Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2014/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ THẢI BỎ TÚI NI LÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Với những ưu điểm về tính tiện dụng, bền và giá thấp, túi ni lông hiện đang được sử dụng rộng rãi và được phát miễn phí tại hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng bán lẻ… Kết quả khảo sát của các cơ quan cho thấy lượng túi ni lông sử dụng tăng từ khoảng 40 tấn/ngày vào năm 2008 lên 50 - 70 tấn/ngày vào năm 2012; lượng túi ni lông thải bỏ chiếm 1% tổng lượng chất thải rắn đến bãi chôn lấp năm 2008 tăng lên 2,3% vào năm 2012. Túi ni lông mỏng, rẻ tiền nên không được các đơn vị thu gom, tái chế. Bên cạnh đó, túi ni lông khi bị thải bỏ bừa bãi rất dễ phát tán nhưng lại rất khó phân hủy trong môi trường, gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt môi trường và kinh tế - xã hội.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009; Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013; Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo thực hiện các chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường. Tuy nhiên, công tác quản lý sử dụng túi ni lông vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát sử dụng túi ni lông, việc thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông và các quy định đối với túi ni lông thân thiện môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ… Do đó, mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan đến túi ni lông, nhưng việc kiểm soát sử dụng túi ni lông tại các đơn vị bán lẻ, đặc biệt tại các chợ chưa đạt kết quả như mong muốn.

Từ thực trạng trên, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn Thành phố như sau:

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến các địa phương thuộc Thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sử dụng và thải bỏ đúng túi ni lông với các nội dung: hướng dẫn và khuyến khích sử dụng túi ni lông tiết kiệm, chỉ sử dụng khi thật cần thiết, thay thế túi ni lông bằng các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường; Tăng cường tái sử dụng túi ni lông; Phân loại và đem đến các điểm thu gom, thu hồi túi ni lông hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom rác sinh hoạt; Không thải túi ni lông ra đường phố, khu vực công cộng, cống rãnh, kênh rạch; Không tự ý đốt hoặc chôn lấp túi ni lông;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức, xúc tiến đầu tư hạ tầng thu gom tái chế chất thải túi ni lông đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn Thành phố;

c) Phối hợp với Sở Công Thương đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông đồng thời kiến nghị các hình thức xử lý đối với các tổ chức bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại) không có kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông;

d) Cho vay vốn ưu đãi theo quy định đối với hoạt động thu gom và tái chế túi ni lông đã qua sử dụng, hoạt động sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường và các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông trên địa bàn Thành phố thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Thành phố;

e) Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, tổ chức về các hoạt động quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn Thành phố;

g) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về hiện trạng sử dụng túi ni lông và công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn Thành phố.

2. Giám đốc Sở Công Thương:

a) Thống kê số lượng và lập danh sách các tổ chức phân phối, bán lẻ thuộc thẩm quyền quản lý (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và nhà sách);

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ cam kết giảm sử dụng túi ni lông;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông; nghiên cứu hình thức chế tài đối với các tổ chức bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại) không xây dựng kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông;

d) Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi Cục Thuế quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni lông vi phạm các quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện:

a) Chủ trì rà soát, lập danh sách các tổ chức bán lẻ có sử dụng túi ni lông (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách) trên địa bàn quận - huyện thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và các tổ chức, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ trên địa bàn giảm sử dụng túi ni lông;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, đoàn thể thực hiện các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng và thải bỏ túi ni lông;

d) Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt theo quy định pháp luật đối với các hành vi thải bỏ túi ni lông không đúng quy định, tự ý đốt hoặc chôn lấp túi ni lông;

e) Chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, cơ quan chức năng phối hợp với Cục Thuế Thành phố và Chi Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử phạt các đơn vị kinh doanh, sản xuất túi ni lông vi phạm các quy định về Luật Thuế bảo vệ môi trường và các quy định về túi ni lông thân thiện môi trường;

g) Định kỳ báo cáo hiện trạng sử dụng túi ni lông và công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn trước ngày 31 tháng 10 hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Đề xuất tiêu chí đánh giá các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông;

b) Nghiên cứu phát triển các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường;

c) Tổ chức nghiên cứu và làm đầu mối chuyển giao công nghệ tiên tiến trong tái chế túi ni lông.

5. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng và thải bỏ túi ni lông cho học sinh, khuyến khích lồng ghép nội dung trên vào một số môn học tại lớp và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

6. Thủ trưởng các Sở - ngành khác như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ, người dân giảm sử dụng túi ni lông.

7. Cục trưởng Cục Thuế Thành phố chỉ đạo các phòng chức năng thuộc Cục Thuế và Chi Cục Thuế ở từng quận - huyện tích cực kiểm tra, phát hiện và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về thuế bảo vệ môi trường.

8. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nhà sách chủ động áp dụng các giải pháp giảm sử dụng túi ni lông, cụ thể như:

a) Hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng (ngoại trừ túi ni lông dùng để chứa đựng và cân các mặt hàng tươi sống sử dụng bên trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi);

b) Bố trí điểm thu hồi túi ni lông đã qua sử dụng;

c) Có các loại túi, phương tiện đựng hàng thay thế túi ni lông bố trí ngay tại quầy tính tiền để khách hàng lựa chọn, đồng thời có hình thức khuyến cáo khách hàng về tác hại của túi ni lông đối với sức khỏe và môi trường;

d) Định kỳ báo cáo tình hình quản lý sử dụng túi ni lông và kết quả thu hồi túi ni lông đã qua sử dụng của đơn vị cho Ủy ban nhân dân quận - huyện trước ngày 15 tháng 10 hàng năm;

e) Bố trí quầy tính tiền ưu tiên dành cho khách hàng có đem theo túi, phương tiện đựng hàng khi mua sắm.

9. Ban Quản lý chợ và trung tâm thương mại có trách nhiệm:

a) Phối hợp tuyên truyền, vận động các tiểu thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc chợ và trung tâm thương mại giảm sử dụng túi ni lông;

b) Bố trí điểm thu hồi túi ni lông đã qua sử dụng;

c) Phối hợp với các Sở - ngành liên quan thực hiện rà soát, thống kê việc sử dụng túi ni lông của các tiểu thương, hộ kinh doanh bán lẻ thuộc phạm vi quản lý;

d) Lồng ghép báo cáo công tác thu gom, sử dụng túi ni lông của các tiểu thương, hộ kinh doanh bán lẻ thuộc phạm vi quản lý trong báo cáo hoạt động định kỳ của đơn vị.

10. Các tổ chức, cá nhân bán lẻ khác (tiểu thương chợ, tiểu thương ở trung tâm thương mại...):

a) Giảm sử dụng túi ni lông bằng cách hạn chế cung cấp túi ni lông đựng hàng (sử dụng tiết kiệm, hợp lý túi ni lông khi đựng hàng cho khách);

b) Thay thế túi ni lông bằng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường hoặc túi ni lông thân thiện môi trường;

c) Tổ chức theo dõi, kiểm soát và thống kê tình hình sử dụng túi ni lông trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

11. Tổ chức thực hiện:

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 10 hàng năm để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời phản ảnh, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở ngành, Đoàn thể TP;
- Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên, TTCB;
- Lưu: VT, (ĐTMT-LHT) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 23/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu: 23/2014/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Nguyễn Hữu Tín
Ngày ban hành: 09/09/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 23/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…