Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4140/KH-UBND

Kon Tum, ngày 17 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA VỠ ĐẬP, HỒ THỦY ĐIỆN VÀ XẢ LŨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 21 tháng 06 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung thay thế một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và hồ chứa;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin và cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, các chủ đập, hồ chứa thủy điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.

- Nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp Nhân dân tại địa phương về nguy cơ và cách phòng tránh thảm họa thiên tai để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhân dân, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các địa phương liên quan và chủ đập, hồ chứa thủy điện trong công tác ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

- Chủ động xây dựng các phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người trong tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; đồng thời, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, bảo vệ tính mạng Nhân dân.

- Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời nhằm để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ gây ra. Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng. Khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công trình đập, hồ thủy điện có thể xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ

- Hiện trạng hệ thống công trình đập, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 30 công trình thủy điện đang vận hành khai thác do các đơn vị doanh nghiệp quản lý đã lập quy trình vận hành hồ chứa và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 02 công trình thủy điện lớn (Thượng Kon Tum, Plei Krông) nằm trên lưu vực thuộc hệ thống sông Sê San phải thực hiện quy trình vận hành hồ chứa liên hồ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.

Trong 30 công trình thủy điện đang vận hành khai thác, có 09 công trình vận hành đập tràn có cửa van điều tiết(1), còn lại các công trình vận hành đập tràn tự do. Trong đó, đối với công trình Hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla do Công ty TNHH KONIA quản lý vận hành khai thác đã được cập nhật trong Kế hoạch số 1988/KH-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Ngoài ra, hiện nay có các công trình thủy điện lớn nằm trên lưu vực thuộc hệ thống sông Sê San liên quan đến 02 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, bao gồm: Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 (Chi tiết tại các Phụ lục kèm theo).

Hiện nay, các đơn vị quản lý đập, hồ thủy điện đang vận hành đã tổ chức lập Phương án bảo vệ đập, Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa chi tiết, cụ thể cho từng công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện quản lý, vận hành, khai thác theo quy định.

- Sự cố vỡ đập: Đập các công trình thủy điện đang vận hành được xây dựng có kết cấu là đập bê tông trọng lực (trừ đập thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Pô Cô, Đăk Psi 5 là đập đất đồng chất) được thiết kế đặt trên nền đá kiên cố, đảm bảo an toàn về độ bền và độ ổn định của thân đập, nền đập và hai vai đập trong trường hợp thiết kế và kiểm tra; hệ số an toàn về ổn định, độ bền, biến dạng chung, cục bộ của đập và nền trong mọi trường hợp làm việc rất khó xảy ra trường hợp vỡ đập thông thường. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công trình do các sự cố bất ngờ dưới đây dẫn đến sự cố vỡ đập, hồ thủy điện như:

+ Ở thân và chân đập có các chỗ rò rỉ bị xói, sụt lở và lượng nước rò rỉ ngày càng gia tăng; có chỗ đất sụt lún bị mở rộng ra nhanh chóng, trượt mái đập đột ngột và diễn ra với tốc độ nhanh không kịp xử lý theo các biện pháp thông thường.

+ Lũ về hồ thủy điện đặc biệt lớn, tương đương mức lũ thiết kế trở lên xảy ra đột ngột (do trên lưu vực có mưa quá lớn, kéo dài nhiều ngày...) nên nước lũ về hồ nhanh, không thể kịp vận hành theo quy trình khiến các cửa van tràn có thể bị kẹt, hư hỏng, mất khả năng điều khiển.

+ Xảy ra động đất mạnh vượt mức chịu của đập theo thiết kế, do bị phá hoại với mức độ rất nghiêm trọng.

+ Do con người tác động, phá hoại gây vỡ đập.

- Xả lũ: Do tác động áp thấp nhiệt đới, bão, siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum nên trên lưu vực sông, suối các công trình thủy điện xuất hiện mưa có cường độ lớn, diện rộng, lượng mưa khá lớn, thời gian mưa kéo dài gây ra lũ nên các công trình thực hiện các bước xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được phê duyệt (vận hành hồ chứa xả lũ đối với công trình có cửa van).

2. Tổ chức ứng phó với tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ và tìm kiếm cứu nạn

2.1. Công tác phòng ngừa, ứng phó sự số, thiên tai

- Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện để xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng trong khu vực bị vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ.

- Thường xuyên rà soát, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp để triển khai thực hiện theo quy định.

- Tổ chức xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó với các sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ theo quy định; định kỳ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị.

- Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ công tác ứng phó vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ. Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến sự cố vỡ hồ, đập thủy điện, xả lũ; tổ chức dự báo, cảnh báo sự cố.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố vỡ đập, hồ thủy điện; năng lực chỉ huy, điều hành tại chỗ và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng để ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; tổ chức tập huấn, diễn tập, thông tin truyền thông.

- Cấp tỉnh: Hàng năm trước mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí, sắp xếp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật quản lý chuyên ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp về phòng chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện.

- Cấp huyện: Mỗi năm tổ chức ít nhất 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và cấp xã.

- Các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức thông tin, truyền thông và giáo dục về công tác ứng phó, phòng chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ bằng nhiều hình thức; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp tham mưu chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

- Chủ đập, hồ chứa thủy điện:

+ Tổ chức phối hợp triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”; trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và đơn vị liên quan hỗ trợ xử lý ứng phó theo quy định.

+ Hàng năm chủ trì, phối hợp với Chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập, xử lý các tình huống gây sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ nhằm nâng cao năng lực, cơ chế hiệp đồng, trao đổi thông tin và phối hợp đồng bộ xử lý các tình huống, vụ việc xảy ra của các đơn vị có liên quan. Đảm bảo nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác ứng phó các tình huống vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

2.2. Công tác ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ

a) Công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin và đảm bảo thông tin liên lạc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và cộng đồng

- Công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin:

+ Các cấp, các ngành, Chủ đập, hồ chứa thủy điện thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác phù hợp với nhu cầu; thông tin, truyền thông về phòng, chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

+ Chính quyền cơ sở (huyện, xã) tiếp nhận các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ của cấp có thẩm quyền, chỉ đạo và thực hiện tuyên truyền phổ biến đến từng cộng đồng dân cư.

+ Công tác cảnh báo, dự báo, truyền tin thiên tai thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác đảm bảo thông tin liên lạc:

+ Các đơn vị quản lý thông tin, truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc, truyền thông thông suốt từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư; Phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức thực hiện cảnh báo sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ qua internet, điện thoại di động, cổng thông tin điện tử cho Nhân dân biết và chủ động phòng, tránh. Các hình thức thông tin liên lạc, gồm: Mạng viễn thông, bưu chính, điện thoại, fax, Email; loa cầm tay trực tiếp, xe tuyên truyền lưu động và các hình thức thông tin liên lạc khác theo quy định.

+ Các cấp, các ngành, chủ đập, hồ chứa thủy điện tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; đồng thời, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, mỗi người dân để làm tốt công tác thông tin liên lạc, giúp đỡ nhau trong việc ứng cứu và khắc phục hậu quả khi có sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

+ Các cấp, các ngành, chủ đập, hồ chứa thủy điện thường xuyên theo dõi, thực hiện chế độ thường trực tại cơ quan, đơn vị, địa phương để thống kê thiệt hại, xử lý tình huống nhanh và duy trì thông tin liên lạc 24/24 giờ trong mọi tình huống và báo cáo kịp thời lên cấp trên.

b) Hệ thống tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đối với các tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ, cụ thể như sau:

- Cơ quan chỉ đạo:

+ Cấp tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

+ Cấp huyện, xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, xã - Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, cấp xã.

- Cơ quan chỉ huy, điều hành:

+ Cấp tỉnh: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ huy, điều hành đối với rủi ro, thiên tai từ cấp độ 2 trở lên theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

+ Cấp huyện: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện chỉ huy, điều hành đối với rủi ro, thiên tai cấp độ 1 theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

+ Cấp xã: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp xã, Xã đội trưởng, Công an xã chỉ huy, điều hành đối với rủi ro, thiên tai cấp độ 1 theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

- Lực lượng ứng cứu (bao gồm: Quân đội, Công an, Y tế, Hội Chữ thập đỏ, Thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn tỉnh) cụ thể như sau:

+ Cấp xã: Mỗi xã, phường, thị trấn phải huy động 01 Trung đội dân quân c ơ động do xã đội trưởng trực tiếp phụ trách làm nhiệm vụ cơ động để sơ tán Nhân dân và tìm kiếm cứu nạn, được huấn luyện và trang bị những phương tiện cần thiết.

+ Cấp huyện: Mỗi huyện tổ chức 01 lực lượng chỉ đạo, chỉ huy với số lượng trên 10 người; cơ quan quân sự huy động 02 đội dân quân cơ động và sẵn sàng huy động lực lượng dự bị động viên của huyện để ứng cứu và giúp đỡ Nhân dân ở những vùng trọng điểm bị thiệt hại. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố, mỗi đơn vị tổ chức 1/2 quân số biên chế làm nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

+ Cấp tỉnh: Lực lượng quân đội, bố trí lực lượng do đơn vị quản lý để làm nhiệm vụ; tổ chức các tổ đội công tác và bảo đảm các vùng trọng điểm bao gồm lực lượng chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hiệp đồng, sử dụng lực lượng, phương tiện với các lực lượng Quân Khu đóng quân trên địa bàn tỉnh).

Lực lượng dân quân tự vệ địa phương và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng Công an: Phối hợp với quân đội và các lực lượng liên quan từ cơ sở tham gia tổ chức sơ tán Nhân dân, tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; đồng thời, tổ chức mỗi huyện 01 Trung độ i gồm các lực lượng tại chỗ, cấp tỉnh 01 Đại đội làm nhiệm vụ sơ tán Nhân dân và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm và đảm bảo an ninh trật tự.

+ Lực lượng Y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan tổ chức chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện cứu chữa tại chỗ cho Nhân dân, đồng thời tổ chức mỗi huyện 01 tổ cơ động thực hiện cứu chữa, bảo đảm vệ sinh môi trường phòng dịch cho Nhân dân.

+ Ngành Giao thông vận tải tổ chức các đội cứu hộ giao thông các khu vực bị vỡ đập, hồ thủy điện, vùng bị ngập, lũ lụt chia cắt và bảo đảm phương tiện cho việc tổ chức sơ tán Nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

+ Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành làm công tác cứu nạn và chỉ đạo cứu trợ Nhân dân bị thiệt hại.

+ Ngành Công Thương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo dự trữ nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để khắc phục hậu quả do vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

- Phương tiện, trang thiết bị:

+ Phương tiện: Các sở, ngành liên quan (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện, đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện và các đơn vị liên quan) sử dụng các phương tiện do đơn vị quản lý như: Các loại ô tô, xe tải, máy ủi, máy xúc, xe cứu thương... và huy động các phương tiện của các doanh nghiệp, các đơn vị chuyên ngành tham gia ứng cứu.

+ Trang thiết bị: Các trang thiết bị phổ thông và chuyên dụng khác như: Các loại phao, áo phao cứu sinh, bao tải, nhà bạt, máy bơm, máy phát điện,... được huy động từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và các đơn vị khác trên địa bàn.

c) Các biện pháp ứng phó với sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ

- Huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị tại chỗ để sơ tán d ân ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi, khu vực vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng.

- Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất; giám sát, hướng dẫn và thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trong phạm vi ảnh hưởng do bị sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ, nơi dòng nước chảy xiết; đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân tại khu vực xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy điện.

- Tuân thủ quyết định chỉ đạo và huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.

d) Đường sơ tán, ứng cứu: Các lực lượng cơ động làm nhiệm vụ theo các trục đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường liên xã, đường mòn… đến các vị trí tham gia ứng cứu.

đ) Địa điểm sơ tán đến: Căn cứ các vị trí sơ tán trong khu vực xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy điện theo từng Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp công trình thủy điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ) Ủy ban nhân d ân cấp huyện, cấp xã phối hợp với đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện rà soát, thông tin cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và các đơn vị liên quan về các vị trí an toàn trong khu vực để chỉ đạo tổ chức đưa người sơ tán đến.

e) Công tác tổ chức khắc phục sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ

- Tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu người bị nạn, thông tin khẩn cấp cho cấp có thẩm quyền và yêu cầu tìm kiếm cứu nạn.

- Tổ chức đưa người sơ tán trở về nhà an toàn, tổ chức nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa hoặc nhà cửa bị hư hỏng nặng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho Nhân dân khu vực bị cô lập, sơ tán nhằm ổn định đời sống Nhân dân.

- Khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ và khắc phục; xác định nhu cầu trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện và địa phương để phục vụ công tác khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xã lũ.

- Huy động nguồn lực, tổ chức khắc phục và đề nghị đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện và cấp có thẩm quyền hỗ trợ khắc phục vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, dọn dẹp nhà cửa, cơ sở hạ tầng như: Điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, môi trường, khắc phục bồi lấp, sạt lở.

- Đảm bảo an ninh trật tự và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Tổ chức khắc phục, khôi phục sản xuất sau sự cố xảy ra nhằm đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; tham mưu chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành các hồ, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum khi các hồ xả nước (công trình thủy điện Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4) .

- Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, tham mưu chỉ đạo các địa phương thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai khẩn cấp các phương án ứng cứu. Điều động các lực lượng cứu hô, cứu nạn của tỉnh Kon Tum hỗ trợ cho công tác sơ tán, di dời người dân thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum co nguy cơ ngập lụt, trong trường hợp khẩn cấp ma lực lượng trong tỉnh không đáp ứng được yêu cầu di dời, yêu cầu sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài khu vực. Đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện của mình kịp thời phối hợp với các lực lượng của các địa phương (tỉnh Gia Lai) để tham gia ứng cứu di dời dân an toàn và cứu hộ đập (công trình thủy điện Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4).

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thông tin, tuyên truyền để các cơ quan và Nhân dân hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, hạn chế thiệt hại; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để chỉ đạo chống lũ cho hạ du trước khi hồ xả lũ khẩn cấp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối (công trình thủy điện Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4).

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ và công tác khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy điện và xả lũ.

- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo việc thống kê đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu hỗ trợ, triển khai công tác khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy điện và xả lũ.

- Rà soát, tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị, xây dựng công cụ hỗ trợ cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai.

- Tổ chức huấn luyện, đào tạo, diễn tập, tập huấn cho các lực lượng tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai;

- Hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổng hợp, tham mưu đề xuất đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đảm bảo phù hợp với nhu cầu công tác, không trùng lắp, lãng phí.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Lập kế hoạch, phương án hoạt động trong công tác ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện; chủ trì, phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum tổ chức triển khai thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lực lượng quân đội là lực lượng chủ lực, nòng cốt.

- Tổ chức huấn luyện và thực hành diễn tập cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi tham gia ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; đảm bảo sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã được trang bị.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Công an tỉnh rà soát, tham mưu đề xuất việc đầu tư trang bị các phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Thường xuyên kiểm tra các đơn vị về việc quản lý, bảo trì, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị đã được đầu tư để đảm bảo sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo, điều hành, triển khai các phương án, giải pháp phòng chống ứng phó sự cố thiên tai kịp thời theo quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

4. Công an tỉnh

- Lập kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; khi có sự cố vỡ đập, hồ thủy điện xảy ra phải triển khai ngay kế hoạch bảo vệ, không để phần tử xấu lợi dụng sự cố để phá hoại, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và Nhân dân; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa... các trang thiết bị, phương tiện nhằm huy động và sử dụng trong quá trình tham gia giải quyết tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và chi viện, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khác khi có yêu cầu; đồng thời có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, cứu nạn, cứu hộ trình Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh (theo phân cấp) xem xét, phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện.

- Tổ chức thực tập, diễn tập các phương án tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó có hiệu quả khi xảy ra tình huống vỡ đập, hồ thủy điện; tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

5. Sở Công Thương

- Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận hành hồ chứa và Phương án bảo vệ đập; Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh, công tác bảo đảm an toàn các đập thủy điện, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị... của chủ đầu tư; đơn vị quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh để tham gia ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, cung cấp thông tin vận hành hồ chứa theo quy định. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ xảy ra.

6. Sở Giao thông vận tải

- Lập phương án phòng chống, xử lý sự cố hư hỏng, khắc phục hậu quả và khắc phục khẩn cấp các công trình giao thông thuộc phạm vi quản lý do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ gây ra; Đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng phương án phân luồng giao thông phục vụ hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy điện và xả lũ.

- Huy động các trang thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ công tác sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do vỡ đập, hồ chứa thủy điện và xả lũ.

7. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và lực lượng vũ trang địa phương làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống và khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập, hồ thủy điện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, vật lực và lực lượng cấp cứu toàn tỉnh để triển khai kịp thời trong mọi tình huống; trong đó có phương án cấp cứu, điều trị nạn nhân khi xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy điện.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum

- Sở Thông tin và Truyền thông:

+ Chỉ đạo và hướng dẫn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống, ứng phó và các nội dung, hoạt động về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến cộng đồng và người dân để biết, chủ động phòng tránh.

+ Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đáp ứng yêu cầu về đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp tại địa phương; tăng cường trang bị hệ thống thông tin liên lạc tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; trước mỗi cơn bão lớn, lập danh sách các thuê bao trong khu vực có thể bị ảnh hưởng để sẵn sàng tổ chức nhắn tin khi có yêu cầu.

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum: Cập nhật và kịp thời đăng tải, phát tin, truyền tin về diễn biến thời tiết và thiên tai.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp cho công tác ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản quy định khác có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

10. Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham gia sơ cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ xã hội khẩn cấp khi có sự cố vỡ đập, hồ thủy điện xảy ra trên địa bàn tỉnh; tổ chức, tham gia diễn tập với các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan về cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt diễn tập có số lượng nạn nhân lớn.

11. Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, phát các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, lũ quét,... thông tin đến cơ quan, đơn vị và người dân biết, chủ động phòng tránh và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân khi có thiên tai xảy ra; đồng thời cung cấp kịp thời và chính xác số liệu khí tượng thủy văn theo quy định và theo yêu cầu của các cơ quan liên quan, Đài Phát thanh va Truyền hình, các đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh để chủ động chỉ đạo điều hành, ứng phó, ứng cứu trong mọi tình huống.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp với đơn vị quản lý đập, hồ chứa thủy điện xây dựng phương án ứng phó, phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do vỡ đập, hồ thủy điện đối với từng công trình đập, hồ thủy điện có trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị, phường, xã, thị trấn trực thuộc chủ động tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định, kịp thời báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý, khắc phục.

- Huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Có trách nhiệm bảo đảm kinh phí theo phân cấp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch theo quy định và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

13. Đơn vị quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy điện

- Tuân thủ Quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức quan trắc, thu thập, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn để vận hành công trình đảm bảo an toàn.

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ và có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các hư hỏng để đảm bảo tình trạng, độ tin cậy làm việc bình thường, an toàn của công trình và thiết bị. Thực hiện tốt công tác vận hành và bảo trì công trình, kiểm định an toàn đập theo quy định; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

- Chủ động quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ công nhân viên biết, nắm rõ các nội dung để tổ chức thực hiện có hiệu quả khi có vụ việc xảy ra. Thường xuyên rà soát, đánh giá kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự của đơn vị.

- Chủ trì, phối hợp với Chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; tổ chức diễn tập, ứng phó các tình huống vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; xây dựng phương án phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và cộng đồng dân cư vùng hạ du trong công tác ứng phó các tình huống vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ nhằm đảm bảo có sự phối hợp đồng bộ khi xảy ra sự cố.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi dự án thủy điện rà soát xác định phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng ở vùng hạ du đập, mức độ sẽ bị ảnh hưởng và biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiệt hại khi xả lũ khẩn cấp hoặc sự cố vỡ đập. Chuẩn bị phương án cảnh báo cho Nhân dân biết để sẵn sàng ứng phó khi xả lũ; rà soát các vị trí sơ tán trong khu vực xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy điện cập nhật trong Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ thủy điện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện dụng cụ cần thiết dự phòng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ. Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả khi có sự cố.

- Báo cáo kịp thời cho các cấp, ngành chức năng có liên quan khi có sự cố, mất an toàn đối với công trình đập, hồ chứa.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan kiểm tra, thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất hỗ trợ, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ từ nguồn lực của đơn vị quản lý đập, hồ thủy điện.

14. Các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch phòng, chống ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn liên quan theo quy định.

- Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch của địa phương, đơn vị mình thật cụ thể, chi tiết sát với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị mình quản lý để nhằm chủ động ứng phó, khắc phục với mọi tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ có thể xảy ra.

- Các sở, ban ngành, địa phương liên quan và đơn vị quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy điện theo chức năng nhiệm vụ được phân công định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ để tổng hợp và báo c áo theo quy định.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, các sở, ban ngành, địa phương liên quan và đơn vị quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy điện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (qua Sở Công Thương) để tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban QG ƯPSC thiên tai và TKCN (b/c);
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Chi cục PCTT Miền trung và Tây nguyên;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- VPTT BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Các Chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HTKT.TQT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Hữu Tháp

 



(1) Gồm thủy điện: Đăk Bla1, Đăk Pru 1, Đăk Re, Đăk Psi (bậc 1 và bậc 2) , Plei Kần, Đăk Pô Cô, Plei Krông, Thượng Kon Tum.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 4140/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu: 4140/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
Ngày ban hành: 17/11/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [10]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 4140/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…