ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CT-UBND |
Bình Dương, ngày 05 tháng 12 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN, NHIỄM MẶN VÀ CHÁY RỪNG TRONG MÙA KHÔ NĂM 2018
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, hiện tượng ENSO (El Nino Southern Oscillation = El Nino dao động Nam) sẽ tiếp tục ở trạng thái trung tính (giữa El Nino và La Nina) nhưng nghiêng về pha lạnh của hiện tượng này trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina vào đầu năm 2018 với xác suất xảy ra khoảng 50-60%. Nhiều khả năng hiện tượng La Nina sẽ có cường độ yếu và không kéo dài.
Theo dự báo, lượng mưa tháng 12/2017 và tháng 3, 4/2018 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm do có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nền nhiệt độ trung bình trên toàn tỉnh từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 – 0,5 oC. Nhiệt độ cao nhất từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018 phổ biến từ 32 – 35oC, từ tháng 3 đến tháng 4/2018 phổ biến từ 36 – 38oC.
Để chủ động phòng chống hạn, mặn và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, nhiễm mặn và phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2018 như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Triển khai hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch thực hiện công tác phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2018.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng chống hạn hán, xâm nhậm mặn khi nguồn nước thiếu hụt, lưu ý sắp xếp thứ tự ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nông nghiệp. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân xuống giống vụ Đông Xuân 2017 - 2018 sớm và đồng loạt, đề phòng nguồn nước sông có thể bị nhiễm mặn sớm, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; đối với những diện tích trồng lúa không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ, chủ động chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước; hạn chế xuống giống vụ Hè Thu sớm trước khi mùa mưa bắt đầu. Cùng với Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa có kế hoạch xả nước qua tràn với lưu lượng và thời điểm phù hợp để đẩy mặn cho hạ du sông Sài Gòn, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ven sông.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức, tăng cường tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư nơi có rừng. Tập trung chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng. Bố trí cán bộ, nhân viên Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ tại các nơi có rừng trong thời gian cao điểm. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, các trang thiết bị, kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một, Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Bình Dương:
- Chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống hạn, nhiễm mặn cụ thể cho từng vùng, từng công trình, tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ tình hình nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt và các ngành sản xuất kinh doanh chủ lực của địa phương.
- Khẩn trương tổ chức xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018, trong đó có xét đến biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp đồng bộ khác nhằm đảm bảo sản xuất có hiệu quả, duy trì và nâng cao thu nhập cho người dân.
- Tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, chống rò rỉ làm thất thoát nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; tổ chức phát quang, vệ sinh vườn cây, chủ động phòng, chống cháy trong vườn nhà, vườn cây công nghiệp.
- Rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là các vùng canh tác lúa gặp khó khăn về nguồn nước tưới; triển khai các biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn; tổ chức quản lý chặt chẽ nước trên hệ thống kênh mương, ruộng, hạn chế thất thoát nước tưới.
- Thường xuyên thông báo cho nhân dân địa phương biết tình hình hạn, mặn để chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm tưới phục vụ cho sản xuất trong mùa khô.
- Tổ chức kiểm tra, xử lý ngay những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi; tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương do các đơn vị, địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Đặc biệt, có biện pháp giải quyết nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cho nhân dân các vùng có khó khăn về nguồn nước.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để vận hành tích nước cho các hồ chứa nước; xác định khả năng tưới cho từng công trình, lập kế hoạch điều tiết nước tưới cụ thể cho từng khu vực ngay từ đầu vụ để có kế hoạch khuyến cáo nhân dân xuống giống và chọn cây trồng phù hợp; tổ chức vận hành tưới tiết kiệm, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất.
- Các trạm bơm: Cần có kế hoạch nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để nâng cao hiệu quả phục vụ, giảm chi phí tưới nước; phối hợp chặt chẽ với điện lực, theo dõi sát lịch cúp điện để có kế hoạch vận hành bơm tưới cho phù hợp, đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng.
- Các hệ thống đê bao: Quản lý, vận hành điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa đảm bảo phòng, chống xâm nhập mặn, vừa đảm bảo nước tưới phục vụ cây trồng.
3. Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một lập kế hoạch phương án cụ thể; bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy và các điều kiện vật chất cần thiết để phối hợp kịp thời với lực lượng tại chỗ nhằm tổ chức ứng cứu kịp thời khi có xảy ra các vụ cháy lớn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương và các cơ quan thông tin địa phương: Thường xuyên đưa tin phản ánh về công tác phòng, chống hạn, phòng chống cháy rừng, tình hình khắc phục hạn hán và thiếu nước sinh hoạt; thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân và các ngành, các cấp biết để chủ động trong việc phòng chống hạn, mặn, phòng chống cháy rừng và có biện pháp ứng phó kịp thời.
5. Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này, đồng thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Thủy lợi Bình Dương, địa chỉ: số 89, Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một).
Giao Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp và báo cáo công tác phòng chống hạn và cháy rừng mùa khô năm 2018, đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân tỉnh để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.
|
KT.CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2018 do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: | 24/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Dương |
Người ký: | Mai Hùng Dũng |
Ngày ban hành: | 05/12/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2018 do tỉnh Bình Dương ban hành
Chưa có Video