-economic objectives, the orientations for planning forest and forestland areas are as follows:
- For protection forests:
...
...
...
+ For watershed protection forests, to review and rationally arrange existing projects while focusing on formulating investment projects on protection and regeneration of protection forests in the northern mountainous region (in the basins of Da river, Red river, Lo river, Gam river, etc.), the northern Central Vietnam (in the basins of Ma river, Ca river, Gianh river, etc.), the southern Central Vietnam (in the basins of Cai river, Con river, Da Rang river, Tra Khuc river, etc.), and the Central Highlands (in the basins of Xe Xan river, Ba river, Dong Nai river, etc.);
+ For wavebreak, anti-sea encroachment, windbreak and sandbreak protection forests, to concentrate efforts on formulating a project on protection, rehabilitation and development of submerged forests in coastal areas in the north, northern Central Vietnam, coastal Central Vietnam and Mekong river delta, and strengthen and develop the system of sandbreak and wavebreak forests in coastal Central Vietnam areas;
+ For protection forests for environmental protection, to concentrate efforts on establishing forests in big cities like Hanoi, Ho Chi Minh City, Da Nang, Hai Phong, Ha Long and Can Tho, and industrial parks like Dung Quat, Vung Tau, Bien Hoa and Binh Duong;
+ To establish
protection forests in the areas bordering on
- For special-use forests:
To review and strengthen the system of existing natural special-use forests with a total area not exceeding 2.16 million ha in the direction of raising forest quality and biodiversity value, ensuring the criteria set by the Ministry of Agriculture and Rural Development; to refrain from extensively developing national gardens and nature reserves. For ecosystems which have not yet existed or exist in few places, it is possible to invest in establishing several new reserves in the northern mountainous region, northern Central Vietnam and the Central Highlands and in wetland areas in the northern and southern deltas. To establish biodiversity corridors with a view to forming larger ecological zones.
- For production forests:
+ The total area of planned production forests will be 8.4 million ha, including 3.63 million ha of natural forests and 4.15 million ha of plantation forests; importance will be attached to establishing consolidated industrial raw-material supply forest areas; to manage sustainable use for multiple purposes. The remaining land area planned for development of production forests and 0.62 million ha of impoverished natural forests will be used for rehabilitating forests and agro-forestry production.
- Under the Law on Forest Protection and Development, forests are classified into special-use forests, protection forests and production forests. However, in order to approach international classification, it is necessary to study the classification of forests into two types: protection forests and production forests.
...
...
...
b/ Orientations for forest management, protection, development and use
- Forest management:
+ The entire area of
16.24 million ha of forests and forestland shall be uniformly managed on the
basis of establishing permanent national forest estates according to the system
of sub-areas, compartments and lots on the map and in the field.
+ By 2010, basically all forest areas (natural forests and plantation forests) and forestland areas shall be allocated or leased to forest owners of all economic sectors, specifically:
State organizations shall manage most of special-use forests (about 85%), protection forests of national importance and large protection forests (about 70%), and a number of protection forests that are consolidated plantation forests or natural forests (about 25%). All remaining area of production forests (75%), special-use forests (15%) and protection forests (30%) shall be managed by state enterprises, private enterprises, communities, cooperatives, households and individuals in accordance with law.
Households and village communities shall be allocated or leased according to law production forests that are natural forests or plantation forests, forestland and a number of small and dispersed special-use forests or protection forests that have been associated with communities for ages. Dispersed forest and forestland areas located close to villages shall be allocated to households, first of all poor households and ethnic minority households, for constructing forest gardens to meet their household needs;
Enterprises shall be allocated or leased according to law small production forests (natural forests or plantation forests), special-use forests or protection forests. To widely apply models of participation by communities, households and individuals in managing and protecting forests under the management of state organizations.
+ Allocation and lease of forests to forest owners must comply with the plannings and plans approved by competent authorities. Depending on those that are allocated or leased forests and on the type of forests, the State shall collect forest and forestland use levies at appropriate rates in accordance with law;
+ To modernize forest management work based on the wide application of information technologies, aerial photos' in statistics, inventory and monitoring of changes in natural forest resources and forestland, etc.
...
...
...
+ To change the perception that forest protection is merely protection of forest trees to that of protection of a constantly developing ecosystem combined with regeneration and optimal use of forests. To attach importance to inspecting the process of exploitation of forest products in forests; to inspect and control the circulation and sale of forest products is a measure for forest protection;
+
+ To protect and
conserve forests is the direct responsibility of forest owners with the
assistance of village communities and effective support of state management
agencies in charge of forestry and of local administrations.
+ To protect forests is the responsibility of local administrations and law enforcement bodies. Presidents of People's Committees at all levels shall organize forest protection and take responsibility for the occurrence of violations of the Law on Forest Protection and Development in localities under their management;
+ To attach importance to building and strengthening full-time and part-time forest protection forces of forest owners and village communities to be able to quickly respond to violations of the forest law and natural disasters such as forest fires and pests, etc;
+
+ The forest ranger force is the key force that assists forest owners and villages and communes as well as the main force in handling violations of the law on forest protection and development, and, at the same time, gives advice to administrations at all levels on forest protection work. For communes with forests, local forest rangers and commune forestry officers are advisers of commune People's Committee on forest protection and development work. Armed forces and law enforcement bodies shall regard forest protection as an important political task of protecting national security, particularly for border protection forests;
+ The State shall ensure regular non-business funds and other funds for forest protection activities of special-use forest and protection forest management units. To quickly introduce the collection of charges for environmental forest services to provide additional funds for forest protection work;
+ To step by step enhance the role of associations, forest product producers and consumers and users of forest services in forest protection work;
...
...
...
-
+ Special-use forests shall be developed mainly through conservation of their original state to create the best habitats for conserving and developing endemic fauna and flora species and specific ecosystems with a view to raising the quality of these forests and the values of their biodiversity;
Apart from protecting the original state of specific forest ecosystems in strictly protected zones, for land areas without forests, to elaborate a plan on meadows and open ground areas where forest animals can live or to zone off for regeneration natural forests in which indigenous tree species are additionally planted or agro-forestry activities are carried out, etc, so that inhabitants living in special-use forests can generate incomes. To retain sufficient areas for strictly protected sub-areas, attach importance to making investments in eco-rehabilitation zones with a view to enhancing the capacity of conserving endemic fauna and flora species. To promote ecotourism, resort tourism, etc., and study and renew the method of managing special-use forests in compliance with the new global conception of nature conservation.
+ Protection forests shall be developed to meet to the utmost requirements regarding watershed protection, wavebreak, sea encroachment, sandbreak, etc., and contribute to conserving biodiversity. Though it is perceived that all forest areas have the protective function, only forests with a very important protection function are arranged and called protection forests. Depending on the level of importance, protection may be combined with agricultural production and fishery, landscape, resort and eco-environmental tourism business, exploitation of forest products and other benefits from protection forests.
Watershed protection forests must be built into consolidated, inter-regional and multi-layer forests, mainly through natural regeneration. Protection forests with windbreak, sandbreak, wavebreak, sea encroachment or environmental protection functions must be developed into forest belts suitable to natural conditions in each region.
+ Production forests shall be developed mainly in the direction of intensive cultivation with importance attached to their productivity and quality and combination with agricultural production, fishery, ecotourism, resort tourism and other environmental services;
For production forests that are natural forests, necessary forestry interventions should be made to increase to the utmost their productivity and benefits. To step up rehabilitation and development of natural forests through applying forestry measures of tending and enriching them with multi-effect tree species and non-timber forest resources so as to raise the quality and value of these forests and generate incomes for mountainous inhabitants. For areas of impoverished natural forests which are unsuccessfully regenerated and poor-quality plantation forests, new forests with higher economic benefits or environmental values can be planted.
For production forests that are plantation forests, to prioritize their development according to the planning on processing industry material supply zones in combination with planting quickly growing small-timber trees and perennial big-timber trees; to encourage the growing of multi-purpose trees and non-timber forest resources, attach importance to developing tree species that are Vietnam's strengths. To develop production plantation forests in response to market demand and in areas with competitive edge, stable production and high economic benefits. To concentrate efforts on quickly raising the productivity of plantation forests through applying modern bio-technologies and intensive cultivation practices with a view to basically meeting the demand of the forest product processing industry for raw materials by 2020.
+ To vigorously develop dispersed plantations so as to meet in time and effectively local needs for wood products and fuel wood, especially in delta and coastal areas;
...
...
...
+ To apply science and technology as a driving force for forestry development on the basis of applying advanced scientific and technological achievements and perpetuating silvicultural experience of local inhabitants. To conduct forest development researches in two major directions of improving forest tree species and applying silvicultural measures to increase the productivity and quality of forests as well as their values of environmental protection, nature and biodiversity conservation.
+ The State shall accelerate the building of infrastructure in service of forest development, pay special attention to the system of seed forests, national seed gardens, forestry roads and the system of prevention and fight of forest fires and prevention and control of forest pests, etc.
+ To diversify sources of income through developing short-term crop plants and rearing domestic animals to generate immediate incomes while planting small forests, participating in managing, protecting and enriching natural forests, developing rural trades, particularly medium- and small-scale processing of forest products, to generate higher incomes for mountainous inhabitants, especially poor households at risk of relapse into poverty.
- Orientations for the use of forests and development of the forest product processing industry:
+ Forest exploitation and use:
To reasonably exploit and use forest resources, which is also a silvicultural measure to regenerate forests and improve their quality; to provide exploitation guidelines suitable to the protection functions and level of forests;
To conduct sustainable exploitation and use of natural forests according to forest management plans and on the principles that forests, mainly rich forests, shall be exploited at an intensity level depending on the growth volume of forests; medium and poor forests shall be mainly exploited at different intensity levels for the purposes of nurturing and enriching forests.
To exploit to the utmost environmental forest services, such as watershed protection, protection of coastal and urban environment, ecotourism and resort services, carbon credit under the Clean Development Mechanism, etc., to generate revenues for reinvestment in forest protection and development;
Forest exploitation and use must bring about profits for forest owners and communities participating in forest management and protection, and reduce adverse environmental impacts. The State shall encourage organizations, households, individuals and local communities to invest in, manage, exploit and use forests in a sustainable manner;
...
...
...
To encourage the use of fuels that are waste materials from plantation forests and agriculture and of other fuels with a view to minimizing the use of fuel wood from natural forests.
To accelerate the planting and use of non-timber forest resources, concentrating on product groups that are our strengths such as rattan, bamboo articles, pharmaceutical materials, resin oil and foodstuffs; to encourage the breeding and raising of forest animals; to introduce a mechanism that allows forest owners to lawfully exploit and use non-timber forest products.
+ To develop the forest product-processing industry:
Forest product processing and trade must become the economic spearhead of the forestry sector, develop according to the market mechanism on the basis of advanced technologies, and increase to the utmost benefits of forest products in order to meet export and local consumption demands.
The non-state sector shall play an important role and be encouraged to invest in developing the forest product processing industry. To attach importance to development quality by applying measures to renew management mechanisms, renew state enterprises, encourage participation of the private sector, and create more healthy and transparent markets;
To focus on developing highly competitive products such as home wood furniture, outdoor wood articles, fine-art wood items and rattan and bamboo products. From now to 2015, to concentrate on reviewing, strengthening and upgrading small- and medium-sized forest product-processing industrial establishments and developing the industry on a large scale after 2015;
To build and expand forest product processing industrial parks in areas where sufficient raw materials can be supplied in a stable and infrastructure is convenient, ensuring profits and competitiveness on the regional and world markets. To step up modernization of the processing industry on a large scale and, at the same time, step by step develop and modernize small-scale processing industries in rural areas and traditional craft villages, contributing to diversify agricultural and rural economy. To encourage the formation of establishments that produce and processing plantation forest timber and non-timber forest products.
To accelerate the processing of artificial boards and pulp, gradually reduce the processing of paper chips for export. To encourage the use of products from artificial boards and plantation forest timber.
+ Orientations for import and export of forest products:
...
...
...
Major export products will be home wood furniture, outdoor wood articles, fine-art wood items, and refined non-timber products. To pay attention to big markets, namely the US, EU and Japan;
To diversify and continuously improve the quality and designs of processed products suitable to domestic and foreign customers' tastes. To accelerate the creation of trademarks and issue of certificates for export goods.
2. Orientations for region-based forestry development
a/ The northern midland and mountainous region
- Northwestern sub-region (Dien Bien, Lai Chau, Son La and Hoa Binh):
+ To establish and strengthen watershed protection forests at hydropower plant sites along Da river in order to reduce droughts, floods and erosion and increase water supply for hydropower plants and irrigation works;
+ To continue conserving tropical forest ecosystems on mountainous areas and gene sources of rare and precious forest flora and fauna species, and develop ecotourism;
+ To diversify sources of income based on developing socialized forestry, gradually reducing and replacing slash-and-burn farming with agro-forestry production in order to protect and develop forests and improve living standards for communities;
+ To establish raw-material supply zones for the industry of processing timber (paper and artificial boards) and non-timber forest products. To prioritize development of small-scale processing of timber and special non-timber forest products suitable to the characteristics of each region.
...
...
...
+ To establish raw-material supply zones associated with the processing industry to basically meet the demands for paper, woodchips, pit-props and wood products on the basis of practicing intensive cultivation on 1.5 million ha of production forests (including both natural forests and plantation forests), and establish consolidated industrial raw-material supply zones on high-productivity land areas among nearly 1 million ha of bare land;
+ To build forest product processing and trade industrial clusters for the northern region in the development triangle of Hanoi, Hai Phong and Quang Ninh, and its vicinity. To develop forest product processing villages. To build another MDF board plant with an annual output of 100,000 m3 and modernize existing artificial board plants in Viet Tri, Thai Nguyen, etc. To promote export, with attention paid to the Chinese market;
+ To establish and strengthen the system of watershed protection forests at river estuaries, and coastal protection forests;
+ To continue establishing and consolidating national gardens, nature reserves and historical landscape forests; to develop ecotourism.
b/ The northern delta region (Hanoi, Hai Phong, Ha Tay, Hai Duong, Hung Yen, Ha Nam, Nam Dinh, Thai Binh and Ninh Binh):
- To establish and strengthen protection forests in service of environmental protection in urban centers and industrial parks and coastal protection; to step up dispersed plantations, improve landscape and partly meet the demand for timber for domestic use;
- To strengthen and protect existing national gardens such as Cuc Phuong, Ba Vi, Cat Ba and Xuan Thuy, nature reserves, historical and cultural relic and landscape sites; to promote ecotourism and resort services.
To renew technologies and enhance capacity for enterprises and traditional trade villages engaged in processing wood products and non-timber forest products.
c/ The northern Central Vietnam region (Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri and Thua Thien Hue):
...
...
...
- To protect and strengthen national gardens of Pu Mat, Vu Quang, Ben En, Bach Ma, Phong Nha - Ke Bang and other nature reserves. To establish special-use forests in northern and central Truong Son mountain range to protect biodiversity in the region in combination with watershed protection;
- To establish and develop raw-material supply zones to supply timber and non-timber forest products, which are associated with the processing industry, so as to form industrial forest product processing zones in localities based on potential and market. To promote the processing of wood products (first of all paper chips) and develop rural trade villages, with attention paid to non-timber forest products (pine latex, bamboo, rattan, etc);
- To promote community-based forest management, especially for scattered watershed protection forests and sandbreak protection forests, and activities of improving infertile soil.
d/ The coastal southern Central Vietnam region (Da Nang, Quang Nam, Quang Ngai, Binh Dinh, Phu Yen, Khanh Hoa, Ninh Thuan and Binh Thuan)
- To strengthen the system of watershed protection forests, especially in deforested sloping mountainous areas. To promote the planting of protection forests to prevent wind, flying sand and coastal landslides;
- To step up protection of existing forests and afforestation in barren areas in Ninh Thuan and Binh Thuan provinces for improving water sources and cultivation land;
- To protect and strengthen existing national gardens like Nui Ong and Takou. To continue establishing special-use forests in southern Truong Son mountain range and traditional historical and cultural areas, and promote and develop ecotourism;
- To establish key plantation forests supplying industrial raw materials and non-timber forest products linked to the key export processing zone from Quy Nhon to Da Nang. To upgrade technologies and equipment in the processing of woodwork for export, artificial boards and pulp;
- To build another particle board plant with an annual output of over 100,000 m3 of products.
...
...
...
- To immediately identify permanent forest estates in the Central Highlands for establishing production forests that supply big timber; at the same time to strengthen and protect the system of watershed protection forests in the coastal southern Central Vietnam and the southeast;
- To promote protection of national gardens and nature reserves rich in biodiversity such as Ngoc Linh, Yok Don, Chu Yang Shin, Bi Dup ' Nui Ba, Chu Mom Ray, etc., To conserve endemic species in Khop forests and pine forests and develop ecotourism;
- To properly manage natural forests, regenerate, tend and enrich them. To promote terrain potential for planting multi-purpose forests (big timber, small timber, non-timber forest products, eco-environmental values), in order to basically meet the raw materials demands of processing centers in the Central Highlands and coastal southern Central Vietnam provinces.
- To enhance capacity and upgrade equipment and technologies for forest product processing clusters in Buon Ma Thuot, Buon Ho, Pleiku, An Khe, Kon Tum, etc.
- To expeditiously implement land policies, allocate land and forests and develop community-based forestry, contributing to creating jobs, improving living standards and raising knowledge for Central Highlands ethnic minority inhabitants, especially in deep-lying and remote areas;
f/ The southeast region (Ho Chi Minh city, Binh Phuoc, Tay Ninh, Binh Duong, Dong Nai and Ba Ria Vung Tau):
- To expeditiously establish permanent forest estates; to strengthen and protect the system of watershed protection forests and protection forests of reservoirs, dams and hydropower plants such as Tri An, Dau Tieng, Thac Mo, etc., to step up the establishment of environmental protection forests for industrial parks, big cities and coastal areas.
- To accelerate the processing of forest products in the region and the planting of forests for intensive farming so as to partially supply raw materials for export processing parks in Ho Chi Minh City, Bien Hoa, Binh Duong and Vung Tau, and Tan Mai paper plant in Dong Nai.
- To promote protection and conservation of biodiversity in special-use forests like national gardens of Bu Gia Map, Con Dao, Cat Tien, Lo Go - Sa Mat and Can Gio, and other nature reserves. To attach importance to developing ecotourism and resort services.
...
...
...
- To expeditiously establish permanent forest estates for three types of forests. To step up dispersed plantations on land areas under aquaculture and agriculture. To properly handle the relationship between protection of submerged forests and aquaculture;
- To establish and strengthen wavebreak protection forests to protect the shore and other projects;
- To strengthen and protect special-use forests; to expeditiously rehabilitate the submerged forest ecosystem and the cajuput forest ecosystem. To study and implement effective measures to prevent and fight cajuput forest fires. To encourage conservation and development of traditional endemic animal species such as python, crocodile, tortoise, snake, bee, etc.
- To build forest product processing establishments of appropriate sizes, prioritize researches into the use of mangrove, cajuput, eucalyptus, etc., as raw materials for the production of pulp, artificial boards and woodwork for domestic consumption and export.
To organize combined agro-forestry and fishery production and business activities to ensure people's life and protect the environment.
I. POLICY AND LAW-RELATED SOLUTIONS
1. Policies on forest and forestland management
...
...
...
- To revise and perfect policies on allocation and lease of forests and forestland so as to create a driving force for encouraging all economic sectors to participate in protecting, developing and trading in forest products and to ensure satisfactory benefits for forest owners;
- To prioritize the allocation and contracting of protection forests to communities, cooperatives and households for long-term management, protection and benefit sharing according to plannings and plans approved by competent authorities;
- To facilitate forest owners to exercise the rights to use land and use and own forests according to the provisions of law in their production and business activities in compliance with the law of commodity production to make forests truly become a commodity and a source of funding for forestry development. To encourage land accumulation for forming consolidated raw-material supply plantation forests in the form whereby households and individuals lease or contribute shares with their forests and forestland use rights;
- To continue piloting and widely applying models of community-based forest management; to perfect regulations on forest management and benefit sharing involving multiple sectors. To perfect and implement mechanisms and policies to lease production forests and protection forests that are natural forests. To pilot and build a legal foundation for the allocation and lease of special-use forests to non-state economic sectors, especially for ecotourism and resort services.
- To step up the review, formulation and perfection of legal documents on forest management, protection, development and use; to abolish cumbersome and ineffective administrative procedures. Fine local customs and practices should be considered, studied and perfected for incorporation into forest protection and development rules suitable to each locality.
- To further decentralize state management of forests to district- and commune-level administrations. To clearly define responsibilities and powers of forest owners, administrations at all local levels, law enforcement bodies and villages in localities where forests are lost or destroyed;
- To intensify law dissemination and education to raise the forest protection and development awareness and responsibility of administrations at all levels, branches, every owner, every citizen and the entire society in combination with enhancing state management, institutions and laws.
2. Financial and credit policies
- To develop specific capital construction and investment mechanisms for the forestry sector and renew the mode of state investment in the sector according to the forest protection and development plan to replace the current allocation of funds according to average investment ratios;
...
...
...
- In order to attract investors, particularly foreign investors, to create a transparent and stable investment environment, ensure clear industrial property rights, rights to use land and use and own forests for a long term, supply accurate information on investment opportunities and forest resources, and simplify enterprise formation procedures. To implement policies to switch state investment from direct to indirect investment (infrastructure, seeds, science and technology, etc.) and create favorable conditions for private enterprises to invest in forest product production and processing;
- To publicize forestry development plannings, pilot and widely apply the bidding for lease of forests for production, ecotourism or resort services. The State shall make more efforts to formulate a planning on and support the formulation of some projects on consolidated industrial raw-material supply plantation forests to call for domestic and foreign investment;
- To formulate and implement an economic policy mechanism to ensure retrieval of environmental service values created by the forestry sector and provided to the society such as protection and creation of water sources for hydropower and irrigation projects, coastal protection, environment protection for urban centers, ecotourism, cultural tourism, resort tourism, etc. For organizations and individuals benefiting from the forestry sector's environmental services, they are obliged to pay charges for these services as a financial source for reinvestment to ensure the forestry sector's balanced and sustainable development. Thus, the requirement of formulating a forestry policy mechanism in the new period is to enable the forestry sector to "tend forests with forests" rather than with state subsidies.
To carry out on a pilot basis a small afforestation project applying the clean development mechanism (CDM) to create incomes for poor population communities and small enterprises, and a larger project for other enterprises.
- To step up the valuation of forests as a basis for forest-related transactions. To set up central and local forest protection and development funds from different sources of funding (budgetary fund, ODA capital, environmental service charges, carbon credit, ecotourism, fines collected for violations of the Law on Forest Protection and Development, and other contributions), and work out appropriate mechanisms of managing and using these funds.
- To increase budgetary funds for the management, protection and development of special-use forests, protection forests and production forests, scientific research, forestry extension, human resource training, establishment of a modern forest management system, forest inventory and planning, establishment of high-quality seed forests and gardens, and make adequate investments in building forestry infrastructure like agricultural infrastructure;
- For protection forests and special-use forests, the State shall allocate annual non-business funds for their management units and funds for the operation of village or commune forest protection teams; for production forests, the State shall support the planting of rare and precious tree species, trees with a long business cycle and the building of forestry infrastructure, particularly forestry roads, forest fire prevention and fight facilities and equipment and forest pest prevention and control for consolidated raw-material supply plantation forests.
- The State shall accelerate the contracting of protection forests for protection along the line of directly enjoying forest benefits and other incomes, including charges collected from environmental services; shall conduct further researches and make adequate investments in developing combined agro-forestry and producing non-timber forest products (from consolidated forests and under forest canopy) to gradually replace the current mechanism of contracting with money from the state budget;
- The State shall implement a mechanism to provide preferential loans for households engaged in forest protection and development, especially households of the poor and ethnic minority people in mountainous, remote or deep-lying areas, so that they can develop production by the mode of combined agro-forestry, non-timber forest products, rearing of big cattle and cultivation of crop plants when they have not yet got incomes from forests;
...
...
...
- To study an afforestation risk insurance mechanism for forest owners; in the immediate future, to use the risk support amount from the Forest Protection and Development Fund.
- To promote the equitization of state-owned forestry enterprises (the State shall not hold dominant shares); to develop forms of joint venture and association between state companies and private enterprises and communities in forest planting and protection and forest product processing; to develop cooperative economy in forestry;
- To renew state-owned forestry farms and reorganize effectively operating ones into medium or big forestry state companies engaged in diversified production and business activities connected with forest product processing and trade in regions with consolidated forestland areas, acting as the core in the sector's development; to proceed to equitize them, allow them to enjoy financial autonomy and conduct various production and business activities in accordance with law. The State shall provide funds for them to carry out forest and forestland allocation or lease procedures, support training to raise the capacity of their personnel; and provide funds for forest inventory and elaboration of forest management plans for the first cycle;
- To attach importance to developing forestry production and business based on households, farms, village communities and cooperatives. For mountainous households, the State shall provide funds for them to restructure crop plants in the direction of combined agro-forestry in order to minimize slash-and-burn farming;
- To implement a mechanism to prioritize the participation of poor and ethnic minority households in forestry enterprises' and farms' activities of planting consolidated industrial forests and processing forest products on a small scale so as to create more jobs and generate incomes for them;
- To encourage the private and non-government sectors to participate in forestry research, training and extension activities through public bidding;
- To implement policies to encourage all economic sectors, especially the private sector at home and abroad, to invest in forest business and forest product processing. To exempt forestland use tax for enterprises, households and individuals engaged in forestry production in the first cycle; to exempt taxes for forest product processing enterprises that are newly built or renew their technologies; to simplify procedures for commercial exploitation and marketing of forest products.
III. PLANNING, PLAN AND SUPERVISORY SOLUTIONS
...
...
...
- To make statistics on, inventory and monitor natural forest resource changes in combination with making statistics on and inventorying land. To create and update a database on forest resources management and apply advanced technologies to improve the quality of forest planning investigations;
- To improve the quality of formulation and implementation of forest protection and development plannings and plans at all levels, of forestry units and communities in association with local socio-economic development plannings and plans. While formulating plannings and plans on protection of special-use forests, to formulate plannings and plans on protection and development of buffer zones and biodiversity corridors.
- To renew the planning method and improve the planning quality in the direction of promoting networking combined with the use of inter-branch information and involving the participation of concerned parties;
- To plan and develop forest product processing and trade industrial parks along with reviewing and establishing consolidated industrial raw-material supply areas. To plan replacement of low-productivity plantation forests. To pay attention to planning the development of villages engaged in producing and processing forest products on a small scale and of forestry farms;
- To integrate forestry projects into hunger eradication and poverty alleviation and agricultural and rural development programs and projects in localities so as to achieve more effective use of ODA capital and government funds. Special-use forest and protection forest management units and forestry companies should participate in providing support services or managing local socio-economic development projects;
- To intensify monitoring and evaluation of the implementation of plannings and plans on forest protection and development, forest statistics and inventory and monitoring of natural forest resource changes. To soon create a monitoring and evaluation system and enhance the capacity of planning and financial management agencies and units at all levels so as to ensure closer coordination in planning and financial management work;
- To strengthen the forestry sector information and monitoring system to serve the monitoring and evaluation of the implementation of the Forestry Development Strategy, meeting the requirements of the forestry sector management and international integration.
IV. SECTOR ORGANIZATION AND MANAGEMENT SOLUTIONS
- To renew the sector organization toward building a unified state management organization system in charge of forestry which is sufficiently strong from the central to grassroots level nationwide;
...
...
...
- To encourage and support the establishment of associations and unions of forestry product producers, traders, processors, importers and exporters.
- To develop a mechanism of long-term coordination between forestry research, education, training and extension and forest owners, enterprises and communities to combine forestry research, training and extension with forestry production and business.
V. SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL SOLUTIONS
- Forestry scientific and technological research activities must meet production and market requirements and involve the participation of forest owners and enterprises.
- To review, formulate and perfect technical processes and rules on afforestation, forest rehabilitation, improvement, tending and enrichment, prevention and control of forest pests, prevention and fight of forest fires, forest exploitation and use, etc.;
- To formulate and implement a Forestry Research Strategy in the 2006-2020 period, concentrate on breakthrough researches in the sector such as biotechnology, technologies of refining non-timber forest products, planting of high-yield forests, improvement of impoverished natural forests, conversion and effective use of land areas under slash-and-burn farming; identification of environmental values of forests, combined agro-forestry measures, and mechanisms and policies to attract economic sectors to engage in and get rich from silviculture;
- To formulate and implement a forest tree seed strategy for the 2006-2020 period, first of all to meet the needs for high-quality seeds for afforestation under Project 661 and other programs and projects;
- To formulate and implement a national scheme on conservation and development of non-timber forest products in the 2006-2020 period;
- To concentrate on researches into such solutions as combined agro-forestry, planting of non-timber forest products and rearing of big cattle, etc., so as to increase incomes for inhabitants engaged in silviculture, especially poor households;
...
...
...
- To promote the application of modern technologies and equipment in the processing of forest products; to regard foreign investment as a new channel of technology transfer. To encourage the application of advanced technologies that are environment-friendly, save fuels and use agricultural waste wood and materials in the processing of forest products. To encourage research into and use of new materials to substitute timber and fuel wood with a view to reducing pressure on forests;
- To step by step renew activities and enhance the capacity of forestry institutes and schools into strong consultancy centers that meet various requirements of forestry management agencies, processing enterprises and forest owners;
- To encourage the establishment of forestry technology transfer centers, forestry science and technology consultancy centers and specialized training service centers under research, training and forestry extension agencies;
- To set up forestry extension organizations from the central level to provinces and districts with many forests as part of the forestry extension system at all levels. To arrange full-time or part-time forestry extension workers in communes with many forests, with priority given to employing those who are of ethnic minority groups in deep-lying and remote areas. To quickly set up voluntary forestry extension organizations in communes and villages, particularly in deep-lying and remote areas hardly accessible by the State-built agricultural extension system. The State shall provide necessary supports for these organizations;
- To perfect the mechanism of increasing the autonomy and accountability of research, training and forestry extension organizations on the basis of contracting the quality and quantity of products through public biddings.
VI. HUMAN RESOURCE TRAINING SOLUTIONS
- To formulate and implement a strategy on training and capacity building for forestry staffs at all levels, especially at the commune level and in deep-lying and remote areas, so as to meet sector renewal and international integration requirements;
- To pay greater attention to providing training and forestry extension services for the poor, particularly ethnic minority inhabitants and women, so that they are capable of diversifying crop plants and domestic animals, and generate stable incomes. To attach importance to providing training for ethnic minority inhabitants and providing transferable training for forestry officers in deep-lying and remote areas;
- To enhance the capacity of managers, enterprises, communities and households engaged in silviculture through on-site and short-term training and forestry extension so that they can step by step make, implement and monitor their own forest protection and development plans;
...
...
...
- To elaborate a scheme on comprehensive renewal of the forestry education and training system in terms of structure, teaching programs, contents and methods and administration mechanisms for the purpose of raising training quality. To provide training based on demand, combine theory with practice, and increase the duration of pupils' and students' practice at production establishments. To strive to have several forestry institutes and schools up to international research and training standards by 2020;
- To develop short-term training programs on specific topics, prioritize training of farmers engaged in silviculture, forestry workers and craftsmen in craft villages;
- To encourage domestic raining and forestry extension organizations, non-governmental organizations and international projects to support training and forestry extension activities for inhabitants engaged in silviculture, with priority given to poor households and women;.
- To draw up a plan on and train scientists and lecturers specializing in forestry domains, particularly economics, forest management and social forestry, and create favorable conditions for young, female and ethnic minority scientists to take part in scientific research and teaching activities.
- To develop forms of distance training to meet ever increasing learning and research needs. To integrate soon forest environment education into curricula of schools nationwide.
VII. INTERNATIONAL COOPERATION SOLUTIONS
- To promote international economic integration in the forestry domain when Vietnam is a member of the World Trade Organization (WTO) through active participation in and close cooperation with regional and bilateral international forestry organizations;
- To step up strategic mobilization, attraction and use of ODA capital for forest protection and development, biodiversity conservation, environmental protection, hunger eradication and poverty alleviation and improvement of the livelihood of inhabitants living on forests, and raising of the effectiveness of the forestry sector management. To improve ODA management methods in the sector, accelerate disbursement of capital for ODA-funded projects, manage and efficiently use the funding source of the Trust Fund for Forests and the Vietnam Conservation Fund. To pilot and widely apply the new approach (sector- and program-based approach) so as to more effectively use international funding sources;
- To gradually create a favorable legal corridor and improve the investment environment to attract direct investment (FDI) from foreign investors, especially in the planting of industrial raw-material supply forests, forest product processing and technology transfer;
...
...
...
- To take the initiative in and actively cooperate with other states, world and regional advanced institutes and schools in forestry research, education, training and extension, in order to quickly approach advanced scientific and technological forestry standards in the region and the world, develop human resources and upgrade equipment for the sector;
- To further implement multilateral environment agreements and international commitments related to forestry which Vietnam has acceded to such as the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES), the United Nations Biodiversity Convention (UNDCBD), the United Nations Convention to Combat Desertification (UNCCD), the United Nations framework Convention on Climate Change (UNFCCC), etc., with a view to raising Vietnam's status in the world and the region and seek for new support funding sources such as the Global Environment Facility (GEF), the Clean Development Mechanism (CDM), etc..
The objectives and orientation of the Forestry Development Strategy will be realized through the following programs:
Three development programs:
1. The program on sustainable forest management and development
2. The program on protection of forests, conservation of biodiversity and development of environmental services
3. The program on forest product processing and trade
...
...
...
1. The program on forestry research, education, training and extension
2. The program on renewal of institutions and policies, planning and monitoring of the forestry sector
I. THE PROGRAM ON SUSTAINABLE FOREST MANAGEMENT AND DEVELOPMENT
1. Objectives
To manage, develop and use forests in a sustainable and effective manner to basically meet the demand for forest products for domestic consumption and export, make contributions to national economic growth and social stability, particularly in ethnic minority and mountainous areas and, at the same time, ensure their function of protection, biodiversity conservation and provision of environmental services, contributing to national sustainable development.
2. Tasks
- To establish permanent forest estates for three types of forests, draw maps and place markers on the field, to manage in a sustainable and effective manner all the area of production forests, and stabilize 3.63 million ha of natural forests and 4.15 million ha of plantation forests (including industrial raw material and non-timber product supply plantation forests and other types of plantation forests);
- To allocate or lease all forests and forestland to forest owners before 2010;
- To formulate and implement forest management plans and enhance capacity for forest owners such as forestry companies, cooperatives, communities, forest-invested enterprises;
...
...
...
- To supply small timber for pulp processing, 3.4 million m3 by 2010 and 8.3 million m3 by 2020;
- To raise the productivity and quality of plantation forests to reach an average of 15 m3 of timber/ha/year on the basis of implementation of the Forest Tree Seed Strategy in the 2006-2020 period;
- To enrich 0.5 million ha of impoverished forests, thereby improving the quality of natural forests;
- To afforest 1 million ha by 2010 (including 0.75 million ha of production forests and 0.25 million ha of protection and special-use forests) and 1.5 million ha in the subsequent period; to reforest 0.3 million ha of exploited forests a year;
- To plant 200 million dispersed trees a year, equivalent to 100,000 ha of forest to meet the needs for domestic timber and fuel wood in localities;
- To conduct periodical forest inventories, to strengthen and update the database on forest resources and relevant socio-economic information;
- 100% of production and business unit shall make, implement, monitor and evaluate forest management plans;
- At least 30% of production forests shall be granted sustainable forest management certificates by 2020;
- To supply equipment and facilities to modernize forest management work.
...
...
...
1. Objectives
To protect forests and conserve biodiversity in an effective manner with the active participation of local communities and greater contributions from environmental forest services.
2. Tasks
a/ Protection of forests (protection, special-use and production)
- To effectively protect 16.24 million ha of forests and forestland
- To disseminate 100% of regulatory documents to forest owners and local inhabitants;
- The State shall continue contracting the protection of 1.5 million ha of protection forests and special-use forests till 2010;
- To reduce by 80% cases of violation of the law on forest protection and development;
- 100% of forest owners, villages and communes with forests will have forest protection forces. 100% of commune forest rangers and forest protection forces will be provided with training to improve their capacity;
...
...
...
b/ Management of the system of protection forests and special-use forests
- To establish and strengthen the system of protection forests (for watersheds, coastal areas and urban environment) with a total area of about 5.68 million ha and the system of special-use forests with a total area not exceeding 2.16 million ha;
- 100% of protection and special-use forests will have managers (state organizations, private entities or communities) and medium- and long-term protection and development plannings and plans till 2010;
- To continue piloting before widely applying the community-based forest management model and other forms (community-based management, shareholding companies, cooperatives, joint venture and association, etc.).
c/ Environmental services
- To study and set charges for environmental forest services, such as protection of water sources, prevention of soil erosion, prevention of accumulation and absorption of carbon dioxide, ecotourism, etc; to develop a mechanism of payment for environmental services in the 2006-2010 period;
- From 2007, to set up and put into operation the forest protection and development fund.
III. THE PROGRAM ON FOREST PRODUCT PROCESSING AND TRADE
1. Objectives
...
...
...
2. Tasks
a/ To reorganize the timber and non-timber forestry product processing industry so as to balance production capacity and stable supply of raw materials.
b/ To enhance the capacity of industrial production of forest products to basically meet domestic and export demands, specifically:
- Total output of sawn timber: 6 million m3/year.
- Particle boards: 320,000 m3 of products/year.
- MDF boards: 220,000 m3 of products/year.
- Value of exported timber products: USD 7 billion (3.5 million m3 of products).
+ Value of exported non-timber forest products: USD 0.8 billion.
c/ By 2020, non-timber forest products will become a major commodity, accounting for more than 20% of total value of forestry production, and the value of exported non-timber forest products will increase 15-20% on average; to attract 1.5 million laborers and incomes from non-timber forest products will account 15-20% of rural household economy.
...
...
...
1. Objectives
To raise the quality and effectiveness of forestry research, education, training and extension activities in order to developing high-quality human resources for the forestry sector. To take science and technology as a momentum for developing the sector, to link research and training to production and market so as to increase contributions to forestry economic growth, environmental protection, and improve living standards for inhabitants engaged in silviculture.
2. Tasks
a/ Research
- To focus on conducting researches in some breakthrough areas such as bio-technology, non-timber forest product refining technology, plantation of high-yield forests, agro-forestry and improvement of impoverished natural forests;
- To renovate technologies and equipment and facilities for the forest product processing industry to increase competitiveness and meet the requirements of international economic integration;
- To study scientific and practical grounds for the formulation of breakthrough policies in the forestry sector (production with high profits, socialization, development of non-timber forest products, pricing of environmental services, attraction of funds from the private sector at home and abroad, etc.).
b/ Education and training
- To provide formal training for an annual average of about 5,000 students and pupils at schools of the Ministry of Agriculture and Rural Development, to pay attention to providing advanced training for key officials.
...
...
...
- From 2008, to incorporate forest and environment protection education into curricula in all general education schools;
- To provide training for 80% of local forest management cadres in forest inventory and formulation and implementation of forest management and protection plans;
- To enhance the capacity of lecturers and provide essential equipment and facilities for forestry institutes and schools;
- To perfect and update training programs and textbooks to meet the requirements of renewal and international economic integration.
- To promote association between the forestry training system and the forestry extension system. To have one to two forestry training institutions up to international standards by 2020.
c/ Forestry extension
- To raise forest management and protection knowledge and skills for 80% of farmer households;
- To attract 50% of private entities and mass organizations to take part in forestry extension activities;
- To place at least one full-time or part-time forestry extension cadre in each commune with many forests; to develop and enhance the capacity of the voluntary forestry extension system;
...
...
...
- To build up linkages between the forestry extension and training system and forest owners and forest product processing enterprises.
V. THE PROGRAM ON RENEWAL OF INSTITUTIONS AND POLICIES, PLANNING AND MONITORING OF THE SECTOR
1. Objectives
To create a favorable legal environment for forestry activities driven by the market and international integration, with the broad participation of households, communities and private entities; to strengthen the organizational system while renewing planning and supervisory work of the forestry sector.
2. Tasks
a/ To build and update a system of policies, laws and institutions toward delegation of more powers to localities, sustainable forestry development driven by the market, and socialization of silviculture.
b/ To develop mechanisms and policies as a momentum to stimulate all economic sectors to join in forest protection and development, encourage all economic sectors at home and abroad to develop forestry economy.
c/ To reorganize, and raise the effectiveness of, state management agencies in charge of forestry in the direction of unifying the functions of managing, protecting, using and developing forests; to make clear the functions and tasks of forestry organizations at all levels and diversify forestry services.
d/ To organize a number of forestry state companies operating according to the market mechanism in remote and difficult forestry areas in which non-state economic sectors are not ready to invest; to equitize forestry production and forest product processing state companies that are operating inefficiently.
...
...
...
f/ To establish a state-owned forestry extension system at all levels and introduce mechanisms to support voluntary forestry extension organizations in villages and communes with forests.
g/ To establish specialized monitoring and evaluation units in combination with strengthening the forestry planning system at all levels.
ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION
- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall act as the coordinator with the prime responsibility for, together with other ministries, branches and provincial/municipal Peoples Committees, organizing the implementation of the Forestry Development Strategy and incorporating its contents into the national, ministerial, sector and local socio-economic development plans;
- The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in balancing and allocating funds, and computing funds from the state budget and other sources for the effective implementation of the Strategy;
- The Ministry of Natural Resources and Environment shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in instructing localities to review land use plannings and allocate or lease forestland according to the objectives and tasks of the Forestry Strategy and elaborate schemes combining forest inventories with national land inventories conducted once every five years;
- The National Statistics Office shall coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development and related parties in identifying contents and indicators for the forestry sector monitoring and evaluation; direct and guide localities in making statistics, inventory forests and study the forestry sector's economic and environmental contributions, etc., according to the new definition of forestry, and submit them to the Government for revision and supplementation of the forestry sub-sector in Decree No. 75/CP of October 27, 1973.
...
...
...
- Annually, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall coordinate with other ministries, branches and localities in evaluating the implementation of the Strategy and report it to the Prime Minister. Forest protection and development shall be regarded as an important content of the Government's year-end report to the National Assembly.
II. ESTABLISHMENT OF SUB-COMMITTEES TO COORDINATE PROGRAM IMPLEMENTATION
For each program, an implementation-coordinating sub-committee shall be established.
1. Composition
- The sub-committee head is a leading official of an agency attached to the Ministry of Agriculture and Rural Development and related to the program;
- Members are representatives of concerned agencies, units, communities, and state and private enterprises and international partners and projects that are interested and voluntarily participate in the program.
2. Tasks
- To make medium-term and annual plans for the program, covering the objectives, activities, outcomes, budget and financial supports for the program implementation;
- To propose activities of coordination between the participating parties and seek funds for the program implementation.
...
...
...
- To discuss and propose the formulation or revision of relevant policies and mechanisms.
- To discuss and propose the formulation or revision of econo-technical processes, rules, textbooks and norms.
- To hold periodical plenary meetings and topical seminars with the participation of the participating parties, use the Strategy's forum for information exchange between concerned parties.
- To collaborate with international partners, concerned agencies and organizations in seeking funding sources for medium-term and annual activities of the sub-committee.
III. EXPECTED IMPLEMENTATION SCHEDULE OF THE STRATEGY IN THE 2006-2010 PERIOD
(See details in table 3 enclosed herewith)
IV. LIST OF SCHEMES/PROJECTS PRIORITIZED FOR IMPLEMENTATION IN THE 2007-2010
On the basis of the (2007-2010) plans of actions of the programs in the Strategy, in order to effectively use domestic resources and, at the same time, make use of the assistance of international partners for the performance of key tasks of sector development, 21 schemes/projects are prioritized for formulation and implementation in the 2007-2010 period (see Table 4 enclosed herewith).
...
...
...
To monitor the implementation of the Forestry Development Strategy aims to raise the effectiveness and efficiency of the implementation of the Strategy through supplying information and feedbacks for policymakers to adjust plans and take timely remedies.
Major contents of monitoring of the implementation of the Strategy:
- Assessing the achieved results as well as constraints against the objectives and implementation progress;
- The situation of mobilization of resources and financial sources at all levels;
- Analyzing and assessing impacts in the process of implementation of the Strategy at all levels;
- Assessing the effects of relevant policies in the realization of the Strategy's objectives;
- Identifying and analyzing major problems inside and outside the sector and international issues that may affect the process of implementation of the Strategy and necessary adjustments.
...
...
...
Contents of evaluation:
- Evaluating political, economic, social and environmental changes pertaining to the Strategy's objectives;
- Supplying information in the results of realization of the Strategy's objectives, such as conservation of biodiversity, increase of protection value, improvement of people's living standards, the forestry sector's contributions to the process of socio-economic development at various levels;
- Evaluating the coordination between the implementation of the Strategy and local socio-economic development plans;
- Evaluating changes in the policy environment and impacts of policy measures;
- Evaluating impacts of forestry on hunger eradication and poverty alleviation;
- Evaluating environmental impacts, including contributions to the global environment such as carbon absorption;
- Quantifying the forestry sector's contributions to the national economy, local economy, international trade and employment generation;
- Evaluating the materialization of international commitments.
...
...
...
PROJECTED FUNDING NEEDS AND SOURCES
The total funding need for the Strategy in the entire period of 2006-2020 is VND 106,759.06 billion, of which the funding need for the 2006-2010 period is VND 33,885.34 billion and the funding need for the 2011-2020 period is 72,873.72 billion (see details in enclosed Tables 5, 6 and 7)
VICE
PRIME MINISTER
STANDING DEPUTY PRIME MINISTER
Nguyen Sinh Hung
FORECASTS ON DEMANDS FOR TIMBER, NON-TIMBER FOREST PRODUCTS AND ENVIRONMENTAL SERVICES
...
...
...
2003
2005
2010
2015
2020
I. Timber for domestic consumption and export (1,000 m3)
7,420
10,063
14,004
...
...
...
22,160
1. Big timber for industrial and civil use
4,561
5,373
8,030
10,266
11,993
2. Small timber for production of artificial boards and wood chips for export
1,649
...
...
...
2,464
2,922
1,682
3. Demand for small timber for pulp production
1,150
2,568
3,388
5,271
8,283
...
...
...
60
90
120
160
200
II. Value of exported forest products (million USD)
721
1,700
3,700
...
...
...
7,800
1. Timber products
567
1,500
3,400
4,200
7,000
2. Non-timber forest products
154
...
...
...
300
600
800
III. Value of environmental services* (million USD)
0
0
250
900
2,000
...
...
...
0
0
400
800
2. Watershed, coastal, urban protection
0
0
200
...
...
...
800
3. Ecotourism
50
200
400
IV. Demand for fuel wood (million m3)
25
...
...
...
25.7
26.0
26.0
* Just receivable environmental service value but not total environmental value
ORIENTATIONS FOR PLANNING ON FOREST AND FORESTLAND AREAS (MILLION HA)
Types of forests and land
Present situation in 2005*
...
...
...
2010
2020
Total forestland area
19.02
16.24
16,24
- Land with forests
12.61
14.07
...
...
...
- Unused land
6.41
- Reforested land after exploitation
0.30
-
- Bare land within forests
...
...
...
0.05
0.05
- Rehabilitated forest and combined agro-forestry land
1.82
0.62
1. Protection forests
9.47
5.68
...
...
...
- Land with forests
6.19
5.67
5.67
- Unused land
3.38
- Bare land within forests
...
...
...
0.01
0.01
2. Special-use forests
2.32
2.16
2.16
- Land with forests
1.92
2.12
...
...
...
- Unused land
0.40
- Bare land within forests
0.04
0.04
3. Production forests
...
...
...
8.40
8.40
- Land with forests
4.48
6.28
7.78
+ Natural forests
3.10
3.63
...
...
...
+ Plantation forests
1.38
2.65
4.15
- Unused land
2.62
-
-
- Reforested land after exploitation
...
...
...
0.30
0
- Rehabilitated forest and combined agro-forestry land
1.82
0.62
Percentage of land with forests
37%
42.6%
...
...
...
* Actual total forest area and unused land area in the whole country by December 31, 2005, announced in Decision No. 1970/QD/BNN-KL-LN of July 6, 2006, of the Ministry of Agriculture and Rural Development
PROJECTED SCHEDULE OF IMPLEMENTATION OF THE STRATEGY IN THE 2006 2010 PERIOD
Programs
Tasks
Targets for 2020
Implementation in 2006 - 2010
Percentage % (5)=(4)/(3)
...
...
...
1
2
3
4
5
6
Sustainable forest management and protection
1. Classification, planning, identification of permanent forestry estates on map and field
16,24 million ha
...
...
...
100%
2. Allocation and lease of land
100%
100%
100%
3. Tending
803,000 ha
...
...
...
100%
- Transitional tending
403,000 ha
403,000 ha
100%
- New tending
400,000 ha
...
...
...
100%
4. Afforestation, including consolidated production (Orietnation target)
2,25 million ha
750 ,000 ha
33.3%
5. Planting of protection and special-use forests
250,000 ha
...
...
...
100%
6. Forest rnrichment
500,000 ha
100%
7. Dispersed plantation
3 billion trees
...
...
...
33.3%
8. Creation of a data system and a monitoring system for managing 14 million ha of forests
1 system
1 system
100%
9. Creation of a database and making of forest management plans for production units
100 %
...
...
...
100%
10. Enhancement of management capacity for forest owners, development of standards and issue of certificates
100% of production forest area
- Enhancement of management capacity for forest owners
- Development of standards and issue of certificates
30%
11. Forest tree seed program
...
...
...
60% and 40%
75% and 80%
12. Domestic production of big timber
10 million m3
3.7 million m3
37%
Support for forest tending and enrichment
13. Production of small timber
...
...
...
6 million m3
60%
- ditto-
14. Production value of non-timber forest products for domestic consumption
0.8 USD
50%
Protection and conservation of biodiversity
...
...
...
5.68 million ha
5.68 million ha
100%
2. Establishment of the system of special-use forests
2.16 million
2.16 million
100%
...
...
...
1.5 million ha
1.5 million ha
100%
4. Bulding of forest protection systems in communes and villages with forests
100%
100%
100%
...
...
...
100%
100%
100%
6. Elaboration and implementation of forest protection and development plans
100%
100%
100%
...
...
...
100%
30%
30%
8. Valuation of environmental services and payment mechanism
2010
2010
100%
...
...
...
2007
2007
100%
10. Number of violations of the forest protection and development law
Down by 80 %
Down by 40 %
50%
...
...
...
1. Reorganization of timber and non- timber forest product processing industry
2015 (100%)
70%
70%
2. Imported timber
3.5 million m3
5.0 million m3
...
...
...
3. Production of sawn timber
6 million m3
4.0 million m3
66.6%
4. Particle board products/year
320,000 m3
68,000 m3
21.5%
...
...
...
5. MDF board products/year
220,000 m3
170,000 m3
77.3%
6. Value of exported timber products/year
7 billion USD
3.4 billion USD
48.57%
...
...
...
7. Value of exported non-timber forest products/year
0.8 billion USD
0.5 billion USD
62.5%
8. Creation of jobs
1.5 million laborers
0.5 million laborers
33.3%
...
...
...
9. Percentage of income from non-timber forest products in household economy
15 - 20%
10%
50 - 60%
10. Production of pulp
2 million tons*
0.85 million tons
42.5%
...
...
...
Forestry research, education, training and extension
1. Forestry research investment
2% forestry GDP
2% forestry GDP
100%
2. Seed research
60% area planted with grafted tissues
40%
...
...
...
3. Improvement of technologies of processing timber and refining non-timber forest products
70% enterprises and trade villages using new technologies
40%
57.2%
4. Research and formulation of breakthrough policies
Finalization of policies
Piloting and wide application
...
...
...
5. Formal training
5,000 students/year
5,000 students/year
100%
In forestry schools
6. Vocational training
50% farmers engaged in silviculture and trade villages
25%
...
...
...
7. Training of managers
80% total managers
30%
37.5%
8. Building of links between forestry research, training and extension systems
Network completion
Implementation
...
...
...
9. Building of schools up to international standards
1 to 2 schools
Implementation
10%
10. Forestry extension
80% farmer households trained
30%
...
...
...
11. Participation in forestry extension activities
50% of private entities and social organizations
20%
40%
12. Grassroots forestry extension system
100% communes with many forests having forestry extension officers
100%
...
...
...
13. Setting up of village or commune voluntary forestry extension organizations
100% communes with forests
30%
30%
14. Compilation of forestry extension program and documents
Finalization and update
Compilation
...
...
...
15. Building of links between forestry extension, training, forest owners and enterprises
Network completion
Building and implementation
50%
Renewal of organization, policies, planning and monitoring
1. Formulation and updating of the system of forestry policies, laws and institutions
Update and finalization
...
...
...
50%
2. Formulation of a mechanism to promote private entities, communities and households to participate in forestry activities
Finalization
Formulation and implementation
50%
3. Reorganziation and raising of effectiveness of the system of state management organizations in charge of forestry
...
...
...
100%
4. Reorganization of state forestry companies in key forestry areas
100% forestry companies
100%
100%
5. Formulation of community-based forest management models
4 million ha community forests
...
...
...
62.5%
6. Establishment of forestry extension organizations at all levels
Completion
Completion
100%
7. Establishment of monitoring and evaluation units associated with strengthening of the planning system
Completion
...
...
...
50%
LIST OF PRIORITY SCHEMES/PROJECTS IN THE 2007 - 2010 PERIOD
Ordinal number
Names of priority schemes/projects
A
Development program
...
...
...
Establishment of permanent national forest estates
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Natural Resources and Environment, provincial-level Peoples Committees
2
Perfection of the system of the system of survey, assessment and monitoring developments in natural forest resources in service of sustainable forest management
- Responsible agencies: Ministry of Agriculture and Rural Development, provincial-level Peoples Committees
...
...
...
Accelerated allocation and lease of forests and forestland to all economic sectors
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Natural Resources and Environment, provincial-level Peoples Committees
4
Piloting of sustainable forest management models for forest owners
- Responsible agencies: Ministry of Agriculture and Rural Development, provincial-level Peoples Committees
...
...
...
Piloting and development of community-based forest management
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Natural Resources and Environment, provincial-level Peoples Committees
6
Sustainable development and management of plantation forest zones supplying materials for the forest product processing industry
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
...
...
...
- Coordinating agencies: Ministry of Industry, provincial-level Peoples Committees
7
Development of dispersed planations and combined agro-forestry
- Responsible agencies: Ministry of Agriculture and Rural Development, provincial-level Peoples Committees
8
Conservation and development of non-timber forest products
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
...
...
...
- Coordinating agencies: Ministry of Science and Technology, Ministry of Health, provincial-level Peoples Committees
9
Promotion of management and supply of quality seeds in forestry
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Science and Technology, provincial-level Peoples Committees
10
Enhancement of capacity of forest protection, forest fire prevention and fight, biodiversity conservation and law inforcement in the forestry sector
...
...
...
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Public Security, provincial-level Peoples Committees
11
Piloting of the mechanism of payment for forest environmental services for reinvesment in forest protection and development
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Finance, provincial-level Peoples Committees
...
...
...
Increased investment, application of material-saving and environment-friendly technologies in the processing of forest products
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Industry, Ministry of Science and Technology, provincial-level Peoples Committees
13
Development of handcraft villages and small- and medium-sized forest product processing enterprises
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
...
...
...
- Coordinating agencies: Ministry of Industry, Ministry of Trade
14
Development of forest product trading support services (market information, market research, trading promotion, technology transfer, issue of ISO certificates, development and popularization of enterprise trademarks, etc.)
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Trade, Ministry of Science and Technology, provincial-level Peoples Committees
B
Support program
...
...
...
Acceleration of application of biotechnology in forestry
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agency: Ministry of Science and Technology
16
Enhancement of capacity for forestry training schools
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
...
...
...
- Coordinating agency: Ministry of Education and Training
17
Enhancement of capacity for the system of state and voluntary forestry extension organizations
- Responsible agencies: Ministry of Agriculture and Rural Development, provincial-level Peoples Committees
18
Acceleration of renewal of state-owned forestry farms
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
...
...
...
- Coordinating agencies: Ministry of Natural Resources and Environment, provincial-level Peoples Committees
19
Development and piloting financial mechanisms to support forest protection and development work
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Finance, provincial-level Peoples Committees
20
Enhancement of capacity of planning, coordination and monitoring fo programs and projects and international commitments on forestry
...
...
...
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agency: Ministry of Planning and Investment
21
Building and strengthening of the system of forestry sector management information
- Responsible agency: Ministry of Agriculture and Rural Development
- Coordinating agencies: Ministry of Planning and Investment and General Statistics Office
...
...
...
AGGREGATE FUNDING NEEDS FOR THE 2006 - 2020 PERIOD (VND BILLION)
Ordinal number
Items
2006 - 2010
2011 - 2020
Total
%
A
...
...
...
31,946.17
68,413.63
100,359.80
94.0
1
Program on sustainable management and development
16,214.55
28,220.80
44,435.35
...
...
...
2
Program on forest protection, biodiversity conservation and environmental services
3,871.00
10,262.60
14,133.60
14.1
3
Program on timber processing and forest product trade
10,428.07
...
...
...
37,090.57
37.0
4
Program on forestry research, education, training and extension
546.98
848.82
1,395.80
1.3
5
...
...
...
885.57
2,418.91
3,304.48
3.3
B
Regular expenditures
1,939.17
4,460.09
6,399.26
...
...
...
Total funding needs
33,85.34
72,873.72
106,759.06
100.0
Additional explanations on Table 5 are as follows:
Funding needs include investment needs and regular expenditure needs.
Regular expenditure needs are computed based on the data on this funding source mobilized in the five years 2001 - 2005; the GDP growth rate projected for the 2006 2010 period (an annual average rate of about 7,2%) and the growth rate of production value of the forestry sector, which is projected at 4 - 5%/year. Investment needs are computed on the basis of:
...
...
...
- Adjusted unit prices proposed by the Ministry of Agriculture and Rural Development to the Prime Minister for the Five Million Hectares Afforestation Program and other relevant norms;
- Forestry roads in the 2006 2010 period;
The capability of provision of funds for the implementation of the Strategy in the 2006 2010 period is calculated on the basis of:
- Funds mobilized in five years 2001 - 2005 and projected growth rate of 30% over the past five years;
- The budgetary fund is considered sufficient to meet the funding needs;
- For the Program on timber processing and forest product trade, the funding source is considered sufficient to meet the funding needs on the basis of the evaluation of the situation of current timber processing activities and the growth rate of this production sub-sector;
- ODA capital will be taken from the projects already committed by now for the 2006-2010 period;
- The allocation of funding sources is based on activities and characteristics of each program combined with analyses of financial experts;
- Difference between demand and supply is the amount to be additionally mobilized for the implementation of the forestry strategy.
...
...
...
AGGREGATE FUNDING NEEDS FOR THE FORESTRY SECTOR IN THE 2006 2010 PERIOD
Ordinal number
Items
Division by year (VND billion)
Total (VND billion)
USD (million)
%
2006
...
...
...
2008
2009
2010
A
Investment
5,720.84
6,317.42
6,515.48
6,620.02
...
...
...
31,946.17
1,996.64
94.3
1
Program on sustainable management and development
2,580.00
3,140.55
3,383.20
3,485.40
...
...
...
16,214.55
1,013.41
50.8
2
Program on forest protection, biodiversity conservation and environmental services
788.00
816.00
761.00
753.00
...
...
...
3,871.00
241.94
12.1
3
Program on timber processing and forest product trade
2,085.61
2,085.61
2,085.61
2,085.61
...
...
...
10,428.07
671.75
32.6
4
Program on forestry research, education, training and extension
90.50
99.05
108.46
118.80
...
...
...
546.98
34.19
1.7
5
Program on renewal of institutions, policies, planning and monitoring of the forestry sector
176.73
177.21
177.21
177.21
...
...
...
885.57
55.35
2.8
B
Regular expenditures
354.17
370.00
380.00
390.00
...
...
...
1,939.17
121.20
5.7
Total funding need
6,075.01
6,688.42
6,895.48
7,010.02
...
...
...
33,885.34
2,117.83
100
STRUCTURE OF FUNDING NEEDS IN THE 2006 - 2010 PERIOD BY FUNDING SOURCE AND PROGRAM
Ordinal number
Programs
Funding sources (VND billion)
...
...
...
State investment credit
ODA
Investment of State enterprises, cooperatives
Investment of households, private entities
FDI
Other funding sources
Total
1
Program on sustainable management and development
...
...
...
2,995.52
2,494.52
1,372.90
2,030.01
2,940.82
114.78
16,214.55
% of total fund of the program
...
...
...
18.47
15.38
8.47
12.52
18.14
0.71
100.00
% of total fund of each type
...
...
...
60.07
59.88
37.89
60.39
37.59
100.00
50.76
2
Program on forest protection, biodiversity conservation and environmental services
...
...
...
690.00
117.67
117.67
3,871.00
% of total fund of the program
...
...
...
17.82
3.04
3.04
100
% of total fund of each type
...
...
...
16.56
3.25
3.01
12.12
3
Program on timber processing and forest product trade
...
...
...
1,990.80
11.27
2,122.00
1,422.00
4,882.00
10,428.07
% of total fund of the program
...
...
...
19.09
0.11
20.35
13.64
46.82
100
% of total fund of each type
...
...
...
39.93
0.27
58.57
36.33
62.41
32.64
4
Program on forestry research, education, training and extension
...
...
...
206.64
10.68
10.68
546.98
% of total fund of the program
...
...
...
37.78
1.95
1.95
100
% of total fund of each type
...
...
...
4.96
0.29
0.27
1.71
5
Program on renewal of institutions, policies, planning and monitoring of the forestry sector
...
...
...
766.85
885.57
% of total fund of the program
...
...
...
86.13
100.00
% of total fund of each type
...
...
...
18.32
2.77
Total
...
...
...
4,986.32
4,169.28
3,623.25
3,580.36
7,822.82
114.78
31,946.17
%
...
...
...
15.6
13.1
11.3
11.2
24.5
0.4
100.0
;
Quyết định 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 18/2007/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 05/02/2007 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video