ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5/KH-UBND |
Hòa Bình, ngày 09 tháng 01 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 55-CT/TU NGÀY 15/11/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI PHÁT SINH TỪ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
Thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 15/11/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và các yêu cầu, nhiệm vụ theo nội dung Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 15/11/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của các cấp, các ngành, địa phương.
3. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra; đồng thời hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi thải ra môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường xung quanh.
II. YÊU CẦU
Các cấp, các ngành, địa phương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm một cách cụ thể. Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác quản lý, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Tích hợp quy hoạch chăn nuôi trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện/thành phố nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Sở Tài nguyên Môi trường
Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện và cấp xã.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường các dự án chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ có xem xét đề xuất hạn chế phê duyệt các dự án chăn nuôi mới, chỉ chấp thuận cho dự án hoạt động chính thức khi đã xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra, đánh giá các nguồn thải trong chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về nguồn thải trong chăn nuôi.
- Hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu các Chủ đầu tư hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường, xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải theo đúng nội dung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại cơ sở chăn nuôi.
- Tham mưu giải quyết kịp thời các nội dung khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực chuyên môn của ngành, trong đó, gắn công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi với công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giảm dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; Quy hoạch vùng chăn nuôi gắn liều với hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất; Cương quyết đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí chăn nuôi đầu nguồn nước, gần khu dân cư …
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ngành và địa phương có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.
- Phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh, đơn vị liên quan thẩm định các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh và phù hợp với QCVN 01 - 14: 2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi an toàn sinh học (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong thẩm định về môi trường đối với các dự án chăn nuôi. Kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi thường xuyên tăng cường vệ sinh chuồng trại, tăng tần suất phun các chế phẩm vi sinh xử lý mùi hôi, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường khi có dịch bệnh xảy ra; Trồng cây xung quanh các vị trí phát sinh mùi như: hệ thống xử lý nước thải tập trung, sau các chuồng trại chăn nuôi,…
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Quản lý chặt chẽ công tác cấp phép đầu tư các dự án chăn nuôi. Chỉ xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép đầu tư mới các dự án chăn nuôi ở địa điểm phù hợp với quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chủ đầu tư có đủ năng lực về tài chính để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
- Xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, cập nhập các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để đảm bảo hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu và xây dựng các mô hình, công nghệ xử lý môi trường mới, hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi; Tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các địa phương trong việc chuyển giao công nghệ mới thân thiện với môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Khuyến khích các hộ chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, hỗ trợ các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong dự toán giao đầu năm cho ngành theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
6. Sở Nội vụ
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả biên chế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; bảo đảm ở cấp huyện có bộ phận quản lý môi trường, cấp xã có cán bộ phụ trách về công tác môi trường. Chú trọng tuyển dụng cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn về môi trường.
7. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành liên quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường hoặc xả chất thải không đạt quy chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường. Kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề an ninh trật tự - an toàn xã hội phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Hòa Bình, Báo Hòa Bình
Phối hợp với Sở, Ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên mục bảo vệ môi trường; phát hiện và nêu gương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình điển hình tích cực có các mô hình tốt về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; phản ánh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể
Đề nghị phối hợp với các Sở, Ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chủ động nắm tình hình dư luận nhân dân và phản ánh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm công tác bảo vệ môi trường, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn môi trường cho phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh; Rà soát lại quy hoạch chăn nuôi theo hướng: Quy hoạch chăn nuôi phải bố trí tập trung, an toàn dịch bệnh, không manh mún, tràn lan gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời đưa khỏi quy hoạch các vị trí chăn nuôi đầu nguồn nước, khu dân cư ….
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ Công an huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có cơ sở chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện, chủ động giải quyết, xử lý nghiêm đối với các cơ sở chăn nuôi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, kiên quyết không để tái diễn việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực đầu nguồn nước.
- Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương, nhất là ở cấp xã, thị trấn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường.
- Khi chấp thuận chủ trương đầu tư cho các cơ sở chăn nuôi phải xem xét kỹ các yếu tố quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, xây dựng, các yếu tố về vấn đề môi trường có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của dự án chăn nuôi, đặc biệt là khoảng cách an toàn đến các khu dân cư và các nguồn nước theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, đôn đốc các Chủ đầu tư lập, đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; yêu cầu xây dựng, thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại cơ sở. Chỉ cho phép các cơ sở hoạt động chính thức khi đã xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo nội dung đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ nội dung kế hoạch, yêu cầu Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đề nghị Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này.
2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; chủ trì tiếp nhận phản ánh của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch. Tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 5/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 55-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Số hiệu: | 5/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình |
Người ký: | Bùi Đức Hinh |
Ngày ban hành: | 09/01/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 5/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 55-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Chưa có Video