ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2009/CT-UBND |
Vị Thanh, ngày 29 tháng 6 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Tỉnh Hậu Giang có tiềm năng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt hiện tại cũng như về lâu dài. Trong những năm qua, các đơn vị trong ngành nông nghiệp có những cố gắng đáng kể, góp phần cho phong trào nuôi thủy sản của tỉnh ngày càng phát triển về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ, chưa theo quy hoạch, giá trị đầu ra thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các ao nuôi thủy sản thâm canh cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển nuôi thủy sản bền vững. Song song đó, việc khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt như: sử dụng xung điện, lưới có kích thước nhỏ làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cạn kiệt.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phổ biến rộng rãi các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản;
b) Củng cố Ban Chỉ đạo Phòng, chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản;
c) Tổ chức định hướng quy hoạch vùng phát triển thủy sản, phối hợp với các ngành hữu quan, xây dựng dự án đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với địa phương;
d) Khuyến khích nâng dần hình thức và qui mô sản xuất, tiến đến chuyên canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao;
đ) Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, thị xã nắm lại các tàu cá đang hoạt động và phối hợp với ngành giao thông vận tải cấp giấy đăng ký, đăng kiểm tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tàu cá không đăng ký, đăng kiểm có sử dụng xung điện để khai thác thủy sản;
e) Hướng dẫn cho các hộ nuôi thủy sản kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào trong quá trình nuôi và triển khai hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm;
g) Quản lý tốt các hoạt động dịch vụ thuốc thú y, thức ăn thủy sản, hóa chất xử lý môi trường và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân huyện, thị xã:
a) Củng cố Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị về Phòng, chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ đạo các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân bằng nhiều hình thức: qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hội nghị triển khai các văn bản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm và tổng hợp báo cáo định kỳ về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Phòng, chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản;
b) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã rà soát lại tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, cải tạo kênh mương nội đồng nhằm phục vụ công tác nuôi trồng thủy sản tốt hơn.
3. Hiệp hội Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y:
a) Nắm vững các văn bản quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng thời tuyên truyền đến các hội viên về những quy định này;
b) Khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến thủy sản liên kết từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến và đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và thông tin Chỉ thị này trên phương tiện thông tin đại chúng đến các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện.
5. Các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn lợi thủy sản:
a) Tuyệt đối không sử dụng xung điện, dynamo, bình ắc quy có biến thế để khai thác thủy sản;
b) Không sản xuất, tàng trữ, mua bán các thiết bị điện chuyên dùng vào mục đích để khai thác loài thủy sản ;
c) Không sử dụng chất độc, thuốc nổ và các chất hóa học vào mục đích khai thác thủy sản;
d) Không khai thác đánh bắt các loài thủy sản đang mang trứng, đang giữ các đàn con non ở các vùng nước nội địa từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 7 dương lịch hàng năm (tức từ đầu mùa mưa - mùa sinh sản tự nhiên của các giống loài thủy sản);
đ) Không sử dụng lưới có mắt lưới nhỏ hơn quy định như: lưới mùng, lưới cước, dớn, lưới bao ven bờ để bắt thủy sản non; không đánh bắt các loài thủy sản còn nhỏ, mới sinh sản có giá trị kinh tế cao tại các khu vực nước tự nhiên như: ròng ròng, cá rô non, sặc non…(ngoại trừ trường hợp dùng vào mục đích nuôi và được chính quyền địa phương xác nhận).
e) Không thực hiện các hành vi phá, làm thay đổi nơi cư trú của các loài thủy sản;
g) Không đánh bắt, tổ chức tiêu thụ các loài thủy sản trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
6. Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản:
a) Phải chuyển dần hình thức và quy mô nuôi từ tự phát, nhỏ, lẻ sang tập trung và nuôi chuyên canh các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao;
b) Đối với các hộ nuôi thủy sản thâm canh phải thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường, xử lý nước nuôi trước khi xả thải ra sông, kênh, rạch…
c) Sử dụng thuốc, hóa chất đúng mục đích và nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không tùy tiện sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi trồng thủy sản nếu chưa được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về tác dụng và quy trình sử dụng;
d) Nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp chống dịch thủy sản khi đã có công bố dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
đ) Trong quá trình nuôi phải lập sổ ghi chép chi tiết, đặc biệt là sử dụng thức ăn, thuốc thú y; phải thực hiện lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh và sẵn sàng xuất trình tài liệu, giấy tờ liên quan đến vấn đề kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong hoạt động nuôi trồng thủy sản khi cơ quan chuyên môn có yêu cầu.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các ngành, các cấp, các địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Chỉ thị 06/2009/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: | 06/2009/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký: | Huỳnh Minh Chắc |
Ngày ban hành: | 29/06/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/2009/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Chưa có Video