Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:3590/KH-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI CỦA TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 và Công văn số 197/CV-UB ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 547/UB-HĐ ngày 23 tháng 9 năm 2024 của Hội đồng thẩm định Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030 của tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024 - 2030 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

- Triển khai kịp thời Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra.

- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng các cấp trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

1.2. Yêu cầu

- Xây dựng Kế hoạch theo khung hướng dẫn của Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.

- Bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả tại các khu vực dự kiến có thể xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Dự kiến được các tình huống sự cố chất thải xảy ra và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của địa phương.

- Phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác ứng phó sự cố chất thải.

- Bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện, trang thiết bị ứng phó, công tác hậu cần, y tế... cho các lực lượng tham gia ứng phó.

- Tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng lấy công tác phòng ngừa là chính, ứng phó nhanh, kịp thời, có hiệu quả đối với các sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

2.1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

a) Đặc điểm địa lý

- Kon Tum là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; có tọa độ địa lý từ 107°20'15" đến 108°32'30" Kinh độ Đông và từ 13°55'10" đến 15°27'15" Vĩ độ Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (142km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203km), phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km). Phía Tây giáp các tỉnh Sekong và Attapeu của Lào (154,222km đường biên giới) và giáp tỉnh Ratanariki của Campuchia (138,691 km đường biên giới).

- Là Tỉnh thuộc miền núi vùng cao, biên giới phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có tổng diện tích đất tự nhiên là 9.677,29 km2, chiếm 2,92% diện tích toàn quốc (trong đó 63% diện tích Tỉnh được bao phủ bởi rừng). Toàn Tỉnh hiện có 09 huyện, 1 thành phố (thành phố Kon Tum), 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 13 xã biên giới giáp Lào và Campuchia).

- Tỉnh Kon Tum có vị trí tọa lạc tại khu vực ngã 3 Đông Dương, trong vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông - Tây (Myanma - Thái lan - Lào - Campuchia - Việt Nam); là điểm khởi đầu của trục phát triển kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn. Tỉnh Kon Tum cách thành phố Đà Nẵng 300km theo Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), cách các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội từ 110 - 160 km theo Quốc lộ 24 và Quốc lộ 19; được coi là điểm nối quan trọng giữa vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.

b) Đặc điểm địa hình

- Phần lớn lãnh thổ tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, một phần nhỏ diện tích (phía Đông huyện Kon Plông) nằm ở phía Đông Trường Sơn. Nhìn chung, địa hình tỉnh Kon Tum cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam, đỉnh cao nhất là ngọn núi Ngọc Linh cao 2.598m. Địa hình rất đa dạng và phức tạp, với nhiều kiểu địa hình, núi cao, núi trung bình, núi thấp và vùng thung lũng đan xen nhau. Địa hình của Tỉnh được phân thành bốn dạng chính:

- Địa hình đồi núi trung bình và núi cao: Dạng địa hình này chiếm khoảng

597.400ha (61,73% diện tích tự nhiên), độ cao trung bình từ 1.200 - 1.600m, độ dốc trung bình từ 2 - 28° và có hai dạng chính: (1) Núi cao liền dải: phân bố chủ yếu ở phía Bắc và Đông Bắc, đặc biệt có dãy núi Ngọc Linh kéo dài từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam trên 200km và đồ sộ nhất Bắc Tây Nguyên (đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m). Khu vực này là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn như: Thu Bồn, Vu Gia, Trà Khúc, Sê San (chảy sang Campuchia) và một phần lưu vực của thượng nguồn sông Ba. (2) Địa hình đồi núi cao: Đồi núi cao trung bình từ 500 - 700m, có mức độ chia cắt vừa đến mạnh và đều có hướng Bắc Nam.

- Địa hình đồi núi thấp: Có diện tích lớn thứ hai sau kiểu địa hình núi trung bình và núi cao, với diện tích khoảng 203.255 ha (21,01 % diện tích tự nhiên). Phân bố ở phía Tây, Tây Nam và vùng ven Quốc lộ 14 thuộc huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Độ cao tuyệt đối trung bình 400 - 500 m, độ dốc trung bình từ 20 - 25°. Độ che phủ của lớp thảm rừng thấp, rải rác một số diện tích rừng gỗ lá rộng, còn lại là rừng tre, nứa chiếm phần lớn. Vùng này thích hợp với sản xuất lâm nghiệp và nông lâm kết hợp; trồng cây lâu năm.

- Địa hình thung lũng và máng trũng: Diện tích khoảng 167.000ha (17,25% diện tích tự nhiên), độ cao trung bình từ 300 - 400m, độ dốc trung bình dưới 10°. Đây là những vùng dân cư tập trung đông đúc, nhất là thành phố Kon Tum: (1) Thung lũng sông Pô Kô: nằm dọc theo triền sông Pô Kô chảy về phía Nam Tỉnh. Thung lũng dạng lòng máng thấp dần về phía Nam với những đồi thoải lượn sóng vùng Đăk Uy, huyện Đăk Hà hay bằng phẳng ven thành phố Kon Tum. (2) Thung lũng sông Sa Thầy: hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía Đông và các dãy núi chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia.

- Địa hình cao nguyên: Ở tỉnh Kon Tum có cao nguyên Kon Plông nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh với độ cao 1.100 - 1.300m; đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

c) Khí hậu

- Do vị trí địa lý trải dài và nằm trên nhiều đai độ cao, nhiều dạng địa hình nên khí hậu Kon Tum khá đa dạng. Căn cứ vào nền nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm có thể chia khí hậu Kon Tum thành 2 vùng, với 5 tiểu vùng khí hậu:

- Vùng I: Là vùng khí hậu núi cao và cao nguyên phía Đông Bắc của tỉnh, gồm vùng thấp phía Tây Ngọc Linh, cao nguyên Kon Plông; vùng này có độ cao > 800 m. Trong vùng I được chia ra thành 2 tiểu vùng hình thành do sự phân hóa về điều kiện ẩm do chế độ mưa và lượng mưa, bao gồm: Tiểu vùng I.1 (TV I1) được gọi là phân vùng khí hậu núi cao Ngọc Linh, cao nguyên Kon Plông và tiểu vùng I.2 (TV I2) được gọi là phân vùng khí hậu núi thấp Ngọc Linh.

- Vùng II: Là vùng khí hậu bình nguyên và trũng Tây Trường Sơn. Bao gồm vùng trũng Đăk Tô, Kon Tum, Sa Thầy có độ cao từ 500 - 1.000 m. Trong vùng II được chia thành 3 tiểu vùng hình thành theo sự phân hóa về điều kiện ẩm do lượng mưa của gió mùa mùa hạ bao gồm: Tiểu vùng II.1 (TV II1): Là phân vùng khí hậu thung lũng Tân Cảnh (Đăk Tô), Kon Tum, Sa Thầy có độ cao phổ biến 500 - 600 m; Tiểu vùng II.2 (TV II2): Là phân vùng khí hậu núi cao trung tâm của vùng II có độ cao phổ biến 800 - 1.000m, đỉnh cao nhất là Chư Mom Ray 1.773 m; Tiểu vùng II.3 (TV II3): Là phân vùng khí hậu đồi núi thấp Plây Trấp - Hạ Lang phía Tây Nam huyện Sa Thầy.

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiệt độ trung bình các năm dao động từ 24,6 - 25,0°C, tổng lượng mưa cả năm dao động từ 1.775,3 - 2.064,8 mm, độ ẩm không khí trung bình các năm dao động từ 74,2 - 76,4 %, lượng bốc hơi cả năm dao động từ 1.217,6 - 1.409,7 mm. Khí hậu Tỉnh được phân thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa:

+ Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nên lượng mưa tập trung trong mùa khô chỉ chiếm 10,4-19,1 % lượng mưa cả năm, độ ẩm giảm mạnh khoảng 67,7-70,7 %, lượng bốc hơi lớn chiếm 62,8 - 66,4% cả năm gây khô hạn nghiêm trọng dễ xảy ra cháy rừng đây là yếu tố bất lợi cho việc bảo vệ môi trường.

+ Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung trong mùa mưa chiếm 80,9-89,6 % lượng mưa cả năm, độ ẩm không khí trung bình mùa mưa khoảng 80,7-82,8 %, lượng bốc hơi giảm chiếm 33,6-37,2 % cả năm.

- Khí hậu Tỉnh Kon Tum khá đặc thù với hai mùa rõ rệt, đây là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường đặc biệt là về mùa khô thường xảy ra nạn hạn hán, cháy rừng và cây công nghiệp …; mùa mưa thường xuất hiện các trận bão, lũ lụt gây sạt lở nghiêm trọng và thiệt hại lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự đa dạng của khí hậu cho phép bố trí các tập đoàn cây trồng, vật nuôi phong phú, thuận lợi cho sự đa dạng hoá sinh học. Song sự đa dạng và với hai mùa rõ rệt cũng là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp đặc biệt là giữa mùa vụ và nhu cầu lao động thu theo thời vụ, nạn cháy rừng và cây công nghiệp về mùa khô nghiêm trọng.

- Về đặc trưng khí hậu, huyện Kon Plông nổi tiếng có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16 đến 20°C, độ ẩm trung bình 82 đến 84%, có rừng nguyên sinh bao bọc chung quanh với độ che phủ rừng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hồ thác, suối đá, danh lam thắng cảnh và cảnh quan thiên nhiên độc đáo; đây là tiềm năng thuận lợi để phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cấp quốc gia.

d) Đặc điểm thủy văn

- Mạng lưới thủy văn trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu thuộc lưu vực sông Sê San, là một trong các phụ lưu lớn của sông Mê Kông bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên của Việt Nam rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia trước khi nhập vào sông SêrêPôk gần thị trấn Stung Treng (Campuchia). Sông Sê San có lưu vực rộng 19.150 km², chảy qua 02 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, với tổng chiều dài sông chính là 237 km. Lưu vực sông Sê San bao gồm ba con sông trung bình: Sông Đăk Bla, sông PôKô và sông Sa Thầy, trong đó có hàng trăm phụ lưu cấp I, 45 phụ lưu cấp II, 17 phụ lưu cấp III và 2 phụ lưu cấp IV. Mật độ lưới sông khá lớn, trung bình 0,36 km/km2. Các sông có đặc điểm chung là ngắn và dốc, đều xuất phát từ phía Bắc, Đông Bắc và chảy về Nam, Tây Nam, độ dốc trung bình các lưu vực 12,1%. Khi mưa dòng chảy tập trung nhanh với cường độ mạnh, có thể gây lũ lớn ở các khu địa hình dốc và ngập lụt ở các vùng trũng, nhất là thành phố Kon Tum.

2.2. Tính chất, quy mô đặc điểm của các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 41 cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục số II kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và 03 cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại. Trong đó:

- Cơ sở thuộc loại hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt: 05 cơ sở;

- Cơ sở thuộc loại hình chế biến mủ cao su: 13 cơ sở;

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất tinh bột sắn: 08 cơ sở;

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất đường từ mía: 01 cơ sở;

- Cơ sở thuộc loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp: 14 cơ sở.

- Các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại: 03 cơ sở

(có danh sách các cơ sở kèm theo)

2.3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó chất thải của tỉnh

a) Lực lượng, phương tiện chuyên trách

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có đơn vị chuyên trách về ứng phó chất thải, chủ yếu là lực lượng kiêm nhiệm và đơn vị hiệp đồng đó là các đơn vị quân đội, công an, biên phòng các sở, ban, ngành của tỉnh.

b) Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm

- Lực lượng: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài chính; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Xây dựng; 10 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự của các huyện, thành phố.

- Phương tiện, trang thiết bị: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh huy động các trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải phù hợp với trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố của từng đơn vị.

- Lực lượng, phương tiện tăng cường phối hợp: Quân khu 5 hoặc các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng phó sự cố chất thải.

2.4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

Sự cố chất thải có thể xảy ra đối với các nhóm chất thải sau: Chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí, trong đó:

- Khả năng xảy ra sự cố đối với chất thải rắn là khi các công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ bờ, đê chắn chân các bãi chôn lấp gây trôi sạt bùn, chất thải rắn ra khu vực xung quanh.

- Khả năng xảy ra sự cố đối với nước thải là khi các công trình lưu giữ, xử lý nước thải sản xuất, xử lý bùn thải bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ bờ, đê chắn hồ lắng xử lý nước thải gây trôi sạt bùn, nước thải ra khu vực xung quanh.

- Khả năng xảy ra sự cố đối với khí thải là khi các công trình xử lý khí thải không được bảo dưỡng thay thế, bị hư hỏng hoặc chủ cơ sở không vận hành dẫn đến lượng bụi, khí thải độc hại phát tán ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép.

a) Nguy cơ sự cố Chất thải rắn

Bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Đăk Tô tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum; Bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Kon Plông tại thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

b) Nguy cơ sự cố Chất thải lỏng:

Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ia H’Drai tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum; Nhà máy Sản xuất cồn và tinh bột sắn Đăk Tô tại Thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện ĐăkTô, tỉnh Kon Tum; Nhà máy tinh bột sắn Tây nguyên Đăk Hà tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà; Nhà máy chế tinh bột sắn Kon Rẫy tại Thôn 11 xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; Trang trại chăn nuôi Duyên Thịnh Phát tại xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

c) Nguy cơ sự cố Chất thải khí

Khu vực xử lý chất thải rắn của Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà (xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt) tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; Nhà máy Đường Kon Tum tại Km2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Nhà máy sản xuất cồn và tinh bột sắn huyện Đăk Tô tại Thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Ngoài những cơ sở đã nêu trên còn tiềm ẩn nguy cơ sự cố các cơ sở theo danh sách tại mục 2 Phần I của Kế hoạch và các cơ sở khác có phát sinh chất thải rắn, nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh.

2.5. Đánh giá chung

Tỉnh Kon Tum hiện chưa có trang thiết bị chuyên dụng dùng riêng cho ứng phó sự cố chất thải, công tác ứng phó sự cố chất thải chủ yếu dựa trên các phương tiện và thiết bị có sẵn trang bị cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; các thiết bị chuyên dùng của lực lượng Công an, Quân đội. Do đó, khả năng ứng phó của địa phương ở mức độ vừa và nhỏ.

III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

3.1. Tư tưởng chỉ đạo: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”

3.2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải;

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3.3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

a) Biện pháp phòng ngừa

- Xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.

- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, ...vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng, đặc biệt là các Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Thường xuyên rà soát, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tại các cơ sở thuộc quản lý; định kỳ báo cáo và tổ chức diễn tập tại cơ sở về phương án ứng phó sự cố chất thải.

b) Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

- Tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình về sự cố chất thải:

+ Khi tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình về sự cố chất thải cần cung cấp thông tin kịp thời đến các cấp, ngành, các cơ quan báo chí nhằm thông tin rộng rãi tới cộng đồng thông qua hệ thống báo chí, truyền thông;

+ Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm bắt tình hình về sự cố chất thải, đặc biệt là trong mùa mưa bão; đánh giá tình huống, xác định, đề xuất phương án ứng phó sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả;

+ Tổ chức quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động kịp thời sự cố chất thải trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, ngành và cộng đồng;

+ Nhận định, đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động do sự cố chất thải gây ra đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật.

- Trong quá trình xử lý sự cố và khắc phục sự cố cần cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí những vấn đề liên quan đến sự cố nhằm thông tin rõ nét, chính xác về sự việc diễn ra tới cộng đồng để định hướng thông tin và trấn an dư luận. Tùy vào mức độ và tính chất sự cố, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí qua hình thức họp báo, thông cáo báo chí hoặc hình thức phù hợp khác.

- Thiết lập Sở chỉ huy ứng phó.

- Biện pháp ứng phó:

+ Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý;

+ Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường (như: sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải rắn, lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa...);

+ Xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit…; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm thiểu nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại… ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.

- Khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố:

+ Tổ chức các hoạt động đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố chất thải gây ra; triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có);

+ Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định;

+ Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường sau khi khắc phục sự cố chất thải, tổng hợp báo cáo và đưa nhân dân trở lại sinh sống.

3.4. Tổ chức sử dụng lực lượng

Tổ chức sử dụng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, cụ thể:

a) Lực lượng tiếp nhận thông tin: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh là cơ quan chủ trì về tiếp nhận thông tin.

b) Lực lượng cảnh báo, thông báo, báo động: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; cơ quan thông tin, báo đài...

c) Lực lượng giám sát: Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ...

d) Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả

- Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Y tế và các lực lượng khác có liên quan...

+ Lực lượng ứng phó tại chỗ: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Y tế và các lực lượng khác có liên quan... Phương tiện, vật dụng sử dụng tại chỗ, huy động phương tiện xe chữa cháy, xe cứu thương, các phương tiện khác; dụng cụ chữa cháy, vật liệu ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường, vật liệu xử lý các chất độc hại.

+ Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng của cơ quan ứng phó sự cố cấp trên; các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn và các địa phương lân cận; các sở, ban, ngành của tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Các lực lượng huy động từ cơ quan quân sự, công an, y tế, chữ thập đỏ, thanh niên, các doanh nghiệp môi trường... Tùy vào tình hình, diễn biến, mức độ của sự cố chất thải, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh quyết định việc điều động, phân công nhiệm vụ, bố trí lực lượng chi viện cho các địa phương xảy ra sự cố chất thải theo yêu cầu.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và các đoàn thể, nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố chất thải.

+ Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố: Công an tỉnh và Công an huyện, xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra sự cố.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng y tế, chữ thập đỏ chủ trì, phối hợp với lực lượng phụ nữ, thanh niên và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ ứng phó khác.

IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

4.1. Tình huống

a) Tình huống 1 (Tình huống xảy ra sự cố chất thải rắn)

- Vỡ bờ, đê bao bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Đăk Tô.

- Địa điểm xảy ra sự cố: xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

- Mức độ ảnh hưởng: Trôi sạt bùn thải, rác thải xuống nhánh suối ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân (do lấy nguồn nước của nhánh suối để trồng trọt).

b) Tình huống 2 (Tình huống xảy ra sự cố đối với nước thải)

- Vỡ bờ hồ công trình xử lý nước thải của Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi.

- Địa điểm xảy ra sự cố: Tại Thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

- Mức độ ảnh hưởng: Trôi sạt nước thải, bùn thải ảnh hưởng gây ô nhiễm nguồn nước suối Đăk Kan, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ở phía hạ lưu.

c) Tình huống 3 (Tình huống xảy ra sự cố đối với nước thải)

- Vỡ bờ hồ công trình xử lý nước thải của Nhà máy chế tinh bột sắn Kon Rẫy tại Thôn 11 xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

- Địa điểm xảy ra sự cố: Tại Thôn 11 xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

- Mức độ ảnh hưởng: Trôi sạt nước thải, bùn thải ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của dân xung quanh, gây ô nhiễm nguồn suối Đăk Năng, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ở phía hạ lưu.

d) Tình huống 4 (Tình huống xảy ra sự cố chất thải khí)

- Hỏng thiết bị xử lý bụi, khí thải lò đốt của Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà.

- Địa điểm xảy ra sự cố: Xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

- Mức độ ảnh hưởng: Phát sinh khí thải, mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh, người dân khu vực xã Hà Mòn và các xã lân cận của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

e) Tình huống 5 (Tình huống xảy ra sự cố chất thải khí)

- Hỏng thiết bị xử lý bụi, khí thải lò đốt của Nhà máy Đường Kon Tum.

- Địa điểm xảy ra sự cố: Km2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

- Mức độ ảnh hưởng: Phát sinh bụi, khí thải, mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh, người dân khu vực xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

4.2. Biện pháp xử lý

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh kịp thời xác minh về sự cố và báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có liên quan.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh tổ chức, triển khai biện pháp ứng phó, bao gồm:

Bước 1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó:

- Khi phát hiện có dấu hiệu của sự cố xảy ra, cơ sở để xảy ra sự cố hoặc người dân phát hiện sự cố có trách nhiệm báo cáo cơ quan chức năng gần nhất; các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải, gồm: Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế…; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã nơi xảy ra sự cố và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

- Sau khi tiếp nhận được thông tin về sự cố chất thải, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, phân công các lực lượng nhanh chóng đến hiện trường nắm bắt tình hình, tham mưu phương án giải quyết và tham gia ứng phó. Phân công đại diện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về sự cố theo quy định tại Điều 3, Điều 6 Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Các phương tiện thông tin: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn có trách nhiệm thông tin kịp thời, chính xác, trung thực đến các tổ chức, cá nhân và người dân để biết những thông tin có liên quan đến sự cố chất thải.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác định phạm vi ảnh hưởng, đánh giá sơ bộ ban đầu về đối tượng, mức độ bị tác động của sự cố chất thải đối với môi trường (đất, nước, không khí) và con người, sinh vật.

- Các lực lượng ứng phó tăng cường chế độ trực ban, xác định và xây dựng các phương án theo kịch bản ứng phó đối với từng loại sự cố chất thải trên địa bàn quản lý.

Bước 2. Vận hành cơ chế:

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, xác định và xây dựng các phương án theo kịch bản ứng phó đối với từng loại sự cố chất thải; đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó.

- Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thông tin, báo động đến toàn đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố chất thải để tham gia ứng phó theo sự phân công. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn hiện trường nơi xảy ra sự cố chất thải.

Bước 3. Thiết lập Sở Chỉ huy:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực chỉ huy trực tiếp.

+ Phó chỉ huy trưởng: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp Chỉ huy trưởng chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện thời gian ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

+ Thành viên gồm: Nòng cốt là các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, gồm lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương..., Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra sự cố chất thải và lãnh đạo các sở, ban, ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tùy theo tính chất, mức độ của sự cố chất thải.

Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phân công lực lượng triển khai đồng bộ một số nội dung sau:

+ Khẩn trương tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng của sự cố chất thải nhanh chóng sơ tán người, tài sản của người dân ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

+ Khoanh vùng, phạm vi ảnh hưởng, phong tỏa hiện trường khu vực xảy ra sự cố chất thải.

+ Chỉ đạo lực lượng y tế trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động.

+ Kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để thống nhất về nội dung, thông tin công bố và định hướng dư luận về sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn.

- Triển khai các hoạt động ngăn chặn nguồn chất thải:

+ Tình huống 1: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., không cho bùn, nước thải, chất thải rắn ra môi trường.

+ Tình huống 2,3: Dừng ngay hoạt động sản xuất, kịp thời triển khai bịt lấp thân bờ, đập hồ bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường) để dừng phát tán chất thải, sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa...

+ Tình huống 4, 5: Dừng ngay hoạt động sản xuất để tiến hành sửa chữa khắc phục sự cố. Sau khi khắc phục xong mới tiến hành hoạt động trở lại.

Bước 5. Khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải:

- Tổ chức các lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển xử lý các nguồn chất thải đúng quy định.

- Đánh giá mức độ ô nhiễm và triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có).

- Thực hiện quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường để theo dõi diễn biến môi trường khu vực xảy ra sự cố chất thải sau khi được khắc phục.

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

5.1. Nhiệm vụ chung

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả kế hoạch; rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia). Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để được chỉ đạo và hỗ trợ.

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện rà soát, cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh khi có thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố chất thải có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai thông tin về các nguồn thải có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn theo quy định của pháp luật; phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện tổ chức ứng phó sự cố chất thải, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải.

5.2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh; kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức ứng phó sự cố; tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố chất thải.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng và chỉ đạo công tác tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố chất thải.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong tỉnh, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định việc yêu cầu cơ quan cấp trên trợ giúp.

b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chỉ đạo các Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, cơ quan quân sự địa phương các cấp sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đảm bảo an toàn về người và tài sản, an ninh trật tự tại khu vực xảy ra sự cố; tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.

- Tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải; chỉ đạo điều hành đối với chỉ huy các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

c) Công an tỉnh

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân tham gia ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn; tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố; tổ chức bảo vệ hiện trường, không để người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực xảy ra sự cố, điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố.

- Làm tốt công tác nắm tình hình, cảnh báo, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các đối tượng lợi dụng sự cố môi trường để hoạt động phạm tội; không để các thế lực thù địch phản động lợi dụng tình hình sự cố môi trường, dịch bệnh để tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền trái phép về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm ứng phó sự cố chất thải; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng đối với các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham gia lực lượng giám sát trong trường hợp xảy ra sự cố sạt lở bãi thải; nước thải chưa qua xử lý và bùn thải của các công trình xử lý nước thải tràn ra môi trường.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động sản xuất thực tế của cơ sở.

- Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường tỉnh; thực hiện dự báo, cảnh báo sự cố chất thải.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn việc xác định thiệt hại về môi trường; hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

đ) Sở Công Thương

- Chủ trì, tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải cấp tỉnh do rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp. Tham gia lực lượng giám sát, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các trường hợp sự cố chất thải cấp tỉnh có liên quan đến hóa chất độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập huấn, diễn tập cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm (lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong kế hoạch khác của Sở); phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn việc xác định thiệt hại về người, tài sản và môi trường, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố.

e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các phương án ứng phó sự cố chất thải đảm bảo phù hợp, đồng bộ với Phương án phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, có hiệu quả; sẵn sàng phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng khi xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường các hoạt động lồng ghép tuyên truyền về ứng phó sự cố chất thải với công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống thiên tai.

- Rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện các quy định về ứng phó sự cố chất thải như: xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; đảm bảo nguồn lực, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở... ; chỉ đạo, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị thuộc Sở.

g) Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ngành và địa phương triển khai các phương án về sử dụng hạ tầng giao thông, các trang thiết bị, phương tiện, vật tư vận tải trong phạm vi phụ trách tham gia ứng phó sự cố môi trường.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn của các phương tiện khi lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố chất thải nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.

- Tham gia tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

h) Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

- Tham gia tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Tham gia lực lượng giám sát, tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ, năng lực trong công tác ứng phó sự cố chất thải phóng xạ.

i) Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương hướng dẫn các quy hoạch, kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn và triển khai thực hiện hiệu quả trong lĩnh vực ngành quản lý theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực ngành quản lý theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện thẩm định các hạng mục công trình ứng phó sự cố chất thải đối với các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình ứng phó sự cố nước thải, chất thải của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp theo thẩm quyền.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

k) Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các quy định, hướng dẫn có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

l) Sở Y tế

- Trên cơ sở hướng dẫn về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế của Bộ Y tế và các hướng dẫn chuyên môn có liên quan, xây dựng, ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tăng cường quản lý kiểm soát chặt chẽ chất thải y tế nguy hại lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế.

- Tham gia tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh và nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

- Thiết lập hệ thống ứng phó, đáp ứng y tế trong trường hợp khẩn cấp sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất cần thiết để sẵn sàng đáp ứng y tế với các tình huống sự cố.

m) Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.

- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan thông tấn báo chí liên tục thông báo, cập nhật tình hình khi có sự cố xảy ra.

n) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án đầu tư công phục vụ nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, làm cơ sở để các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh.

o) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ trì, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn quản lý; phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp xã về quản lý chất thải theo quy định; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền.

- Làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.

- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật,

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương).

- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

p) Các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở (thuộc cột 3, cột 4 Phụ lục II, ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường) có trách nhiệm xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục II Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cơ sở cơ sở phù hợp với phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy phép môi trường theo khoản 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022.

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.

- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

6.1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy, chỉ đạo: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự đảm bảo bố trí người trực 24/24, các đường dây điện thoại, fax luôn ở chế độ mở máy bảo đảm thông tin được xuyên suốt.

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả:

+ Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng phương tiện thông tin đại chúng như truyền thanh, truyền hình để kịp thời thông báo, báo động, truyền tin đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố.

+ Trang bị máy bộ đàm cho đơn vị ứng phó sự cố tại hiện trường và người chỉ huy hiện trường để đảm bảo thông tin liên lạc.

6.2. Trang thiết bị ứng phó ứng phó sự cố

- Khi có sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự có thể huy động, điều động các phương tiện, trang thiết bị tham gia ứng phó sự cố chất thải từ các đơn vị trong tỉnh hoặc có thể huy động sự trợ giúp từ các nguồn lực bên ngoài tỉnh.

6.3. Cơ sở vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó

- Đảm bảo người thực hiện công tác ứng cứu trực tiếp đã được qua huấn luyện và diễn tập.

- Đảm bảo công tác an ninh, phân luồng cho các phương tiện giao thông thủy, bảo vệ hiện trường, Phòng chống cháy nổ khi đang ứng cứu.

- Người thực hiện công tác ứng cứu được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ.

6.4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh, lực lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang thiết bị, cơ sở thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

7.1. Sở Chỉ huy thường xuyên (cơ bản)

- Địa điểm: Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Địa chỉ: số 492 Trần Phú, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

- Thành phần, gồm: Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Giao thông vận tải; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông…

- Nhiệm vụ: Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả.

7.2. Sở Chỉ huy tại hiện trường

- Địa điểm: Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố.

- Thành phần:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực chỉ huy trực tiếp.

+ Phó chỉ huy trưởng: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp Chỉ huy trưởng chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện thời gian ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

+ Thành viên gồm: Nòng cốt là các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, gồm lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương..., Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra sự cố chất thải và lãnh đạo các sở, ban, ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tùy theo tính chất, mức độ của sự cố chất thải.

- Nhiệm vụ: Đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó, khắc phục hậu quả; báo cáo kết quả về Sở Chỉ huy cơ bản để cập nhật tình hình và kịp thời chỉ đạo.

Trên đây là Kế hoạch Ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024-2030, đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định. Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia;
- Ủy ban QGƯPSC, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ CÓ NGUY CƠ XẢY RA SỰ CỐ CHẤT THẢI CẤP TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số:3590/KH-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

TT

Tên cơ sở

Địa điểm

Loại hình sản xuất

Công suất

Tình trạng hoạt động

I

Lĩnh vực xử lý chất thải

 

 

 

 

1

Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà

xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

130 tấn/ngày đêm

Đang hoạt động

2

Bãi rác tập trung huyện Đăk Glei

Thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt

6 tấn/ngày

Đang hoạt động

3

Bãi xử lý rác thải huyện Đăk Tô

Thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt

Quy mô 58.713 m3 rác. Thời hạn sử dụng công trình: 11 năm

Đang hoạt động

4

Bãi rác thải sinh hoạt huyện Kon Plông

Thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông

Chôn lấp

6 tấn/ngày

Đang hoạt động

5

Bãi rác thải sinh hoạt, bãi đổ thải huyện Tu Mơ Rông

Thôn Tê Xô Trong, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông

Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hỗn hợp

Diện tích khoảng 24.784 m2

Đang hoạt động

II

Lĩnh vực chế biến mủ cao su

 

 

 

 

1

Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim

Xã Ia Chim, Thành phố Kon Tum

Chế biến mủ cao su

10.500 tấn/năm

Đang hoạt động

2

Nhà máy chế biến mủ cao su An Phú Thịnh

Thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy

Chế biến mủ cao su

12.000 tấn sản phẩm /năm

Đang hoạt động

3

Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi

thôn 5, TT Plei Kần, huyện Ngọc Hồi

Chế biến mủ cao su

19.500 tấn sản phẩm /năm

Đang hoạt động

4

Nhà máy chế biến mủ cao su số 5 (đề án)

thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi

Chế biến mủ cao su

5000 tấn sp/năm

Đang hoạt động

5

Nhà máy chế biến mủ cao su số 6

Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy

Chế biến mủ cao su

5000 tấn sp/năm

Đang hoạt động

6

Nhà máy chế biến mủ cao su Đại Lợi

Thôn Nông Nhầy 2, Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi

Chế biến mủ cao su

8000 tấn sản phẩm/năm

Đang hoạt động

7

Nhà máy chế biến mủ cao su Vạn Lợi

thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong, TP Kon Tum

Chế biến mủ cao su

9.200 tấn sản phẩm/năm

Đang hoạt động

8

Nhà máy chế biến mủ cao su Duy Tân

Xã Ia Tơi, huyện Ia H'drai

Chế biến mủ cao su

9.000 tấn sản phẩm/năm cao su cốm SVR 10&20

Đang hoạt động

9

Nhà máy chế biến mủ cao su Sa Thầy

Thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai

Chế biến mủ cao su

9.000 tấn sản phẩm/năm

Đang hoạt động

10

Đầu tư mở rộng nhà máy chế mủ cao su công suất 9000 tấn thành phẩm/năm - Cty TNHH MTV Phát Lộc Thịnh

Thôn 6 xã Kon Đào, huyện Đăk Tô

Chế biến mủ cao su

9.000 tấn sản phẩm/năm

Đang hoạt động

11

Nhà máy chế biến mủ cao su Chư Mom Ray

Thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai

Chế biến mủ cao su

7.500 tấn/năm

Đang hoạt động

12

Nhà máy chế biến mủ cao su Vạn Phát

thôn 5, TT Plei Kần, huyện Ngọc Hồi

Chế biến mủ cao su

500 tấn sản phẩm/năm

Đang hoạt động

13

Nhà máy chế biến mủ cao su Vạn Thành

Xã Rơ Kơi, Huyện Sa Thầy

Chế biến mủ cao su

120 tấn sản phẩm /quý

Đang hoạt động

III

Lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn

 

 

 

 

1

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vi Na Kon Tum

Xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Sản xuất tinh bột sắn

180 tấn sản phẩm/ngày đêm

Đang hoạt động

2

Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô

Thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô

Sản xuất cồn và tinh bột sắn Đăk Tô

TBS: 50.000 tấn/năm Cồn: 63.694.000 lit/năm

Đang hoạt động

3

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Rẫy

Xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy

Sản xuất tinh bột sắn

40.000 tấn thành phẩm/năm

Đang hoạt động

4

Nhà chế biến tinh bột và xưởng sản xuất phân vi sinh Đăk Hà - Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà

thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, Huyện Đăk Hà

Sản xuất bột sắn; sản xuất phân vi sinh

- Công suất sản xuất bột sắn: 240 tấn thành phẩm/ngày đêm.

- Công suất sản xuất phân vi sinh: 55 tấn thành phẩm/ngày đêm

Đang hoạt động

5

Nhà máy chế biến tinh bột từ nông sản

xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei

Sản xuất bột sắn

100 tấn tinh bột /ngày

Đang hoạt động

6

Nhà máy tinh bột sắn Sa Bình

Xã Sa Bình, huyện Sa Thầy

Sản xuất bột sắn

30.000 tấn/năm

Đang hoạt động

7

Nhà máy tinh bột sắn Kon Tum (FOCOCEV Phú Yên)

Thôn Nông Nhầy 2, Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi

Sản xuất bột sắn

45.000 tấn tp/năm

Đang hoạt động

8

Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Ia H’Drai.

Thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai

Sản xuất bột sắn

230 tấn thành phẩm tinh bột sắn/ngày đêm

Đang hoạt động

IV

Lĩnh vực mía đường

 

 

 

 

1

Nhà máy đường Kon Tum

Km 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

Sản xuất mía đường

2.500 tấn/ngày

Đang hoạt động

V

Lĩnh vực chăn nuôi

 

 

 

 

1

Trại nuôi heo Gia công, công nghiệp (HKD Cao Hoàng Hồng Hoa)

Xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông

Chăn nuôi heo thịt

2.400 con heo thịt/lứa

Đang hoạt động

2

Trang trại nuôi heo (HKD Hồ Xuân Lâm)

Thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi

Chăn nuôi heo thịt

9.600 con/năm

Đang hoạt động

3

Cơ sở chăn nuôi heo nái (HKD Nguyễn Thị Thúy Vương)

Xã Ia Chim, thành phố Kon Tum

Chăn nuôi

400 con heo nái

Đang hoạt động

4

Trại chăn nuôi heo thịt (HKD Nguyễn Đức Thấn)

Xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà

Chăn nuôi heo thịt

4.800 heo thịt/năm

Đang hoạt động

5

Trại chăn nuôi heo thịt Pham Thị Tuyến (HKD Phạm Thị Tuyến)

Xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy

Chăn nuôi heo thịt

4.800 heo thịt/năm

Đang hoạt động

6

Sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong, thành phố Kon Tum

thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong, thành phố Kon Tum

Chăn nuôi heo thịt và sản xuất cây giống ăn quả

Chăn nuôi 900 con heo thịt/lứa và 2.500 cây giống ăn quả/năm.

Đang hoạt động

7

Trang trại chăn nuôi của Hộ kinh doanh Tô Mạnh Cường

Xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum

Chăn nuôi heo

600 con heo nái và 2000 con heo thịt

Đang hoạt động

8

Trại nuôi heo gia công Măng Đen tại thôn 9, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy

thôn 9, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy

Hộ kinh doanh Măng Đen

2400 con/lứa

Đang hoạt động

9

Trang trại chăn nuôi heo thịt tại thôn 8, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum của Hộ kinh doanh Bùi Thị Mai Hoàng

Thôn 8, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

Chăn nuôi heo

2.400 con/lứa (2 lứa/năm)

Đang xây dựng

10

Trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm công nghệ cao - Công ty cổ phần Thiên Thành Tài

Thôn Khơk Klong, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy

Chăn nuôi heo

24.000 lợn thịt/lứa; 2 lứa/năm

Đã hoàn thành xây dựng.

11

Trang trại chăn nuôi Anh Phong

Thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà

Chăn nuôi heo

Chăn nuôi 4.800 con heo thịt/ năm

Đang hoạt động

12

Trang trại chăn nuôi heo thịt thôn 6, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum - Hộ kinh doanh Lê Thị Huyền

Thôn 6, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô

Chăn nuôi heo

4.800 heo thịt/năm

Đã hoàn thành xây dựng.

13

Trang trại chăn nuôi heo thịt Trần Hồng

Thôn Kon Đao Yôp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà

Chăn nuôi heo

4.800 heo thịt/năm

Đã hoàn thành xây dựng

14

Trang trại chăn nuôi công nghệ cao Đăk Rơ Nga

Xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô

Chăn nuôi heo

 

Đang xây dựng

VI

Lĩnh vực y tế

 

 

 

 

1

Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai

Thôn 1, xã Ia Tơi

Lò đốt CTRYT

30kg/giờ

Đang hoạt động

2

Bệnh viện Đa khoa kku vực huyện Ngọc Hồi

Thị trấn Plei kần, huyện Ngọc Hồi

Xử lý chất thải y tế nguy hại mô hình cụm (Lò vi sóng và Lò đốt)

Lò vi sóng: 30 kg/giờ. Lò đốt: 100 kg/giờ

Đang hoạt động

3

Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng

Xã Chư H’reng, thành phố Kon Tum

Xử lý chất thải y tế nguy hại mô hình cụm (Lò vi sóng và Lò đốt)

Lò vi sóng: 450 kg/ngày

Đang hoạt động

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 3590/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024-2030

Số hiệu: 3590/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
Ngày ban hành: 07/10/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 3590/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024-2030

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…