THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2020 |
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Tại một số địa phương, việc lưu giữ, tập kết, trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi là rác thải) chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải còn nhiều bất cập; việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng với tình hình thực tế; việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm tại một số địa phương, chưa được tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình; công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại một số địa phương, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khi quy định về đơn giá xử lý hiện nay chưa thu hút được các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua có sự giao thoa, chồng chéo giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, chưa phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là quản lý rác thải.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; trường hợp chưa đủ điều kiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần ưu tiên việc đầu tư các cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải.
b) Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong quý I năm 2022, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.
c) Rà soát, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong xử lý chất thải rắn theo hướng nghiêm ngặt hơn và tiệm cận tiêu chuẩn của các nước tiên tiến; trước mắt tập trung rà soát, sửa đổi QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
d) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện.
đ) Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
e) Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc.
a) Khẩn trương rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng thiết bị, công trình xử lý rác thải.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp với văn phòng, tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp; quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với quy định của pháp luật.
c) Tăng cường quản lý chặt chẽ nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thẩm quyền.
d) Hướng dẫn các địa phương rà soát cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý rác thải phù hợp với các quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không được đầu tư lò đốt không phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
b) Chỉ đạo việc thu gom các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau khi sử dụng trong nông nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.
a) Chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế.
b) Tăng cường hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
c) Rà soát, đôn đốc các địa phương phê duyệt và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại địa phương.
a) Tăng cường phát triển các nguồn điện tử chất thải rắn và sinh khối; nghiên cứu, xây dựng cơ chế; chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm các thủ tục đấu nối và bán điện lưới đối với các nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn, sinh khối, hoàn thành trước năm 2022.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.
c) Rà soát Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05 tháng 05 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, trong đó đảm bảo các ưu đãi ổn định trong tối thiểu 10 năm để thúc đẩy thu hút đầu tư; nghiên cứu cơ chế tính giá thành điện đối với các nhà máy xử lý rác thải kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện có sử dụng nhiên liệu bổ sung ngoài rác thải trong trường hợp khối lượng hoặc nhiệt trị của rác thải chưa đủ để phát điện theo công suất thiết kế và có cơ chế giám sát hợp lý.
a) Ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý rác thải theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn.
b) Đề xuất các giải pháp thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn, rác thải với công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí đấu thầu và hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.
a) Ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
b) Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.
a) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp đặc biệt là rơm, rạ phát sinh sau thu hoạch.
b) Tổ chức nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các hộ gia đình và khu vực nông thôn.
a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải lạc hậu vào Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
11. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý rác thải, đặc biệt là về công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
b) Tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống gần các dự án, cơ sở xử lý chất thải ủng hộ, đồng thuận trong việc xây dựng, vận hành cơ sở xử lý chất thải; không đốt phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là rơm, rạ sau thu hoạch gần khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí hàng năm của địa phương hỗ trợ cho việc quản lý rác thải, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn đúng quy định.
b) Xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải.
c) Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới.
d) Rà soát các quy định về quản lý chất thải rắn của địa phương đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển chất thải gắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý theo quy định.
đ) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện địa phương; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn để triển khai theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
e) Khẩn trương rà soát các quy hoạch có liên quan đến vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
g) Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn; nghiên cứu, thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý rác thải.
h) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.
i) Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.
k) Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải rắn.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 41/CT-TTg năm 2020 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 41/CT-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 01/12/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 41/CT-TTg năm 2020 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video