Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2005/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP

Qua 5 năm thực hiện “Chiến l­ược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1999 của Thủ t­ướng Chính phủ, công tác quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp đã từng bước đi vào nề nếp, tình hình môi tr­ường đô thị đang dần đư­ợc cải thiện. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn trong cả n­ước ngày càng tăng; các bãi chôn lấp hợp vệ sinh đã và đang tiếp tục đư­ợc xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; chất thải y tế và công nghiệp độc hại ở một số đô thị cũng đã đ­ược thu gom và xử lý; một số công nghệ mới nhằm tận thu chất thải rắn đ­ược nghiên cứu và ứng dụng; một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã có những dự án hoặc kế hoạch xử lý chất thải rắn. Nhờ vậy, diện mạo các đô thị đã có chuyển biến tích cực, tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo h­ướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp ở n­ước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Lư­ợng chất thải rắn thu gom chỉ mới đạt khoảng 70% và chủ yếu tập trung ở nội thị; tại nhiều đô thị, khu công nghiệp chất thải nguy hại không đ­ược phân loại riêng, còn chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt; phần lớn các đô thị, khu công nghiệp chư­a có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và vận hành đúng quy trình nên ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Việc lựa chọn địa điểm chôn lấp hoặc khu xử lý chất thải rắn tại các đô thị gặp nhiều khó khăn do không đ­ược sự ủng hộ của ng­ười dân địa phương; công nghệ xử lý chất thải rắn ch­ưa đư­ợc chú trọng nghiên cứu và chư­a hoàn thiện; các công trình xử lý chất thải rắn hiện còn manh mún, phân tán, khép kín theo địa giới hành chính nên việc đầu tư­, quản lý kém hiệu quả, lãng phí đất đai; công tác quản lý nhà nư­ớc về chất thải rắn ở các cấp còn thiếu và yếu.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên trước hết là do nhận thức tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trư­ờng của một số cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế, ch­ưa quan tâm đúng mức, thiếu biện pháp thiết thực để khuyến khích phát triển, nâng cao chất l­ượng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn; chưa xây dựng đư­ợc quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn thống nhất trên quy mô toàn quốc và các ch­ương trình, kế hoạch ­ưu tiên đầu tư­; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ch­ưa đầy đủ, thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà n­ước về chất thải rắn chưa rõ ràng và chư­a đề cao trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa ph­ương; đầu tư­ cho công tác quản lý chất thải rắn chưa đ­ược chú trọng; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm không nghiêm.

Công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp n­ước ta cũng đang đứng tr­ước những thách thức to lớn là quy mô dân số đô thị ở n­ước ta ngày càng tăng, mức sống đư­ợc nâng cao, công nghiệp hóa phát triển mạnh sẽ làm phát sinh càng nhiều chất thải rắn, tính chất độc hại của chất thải rắn, tỷ lệ các chất vô cơ khó phân hủy cũng tăng theo, từ đó làm ô nhiễm môi trường nước, không khí... nhu cầu chi phí cho công tác quản lý chất thải rắn sẽ ngày càng lớn, trong khi đầu t­ư cho công tác quản lý chất thải rắn còn thấp.

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà n­ước, nâng cao chất lư­ợng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, cải thiện chất l­ượng môi trư­ờng sống đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến l­ược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Thủ t­ướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải coi việc tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, từ nay đến 2010 phấn đấu đạt đ­ược các mục tiêu:

a) Hoàn thành quy hoạch quản lý chất thải rắn cho các đô thị và khu công nghiệp theo h­ướng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh hay vùng đặc thù, trong đó ưu tiên quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn; xây dựng các công trình tái chế chất thải rắn.

b) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy phạm về chất thải rắn. Xây dựng xong các cơ chế, chính sách về công tác quản lý chất thải rắn.

c) Khuyến khích 100% đô thị thực hiện xã hội hóa công tác quản lý, xử lý chất thải rắn thông qua cơ chế đặt hàng hay đấu thầu dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an toàn và an ninh môi trường.

d) Thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình cho 100% các đô thị được đầu tư­ xây dựng công trình tái chế chất thải rắn.

đ) Thu gom, vận chuyển và xử lý 90% tổng lư­ợng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp, trong đó ­ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lư­ợng rác chôn lấp, đặc biệt là với các đô thị thiếu quỹ đất làm bãi chôn lấp rác.

e) Xử lý 100% chất thải rắn y tế nguy hại và trên 60% chất thải nguy hại công nghiệp bằng những công nghệ phù hợp.

g) Xử lý triệt để các bãi rác gây ô nhiễm môi tr­ường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tư­ớng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trư­ờng nghiêm trọng.

2. Các nhiệm vụ cụ thể

a) Bộ Xây dựng

- Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn cho các đô thị và khu công nghiệp vào quý IV năm 2005.

- Tổ chức lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại cho các vùng liên tỉnh, vùng đặc thù.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy phạm về các công trình xử lý chất thải rắn.

- Xây dựng chư­ơng trình đầu tư­ thí điểm áp dụng các công nghệ xử lý rác hạn chế chôn lấp, ư­u tiên áp dụng các công nghệ đ­ược nghiên cứu trong nư­ớc (đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn), khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và phát triển việc tái chế, sử dụng lại rác thải.

- Hoàn thành việc rà soát nội dung, đánh giá kết quả thực hiện Chiến l­ược quản lý chất thải rắn, đề xuất các vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung trình Thủ t­ướng Chính phủ vào quý II năm 2006.

- Trình Thủ tướng Chính phủ Ch­ương trình mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia quản lý, hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp.

- Chỉ đạo việc nghiên cứu, triển khai thực hiện một số dự án đầu t­ư xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính chất vùng liên tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư­, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng và các địa ph­ương lập kế hoạch, chư­ơng trình, danh mục dự án đầu tư­ theo nhóm tỉnh để bố trí vốn ngân sách, vốn ODA và huy động các nguồn vốn khác theo đúng thứ tự ­ưu tiên.

- Xây dựng mô hình tổ chức và các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất l­ượng dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi tr­ường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành đánh giá, cấp chứng nhận cho các công nghệ thuộc lĩnh vực chất thải rắn nếu các công nghệ này áp dụng được vào thực tiễn.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng

- Hoàn thành việc rà soát nội dung, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế quản lý chất thải nguy hại, đề xuất các vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung trình Thủ tư­ớng Chính phủ vào quý II năm 2006.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn môi tr­ường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức thanh tra môi trường và thanh tra xây dựng các cấp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát huy hiệu quả phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư­

- Cân đối, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác quy hoạch, các chương trình, dự án về chất thải rắn và việc xử lý triệt để các bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ t­ướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi tr­ường và các địa phương bố trí vốn cho công tác quản lý chất thải rắn các tỉnh theo đúng chương trình, kế hoạch đã được duyệt để tránh trùng lặp và đúng thứ tự ưu tiên.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng h­ướng dẫn cơ chế đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ công ích hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng mẫu Hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích hạ tầng kỹ thuật đô thị.

d) Bộ Tài chính

- Trong quý II, năm 2006, chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trư­ờng đối với chất thải rắn.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính, giá dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn, ... nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới­ nhằm giảm thiểu chất thải, xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải, cơ khí chế tạo thiết bị vận tải, công nghệ xử lý chuyên dùng trong lĩnh vực chất thải rắn.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các dự án đầu t­ư trong lĩnh vực xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải.

đ) Bộ Khoa học và Công nghệ

Rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn về lĩnh vực chất thải rắn.

e) Bộ Công nghiệp

- Tổ chức thống kê và đánh giá các loại chất thải của ngành công nghiệp, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại.

- Trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2005 Đề án hạn chế và giảm dần việc sử dụng hóa chất độc hại, các bao bì làm từ các loại vật liệu khó phân hủy trong công nghiệp, thay thế bằng các nguyên, vật liệu thân thiện môi trường.

g) Bộ Y tế

- Quý III năm 2006, hoàn thành việc rà soát nội dung, đánh giá kết quả tình hình thực hiện Quy chế quản lý chất thải rắn y tế, đề xuất các vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn y tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

h) Bộ Văn hóa - Thông tin

Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề bức xúc về quản lý vệ sinh môi trư­ờng thông qua các phư­ơng tiện thông tin đại chúng như tăng thời lượng phát sóng, các tin, bài trong chư­ơng trình phát thanh, truyền hình về môi trư­ờng và trên báo chí, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của ng­ười dân về vấn đề quản lý chất thải.

i) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ­ương

- Từ nay đến năm 2006, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, có xem xét đến các yếu tố vùng tỉnh, vùng liên tỉnh.

- Trong quý III năm 2005, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế tập trung cho các cơ sở y tế trong đô thị và vùng lân cận để phát huy hết công suất lò đốt đã được đầu tư xây dựng.

- Xây dựng và ban hành đơn giá dịch vụ tại các địa phương trên cơ sở định mức dự toán do Bộ Xây dựng ban hành, đồng thời tổ chức thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc kê khai định kỳ khối lượng, thành phần chất thải rắn của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2005, triển khai ngay các biện pháp hữu hiệu buộc các cơ sở công nghiệp phải xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh bằng các giải pháp thích hợp. Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại, phải ký hợp đồng xử lý với các đơn vị có đủ điều kiện và được phép xử lý.

- Chỉ đạo thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình đối với những đô thị đã xây dựng các công trình tái chế chất thải rắn.

- Tổ chức củng cố, kiện toàn và sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý, nâng cao năng lực toàn diện thực hiện tốt việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn.

- Xây dựng các chính sách ­ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu t­ư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn tại địa phương.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin, quảng bá trong các ch­ương trình phát thanh của ph­ường, xã và trong các buổi sinh hoạt của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ dân phố để nâng cao ý thức cộng đồng một cách th­ường xuyên, đồng thời kết hợp việc tăng c­ường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị tham gia quản lý chất thải rắn trên địa bàn và ý thức chấp hành của người dân, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức thực hiện

Bộ tr­ưởng các Bộ, Thủ tr­ưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 23/2005/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 23/2005/CT-TTg
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 21/06/2005
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 23/2005/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…