ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/KH-UBND |
Kiên Giang, ngày 04 tháng 4 năm 2024 |
Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Căn cứ Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày 19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Căn cứ Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái (Đề án) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; với những nội dung sau:
I. THỰC TRẠNG NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN
Tính đến ngày 01/01/2023, đội tàu khai thác hải sản của tỉnh Kiên Giang có 9.783 chiếc, trong đó tàu đánh bắt hải sản 9.326 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản 457 chiếc.
Cơ cấu đội tàu đánh bắt theo nhóm chiều dài: tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, hoạt động khai thác tại vùng khơi có 3.867 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 12 đến dưới 15 mét, hoạt động khai thác tại vùng lộng có 1.545 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 06 đến dưới 12 mét, hoạt động khai thác tại vùng ven bờ có 4.371 chiếc.
Cơ cấu đội tàu đánh bắt theo nhóm nghề: nhóm nghề lưới kéo có 3.035 chiếc; trong đó, có 2.671 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 332 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 32 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề lưới rê có 3.178 chiếc; trong đó, có 354 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 585 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 2.239 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề lưới vây có 301chiếc; trong đó, có 269 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 26 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 15 chiếc hoạt động tại vùng ven bờ. Nhóm nghề câu có 1.643 chiếc; trong đó, có 78 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 284 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 1.281 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề khác (kể cả lồng bẫy) có 1.160 chiếc; trong đó, có 64 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi,300 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 796 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ.
Sản lượng khai thác thủy sản những năm gần đây có xu hướng giảm (sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 được 520.929 tấn, năm 2023 được 437.199 tấn, kế hoạch năm 2024 khai thác 435.000 tấn) do cường lực đánh bắt chưa phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi; khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
1. Mục tiêu chung
Chuyển đổi một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường hệ sinh thái sang các nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài đánh bắt hải sản để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cải thiện môi trường làm việc và phấn đấu 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Cắt giảm tàu cá: chuyển đổi khoảng 107 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 9.219 chiếc vào cuối năm 2025, phù hợp với mục tiêu sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh, theo Quyết định số 1651/QĐ- UBND và mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo Kế hoạch số 209/KH-UBND của UBND tỉnh.
- Hoàn thành xây dựng và phê duyệt Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới; các dự án chuyển đổi nghề; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.
b) Giai đoạn từ năm 2026 – 2030
- Cắt giảm tàu cá: chuyển đổi khoảng 594 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 8.625 chiếc vào cuối năm 2030, phù hợp với mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo Kế hoạch số 209/KH-UBND của UBND tỉnh.
- Chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản: chuyển đổi 120 chiếc hoạt động vùng khơi làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ và nghề đánh bắt ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang làm các nghề khai thác thủy sản khuyến khích phát triển.
- Tập huấn cho 3.364 ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
a) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng các mô hình nghề cá giải trí; các mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, nghề rê thu ngừ sang các nghề khác đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai thực hiện.
b) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các kinh nghiệm tốt, các điển hình làm ăn giỏi, hướng dẫn các quy trình mới, đào tạo nghề, tuyên truyền về tác hại của việc khai thác hủy diệt và khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, thường xuyên tuyên truyền ngư dân không khai thác trong các vùng ngư trường thuộc quản lý của nước khác; tuyên truyền về tác hại của thiết bị đánh cá gây ô nhiễm rác nhựa trong đại dương.
2. Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác thủy sản
a) Thực hiện tiêu chí đặc thù về đóng mới, cải hoán, mua, bán tàu cá
Thực hiện Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 06/3/2024 của UBND tỉnh, về ban hành Quy định tiêu chí đặc thù đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Không cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu cá trong tỉnh làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ. Không cấp văn bản chấp thuận mua tàu cá ngoài tỉnh đối với tàu cá: có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét; có máy chính không phải là máy thuỷ; có tổng công suất máy chính dưới 67 KW; vỏ tàu đã qua sử dụng từ 15 năm trở lên…
b) Xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản:
Xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, số lượng tàu cá, nghề khác đánh bắt hải sản và điều kiện thực tế. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi trong thời kỳ 2024-2029. UBND tỉnh giao xác định và công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại ven bờ, vùng lộng trong thời kỳ 2024 -2029.
3. Chuyển đổi sang các nghề đánh bắt hải sản khác
a) Đối với nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ
Rà soát, phân loại tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ theo tuổi tàu, cỡ tàu, khả năng hoạt động để cắt giảm tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ có chiều dài từ 15 m trở lên, tàu cá có tuổi từ 15 tuổi để cắt giảm hoặc chuyển sang làm nghề khác theo lộ trình đến năm 2030. Không cấp văn bản chấp thuận mua tàu cá từ ngoài tỉnh đối với tàu cá: làm nghề lưới kéo, tàu cá làm nghề lưới rê thu ngừ (trừ trường hợp người mua cam kết chuyển sang các nghề khác). Đối với các tàu đã đăng ký cải hoán nghề, khi cấp văn bản chấp thuận chỉ cho phép cải hoán sang các nghề khác ngoài nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu ngừ.
b) Chuyển đổi các nghề đánh bắt hải sản ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí và các nghề khác
- Chuyển đổi các nghề đánh bắt hải sản ven bờ sang các nghề khai thác cảnh quan, hệ sinh thái cỏ biển, san hô; hoạt động khai thác hải sản có kiểm soát như: câu thẻ mực, câu cá rạn… gắn với hoạt động dịch vụ ẩm thực trên tàu; hoạt động đánh cá trải nghiệm; các hoạt động giáo dục, giải trí khác; các nghề dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản; hoạt động đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển bãi ngang, vùng cửa sông, ven đảo nơi có tiềm năng, điều kiện phát triển.
- Duy trì số lượng tàu cá làm nghề lưới rê tại vùng ven bờ và vùng lộng.
- Chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển.
- Sử dụng làm rạn nhân tạo đối với tàu không còn khả năng hoạt động.
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý hoạt động đánh bắt hải sản
a) Tổ chức thực hiện Đề án thông qua thực hiện các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh có liên quan đến phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh
Tổ chức thực hiện Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 25/11/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 18/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác hải sản đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 3297/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo hướng bền vững; Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 19/3/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Xây dựng các dự án chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại các huyện, thành phố và phù hợp với quy định tại Điều 6 của Luật Thủy sản.
b) Tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản trên biển
Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm ngư tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng lộng; đồng thời phối hợp với các lượng chức năng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động đánh bắt hải sản không có giấy phép, đánh bắt sai vùng, không đúng nghề.
c) Quản lý chặt chẽ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản
Quản lý chặt chẽ việc thực hiện hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên; hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng đối với tàu cá có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét và tại vùng ven bờ đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 mét được UBND tỉnh công bố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo.
a) Tổ chức thực hiện Nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực; chính sách đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chính sách đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề từ đánh bắt hải sản ra các ngành nghề khác hoặc đánh bắt hải sản gắn với các hoạt động dịch vụ khác khi được Chính phủ ban hành.
b) Xây dựng và ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 13/2022/QĐ- UBND của UBND tỉnh, quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phù hợp với Nghị định thay thế Nghị định số 26/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và phù hợp với điều kiện thực tế.
c) Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đánh bắt thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác thủy sản gắn với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; và chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý nghề khai thác hải sản hiệu quả, bền vững.
a) Ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, bản tin dự báo ngư trường để người dân nắm bắt ngư trường của các vùng biển; chuyển giao các máy móc thiết bị mới, ít tốn nguyên liệu để giảm chi phí nhằm nâng cao sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
b) Xây dựng và chuyển giao mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, ưu tiên các mô hình chuyển đổi tạo được nhiều việc làm cho lao động. Lựa chọn các nghề yêu cầu kỹ thuật dễ học, dễ thực hành phù hợp với trình độ học vấn của ngư dân.
a) Từng bước ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động khai thác thủy sản.
b) Ứng dụng các mẫu tàu mới phù hợp với khai thác hải sản vùng biển khơi, tiến tới thay thế tàu vỏ gỗ bằng vật liệu phù hợp và các trang thiết bị thông tin hàng hải để từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa trong hoạt động khai thác hải sản.
c) Ứng dụng ngư cụ, phương pháp khai thác tiên tiến thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
V. CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, NGHỊ QUYẾT ƯU TIÊN
Xây dựng, phê duyệt các đề án, dự án và trình ban hành nghị quyết. Cụ thể:
1. Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới.
2. Các dự án chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại các huyện, thành phố và phù hợp với quy định tại Điều 6 của Luật Thủy sản.
3. Dự án (4 mô hình khuyến ngư): ứng dụng mẫu tàu mới, vật liệu vỏ tàu mới, máy móc, thiết bị… để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và thân thiện với môi trường.
4. Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác gắn với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
(Phụ lục: Các đề án, dự án, nghị quyết về chuyển đổi nghề kèm theo)
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm: chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên (vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học) theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Nguồn vốn lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, dự án khác.
3. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Về vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
5. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Là cơ cơ đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch; tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Lập dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm tra, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định về chuyển đổi một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
d) Chủ trì xây dựng các đề án, dự án, chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp đã nếu trong Kế hoạch thuộc về chức năng, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.
đ) Điều chỉnh hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản giữa các nghề khai thác thủy sản trong tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và tổng số Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng được UBND tỉnh công bố đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật thủy sản và tình hình thực tế nghề khai thác thủy sản của tỉnh.
e) Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội…để triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ khả năng cân đối vốn, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thủy sản trong Kế hoạch này theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Căn cứ Kế hoạch thực hiện Đề án được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm và nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chi thường xuyên theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động khai thác thủy sản; ứng dụng các mẫu tàu mới thay thế tàu vỏ gỗ bằng vật liệu phù hợp và các thiết bị, máy móc hiện đại; ngư lưới cụ, phương pháp khai thác tiên tiến thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm để từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa trong hoạt động đánh bắt hải sản.
5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề theo quy định để thay thế nghề khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo ưu tiên thực hiện thủ tục giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản sang nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Có trách nhiệm phối hợp để thực hiện các nội dung Kế hoạch có liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
9. UBND các huyện, thành phố ven biển, ven đảo
Tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai Kế hoạch này.
10. Các hội, hiệp hội nghề nghiệp
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành và địa phương động viên, tổ chức các mô hình hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân, đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân; đề xuất và giám sát việc thực hiện các chính sách đối với ngư dân.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy sản gắn với bảo đảm sản xuất có hiệu quả và bảo vệ môi trường; chủ động vận động, giáo dục các thành viên trong việc tăng cường chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xây dựng chuỗi liên kết trong khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
c) Thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo đặt hàng của các sở, ngành và địa phương sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển, hội và hiệp hội nghề nghiệp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 11 hàng năm. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ngành, địa phương, hội và các hiệp hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
DANH MỤC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, NGHỊ QUYẾT ƯU TIÊN
(Kèm theo Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 04/05/ 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh
KG)
TT |
Tên đề án/dự án/chính sách |
Chủ trì thực hiện |
Cơ quan phối hợp |
Nguồn vốn |
Cơ quan phê duyệt |
Thời gian thực hiện |
1 |
Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới |
Sở Nông nghiệp và PTNT |
Viện, trường, tổ chức, đơn vị có liên quan |
Ngân sách nhà nước |
UBND tỉnh |
2024-2025 |
2 |
Các dự án chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại các huyện, thành phố và phù hợp với quy định tại Điều 6 của Luật Thủy sản |
Sở Nông nghiệp và PTNT |
Các viện nghiên cứu và các đơn vị, tổ chức có liên quan |
Ngân sách nhà nước |
UBND tỉnh |
2024-2025 |
3 |
Dự án (4 mô hình khuyến ngư): Ứng dụng mẫu tàu mới, vật liệu vỏ tàu mới, máy móc, thiết bị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và thân thiện với môi trường. |
Sở Nông nghiệp và PTNT |
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan |
Ngân sách nhà nước |
UBND tỉnh |
2024-2025 |
4 |
Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề |
Sở Nông nghiệp và PTNT |
Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Lao đông – Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo và các đơn vị, tổ chức có liên quan |
Ngân sách nhà nước |
HĐND tỉnh |
2024 - 2025 |
Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Số hiệu: | 105/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký: | Lê Quốc Anh |
Ngày ban hành: | 04/04/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Chưa có Video