ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/KH-UBND |
Bạc Liêu, ngày 18 tháng 01 năm 2024 |
TUYÊN TRUYỀN VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Thực hiện Hướng dẫn số 105-HD/BTGTU, ngày 05/12/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, với những nội dung như sau:
- Tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức trách nhiệm và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng đang là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống Nhân dân và sự phát triển bền vững đất nước.
- Thông qua tuyên truyền khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Công tác tuyên truyền cần tiến hành sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép với tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật và tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời với hình thức linh hoạt, sáng tạo, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.
1. Tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, quản lý thiên nhiên và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của tỉnh; làm rõ, phân tích những thách thức và tác động của ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên tới sự phát triển của toàn nhân loại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam; nhấn mạnh đến hậu quả và những tác động của biến đổi khí hậu, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm một trường gây ra như: hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước.
2. Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là nội dung trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 02-KL/TW, ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025; Kết luận số 94-KL/TU, ngày 21/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng chống thiên tai năm 2013; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
3. Những kết quả, thành tựu trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam thời gian qua như: các chương trình, chính sách, cơ chế, pháp luật về môi trường được Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự thống nhất trong hành động, sự đồng thuận trong xã hội; công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng chủ động, góp phần giảm nhẹ thiệt hại; tài nguyên được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, khai thác một cách khoa học, tiết kiệm hiệu quả, bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường; công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tình trạng ô nhiễm dần được khắc phục, chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân được cải thiện, hạn chế tác động ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của Nhân dân. Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền về những đề xuất - khuyến nghị giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
4. Khẳng định sự tích cực, chủ động của nước ta trong việc tham gia, đóng góp, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, như: Công ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, thỏa thuận Pa-ri năm 2016, cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP lần thứ 26, 27 và 28; cam kết của ASEAN, Hiệp định thương mại tự do FTA và gần đây nhất là Hội nghị APEC 2023... Tuyên truyền đối ngoại, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, trong hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
5. Tuyên truyền và nhân rộng mô hình hay, thiết thực, hiệu quả trong hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó khẳng định việc duy trì thường xuyên và nhân rộng các mô hình tốt có ý nghĩa quan trọng trong hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm với môi trường sống và sự phát triển bền vững; kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Cùng với đó kịp thời phê phán những hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
6. Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1. Tổ chức tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình; cổng thông tin điện tử tỉnh; trang thông tin điện tử của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể các cấp.
2. Tuyên truyền lồng ghép thông qua hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt của Đảng, đoàn thể thường kỳ, qua tổ chức tọa đàm để thông tin, tuyên truyền, trao đổi, giải đáp thắc mắc, làm rõ hơn những nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Tuyên truyền thông qua bản tin nội bộ, các tài liệu, ấn phẩm, sách với nội dung phong phú, dễ hiểu, hướng đến nhiều đối tượng.
4. Tuyên truyền cổ động trực quan: Xây dựng các khẩu hiệu, panô tại các cửa ngõ đô thị, trục đường chính, khu hành chính, khu đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học,... qua hoạt động văn hóa - văn nghệ và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn trong Đảng và xã hội.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo trong kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, kết hợp lồng ghép với các chương trình, kế hoạch có liên quan và tăng cường huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì thực hiện Kế hoạch, hướng dẫn các cơ quan báo chí, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác thông tin, truyền thông về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các văn bản khác có liên quan...
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông và hoạt động xuất bản, nhất là hoạt động trên Internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đăng bài và phát tán thông tin sai lệch về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt,... gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.
2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
- Thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc đăng tải thông tin, tuyên truyền trên báo chí, Internet, mạng xã hội.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ đoàn, hội tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bằng hình thức phù hợp, chú trọng tuyên truyền thông qua sinh hoạt thường kỳ của tổ chức chính trị - xã hội; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư.
- Nắm chắc và sớm dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; vận động cán bộ đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo cơ quan ngành dọc các cấp bám sát thực tiễn, dự báo sớm tình trạng ô nhiễm môi trường có thể xảy ra, nhất là trên biển, ở các khu đô thị, khu công nghiệp...; từ đó chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, tuyên truyền theo đúng tinh thần Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm.
Tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch theo quy định.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo, hướng dẫn ngành văn hóa và thông tin các cấp thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, nhất là tuyên truyền cổ động trực quan trên panô, áp phích, bảng điện tử; triển lãm, trưng bày chuyên đề; các chương trình văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi sáng tác về chủ đề phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên của các bậc học.
8. Các Sở, Ban, Ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bằng hình thức phù hợp, hiệu quả, nhất là chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian gần đây; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội, nhất là trước những vấn đề có tính “phức tạp”, “nhạy cảm”, từ đó ổn định tình hình tư tưởng; kịp thời đề xuất, kiến nghị giải pháp với tỉnh, với Trung ương tạo sự đồng thuận để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
9. Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh
Chỉ đạo, định hướng các hội viên của chi hội tổ chức sáng tác, quảng bá những tác phẩm hay, có tính giáo dục, cổ động các tầng lớp Nhân dân chung tay tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững đất nước.
10. Các cơ quan báo chí của tỉnh và Cổng Thông tin điện tử tỉnh
- Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài các kênh thông tin truyền thống, cần nghiên cứu xây dựng các kênh, chương trình, chuyên mục truyền thông chuyên biệt, hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau.
- Tăng cường tuyến tin, bài biểu dương, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ trương, chính sách chống phá Đảng, Nhà nước.
Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Hàng năm trước ngày 10/12 các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông). Trong quá trình thực hiện khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị (nếu có) phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để báo cáo về UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2024 tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường do tỉnh Bạc Liêu ban hành
Số hiệu: | 10/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bạc Liêu |
Người ký: | Phan Thanh Duy |
Ngày ban hành: | 18/01/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2024 tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường do tỉnh Bạc Liêu ban hành
Chưa có Video