BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1626/QĐ-BNN-HTQT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2022 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 23/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước;
Căn cứ các Công thư của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 4/11/2020 và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cam kết tài trợ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp”; ngày 18/1/2022 về việc USAID tài trợ các danh mục sử dụng nguồn vốn tài trợ và ngày 1/4/2022 về việc USAID khẳng định nguồn viện trợ cho Chính phủ Việt Nam và WWF là nhà thầu được tuyển chọn theo quy định của Hoa Kỳ để thực hiện dự án;
Xét văn bản số 1503/DALN-TVXDDA ngày 30/9/2021 của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp về việc xin phê duyệt văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; văn bản số 26/DALN-TVXDDA ngày 14/1/2022 và văn bản số 479/DALN-TVXDDA ngày 05/5/2022 của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp về việc tiếp thu ý kiến và cập nhật hoàn thiện Văn kiện dự án;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (kèm theo Báo cáo họp thẩm định ngày 23/1/2022 của Vụ Hợp tác quốc tế về nội dung Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ);
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” (văn kiện dự án kèm theo) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với các nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp.
2. Tên nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Nhà thầu do USAID tuyển chọn: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF).
3. Tên cơ quan chủ quản, chủ dự án:
- Cơ quan chủ quản dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ dự án: Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp.
- Địa điểm thực hiện: tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Hồ Chí Minh; Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Tây Ninh.
- Thời gian: 06 năm, từ 2021-2027 (Năm 2021 chuẩn bị dự án; từ năm 2022 đến 2027 bao gồm thời gian thực hiện và quyết toán kết thúc dự án).
5. Mục tiêu, hoạt động và kết quả:
a) Mục tiêu:
- Mục tiêu tổng quát:
Huy động sự tham gia, phối hợp và điều phối có hiệu quả của các bên có liên quan để nâng cao nhận thức, vai trò lãnh đạo, quản lý nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) và kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp ĐVHD; giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm ĐVHD.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng, cam kết của các nhà quản lý, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và người dân trong đấu tranh chống buôn bán, sử dụng bất hợp pháp ĐVHD.
+ Nâng cao năng lực cho các bên có liên quan về thực thi pháp luật bảo vệ, bảo tồn và chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
+ Giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD và sản phẩm ĐVHD.
b) Hoạt động:
Hợp phần 1: Huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng, cam kết của các nhà lãnh đạo các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và người dân trong đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- Phân tích tình huống về mục đích, khó khăn của các bên liên quan đến vấn đề tội phạm buôn bán và tiêu thụ ĐVHD.
- Phân tích tác động kinh tế xã hội của việc loại bỏ hoặc quy định quản lý chặt chẽ việc nuôi ĐVHD bất hợp pháp;
- Đánh giá rủi ro lan truyền dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người;
- Rà soát chính sách chống buôn bán ĐVHD và các bất cập;
- Làm rõ mục đích và các rào cản đối với các bên liên quan (cơ quan thực thi pháp luật, nhà chính trị, doanh nghiệp, người buôn bán bất hợp pháp và người tiêu dùng).
- Thiết lập được các mối quan hệ đối tác, tiếp cận rộng rãi các lĩnh vực liên quan đến kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD (như du lịch, y học cổ truyền, thương mại điện tử,…)
Hợp phần 2: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bên có liên quan về quản lý, thực thi pháp luật bảo vệ, bảo tồn và chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- Xây dựng được các chương trình giảng dạy, tài liệu học tập liên quan đến thực thi pháp luật ĐVHD cho các đơn vị Cảnh sát Môi trường cấp tỉnh.
- Nâng cao năng lực cho các bên liên quan và thúc đẩy hợp tác liên ngành
- Xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức thực hiện theo chương trình, tài liệu và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng học là kiểm lâm, hải quan, kiểm sát và các đơn vị thực thi pháp luật khác để phù hợp với phần mô tả dự án.
Hợp phần 3: Giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp ĐVHD và các sản phẩm ĐVHD
- Xác định các hành vi ưu tiên cần thay đổi và phân khúc nhóm người tiêu dùng mục tiêu cho triển khai các sáng kiến của SBC. Áp dụng thay đổi hành vi (BC), vận động xã hội và vận động để thuyết phục để áp dụng trong chống buôn bán ĐVHD.
c) Kết quả:
Hợp phần 1:
- 25 Cơ quan quản lý về động vật hoang dã cấp trung ương và địa phương ban hành văn bản chỉ đạo hoặc kế hoạch hành động bảo vệ ĐVHD và đấu tranh chống tội phạm ĐVHD trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
- 50 doanh nghiệp tư nhân hành nghề về kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, gây nuôi động vật hoang dã có các quy định nội bộ cụ thể thực hiện đúng pháp luật về bảo vệ ĐVHD và tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác hành vi buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- 25 tổ chức xã hội cấp trung ương và địa phương nhận được hỗ trợ về nâng cao năng lực vận động và huy động cộng đồng tham gia giám sát, báo cáo về chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- 50 tin bài được đăng tải trên các phương tiện thông tin (báo viết, báo nói, báo hình, tập san, tạp chí, bản tin phát hành đại chúng) có nội dung về bảo tồn ĐVHD hoặc về đấu tranh chống tội phạm ĐVHD.
Hợp phần 2:
- 2.500 lượt cán bộ từ các cơ quan thực thi, hệ thống tư pháp hình sự và các cơ quan truyền thông được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực để áp dụng các giải pháp cải cách liên quan đến chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
- 05 thỏa thuận phối hợp /cơ chế liên ngành và/hoặc hợp tác quốc tế được hỗ trợ để thực hiện các giải pháp chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- 05 khung chính sách, văn bản/quy định, hướng dẫn (chỉ thị, quy định, hướng dẫn, quy trình) được rà soát/ điều chỉnh, bổ sung hoặc hỗ trợ để xây dựng liên quan đến chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- 04 Mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý trại nuôi ĐVHD hợp pháp và an toàn dịch bệnh tại một số Chi cục Kiểm lâm.
- 04 Chuyến tham gia các diễn đàn đối thoại, hội thảo, tập huấn do cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như: INTERPOL, ASEANPOL, WCO, ASEAN- WEN, AIPA tổ chức.
Hợp phần 3:
- Ít nhất 30% người tham gia vào các hoạt động huy động xã hội hóa của dự án được khảo sát phản hồi rằng họ sẽ áp dụng và ít nhất 25% số người đã trực tiếp tham gia và các hoạt động vận động về chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD.
- Giảm ít nhất 30% số cá nhân có ý định tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp.
- Ít nhất 30% khách du lịch (trong nước và quốc tế) được khảo sát tại các khu vực tham gia thực hiện dự án cho rằng Việt Nam đã thực thi tốt pháp luật liên quan đến việc mua bán và tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp.
6. Tổ chức quản lý và phương thức thực hiện :
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản dự án và giao Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp làm chủ dự án.
- Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) là nhà tài trợ Dự án và nhà thầu thực hiện dự án (do USAID tuyển chọn) là Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF).
- Ban quản lý dự án Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập. Ban quản lý dự án Trung ương (CPMU) thuộc Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp là đầu mối giúp Chủ dự án trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án và phối hợp với nhà tài trợ giám sát tiến độ, chất lượng, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra của dự án theo đúng mục tiêu, nội dung hoạt động được phê duyệt tại Văn kiện dự án, quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ.
7. Tổng nguồn vốn dự án: 10,5 triệu USD (Bằng chữ: Mười triệu năm trăm nghìn đô la Mỹ), tương đương 242.690 triệu VND, trong đó:
a) Vốn viện trợ không hoàn lại: 10,0 triệu USD tương đương 231.130 triệu VND.
b) Vốn đối ứng bằng tiền mặt: 11.560 triệu VND tương đương 0,5 triệu USD, để chi cho các hoạt động của BQLDA trung ương.
(Tỷ giá tạm tính 1 USD = 23.120 đồng theo tỷ giá của ngân hàng nhà nước thông báo vào tháng 12/2021).
- Đối với vốn viện trợ không hoàn lại : do Nhà tài trợ trực tiếp quản lý thực hiện.
- Đối với vốn đối ứng : cấp phát từ ngân sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch, Tài chính, Tổ chức cán bộ; Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp; Chủ tịch UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh; các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Tây Ninh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Quyết định 1626/QĐ-BNN-HTQT năm 2022 phê duyệt văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 1626/QĐ-BNN-HTQT |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Lê Quốc Doanh |
Ngày ban hành: | 09/05/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1626/QĐ-BNN-HTQT năm 2022 phê duyệt văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video