ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/KH-UBND |
Bình Định, ngày 10 tháng 12 năm 2019 |
CẤP NƯỚC AN TOÀN, CHỐNG THẤT THOÁT, THẤT THU NƯỚC SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn;
Căn cứ Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 2267/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch cấp nước đô thị và khu công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2035;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025 như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
- Thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng.
- Bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đảm bảo phù hợp quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
- Góp phần giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đối với hệ thống cấp nước đô thị:
- Huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước ngày lớn nhất đến năm 2025.
- Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch trung bình đạt 83%. Trong đó, đô thị loại I đạt 95% với tiêu chuẩn cấp nước đạt 120 lít/người/ngày đêm; đô thị loại III và IV đạt 80% với tiêu chuẩn cấp nước đạt 100-120 lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 60% với tiêu chuẩn cấp nước đạt 80-90 lít/người/ngày đêm.
- Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị từ loại I đến loại IV; dưới 25% đối với các đô thị loại V.
- Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%.
- Chất lượng nước đảm bảo đạt QCVN 01:2009/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế đến ngày 30/6/2021; đảm bảo đạt QCVN 01-1:2018/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT- BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế kể từ ngày 01/7/2021.
b) Đối với hệ thống cấp nước nông thôn:
- Tỷ lệ dân nông thôn đến năm 2020 sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
- Tỷ lệ dân nông thôn đến năm 2025 sử dụng nước sạch đạt 80%.
- Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%.
1. Về kiểm soát chất lượng nước:
- Chất lượng nước đảm bảo đạt QCVN 01:2009/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế đến ngày 30/6/2021; đảm bảo đạt QCVN 01-1:2018/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT- BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế kể từ ngày 01/7/2021.
- Các cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát nội bộ chất lượng nước. Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, cung cấp nước sạch theo các quy chuẩn quy định do Bộ Y tế ban hành theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01:2009/BYT, QCVN 01-1:2018/BYT.
2. Về đầu tư phát triển nguồn tập trung và phát triển mạng lưới cấp nước khu vực đô thị:
Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nước sạch đang triển khai thực hiện, hoàn thành trước 2025 các dự án:
a) Thành phố Quy Nhơn: Tập trung triển khai và hoàn thành các dự án cấp nước:
- Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Nhơn Lý để cấp nước cho 2.054 hộ gia đình trên địa bàn xã Nhơn Lý (tương ứng 8.216 người).
- Xây dựng hệ thống cấp nước cho khu vực 7, 8 Bùi Thị Xuân để cấp nước cho 690 hộ gia đình (tương ứng 2.732 người).
- Đầu tư xây dựng dự án cấp nước khu vực 1, 2 phường Ghềnh Ráng (giai đoạn 1) để cấp nước cho 1.562 hộ gia đình (tương ứng 6.250 người).
- Triển khai xây dựng hoàn thành dự án nhà máy nước sạch Quy Nhơn công suất 60.000 m3/ngày.đêm (công suất 30.000 m3/ngày.đêm cho giai đoạn 2019- 2021).
- Xây dựng hoàn thành tuyến ống D400mm dọc đường Võ Nguyên Giáp, cầu Thị Nại và đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội.
- Đầu tư hệ thống cấp nước cấp 1 dọc đường ĐT640 (nguồn nước từ NMN Quy Nhơn) để cung cấp nước cho nhân dân và các khu đô thị tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (phía Tây Đầm Thị Nại), Cát Tiến.
b)Thị xã An Nhơn:
- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và mạng lưới cấp nước nước sinh hoạt cho phường Nhơn Hòa.
- Đầu tư nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước phường Đập Đá và mở rộng mạng lưới để cấp nước sinh hoạt cho phía Bắc phường Nhơn Hưng (khu vực Cẩm Văn, Chánh Thạnh); nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước phường Bình Định công suất từ 1.550 m3/ngày đêm lên 3.000 m3/ngày đêm và mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho phía Nam phường Nhơn Hưng (khu vực An Ngãi, Phò An, Tiên Hòa).
- Đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho các khu vực chưa được cung cấp nước sạch tại các phường Bình Định, Đập Đá và Nhơn Thành.
- Đầu tư Nhà máy xử lý nước Hồ Núi Một với công suất 20.000 m3/ngày.đêm.
c) Huyện Hoài Nhơn: Đầu tư nâng cấp cống suất Nhà máy nước Bồng Sơn từ 3.850 m3/ngày.đêm lên 7.700 m3/ngày.đêm và mở rộng mạng lưới cấp nước để cấp nước cho các khu dân cư chưa được cung cấp nước sạch trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn và thị trấn Tam Quan.
d) Huyện Tây Sơn: Đầu tư nâng cấp công suất nhà máy nước Phú Phong từ 2.000 m3/ngày.đêm lên 2.900 m3/ngày.đêm và đầu tư mở rộng mạng lưới để cấp nước cho các khu vực chưa được cung cấp nước sạch của thị trấn Phú Phong và các khu vực lân cận như khối Thuận Nghĩa, khối Phú Xuân, thôn Phú An, thôn Phú Thịnh.
đ) Các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Tuy Phước: Đầu tư nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước hiện hữu (NMN Tuy Phước: công suất từ 1.250 m3/ngày đêm lên 3.000 m3/ngày đêm; NMN Bình Dương: công suất từ 500 m3/ngày đêm lên 1.000 m3/ngày đêm; NMN Tăng Bạt Hổ: công suất từ 600 m3/ngày đêm lên 2.000 m3/ngày đêm). Bố trí kinh phí mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho các khu vực trong đô thị chưa được cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung.
e) Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Phù Cát:
- Tiếp tục duy trì việc cấp nước sinh hoạt tại các đô thị qua hệ thống cấp nước hiện hữu.
- Bố trí ngân sách nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước hiện hữu và mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho các khu vực trong đô thị chưa được cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung.
- Đầu tư xây dựng nhà máy nước Cát Tiến với công suất 10.000 m3/ngày.đêm, nguồn nước tại Đập Văn Mối.
g) Cấp nước cho Khu kinh tế, Khu công nghiêp:
- Đầu tư hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Becamex Bình Định từ nguồn nước nhà máy xử lý nước Hà Thanh, nhà máy nước Quy Nhơn hoặc các nguồn nước khác phù hợp với công suất 10.000 m3/ngày.đêm cho giai đoạn 1, 20.000 m3/ngày.đêm cho giai đoạn 2 của dự án.
- Đầu tư hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn khu kinh tế Nhơn Hội. Nguồn nước lấy từ hệ thống cấp nước của thành phố Quy Nhơn.
3. Về đầu tư phát triển nguồn tập trung và phát triển mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn:
a) Giai đoạn 2019-2020:
- Nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh, với công suất 3.000m3/ngày.đêm, cấp nước cho 26.252 người.
- Nâng cấp, mở rộng Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Phong, công suất 400 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 6.790 người.
- Mở mạng đường ống cấp nước xã Tây Giang, cấp nước thôn Nam Giang: 1.990 người; xã Tây Thuận 2.400 người.
- Mở mạng cấp nước 02 thôn: Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh.
- Nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, công suất 600 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 3.600 người.
- Nâng cấp tuyến ống nước thô Nhà máy cấp nước Vĩnh An - Bình Tường.
- Công trình Cấp nước sinh hoạt xã Cát Tài, công suất 2.970 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 20.700 người.
- Cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, suất 3.700 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 36.700 người (ưu tiên phát triển mạng lưới cấp nước, nguồn nước đấu nối từ Nhà máy nước sạch Hồ Núi Một).
- Cấp nước sinh hoạt xã Hoài Đức, Hoài Thanh, suất 3.200 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 28.350 người (ưu tiên phát triển mạng lưới cấp nước, nguồn nước đấu nối từ Nhà máy nước sạch xã Hoài Xuân).
b) Giai đoạn 2021-2025:
- Công trình Cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi, công suất 2.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 16.835 người.
- Nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt 3 xã khu Đông An Nhơn, công suất 1.800 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 14.600 người.
- Cấp nước Bắc huyện Tây Sơn, công suất 5.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 46.000 người.
- Cấp nước sinh hoạt Tây Bắc huyện Hoài Nhơn, công suất 9.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 94.520 người (ưu tiên phát triển mạng lưới cấp nước, nguồn nước đấu nối từ Nhà máy nước sạch Quy Nhơn).
- Mở mạng đường ống cấp nước xã Tây Phú, cấp nước cho 3.040 người.
- Nâng cấp mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh, công suất 1.400 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 12.000 người.
- Nâng cấp, sửa chữa mạng đường ống cấp nước khu vực Đê Đông.
- Cấp nước khu Tây Bắc, huyện Tuy Phước, công suất 5.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 59.163 người.
- Công trình cấp nước sinh hoạt các xã ven biển huyện Phù Mỹ, công suất 4.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 35.052 người.
- Nâng cấp, mở rộng nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Cát Hanh, công suất 5.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 34.000 người.
- Công trình cấp nước sinh hoạt các xã Tây Bắc huyện Phù Cát, công suất 3.200 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 24.000 người.
- Nâng cấp mở rộng công trình cấp nước Nhơn Tân, công suất 3.200 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 39.500 người (ưu tiên phát triển mạng lưới cấp nước, nguồn nước đấu nối từ Nhà máy nước sạch Hồ Núi Một).
- Cấp nước sinh hoạt khu Tây Nam huyện Tuy Phước, công suất 4.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 29.696 người.
- Công trình cấp nước sạch phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão, công suất 2.600 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 25.000 người.
- Các nhà máy nước xây dựng mới phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp với chất lượng nước thô (ngầm và mặt) và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo môi trường.
- Cải tạo, lắp đặt hệ thống Scada (hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) nhằm hỗ trợ công tác giám sát và điều khiển từ xa, phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước.
5. Đối với các Nhà máy xử lý nước ngầm hiện có:
- Chủ động kiểm tra bảo dưỡng máy móc thiết bị để hoạt động đạt công suất quy định, trong trường hợp có sự cố phải tập trung khắc phục kịp thời trong thời gian 24h.
- Xây dựng chế độ vận hành tối ưu đảm bảo chất lượng nước, năng lực cấp nước để nâng cao mức độ dịch vụ cấp nước. Khắc phục và hạn chế thu hẹp các điểm thiếu nước cục bộ.
- Phối hợp với điện lực các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ công tác sản xuất và cấp nước.
- Các Nhà máy trực tiếp liên hệ, phối hợp với UBND cấp xã, Công an cấp xã trong công tác an ninh bảo vệ nguồn nước trong khu vực nhà máy phụ trách nhằm đảm bảo an toàn hệ thống giếng khai thác nước và nhà máy.
- Đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch cải tạo sửa chữa, thay thế thiết bị, bổ sung dây chuyền công nghệ nâng cao chất lượng nước, đảm bảo hoàn thành trước 2020.
- Rà soát ngừng hoạt động các trạm cấp nước cục bộ và chuyển thành trạm bơm tăng áp sau khi các nhà máy nước mặt theo quy hoạch được đầu tư xây dựng.
- Bổ sung nguồn điện dự phòng (máy phát điện, điện năng lượng mặt trời…) nhằm đảm bảo cấp nước an toàn trong các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, lũ lụt, bảo dưỡng hệ thống điện…
- Tổ chức lập bổ sung, trình phê duyệt vùng bảo vệ vệ sinh nguồn nước theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đầu tư thiết kế thiết bị quan trắc tự động và duy trì hệ thống truyền dữ liệu theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
6. Phương án ứng phó với các sự cố về nguồn, mạng:
- Các đơn vị cấp nước khi phát hiện ra sự cố về nguồn, mạng hoặc thông tin từ khách hàng, cán bộ, nhân viên của đơn vị cấp nước phải nhanh chóng xử lý thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền, khẩn trương tiến hành xác minh sự việc, sự cố, phân tích xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó:
+ Khi xảy ra sự cố về nhà máy, về mạng truyền dẫn, về mất điện kéo dài dẫn đến mất nước trên diện rộng: Thông báo cho đơn vị cung cấp, phân phối biết phối hợp trong công tác vận hành hòa mạng (nếu mất nguồn) và thông báo cho chính quyền sở tại, nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng cấp nước biết, khi giải quyết, khắc phục các sự cố về cấp nước hoặc tiến hành cấp nước theo giờ, cá biệt cấp nước bằng xe vận chuyển nước.
+ Điều tiết các van ngăn chặn lưu lượng nước cấp cho khu vực sự cố.
+ Chuẩn bị sẵn sáng các thiết bị, xe máy, nhân công các chủng loại vật tư để tiến hành sửa chữa trong thời gian nhanh nhất (tối đa không quá 12h đối với mạng dịch vụ và 24h đối với ống phân phối và truyền tải).
- Kiểm tra rà soát: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm thường có nguy cơ xảy ra sự cố trong nhà máy, trên mạng truyền dẫn, phân phối đến đường cấp nước thô, các giếng nước ngầm, các nguồn nước thô. Lập hồ sơ các điểm đen về cấp nước như cuối nguồn, thiếu hệ thống phân phối, khu vực thường có sự cố để đưa vào kế hoạch sửa chữa, cải tạo duy tu hàng năm. Tổ chức sục rửa nếu cần thiết.
- Báo cáo tình hình sự cố lên cơ quan có thẩm quyền: Sau khi xác định nguyên nhân sự cố, biện pháp khắc phục sự cố về nguồn mạng, cần báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án xử lý khắc phục kịp thời.
- Đánh giá sự cố và đưa ra các biện pháp phòng ngừa trong tương lai: Đánh giá mức độ sự cố để có biện pháp phòng ngừa trong tương lai, đưa vào kế hoạch sửa chữa, cải tạo, đại tu, thay thế kịp thời hoàn thành trước mùa hè, sẵn sàng cung cấp công suất cấp nước tối đa.
1. Các đơn vị cấp nước:
- Chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn mình quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cấp nước sinh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Bình Định và chi nhánh điện lực các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng, phục vụ sản xuất, cấp nước; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai thực hiện ngay tổng kiểm tra, rà soát tình hình cung cấp nước, có giải pháp đảm bảo ổn định cấp nước về số lượng và chất lượng đối với các khách hàng dùng nước, đặc biệt là các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, ký túc xá, khu nhà ở cao tầng ...
- Chủ động xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp cấp nước an toàn trong trường hợp xảy ra hiện tượng suy giảm lưu lượng, chất lượng nguồn nước, không đảm bảo cấp nước cho nhân dân.
- Khi xảy ra sự cố về mạng, nguồn cấp nước, sự cố về điện, thường gây ra mất nước cục bộ và thiếu nước tại các điểm có cốt địa hình cao, xa nguồn cấp nước... kịp thời thông báo cho nhân dân, khách hàng và đồng thời phải có biện pháp, giải pháp để giải quyết ngay trong thời gian sớm nhất, đảm bảo ổn định tình hình cấp nước trong địa bàn.
- Tổ chức phân công trực điều hành sản xuất, điều hành mạng lưới; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch cấp nước luân phiên cũng như sự cố mất nước để người dân biết và có phương án tích trữ nước sinh hoạt.
- Tổ chức ứng trực tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin của khách hàng về tình hình cấp nước; công bố công khai, rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cá nhân trực cấp nước cho nhân dân và khách hàng trên địa bàn để tiện liên hệ, giải quyết; thực hiện báo cáo kịp thời cho Sở Xây dựng về tình hình sự cố gây ảnh hưởng lớn đến cấp nước cho nhân dân trên địa bàn quản lý và cung cấp nước sạch của đơn vị, đề xuất phương án và tiến độ khắc phục.
- Phối hợp, hướng dẫn các Chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà, Ban quản trị các khu đô thị mới, khu chung cư, nhà ở trong công tác quản lý, vận hành vệ sinh bể chứa ngầm, bể chứa mái, xúc xả, thổi rửa hệ thống đường ống cấp nước, bảo dưỡng máy bơm nhằm kiểm soát lưu lượng, chất lượng nước sạch sinh hoạt sau đồng hồ tổng, đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt trong thời điểm thời tiết nắng nóng mùa hè.
- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước thuộc địa bàn được giao vận hành quản lý, phù hợp các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước của tỉnh, các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình cấp nước.
- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cấp nước an toàn hàng năm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cử cán bộ đi học các khóa đạo tạo về cấp nước an toàn, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng, an toàn lao động, các lớp bồi dưỡng và nâng tay nghề bậc cho các công nhân kỹ thuật, tập trung và đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên ghi thu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm phục vụ đối với khách hàng; định kỳ tiến hành bảo dưỡng các máy móc, thiết bị trên mạng lưới cũng như trong các Nhà máy, trạm bơm nước tăng áp (đặc biệt các khu tập thể, các nhà cao tầng), thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý, kịp thời sửa chữa sự cố vỡ ống, mất nước cục bộ; cải tạo, bổ sung các tuyến ống thuộc mạng dịch vụ, phân phối, nâng cơi các đồng hồ sâu, thay thế các đồng hồ khách hàng trên mạng quản lý theo địa bàn, thực hiện các giải pháp kiểm soát, xử lý giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch; từng bước áp dụng công nghệ GIS để quản lý tải sản, cơ sở dữ liệu, phần mềm (SCADA) phục vụ công tác quản lý, theo dõi hoạt động của các đồng hồ; đầu tư phát triển hệ thống giám sát mạng lưới đường ống cấp nước từ xa thông qua các đồng hồ kiểm soát cấp nước vào các ô, khu vực đã được chia tách tại các điểm đầu và cuối mạng lưới đường ống và truyền dữ liệu về máy tính trung tâm đặt tại trụ sở các đơn vị để theo dõi, quản lý.
- Các đơn vị cấp nước đã thực hiện cơ chế thủ tục hành chính 1 cửa hướng dẫn thủ tục, trình tự về đấu nước vào nhà, đấu nối cấp nguồn cho các tổ chức và cá nhân có cầu sử dụng nước, đồng thời tiếp nhận và xử lý những thông tin về mất nước, đấu trộm, xâm hại đến hệ thống cấp nước, khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng nước theo phương châm niềm nở, tận tình, chu đáo, công khai minh bạch và đúng quy định của Nhà nước.
- Báo cáo tình hình triển khai cấp nước an toàn (đô thị và nông thôn) hàng quý và trước ngày 15/12 hàng năm đến Thường trực Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh (Sở Xây dựng).
- Triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp tại Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh.
2. Giao Sở Xây dựng:
- Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực cấp nước đô thị, phối hợp các đơn vị cấp nước nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước phù hợp các quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...; tổ chức lập đề xuất dự án cấp nước cho đô thị An Nhơn và đô thị Hoài Nhơn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nguồn nước của khu vực đô thị hỗ trợ cấp nước cho các khu vực nông thôn có nguy cơ bị thiếu nguồn nước.
- Tổ chức giao ban hàng tháng, quý nắm bắt tình hình thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn với các đơn vị cấp nước, nắm bắt và phối hợp giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các đơn vị về nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp nước trong quá trình thi công, giám sát các công trình hạ tầng kỹ thuật, tránh gây sự cố đường ống và phối hợp khắc phục khẩn trương sự cố nhằm cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức lập Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2012-2025 (trong đó có các danh mục dự án cấp nước nông thôn), trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; chủ trì tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy định quản lý các hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn nông thôn.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện hoạt động cấp nước khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước sạch xây dựng kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn nông thôn; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về hệ thống cấp nước nông thôn. Hướng dẫn đôn đốc các đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước sạch nông thôn lập cơ sở dữ liệu các công trình và cập nhật định kỳ vào phần mềm quản lý.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục các công trình cấp nước sạch nông thôn để kêu gọi đầu tư.
- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, báo cáo hằng năm và đột xuất tình hình hoạt động cấp nước sạch nông thôn cho UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành lập danh mục các công trình cấp nước và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ nước sạch, trình UBND tỉnh; xây dựng tiêu chí lập hồ sơ kêu gọi xã hội hóa đầu tư cấp nước tại các đô thị chưa được đầu tư hệ thống cấp nước, đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước, đầu tư công nghệ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước.
5. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan cân đối ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch thuộc đối tượng được Nhà nước quy định hỗ trợ; hướng dẫn và thực hiện quyết toán, đánh giá tài sản đối với các công trình cấp nước sạch do doanh nghiệp Nhà nước quản lý.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền; phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền; hướng dẫn việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định nhu cầu sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước để cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước theo quy định.
- Thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giám sát, theo dõi chất lượng nguồn nước.
7. Sở Khoa học và công nghệ: Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, đề xuất chuyển giao, nghiên cứu công nghệ hệ thống lọc nước cục bộ tiên tiến, hiện đại phù hợp với chất lượng nước nguồn từ nhiều địa bàn khác nhau trong khu vực gặp khó khăn (về địa lý, về tài chính…) không thể đấu nối từ nguồn nước sạch tập trung của đô thị.
8. Công an tỉnh: Có kế hoạch bảo vệ an ninh các mục tiêu trọng yếu về cung cấp nước sạch; chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp, điều tra, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi làm ô nhiễm nguồn nước và các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép.
9. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, định hướng các cơ quan cơ quan truyền thông và các địa phương tăng cường truyền thông, xây dựng ý thức cộng đồng về việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, an toàn…
10. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Tổ chức quản lý và lựa chọn đơn vị cấp nước và ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn quản lý theo nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP; phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hàng năm và dài hạn do đơn vị cấp nước lập trên địa bàn do mình quản lý; thỏa thuận nội dung kế hoạch cấp nước an toàn; đảm bảo các dịch vụ cấp nước đầy đủ, có sẵn để sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp; triển khai thực hiện, tổ chức giám sát kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn theo nhiệm vụ được giao; phối hợp với các đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý.
11. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hàng năm do đơn vị cấp nước lập trên địa bàn do mình quản lý; ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng các công trình cấp nước sạch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm thực hiện công tác thu hồi đất theo quy định để nhà đầu tư triển khai dự án cấp nước. chủ trì, phối hợp với sở, ngành và các đơn vị cấp nước bảo vệ nguồn nước và an toàn hệ thống cấp nước.
- Tổ chức, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức phổ biến, công khai đến người dân thực hiện quy trình tham gia ý kiến và giám sát cộng đồng gồm: Quy hoạch cấp nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã được ký kết với đơn vị cấp nước; quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước; chất lượng dịch vụ và giá cung cấp nước sạch theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BXD.
- Thỏa thuận nội dung kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước trên địa bàn; triển khai thực hiện và tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã được phê duyệt trên địa bàn mình quản lý.
- Phối hợp theo dõi việc triển khai quy hoạch cấp nước và các dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn đồng thời báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong quá trình nhà triển khai thực hiện.
12. Công ty Điện lực Bình Định: Chỉ đạo chi nhánh điện lực các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên cung cấp điện ổn định và đảm bảo chất lượng điện cho các nhà máy, trạm sản xuất nước và các trạm bơm tăng áp để ổn định tình hình sản xuất cấp nước cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 95/KH-UBND năm 2019 về cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025
Số hiệu: | 95/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Định |
Người ký: | Phan Cao Thắng |
Ngày ban hành: | 10/12/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 95/KH-UBND năm 2019 về cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025
Chưa có Video