Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 3297/KH-UBND

Kon Tum, ngày 11 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH MÙA KHÔ NĂM 2019-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm chủ động phòng ngừa hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác. Đưa ra các giải pháp đối phó khi có hạn xảy ra để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sản xuất và sinh hoạt của người dân, đảm bảo an sinh, kinh tế.

- Kịp thời huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác chống hạn khi xảy ra hạn hán và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn.

2. Yêu cầu

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum, các công ty thủy điện có hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan phát huy, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống hạn.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng nước phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý dùng nước tích cực tham gia công tác phòng chống hạn.

II. GIẢI PHÁP, PHƯƠNG PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN

1. Diễn biến, dự báo tình hình thời tiết

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum diễn biến khí tượng, thủy văn vụ Đông xuân 2019-2020 như sau:

* Khí tượng: Nhiệt độ giảm dần trong thời kỳ từ nay đến giữa tháng 02 năm 2020 sau đó tăng dần. Trong thời kỳ trung tuần tháng 12 năm 2019 đến trung tuần tháng 02 năm 2020 có một số đợt lạnh và rét với nhiệt độ trung bình ngày xuống thấp dưới 18ºC (thấp nhất từ 6-8ºC) ở khu vực các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, các xã phía Bắc, Đông Bắc huyện Đăk Glei và một số vùng núi cao; các khu vực còn lại nhiệt độ trung bình ngày xuống thấp dưới 21ºC (thấp nhất từ 9-11ºC). Thời kỳ tháng 3, tháng 4 năm 2020 nhiệt độ tăng dần, một số ngày có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ở các vùng thuộc phía Nam và Tây Nam tỉnh khả năng đạt 35- 38ºC. Tổng lượng mưa tháng 12 năm 2019 ở các vùng phía Tây, Tây Nam tỉnh khả năng đạt từ 50 - 100mm; các vùng phía Đông, Đông Bắc tỉnh đạt từ 150 - 350mm. Thời kỳ tháng 01 và tháng 02 năm 2020 phổ biến các khu vực trong tỉnh ít mưa. Tháng 3, tháng 4 xuất hiện các trận mưa trái mùa và mưa chuyển mùa, lượng mưa có xu thế tăng dần. Khu vực thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi có tổng lượng mưa trong hai tháng 3 và 4 năm 2020 khả năng đạt từ 100-150mm; khu vực các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông khả năng đạt 50-100mm.

* Thủy văn: Trên các sông, suối thuộc các lưu vực sông Pô Kô, Đăk Tờ Kan, Đăk Psi, Sa Thầy mực nước có dao động, sau đó giảm dần trong thời kỳ từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 4 năm 2020; lưu lượng nước duy trì ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-20%. Trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Đăk Bla có khả năng xuất hiện khoảng 2 trận lũ có mực nước đỉnh lũ đạt xấp xỉ và cao hơn mức báo động cấp II, xuất hiện trong thời kỳ từ cuối tháng 10 và tháng 11; từ cuối tháng 11 năm 2019 đến giữa tháng 02 năm 2020 mực nước có dao động theo xu thế giảm dần; lưu lượng dòng chảy duy trì ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-30%.

2. Dự báo khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước

- Khu vực thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô:

+ Thời gian khô hanh, ít hoặc không có mưa: Từ tháng 12 năm 2019 đến đầu tháng 3 năm 2020.

+ Lượng nước trên các sông, suối đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%. Có nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước với mức độ trung bình; thời gian khô hạn, thiếu nước kéo dài từ tháng 2 đến đầu tháng 4 năm 2020.

- Khu vực huyện Ngọc Hồi và các xã phía Nam huyện Đăk Glei:

+ Thời gian khô hanh, ít hoặc không có mưa: Từ tháng 01 đến đầu tháng 3 năm 2020.

+ Lượng nước trên các sông, suối có khả năng đạt thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-20%. Có nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ, thời gian khô hạn, thiếu nước kéo dài từ giữa tháng 02 đến cuối tháng 3 năm 2020.

- Khu vực các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và các xã phía Bắc huyện Đăk Glei:

+ Thời gian khô hanh, ít mưa: Từ tháng 02 đến hết tháng 3 năm 2020.

+ Lượng nước trên các sông, suối đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-15%. Ít có nguy cơ xảy ra khô hạn thiếu nước.

Theo số liệu quan trắc tính đến đầu tháng 12 năm 2019 các hồ chứa thủy lợi đã và đang tích trữ nước, mực nước hồ xấp xỉ mực nước dâng bình thường (MNDBT). Tuy nhiên, vẫn còn một số hồ thấp hơn MNDBT như: Hồ Đăk Yên thấp hơn MNDBT: 1,35m; Hồ Đăk Rơ Wa thấp hơn MNDBT: 1,33m; Hồ Đăk Nui 3 thấp hơn MNDBT: 1,35m; Hồ Ya Xăng thấp hơn MNDBT: 1,62m; Hồ Hố Chè thấp hơn MNDBT: 1,25m,...những khu vực có khả năng bị thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cụ thể:

- Thành phố Kon Tum: Khu tưới đập Đăk Tu Wích (xã Vinh Quang); Tân Điền; Cà Tiên (xã Đoàn kết); Đăk Cấm (phường Ngô Mây); Ông Thiệu, Đăk Phát 1, 2 (xã Đăk Cấm); Ia Bang Thượng, Đăk Yên (xã Hòa Bình); Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa), Đăk Lái (xã Chư Hreng); Đăk Trum (xã Ngọc Bay); Đập thôn 3 (phường Trần Hưng Đạo)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước vào cuối vụ khoảng 450 ha lúa, 440 ha cà phê.

- Huyện Sa Thầy: Khu tưới Thủy lợi Đăk Sia II; Ba Đgốc 1, 2; Đăk Ngao 1, 2 (Thị trấn Sa Thầy); thủy lợi Ya Bai (xã Ya Xier); thủy lợi Đăk Hlang, Đăk Plôm, Đăk Choai, Đăk Rơ Tim (xã Rờ Kơi); thủy lợi Đăk Nui 3 (xã Hơ Moong); Ya Tri, Ya O (xã Ya Tăng)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 80 ha lúa, 45 ha cà phê.

- Huyện Đăk Hà: Khu tưới Thủy lợi Đăk Lố, Đăk Ni, Đập Ông Phiêu, Đăk Căm, Đăk Xít, thôn 1A, 1B (xã Đăk La); Khu vực thôn Đăk KĐêm (xã Đăk Ngọk); Khu vực thôn 1A, 1B, thôn 7A, 7B, thôn 5B, 6 (xã Đăk Ui); khu tưới Kon Hrế, Kon Rôn (xã Ngọc Réo); Khu vực tưới của kênh N10, thôn Hải Nguyên, hồ C1 (xã Hà Mòn); khu tưới xã Đăk Hring; Đăk Pxi... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 90ha lúa, 280ha cà phê.

- Huyện Đăk Tô: Khu tưới hồ C19, đập Đăk Blồ, Cầu Ri (xã Diên Bình); đập Đăk Lung, Chăn Nuôi, Bô Na Thượng (xã Kon Đào); đập số 2 (xã Tân Cảnh); đập Đăk Lin (xã Pô Kô), Hồ Sen, Đăk Chu (Thị trấn)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 60ha lúa, 100ha cà phê.

- Huyện Kon Rẫy: Khu tưới công trình thủy lợi: Đăk Đam, Hố Chuối (thị trấn Đăk Rve); Kon Bưu (xã Tân Lập); Đăk Pô Công, Đăk Gur (xã Đăk Tờ Re); Đăk Tơ Lung (xã Đăk Tơ Lung)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 50 ha lúa, 20 ha cà phê.

- Huyện Ia H'Drai: Một số diện tích cây trồng canh tác dọc khe suối, đập bổi, đập tạm có khả năng bị thiếu nước khoảng 60 ha.

- Huyện Ngọc Hồi: Khu tưới đập Đăk Trui, Nước Phia...diện tích cây trồng có khả năng bị hạn thiếu nước khoảng 6 ha lúa, 15ha cà phê.

3. Giải pháp, phương án chống hạn và khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

Theo dự báo Khí tượng, thủy văn trên phạm vi toàn tỉnh ít có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước trong thời kỳ đầu vụ. Tuy nhiên đến thời kỳ cuối vụ (tháng 2 đến tháng 4 năm 2020) khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra cục bộ ở các khu vực không chủ động được nguồn cung cấp nước thuộc địa bàn thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô. Để chủ động đối phó tình hình hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, các tổ chức, các chủ đập thủy lợi và các cá nhân cần đề phòng và thực hiện các giải pháp chống hạn như sau:

3.1. Đối với sản xuất nông nghiệp

a) Công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo và vận động Nhân dân tập trung thu hoạch lúa vụ mùa và đồng thời khẩn trương làm đất xuống giống đồng bộ theo vùng nội đồng, bảo đảm thời vụ đối với vụ Đông xuân năm 2019-2020, thời gian gieo cấy hoàn thành trước ngày 30 tháng 12 năm 2019 để tiết kiệm, giảm tổn thất nước, hạn chế những khó khăn do khô hạn thiếu nước gây ra ở cuối vụ.

- Đối với cây lúa nước, khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có nguồn cung ứng giống lúa chủ động; có năng suất, chất lượng khá, ngon cơm, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn và sâu bệnh tốt. Một số giống chủ lực: HT1, VND95-20, IR64, IR56279, Nhị ưu 838, RVT. Giống bổ sung: SH2, Hương cốm, VD20, KD18, TBR225, IR17494,...

- Đối với cây ngô: Bố trí các giống ngô nếp địa phương, Nếp nù, VN2, VN6, MX4 để sử dụng ăn tươi hoặc các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, chịu hạn như CP989, CP999, C919, LVN61, DK 6919, Bioseed 21, Bioseed 9698, Bioseed 65, V98-2, VN8960,... Nên bố trí trồng ngô trên diện tích đất ô nà, bãi bồi ven sông suối hoặc đất không cấy được lúa do thường xuyên thiếu nước.

- Đối với cây mía: Chọn các giống MY55-14, F157, B85-764, Quế đường 15, QĐ86368, VD79-177, VD81-3254, VN85-1859, R570, K88-92, K95-156, KU01-58,... Trồng từ đầu tháng 10 năm 2019 đến 31 năm 12 năm 2019 và có thể trồng rải vụ đến tháng 01 năm 2020. Tùy theo từng chân đất để bố trí thời vụ và giống cho phù hợp để tạo điều kiện cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt.

- Đối với cây sắn, khuyến cáo nông dân sử dụng giống sắn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có năng suất cao, khả năng tích lũy bột sớm; có thời gian sinh trưởng phù hợp với khung thời vụ gieo trồng, dạng cây thấp, không phân cành, có thể trồng mật độ dày và thâm canh tăng năng suất. Đối với diện tích trồng trên đất lúa có khả năng thiếu nước tưới và đất lúa 01 vụ cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng sắn của Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cây cà phê: Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành lần 1, xác định thời điểm tưới nước lần 1, tưới lần 2, 3. Yêu cầu tưới đúng và đủ lượng nước, triển khai bón phân mùa khô khi tưới đợt 2.

- Cây cao su, bời lời, mắc ca,...và 1 số cây lâm nghiệp khác: Thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: Làm cỏ, tủ gốc và phát đường băng cản lửa để đảm bảo tỉ lệ sống cao và phòng chống cháy trong mùa khô.

b) Các giải pháp phòng, chống hạn

- Giải pháp quản lý vận hành công trình:

+ Chủ động kiểm tra mực nước các hồ trong cuối mùa mưa để tích đủ nước đảm bảo công năng công trình. Thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình có đầu mối là hồ chứa để tiết kiệm nước ngay trước khi hạn xảy ra như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Rơ Wa, Đăk Chà Mòn 1 (Thành Phố Kon Tum); hồ Cà Sâm (Huyện Đăk Hà); hồ Đăk Sia 1 (Huyện Sa Thầy); hồ C19, Hố Chè (Huyện Đăk Tô); Đăk Hơ Niêng (Huyện Ngọc Hồi)...Thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý, phòng tránh thiếu nước.

+ Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.

+ Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: Dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa... nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.

+ Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (các trạm quản lý thủy nông, hợp tác xã...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...) và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

+ Các đơn vị quản lý cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý khắc phục.

- Giải pháp công trình:

+ Kiểm tra cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp để đảm bảo tải nước không bị thất thoát phục vụ tưới và chống hạn.

+ Các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa, nâng cấp (đập Bà Tri, Đăk Kít, Đăk Long...) để hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ chống hạn.

+ Triển khai mới kiên cố hóa kênh mương để đưa vào phục vụ sản xuất, nâng cao hệ số tưới, tiết kiệm nước.

+ Triển khai thực hiện xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (rau, hoa, quả, cây công nghiệp ...). Đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

+ Có kế hoạch xây dựng những công trình thủy lợi lớn, đặc biệt là các hồ chứa nhằm đảm bảo tưới ổn định và có nguồn nước để chống hạn khi hạn xảy ra.

- Giải pháp tưới động lực:

Khi hạn xảy ra, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum huy động kịp thời nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư (như máy bơm nước, đường ống, xăng, dầu…) tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn như:

- Thành phố Kon Tum: Bơm nước từ sông Đăk Bla bằng máy bơm điện của trạm bơm Vinh Quang, Măng La, Tà Rộp... để tưới và tạo nguồn, dùng máy bơm bơm chuyển tiếp tưới cho khu tưới Tân Điền, Cà Tiên. Dùng biện pháp đắp đập tạm ngăn và dẫn nước vào bể hút để bơm nưới tưới cho khu vực xã Kroong.

- Huyện Đăk Hà: Bơm nước từ suối hoặc kênh chính Nam của hồ Đăk Uy để bổ sung cho khu tưới Cà Sâm; Đăk Căm, Ông Phiêu; khu tưới xã Ngọc Réo; Đăk Hring; Đăk Psi...

- Các huyện: Sa Thầy, Đăk Tô, Ia H'Drai, Kon Rẫy, Ngọc Hồi… tổ chức bơm nước từ sông, suối, hồ, đập để tưới bổ sung cho khu vực bị hạn.

- Ngoài ra tùy từng địa phương và nguồn nước tại thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ, chọn vị trí đặt máy bơm thuận lợi để tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống hạn. Hoặc dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm bơm nước để tưới.

- Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

Những diện tích lúa nước thường xuyên bị thiếu nước qua các năm. Nên khuyến cáo, vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng khác như: Cây ngô, rau, đậu các loại hoặc các cây trồng chịu hạn có thời gian sinh trưởng phù hợp và như cầu thị trường... nhằm tiết kiệm được nước nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

- Giải pháp thông tin tuyên truyền:

+ Các địa phương, đơn vị, tổ chức tuyên truyền để Nhân dân hiểu việc biến đổi khí hậu như hiện nay, hạn hán có thể xảy ra; trên cơ sở đó, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, để giảm thiệt hại về vật chất cho Nhân dân khi hạn xảy ra.

+ Tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

+ Vận động Nhân dân tích cực tham gia làm thủy lợi, nạo vét phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3-5 ngày, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.

+ Nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.

+ Dùng biện pháp tủ gốc cây trồng cạn bằng bao ni lông, cây xanh, rơm rạ sau thu hoạch; trồng cây hàng băng chắn gió và che nắng cho cây trồng (hoa màu, cà phê, tiêu…).

+ Tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu tác hại của việc phá rừng đầu nguồn, từ đó có ý thức bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt.

3.2. Đối với nước sinh hoạt

- Đơn vị khai thác, quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, thường xuyên theo dõi, quan trắc, bảo đảm chất lượng nguồn nước khai thác của công trình.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình chỉ đạo các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình.

- Vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn nan gây thất thoát nước.

- Tuyên truyền vận động Nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt.

- Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

- Tăng cường biện pháp quản lý điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống. Đóng khóa van, vòi tại các vị trí không cần thiết để điều tiết nước đến các vị trí bất lợi nhất.

- Đối với giếng đào: Khuyến cáo Nhân dân thường xuyên kiểm tra và chủ động tổ chức nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, thiếu nước, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý, chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, đảm bảo hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước.

- Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng, chống hạn.

2. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời hỗ trợ kinh phí chống hạn cho các địa phương, đơn vị để phục vụ công tác chống hạn đạt hiệu quả.

3. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các chủ đập trữ nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm trữ được lượng nước tối đa theo khả năng an toàn công trình; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các chủ đập thủy điện ưu tiên điều tiết nước các hồ chứa để cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Nhân dân vùng hạ du khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

- Chỉ đạo Công ty Điện lực Kon Tum ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước theo kế hoạch sản xuất của Nhân dân.

4. Sở Tài nguyên và Môi Trường

- Chỉ đạo, đôn đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến khô hạn, thiếu nước, cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Phương án điều tiết nước cho hạ du các hồ thủy điện trên lưu vực sông Sê San trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước mà các hồ không thể đảm bảo việc vận hành theo quy định của Qui trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, ưu tiên nước phục vụ cho dân sinh và các ngành sản xuất chủ lực của địa phương.

- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước của các công trình thủy lợi, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khai thông các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh. Thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp.

- Khẩn trương tổ chức xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2019-2020 trên địa bàn, trong đó tính đến biện pháp đắp đập tạm ngăn nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp đồng bộ đảm bảo duy trì sản xuất có hiệu quả.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, sớm đưa vào khai thác, sử dụng để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất.

- Tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn triển khai phương án phòng chống hạn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho Nhân dân.

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn.

6. Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ và nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm của đơn vị để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa nâng cấp các công trình sớm đưa vào khai thác, có phương án bảo dưỡng, sửa chữa hoặc bổ sung thêm các máy bơm dự phòng để kịp thời phục vụ công tác chống hạn.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai phương án, xác định cụ thể từng khu vực có khả năng hạn để có kế hoạch phòng chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý; phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.

- Trên cơ sở dự báo diễn biến thời tiết, khẩn trương tổ chức xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2019-2020 thuộc phạm vi quản lý của đơn vị. Chỉ đạo các Trạm quản lý thủy nông tăng cường công tác quản lý vận hành và lập kế hoạch tích nước hồ chứa hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và tích nước tối đa.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước nhằm chủ động xử lý tình huống, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước thay đổi phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.

7. Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh:

Có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt khi hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

8. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Kon Tum

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước, thông báo kịp thời cho các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan và Nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả.

9. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh

Kịp thời đưa tin về tình hình thời tiết, diễn biến mực nước trên các sông, suối để các địa phương, đơn vị chủ động triển khai lấy nước; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình hạn hán, thiếu nước, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền địa phương để người dân trên địa bàn chủ động thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, ban ngành và đơn vị có liên quan, tập trung triển khai thực hiện đảm bảo ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn kịp thời hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các chủ đầu thủy điện trên địa bàn tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh Truyền hình;
- Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum;
- Ban QLKT các CTTL Kon Tum;
- Chi cục Thủy lợi ;
- Trung tâm Nước sạch và VSMTNT;
- Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum;
- Lưu: VT, NN5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 3297/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu: 3297/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
Ngày ban hành: 11/12/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 3297/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…