ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 03 tháng 11 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM SỬ DỤNG CHẤT NỔ, XUNG ĐIỆN, CHẤT ĐỘC ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN VÀ TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Trong thời gian qua, công tác quản lý, ngăn chặn hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đã được tăng cường, việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đã giảm đáng kể, tuy nhiên tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra, đặc biệt là tại khu vực các xã, phường, thị trấn ven lòng hồ: IaLy, PleiKrông, ĐăkĐrinh và một số sông suối, hồ chứa... làm phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy sản.
Để thi hành nghiêm túc Luật Thủy sản ngày 26/11/2003 và Nghị định số 103/NĐ-CP ngày 12/09/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; ngăn chặn có hiệu quả và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc hại để khai thác thủy sản. Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành: Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; đồng thời nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 1658/UBND-KTN ngày 13/09/2012.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Xây dựng các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý, trình UBND xem xét.
- Điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực ngoài tự nhiên. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng cấm, thời gian cấm, ngư cụ cấm và đối tượng thủy sản cấm khai thác theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 Luật Thủy sản năm 2003; Quy hoạch và đưa vào hoạt động các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm phục hồi các hệ sinh thái bãi giống, bãi đẻ của giống loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.
- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Phối hợp với Sở Công thương quản lý nghiêm ngặt các nguồn thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, chất độc tại các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý, kiên quyết không để rò rỉ, thất thoát ra ngoài thị trường.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy quét, bắt giữ các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác: Vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bằng chất độc hại, chất nổ và xung điện.
- Tích cực vận động các tổ chức, ngư dân cư trú tại địa bàn không đánh bắt cá bằng dụng cụ xung điện, chất độc hại và đem nộp những dụng cụ đó về UBND xã, phường, thị trấn để tiêu hủy.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; có Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 103/NĐ-CP ngày 12/09/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
- Thực hiện tốt công tác đăng ký, cấp và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá có công suất máy chính dưới 20 CV.
6. Sở Tài chính: Tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để triển khai các nội dung Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủy sản, Nghị định số 103/NĐ-CP ngày 12/09/2013 của Chính phủ và nội dung Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tuyên truyền tập trung bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại nhằm làm cho mọi người ý thức được việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở, Ban ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: | 10/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum |
Người ký: | Nguyễn Hữu Hải |
Ngày ban hành: | 03/11/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Chưa có Video