ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 11 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN HỒ CHỨA
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 347 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Tuy vậy, phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ được xây dựng cách đây từ 30 đến 40 năm, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế nên nhiều hồ đập không còn phù hợp với tình hình mưa lũ bất thường như hiện nay. Mặt khác, công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khai thác công trình trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập của chủ đập chưa đầy đủ và nghiêm túc; nhiều công trình không có tổ chức quản lý, không đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhiều hồ đập đã bị xuống cấp, hư hỏng; trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, cùng với sự xuống cấp theo thời gian do ảnh hưởng của mưa, lũ hằng năm tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn các hồ chứa là rất cao.
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa; để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đập thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời tham mưu bổ sung, điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành; phân cấp quản lý gắn trách nhiệm của từng Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng và quản lý các công trình hồ chứa; rà soát, quy định chặt chẽ về năng lực của tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý dự án và nhà thầu thi công công trình hồ chứa đề nâng cao chất lượng công trình; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã đối với công tác quản lý đầu tư, xây dựng hồ chứa. Chủ động cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
2. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đập trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, kiên quyết xử lý đối với các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án chưa triển khai xây dựng (kể cả các dự án đã bố trí vốn), tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.
3. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ đập; thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng vận hành hồ chứa.
4. Về một số nhiệm vụ cụ thể:
4.1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
- Phân công rõ trách nhiệm của các phòng, ban chức năng và chính quyền cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn hồ đập;
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, tổ chức quản lý hồ đập, tổ chức dùng nước trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về quản lý an toàn hồ đập;
- Chỉ đạo địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa thủy lợi, báo cáo hiện trạng, danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp; lập phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du công trình theo quy định;
- Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương tổ chức rà soát, xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa trên địa bàn;
- Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án cấp huyện thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, các quy định về quản lý chất lượng xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4.2. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước.
- Chấp hành nghiêm túc việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa theo các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và các quy định hiện hành. Củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng quản lý vận hành hồ chứa;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi do mình quản lý bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có phương án xử lý trong các tình huống có thể xảy ra;
- Rà soát và lặp quy trình vận hành các hồ chứa nước, sửa đổi, bổ sung các quy trình vận hành không còn phù hợp, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức vận hành công trình theo đúng quy trình đã được phê duyệt.
4.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Công Thương và cơ quan liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa;
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ chứa do cấp huyện, xã và doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư;
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, các chủ đập trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đập, kiên quyết xử lý đối với các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập;
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn;
- Rà soát việc thực hiện quy trình vận hành điều tiết hồ chứa, yêu cầu bổ sung, sửa đổi các quy trình vận hành hồ chứa không còn phù hợp;
- Chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đổi mới, tăng cường công tác quản lý, khai thác các hồ chứa nước và thực hiện việc phân cấp, chuyển giao công trình cho các tổ chức hợp tác dùng nước theo quy định. Củng cố lực lượng quản lý hồ chứa; phối hợp tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ.
4.4. Sở Công Thương:
- Rà soát, đánh giá công tác lập quy hoạch các hồ chứa thủy điện; soát xét các dự án chưa triển khai xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa thủy điện; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa thủy điện;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đập thủy điện xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và khi vỡ đập theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trang thiết bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Phối hợp kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng xây dựng và quản lý an toàn đập thủy điện,
4.5. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa, đặc biệt chú trọng quản lý công tác tư vấn đầu tư xây dựng;
- Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chặt chẽ về năng lực tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý dự án và nhà thầu thi công công trình hồ chứa để nâng cao chất lượng công trình.
4.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Cân đối, tham mưu bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, nhất là các công trình đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nghiên cứu, đề xuất nguồn kinh phí ổn định hàng năm cho công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi và thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn đập.
4.7. Sở Khoa học và Công nghệ:
Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực hồ chứa, bố trí kinh phí thực hiện các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ quản lý an toàn đập.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện; định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời chỉ đạo.
Yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đập và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Chi thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: | 19/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký: | Lê Đình Sơn |
Ngày ban hành: | 08/11/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Chưa có Video