Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1024/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ NGUY HẠI THEO MÔ HÌNH CỤM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM.

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định quản lý chất thải y tế;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2639/TTr-SYT ngày 28/8/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN, KGVX, HTKT.

T.M ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ NGUY HẠI THEO MÔ HÌNH CỤM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1024/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh Kon Tum)

Thực hiện Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để, hiệu quả chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ nguồn thải (cơ sở y tế) trong công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh.

- Bảo đảm ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ công tác thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại không đúng cách trên địa bàn tỉnh, góp phần đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

2. Yêu cầu

- Các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng các quy định của pháp luật về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

- Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế thực hiện triển khai xử lý theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý bảo đảm theo đúng Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải trong cụm phải đáp ứng theo yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI THEO CỤM XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TỈNH KON TUM

1. Địa bàn xử lý chất thải y tế theo cụm

1.1. Cụm xử lý tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum

Với công suất thiết kế hiện nay 40 kg/mẻ, cụm xử lý tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum có thể xử lý với công suất 400 kg/ngày. Cụm xử lý chất thải y tế nguy hại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum.

Hiện tại sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị sau: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum, Bệnh xá Khu điều trị phong Đăk Kia, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm; Trung tâm Y tế các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum.

Ngoài ra, cụm Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum còn chịu trách nhiệm xử lý cho các cơ sở thuộc hệ dự phòng, Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Kon Tum (Khoa Y), các Trạm y tế xã, phường, các Phòng khám y khoa, Phòng xét nghiệm, Bệnh viện Quân y Tiểu đoàn 24, các Phòng khám thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh.

Trong tương lai, đến năm 2020, xử lý thêm cho các bệnh viện dự kiến thành lập mới (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện thành phố Kon Tum, Bệnh viện Đa khoa huyện Ia H’Drai và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vạn An).

1.2. Cụm xử lý tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi

Với công suất thiết kế hiện nay 20 kg/mẻ, cụm xử lý tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi có thể xử lý với công suất 200 kg/ngày. Cụm xử lý chất thải y tế nguy hại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông và huyện Ngọc Hồi.

2. Yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ đối với các cơ sở y tế trước khi vận chuyển chất thải y tế để xử lý tại các cụm

2.1. Phân loại chất thải y tế

Đối tượng thu gom chất thải y tế nguy hại để xử lý theo công nghệ vi sóng tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi là chất thải y tế nguy hại lây nhiễm không sắc nhọn. Trường hợp nếu trong chất thải y tế có vật sắc, nhọn, cứng như kim loại với bất kỳ hình dạng và kích thước nào, chất thải hóa học nguy hiểm (dược phẩm, hóa chất y tế, chất gây độc tế bào), kim loại nặng, chất phóng xạ, chất nổ, chất gây mê, chất dễ cháy, các bình áp suất, bình kín... sẽ gây gãy bộ lưỡi dao và hư hại các thiết bị điện, cơ, cảm biến... khiến hệ thống không thể hoạt động được. Do đó việc phân loại đúng chất thải y tế nguy hại để thu gom đóng vai trò rất quan trọng để duy trì tính bền vững của hệ thống, việc phân loại chất thải y tế phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

2.2. Thu gom chất thải y tế lây nhiễm

- Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom. Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.

- Đối với việc thu gom, lưu giữ chất thải y tế tại các cơ sở y tế, căn cứ số lượng chất thải y tế phát sinh mà có phương án lưu giữ cụ thể, trường hợp lưu giữ chất thải y tế nguy hại cần tuân thủ các quy định về nhà lưu giữ chất thải y tế. Trong quá trình thu gom chất thải y tế, nhân viên thu gom cần ghi rõ nguồn gốc chất thải y tế nguy hại lây nhiễm được thu gom tại nơi nào (ghi rõ khoa phòng, nơi phát sinh chất thải), khi nào (ghi rõ ngày, tháng, năm thu gom chất thải) và cân nặng để tạo điều kiện cho công tác giám sát chất thải y tế nguy hại trong trường hợp phân loại chất thải không đúng, ảnh hưởng đến vận hành của thiết bị xử lý chất thải.

3. Yêu cầu về bàn giao chất thải y tế

- Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.

- Quá trình bàn giao cần được ghi chép, ký nhận đầy đủ, rõ ràng theo quy định. Khi tiếp nhận các bì, thùng chứa chất thải, lái xe vận chuyển phải dán tem, ghi rõ lô chất thải, đơn vị phát sinh, thời gian tiếp nhận tại đơn vị và các thông tin khác theo yêu cầu về quản lý chất thải y tế nguy hại. Trên cơ sở các thông tin này, các cán bộ quản lý tại Cụm sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên để xác định việc phân loại chất thải y tế nguy hại của các đơn vị phát sinh, giảm thiểu rủi ro đối với thiết bị xử lý chất thải của Cụm, đồng thời là chứng cứ để tiến hành phạt, đề nghị bồi thường nếu có rủi ro trong quá trình vận chuyển, xử lý xảy ra đối với việc đơn vị phân loại, bảo quản chất thải y tế nguy hại không đúng quy định.

4. Tần suất, lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại theo các cụm

4.1. Tần suất thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại

- Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế của 2 cụm (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi và Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum) ít nhất là 01 (một) lần/ngày.

- Đối với vận chuyển chất thải y tế ngoài cụm xử lý trên cùng địa bàn huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, tần suất thu gom tiến hành 2 ngày/lần, sử dụng phương tiện xe ô tô có thùng chứa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khác phát sinh khối lượng chất thải y tế lớn, thực hiện thu gom 1 lần/ngày hoặc tùy theo khối lượng phát sinh và khả năng lưu giữ để thỏa thuận cùng với cụm để thống nhất.

- Đối với thu gom tại các huyện, chất thải y tế của các cơ sở nhỏ như các Phòng khám, Trạm y tế, Phòng khám tư nhân, Phòng xét nghiệm... sẽ tập trung về Trung tâm Y tế huyện để lưu giữ, sử dụng phương tiện xe mô tô được trang bị thùng chứa chất thải y tế nguy hại đảm bảo các quy định của pháp luật. Định kỳ 2 ngày các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại sẽ tiến hành thu gom một lần, vận chuyển về cụm để xử lý.

4.2. Lộ trình vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại

a) Vận chuyển về Cụm xử lý Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum:

- Tuyến thu gom số 1: Sa Thầy - Đăk Hà - TP Kon Tum.

- Tuyến thu gom số 2: Kon Plông - Kon Rẫy - TP Kon Tum.

b) Vận chuyển về Cụm xử lý Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi:

- Tuyến thu gom số 1: Đăk Glei - Ngọc Hồi.

- Tuyến thu gom số 2: Tu Mơ Rông - Đăk Tô - Ngọc Hồi.

Tùy theo đăng ký của các đơn vị, từ 2 tuyến chính này có thể chia thành nhiều tuyến phụ, căn cứ thực tế các cụm xây dựng lộ trình cụ thể, thông báo thời gian vận chuyển cụ thể tại từng điểm thu gom chất thải rắn y tế nguy hại đến các đơn vị đăng ký thu gom.

Khi có lịch trình thu gom cụ thể, các cụm lập thành văn bản gửi Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị, địa phương có liên quan để biết, giám sát việc tuân thủ thực hiện lộ trình, thời gian, địa điểm thu gom, vận chuyển.

4.3. Phương tiện vận chuyển

- Mỗi cụm xử lý chất thải rắn y tế được trang bị 1 xe ô tô vận chuyển chất thải kích thước tổng thể (D x R x C) mm là 5.200 x 1.770 x 1.970; kích thước lòng thùng (D x R x C) mm là 3.200 x 1.670 x 380; tải trọng cho phép là 1.250 kg với đầy đủ các thiết bị cần thiết theo quy định.

+ Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi: Xe ô tô biển kiểm soát 82A-002.13

+ Tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum: Xe ô tô biển kiểm soát 82A-001.64.

- Đối với vận chuyển chất thải y tế tại các huyện, phương tiện vận chuyển sẽ là xe ô tô có trang bị thùng chứa chất thải nguy hại đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

4.4. Chất thải y tế sau khi xử lý qua công nghệ vi sóng của 2 cụm

Những chất thải y tế nguy hại đã qua xử lý tại 2 cụm với công nghệ vi sóng, đảm bảo các thông số theo QCVN 55:2013/BTNMT thì được coi là chất thải y tế thông thường, chất thải sinh hoạt và được Công ty Môi trường đô thị thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với chất thải sinh hoạt, thông thường.

Để đảm bảo các chất thải y tế nguy hại sau khi xử lý đạt QCVN 55:2013/BTNMT, các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại phải thực hiện kiểm định chất lượng chất thải sau xử lý theo các tiêu chuẩn quy định, gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Công ty Môi trường đô thị định kỳ theo đúng quy định để theo dõi giám sát và thực hiện công tác quản lý nhà nước.

5. Công tác kiểm định, kiểm chuẩn, bảo dưỡng, duy tu thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm

Công tác kiểm định, kiểm chuẩn, bảo dưỡng, duy tu thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm phải được thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định và theo hướng dẫn của Nhà sản xuất, cụ thể:

STT

Tên thiết bị

Bộ phận

Nội dung công việc

Thời gian

01

Bộ lưỡi cắt

Bệ và lưỡi dao nghiền cắt trung tâm

Kiểm tra và tiến hành thay mới nếu quá mòn

03 tháng bảo dưỡng hoặc sớm hơn nếu quá mòn

02

Dao đảo chất thải

Kiểm tra và tiến hành thay mới nếu quá mòn

03 tháng bảo dưỡng hoặc sớm hơn nếu quá mòn

03

Bộ phát vi sóng

Đầu phát vi sóng

Kiểm tra sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng bảo dưỡng hoặc thay mới khi gặp sự cố

04

Cửa bảo vệ vi sóng

Kiểm tra, vệ sinh, sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng bảo dưỡng hoặc thay mới khi gặp sự cố

05

Khoang xử lý

Gioăng nắp khoang xử lý

Kiểm tra bộ phận, tiến hành cân chỉnh lại nắp khoang xử lý, thay thế nếu gặp sự cố

03 tháng

06

Lưới chắn rác trên nắp

Tháo rời, vệ sinh lưới chắn rác

03 tháng

07

Động cơ

Bát đỡ

Kiểm tra, sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng

08

Mô tơ nghiền cắt

Tiến hành kiểm tra tốc độ theo yêu cầu của hang. Sửa chữa khi gặp sự cố

03 tháng hoặc sớm hơn khi gặp sự cố

09

Trục truyền động

Kiểm tra, sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng

10

Bộ phận mát động cơ và bộ phận phát vi sóng

Bình chứa nước cất làm mát cho chiller

Kiểm tra, thay mới nếu hư hỏng

03 tháng

11

Hệ thống đường ống tuần hoàn nước làm mát

Kiểm tra, sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng

12

Máy in kết quả

Cartridge

Kiểm tra, thay mới nếu hết hoặc hư hỏng

03 tháng

13

Giấy in

Kiểm tra, thay mới nếu hết hoặc hư hỏng

03 tháng

14

Hệ thống tản nhiệt rác khi quá nhiệt

Máy bơm tạo áp lực

Kiểm tra, sửa chữa bộ phận bị hư. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng hoặc sớm hơn khi gặp sự cố

15

Ngõ phun nước làm mát nước

Kiểm tra các van điều khiển, các ống dẫn nước. Thay mới nếu hư hỏng không thể khắc phục

03 tháng hoặc sớm hơn khi gặp sự cố

6. Quản lý chất thải y tế sau khi qua xử lý tại 2 cụm

- Những chất thải y tế nguy hại đã qua xử lý tại 2 cụm với công nghệ vi sóng, đảm bảo các thông số theo QCVN 55:2013/BTNMT thì được coi là chất thải y tế thông thường, chất thải sinh hoạt và được Công ty Môi trường đô thị thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với chất thải sinh hoạt, thông thường.

- Để đảm bảo các chất thải y tế nguy hại sau khi xử lý đạt QCVN 55:2013/BTNMT, các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại phải thực hiện kiểm định chất lượng chất thải sau xử lý theo các tiêu chuẩn quy định, gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Công ty Môi trường đô thị định kỳ theo đúng quy định.

- Các cụm sẽ trực tiếp thỏa thuận với Công ty Môi trường đô thị của huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm sau khi xử lý bằng công nghệ vi sóng tại 2 cụm xử lý Bệnh viện Y dược cổ truyền và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi đạt QCVN 55:2013/BTNMT đi xử lý tại bãi rác và thống nhất đơn giá thu gom, vận chuyển theo đơn giá của chất thải thông thường.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí cho công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm

- Đối với phần kinh phí dành cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển nội bộ, lưu giữ chất thải trong các cơ sở y tế, chi phí đào tạo, tập huấn về quản lý chất thải y tế cho nhân viên y tế... do các cơ sở y tế chịu trách nhiệm.

- Đối với kinh phí vận chuyển chất thải từ các cơ sở y tế về các cụm xử lý chất thải, chi phí xử lý chất thải y tế, chi phí chôn lấp chất thải sau xử lý đạt QCVN 55:2013/BTNMT và thực hiện các quy định khác để vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại được xây dựng trên cơ sở tổng thu đủ bù tổng chi và trên cơ sở thỏa thuận giá giữa các cơ sở xử lý chất thải trong cụm và cơ sở thuê xử lý chất thải trong cụm.

- Việc định giá xử lý cho mỗi kilogam chất thải y tế nguy hại tại 2 cụm Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi được xây dựng trên cơ cấu giá thực tế, có tính đến các giá trị thay đổi theo giá thị trường như nhiên liệu, vật tư tiêu hao, thuê nhân công, chi phí bảo dưỡng, bảo trì,...

2. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch

- Kinh phí sự nghiệp môi trường cho các đơn vị

- Kinh phí thường xuyên của các đơn vị

- Kinh phí từ nguồn thu từ các cơ sở y tế có xử lý chất thải y tế trong cụm theo thỏa thuận giữa 2 bên và theo các quy định hiện hành.

- Kinh phí tự chủ của các đơn vị y tế tư nhân chi trả cho hoạt động chuyển giao, xử lý chất thải y tế.

- Kinh phí từ nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này và việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quản lý chất thải nguy hại, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định quản lý chất thải y tế và các quy định khác có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trong cụm theo quy định về quản lý chất thải y tế nguy hại theo các nội dung tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

- Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về thay đổi trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Hàng năm tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh và đề xuất với UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

- Trường hợp lượng chất thải y tế nguy hại xử lý tại cụm vượt quá công suất xử lý của 2 cụm, tổng hợp và đề xuất phương án, kế hoạch xử lý điều chỉnh hoặc thay thế kế hoạch này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các ngành liên quan hướng dẫn, giám sát công tác thu gom và sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm theo đúng tuyến và phạm vi thu gom, vận chuyển đã được phê duyệt trong Kế hoạch và quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quản lý chất thải nguy hại, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định quản lý chất thải y tế và các quy định khác có liên quan.

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trong cụm theo quy định về quản lý chất thải y tế nguy hại theo các nội dung tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; lồng ghép cân đối nguồn chi sự nghiệp y tế của ngành để thực hiện Kế hoạch này theo khả năng cân đối ngân sách địa phương và đúng quy định.

4. Công an tỉnh

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Đào tạo cho nhân viên y tế thuộc ngành công an về quản lý chất thải y tế và chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất thải y tế theo quy định.

5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đào tạo cho nhân viên y tế thuộc ngành của mình và chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất thải y tế theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế, các quy định về pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở y tế và các đối tượng có liên quan trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn và việc thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế về cụm để xử lý.

7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế

Thực hiện các quy định tại Điều 23 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế

Thực hiện các quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

Trên đây là Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện để công tác quản lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có phát sinh vướng mắc các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế) xem xét, điều chỉnh bổ sung kịp thời./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu: 1024/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Lê Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 27/09/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Văn bản liên quan cùng nội dung - [11]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…