QUỐC
HỘI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 20/2008/QH12 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật đa dạng sinh học.
Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
2. Bảo tồn tại chỗ là bảo tồn loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị trong môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng.
3. Bảo tồn chuyển chỗ là bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.
4. Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, nhân giống loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
5. Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
6. Đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học là xác định tính chất nguy hại tiềm ẩn và mức độ thiệt hại có thể xảy ra trong hoạt động liên quan đến sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen, nhất là việc sử dụng, phóng thích sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
7. Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật.
8. Hành lang đa dạng sinh học là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau.
9. Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau.
10. Hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành, phát triển theo quy luật tự nhiên, vẫn còn giữ được các nét hoang sơ.
11. Hệ sinh thái tự nhiên mới là hệ sinh thái mới hình thành và phát triển trên vùng bãi bồi tại cửa sông ven biển, vùng có phù sa bồi đắp và các vùng đất khác.
12. Khu bảo tồn thiên nhiên (sau đây gọi là khu bảo tồn) là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học.
14. Loài bị đe dọa tuyệt chủng là loài sinh vật đang có nguy cơ bị suy giảm hoàn toàn số lượng cá thể.
15. Loài bị tuyệt chủng trong tự nhiên là loài sinh vật chỉ còn tồn tại trong điều kiện nuôi, trồng nhân tạo nằm ngoài phạm vi phân bố tự nhiên của chúng.
16. Loài đặc hữu là loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận là có ở nơi khác trên thế giới.
17. Loài di cư là loài động vật có toàn bộ hoặc một phần quần thể di chuyển thường xuyên, định kỳ hoặc theo mùa từ khu vực địa lý này đến khu vực địa lý khác.
18. Loài ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng.
20. Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.
21. Mẫu vật di truyền là mẫu vật thực vật, động vật, vi sinh vật và nấm mang các đơn vị chức năng di truyền còn khả năng tái sinh.
22. Nguồn gen bao gồm các loài sinh vật, các mẫu vật di truyền trong khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và trong tự nhiên.
23. Phát triển bền vững đa dạng sinh học là việc khai thác, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển nguồn gen, loài sinh vật và bảo đảm cân bằng sinh thái phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
24. Phóng thích sinh vật biến đổi gen là việc chủ động đưa sinh vật biến đổi gen vào môi trường tự nhiên.
25. Quản lý rủi ro là việc thực hiện các biện pháp an toàn để ngăn ngừa, xử lý và khắc phục rủi ro đối với đa dạng sinh học trong các hoạt động có liên quan đến sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
26. Quần thể sinh vật là một nhóm cá thể của cùng một loài sinh vật sinh sống và phát triển trong một khu vực nhất định.
27. Sinh vật biến đổi gen là sinh vật có cấu trúc di truyền bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen.
28. Tri thức truyền thống về nguồn gen là sự hiểu biết, kinh nghiệm, sáng kiến của người dân địa phương về bảo tồn và sử dụng nguồn gen.
29. Tiếp cận nguồn gen là hoạt động điều tra, thu thập nguồn gen để nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại.
Điều 4. Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học
1. Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân.
2. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo.
3. Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ.
4. Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng đa dạng sinh học phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.
5. Bảo đảm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học
1. Ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái, bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen.
2. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học.
4. Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn.
5. Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học
1. Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.
2. Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
3. Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
4. Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
5. Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
6. Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
7. Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.
8. Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
9. Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.
QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
Mục I. QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA CẢ NƯỚC
Điều 8. Căn cứ lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước
1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
2. Chiến lược bảo vệ môi trường.
3. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.
4. Kết quả điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
5. Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trước đó.
6. Thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng đa dạng sinh học.
7. Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Điều 9. Nội dung quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước
1. Phương hướng, mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng đa dạng sinh học; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
3. Vị trí địa lý, giới hạn, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ hành lang đa dạng sinh học.
4. Vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên.
5. Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới và bản đồ các khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn, loại hình khu bảo tồn; biện pháp tổ chức quản lý khu bảo tồn; giải pháp ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn.
6. Nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ; loại hình, số lượng, phân bố và kế hoạch phát triển các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
7. Đánh giá môi trường chiến lược dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học.
8. Tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức lập, trình Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý.
Điều 11. Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan có trách nhiệm công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.
2. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước thuộc phạm vi quản lý;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước tại địa phương;
d) Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch ngành, lĩnh vực, trừ quy hoạch quốc phòng, an ninh thì ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Mục 2. QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Điều 12. Căn cứ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
2. Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
3. Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước đó.
5. Hiện trạng đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
6. Nhu cầu bảo tồn, khai thác đa dạng sinh học của địa phương.
7. Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Điều 13. Nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Phương hướng, mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh.
3. Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới và bản đồ khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn, loại hình khu bảo tồn; biện pháp tổ chức quản lý khu bảo tồn; giải pháp ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn.
4. Nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ; loại hình, số lượng, phân bố và kế hoạch phát triển các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5. Tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN
Điều 16. Khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn
1. Khu bảo tồn bao gồm:
a) Vườn quốc gia;
b) Khu dự trữ thiên nhiên;
c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
d) Khu bảo vệ cảnh quan.
2. Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp.
3. Khu bảo tồn phải được thống kê, kiểm kê diện tích; xác lập vị trí trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc xác định tọa độ trên mặt nước biển.
4. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí phân cấp khu bảo tồn.
Vườn quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
1. Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
2. Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
3. Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
4. Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
Điều 18. Khu dự trữ thiên nhiên
1. Khu dự trữ thiên nhiên gồm có:
a) Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia;
b) Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh.
2. Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
a) Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
b) Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
3. Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn.
Điều 19. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh
1. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh gồm có:
a) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia;
b) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh.
2. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
a) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục.
3. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo tồn các loài hoang dã trên địa bàn.
Điều 20. Khu bảo vệ cảnh quan
1. Khu bảo vệ cảnh quan gồm có:
a) Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia;
b) Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh.
2. Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
a) Có hệ sinh thái đặc thù;
b) Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên;
c) Có giá trị về khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
3. Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo vệ cảnh quan trên địa bàn.
Điều 21. Nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn
1. Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học; việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu để xác lập khu bảo tồn.
2. Thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài hoang dã khác, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên.
3. Diện tích đất, mặt nước; hiện trạng sử dụng đất, mặt nước; số lượng dân cư sống tại nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
4. Trích lục bản đồ, vị trí địa lý, diện tích dự kiến thành lập khu bảo tồn.
5. Vị trí địa lý, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu; phương án ổn định cuộc sống hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân ra khỏi nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
6. Kế hoạch quản lý khu bảo tồn.
7. Tổ chức quản lý khu bảo tồn.
8. Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới vùng đệm của nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
9. Tổ chức thực hiện dự án thành lập khu bảo tồn.
Điều 22. Lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia
1. Việc lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia được thực hiện theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.
2. Trình tự, thủ tục lập dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia được quy định như sau:
a) Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn theo các tiêu chí để xác lập khu bảo tồn quy định tại các điều 17, 18, 19 và 20 của Luật này và lập dự án thành lập khu bảo tồn;
b) Tổ chức lấy ý kiến bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Uỷ ban nhân dân các cấp, ý kiến cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn hoặc tiếp giáp với khu bảo tồn;
c) Tổ chức thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia gồm có:
a) Văn bản đề nghị thành lập khu bảo tồn của cơ quan lập dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia;
b) Dự án thành lập khu bảo tồn với các nội dung quy định tại Điều 21 của Luật này;
c) Ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này và ý kiến của các bên liên quan quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
d) Kết quả thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia.
Điều 23. Quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia.
2. Quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn và vùng đệm;
b) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính;
c) Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn;
d) Kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;
đ) Phương án ổn định hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu bảo tồn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn;
e) Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu bảo tồn.
3. Quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia được gửi đến Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có khu bảo tồn, cơ quan lập dự án thành lập khu bảo tồn theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
Điều 24. Lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn và quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh
1. Căn cứ vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Uỷ ban nhân dân các cấp có liên quan, ý kiến cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn hoặc tiếp giáp với khu bảo tồn và ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh.
Điều 25. Sử dụng đất trong khu bảo tồn
1. Căn cứ quyết định thành lập khu bảo tồn, cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định của Luật đất đai có trách nhiệm giao đất cho Ban quản lý khu bảo tồn hoặc tổ chức khác được giao quản lý khu bảo tồn.
2. Việc sử dụng đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 26. Phân khu chức năng và ranh giới khu bảo tồn
1. Khu bảo tồn có các phân khu chức năng sau đây:
a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt;
b) Phân khu phục hồi sinh thái;
c) Phân khu dịch vụ - hành chính.
2. Khu bảo tồn phải được cắm mốc để xác lập ranh giới; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn phải được xác định diện tích, vị trí trên thực địa hoặc tọa độ trên mặt nước biển.
3. Ban quản lý khu bảo tồn hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có khu bảo tồn tổ chức việc cắm mốc phân định ranh giới khu bảo tồn.
Điều 27. Trách nhiệm quản lý khu bảo tồn
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quản lý khu bảo tồn theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.
2. Việc quản lý khu bảo tồn phải được thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý khu bảo tồn.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn.
Điều 28. Tổ chức quản lý khu bảo tồn
1. Khu bảo tồn cấp quốc gia có Ban quản lý. Ban quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính hoặc đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính.
2. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, khu bảo tồn cấp tỉnh được giao cho Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính hoặc đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn
Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn có các quyền và trách nhiệm sau đây:
1. Bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của Luật này và quy chế quản lý khu bảo tồn;
2. Xây dựng, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phục hồi hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;
3. Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập nguồn gen, mẫu vật di truyền; theo dõi, tổ chức thu thập thông tin, số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn; có biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn;
4. Kinh doanh, liên doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật;
5. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn;
6. Được chia sẻ lợi ích từ hoạt động tiếp cận nguồn gen thuộc phạm vi khu bảo tồn;
7. Quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn
1. Hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật này, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tham gia, hưởng lợi ích từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu bảo tồn;
c) Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn;
đ) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện Điều này.
Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn
Tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật này, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
2. Tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen và các hoạt động hợp pháp khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật;
3. Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn;
4. Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
5. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Quản lý vùng đệm của khu bảo tồn
1. Vị trí, diện tích vùng đệm được quy định trong quyết định thành lập khu bảo tồn và phải được xác định trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc xác định tọa độ trên mặt nước biển.
2. Mọi hoạt động trong vùng đệm phải tuân thủ quy chế quản lý vùng đệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
3. Chủ dự án đầu tư trong vùng đệm của khu bảo tồn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; trong thành phần Hội đồng thẩm định phải có đại diện ban quản lý khu bảo tồn.
Trường hợp dự án đầu tư trong vùng đệm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hoặc phát tán chất thải độc hại thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải xác định khoảng cách an toàn để không gây tác động xấu đến khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn.
Điều 33. Báo cáo về hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn
1. Định kỳ 3 năm một lần, Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn có trách nhiệm báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
2. Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thực trạng, tình trạng phục hồi và kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;
b) Thực trạng và kế hoạch bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn;
c) Yêu cầu đặt ra đối với bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn;
d) Hiện trạng sử dụng đất trong khu bảo tồn.
Mục 2. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN
1. Các hệ sinh thái tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững.
2. Hệ sinh thái rừng tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Hệ sinh thái tự nhiên trên biển phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định của pháp luật về thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 35. Phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng đất ngập nước tự nhiên
1. Đất ngập nước tự nhiên là vùng đầm lầy, than bùn hoặc vùng nước thường xuyên hoặc tạm thời, kể cả vùng biển có độ sâu không quá 6 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.
2. Việc thống kê, kiểm kê vùng đất ngập nước tự nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên và xác lập vị trí, diện tích vùng đất ngập nước tự nhiên trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc tọa độ trên mặt nước biển.
1. Vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng có hệ sinh thái tự nhiên đặc thù hoặc đại diện cho một vùng phải được điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và xác lập chế độ phát triển bền vững.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng.
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC LOÀI SINH VẬT
Mục 1. BẢO VỆ LOÀI THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ
Điều 37. Loài được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
1. Loài được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm:
a) Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
b) Giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm nguy cấp, quý, hiếm.
Điều 38. Đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
1. Căn cứ vào quy định tại Điều 37 của Luật này, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đề nghị loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ:
a) Tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án điều tra, nghiên cứu về loài sinh vật ở Việt Nam;
b) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý rừng, khu bảo tồn, vùng đất ngập nước, biển và hệ sinh thái tự nhiên khác;
c) Hội, hiệp hội và tổ chức khác về khoa học và công nghệ, môi trường.
2. Đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải được lập thành hồ sơ gửi bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để tổ chức thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này.
a) Tên phổ thông, tên bản địa, tên khoa học của loài được đề nghị;
b) Vùng phân bố, số lượng cá thể ước tính, điều kiện sống và tình trạng nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài được đề nghị;
c) Các đặc tính cơ bản, tính đặc hữu, giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hoá - lịch sử của loài được đề nghị;
d) Mức độ bị đe dọa tuyệt chủng của loài được đề nghị;
đ) Chế độ quản lý, bảo vệ và yêu cầu đặc thù khác;
e) Kết quả tự đánh giá và đề nghị việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
1. Bộ, cơ quan ngang bộ sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ phải tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để lập Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trình Chính phủ quyết định.
2. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
1. Chính phủ quyết định loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ với các nội dung chính sau đây:
a) Tên loài;
b) Đặc tính cơ bản của loài;
c) Chế độ quản lý, bảo vệ đặc thù.
3. Định kỳ 3 năm một lần hoặc khi có nhu cầu, loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải được điều tra, đánh giá quần thể để sửa đổi, bổ sung.
Điều 41. Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
1. Khu vực có loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật này sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa phải được điều tra, đánh giá để lập dự án thành lập khu bảo tồn.
2. Nhà nước thành lập hoặc giao cho tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
3. Việc đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và việc thả loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ cơ sở cứu hộ vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Mục 2. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC LOÀI SINH VẬT
Điều 42. Thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
1. Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bao gồm:
a) Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Cơ sở cứu hộ loài hoang dã;
a) Diện tích đất, chuồng trại, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về nuôi, trồng, nuôi sinh sản loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
b) Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp;
c) Năng lực tài chính, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học gồm có:
a) Đơn đăng ký thành lập;
b) Dự án thành lập;
c) Giấy tờ chứng minh có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
1. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học có các quyền sau đây:
a) Hưởng chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Tiếp nhận, thực hiện dự án hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
c) Hưởng các khoản thu từ hoạt động du lịch và các hoạt động khác của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
d) Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen do mình quản lý;
đ) Nuôi, trồng, nuôi sinh sản, cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
e) Trao đổi, tặng cho loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật;
g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
b) Đăng ký, khai báo nguồn gốc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Có biện pháp phòng dịch, chế độ chăm sóc, chữa bệnh cho các loài tại cơ sở của mình;
đ) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 41 của Luật này cho phép đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của mình hoặc thả loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ cơ sở cứu hộ của mình vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng;
e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 44. Loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên
1. Việc khai thác có điều kiện loài hoang dã trong tự nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thuỷ sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 45. Nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
1. Loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái theo quy định của Luật này.
2. Việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo một số loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo phục vụ mục đích thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và mẫu vật di truyền của chúng phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, vận chuyển một số loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng phục vụ mục đích thương mại được thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ.
Điều 47. Cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
1. Cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương, bị bệnh phải được đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng.
2. Tổ chức, cá nhân phát hiện cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương hoặc bị bệnh có trách nhiệm báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở cứu hộ nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc báo cơ sở cứu hộ nơi gần nhất.
3. Cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sau khi được cứu hộ trở lại trạng thái bình thường được xem xét thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng. Trường hợp cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên thì được xem xét đưa vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc cứu hộ loài hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức điều tra, đánh giá giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng để đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
2. Việc tiếp cận nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng được thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 49. Bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức điều tra, đánh giá, thu thập, bảo quản loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng để đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
2. Việc tiếp cận nguồn gen loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng được thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mục 3. KIỂM SOÁT LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI
Điều 50. Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại
1. Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra để lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Cơ quan hải quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Điều 52. Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại
1. Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.
2. Việc nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai trong khu bảo tồn chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học của khu bảo tồn và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai.
Điều 53. Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại
1. Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các chương trình cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại địa phương.
3. Tổ chức, cá nhân phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp kiểm soát.
Điều 54. Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại
2. Cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu có trách nhiệm niêm yết Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại cửa khẩu.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin, tuyên truyền về loài ngoại lai xâm hại và biện pháp kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại.
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN
Mục 1. QUẢN LÝ, TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺLỢI ÍCH TỪ NGUỒN GEN
1. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý nguồn gen theo quy định sau đây:
a) Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn quản lý nguồn gen trong khu bảo tồn;
b) Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen quản lý nguồn gen thuộc cơ sở của mình;
c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất, rừng, mặt nước quản lý nguồn gen thuộc phạm vi được giao quản lý, sử dụng;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nguồn gen trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen
1. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen có các quyền sau đây:
a) Điều tra, thu thập nguồn gen được giao quản lý;
b) Trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen được giao quản lý cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
c) Hưởng lợi ích do tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn gen chia sẻ theo quy định tại Điều 58 và Điều 61 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hoạt động trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng cho mục đích nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại;
b) Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Kiểm soát việc điều tra, thu thập nguồn gen của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc quản lý nguồn gen.
Điều 57. Trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen
Trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen được quy định như sau:
1. Đăng ký tiếp cận nguồn gen;
2. Hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen về việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích theo quy định tại Điều 58 và Điều 61 của Luật này;
3. Đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
4. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen.
Điều 58. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích
1. Sau khi đăng ký, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn gen phải hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen về việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
2. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tiếp cận nguồn gen.
3. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích tiếp cận nguồn gen;
b) Nguồn gen được tiếp cận và khối lượng thu thập;
c) Địa điểm tiếp cận nguồn gen;
d) Kế hoạch tiếp cận nguồn gen;
đ) Việc chuyển giao cho bên thứ ba kết quả điều tra, thu thập nguồn gen;
e) Hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
g) Các bên tham gia nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
h) Địa điểm tiến hành nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
i) Chia sẻ lợi ích thu được với Nhà nước và các bên có liên quan, bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
4. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tiếp cận nguồn gen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
5. Tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 59. Giấy phép tiếp cận nguồn gen
1. Các điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen bao gồm:
a) Đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Đã ký hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen;
c) Việc tiếp cận nguồn gen không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen gồm có:
a) Đơn đề nghị tiếp cận nguồn gen;
b) Bản sao hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen.
3. Giấy phép tiếp cận nguồn gen phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích sử dụng nguồn gen;
b) Nguồn gen được tiếp cận và khối lượng thu thập;
c) Địa điểm tiếp cận nguồn gen;
d) Các hoạt động được thực hiện liên quan đến nguồn gen;
đ) Định kỳ báo cáo kết quả nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại liên quan đến nguồn gen được tiếp cận.
4. Các trường hợp không cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen gồm có:
a) Nguồn gen của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
b) Việc sử dụng nguồn gen có nguy cơ gây hại đối với con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia.
5. Trường hợp vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có quyền cấp phép tiếp cận nguồn gen mà không cần phải có sự đồng ý của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen.
6. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen.
1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có các quyền sau đây:
a) Điều tra, thu thập nguồn gen và các hoạt động khác theo quy định của giấy phép tiếp cận nguồn gen;
b) Đưa nguồn gen không thuộc Danh mục nguồn gen bị cấm xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật;
c) Kinh doanh sản phẩm sản xuất từ nguồn gen được phép tiếp cận;
d) Quyền khác theo quy định của giấy phép tiếp cận nguồn gen, hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các quy định của giấy phép tiếp cận nguồn gen;
c) Chia sẻ lợi ích thu được với các bên liên quan, bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen;
d) Nghĩa vụ khác theo quy định của giấy phép tiếp cận nguồn gen, hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
Điều 61. Chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen
1. Lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen phải được chia sẻ cho các bên sau đây:
a) Nhà nước;
b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen;
c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen và các bên có liên quan khác được quy định trong giấy phép tiếp cận nguồn gen.
2. Lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen phải được chia sẻ trên cơ sở hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, chia sẻ lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen.
Điều 62. Lưu giữ và bảo quản mẫu vật di truyền
1. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu, nhân giống, lai tạo giống, ứng dụng và phát triển nguồn gen.
2. Tổ chức, cá nhân phát hiện, lưu giữ mẫu vật di truyền của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên có trách nhiệm báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp xử lý.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền để hình thành ngân hàng gen phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 63. Điều tra, thu thập, đánh giá, cung cấp, quản lý thông tin về nguồn gen
1. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện chương trình điều tra, thu thập, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen thuộc phạm vi quản lý và cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu về nguồn gen cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, thu thập, đánh giá, cung cấp thông tin về nguồn gen để xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen và bảo đảm quyền được tiếp cận cơ sở dữ liệu về nguồn gen.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc cung cấp thông tin về nguồn gen.
Điều 64. Bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen
1. Nhà nước bảo hộ bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen, khuyến khích và hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn thủ tục đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
1. Trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ và phải có các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ và cán bộ chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
c) Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải công khai thông tin về mức độ rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
2. Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và tổ chức, cá nhân trong việc quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.
1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải lập báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.
2. Báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mô tả biện pháp đánh giá rủi ro;
b) Mức độ rủi ro đối với đa dạng sinh học;
c) Biện pháp quản lý rủi ro.
3. Báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc lập, thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học và việc cấp giấy chứng nhận an toàn của sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đối với đa dạng sinh học.
1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải công khai thông tin về mức độ rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro đối với đa dạng sinh học.
2. Chính phủ quy định cụ thể việc công khai thông tin và biện pháp quản lý rủi ro.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học; xây dựng trang thông tin điện tử về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học.
2. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học phải cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học phải cung cấp thông tin cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nghiên cứu tạo ra, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
4. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin do mình cung cấp.
HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC
Điều 69. Hợp tác quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế về đa dạng sinh học
1. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện điều ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và mở rộng hợp tác về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục đích bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái ở Việt Nam và trên trái đất.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế về đa dạng sinh học.
4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học.
Điều 70. Hợp tác với các nước có chung biên giới với Việt Nam
Nhà nước ưu tiên hợp tác với các nước có chung biên giới với Việt Nam bằng các hoạt động sau đây:
1. Trao đổi thông tin, dự báo tình hình, biến động về đa dạng sinh học;
2. Phối hợp quản lý hành lang đa dạng sinh học, tuyến di cư xuyên biên giới của các loài; bảo vệ các loài di cư;
3. Tham gia các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, các chương trình, dự án bảo vệ các loài di cư và bảo vệ hành lang đa dạng sinh học.
CƠ CHẾ, NGUỒN LỰC BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐA DẠNG SINH HỌC
1. Nhà nước đầu tư cho việc điều tra cơ bản hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã, giống cấy trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm, nguồn gen có giá trị phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
2. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học phải được thu thập và quản lý thống nhất trong Cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia.
4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về hoạt động điều tra cơ bản, việc cung cấp, trao đổi và quản lý thông tin về đa dạng sinh học; thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia.
Điều 72. Báo cáo về đa dạng sinh học
1. Báo cáo về đa dạng sinh học là một phần của Báo cáo môi trường quốc gia.
2. Báo cáo về đa dạng sinh học phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Hiện trạng và diễn biến của các hệ sinh thái tự nhiên chủ yếu;
b) Hiện trạng, vùng phân bố, số lượng cá thể ước tính, đặc điểm của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, sinh vật biến đổi gen và loài ngoại lai xâm hại;
c) Thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học; áp lực, thách thức đối với đa dạng sinh học;
d) Yêu cầu đặt ra đối với đa dạng sinh học;
đ) Đánh giá lợi ích của bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế - xã hội;
e) Giải pháp và kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng báo cáo về đa dạng sinh học.
Điều 73. Tài chính cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học
1. Kinh phí cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được hình thành từ các nguồn sau đây:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Đầu tư, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
c) Thu từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được sử dụng cho các mục đích sau đây:
a) Điều tra cơ bản về đa dạng sinh học;
b) Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên;
c) Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
d) Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước;
đ) Thực hiện các chương trình kiểm soát, cô lập, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại;
e) Đầu tư khác liên quan đến việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
a) Quan trắc, thống kê, quản lý thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học;
b) Tổ chức xây dựng báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học, báo cáo hiện trạng khu bảo tồn; lập, thẩm định quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học;
c) Lập, thẩm định Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Danh mục loài ngoại lai xâm hại, Danh mục loài hoang dã bị cấm khai thác trong tự nhiên, Danh mục loài hoang dã được khai thác có điều kiện ngoài tự nhiên, Danh mục nguồn gen bị cấm xuất khẩu; điều tra, đánh giá quần thể để sửa đổi, bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
d) Quản lý khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước;
đ) Xây dựng và thử nghiệm mô hình bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;
e) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;
g) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về đa dạng sinh học;
h) Hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Điều 74. Dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học có trách nhiệm trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ.
2. Chính phủ quy định cụ thể về dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học.
Điều 75. Bồi thường thiệt hại về đa dạng sinh học
1. Tổ chức, cá nhân xâm hại khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị, loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, hành lang đa dạng sinh học thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra đối với đa dạng sinh học được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Tiền bồi thường thiệt hại về đa dạng sinh học cho Nhà nước được đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh đã thành lập theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản trước khi Luật này có hiệu lực nếu đáp ứng các tiêu chí xác lập khu bảo tồn theo quy định của Luật này thì không phải ra quyết định thành lập lại.
2. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận đã cấp cho các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trước khi Luật này có hiệu lực nếu phù hợp với quy định của Luật này thì vẫn có giá trị thi hành.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Điều 78. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI |
THE
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 20/2008/QH12 |
Hanoi, November 13, 2008 |
Pursuant to the 1992 Constitution
of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under
Resolution 51/2001/ QH10,
The National Assembly promulgates the Law on Biodiversity.
This Law provides for the conservation and sustainable development of biodiversity; rights and obligations of organizations, households and individuals in the conservation and sustainable development of biodiversity.
Article 2. Subjects of application
...
...
...
Article 3. Interpretation of terms
In this Law. the terms below are interpreted as follows:
1. Conservation of biodiversity means the protection of the abundance of natural ecosystems which are important, specific or representative; the protection of permanent or seasonal habitats of wild species, environmental landscape and the unique beauty of nature: the rearing, planting and care of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection; and the long-term preservation and storage of genetic specimens.
2. In-situ conservation means the conservation of wild species in their natural habitats; the conservation of valuable and endemic crop plants and domestic animals in the environment where they live and form and develop their typical characteristics.
3. Ex-situ conservation means the conservation of wild species outside their permanent or seasonal natural habitats: the conservation of valuable and endemic crop plants and domestic animals outside the environment where they live and form and develop their typical characteristics: the preservation and storage of genetic resources and genetic specimens in scientific and technological institutions or facilities that store and preserve genetic resources and genetic specimens.
4. Biodiversity conservation facility means an establishment that takes care of, brings up, rescues and propagates wild species, crop plants, domestic animals, microorganisms and fungi that are valuable and endemic; stores and preserves genetic resources and genetic specimens for biodiversity conservation and development purposes.
5. Biodiversity means the abundance of genes, organisms and ecosystems in the nature.
6. Assessment of risks posed to biodiversity by genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms means the determination of the latent harmfulness and damage level that may occur in activities related to genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms, especially the use and release of genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms.
7. Gene means a unit of heredity or a segment of genetic material that defines specific characteristics of an organism.
...
...
...
9. Ecosystem means a community of organisms and non-living elements interacting and metabolizing as a functional unit in a certain geographical area.
10. Natural ecosystem means an ecosystem that forms and develops in line with natural rules while still retaining its wild features.
11. New natural ecosystem means an ecosystem that newly forms and develops on alluvial grounds at coastal river mouths, warps and other areas.
12. Nature conservation zone (below referred to as conservation zone) means a geographical area that has fixed boundaries and functional sections for biodiversity conservation.
13. Wild species means species of animals, plants, microorganisms and fungi that live and grow in line with natural rules.
14. Species in danger of extinction means a species that faces the danger of decline of all of its individuals.
15. Extinct species in the nature means a species that exists only in a man-made rearing or growing conditions outside the scope of their natural distribution.
16. Endemic species means a species that exists and grows only within a narrow scope of distribution restricted to a certain territorial area in Vietnam and its existence is not identified elsewhere in the world.
17. Migratory species means a species of animal that has the whole or a part of its population emigrate regularly, periodically or seasonally from a geographical place to another one.
...
...
...
19. Invasive alien species means an alien species that invades the habitat of or causes harms to indigenous species, causing ecological imbalance in the area where it appears and grows.
20. Endangered precious and rare species prioritized for protection means wild species, crop plants or domestic animals, microorganisms or fungi which arc endemic and of special scientific, medical, economic, ecological, scenic, environmental or cultural-historical value, exist in few numbers or are in danger of extinction.
21. Genetic specimen means any specimen of plant, animal, microorganism or fungus that possesses functional units of heredity which can regenerate.
22. Genetic resource includes all species and genetic specimens in nature, conservation zones, biodiversity conservation facilities and scientific research and technological development institutions and in nature.
23. Sustainable development of biodiversity means the rational exploitation and use of natural ecosystems, development of genetic resources and species and assurance of ecological balance in service of socio-economic development.
24. Release of genetically modified organisms means the intentional introduction of genetically modified organisms into a natural habitat.
25. Risk management means the taking of safety measures to prevent, handle and remedy risks to biodiversity in activities related to genetically modified organisms and genetic specimens of genetically modified organisms.
26. Population means a group of individuals of the same species living and growing within a certain area.
27. Genetically modified organism means an organism whose genetic structure has been modified by the gene transfer technology.
...
...
...
29. Access to genetic resources means activities of investigating and collecting genetic resources for research and development and production of commercial products.
30. Buffer zone means the area surrounding and adjacent to a conservation zone, having the function of preventing and reducing negative impacts from outside on the conservation zone.
Article 4. Principles for the conservation and sustainable development of biodiversity
1. Conserving biodiversity is the duty of the State and all organizations and individuals.
2. Harmoniously combining conservation with rational exploitation and use of biodiversity; and conservation and rational exploitation and use of biodiversity with hunger eradication and poverty alleviation.
3. Regarding in-situ conservation as a keystone measure, combining in-situ conservation with ex-situ conservation
4. Organizations and individuals that benefit from biodiversity exploitation and use shall share their benefits with concerned parties: ensuring harmony between the interests of the State, organizations and individuals.
5. Ensuring management of risks caused to biodiversity by genetically modified organisms and specimens of genetically modified organisms.
Article 5. State policies on the conservation and sustainable development of biodiversity
...
...
...
2. Ensuring funds for basic survey, observation, inventory and building of databases on biodiversity and planning of biodiversity conservation; investing material- technical foundations for conservation zones and biodiversity conservation facilities set up by the State; and ensuring local people’s participation in the process of formulating and implementing biodiversity conservation plannings.
3. Encouraging organizations and individuals to invest in and apply scientific and technological advances and traditional knowledge to the conservation and sustainable development of biodiversity, and guaranteeing their lawful rights and interests.
4. Developing ecotourism in association with hunger eradication and poverty alleviation, ensuring stable livelihood for households and individuals lawfully living in conservation zones; sustainably developing buffer zones of conservation zones.
5. Promoting domestic and foreign resources for the conservation and sustainable development of biodiversity.
Article 6. Slate management responsibilities for biodiversity
1. The Government performs the unified state management of biodiversity.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take responsibility to the Government for performing the state management of biodiversity.
3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, perform the state management of biodiversity as assigned by the Government.
4. People’s Committees at all levels shall, within the ambit of their tasks and powers, perform the state management of biodiversity as decentralized by the Government.
...
...
...
1. Hunting, fishing and exploiting wild species in strictly protected sections of conservation zones, except for scientific research purposes; encroaching upon land, destroying landscape, deteriorating ecosystems and rearing or planting invasive alien species in conservation zones.
2. Building structures or houses in strictly protected sections of conservation zones, except works for defense and security purposes; illegally building works and houses in ecological restoration sections of conservation zones.
3. Investigating, surveying, exploring and exploiting minerals; raising cattle and poultry on a farm scale, conducting aquaculture on an industrial scale; illegally living and polluting the environment in strictly protected sections and ecological restoration sections of conservation zones.
4. Hunting, fishing, exploiting bodily parts of, illegally killing, consuming, transporting, purchasing and selling species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection; illegally advertising, marketing and consuming products originated from species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
5. Illegally rearing or growing and planting or culturing wild fauna and flora species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
6. Illegally importing or releasing genetically modified organisms and genetic specimens of genetically modified species.
7. Importing and developing invasive alien species.
8. Illegally accessing genetic resources of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
9. Illegally changing use purposes of land in conservation zones.
...
...
...
BIODIVERSITY CONSERVATION PLANNING
Section 1. NATIONAL MASTER PLAN ON BIODIVERSITY CONSERVATION
Article 8. Bases for the formulation of a national master plan on biodiversity conservation
1.The strategy for socio-economic development, defense and security.
2. The strategy for environmental protection.
3. Plannings on land use and development of branches and domains.
4. Results of basic surveys on biodiversity, natural and socio-economic conditions.
5. Results of implementation of previous master plans on biodiversity conservation.
6. The current status of biodiversity and forecasts about biodiversity exploitation and use demands.
...
...
...
Article 9. Contents of a national master plan on biodiversity conservation
1. Orientations and goals of biodiversity conservation.
2. Evaluation of natural and socio-economic conditions, the current status of biodiversity; plannings on land use and development of branches, domains and localities; resources for the implementation of the master plan.
3. Geographical location, boundaries and measures of organizing management and protection of the biodiversity corridor.
4. Geographical location, area, ecological functions and measures of organizing management, protection and sustainable development of natural ecosystems.
5. Geographical location, area, boundaries and maps of regions planned for establishment of conservation zones, types of conservation zones, measures of organizing management of conservation zones: and solutions for stabilizing the livelihood of households and individuals lawfully living in conservation zones.
6. Ex-situ conservation needs; types, number, distribution and plan for development of biodiversity conservation facilities.
7. Strategic environmental assessment of the draft master plan.
8. Organization of the implementation of the master plan.
...
...
...
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and ministerial-level agencies in, organizing the formulation of a national master plan on biodiversity conservation and submission thereof to the Government for approval.
2. On the basis of the national master plan on biodiversity conservation, ministries and ministerial-level agencies shall organize the formulation, approval and adjustment of plannings on biodiversity conservation under their management.
3. The Government shall specify the order and procedures for ihe formulation, approval and adjustment of master plans and plannings on biodiversity conservation prescribed in this Article.
1. Within 30 days after the Government approves the national master plan on biodiversity conservation, the Ministry of Natural Resources and Environment and concerned ministries and ministerial-level agencies shall publicize il on their websites, while concerned People’s Committees of provinces and centrally run cities (below collectively referred to as provincial-level People’s Committees) shall publicize it on their websites and at head offices of concerned People’s Committees of all levels.
2. The organization of implementation of a national master plan on biodiversity conservation is prescribed.as follows:
a/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with concerned ministries and ministerial-level agencies, in guiding the implementation of the national master plan on biodiversity conservation;
b/ Ministries and ministerial-level agencies shall organize the implementation of the national master plan on biodiversity conservation within the scope of their management;
c/ Provincial-level People’s Committees shall organize the implementation of the national master plan on biodiversity conservation in their localities;
...
...
...
Section 2. BIODIVERSITY CONSERVATION PIANNINGS OF PROVINCES AND
CENTRALLY RUN CITIES
1. Local plannings and plans for socio-economic development, defense and security.
2. The national master plan on biodiversity conservation.
3. Land use plannings of provinces or centrally run cities.
4. Results of implementation of previous biodiversity conservation plannings of provinces or centrally run cities.
5. The current status of biodiversity, specific natural and socio-economic conditions of localities where conservation zones are planned to be established.
6. Local biodiversity conservation and exploitation needs.
7. Resources for implementation of plannings.
...
...
...
1. Orientations and goals of biodiversity conservation in provinces or centrally run cities.
2. Evaluation of the current status of biodiversity and natural and socio-economic conditions of places where provincial-level conservation zones are planned to be established.
3. Geographical location, area, boundaries and maps of places planned for establishment of conservation zones, types of conservation zones; measures of organizing the management of conservation zones; and solutions for stabilizing the livelihood of households and individuals lawfully living in conservation zones:
4. Ex-situ conservation needs; types; number, distribution and plans for development of biodiversity conservation facilities in provinces or centrally run cities.
Organization of the implementation of biodiversity conservation plannings in provinces or centrally run cities.
1. Provincial-level People’s Committees shall organize the formulation, evaluation and adjustment of biodiversity conservation plannings of provinces or centrally run cities and submit them to the People’s Councils of the same level for approval.
2. The Government shall stipulate the order and procedures for the formulation, evaluation, approval and adjustment of biodiversity conservation plannings of provinces and centrally run cities.
...
...
...
2. The provincial-level People’s Committee shall organize the implementation of the biodiversity conservation planning of its province or centrally run city.
CONSERVATION AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF NATURAL ECOSYSTEMS
Article 16. Conservation zones and classification of conservation zones
1. Conservation zones include:
a/ National parks;
b/ Nature reserves;
c/ Species/habitat conservation zones;
...
...
...
2. Based on their biodiversity levels and values and sizes, conservation zones shall be classified as national- and provincial-level ones to which suitable management and investment policies will apply.
3. Conservation zones shall be inventoried in number and area; and have their locations determined on land use maps or their sea co-ordinates identified.
4. The Government shall specify conservation zone classification criteria.
A national park must meet the following major criteria:
1. Possessing a natural ecosystem which is nationally and internationally important, specific to or representative of a natural eco-region;
2. Being a permanent or seasonal natural habitat of at least one species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
3. Having special scientific and educational values;
4. Having landscape and unique natural beauty of ecotourism value.
...
...
...
1. Nature reserves include:
a/ National-level nature reserves;
b/ Provincial-level nature reserves.
2. A national-level nature reserve must meet the following major criteria:
a/ Possessing a natural ecosystem which is nationally and internationally important, specific to or representative of a natural eco-region;
b/ Having special scientific and educational values or ecotourism and recreational values.
3. Provincial-level nature reserves are those set up under provincial-level biodiversity conservation plannings for conserving natural ecosystems in localities.
1. Wildlife reserves include:
...
...
...
b/ Provincial-level wildlife reserves;
2. A national-level wildlife reserve must meet the following major criteria:
a/ Being a permanent or seasonal natural habitat of at least one species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
b/ Having special scientific and educational values;
3. Provincial-level wildlife reserves are those set up under provincial-level biodiversity conservation plannings for conserving wildlife in localities.
Article 20. Landscape conservation zones
1. Landscape conservation zones include:
a/ National-level landscape conservation zones.
b/ Provincial-level landscape conservation zones.
...
...
...
a/ Having a particular ecosystem:
b/ Having landscape and unique natural beauty;
c/ Having scientific, educational, ecotourism and recreational values.
3. Provincial-level landscape conservation zones are those set up under provincial-level biodiversity conservation plannings for protecting local landscape.
Article 21. Contents of a conservation zone establishment project
1. Biodiversity conservation purposes; satisfaction of major criteria for the establishment of conservation zones.
2. Current status of natural ecosystems, species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection, other wild species, landscape and unique natural beauty.
3. Areas of land and water surface; current situation of land and water surface use: number of inhabitants in the planned place of the conservation zone; scheme on land use purpose change.
4. Extracts of maps, geographical location and area of the planned conservation zone.
...
...
...
6. Conservation zone management plan.
7. Organization of the management of the conservation zone.
8. Geographical location, area and boundaries of the buffer zone of the planned place of the conservation zone.
9. Organization of the implementation of the conservation zone establishment project.
Article 22. Formulation and appraisal of national-level conservation establishment projects
1. National-level conservation zone establishment projects shall be formulated and appraised as assigned and decentralized by the Government.
2. The order of and procedures for formulating a national-level conservation zone establishment project are prescribed as follows:
a/ To investigate and assess the biodiversity situation of the planned place of the conservation zone according to the criteria for conservation zones specified in Articles 17. 18, 19 and 20 of this Law and to formulate the conservation zone establishment project:
b/ To colIect opinions from concerned ministries and ministerial-level agencies. People’s Committees of all levels and inhabitants lawfully living in the planned place of the conservation zone and its adjacent area;
...
...
...
3. A dossier of a national-level conservation zone establishment project comprises:
a/ A written request for the establishment of a conservation zone, prepared by the project-formulating agency;
b/ The project with the contents specified in Article 21 of this Law;
c/ Opinions of the state agency competent to manage conservation zones specified in Clause 1, Article 27 of this Law and the related parties specified at Point b, Clause 2 of this Article:
d/ Results of appraisal of the project.
Article 23. Decisions to establish national-level conservation zones
1. The Prime Minister shall decide to establish national-level conservation zones.
2. A decision to establish a national-level conservation zone must contain the following major details:
a/ Geographical location, boundaries and areas of the conservation zone and its buffer zone;
...
...
...
c/ The conservation zone’s biodiversity conservation purposes;
d/ A plan to restore natural ecosystems in the conservation zone;
e/ A scheme to settle or relocate households and individuals living in the conservation zone; a scheme to change use purposes of land in the conservation zone;
f/ The functions, tasks and organization structure of the conservation zone management unit.
3. The decision to establish a national-level conservation zone shall be sent to People’s Committees of all levels of the locality where the conservation zone is located, the conservation zone establishment project-formulating agency specified in Clause 1, Article 22 of this Law, and state agencies competent to manage conservation zones specified in Clause 1, Article 27 of this Law.
1. On the basis of provincial-level biodiversity conservation plannings. provincial-level People’s Committees shall decide to establish provincial-level conservation zones after consulting concerned People’s Committees of all levels, inhabitants lawfully living in the planned areas of conservation zones and their adjacent areas and obtaining the approval of state agencies competent to manage conservation zones specified in Clause 1, Article 27 of this Law.
2. State agencies competent to manage conservation zones specified in Clause 1, Article 27 of this Law shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and ministerial-level agencies in, prescribing the order of and procedures for formulating and appraising provincial-level conservation zone establishment projects; and contents of decisions to establish provincial-level conservation zones.
Article 25. Use of land in conservation zones
...
...
...
2. The use and change of use purposes of land in conservation zones comply with the land law, this Law and other relevant laws.
Article 26. Functional sections and conservation zone boundaries
1. A conservation zone has the following functional sections:
a/ The strictly protected section;
b/ The ecological restoration section;
c/ The service-administrative section.
2. A conservation zone must have boundary markers placed to determine its boundaries; the strictly protected section of a conservation zone must have its area and position determined on the field or its sea co-ordinates identified.
3. The conservation zone management unit or the organization assigned to manage a conservation zone shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the People’s Committees of all levels of the locality where the conservation zone is located in, placing boundary markers to determine the conservation zone’s boundaries.
Article 27. Conservation zone management responsibilities
...
...
...
2. Conservation zones shall he managed in accordance with this Law and the Regulation on management of conservation zones.
The Prime Minister shall promulgate the Regulation on management of conservation zones
Article 28. Organization of management of conservation zones
1. A national-level conservation zone has a management unit which operates as a public non-business unit with or without financial autonomy.
2. Based on local realities, a provincial-level conservation zone may be managed by a management unit being a public non-business unit with or without financial autonomy or an organization assigned to manage the conservation zone according to law.
A conservation zone management unit or an organization assigned to manage a conservation zone has the following rights and responsibilities:
1. To conserve biodiversity under this Law and the Regulation on management of conservation zones;
2. To elaborate, submit to state management agencies for approval, and organize the implementation of. plans, programs and investment projects to restore natural ecosystems in the conservation zone;
...
...
...
4. To do business or enter into joint ventures in ecotourism. scientific research, resort and other services in the conservation zone according to law;
5. To coordinate with ranger force, environmental police, fire fighting police and local administrations in conserving the conservation zone’s biodiversity:
6. To enjoy benefits from the access to genetic resources within the conservation zone;
7. To have other rights and responsibilities as prescribed by law.
1. Households and individuals lawfully living in conservation zones have the following rights and obligations:
a/ To lawfully exploit resources in conservation zones under this Law, the Regulation on management of conservation zones and other relevant laws;
b/ To participate in and benefit from business and service activities in conservation zones;
c/ To enjoy policies on incentives, supports, compensation and resettlement under law;
...
...
...
e/ To have other rights and obligations as presented by law.
2. The Government shall specify the implementation of this Article.
Organizations and individuals carrying out lawful activities in conservation zones have the following rights and obligations:
1. To lawfully exploit resources in conservation zones under this Law, the Regulation on management of conservation zones and other relevant laws;
2. To access genetic resources and share benefits from such access and other lawful activities in conservation zones according to law;
3. To observe the Regulation on management of conservation zones;
4. To carry out other activities under law;
5. To have other rights and obligations as prescribed law.
...
...
...
1. Locations and areas of buffer zones shall be specified in decisions on the establishment of conservation zones and determined on land use maps or have their sea co-ordinates identified.
2. All activities in buffer zones must comply with the Regulation on management of buffer zones promulgated by the Prime Minister.
3. Owners of investment projects in conservation zones’ buffer zones shall make an environmental impact assessment report and submit it to an evaluation council under the environmental protection law. Such evaluation council must be composed of a representative of the conservation zone management unit.
When an investment project in a buffer zone poses latent-risks of environmental incidents or dispersion of hazardous waste, the decision to approve the project’s environmental impact assessment report must specify a safe distance so as to prevent adverse impacts on the conservation zone and the organization assigned to manage the conservation zone.
Article 33. Reporting on the current status of conservation zones’ biodiversity
1. Every three years, conservation zone management units or organizations assigned to manage conservation zones shall report on the current status of their conservation zones’ biodiversity to state agencies competent to manage conservation zones specified in Clause 1, Article 27 of this Law.
2. A report on the current status of a conservation zone’s biodiversity must contain the following major contents:
a/ The actual status and the restoration situation of. and plan to restore the conservation zone’s natural ecosystems;
b/ The actual status of and plan on conservation of the conservation zone’s species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
...
...
...
d/ Current situation of land use in the conservation zone.
Section 2. SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF NATURAL ECOSYSTEMS
1. Natural ecosystems shall be surveyed anc assessed and their sustainable development mechanisms shall be determined.
2. Natural forest ecosystems shall be surveyed and assessed and their sustainable development mechanisms shall be determined according to the law on forest protection and development and other relevant laws.
3. Natural marine ecosystems shall be surveyed and assessed and their sustainable development mechanisms shall be determined according to the law on fisheries and other relevant laws.
4. Natural ecosystems of natural wetlands, limestone mountain areas and unused land areas other than those specified in Clauses 2 and 3 of this Article may be surveyed and assessed and their sustainable development mechanisms may be determined under Articles 35 and 36 of this Law and other relevant laws.
Article 35. Sustainable development of natural wetlands’ natural ecosystems
1. Natural wetlands are marsh, peaty or permanently or temporarily wet areas, including sea areas of a depth not exceeding 6 meters at the lowest tide level.
...
...
...
3. Provincial-level People’s Committees shall conduct survey, statistical and inventory reviews and assessment of the current status of biodiversity and determine sustainable development mechanisms for natural ecosystems and locations and areas of natural wetlands on land use maps or their sea co-ordinates.
1. The current status of biodiversity of limestone mountain areas and unused land areas not belonging to the forest ecosystem having natural ecosystems specific to or representative of a region must be surveyed and assessed and sustainable development mechanisms for these areas shall be determined.
2. Provincial-level People’s Committees shall conduct surveys, statistical and inventory reviews and assessment of the current status of biodiversity and determine sustainable development mechanisms for natural ecosystems in limestone mountain areas and unused land areas not belonging to the forest ecosystem.
CONSERVATION AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF SPECIES
1. Species to be considered for inclusion in the list of endangered precious and rare species prioritized for protection include:
...
...
...
b/ Endangered precious and rare crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms and fungi.
2. The Government shall specify criteria for definition and regulations on management and protection of specifies on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
1. Pursuant to Article 37 of this Law, the following organizations or individuals may propose a species to be included in or excluded from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection:
a/ Organizations or individuals that conduct surveys or researches on species in Vietnam;
b/ Organizations or individuals that are assigned to manage forests, conservation zones, wetlands, sea, and other natural ecosystems;
c/ Societies, associations and other organizations involved in science and technology or environment.
2. Proposals on inclusion of species in or exclusion of species from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection must be compiled into dossiers to be submitted to concerned ministries or ministerial-level agencies for examination under Clause 1, Article 39 of this Law.
3. A dossier of proposal on inclusion of a species in or exclusion of a species from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection comprises:
...
...
...
b/ Areas of distribution, estimated number of individuals, living conditions and current state of permanent or seasonal natural habitats of the proposed species;
c/ Basic characteristics, endemicity and special scientific, medical, economic, ecological, landscape, environmental or cultural and historical values of the proposed species;
d/ Extent of danger of extinction of the proposed species;
e/ Regulations on management and protection, and other particular requirements;
f/ Results of self-assessment and proposal on inclusion in or exclusion from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
1. After receiving valid dossiers of proposal on inclusion of species in or exclusion of species from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection, ministries or ministerial-level agencies shall set up councils to examine these dossiers before forwarding them to the Ministry of Natural Resources and Environment for drawing up of the list of endangered precious and rare species prioritized for protection and submission thereof to the Government for decision.
2. The Government shall specify the order of and procedures for examination of dossiers of proposal on inclusion of species in or exclusion of species from the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
...
...
...
a/ Name of the species;
b/ Basic characteristics of the species;
c/ Regulations on management and protection particularly applicable to the species.
2. The list of endangered precious and rare species prioritized for protection must be publicized on the mass media.
3. Every three years or when necessary, the populations of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection must be surveyed and assessed for modification of the list.
1. Areas where exist permanent or seasonal natural habitats of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection specified at Point a. Clause 1, Article 37 of this Law must be surveyed and assessed in order to formulate conservation zone establishment projects.
2. The State establishes or authorizes organizations or individuals to establish biodiversity conservation facilities to conserve species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
3. The introduction of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection into biodiversity conservation facilities for rearing or planting and the release of those species from rescue centers into their natural habitats are subject to written approval of competent state agencies.
...
...
...
Section 2. SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF SPECIES
Article 42. Establishment of biodiversity conservation facilities
1. Biodiversity conservation facilities are established for conserving biodiversity, conducting scientific research and organizing ecotourism, and include:
a/ Facilities rearing or planting species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
b/ Wildlife rescue centers;
c/ Facilities storing endemic, endangered precious and rare crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms and fungi which have special scientific, medical, economic, ecological, landscape, environmental or cultural and historical values; and facilities storing and preserving genetic resources and genetic specimens.
2. Facilities fully satisfying the following conditions will be granted biodiversity conservation facility certificates:
a/ Having adequate land areas, cages and physical foundations meeting requirements for rearing, planting or breeding species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection; wildlife rescue; or storing and preserving genetic resources and genetic specimens:
b/ Having technicians with appropriate professional qualifications;
...
...
...
3. A dossier of registration for establishment of a biodiversity conservation facility comprises:
a/ An application for establishment of a biodiversity conservation facility;
b/ The establishment project;
c/ Documents proving the satisfaction of the conditions specified in Clause 2 of this Article.
4. Provincial-level People’s Committees shall grant biodiversity conservation facility certificates.
5. The Government shall specify the conditions for rearing or planting species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection; rescuing wildlife; preserving endemic crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms and fungi; storing and preserving genetic resources and genetic specimens: registering for establishment of biodiversity conservation facilities, and granting and revoking biodiversity conservation facility certificates.
1. Organizations and individuals that manage biodiversity conservation facilities have the following rights:
a/ To enjoy incentive policies and mechanisms and supports of the State as prescribed by law;
...
...
...
c/ To enjoy profits from tourist activities and other activities of their biodiversity conservation facilities according to law;
d/ To enter into contracts on access to, and sharing of benefits from, genetic resources under their management;
e/ To rear, plant, breed and rescue species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection; to store endemic crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms and fungi; and to store and preserve genetic resources and genetic specimens;
f/ To exchange or donate species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection for the purpose of biodiversity conservation, scientific research or ecotourism according to law;
g/ To have other rights as prescribed by law.
2. Organizations and individuals that manage biodiversity conservation facilities have the following obligations:
a/ To protect, nurture and take care of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection: to store and preserve genetic resources and genetic specimens:
b/ To register and declare origin of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection to specialized agencies of provincial-level People’s Committees;
c/ To devise measures to prevent epidemics and adopt regimes of nurturing species in their facilities and treating their diseases;
...
...
...
e/ To ask for permission of competent slate agencies specified in Clause 4, Article 41 of this Law for introducing species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection into their biodiversity conservation facilities for rearing or planting or for releasing species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection from their rescue centers into these species’ natural habitats;
f/ To have other obligations as prescribed by law.
1. The conditional exploitation of wild species in nature must comply with the law on forest protection and development, the law on fisheries and other relevant laws.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in, specifying the protection of wild species banned from exploitation in nature and the exploitation of wild species permitted for conditional exploitation in nature; and periodically publicizing the list of wild species banned from exploitation in nature and the list of wild species permitted for conditional exploitation in nature.
1. Species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection may be reared or planted in biodiversity conservation facilities for the purpose of biodiversity conservation, scientific research or ecotourism under this Law.
2. The rearing, growing and artificial planting or culture of a number of species on the list of endangered precious or rare species prioritized for protection in rearing, growing and artificial planting or culture facilities for commercial purposes must comply with law.
...
...
...
1. Individuals of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection which lose their natural habitats, stray or are injured or diseased must be brought into rescue centers for treatment, nurture, care and eventual release into their natural habitats.
2. Organizations and individuals that discover individuals of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection which lose their natural habitats, stray or are injured or diseased shall immediately inform the nearest commune-level Peoples Committee or rescue centers thereof. Upon receiving such information, the commune-level People’s Committee shall promptly report it to the specialized agency of the provincial-level People’s Committee or the nearest rescue center.
3. After being rescued and fully recovering their health, individuals of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection may be considered for release into their natural habitats. Individuals of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection which have lost their natural habitats shall be considered for introduction into appropriate biodiversity conservation facilities for rearing or planting.
4. The Government shall specify the rescue of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and ministerial-level agencies in, organizing surveys and assessments of endemic or valuable crop plant varieties and domestic animal breeds which are in danger of extinction, and proposing them to be included in the list of endangered precious and rare species prioritized for protection.
2. Access to genetic resources of endemic or valuable crop plant varieties and domestic animal breeds which are in danger of extinction must comply with the provisions of Sections 1 and 2, Chapter V of this Law and other relevant laws.
Article 49. Protection for endemic or valuable microorganisms and fungi in danger of extinction
...
...
...
2. Access to genetic resources of endemic or valuable microorganisms and fungi which are in danger of extinction must comply with the provisions of Sections 1 and 2. Chapter V of this Law and other relevant laws.
Section 3. CONTROL OF INVASIVE ALIEN STECIES
Article 50. Survey and listing of invasive alien species
1. Invasive alien species include known invasive alien species and potential invasive alien species.
2. Provincial-level People’s Committees shall organize surveys for drawing up lists of invasive alien species in their localities and report them to the Ministry of Natural Resources and Environment and the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, other ministries and ministerial-level agencies and provincial-level People’s Committees in, conducting surveys and identifying invasive alien species, examining and promulgating a list of invasive alien species.
Article 51. Control of import of invasive alien species and invasion of alien species
1. Customs offices shall assume the prime responsibility for, and coordinate with competent authorities at border gates in, inspecting, detecting and handling violations in importing species on the list of invasive alien species.
2. Provincial-level People’s Committees shall coordinate with competent agencies in organizing the inspection and assessment of the potential invasion of alien species before devising measures to prevent and control invasive alien species.
...
...
...
1.The rearing or planting of potential invasive alien species may be conducted only when tests of these alien species show that they are not harmful to biodiversity and it is permitted by provincial-level People’s Committees.
2. The rearing or planting and development of alien species in conservation zones may be conducted only when tests of these alien species show that they are not harmful to biodiversity of these zones and it is permitted by provincial-level People’s Committees.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, other concerned ministries and ministerial-level agencies in. issuing regulations on tests of alien species and the grant of permits for rearing or planting and development of alien species.
Article 53. Control of the spread and development of invasive alien species
1. The State invests and encourages organizations and individuals to invest in implementing programs to isolate and eradicate invasive alien species.
2. Provincial-level People’s Committees shall organize surveys to identify areas of distribution of species on the lists of invasive alien species in their localities, and work out plans to isolate and eradicate these species.
3. Organizations and individuals that discover invasive alien species shall immediately inform the nearest commune-level People’s Committee thereof. After receiving such information, the commune-level People’s Committee shall promptly report it to immediate superior authorities or the specialized agency of the provincial-level People’s Committee for application of control measures.
Article 54. Publicization of information on invasive alien species
1. The Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Agriculture and Rural Development and provincial-level People’s Committees shall post the list of invasive alien species and information on their areas of distribution and levels of invasion on their websites.
...
...
...
3. Mass media agencies shall disseminate information on invasive alien species and measures to control, isolate and eradiate these species.
CONSERVATION AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF GENETIC RESOURCES
Article 55. Management of genetic resources
1. The State uniformly manages all genetic resources in the Vietnamese territory.
2. The State assigns organizations and individuals to manage genetic resources according to the following provisions:
a/ Conservation zone management units and organizations assigned to manage conservation zones shall manage genetic resources in conservation zones;
b/ Heads of biodiversity conservation facilities, scientific research and technological development institutions, and genetic resource storage and preservation establishments shall manage their own genetic resources;
...
...
...
d/ Commune-level People’s Committees shall manage genetic resources in their localities, except cases specified at Points a. b and c of this Clause.
1. Organizations and individuals assigned to manage genetic resources have the following rights:
a/ To investigate and collect genetic resources assigned to them for management;
b/ To exchange, transfer and supply genetic resources assigned to them for management to other organizations or individuals in accordance with law;
c/ To enjoy benefits shared by organizations or individuals having access to genetic resources under Articles 58 and 61 of this Law.
2. Organizations and individuals assigned to manage genetic resources have the following obligations:
a/ To notify competent state management agencies of the exchange, transfer or supply of genetic resources to other organizations or individuals for purposes of research and development and production of commercial products:
b/ To enter into contracts on access to genetic resources and benefit sharing with organizations or individuals that are granted licenses for access to genetic resources under Article 59 of this Law;
...
...
...
d/ To take responsibility before law and competent state management agencies for the management of genetic resources.
Article 57. Order of and procedures for access to genetic resources
The order of and procedures for access to genetic resources are specified as follows:
1. Registering access to genetic resources;
2. Entering into written contracts on access to genetic resources and benefit sharing with organizations, households or individuals assigned to manage genetic resources under Articles 58 and 61 of this Law:
3. Applying for licenses for access to genetic resources under Article 59 of this Law;
4. The Government shall specify the order of and procedures for access to genetic resources
Article 58. Contracts on access to genetic resources and benefit sharing
1. After registration, organizations or individuals wishing to access genetic resources shall enter into written contracts on access to genetic resources and benefit sharing with organizations, households or individuals assigned to manage genetic resources.
...
...
...
3. A contract on access to genetic resource and benefit sharing must contain the following principal details:
a/ Purpose of access to genetic resources;
b/ Genetic resources to be accessed and volume of genetic resources to be collected;
c/ Place of access to genetic resources;
d/ Flan on access to genetic resources;
e/ The transfer of the results of survey and collection of genetic resources to a third parly:
f/ Activities of research and development or production of commercial products using genetic resources:
g/ Participants in research and development or production of commercial products using genetic resources;
h/ Place for conducting research and development or production of commercial products using genetic resources;
...
...
...
4. Contracts on access to genetic resources and benefit sharing must be sent to commune-level People’s Committees of localities where genetic resources are accessed and to state agencies competent to grant licenses for access to genetic resources under Article 59 of this Law.
5. Disputes over or complaints about access to genetic resources and benefit sharing shall be settled under Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
Article 59. Licenses for access to genetic resources
1. To obtain a license for access to genetic-resources, an organization or individual must meet the following conditions:
a/ Registering with a competent state management agency;
b/ Having signed a contract on access to genetic resources and benefit sharing with the organization, household or individual assigned to manage genetic resources;
c/ Access to genetic resources does not fall into either of the cases specified in Clause 4 of this Article.
2. A dossier of application for a license for access to genetic resources comprises:
a/ An application for a license lor access to genetic resources:
...
...
...
3. A license for access to genetic resources must contain the following principal details:
a/ Purpose of using genetic resources;
b/ Genetic resources to be accessed and the volume of genetic resources to be collected;
c/ Place of access to genetic resources;
d/ To-be-carried out activities related to genetic resources;
e/ Periodical reporting on the results of research and development or production of commercial products related to genetic resources to be accessed.
4. Cases in which a license for access to genetic resources is not granted include:
a/ Genetic resources of species are on the list ol endangered rare and precious species prioritized for protection, except cases licensed by competent state agencies;
b/ The use of genetic resources threatens to harm humans, the environment, security, defense or national interests.
...
...
...
6. The Government shall specify the competence, order of and procedures for granting licenses for access to genetic resources.
1. Organizations and individuals licensed for access to genetic resources have the following rights:
a/ To investigate and collect genetic resources and carry out other activities as indicated in their licenses for access to genetic resources;
b/ To take out of the Vietnamese territory genetic resources not on the list of those banned from export under law;
c/ To trade in products made from genetic resources they are licensed to access;
d/ To have other rights as specified in their licenses for access to genetic resources and contracts on access to genetic resources and benefit sharing.
2. Organizations and individuals licensed for access to genetic resources have the following obligations:
a/ To adhere to the provisions of their licenses for access to genetic resources;
...
...
...
c/ To share benefits with related parties, including the distribution of intellectual property rights over invention results based on their access to genetic resources and traditional knowledge copyrights on genetic resources;
d/ To have other obligations as specified in their licenses for access to genetic resources and contracts on access to genetic resources and benefit sharing.
Article 61. Sharing of benefits from access to genetic resources
1. Benefits obtained from access to genetic resources must be shared to the following parties:
a/ The State;
b/ Organizations, households and individuals assigned to manage genetic resources;
c/ Organizations and individuals licensed for access to genetic resources and related parties as prescribed in the licenses.
2. Benefits obtained from access to genetic resources must be shared on the basis of contracts on access to genetic resources and benefit sharing and in accordance with relevant laws.
3. The Government shall specify the management and sharing of benefits obtained from access to genetic resources.
...
...
...
Article 62. Storage and preservation of genetic specimens
1. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, organize the permanent storage and preservation of genetic specimens of species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection and species imported for the research, propagation, hybridization, application and development of genetic resources.
2. Organizations and individuals that detect and store genetic specimens of extinct species in nature on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection shall report them to commune-level People’s Committees for immediate reporting to natural resources and environment agencies under provincial-level People’s Committees for handling.
3. The State encourages organizations and individuals to invest in permanently storing and preserving genetic specimens to form gene banks serving biodiversity conservation and socio-economic development.
1. Ministries and ministerial-level agencies shall organize the implementation of programs on investigation, collection, assessment and building of databases on genetic resources under their management and supply information on databases on genetic resources to the Ministry of Natural Resources and Environment.
The Ministry of Natural Resources and Environment shall uniformly manage a national database on genetic resources.
2. The Slate encourages organizations and individuals to investigate, collect, assess and supply information on genetic resources for building databases on genetic resources and ensures the right to access databases on genetic resources.
3. The Government shall specify the supply of information on genetic resources.
...
...
...
1. The State protects traditional knowledge copyrights on genetic resources and encourages and supports organizations and individuals to register traditional knowledge copyrights on genetic resources.
2. The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and ministerial-level agencies in, guiding procedures for registration of traditional knowledge copyrights on genetic resources.
1. Responsibilities for managing risks caused to biodiversity by genetically modified organisms and genetic specimens of genetically modified organisms are defined as follows:
a/ Organizations and individuals that research and create genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall register with the Ministry of Science and Technology and satisfy conditions on material and technical foundations, technologies and professionals under regulations of the Ministry of Science and Technology;
b/ Organizations and individuals that import genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall obtain permission of competent state agencies;
c/ Organizations and individuals that research, import, purchase, sell or release genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall publicize information on the extent of risks and risk management measures under Article 67 of this Law.
2. The Government shall specify responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, organizations and individuals for managing risks caused to biodiversity by genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms.
...
...
...
1. Organizations and individuals that research and create, import or release genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall make reports on assessment of risks caused to biodiversity by genetically modified organisms.
2. A report on assessment of risks caused to biodiversity by genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms must contain the following principal details:
a/ Description of risk assessment measures;
b/ Extent of risks caused to biodiversity;
c/ Risk management measures.
3. Reports on assessment of risks caused to biodiversity by genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms must be appraised by competent stale management agencies.
4. The Government shall specify the making and appraisal of reports on assessment of risks caused to biodiversity by genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms and the grant of certificates of biodiversity safety of genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms.
1. Organizations and individuals that research and create, import, purchase, sell or release genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall publicize information on the extent of risks and measures to manage risks caused to biodiversity.
...
...
...
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall uniformly manage databases on biodiversity-related genetically modified organisms and genetic specimens of genetically modified organisms; and build a website on biodiversity-related genetically modified organisms and genetic specimens of genetically modified organisms.
2. Organizations and individuals that research and create, import, purchase, sell or release biodiversity-related genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall supply information to the Ministry of Natural Resources and Environment.
3. Organizations and individuals that research and create, or release biodiversity-related genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall supply information to provincial-level People’s Committees of localities where they research and create, or release genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms.
4. Organizations and individuals that supply information on biodiversity-related genetically modified organisms or genetic specimens of genetically modified organisms shall take responsibility for the accuracy of information they supply.
INTERNATIONAL COOPERATION ON BIODIVERSITY
Article 69. International cooperation and implementation of treaties on biodiversity
1. The State of the Socialist Republic of Vietnam commits to implementing treaties on biodiversity to which it is a contracting party and expanding cooperation on biodiversity conservation and sustainable development with other countries, territories and foreign organizations and individuals.
...
...
...
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and ministerial-level agencies in. studying and proposing the negotiation, conclusion of or accession to treaties on biodiversity.
4. The State encourages and creates conditions for Vietnamese organizations and individuals, overseas Vietnamese and foreign organizations and individuals to implement international cooperation programs and projects on biodiversity.
Article 70. Cooperation with bordering countries
The State prioritizes cooperation with bordering countries through the following activities;
1. Exchanging information and forecasts about the biodiversity situation and change;
2. Coordinating in managing biodiversity corridors and transnational migration routes of various species; protecting migratory species;
3. Participating in programs on biodiversity conservation and sustainable development and programs and projects on protection of migratory specifies and biodiversity corridors.
MECHANISMS AND RESOURCES FOR BIODIVERSITY CONSERVATION AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT
...
...
...
1. The State invests in basic surveys on natural ecosystems, wild species, crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms, fungi and genetic resources that are valuable in service of biodiversity conservation and sustainable development.
2. The State invests in and encourages organizations and individuals to invest in scientific research in service of biodiversity conservation and sustainable development and socio-economic development.
3. Basic survey information and data and scientific research outcomes on biodiversity shall be collected and uniformly managed in the national database on biodiversity.
4. Organizations and individuals engaged in biodiversity-related activities shall supply basic survey information and data and scientific research outcomes at the request of the Ministry of Natural Resources and Environment and may share biodiversity information in accordance with law.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall specify basic survey activities and the supply, exchange and management of biodiversity information; and uniformly manage the national database on biodiversity.
Article 72. Biodiversity reports
1. Biodiversity report is part of the national environmental report.
2. A biodiversity report must contain the following principal details:
a/ The current status and change of major natural ecosystems;
...
...
...
c/ Practical situation of biodiversity conservation; pressures on and challenges to biodiversity:
d/ Requirements for biodiversity;
e/ Evaluation of socio-economic development benefits from biodiversity conservation and sustainable development;
f/ Biodiversity conservation solutions and plans.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and ministerial-level agencies in, elaborating biodiversity reports.
Article 73. Finances for biodiversity conservation and sustainable development
1. Funds for biodiversity conservation and sustainable development come from the following sources:
a/ The state budget;
b/ Investments and contributions of domestic and foreign organizations and individuals;
...
...
...
2. Development investment funds allocated from the state budget for biodiversity conservation and sustainable development shall be used for the following purposes:
a/ Conducting basic surveys on biodiversity;
b/ Restoring natural ecosystems;
c/ Conserving species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
d/ Investing in the construction, upgrading and renovation of state-owned biodiversity conservation facilities;
e/ Implementing programs on control, isolation and extermination of invasive alien species;
f/ Making other investments related to biodiversity conservation and sustainable development in accordance with law.
3. Regular funds allocated from the state budget for biodiversity conservation and sustainable development shall be used for the following purposes:
a/ Conducting observation, inventory and management of biodiversity information and data; building databases on biodiversity:
...
...
...
c/ Making and appraising a list of endangered precious and rare species prioritized for protection, a list of invasive alien species, a list of wild species banned from exploitation from the nature, a list of wild species subject to conditional exploitation from the nature, a list of genetic resources banned from export; and conducting population survey and assessment in order to amend or supplement the list of endangered precious and rare species prioritized for protection;
d/ Managing conservation zones and state-owned biodiversity conservation facilities;
e/ Developing and testing biodiversity conservation and sustainable development models;
f/ Conducting law propagation and education and raising public awareness about biodiversity conservation and sustainable development;
g/Conducting training and re-training to raise professional qualifications on biodiversity;
h/ Undertaking international cooperation on biodiversity conservation and sustainable development.
Article 74. Environmental services related to biodiversity
1. Organizations and individuals using environmental services related to biodiversity shall pay charges to service providers.
2. The Government shall specify environmental services related to biodiversity.
...
...
...
1. Organizations or individuals that infringe upon conservation zones or biodiversity conservation facilities, endemic and valuable crop plant varieties, domestic animal breeds, microorganisms and fungi, species on the list of endangered precious and rare species prioritized for protection or biodiversity corridors shall pay damages in accordance with law.
2. Damage caused to biodiversity due to environmental pollution or degradation shall be compensated in accordance with law.
3. Biodiversity-related damages paid to the State shall be reinvested in biodiversity conservation and sustainable development under this Law and other relevant laws.
Article 76. Transitional provisions
1. For national parks, nature reserves, species/habitat conservation zones, landscape conservation zones, sea conservation zones, inland water conservation zones, aquatic natural resource reserves set up under the Law on Forest Protection and Development and the Fisheries Law before the effective date of this Law which satisfy the criteria for establishment of conservation zones prescribed in this Law, decisions on their re-establishment are not required.
2. Licenses and certificates that have been granted to biodiversity conservation facilities and establishments rearing, growing and artificially planting and culturing endangered precious and rare wild fauna and flora species before the effective date of this Law and conform to this Law remain valid.
...
...
...
Article 78. Implementation detailing and guidance
The Government shall detail and guide the implementation of articles and clauses as assigned under this Law and guides other necessary contents of the Law to meet state management requirements.
This Law was passed on November 13, 2008, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.
CHAIRMAN
OF THE NATIONAL ASSEMBLY
Nguyen Phu Trong
;
Luật đa dạng sinh học 2008
Số hiệu: | 20/2008/QH12 |
---|---|
Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội |
Người ký: | Nguyễn Phú Trọng |
Ngày ban hành: | 13/11/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Luật đa dạng sinh học 2008
Chưa có Video