Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

CỦA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Kyoto protocol

to the united nations framework convention on climate change

Cùng bạn đọc

Các Điều của Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu không có tiêu đề; các tiêu đề dưới đây chỉ nhằm mục đích giúp bạn đọc trong tra cứu.

Phần mở đầu

1. Các định nghĩa

2. Các chính sách và biện pháp

3. Các cam kết hạn chế và giảm phát thải theo định lượng

4. Việc cùng nhau hoàn thành các cam kết

5. Các vấn đề phương pháp

6. Việc chuyển giao và tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải (cùng thực hiện)

7. Thông báo các thông tin

8. Duyệt lại thông tin

9. Duyệt lại Nghị định thư

10. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết hiện có

11. Cơ chế tài chính

12. Cơ chế phát triển sạch

13. Hội nghị các Bên phục vụ như là cuộc họp của các Bên của Nghị định thư

14. Ban thư ký

15. Các cơ quan bổ trợ

16. Quá trình tư vấn đa phương

17. Mua bán quyền phát thải

18. Việc không tuân thủ

19. Dàn xếp bất đồng

20. Các sửa đổi

21. Chấp nhận và sửa đổi các phụ lục

22. Quyền bầu phiếu

23. Người lưu trữ

24. Ký và phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập

25. Việc có hiệu lực

26. Các bảo lưu

27. Việc rút khỏi Nghị định thư

28. Các văn bản xác thực

Phụ lục A: Các khí nhà kính và phân loại lĩnh vực/nguồn

Phụ lục B: Các cam kết hạn chế hoặc giảm phát thải theo định lượng của các Bên

 

Nghị quyết của Cuộc họp các Bên không thuộc văn kiện Nghị định thư Kyoto nhưng được đưa vào để cung cấp những thông tin cần thiết cho việc chấp thuận và thi hành Nghị định thư

Nghị quyết 1/CP.3: Việc chấp thuận Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu

Nghị quyết 2/CP.3: Các vấn đề phương pháp liên quan tới Nghị định thư Kyoto

Nghị quyết 3/CP.3: Việc thi hành Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước

Bảng về tổng lượng các phát thải carbon dioxide của các Bên thuộc Phụ lục I năm 1990, nhằm các mục đích của Điều 5 của Nghị định thư Kyoto.

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

CỦA CÔNG ƯỚC KHUNG LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

Các bên của Nghị định thư này,

Là các Bên của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), dưới đây gọi tắt là “Công ước“,

Theo đuổi mục tiêu cuối cùng của Công ước như đã nêu ở Điều 2,

Nhắc lại những điều khoản của Công ước,

Được định hướng theo Điều 3 của Công ước,

Tuân thủ Cam kết Berlin được thông qua bởi nghị quyết 1/CP.1 của Hội nghị các Bên của Công ước tại khoá họp thứ nhất,

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1

Để phục vụ các mục đích của Nghị định thư này, sẽ áp dụng những định nghĩa trong Điều 1 của Công ước. Ngoài ra:

1. “Hội nghị các Bên“ là cuộc họp các Bên của Công ước.

2. “Công ước“ là Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, được thông qua ở New York ngày 9 tháng 5 năm 1992.

3. “Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu“ (IPCC) là Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu được thành lập năm 1988 bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc.

4. "Nghị định thư Montreal“ là Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn, được thông qua ở Montreal ngày 16 tháng 9 năm 1987 và đã được sửa đổi và bổ sung sau đó.

5. “Các Bên có mặt và bỏ phiếu“ là các Bên có mặt và bỏ phiếu khẳng định hay phủ định.

6. Trừ phi có chỉ định khác trong ngữ cảnh, “Bên“ có nghĩa là một Bên của Nghị định thư này.

7. “Bên thuộc Phụ lục I” là một Bên thuộc Phụ lục I của Công ước, có thể được sửa đổi, hoặc một Bên đã thông báo theo Điều 4, khoản 2(g) của Công ước.

Điều 2

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I, trong quá trình đạt tới những cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng theo Điều 3, nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững, sẽ:

a) Thực hiện và/hoặc tiếp tục hoàn thiện các chính sách và biện pháp phù hợp với tình hình trong nước mình như:

i) Nâng cao hiệu suất năng lượng trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế quốc dân;

ii) Bảo vệ và tăng cường các bể chứa và bể hấp thụ các khí nhà kính không

bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, có tính đến những cam kết theo các hiệp định môi trường quốc tế liên quan; đẩy mạnh các công tác quản lý rừng bền vững, trồng rừng và khôi phục rừng;

iii) Đẩy mạnh các phương thức canh tác nông nghiệp bền vững xét về mặt biến đổi khí hậu;

iv) Nghiên cứu và đẩy mạnh, phát triển và tăng cường sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo được, các công nghệ thu hồi carbon dioxide và các công nghệ tiên tiến và sáng tạo lành mạnh cho môi trường;

v) Giảm dần hoặc loại trừ dần những sai lệch của thị trường, những khuyến khích về tài chính, miễn trừ thuế và các trợ giá trong mọi lĩnh vực phát thải khí nhà kính đi ngược lại mục tiêu của Công ước và việc áp dụng các công cụ thị trường;

vi) Khuyến khích các cải cách phù hợp trong các lĩnh vực thích hợp nhằm tăng cường các chính sách và biện pháp hạn chế hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal;

vii)Các biện pháp hạn chế và/hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal trong lĩnh vực vận tải;

viii)Hạn chế và/ hoặc giảm phát thải mêtan thông qua thu hồi và sử dụng trong quản lý chất thải, cũng như trong sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng;

b) Hợp tác với các Bên khác nhằm tăng cường tính hiệu quả đơn lẻ và hỗn hợp của các chính sách và biện pháp của mình được thông qua theo Điều này, căn cứ vào Điều 4, mục 2(e)(i), của Công ước. ở đây, các Bên này sẽ tiến hành các bước để trao đổi kinh nghiệm và thông tin về các chính sách và biện pháp đó, bao gồm việc triển khai các cách nhằm nâng cao khả năng so sánh, tính minh bạch và hiệu quả. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện sau đó, sẽ xem xét các phương thức để tạo điều kiện cho sự hợp tác như vậy, có tính đến mọi thông tin liên quan.

2. Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ tiến hành việc hạn chế hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, từ các bể chứa nhiên liệu của ngành hàng không và trên các tàu biển, hoạt động thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế tương ứng.

3. Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ phấn đấu thực hiện các chính sách và biện pháp thuộc Điều này theo phương thức nhằm giảm tối thiểu các tác động có hại, bao gồm các ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu, các ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, và các tác động về xã hội, môi trường và kinh tế đối với các Bên khác, đặc biệt các Bên là nước đang phát triển và nhất là các Bên được xác định trong Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước, có tính đến Điều 3 của Công ước. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này có thể có hành động tiếp, thích hợp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các khoản của mục này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, nếu quyết định rằng sẽ có lợi khi điều phối bất kỳ chính sách và biện pháp trong mục 1(a) nói trên, có tính đến các tình trạng khác nhau của các quốc gia và các ảnh hưởng tiềm tàng, sẽ xem xét các đường lối và biện pháp để hoàn thiện việc điều phối các chính sách và biện pháp như vậy.

Điều 3

1. Các Bên thuộc Phụ lục I, đơn phương hoặc phối hợp, sẽ bảo đảm rằng toàn bộ các phát thải khí nhà kính tương đương carbon dioxide do con người gây ra, được liệt kê trong Phụ lục A không vượt quá lượng đã định của mình, được tính theo các cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng đã ghi trong Phụ lục B và phù hợp với các khoản của Điều này, với mục đích giảm tổng lượng phát thải của các khí đó ít nhất 5 phần trăm dưới mức năm 1990 trong thời kỳ cam kết từ 2008 đến 2012.

2. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I vào năm 2005 phải có những tiến bộ rõ ràng trong việc đạt được những cam kết theo Nghị định thư này.

3. Những thay đổi cuối cùng về sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ do kết quả của thay đổi sử dụng đất do con người trực tiếp gây ra và các hoạt động về lâm nghiệp, chỉ tính tới việc trồng rừng, khôi phục rừng và phá rừng từ năm 1990, được tính như những thay đổi có thể xác minh được về tổng lượng carbon trong mỗi thời kỳ cam kết, sẽ được sử dụng để đáp ứng những cam kết theo Điều này của mỗi Bên thuộc Phụ lục I. Sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ đi đôi với những hoạt động đó sẽ được báo cáo một cách minh bạch, xác minh được và được duyệt lại phù hợp với Điều 7 và 8.

4. Trước khoá họp đầu tiên của hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ cung cấp cho Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ xem xét các số liệu nhằm thiết lập mức tổng lượng carbon của mình trong năm 1990 và để tạo điều kiện đánh giá về những thay đổi của mình về tổng lượng carbon trong những năm tiếp theo. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện được sau đó, sẽ quyết định về các phương thức, qui tắc và các hướng dẫn về việc các hoạt động do con người gây ra thêm, liên quan tới những thay đổi về sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ trong đất nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất và các thể loại lâm nghiệp, sẽ được tính thêm vào hoặc trừ đi ra sao từ tổng lượng đã chỉ định cho các Bên thuộc Phụ lục I, có tính đến những sự không chắc chắn, sự minh bạch trong báo cáo, kiểm chứng, Công tác về phương pháp của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, tư vấn của Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ theo Điều 5 và những nghị quyết của Hội nghị các Bên. Một nghị quyết như vậy sẽ áp dụng trong các thời kỳ cam kết thứ hai và tiếp theo đó. Một Bên có thể chọn áp dụng một nghị quyết như vậy đối với những hoạt động do con người gây ra thêm cho thời kỳ cam kết đầu tiên của mình, miễn là những hoạt động đó diễn ra từ năm 1990.

5. Các Bên thuộc Phụ lục I đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường mà năm hoặc thời kỳ cơ sở đã được thiết lập theo nghị quyết 9/CP.2 của Hội nghị các Bên khoá hai sẽ sử dụng năm hoặc thời kỳ cơ sở đó cho việc thực hiện các cam kết của mình theo Điều này. Bất kỳ Bên nào khác thuộc Phụ lục I, đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường, chưa nộp thông báo quốc gia đầu tiên của mình theo Điều 12 của Công ước cũng có thể thông báo cho Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này của mình dự định sử dụng một năm hoặc thời kỳ cơ sở lịch sử khác với năm 1990 để thực hiện các cam kết của mình theo Điều này. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ quyết định về việc chấp thuận thông báo như vậy.

6. Khi xem xét Điều 4, mục 6 của Công ước, về việc thực hiện các cam kết của mình theo Nghị định thư này ngoài những cam kết theo Điều này, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ cho phép một mức độ mềm dẻo nhất định đối với các Bên thuộc Phụ lục I đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường.

7. Trong thời kỳ cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng đầu tiên, từ năm 2008 đến 2012, lượng chỉ định cho mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ bằng số phần trăm quy cho Bên đó trong Phụ lục B về tổng lượng phát thải tích luỹ tương đương carbon dioxide do con người gây ra của các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A năm 1990, hoặc năm hay thời kỳ cơ sở được xác định theo mục 5 trên, nhân với năm. Những Bên thuộc Phụ lục I mà sự thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp tạo thành nguồn phát thải khí nhà kính thuần trong năm 1990 sẽ đưa vào trong năm hoặc thời kỳ cơ sở phát thải năm 1990 của mình tổng lượng phát thải tương đương carbon dioxide do con người gây ra bởi các nguồn trừ đi sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ trong năm 1990 vào thay đổi sử dụng đất nhằm những mục đích tính toán lượng chỉ định của mình.

8. Bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I có thể sử dụng năm 1995 làm năm cơ sở cho các hydro fluorocarbon, perfluorocarbon and sulphur hexafluoride cho các mục đích tính toán nói đến ở mục 7 trên.

9. Những cam kết cho các thời kỳ tiếp theo đối với các Bên thuộc Phụ lục I sẽ được thiết lập trong các sửa đổi của Phụ lục B của Nghị định thư này, sẽ được thông qua phù hợp với các điều khoản của Điều 21, mục 7. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ bắt đầu xem xét các cam kết như vậy ít nhất bẩy năm trước khi kết thúc thời kỳ cam kết đầu tiên đề cập tại mục 1 ở trên.

10. Bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào, hoặc bất kỳ phần nào của lượng chỉ định mà một Bên tiếp nhận từ một Bên khác, phù hợp với các khoản của Điều 6 hoặc Điều 17 sẽ được cộng vào lượng chỉ định cho Bên tiếp nhận.

11. Bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào, hoặc bất kỳ phần nào của lượng chỉ định mà một Bên chuyển giao cho một Bên khác, phù hợp với các khoản của Điều 6 hoặc Điều 17 sẽ được trừ khỏi lượng chỉ định cho Bên chuyển giao.

12. Bất kỳ sự giảm phát thải được xác nhận nào mà một Bên tiếp nhận từ một Bên khác phù hợp với các khoản của Điều 12 sẽ được cộng thêm vào lượng chỉ định cho Bên tiếp nhận.

13. Nếu những phát thải của một Bên thuộc Phụ lục I trong một thời kỳ cam kết ít hơn lượng chỉ định của mình theo Điều này, sự chênh lệch đó, theo yêu cầu của Bên đó, được cộng thêm vào lượng chỉ định cho Bên đó trong các thời kỳ cam kết tiếp theo.

14. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết nêu trong mục 1 nói trên để giảm thiểu các tác động có hại về mặt xã hội, môi trường và kinh tế đối với các Bên nước đang phát triển, đặc biệt các Bên được xác định trong Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước. Tuỳ theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên về việc thực hiện các mục đó, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá đầu tiên, sẽ xem xét những hành động cần thiết để giảm thiểu những tác động có hại của biến đổi khí hậu và/hoặc các tác động của các biện pháp ứng phó đối với các Bên nói tới trong các mục này. Trong các vấn đề được xem xét sẽ có việc thiết lập quĩ, việc bảo hiểm và chuyển giao công nghệ.

Điều 4

1. Bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I đã đạt được một thoả thuận hoàn thành các cam kết của mình theo Điều 3 trên cơ sở phối hợp sẽ được coi như đã đáp ứng các cam kết đó miễn là tổng lượng phối hợp phát thải tích luỹ tương đương carbon dioxide do con người gây ra của các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A không vượt quá các lượng chỉ định, tính theo các cam kết giảm và hạn chế phát thải định lượng của mình, được ghi trong Phụ lục B và phù hợp với các khoản của Điều 3. Mức phát thải tương ứng được qui cho mỗi Bên của thoả thuận sẽ được nêu trong thoả thuận đó.

2. Các Bên của bất kỳ thoả thuận nào như vậy sẽ thông báo cho Ban thư ký về các khoản thoả thuận vào ngày lưu chiểu các văn bản phê chuẩn, chấp thuận hay tán thành hoặc gia nhập Nghị định thư này. Về phần mình, Ban thư ký sẽ thông báo cho các Bên và những người ký Công ước về các điều khoản của thoả thuận đó.

3. Bất kỳ thoả thuận nào như vậy sẽ vẫn có tác dụng trong thời kỳ cam kết nêu trong Điều 3, mục 7.

4. Nếu các Bên hành động phối hợp thực hiện như vậy trong khuôn khổ và cùng một tổ chức liên kết kinh tế khu vực, bất kỳ sự thay đổi nào trong thành phần của tổ chức sau khi tán thành Nghị định thư này sẽ không ảnh hưởng đến các cam kết đã có theo Nghị định thư. Bất kỳ sự thay đổi nào trong thành phần của tổ chức sẽ chỉ áp dụng cho các mục đích của các cam kết theo Điều 3 được thông qua sau sự thay đổi đó.

5. Trong trường hợp các Bên của thoả thuận đó không đạt được tổng mức giảm phát thải kết hợp, mỗi Bên của thoả thuận đó sẽ chịu trách nhiệm về mức phát thải của mình được xác định trong thoả thuận.

6. Nếu các Bên cùng thực hiện như vậy trong khuôn khổ, của và cùng với, một tổ chức liên kết kinh tế khu vực là một Bên của Nghị định này, mỗi nước thành viên của tổ chức liên kết kinh tế khu vực đó hành động riêng rẽ và cùng với tổ chức liên kết kinh tế khu vực đó, phù hợp với Điều 24, trong trường hợp không đạt được tổng mức giảm phát thải kết hợp, sẽ chịu trách nhiệm nhiệm về mức phát thải của mình như được thông báo theo Điều này.

Điều 5

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I, không muộn hơn một năm trước khi bắt đầu thời kỳ cam kết đầu tiên, sẽ phải có một hệ thống quốc gia để đánh giá sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal. Các hướng dẫn về các hệ thống quốc gia đó, bao gồm những phương pháp được định rõ trong mục 2 dưới đây, sẽ được quyết định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này tại khoá họp đầu tiên.

2. Các phương pháp nhằm đánh giá sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không do Nghị định thư Montreal kiểm soát sẽ được Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu tán thành và được Hội nghị các Bên tại khoá họp thứ ba đồng ý. ở nơi nào không sử dụng các phương pháp như vậy, sẽ áp dụng những điều chỉnh thích hợp theo các phương pháp được nhất trí bởi Hội nghị các Bên phục vụ như là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này tại khoá họp đầu tiên. Ngoài những vấn đề khác, dựa trên công tác của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và tư vấn của Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư sẽ thường xuyên duyệt lại, và khi thấy thích hợp, sẽ sửa đổi các phương pháp và điều chỉnh đó, có xem xét đầy đủ bất kỳ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên. Bất kỳ sửa đổi nào đối với các phương pháp hoặc điều chỉnh nào sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích nhằm đạt được sự tuân thủ các cam kết theo Điều 3 đối với bất kỳ thời kỳ cam kết nào được duyệt tiếp theo sau sửa đổi đó.

3. Các tiềm năng nóng lên toàn cầu, được sử dụng để tính mức tương đương carbon dioxide của những phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A, sẽ là những điều được tán thành bởi Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và đồng ý bởi Hội nghị các Bên tại khoá họp thứ ba. Ngoài những vấn đề khác, dựa trên Công tác của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và tư vấn của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư sẽ thường xuyên duyệt lại, và khi thấy thích hợp, sẽ sửa đổi các tiềm năng nóng lên toàn cầu của từng khí nhà kính như vậy, có xem xét đầy đủ bất kỳ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên. Bất kỳ sửa đổi nào đối với tiềm năng nóng lên toàn cầu nào sẽ chỉ áp dụng cho các cam kết theo Điều 3 đối với bất kỳ thời kỳ cam kết nào được duyệt sau sửa đổi đó.

Điều 6

1. Nhằm mục đích đáp ứng các cam kết theo Điều 3, bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I có thể chuyển giao cho, hoặc tiếp nhận từ bất kỳ một Bên khác như vậy, các đơn vị giảm phát thải do kết quả của các dự án nhằm giảm các phát thải do con người gây ra từ các nguồn hoặc tăng cường sự thủ tiêu do con người gây ra bởi các bể hấp thụ các khí nhà kính trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, miễn là:

a) Bất kỳ dự án nào như vậy có sự tán thành của các Bên tham dự;

b) Bất kỳ dự án tương tự nào làm giảm các phát thải bởi các nguồn, hoặc tăng cường sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ mà bổ sung cho bất cứ dự án nào không có tác động ngược lại;

c) Bên đó không tiếp nhận được bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào nếu không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Điều 5 và 7; và

d) Việc tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải sẽ bổ sung cho các hành động trong nước nhằm mục đích đáp ứng các cam kết theo Điều 3.

2. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này có thể, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện được sau đó, tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn cho việc thực hiện Điều này, bao gồm việc kiểm chứng và báo cáo.

3. Một Bên thuộc Phụ lục I có thể uỷ nhiệm cho các thực thể hợp pháp tham gia, theo các trách nhiệm của mình, vào những hành động dẫn tới việc phát sinh, chuyển giao hoặc tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải theo Điều này.

4. Nếu nhận thấy có vấn đề về việc một Bên thuộc Phụ lục I thực hiện các yêu cầu nêu trong Điều này theo các khoản liên quan của Điều 8, việc chuyển giao và tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải có thể tiếp tục được tiến hành sau khi vấn đề đã được xác định, miễn là các đơn vị như vậy không được dùng bởi một Bên để đáp ứng các cam kết theo Điều 3 cho tới khi mọi vấn đề về tuân thủ được giải quyết.

Điều 7

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ đưa vào kiểm kê hàng năm của mình sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, nộp theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, thông tin bổ sung cần thiết cho các mục đích bảo đảm sự tuân thủ Điều 3, được xác định phù hợp mục 4 dưới đây.

2. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ đưa vào thông báo quốc gia của mình, để nộp theo Điều 12 của Công ước, thông tin bổ sung cần thiết cho việc chứng minh sự tuân thủ cam kết theo Nghị định thư này, được xác định theo mục 4 dưới đây.

3. Hàng năm, mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ nộp thông tin theo yêu cầu mục 1 nói trên, bắt đầu bằng kiểm kê đầu tiên đúng theo Công ước cho năm đầu tiên của thời kỳ cam kết sau khi Nghị định thư này có hiệu lực đối với Bên đó. Mỗi Bên như vậy sẽ nộp thông tin theo yêu cầu của mục 2 nói trên như là một phần của thông báo quốc gia đầu tiên đúng theo Công ước sau khi Nghị định thư này có hiệu lực cho Bên đó và sau khi thông qua các hướng dẫn qui định tại mục 4 dưới đây. Khoảng cách giữa các lần nộp thông tin tiếp, theo yêu cầu của Điều này, sẽ được xác định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, có tính đến bất kỳ thời gian biểu nào cho việc nộp các thông báo quốc gia đã được quyết định bởi Hội nghị các Bên.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ thông qua tại khoá họp đầu tiên, và duyệt lại thường kỳ sau đó, các hướng dẫn cho việc chuẩn bị thông tin theo yêu cầu Điều này, có tính đến các hướng dẫn cho việc chuẩn bị các thông báo quốc gia của các Bên thuộc Phụ lục I, được thông qua bởi Hội nghị các Bên. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư cũng sẽ quyết định trước thời kỳ cam kết đầu tiên, các phương thức thanh toán các lượng chỉ định.

Điều 8

1. Thông tin nộp theo Điều 7 của mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ được duyệt lại bởi các nhóm chuyên viên duyệt, theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên và phù hợp với các chỉ dẫn được thông qua cho mục đích này bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này theo mục 4 dưới đây. Thông tin do mỗi Bên thuộc Phụ lục I nộp theo Điều 7, mục 1, sẽ được duyệt lại như là một phần tổng hợp hàng năm và tính toán về kiểm kê phát thải và các lượng chỉ định. Ngoài ra, thông tin do mỗi Bên thuộc Phụ lục I nộp theo Điều 7, mục 2 sẽ được duyệt như là một phần của đợt kiểm duyệt các thông báo quốc gia.

2. Các nhóm chuyên viên duyệt sẽ được điều phối bởi Ban thư ký và sẽ bao gồm các chuyên viên được lựa chọn từ những người được các Bên của Công ước chỉ định và, khi cần thiết, bởi các tổ chức liên chính phủ, phù hợp với hướng dẫn do Hội nghị các Bên đưa ra nhằm mục đích này.

3. Quá trình duyệt sẽ cung cấp một đánh giá kỹ thuật toàn diện và triệt để về mọi mặt việc thực hiện của một Bên Nghị định thư này. Các nhóm chuyên viên duyệt sẽ chuẩn bị một báo cáo cho Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, đánh giá việc thực hiện các cam kết của Bên đó và xác định bất kỳ các vấn đề tiềm tàng bên trong, và các nhân tố ảnh hưởng đến việc hoàn thành các cam kết. Những báo cáo như vậy sẽ được Ban thư ký gửi đến tất cả các Bên của Công ước. Ban thư ký sẽ liệt kê những vấn đề về việc thực hiện nêu trong các báo cáo đó để tiếp tục xem xét tại Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ thông qua tại khoá họp đầu tiên, và xem xét lại thường kỳ sau đó, các hướng dẫn do các nhóm chuyên viên duyệt về việc kiểm điểm việc thực hiện Nghị định thư này, có tính đến các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên.

5. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, với sự giúp đỡ của Ban Bổ trợ về việc thực hiện, và của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ, khi thích hợp, sẽ xem xét:

a) Thông tin do các Bên nộp theo Điều 7 và các báo cáo của các cuộc duyệt của chuyên viên ngay sau đó, tiến hành theo Điều này; và

b) Những vấn đề về thực hiện được Ban thư ký liệt kê theo mục 3 nói trên, cũng như bất kỳ các vấn đề nào do các Bên nêu ra.

6. Thể theo sự xem xét thông tin đề cập tại mục 5 nói trên, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ đưa ra các nghị quyết về mọi vấn đề cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này.

Điều 9

1. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ xem xét lại thường kỳ Nghị định thư này trên cơ sở thông tin khoa học tốt nhất có được, những đánh giá về biến đổi khí hậu và những tác động của nó, cũng như thông tin kỹ thuật, kinh tế và xã hội liên quan. Những sự xem xét lại này sẽ được đối chiếu với những xem xét trước theo Công ước, đặc biệt những xem xét theo yêu cầu của Điều 4, mục 2(d), và Điều 7, mục 2(a) của Công ước. Dựa trên những xem xét lại này, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ có hành động thích hợp.

2. Cuộc xem xét lại đầu tiên sẽ được tiến hành tại khoá họp lần thứ hai Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Những cuộc xem xét tiếp theo sẽ được thực hiện một cách thường kỳ và đúng hạn.

Điều 10

Tất cả các Bên, có xem xét những trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và các tình huống, mục tiêu và những ưu tiên phát triển đặc biệt của quốc gia và khu vực, không đưa thêm bất kỳ cam kết mới nào cho các Bên không thuộc Phụ lục I, nhưng một lần nữa khẳng định những cam kết hiện tại theo Điều 4, mục 1 của Công ước, và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện những cam kết nhằm đạt được sự phát triển bền vững, có xét đến Điều 4, mục 3, 5 và 7 của Công ước, sẽ:

a) Thiết lập, ở nơi thích hợp và ở mức độ có thể được, các chương trình quốc gia có tính chi phí-hiệu quả, và ở nơi thích hợp, các chương trình khu vực nhằm cải tiến chất lượng của các yếu tố phát thải địa phương, các số liệu hoạt động và/hoặc các mô hình phản ảnh các điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi Bên nhằm chuẩn bị và cập nhật thường kỳ đạt các kiểm kê quốc gia về sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, sử dụng các phương pháp so sánh do Hội nghị các Bên nhất trí, và nhất quán với các hướng dẫn chuẩn bị các thông báo quốc gia do Hội nghị các Bên thông qua;

b) Thiết lập, thực hiện, công bố và thường xuyên cập nhật các chương trình quốc gia, và các chương trình khu vực ở nơi thích hợp, với các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và các biện pháp nhằm tạo điều kiện đủ thích ứng với biến đổi khí hậu:

(i) Ngoài những vấn đề khác, những chương trình như vậy sẽ liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, vận tải và công nghiệp cũng như nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải. Hơn nữa, các công nghệ và phương pháp thích ứng nhằm cải thiện qui hoạch không gian sẽ cải thiện sự thích ứng với biến đổi khí hậu; và

(ii) Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ nộp thông tin về hành động theo Nghị định thư này, bao gồm các chương trình quốc gia, phù hợp với Điều 7; và các Bên khác sẽ tìm cách đưa vào các thông báo quốc gia của mình, khi thích hợp, thông tin về các chương trình có các biện pháp mà Bên đó tin là có đóng góp vào việc đối phó với biến đổi khí hậu và những tác động có hại của nó, gồm việc giảm nhẹ sự tăng phát thải khí nhà kính, và tăng thêm sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ, tăng cường năng lực và các biện pháp ứng phó;

c) Hợp tác trong việc đẩy mạnh các phương thức có hiệu quả nhằm phát triển, áp dụng và truyền bá, và tiến hành tất cả những bước thực tế để đẩy mạnh, tạo điều kiện dễ dàng và cấp tài chính khi thích hợp cho việc chuyển giao hoặc tiếp cận với các công nghệ lành mạnh về môi trường, kiến thức, tập quán và các quá trình thích hợp với biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, bao gồm việc thiết lập các chính sách và chương trình nhằm chuyển giao có hiệu quả các công nghệ lành mạnh về môi trường, thuộc sở hữu công cộng hoặc trong lĩnh vực công cộng và sự tạo ra một môi trường thuận lợi cho lĩnh vực tư nhân, nhằm đẩy mạnh và tăng cường việc chuyển giao và tiếp cận với các công nghệ lành mạnh về môi trường;

d) Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và đẩy mạnh việc duy trì và phát triển các hệ thống quan trắc có hệ thống và phát triển các kho lưu trữ số liệu nhằm giảm những bất trắc liên quan tới hệ thống khí hậu, những tác động có hại của biến đổi khí hậu và những hậu quả kinh tế và xã hội của các chiến lược ứng phó khác nhau, và đẩy mạnh sự phát triển và tăng cường nội lực và khả năng tham gia những nỗ lực quốc tế và liên chính phủ, các chương trình và mạng lưới nghiên cứu và quan trắc có hệ thống, có xét đến Điều 5 của Công ước;

e) Hợp tác và đẩy mạnh ở mức quốc tế, và khi thích hợp, sử dụng các tổ chức hiện có, phát triển và thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo, bao gồm việc tăng cường xây dựng năng lực quốc gia, đặc biệt năng lực của các tổ chức, nhân lực và việc trao đổi hoặc thuyên chuyển nhân sự để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này, đặc biệt cho các nước đang phát triển, và tạo điều kiện ở mức quốc gia về nhận thức và tiếp cận của công chúng đối với các thông tin về biến đổi khí hậu. Các phương thức thích hợp cần được phát triển để thực hiện các hoạt động này thông qua các tổ chức liên quan của Công ước, có xét đến Điều 6 của Công ước;

f) Đưa vào các thông báo quốc gia của mình các thông tin về các chương trình và hoạt động thực hiện theo Điều này, phù hợp với những nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên; và

g) Trong khi thực hiện những cam kết theo Điều này, có xem xét đầy đủ Điều 4, mục 8 của Công ước.

Điều 11

1. Trong việc thực hiện Điều 10, các Bên sẽ xem xét các khoản của Điều 4, mục 4, 5, 7, 8 và 9 của Công ước.

2. Trong khuôn khổ việc thực hiện Điều 4, mục 1 của Công ước, phù hợp với các khoản của Điều 4, mục 3, và Điều 11 của Công ước, và thông qua một thực thể hay nhiều thực thể được giao phó điều hành cơ chế tài chính của Công ước, các Bên nước phát triển và các Bên là nước phát triển khác thuộc Phụ lục II của Công ước sẽ:

a) Cung cấp các nguồn tài chính mới và bổ sung để đáp ứng đầy đủ các chi phí đã nhất trí do các Bên là nước đang phát triển đã chi trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết hiện có theo Điều 4, mục 1(a) của Công ước, được bao hàm trong Điều 10, tiểu mục (a); và

b) Cũng cung cấp các nguồn tài chính như vậy, kể cả đối với việc chuyển giao công nghệ, cần thiết cho các Bên nước đang phát triển để đáp ứng đầy đủ các chi phí gia tăng đã nhất trí để thúc đẩy thực hiện các cam kết hiện có theo Điều 4, mục 1 của Công ước, được bao hàm trong Điều 10, đã được nhất trí giữa một Bên nước đang phát triển và một hay nhiều thực thể quốc tế nêu ở Điều 11 của Công ước, phù hợp với Điều đó.

Việc thực hiện các cam kết hiện có sẽ tính đến yêu cầu về sự rót vốn đầy đủ và tính chất dự đoán được và tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng thích hợp giữa các Bên nước phát triển. Những hướng dẫn cho một hay nhiều thực thể được giao phó điều hành cơ chế tài chính của Công ước trong các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, bao gồm những nghị quyết được nhất trí trước khi thông qua Nghị định thư, sẽ áp dụng với các sửa đổi thích đáng về chi tiết đối với các khoản của mục này.

3. Các Bên nước phát triển và các Bên phát triển khác thuộc Phụ lục II của Công ước cũng có thể cung cấp, và các Bên nước đang phát triển sử dụng, các nguồn tài chính cho việc thực hiện Điều 10, thông qua các kênh song phương, khu vực và các kênh đa phương khác.

Điều 12

1. Một cơ chế phát triển sạch được định rõ dưới đây.

2. Mục đích của cơ chế phát triển sạch sẽ là nhằm giúp các Bên không thuộc Phụ lục I đạt được sự phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu cuối cùng của Công ước, và giúp các Bên thuộc Phụ lục I đạt được sự tuân thủ các cam kết của mình về giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều 3.

3. Theo cơ chế phát triển sạch:

a) Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ được lợi nhờ các hoạt động dự án đưa đến những sự giảm phát thải được chứng nhận; và

b) Các Bên thuộc Phụ lục I có thể sử dụng sự giảm phát thải được chứng nhận đạt được nhờ các hoạt động dự án như vậy để đóng góp vào việc tuân thủ một phần các cam kết của mình về giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều 3, như đã xác định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

4. Cơ chế phát triển sạch sẽ chịu sự điều hành và hướng dẫn của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này và sẽ được giám sát bởi một ban chấp hành về cơ chế phát triển sạch.

5. Những giảm phát thải do mỗi hoạt động dự án đem lại sẽ được xác nhận bởi các tổ chức tác nghiệp do Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này chỉ định, trên cơ sở của:

a) Sự tham gia tự nguyện được từng Bên liên quan tán thành;

b) Những lợi ích thực sự, có thể đo được và dài hạn liên quan đến việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu; và

c) Các giảm phát thải bổ sung vào bất kỳ sự giảm phát thải nào đạt được mà không có hoạt động dự án được xác nhận.

6. Cơ chế phát triển sạch sẽ giúp dàn xếp tài trợ cho các hoạt động dự án được xác nhận khi cần thiết.

7. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên sẽ hoàn thiện các phương thức và thủ tục với mục đích bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả và độ tin cậy, thông qua sự thẩm tra và kiểm toán độc lập các hoạt động dự án.

8. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ bảo đảm rằng một phần của thu nhập từ các hoạt động dự án được xác nhận được sử dụng để chi trả cho công tác hành chính cũng như giúp các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do tác động có hại của biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng các chi phí ứng phó.

9. Sự tham gia theo cơ chế phát triển sạch, kể cả các hoạt động nêu trong mục 3(a) ở trên và việc tiếp nhận các giảm phát thải được chứng nhận, có thể thu hút các thực thể tư nhân và/hoặc công cộng, và phải tuân theo mọi hướng dẫn do Ban chấp hành của cơ chế phát triển sạch đưa ra.

10. Các giảm phát thải được chứng nhận, đạt được trong thời kỳ từ năm 2000 cho tới lúc bắt đầu thời kỳ cam kết đầu tiên, có thể được sử dụng để giúp đạt được sự tuân thủ trong thời kỳ cam kết đầu tiên.

Điều 13

1. Hội nghị các Bên, cơ quan tối cao của Công ước, sẽ là cuộc họp của các Bên của Nghị định thư này.

2. Các Bên của Công ước không phải là các Bên của Nghị định thư này có thể tham gia với tư cách quan sát viên trong tiến trình của bất kỳ khoá họp nào của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Trong Hội nghị các Bên là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, các nghị quyết theo Nghị định thư sẽ chỉ được thông qua bởi các Bên là các Bên của Nghị định thư này.

3. Trong Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, bất kỳ thành viên nào của Ban điều hành Hội nghị các Bên đại diện cho một Bên của Công ước, nhưng vào lúc đó không phải là một Bên của Nghị định thư này, sẽ được thay thế bởi một thành viên bổ sung được lựa chọn trong số các Bên của Nghị định thư này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ thường xuyên duyệt lại việc thực hiện Nghị định thư này và trong phạm vi chức năng của mình, sẽ đưa ra các nghị quyết cần thiết để đẩy mạnh việc thực hiện chúng một cách có hiệu quả. Nó sẽ thực hiện các chức năng mà Nghị định thư này giao phó và sẽ:

a) Trên cơ sở mọi thông tin nó có được, phù hợp với những điều khoản của Nghị định thư này, đánh giá việc các Bên thực hiện Nghị định thư này, những ảnh hưởng toàn diện của những biện pháp tiến hành theo Nghị định thư này, đặc biệt các ảnh hưởng về môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như những tác động tổng hợp của chúng và mức độ tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện mục tiêu của Công ước;

b) Xem xét thường kỳ những nghĩa vụ của các Bên theo Nghị định thư này, có xem xét thích đáng bất kỳ việc xét duyệt nào theo yêu cầu của Điều 4, mục 2(d), và Điều 7, mục 2 của Công ước, chiếu theo mục tiêu của Công ước, kinh nghiệm thu được trong việc thực hiện Công ước và sự tiến triển của trình độ khoa học và Công nghệ, và về mặt này, xem xét, thông qua các báo cáo thường kỳ về việc thực hiện Nghị định thư này;

c) Đẩy mạnh và tạo điều kiện trao đổi thông tin về các biện pháp do các Bên thông qua nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

d) Theo yêu cầu của hai hay nhiều Bên, tạo điều kiện cho việc điều phối các biện pháp do họ tán thành nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

e) Phù hợp với mục tiêu của Công ước và những điều khoản của Nghị định thư này, và có xem xét đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, đẩy mạnh và hướng dẫn việc phát triển và thanh lọc các phương pháp so sánh được nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định thư này, như đã được nhất trí tại hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này;

f) Đưa ra kiến nghị về bất kỳ vấn đề nào cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

g) Tìm cách động viên các nguồn tài chính bổ sung phù hợp với Điều 11, mục 2;

h) Thiết lập những cơ quan bổ trợ cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

i) Khi thích hợp, tìm cách và sử dụng các dịch vụ, hợp tác và thông tin từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên chính phủ và phi chính phủ có thẩm quyền; và

j) Thực hiện các chức năng khác khi thấy cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này, và xem xét bất kỳ công tác nào do nghị quyết của Hội nghị các Bên đưa ra.

5. Các qui tắc về thủ tục của Hội nghị các Bên và các thủ tục tài chính áp dụng theo Công ước sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích đáng về chi tiết theo Nghị định thư này, trừ khi có quyết định khác được nhất trí tại Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

6. Khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập bởi ban thư ký cùng với khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên được xắp xếp sau ngày Nghị định thư này có hiệu lực. Các khoá họp thường lệ tiếp theo của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập hàng năm và đi đôi với các khoá họp thường lệ của Hội nghị các Bên, trừ khi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này có quyết định khác.

7. Các khoá họp bất thường của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được tổ chức vào những thời gian khác nếu Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của bất kỳ Bên nào, miễn là trong vòng sáu tháng được Ban thư ký thông báo cho các Bên, yêu cầu đó được ít nhất một phần ba các Bên ủng hộ.

8. Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, cũng như bất kỳ quốc gia thành viên nào hoặc các quan sát viên của chúng, không phải là bên của Công ước, có thể có đại diện tại các khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên. Bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào, dù là quốc gia hay quốc tế, chính phủ hay phi chính phủ, có đủ tư cách về những vấn đề thuộc Nghị định thư này và đã thông báo cho Ban thư ký về ý định của mình muốn có đại diện tại một khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên, có thể được chấp nhận trừ phi ít nhất một phần ba các Bên có mặt phản đối. Việc chấp nhận và tham gia của các quan sát viên sẽ tuân theo các qui tắc thủ tục như nêu trong mục 5 ở trên.

Điều 14

1. Ban thư ký thiết lập theo Điều 8 của Công ước sẽ là Ban thư ký của Nghị định thư này.

2. Điều 8, mục 2 của Công ước về các chức năng của Ban thư ký, và Điều 8, mục 3 của Công ước về các sắp xếp đối với hoạt động chức năng của Ban thư ký sẽ áp dụng với những sửa đổi thích đáng liên quan Nghị định thư này. Ngoài ra, Ban thư ký sẽ thực hiện các chức năng qui định cho mình theo Nghị định thư này.

Điều 15

1. Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện được thiết lập theo Điều 9 và 10 của Công ước sẽ hoạt động như là Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Nghị định thư này. Những điều khoản liên quan đến chức năng của hai cơ quan này của Công ước sẽ áp dụng với những sửa đổi thích đáng đối với Nghị định thư này. Các khoá họp của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Nghị định thư này sẽ được tổ chức một cách tương ứng liền với các khoá họp của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Công ước.

2. Các Bên của Công ước mà không phải là các Bên của Nghị định thư này có thể tham gia với tư cách quan sát viên trong tiến trình của bất kỳ khoá họp nào của các cơ quan bổ trợ. Khi các cơ quan bổ trợ được coi là các cơ quan bổ trợ của Nghị định thư này, thì chỉ các Bên là các Bên của Nghị định thư này mới được đưa ra các nghị quyết theo Nghị định thư.

3. Khi các Ban Bổ trợ được thiết lập theo Điều 9 và 10 của Công ước thực hiện các chức năng về các vấn đề liên quan Nghị định thư này, bất kỳ thành viên nào của các Ban điều hành của các ban bổ trợ đó đang đại diện cho một Bên của Công ước, nhưng vào thời điểm đó không phải là một bên của Nghị định thư này, sẽ được thay bằng một thành viên bổ sung được lựa chọn trong các Bên của Nghị định thư này và do các Bên của Nghị định thư bầu ra.

Điều 16

Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ, ngay khi thấy có thể áp dụng được, xem xét việc áp dụng cho Nghị định thư này, và sửa đổi khi thích hợp, quá trình tư vấn đa phương nêu trong Điều 13 của Công ước, chiếu theo bất kỳ nghị quyết nào có thể do Hội nghị các Bên đưa ra. Bất kỳ quá trình tư vấn đa phương nào có thể được áp dụng cho Nghị định thư này sẽ hoạt động không làm phương hại đến các thủ tục và cơ chế được thiết lập theo Điều 18.

Điều 17

Hội nghị các Bên sẽ định rõ các nguyên tắc, phương thức, qui tắc và hướng dẫn thích hợp, đặc biệt cho việc kiểm chứng, báo cáo và trách nhiệm giải thích cho việc mua bán phát thải. Các Bên thuộc Phụ lục B có thể tham gia mua bán phát thải nhằm các mục đích hoàn thành các cam kết của mình theo Điều 3. Bất kỳ sự mua bán phát thải nào như vậy sẽ bổ sung cho các hành động trong nước nhằm mục đích đáp ứng các cam kết giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều đó.

Điều 18

Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên, sẽ thông qua các thủ tục, các cơ chế thích hợp và có hiệu quả để xác định và xử lý các trường hợp không tuân thủ với các điều khoản của Nghị định thư này, bao gồm thông qua việc lập một danh sách chỉ số các hệ quả, có tính đến nguyên nhân, loại, mức độ và tần xuất việc không tuân thủ. Bất kỳ thủ tục và cơ chế nào theo Điều này kéo theo các hệ quả ràng buộc sẽ được thông qua như là một sửa đổi Nghị định thư này.

Điều 19

Các qui định tại Điều 14 của Công ước về giải quyết các tranh chấp sẽ áp dụng với những sửa đổi cần thiết cho Nghị định thư này.

Điều 20

1. Bất kỳ Bên nào cũng có thể đề xuất các sửa đổi cho Nghị định thư này.

2. Các sửa đổi đối với Nghị định thư này sẽ được thông qua tại một khoá họp thường kỳ của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Văn bản của bất kỳ đề nghị sửa đổi nào đối với Nghị định thư này sẽ được Ban thư ký thông báo cho các Bên ít nhất sáu tháng trước cuộc họp để thông qua đề nghị sửa đổi đó. Ban thư ký cũng sẽ thông báo văn bản của bất kỳ đề nghị sửa đổi cho các Bên và các bên ký Công ước và cho Người lưu chiểu để biết.

3. Các Bên sẽ hết sức cố gắng để đạt được thoả thuận về đề nghị sửa đổi Nghị định thư này bằng nhất trí. Nếu mọi cố gắng đi đến nhất trí không thành công và không đạt được thoả thuận, thì cuối cùng sửa đổi đó sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu đa số ba phần tư các Bên có mặt bầu tại cuộc họp. Sửa đổi được thông qua sẽ được Ban thư ký thông báo cho Người lưu chiểu và Người lưu chiểu sẽ gửi cho các Bên để phê duyệt.

4. Văn bản phê duyệt về một sửa đổi sẽ được lưu trữ tại Người lưu chiểu. Một sửa đổi được thông qua phù hợp với mục 3 nói trên sẽ có hiệu lực đối với các Bên đã phê duyệt nó vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Người lưu chiểu nhận được văn bản phê duyệt của ít nhất ba phần tư các Bên của Nghị định thư này.

5. Sự sửa đổi sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Bên nào vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Bên đó gửi cho Người lưu chiểu văn bản phê duyệt sửa đổi đó.

Điều 21

1. Các phụ lục của Nghị định thư này sẽ là một bộ phận cấu thành của Nghị định thư và trừ khi có sự trình bầy khác, việc quy chiếu đối với Nghị định thư này cũng đồng thời nghĩa là tham khảo các phụ lục của Nghị định thư đó. Bất kỳ phụ lục nào được thông qua sau khi Nghị định thư này có hiệu lực sẽ được giới hạn trong khuôn khổ các bảng liệt kê, hình thức và bất kỳ tài liệu nào khác có tính chất mô tả về tính chất khoa học, kỹ thuật, thủ tục hoặc hành chính.

2. Bất kỳ Bên nào có thể đưa ra đề xuất về một phụ lục cho Nghị định thư này và có thể đề nghị sửa đổi cho các phụ lục của Nghị định thư này.

3. Các phụ lục của Nghị định thư này và những sửa đổi của các phụ lục của Nghị định thư này sẽ được thông qua tại một khoá họp thường kỳ của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Văn bản phụ lục đề xuất hoặc các sửa đổi phụ lục sẽ được Ban thư ký thông báo cho các Bên ít nhất sáu tháng trước cuộc họp mà tại đó đề nghị sẽ được thông qua. Ban thư ký cũng sẽ thông báo văn bản của mọi phụ lục đề xuất hoặc các sửa đổi phụ lục cho các Bên và các bên ký Công ước, và cho Người lưu chiểu.

4. Các Bên sẽ hết sức cố gắng để đạt được thoả thuận về phụ lục đề xuất hoặc sửa đổi phụ lục bằng nhất trí. Nếu mọi cố gắng đi đến nhất trí không thành công và không đạt được thoả thuận, cuối cùng phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu đa số ba phần tư của các Bên có mặt bầu tại cuộc họp. Phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục được thông qua sẽ được Ban thư ký thông báo cho Người lưu chiểu và Người này sẽ gửi cho các Bên để phê duyệt.

5. Một phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục khác với Phụ lục A hoặc B, đã được thông qua phù hợp với mục 3 và 4 ở trên sẽ có hiệu lực cho tất cả các Bên của Nghị định thư này sáu tháng tính từ ngày Người lưu chiểu thông báo cho các Bên đó việc thông qua phụ lục hay thông qua sửa đổi phụ lục, trừ những Bên đã thông báo bằng văn bản cho Người lưu chiểu, trong thời gian đó, về việc mình không phê duyệt phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục. Phụ lục hoặc sửa đổi một phụ lục sẽ có hiệu lực cho các Bên rút thông báo của mình về việc không phê duyệt vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Người lưu chiểu nhận được thông báo đó.

6. Nếu việc thông qua một phụ lục hay một sửa đổi một phụ lục liên quan đến việc sửa đổi Nghị định thư này, phụ lục hay sửa đổi một phụ lục đó sẽ không có hiệu lực cho tới khi sửa đổi của Nghị định thư này có hiệu lực.

7. Những sửa đổi của các Phụ lục A và B của Nghị định thư này sẽ được thông qua và có hiệu lực phù hợp với thủ tục nêu tại Điều 20, miễn là bất kỳ sửa đổi nào đối với Phụ lục B sẽ chỉ được thông qua với sự đồng ý bông văn bản của Bên liên quan.

Điều 22

1. Mỗi Bên sẽ có một phiếu, trừ trường hợp quy định tại mục 2 dưới đây.

2. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực, về những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình, sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu của mình với số phiếu bằng số quốc gia thành viên của mình là các Bên của Nghị định thư này. Những tổ chức này sẽ không thực hiện quyền bỏ phiếu nếu bất kỳ quốc gia thành viên nào của tổ chức thực hiện quyền bỏ phiếu và ngược lại.

Điều 23

Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ là Người lưu chiểu Nghị định thư này.

Điều 24

1. Nghị định thư này sẽ được mở ký và được phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận bởi các Quốc gia và các tổ chức liên kết kinh tế khu vực là các Bên của Công ước. Nghị định thư sẽ được mở ký tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York từ ngày 16 tháng 3 năm 1998 đến 15 tháng ba năm 1999. Nghị định thư này sẽ được mở để gia nhập ngay sau ngày đóng ký. Các văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập sẽ được lưu trữ bởi Người lưu chiểu.

2. Bất cứ tổ chức liên kết kinh tế khu vực nào trở thành một Bên của Nghị định thư này mà không có quốc gia thành viên nào là một Bên sẽ bị ràng buộc bởi tất cả các nghĩa vụ theo Nghị định thư này. Trong trường hợp các tổ chức có một hay nhiều Quốc gia thành viên của nó là các Bên của Nghị định thư này, tổ chức ấy và các quốc gia thành viên của nó sẽ quyết định về các trách nhiệm tương ứng với từng nước để thi hành các nghĩa vụ theo Nghị định thư này. Trong những trường hợp như vậy, tổ chức ấy và các quốc gia thành viên sẽ không có quyền thực hiện các quyền theo Nghị định thư này một cách đồng thời.

3. Trong các văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập của mình, các tổ chức liên kết kinh tế khu vực sẽ tuyên bố mức độ thẩm quyền của mình về các vấn đề do Nghị định thư này chi phối. Các tổ chức đó cũng sẽ thông báo cho Người lưu chiểu, và về phần mình, Người lưu chiểu cũng sẽ thông báo cho các Bên về bất kỳ thay đổi quan trọng nào về mức độ thẩm quyền của các tổ chức ấy.

Điều 25

1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày mà không dưới 55 Bên của Công ước, trong đó gồm các Bên thuộc Phụ lục I có tổng số phát thải chiếm ít nhất 55 phần trăm tổng phát thải carbon dioxide năm 1990 của các Bên thuộc Phụ lục I, nộp lưu chiểu các văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập của mình.

2. Nhằm các mục đích của Điều này, “tổng phát thải carbon dioxide năm 1990 của các Bên thuộc Phụ lục I" nghĩa là lượng được thông báo vào ngày hoặc trước ngày thông qua Nghị định thư này bởi các Bên thuộc Phụ lục I trong các thông báo quốc gia đầu tiên của mình nộp chiểu theo Điều 12 của Công ước.

3. Đối với mỗi quốc gia hoặc tổ chức liên kết kinh tế khu vực phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập Nghị định thư này sau khi các điều kiện về hiệu lực nêu tại mục 1 ở trên đã được hoàn thành, Nghị định thư này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập.

4. Nhằm các mục đích của Điều này, bất kỳ văn bản nào được một tổ chức liên kết kinh tế khu vực nộp lưu chiểu sẽ không được tính như là bổ sung vào những văn bản được lưu chiểu bởi các Quốc gia thành viên của tổ chức ấy.

Điều 26

Không có bảo lưu đối với Nghị định thư này.

Điều 27

1. Vào bất cứ lúc nào sau ba năm từ ngày Nghị định thư này có hiệu lực đối với một Bên, Bên đó có thể rút khỏi Nghị định thư này bằng việc thông báo bằng văn bản cho Người lưu chiểu.

2. Bất kỳ việc rút khỏi nào như vậy sẽ có hiệu lực sau một năm tính từ ngày Người lưu chiểu nhận được thông báo rút khỏi Nghị định thư, hoặc muộn hơn theo như đã nêu trong thông báo rút.

3. Bất kỳ Bên nào rút khỏi Công ước cũng sẽ được coi là đã rút khỏi Nghị định thư này.

Điều 28

Nguyên bản của Nghị định thư này bằng tiếng ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha đều có giá trị như nhau, sẽ được Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu chiểu.

Làm tại Kyoto ngày mười một tháng mười hai năm một nghìn chín trăm chín mươi bẩy.

Để làm bằng những người ký dưới đây, được uỷ quyền làm việc này, đã ký vào Nghị định thư này vào ngày đã chỉ định.

 

PHỤ LỤC A

Các khí nhà kính

Carbon dioxide (CO2)

Methane (CH4)

Nitrous oxide (N2O)

Hydrofluorocarbons (HFCs)

 Perfluorocarbons (PFCs)

Sulphur hexafluoride (SF6)

Phân loại lĩnh vực/loại nguồn

Năng lượng

Đốt nhiên liệu

Các ngành công nghiệp năng lượng

Các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng

Vận tải

Các lĩnh vực khác

Đốt nhiên liệu khác

Các phát thải từ các nhiên liệu

Các nhiên liệu rắn

Dầu và khí tự nhiên

Các phát thải khác

Các quá trình công nghiệp

Các sản phẩm mỏ

Công nghiệp hoá chất

Sản xuất kim loại

Sản xuất khác

Sản xuất các halocarbon và sulphur hexafluoride

Tiêu thụ các halocarbon và sulphur hexafluoride

Quá trình vông nghiệp khác

Sử dụng dung môi và sản phẩm khác

Nông nghiệp

Lên men trong ruột động vật

Quản lý phân bón

Trồng lúa

Đất nông nghiệp

Đốt savana theo định kỳ

Đốt các sản phẩm thừa trong nông nghiệp ngoài đồng

Vấn đề khác

Rác thải

Đổ rác thải rắn ra đất

Quản lý nước thải

Đốt rác thải

Vấn đề khác

 

PHỤ LỤC B

Bên

Cam kết hạn chế hoặc giảm phát thải theo định lượng của các Bên

(phần trăm của năm cơ sở hoặc thời kỳ )

Australia ..................................................... 108

Austria ......................................................... 92

Belgium ....................................................... 92

Bulgaria* ..................................................... 92

Canada ......................................................... 94

Croatia* ....................................................... 95

Czech Republic* .......................................... 92

Denmark ...................................................... 92

Estonia* ....................................................... 92

European Community .................................. 92

Finland ......................................................... 92

France .......................................................... 92

Germany ...................................................... 92

Greece .......................................................... 92

Hungary* ..................................................... 94

Iceland ....................................................... 110

Ireland .......................................................... 92

Italy .............................................................. 92

Japan ............................................................ 94

Latvia* ......................................................... 92

Liechtenstein ................................................ 92

Lithuania* .................................................... 92

Luxembourg ................................................ 92

Monaco ........................................................ 92

Netherlands .................................................. 92

New Zealand .............................................. 100

Norway ...................................................... 101

Poland* ........................................................ 94

Portugal ........................................................ 92

Romania*..................................................... 92

Russian Federation* .................................. 100

Slovakia* ..................................................... 92

Slovenia* ..................................................... 92

Spain ............................................................ 92

Sweden ........................................................ 92

Switzerland .................................................. 92

Ukraine* .................................................... 100

United Kingdom of Great Britain and

Northern Ireland .......................................... 92

United States of America ............................. 93

* Các nước trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường

 

CÁC NGHỊ QUYẾT

ĐƯỢC HỘI NGHỊ CÁC BÊN CHẤP THUẬN
(Phiên họp toàn thể thứ 12, ngày 11 tháng 12 năm 1997)

Nghị quyết 1/CP.3

Việc chấp thuận Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu

Hội nghị các Bên

Đã duyệt lại Điều 4, mục 2(a) và (b) của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu tại khoá họp đầu tiên và đã kết luận rằng các tiểu mục này là không thích đáng,

Nhắc lại nghị quyết 1/CP.1 nhan đề “Cam kết Berlin: Việc duyệt lại tính thích đáng của Điều 4, mục 2(a) và 2(b) của Công ước, bao gồm những đề xuất liên quan đến một Nghị định thư và những nghị quyết về hành động tiếp theo”, qua đó đã đồng ý bắt đầu một quá trình khiến cho có thể có hành động thích hợp cho thời kỳ sau năm 2000, thông qua việc chấp thuận một Nghị định thư hoặc một công cụ pháp lý khác tại khoá họp thứ ba của mình,

Nhắc lại nữa rằng một mục tiêu của quá trình đó là tăng cường những cam kết tại Điều 4, mục 2(a) và (b) của Công ước, đối với các Bên khác, nước phát triển thuộc Phụ lục I, cả về mặt chi tiết hoá các chính sách và biện pháp, lẫn việc đặt ra các mục tiêu hạn chế và giảm định lượng trong các khuôn khổ thời gian xác định, như là các năm 2005, 2010 và 2020, đối với các phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal,

Cũng nhắc lại rằng, theo "Cam kết Berlin", quá trình đó sẽ không đưa ra bất kỳ các cam kết mới nào cho các Bên không thuộc Phụ lục I, nhưng khẳng định lại những cam kết hiện có trong Điều 4, mục 1 và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết đó nhằm đạt được sự phát triển bền vững, có tính đến Điều 4, các mục 3, 5 và 7,

Ghi nhận những báo cáo của Nhóm Công tác Đặc biệt về "Cam kết Berlin" trong tám khoá họp của mình,[1]

Đã xem xét và đánh giá cao bản báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban Toàn thể về kết quả công tác của Uỷ ban,

Nhận thấy nhu cầu chuẩn bị cho việc sớm có hiệu lực của Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu,

Nhận rõ mong muốn bắt đầu một cách kịp thời công tác chuẩn bị cho kết quả thành công của khoá bốn Hội nghị các Bên họp tại Buenos Aires, Argentina,

1. Quyết định chấp nhận Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, trong phụ lục kèm theo đây;

2. Yêu cầu ông Tổng thư ký Liên hợp quốc làm Người lưu trữ của Nghị định thư này và để mở cho ký Nghị định thư ở New York từ ngày 16 tháng 3 năm 1998 đến 15 tháng 3 năm 1999;

3. Mời tất cả các Bên của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu ký Nghị định thư vào ngày 16 tháng 3 năm 1998 hoặc vào dịp sớm nhất sau đó,

và gửi lưu trữ văn bản phê chuẩn, phê duyệt hay chấp thuận, hoặc văn bản gia nhập tuỳ theo tình hình thích hợp ngay khi có thể được;

4. Tiếp tục mời các quốc gia không phải là các Bên của Công ước phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước tuỳ tình hình thích hợp, một cách không chậm trễ để họ có thể trở thành các Bên của Nghị định thư;

5. Yêu cầu Chủ tịch Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Kỹ thuật và Chủ tịch Ban Bổ trợ về việc thực hiện, khi tính đến chương trình ngân sách đã duyệt cho hai năm 1998-1999 và chương trình công tác liên quan của ban thư ký,1 đưa ra hướng dẫn cho ban thư ký về công tác chuẩn bị cần thiết cho việc xem xét của Hội nghị các Bên, tại khoá bốn về các vấn đề sau đây, và từ đó đầu tư công việc vào các ban bổ trợ tương ứng theo tình hình thích hợp:

a) Xác định các phương thức, qui tắc và hướng dẫn về việc các hoạt động bổ xung do con người thực hiện liên quan đến những thay đổi trong các phát thải khí nhà kính bởi các nguồn và sự triệt tiêu bởi các bể hấp thụ trong các đất nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất và các loại rừng sẽ được cộng thêm vào hoặc trừ đi như thế nào và theo kiểu gì từ các lượng đã chỉ định cho các Bên của Nghị định thư thuộc Phụ lục I của Công ước, như nói đến trong Điều 3, mục 4 của Nghị định thư;

b) Định rõ các nguyên tắc, phương thức, qui tắc và hướng dẫn thích hợp, đặc biệt đối với việc thẩm tra, báo cáo và trách nhiệm giải thích việc mua bán phát thải, theo Điều 17 của Nghị định thư;

c) Chi tiết hoá các hướng dẫn cho bất kỳ Bên nào của Nghị định thư thuộc Phụ lục I của Công ước để chuyển nhượng, hoặc tiếp nhận từ bất kỳ Bên nào khác như vậy, các đơn vị giảm phát thải nhờ các dự án nhằm mục đích giảm các phát thải do con người gây ra bởi các nguồn, hoặc tăng cường sự thủ tiêu do con người thực hiện bởi các bể hấp thụ, đối với các khí nhà kính trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, như được nêu theo Điều 6 của Nghị định thư;

d) Xem xét và, trong trường hợp thích hợp, hành động về các phương pháp phù hợp để xử lý đối với tình hình của các Bên liệt kê trong Phụ lục B của Nghị định thư mà đối với họ các dự án riêng lẻ sẽ có một tác động đáng kể theo tỷ lệ đối với các phát thải trong thời kỳ cam kết;

(e) Phân tích các hàm ý của Điều 12, mục 10 của Nghị định thư;

6. Mời Chủ tịch Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Kỹ thuật và Chủ tịch Ban Bổ trợ về việc thực hiện đưa ra đề xuất chung đối với các ban đó, tại các khoá họp thứ tám của mình, về việc dành cho các ban này công tác chuẩn bị để giúp cho Hội nghị các Bên có thể phục vụ như là cuộc họp các Bên của Nghị định thư, tại khoá đầu tiên của Nghị định thư sau khi nó có hiệu lực, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ do Nghị định thư chỉ định cho khoá họp này.

 

Nghị quyết 2/CP.3

Các vấn đề phương pháp liên quan đến Nghị định thư Kyoto

Hội nghị các Bên,

Nhắc lại các nghị quyết của mình 4/CP.1 và 9/CP.2,

Tán thành các kết luận thích hợp của Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Kỹ thuật tại khoá họp thứ bốn của mình,[2]

1. Xác nhận một lần nữa rằng các Bên cần sử dụng các hướng dẫn đã sửa đổi năm 1996 về kiểm kê khí nhà kính quốc gia của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu để đánh giá và báo cáo về các phát thải do con người gây ra bởi các nguồn và sự triệt tiêu bởi các bể hấp thụ đối với các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal;

2. Xác nhận rằng các phát thải thực sự của các chất khí hydrofluorocarbon, perfluorocarbon và sunphua hexafluoride cần được đánh giá, ở nơi nào có số liệu, và được sử dụng để báo cáo về các phát thải. Các Bên cần hết sức cố gắng để phát triển các nguồn số liệu cần thiết;

3. Xác nhận một lần nữa rằng các tiềm năng nóng lên toàn cầu được các Bên sử dụng cần phải do Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cung cấp trong báo cáo đánh giá thứ hai của Ban này (“các giá trị của 1995 IPCC GWP”) dựa trên các hiệu ứng của các khí nhà kính trong mặt bằng thời gian 100 năm, có tính đến những sự không chắc chắn vốn có và phức tạp trong các đánh giá tiềm năng nóng lên toàn cầu. Thêm vào đó, chỉ nhằm các mục đích thông tin thôi, các Bên cũng có thể sử dụng mặt bằng thời gian khác như được cung cấp trong báo cáo đánh giá thứ hai;

4. Nhắc lại rằng, theo Các hướng dẫn đã sửa đổi năm 1996 về kiểm kê khí nhà kính quốc gia của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, các phát thải dựa trên nhiên liệu bán cho các tàu biển hay máy bay dùng trong vận tải quốc tế không cần bao gồm trong các tổng số của quốc gia, nhưng được báo cáo riêng; và thúc đẩy Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Kỹ thuật chi tiết hoá hơn nữa trong kết luận về các phát thải đó trong tổng kiểm kê khí nhà kính của các Bên;

5. Quyết định rằng các phát thải do các hoạt động đa phương tuân thủ hiến chương của Liên hợp quốc sẽ không được bao gồm trong các tổng số quốc gia, nhưng được báo cáo riêng; các phát thải khác liên quan đến các hoạt động sẽ được bao gồm trong các tổng số các phát thải quốc gia của một hoặc nhiều Bên liên quan.

 

Nghị quyết 3/CP.3

Việc thực hiện Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước

Hội nghị các Bên,

Ghi nhận các khoản của Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu,

Ghi nhận nữa các khoản của Điều 3 của Công ước và của “Cam kết Béclin” trong mục 1(b) của nó,[3]

1. Yêu cầu Ban Bổ trợ về việc thực hiện, tại khoá họp thứ tám của mình, đảm nhiệm một quá trình nhận rõ và xác định các hành động cần thiết nhằm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của các Bên nước đang phát triển, được định rõ theo Điều 4, các mục 8 và 9 của Công ước, nẩy sinh từ những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu và hoặc tác động của việc thực hiện các biện pháp ứng phó. Các vấn đề được xem xét sẽ bao gồm những hành động liên quan đến tài trợ, bảo hiểm và chuyển giao công nghệ;

2. Yêu cầu nữa Ban Bổ trợ về việc thực hiện báo cáo với Hội nghị các Bên, tại khoá bốn của Hội nghị, về kết quả của quá trình này;

3. Mời Hội nghị các Bên, tại khoá bốn, đưa ra nghị quyết về những hành động dựa trên những kết luận và kiến nghị của quá trình này.

Bảng: Tổng lượng các phát thải carbon dioxide của các Bên thuộc Phụ lục I năm 1990 nhằm các mục đích của Điều 5 của Nghị định thư Kyotoaa

Bên

Các phát thải (Gg)

Phần trăm

Austria

59,200

0.4

Belgium

113,405

0.8

Bulgaria

82,990

0.6

Canada

457,441

3.3

Czech Republic

169,514

1.2

Denmark

52,100

0.4

Australia

288,965

2.1

Estonia

37,797

0.3

Finland

53,900

0.4

France

366,536

2.7

Germany

1,012,443

7.4

Greece

82,100

0.6

Hungary

71,673

0.5

Iceland

2,172

0.0

Ireland

30,719

0.2

Italy

428,941

3.1

Japan

1,173,360

8.5

Latvia

22,976

0.2

Liechtenstein

208

0.0

Luxembourg

11,343

0.1

Monaco

71,000

0.0

Netherlands

167,600

1.2

New Zealand

25,530

0.2

Norway

35,533

0.3

Poland

414,930

3.0

Portugal

42,148

0.3

Romania

171,103

1.2

Russian Federation

2,388,720

17.4

Slovakia

58,278

0.4

Spain

260,654

1.9

Sweden

61,256

0.4

Switzerland

43,600

0.3

United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland

584,078

4.3

United States of America

4,957,022

36.1

Tổng số

13,728,306

100.0

 

 


[1] FCCC/AGBM/1995/2 và Corr.1, và 7 và Corr; CCC/AGBM/1996/5, 8, và 11; FCCC/AGBM/1997/3, 3/Ađ.1 và Corr.1, 5, 8 và 8/Add.1.

[2] FCCC/SBTA/1996/20, mục 30 và 54

[3] Nghị quyết 1/CP.1.

a Các số liệu dựa trên trên thông tin từ 34 Bên Phụ lục I đã nộp thông báo quốc gia đầu tiên vào ngày hoặc trứơc ngày 11/12/1997, theo như Ban thư ký đã tập hợp trong một số tài liệu (A/AC.237/81; FCCC/CP/1996/12/Add.2 và FCCC/SB/1997/6). Một số thông báo bao gồm số liệu về các phát thải CO2 bởi các nguồn và triệt tiêu bởi các bể hấp thụ từ thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, nhưng vì các cách báo cáo khác nhau nên không đưa các số liệu này vào.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc

Số hiệu: khongso
Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Liên hợp quốc
Người ký: ***
Ngày ban hành: 11/12/1997
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…