ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Vĩnh Yên, ngày 08 tháng 09 năm 2015 |
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, ngày 14 tháng 3 năm 2013 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND Quy định về trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện Quyết định và Chỉ thị trên đã cơ bản giải quyết những vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi trái phép trên sông còn diễn ra ở một số địa phương làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế, phí, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân tại địa bàn có hoạt động khai thác cát, sỏi, đặc biệt là gây mất an ninh trật tự tại một số xã nông thôn gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần là do sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự kiên quyết, chưa đủ sức răn đe. Tình trạng các đối tượng vi phạm đã bị xử lý xong vẫn tái phạm còn diễn ra.
Để tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản (cát, sỏi), Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ thị:
Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực khai thác, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan tới khai thác khoáng sản, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và hành lang thoát lũ, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
4. Trách nhiệm của các cấp, các ngành:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản cho Hội đồng thẩm định và cán bộ cấp huyện, cấp xã có liên quan;
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục thuế tỉnh rà soát hồ sơ các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát, sỏi trước và sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho cơ quan Thuế làm cơ sở kiểm tra, xử lý trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trước và sau khi Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác cát, sỏi của các đơn vị vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm về hành lang đê điều, gây mất an ninh trật tự, khai thác ngoài phạm vi mốc giới cấp phép, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định;
- Hướng dẫn các đơn vị đã được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cát, sỏi hoàn thiện Hồ sơ theo đúng quy định; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác cát, sỏi phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tiếp nhận, hướng dẫn việc đăng ký khối lượng nạo vét, kết hợp thu hồi cát, sỏi của các dự án, công trình nạo vét luồng đường thủy nội địa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức tính và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định;
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản.
b) Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã có liên quan tăng cường công tác quản lý quy hoạch khoáng sản cát, sỏi. Căn cứ Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi của tỉnh đã phê duyệt đối chiếu với danh mục các dự án, công trình nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia của Bộ Giao thông vận tải, đề xuất giải quyết các trường hợp chồng lấn (nếu có) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, tránh tình trạng các dự án nạo vét luồng lạch trồng lấn lên các dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp phép gây tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh trật tự và gây khó khăn cho công tác quản lý;
- Theo dõi và dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi để đề xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng trên thị trường của tỉnh và vùng lân cận;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, cấp liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi), chống lấn, chiếm, tranh chấp gây thất thoát tài nguyên, làm mất an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác, nạo vét khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trái phép, vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão;
- Tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi liên quan đến các tuyến sông;
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có liên quan trong việc cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi), quy hoạch xây dựng bến, bãi tập kết cát, sỏi.
d) Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân cấp huyện có liên quan tiến hành đối chiếu hồ sơ địa giới hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra, đề xuất giải quyết các trường hợp địa phương bạn có văn bản phản ánh về mốc giới cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) chồng lấn địa giới hành chính. Tổng hợp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu để giải quyết, trả lời khi cần thiết.
đ) Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với cơ quan quản lý đường sông đề xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải những đoạn sông nào cần phải nạo vét, những đoạn nào đã đủ độ sâu và khả năng lưu thông tàu thuyền không cần nạo vét, tránh tình trạng lợi dụng việc nạo vét để khai thác khoáng sản (cát, sỏi) gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thoát nguồn thu ngân sách.
e) Cục thuế tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi), các công trình, dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất đối với khai thác khoáng sản…);
- Đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh biện pháp tính thuế đối với những tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) không tự kê khai khối lượng, kê khai không đúng khối lượng, chủng loại… xử lý, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
f) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, đề xuất việc điều tiết nguồn thu từ các hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) cho các địa phương; bố trí nguồn kinh phí tập huấn, tuyên truyền pháp luật về khoáng sản và hoạt động của Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản.
g) Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi, không để xảy ra các hành động mang tính xã hội đen, côn đồ xảy ra trên địa bàn. Thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, bảo đảm an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi.
h) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thẩm tra các Dự án đầu tư khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư khi đã có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
i) Các Sở, ngành Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an và các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện phối hợp với các Sở, ngành của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ giải quyết những vướng mắc phát sinh trong hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) của các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác.
k) Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông trên địa bàn, đặc biệt ở các tuyến sông giáp ranh giữa các huyện và giữa các tỉnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong nhân dân; xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép hoặc không có nguồn gốc hợp pháp;
- Khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn, xử lý kiên quyết, kịp thời theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp phức tạp, cần hỗ trợ phối hợp phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ nếu để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ trái phép cát, sỏi trên sông mà không có biện pháp giải quyết, xử lý, ngăn chặn kịp thời;
- Phối hợp với Cục thuế tỉnh rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn;
- Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn để có biện pháp bảo vệ quản lý cát sỏi chưa khai thác;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
l) Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Tổ chức thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Xây dựng phương án phối hợp với các xã giáp ranh có sông để kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép tại vùng giáp ranh;
- Tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản (cát, sỏi) trái phép trên địa bàn. Đối với những địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, tập trung nhiều phương tiện khai thác vào ban đêm thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đó phải có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện để kiểm tra, xử lý; đồng thời báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện để bổ sung lực lượng kịp thời xử lý vi phạm;
- Yêu cầu các chủ tàu trên địa bàn ký cam kết không khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép;
- Thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng đặc biệt là người lao động tham gia khai thác cát, sỏi trên địa bàn; nắm bắt tốt tình hình khu vực để đề phòng tranh chấp trong khai thác cát, sỏi, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự nông thôn và gây bức xúc trong nhân dân;
- Phát động phong trào quần chúng tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi khai thác cát, sỏi gây sạt sở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa an toàn cầu cống, đê điều;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, ảnh hưởng đến đất đai, môi trường và đê điều trên địa bàn.
m) Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi:
- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quá trình khai thác cát, sỏi; tuân thủ thiết kế mỏ, quy trình trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của nhân dân địa phương có khoáng sản được khai thác. Bồi thường thiệt hại (nếu có) do hoạt động khai thác cát, sỏi gây ra;
- Bảo vệ khoáng sản trên diện tích được cấp phép; khai thác hợp lý, tiết kiệm, tận thu tối đa khoáng sản; chấp hành quy định về quản lý hành chính, thực hiện đúng cam kết về thời gian khai thác để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương;
- Trong quá trình khai thác phải cắm mốc giới và thả phao định vị xác định rõ danh giới điểm mỏ khoáng sản được cấp phép; chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi phải được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.
n) Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các cấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các doanh nghiệp và nhân dân có ý thức bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phát hiện và đấu tranh phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
p) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên, hội viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để đảm bảo việc thực thi pháp luật về khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn.
q) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh kịp thời triển khai công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, đảm bảo tính răn đe, giáo dục, ngăn chặn; đồng thời xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này; giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: |
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: | 11/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký: | Nguyễn Văn Chúc |
Ngày ban hành: | 08/09/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Chưa có Video