Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 21 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KIỂM SOÁT, CÔ LẬP, DIỆT TRỪ LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; Văn bản số 122/BTNMT-BTĐD ngày 09/01/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Quản lý, ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại để duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần phát triển bền vững, toàn diện tỉnh Quảng Ninh.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh chủ động, sáng tạo, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch nhằm đạt được kết quả mục tiêu đã đề ra.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và hợp tác cùng các tỉnh, thành lân cận để triển khai thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu, tiến độ đề ra.

- Hiệu quả triển khai Kế hoạch phải được thể hiện rõ bằng các số liệu, hình ảnh, tài liệu, thông tin minh chứng cụ thể.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phát động và triển khai chương trình cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh

- Nhiệm vụ: Phát động triển khai chiến dịch, đợt ra quân cô lập, diệt trừ 4 loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh (cụ thể tại Phụ lục I kèm theo) trên cơ sở lồng ghép trong các sự kiện, hoạt động hưởng ứng tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng, các ngày lễ môi trường, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trong năm 2024[1]; đồng thời theo dõi, không để tái tạo quần thể loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn.

- Địa điểm thực hiện: Các địa phương trên địa bàn tỉnh (danh sách cụ thể tại Phụ lục I đính kèm).

- Cơ quan chủ trì:

+ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh: Tổ chức phát động ra quân diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn quản lý.

+ Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh: Phát động các cấp Hội, đoàn thể và các đơn vị thành viên tại các địa phương ra quân diệt trừ loài ngoại lai xâm hại theo kế hoạch đề ra.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp tài liệu hướng dẫn nhận diện, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại theo hướng dẫn, quy định hiện hành.

2. Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại, tuyên truyền về phòng chống loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn

- Nhiệm vụ:

+ Đăng tải công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, gồm: Tên loài, khu vực phân bố, mức độ xâm hại (tại Phụ lục 1, 2 của Kế hoạch này) trước 30/4/2024; kết quả cô lập, diệt trừ 4 loài ngoại lai xâm hại trong quý IV/2024.

+ Công khai niêm yết Danh mục loài ngoại lai xâm hại (tại Phụ lục 1, 2 của Kế hoạch này) tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trước 30/4/2024.

+ Tăng cường tuyên truyền phòng, chống loài ngoại lai xâm hại trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm, tác hại của loài ngoại lai xâm hại.

- Cơ quan chủ trì:

+ Giao Trung tâm Truyền thông tỉnh đăng tải thông tin theo thời gian nêu trên tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

+ Cục Hải quan tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh niêm yết công khai Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại các cửa khẩu.

+ Sở Thông tin và Truyền thông định hướng tăng cường tuyên truyền về phòng, chống loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cơ quan phối hợp:

+ Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại của các cơ quan, đơn vị gửi Trung tâm Truyền thông tỉnh để đăng tải xong trước ngày 15/12/2024. UBND các địa phương có tên tại Phụ lục I của Kế hoạch gửi kết quả cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11/2024 để tổng hợp theo quy định.

+ Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền phòng, chống loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.

3. Tăng cường quản lý, kiểm soát, phòng ngừa sự xâm nhập, phát tán và các tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh

3.1. Nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cấp phép thủ tục môi trường (đặc biệt các dự án đầu tư có chiếm dụng rừng, các khu bảo tồn, khu di tích, di sản thiên nhiên thế giới...) đảm bảo 100% hồ sơ thẩm định, trình, phê duyệt có giải pháp bảo vệ môi trường bao gồm phòng, chống loài ngoại lai xâm hại.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương có liên quan.

3.2. Nhiệm vụ: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” [2]; công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên; công tác quản lý cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn bao gồm hoạt động phòng, chống loài ngoại lai xâm hại.

- Cơ quan chủ trì:

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025” bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn bao gồm hoạt động phòng, chống loài ngoại lai xâm hại.

+ Ban quản lý vịnh Hạ Long, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng: Chủ trì thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên bao gồm các hoạt động phòng, chống loài ngoại lai xâm hại và tác động tiêu cực đa dạng sinh học.

+ UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ trì thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý bao gồm hoạt động phòng, chống loài ngoại lai xâm hại.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương có liên quan.

3.3. Nhiệm vụ: Quản lý chặt chẽ việc nuôi, trồng, phát triển loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; đảm bảo việc nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND tỉnh cấp phép theo quy định hiện hành[3].

- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương có liên quan.

3.4. Nhiệm vụ: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật liên quan tới loài ngoại lai xâm hại đặc biệt tại khu vực cửa khẩu, biên giới, nhà hàng, khu vực tâm linh, chợ, cơ sở, khu vực buôn bán các loài sinh vật cảnh (như cây cảnh, sinh vật cảnh), sinh vật phóng sinh..., cơ sở lưu trú, nhà hàng, bếp ăn tập thể...; các khu di sản thiên nhiên; các hội nhóm, trang mạng như facebook, zalo, instagram, tiktok,... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường hợp tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại liên vùng, liên tỉnh, giữa các khu di sản thiên nhiên.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương có liên quan.

II. Kinh phí và nguồn vốn:

Kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch được cấp từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

III. Tổ chức thực hiện:

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung của Kế hoạch; định kỳ trước ngày 20/12 hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ trước ngày 30/11 hàng năm, báo cáo các kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Ninh, Hội nông dân tỉnh (p/h);
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh (p/h);
- Cục Hải quan tỉnh (p/h);
- BCH Bộ đội biên phòng tỉnh (p/h);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (p/h);
- Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh (p/h đưa tin);
- V0, V1, V2, V3, MT;
- Lưu: VT, MT;
08 bản, M-KH02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nghiêm Xuân Cường

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI CÔ LẬP, DIỆT TRỪ
(Kèm theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Tên loài

Phân bố

Diện tích phân bố (ha)

1

Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata)

Đã phát hiện tạo lập quần thể tại hệ sinh thái nông nghiệp - lúa nước khu vực:

1. Thị xã Đông Triều (Phường Đông Triều; Phường Xuân Sơn; Phường Hưng Đạo; Xã Hoàng Quế; Xã Yên Đức)

2. Thành phố Uông Bí (Xã Thượng Yên Công, Phường Quang Trung, Phường Phương Đông)

3. Thị xã Quảng Yên (Xã Tiền An, Cẩm La, Quảng Yên, Nam Hòa, Liên Vị, Liên Hòa)

4. Thành phố Hạ Long (Xã Quảng La, Xã Sơn Dương, Xã Lê Lợi, Phường Hoành Bồ, Xã Thống Nhất)

5. Huyện Ba Chẽ (Xã Đạp Thanh, Xã Thanh Lâm, Xã Đồn Đạc, Xã Nam Sơn, thị trấn Ba Chẽ)

6. Huyện Tiên Yên (Xã Phong Dụ, Phường Đông Ngũ, Xã Yên Than)

7. Huyện Đầm Hà (Xã Quảng An, Dực Yên, Quảng Tân, Đại Bình)

8. Thành phố Cẩm Phả (Xã Dương Huy, Xã Cộng Hòa)

85,91

2

Trinh nữ thân gỗ (Mimosa pigra)

Đã phát hiện tạo lập quần thể tại các hệ sinh thái tự nhiên cây bụi, tráng có; hệ sinh thái khu dân cư, hệ sinh thái nông nghiệp khu vực:

1. Thành phố Hạ Long,

2. Thành phố Móng Cái (Phường Hải Hòa, xã Quảng Nghĩa),

3. Thành phố Cẩm Phả (Khu vực đường tỉnh 329),

4. Thành phố Uông Bí (Phường Quang Trung, phường Thanh Sơn, xã Thượng Yên Công),

5. Thị xã Quảng Yên (Phường Minh Thành, phường Tân An),

6. Huyện Tiên Yên,

7. Huyện Hải Hà (Thị trấn Quảng Hà, xã Quảng Thành),

8. Huyện Ba Chẽ

9. Huyện Vân Đồn (Xã Vạn Yên, xã Đài Xuyên),

10. Thị xã Đông Triều (Phường Mạo Khê).

109,81

3

Cỏ lào (Chromolaena odorata)

Đã phát hiện tạo lập quần thể tại hệ sinh thái tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; hệ sinh thái khu dân cư, hệ sinh thái nông nghiệp khu vực:

1. Thị xã Đông Triều (An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương, Mạn Khê, Yên Thọ, Hoàng Quế);

2. Thành phố Uông Bí (Thượng Yên Công, Quang Trung, Bắc Sơn);

3. Thị Quảng Yên (Sông Khoai, Minh Thành, Đông Mai)

4. Thành phố Hạ Long (Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Tân Dân, Đồng Lâm);

5. Huyện Ba Chẽ (Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đồn Đạc);

6. Huyện Tiên Yên (Hà Lâu, Đại Dực, Điền Xá, Phong Dụ, Yên Than);

7. Huyện Bình Liêu (Bình Liêu, Húc Động, Đồng Văn, Đồng Tâm, Vô Ngại);

8. Huyện Đầm Hà (Quảng Lâm, Quảng An);

9. Thành Phố Móng Cái (Xã Quảng Nghĩa, Hải Sơn, Bắc Sơn);

10. Thành phố Cẩm Phả (Xã Cộng Hòa, Xã Dương Huy, Phường Mông Dương)

117,35

4

Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha)

Đã phát hiện tạo lập quần thể tại hệ sinh thái tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; hệ sinh thái khu dân cư, hệ sinh thái nông nghiệp khu vực:

1. Thành phố Hạ Long,

2. Thành phố Móng Cái,

3. Thành phố Uông Bí (phường Quang Trung, xã Thượng Yên Công)

4. Thị xã Quảng Yên (phường Tân An)’

5. Huyện Tiên Yên

1.339,77

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI VÀ CÓ NGUY CƠ XÂM HẠI (ƯU TIÊN KIỂM SOÁT, PHÒNG NGỪA
(Kèm theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Tên loài

Phân bố

Diện tích phân bố (ha)

I

13 loài ngoại lai xâm hại

1.

Cúc liên chi (Parthenium hysterophorus)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; HST dân cư, HST nông nghiệp khu vực TP. Hạ Long, phường Quang Trung (Uông Bí), thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên, huyện Vân Đồn

66,37

2.

Bèo tây (Eichhornia crassipes)

Tại các kênh, mương, ao hồ nước ngọt nhỏ khu vực phường Quang Trung, Nam Khê, Yên Thanh, Phương Nam, Thanh Sơn, thành phố Uông Bí; các phường Cẩm Trung, Cửa Ông, xã Dương Huy thành phố Cẩm Phả; xã Tiền An, thị xã Quảng Yên; phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều; huyện Vân Đồn; huyện Tiên Yên; thành phố Hạ Long; huyện Ba Chẽ; huyện Bình Liêu

4,8

3.

Cây ngũ sắc (bông ổi) (Lantana camara)

HST dân cư, ven đường tại khu vực TP. Hạ Long, phường Cửa Ông, xã Cộng Hòa (TP. Cẩm Phả), phường Quang Trung, xã Thượng Yên Công (Uông Bí), thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều

0,7

4.

Bọ cánh cứng hại lá dừa (Brontispa longissima)

Các khu vực trồng cau, dừa khu vực Phường Yên Thanh, Trưng Vương, xã Điền Công (thành phố Uông Bí); xã Liên Vị, Tiền Phong, phường Tân An (thị xã Quảng Yên); thành phố Hạ Long

0,8

5.

Vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối (Banana bunchy top virus)

Khu vực trồng chuối của TP. Hạ Long, phường Mông Dương, ĐT.329 (TP. Cẩm Phả), phường Mạo Khê, phường Hưng Đạo, xã Hoàng Quế (Thị xã Đông Triều)

1,15

6.

Nấm gây bệnh thối rễ (Phytophthora cinnamomi)

Các khu vực trồng cam quanh khu dân cư tập trung tại Hoành Bồ, Vân Đồn, Đông Triều, và rải rác tại thành phố Hạ Long, phường Quang Trung, phường Bắc Sơn (Uông Bí), phường Tân An (thị xã Quảng Yên), huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà), xã Vạn Yên, xã Vân Xá (huyện Vân Đồn), phường An Sinh, phường Việt Dân, phường Tân Việt (thị xã Đông Triều)

1,20

7.

Cá tỳ bà lớn (Pterygoplichthys pardalis)

HST dân cư, HST thủy vực khu vực TP. Hạ Long, TP. Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Bình Liêu, huyện Đầm Hà, thị xã Đông Triều

2,2

8.

Ốc sên châu Phi

(Lissachatina (Achatina fulica))

HST nông nghiệp - hoa màu; cây bụi, trảng cỏ tại các xã, phường: Hoàng Quế, Mạo Khê, Tràng Lương, An Sinh thị xã Đông Triều; Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Tân Dân, Đồng Lâm thành phố Hạ Long; Hà Lâu, Đại Dực, Điền Xá, Phong Dụ, Yên Than huyện Tiên Yên; Bình Liêu, Húc Động, Đồng Văn, Đồng Tâm, Vô Ngại, Lục Hồn, Húc Động huyện Bình Liêu; Quảng Lâm, Quảng An huyện Đầm Hà; Xã Cộng Hòa; Xã Dương Huy, Mông Dương thành phố Cẩm Phả;

2,96

9.

Cá tỳ bà bé (Hypostomus punctatus)

Hệ sinh thái nước đứng (hồ nước) tại TP. Hạ Long, huyện Vân Đồn

2,2

10.

Cá ăn muỗi (Gambusia affinis)

Các hệ sinh thái nước đứng (ao hồ, đầm lầy), khu vực buôn bán cá cảnh tại các địa phương

0,6

11.

Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm (Avian influenza virus)

TP. Hạ Long, thị xã Quảng Yên, huyện Đầm Hà, huyện Vân Đồn, thị xã Đông Triều

 

12.

Tôm càng đỏ Cherax (quadricarinatus)

Khu vực cửa khẩu, chợ buôn bán, nhà hàng khu vực Móng Cái

 

13.

Rùa tai đỏ (Trachemys scripta subsp.elegans)

Tại các ao hồ nước đứng TP. Hạ Long và huyện Tiên Yên.

 

II

Danh mục 15 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại

1.

Cỏ lào đỏ (Ageratina adenophora (Eupatorium adenophorum))

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven bờ trong HST nông nghiệp - lúa nước tại TP. Hạ Long, phường Quang Trung (Uông Bí), huyện Đầm Hà, huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều

 

2.

Sán ốc sên (Platydemus manokwari)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ tại Ba Chẽ, Tiên Yên

 

3.

Cây cúc bò (cúc xuyến chi) (Sphagneticola trilobata)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; HST dân cư, HST nông nghiệp tại Ba Chẽ; Uông Bí (Quang Trung); Đầm Hà; Vân Đồn; Quảng Yên; Hạ Long

 

4.

Cá trê phi (Clarias gariepinus)

Tại HST ao, hồ huyện Tiên Yên; thành phố Hạ Long

 

5.

Xén tóc hại gỗ châu Á (Anoplophora glabripennis)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; HST dân cư tại 13 địa phương

 

6.

Cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus)

HST thủy vực nước ngọt, các ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản tại Phường Yên Thanh, Trưng Vương, thành phố Uông Bí; khu đầm nhà Mạc; xã Hiệp Hòa, Sông Khoai, thị xã Quảng Yên; thành phố Hạ Long; thị xã Đông Triều.

 

7.

Cá chim trắng toàn thân (Piaractus brachypomus)

HST thủy vực, tại ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản tại phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí; huyện Tiên Yên; Thị xã Quảng Yên; thành phố Hạ Long.

 

8.

Cỏ kê Para (Urochloa mutica)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven bờ trong HST nông nghiệp - lúa nước TP. Hạ Long và huyện Tiên Yên.

 

9.

Cỏ kê Guinea (Urochloa maxima)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven bờ trong HST nông nghiệp - lúa nước TP. Hạ Long, Ba Chẽ và huyện Tiên Yên.

 

10.

Cỏ echin (Cenchrus echinatus)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven bờ trong HST nông nghiệp - lúa nước TP. Hạ Long, Ba Chẽ và huyện Tiên Yên.

 

11.

Cây lược vàng (Callisia fragrans)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; trồng làm cảnh trong các khu dân cư TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, phường Quang Trung (TP. Uông Bí), thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà, huyện Ba Chẽ, huyện Vân Đồn, thị xã Đông Triều.

 

12.

Cây keo giậu (Leucaena leucocephala)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven đường trong các khu dân cư TP. Hạ Long, thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều

 

13.

Cây cứt lợn (cỏ cứt heo) (Ageratum conyzoides)

HST tự nhiên cây bụi, trảng cỏ; ven đường trong các khu dân cư, ven bờ ruộng phường Đại Yên (TP. Hạ Long), phường Hải Hòa, xã Quảng Nghĩa (TP. Móng Cái), xã Cộng Hòa (TP. Cẩm Phả), phường Quang Trung, xã Thượng Yên Công (TP. Uông Bí), thị xã Quảng Yên.

 

14.

Cây cúc leo (Mikania micrantha)

HST tự nhiên cây bụi, tràng cỏ; ven đường quanh các khu dân cư, HST nông nghiệp - hoa màu tại 13 địa phương

 

15.

Cây xương rồng đất (Opuntia stricta)

Trồng làm cảnh trong HST dân cư Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.

 

 



[1] Gồm: Ngày đất ngập nước thế giới (02/02); Ngày quốc tế đa dạng sinh học (25/5); Ngày môi trường thế giới (05/6); Tháng hành động về môi trường (tháng 6); Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 tháng 9);...

[2] Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh.

[3] Theo quy định tại Điều 52 Luật Đa dạng sinh học

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2024 về kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu: 79/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
Người ký: Nghiêm Xuân Cường
Ngày ban hành: 21/03/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2024 về kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…