UBND
TP ĐÀ NẴNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 236/QĐ-TSNL |
Đà Nẵng, ngày 09 tháng 05 năm 1997 |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG
GIÁM ĐỐC SỞ THỦY SẢN NÔNG LÂM TP ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển
rừng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày
12-8-1991;
Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-KT ngày 31-3-1993 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) ban hành quy
phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa
(QPN 14-92);
Căn cứ Quyết định số 927/QĐ ngày 29/8/1994 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) ban hành quy chế
về khai thác gỗ, củi, tre nứa;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-UB ngày 03-01-1997 của UBND LT thành phố Đà Nẵng về việc
thành lập Sở Thủy sản Nông lâm;
Để thống nhất quản lý về khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Sở Thủy sản Nông lâm thành phố quy định:
1. Đối tượng rừng khai thác
- Tất cả rừng trồng (tập trung, phân tán) từ các nguồn vốn của mọi tổ chức, cá nhân (trừ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung) khi đến tuổi thành thục đều có thể xin khai thác theo kế hoạch của Sở Thủy sản Nông lâm.
- Tuổi thành thục tối thiểu để khai thác (tính từ lúc gieo trồng hoặc tái sinh đến thời điểm khai thác) là:
Rừng keo (các loại): 6 tuổi
Rừng bạch đàn trồng bằng cây con (còn gọi là rừng bạch đàn hạt): 7 - 8 tuổi.
Rừng bạch đàn tái sinh chổi: 5 - 6 tuổi.
Rừng phi lao: 10 tuổi
2. Thủ tục khai thác:
a. Đối với rừng trồng tập trung bằng mọi nguồn vốn có diện tích từ 1 ha trở lên, khi đến tuổi khai thác, chủ rừng phải hoàn tất các thủ tục sau đây trước khi được Sở Thủy sản Nông lâm cấp giấy phép mở rừng:
- Có tờ trình xin khai thác, gởi Sở Thủy sản Nông lâm.
- Lập hồ sơ thiết kế khai thác rừng trồng và tái tạo rừng, do Sở Thủy sản Nông lâm phê duyệt.
- Làm nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất theo luật định và các nghĩa vụ khác theo quy định của thành phố.
Sau khi được cấp giấy phép mở rừng, chủ rừng phải xuất trình các hồ sơ nói trên cho Hạt kiểm lâm sở tại trước lúc khai thác. Hạt kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra quá trình khai thác theo giấy phép, lập biên bản nghiệm thu và đóng rừng sau khai thác, theo dõi và kiểm tra việc tái tạo rừng theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
b. Đối với rừng trồng có diện tích dưới 1 ha, cây trồng phân tán hoặc trồng trong vườn nhà, trước khi khai thác chủ rừng phải làm đơn có xác nhận của UBND xã, phường, gởi Hạt kiểm lâm sở tại để giải quyết. Hạt kiểm lâm có trách nhiệm xác định chủ rừng, địa điểm; kiểm tra tuổi rừng khai thác, diện tích, số lượng cây, loài cây và sản lượng lâm sản sẽ khai thác; theo dõi quá trình khai thác; hướng dẫn và kiểm tra việc tái tạo rừng sau khai thác.
Cả 2 trường hợp nói trên, các Hạt kiểm lâm phải gởi báo cáo kết quả về Chi cục Kiểm lâm thành phố, Chi cục Kiểm lâm tổng hợp và báo cáo Sở Thủy sản Nông lâm theo định kỳ hằng quý.
3. Phương thức khai thác:
- Khai thác trắng toàn diện: Áp dụng đối với rừng thuần loại bạch đàn và rừng hỗn giao bạch đàn + keo trồng nơi đất dốc dưới 150 hoặc nơi không có yêu cầu phòng hộ.
- Khai thác trắng theo băng: Áp dụng đối với rừng thuần loại keo, phi lao; riêng rừng thuần loại bạch đàn và rừng hỗn giao bạch đàn + keo được áp dụng đối với những nơi đất dốc từ 150 - 250 hoặc những nơi có yêu cầu phòng hộ. Tùy theo độ dốc, băng chặt và băng chừa có thể có bề rộng bằng nhau và rộng không quá 30 m nhưng phải bảo đảm nơi chân đồi và đỉnh đồi phải có băng chừa để chống xói mòn. Ở vùng đồi, băng được bố trí song song với đường đồng mức; ở vùng cát, băng được bố trí thẳng góc với hướng gió chính.
4. Thiết kế khai thác rừng trồng và tái tạo rừng:
Phương án thiết kế do chủ rừng lập nên phải được UBND cấp xã, phường (hoặc hợp tác xã nông nghiệp) đồng ý cho khai thác (ngoại trừ rừng của lâm trường, nông trường quốc doanh) và Hạt kiểm lâm sở tại kiểm tra xác nhận trước khi trình Sở TSNL phê duyệt.
Nội dung cụ thể của phương án thiết kế được hướng dẫn tại phụ lục đính kèm quy định này.
Hồ sơ thiết kế được đóng thành 6 tập, mỗi tập phải kèm theo: Tờ trình xin phê duyệt (đính ở trang đầu, do đơn vị thiết kế và chủ rừng cùng ký tên), Bản đồ thiết kế kỹ thuật tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000 (đính ở trang cuối, tỷ lệ bản đồ thay đổi tùy theo diện tích thiết kế khai thác lớn hay nhỏ).
Hằng năm, các chủ rừng phải hoàn tất phương án thiết kế trước ngày 30-8 và gửi về Sở TSNL để trình duyệt, chuẩn bị cho kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng năm sau. Riêng năm 1997, do nhiều điều kiện khách quan nên vừa xúc tiến duyệt thiết kế khai thác gỗ rừng trồng năm 1998 (từ năm đến 30-8-1997) đồng thời với duyệt thiết kế khai thác và cấp giấy phép mở rừng khai thác gỗ rừng trồng năm 1997.
Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
|
SỞ
THỦY SẢN NÔNG LÂM TP ĐÀ NẴNG |
PHỤ LỤC
(Kèm theo Quy định số 236/QĐ-TSNL ngày 09-5-1997 của Sở Thủy sản Nông lâm thành phố Đà Nẵng về việc khai thác gỗ rừng trồng)
PHƯƠNG
ÁN THIẾT KẾ KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG VÀ TÁI TẠO RỪNG BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG SAU:
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Nêu những căn cứ, mục tiêu và sự cần thiết phải khai thác.
II. NỘI DUNG:
1. Địa điểm tình hình khu rừng khai thác:
- Điều kiện tự nhiên: Vị trí địa lý (tọa độ địa lý, ranh giới tứ cận), Loài cây, Năm trồng, Số hiệu lô/khoảnh và diện tích, Địa hình địa thế và đất đai, Khí hậu - thủy văn, Giao thông.
(Đính kèm biểu số 1: Thống kê diện tích khai thác gỗ rừng trồng theo loài cây, năm trồng).
- Địa điểm tài nguyên: Hiện trạng rừng thể hiện qua các chỉ tiêu bình quân về chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính ngang ngực, mật độ (số cây/ha), trữ lượng, tỷ lệ lợi dụng và sản lượng thương phẩm tính theo gỗ nguyên liệu giấy và củi (Với hình số f = 0,45 - 0,5; tỷ lệ lợi dụng cho gỗ nguyên liệu giấy là 50 - 60% và cho củi là 10 - 15%).
(Đính kèm biểu số 2: Tổng hợp đặc điểm tài nguyên theo loài cây, năm trồng, tính từng lô và tổng cộng)
2. Biện pháp kỹ thuật khai thác:
a. Phương thức khai thác: Căn cứ điều kiện tự nhiên của khu rừng khai thác và yêu cầu phòng hộ để xác định phương thức phù hợp (khai thác trắng toàn diện hoặc theo băng).
b. Phương thức khai thác: Tiến hành khai thác dứt điểm từng lô từ gần đến xa theo hình thức cuốn chiếu để dễ quản lý sản phẩm và thuận tiện cho công tác vệ sinh rừng. Riêng trường hợp khai thác trắng theo băng, phải nêu rõ cách bố trí băng chặt, băng chừa (bề rộng băng, số băng trên từng lô cụ thể …)
c. Kỹ thuật chặt hạ: Nêu rõ những yêu cầu cần thiết nhằm bảo đảm tái sinh chồi sau khai thác đối với rừng bạch đàn hạt và rừng bạch đàn chồi chu kỳ 1: Độ cao gốc chặt bằng 1/3 đường kính gốc chặt. Chặt xong phải sửa ngay bề mặt gốc chặt cho nhẵn và vát. Không được để gốc chặt bị nứt toác, bong vỏ, xước râu tôm. Việc sửa gốc chặt phải hoàn thành trong vòng 10 - 15 ngày sau khi khai thác xong.
Riêng đối với rừng trồng lại sau khai thác, cần ghi rõ: đào gốc cũ để trồng lại trên toàn bộ diện tích.
d. Vệ sinh rừng và nghiệm thu rừng sau khai thác:
- Sau khi chặt hạ xong, phải tiến hành vệ sinh rừng, cụ thể là: chuyển hết cành nhánh lớn ra khỏi rừng để tận thu làm củi, phần còn lại (lá, vỏ, cành nhánh nhỏ …) không tận thu phải được dọn sạch, đưa ra ngoài rừng gom thành đống hoặc tập trung trong rừng ở nơi không có gốc chặt bạch đàn để đốt. Chú ý biện pháp đề phòng cháy lan.
- Chậm nhất là 1 tháng sau khi chặt hạ, chủ rừng phải mời Hạt kiểm lâm sở tại tiến hành kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu sau khai thác và đóng rừng, đưa rừng vào bảo vệ và tái tạo.
e. Biện pháp tổ chức thi công
f. Quản lý bảo vệ rừng sau khai thác: Nêu biện pháp cụ thể đối với trường hợp khai thác trắng theo băng để chừa tuyệt đối không bị lợi dụng chặt phá bừa bãi.
3. Biện pháp tái tạo rừng:
3a. Đối với rừng thuần loại:
Chọn 1 trong 2 biện pháp tái tạo rừng sau đây:
3a1. Tái sinh chồi: Áp dụng đối với rừng thuần loại bạch đàn chồi và bạch đàn chồi chu kỳ 1 có mật độ 800 cây/ha trở lên, phân bố đều trên diện tích lô, thực hiện trong 2 năm:
Năm thứ I:
Trồng dặm bằng cây con (túi bầu) ở những nơi có khoảng trống từ 500 m2 trở lên, tiến hành vào thời vụ trồng rừng.
Tỉa chồi lần thứ I khi cây chồi cao 15 - 20 cm, mỗi gốc mẹ chỉ để lại 4 - 5 chồi (nằm sát mặt đất, có sức sinh trưởng mạnh và thẳng).
Tỉa chồi lần thứ II khi cây chồi cao trên 50cm, mỗi gốc mẹ chỉ để lại 1 - 2 chồi.
Chăm sóc rừng chồi 2 lần/năm (lần thứ I ngay sau khi khai thác, lần thứ II vào trước mùa mưa): Phát sạch dây leo, cây bụi chèn ép cây chồi, cuốc xới đất vun gốc cho cây chồi (cuốc xới sâu 10 - 15 cm, trong phạm vi hình tròn có đường kính 80cm quanh gốc cây).
Năm thứ II:
Tiến hành chăm sóc một lần vào đầu mùa mưa với biện pháp kỹ thuật như chăm sóc rừng trồng năm thứ I.
Trong thời gian 3 năm đầu sau khi thực hiện cần ngăn chặn việc thả trâu, bò, chặt củi trong rừng chồi, đồng thời phải có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
3a2. Trồng lại rừng: Áp dụng trồng lại rừng mới toàn bộ đối với rừng thuần loại keo, phi lao và bạch đàn chồi chu kỳ 2; trồng dặm lớn đối với rừng thuần loại bạch đàn hạt và bạch đàn chồi chu kỳ 1 có mật độ dưới 800 cây/ha, phân bố không đều trên diện tích lô.
Các nội dung biện pháp kỹ thuật trồng lại rừng phải tuân thủ quy trình hoặc hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng các loài cây tương ứng. Cần trình bày cụ thể các nội dung này như đối với một phương án thiết kế trồng rừng.
3b. Đối với rừng hỗn giao: Tùy theo loài cây khai thác để xác định biện pháp tái tạo rừng phù hợp:
- Nếu khai thác những băng bạch đàn hạt và bạch đàn chồi chu kỳ 1, biện pháp tái tạo rừng được áp dụng là tái sinh chồi.
- Nếu khai thác những băng rừng keo và bạch đàn chu kỳ 2, biện pháp tái tạo rừng được áp dụng là trồng lại rừng bằng loài cây tương ứng với nội dung biện pháp kỹ thuật như trồng rừng mới.
3c. Biện pháp tổ chức thực hiện
4. Đầu tư:
Nêu cụ thể tổng chi phí sản xuất (Đính kèm biểu số 3a: Công đầu tư cho 1 đơn vị sản phẩm, và biểu số 3b: Tổng hợp công đầu tư khai thác), giá thành đơn vị sản phẩm (Đính kèm biểu số 4: Dự toán giá thành 1 đơn vị sản phẩm).
5. Hiệu quả:
Nêu cụ thể phần trích nộp ngân sách, chi phí tái tạo rừng, tổng chi phí, tổng doanh thu, lợi nhuận.
III. KẾT LUẬN
Chú ý:
Đính kèm nội dung thuyết minh trên đây là các biểu số 1, 2, 3a, 3b, 4 và bản đồ thiết kế. Bản đồ thiết kế có tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000, thể hiện đầy đủ và chính xác địa hình, ranh giới lô/khoảnh, khung tọa độ, vị trí khu vực, chú thích và các khung để ký duyệt.
Quy định 236/QĐ-TSNL về khai thác gỗ rừng trồng do Giám đốc Sở Thủy sản Nông lâm thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: | 236/QĐ-TSNL |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký: | Trần Thạch |
Ngày ban hành: | 09/05/1997 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quy định 236/QĐ-TSNL về khai thác gỗ rừng trồng do Giám đốc Sở Thủy sản Nông lâm thành phố Đà Nẵng ban hành
Chưa có Video