UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2007/CT-UBND |
Bắc Kạn, ngày 18 tháng 07 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Nước là nguồn tài nguyên quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người, của đất nước. Trong những năm qua việc khai thác nước thiếu quy hoạch, sử dụng nước lãng phí, việc xử lý nước thải của các khu vực tập trung dân cư: Thị xã, trung tâm các huyện, thị; các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, lâm sản đã làm suy giảm nguồn nước và có nguy cơ cạn kiệt, chất lượng nguồn nước cũng suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý tài nguyên nước chưa được quan tâm đúng mức: việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nước chưa được chú trọng, việc quản lý công tác khai thác, sử dụng nước chưa chặt chẽ theo các qui định của pháp luật.
Để chấn chỉnh và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước, bảo vệ, phòng chống nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cấp xã, về công tác quản lý tài nguyên nước.
Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác tài nguyên nước trên địa bàn; xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chủ trì xây dựng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc phạm vi hộ gia đình trình UBND tỉnh phê duyệt .
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không tuân theo các quy định của pháp luật; hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép, vi phạm quy định trong giấy phép.
2. Sở Xây dựng:
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng và nhà thầu khảo sát, xây dựng trong việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, thông báo với sở Tài nguyên và Môi trường các công trình khoan ở độ sâu từ 10 mét trở lên trong thăm dò, khảo sát, thi công xây dựng nhằm phối hợp giám sát, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo đơn vị quản lý chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định (kể cả các công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng).
4. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng và nội dung Chỉ thị này, kịp thời phản ánh các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
5. UBND các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn:
Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Thống kê lập danh bạ các giếng khoan khai thác.
Giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng trên địa bàn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp quản lý với Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. Các tổ chức, cá nhân :
Hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước phải tuân thủ Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hành nghề khoan giếng phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải thực hiện đúng quy định trong giấy phép.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Chỉ thị này có hiệu lực thi hành các trường hợp đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng nhưng chưa có giấy phép theo quy định của pháp luật phải làm thủ tục cấp phép tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này tại địa phương.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thị, xã, phường trong tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Chỉ thị 13/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 13/2007/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký: | Hoàng Ngọc Đường |
Ngày ban hành: | 18/07/2007 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 13/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Chưa có Video