ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2014/CT-UBND |
Đắk Lắk, ngày 18 tháng 06 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ GÂY NUÔI, MUA BÁN, SỬ DỤNG ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với động vật hoang dã đã có chuyển biến tích cực, từng bước được củng cố và đi vào nề nếp. Các hành vi vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (nuôi hươu, nai, rắn, nhím, heo rừng...) được thành lập và hoạt động hợp pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế nông hộ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều loài động vật hoang dã hoặc sản phẩm động vật hoang dã được sử dụng làm quà biếu, bày bán, nuôi làm cảnh, giết mổ trái phép; nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hoạt động một cách tự phát, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về nguồn gốc động vật, điều kiện chuồng trại, an toàn vệ sinh môi trường…tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 3837/CT-BNN-TCLN ngày 07/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng; động vật hoang dã; Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 27/01/2014 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, sản xuất, kinh doanh động vật hoang dã; UBND tỉnh chỉ thị:
1. UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) trên địa bàn. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và gây nuôi động vật hoang dã.
b) Thống kê, rà soát, kiểm tra điều kiện nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.
c) Triển khai tổ chức cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo động vật hoang dã hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng không có nguồn gốc hợp pháp.
d) Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của nhà nước về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã hoặc bộ phận dẫn xuất của chúng trái quy định của pháp luật.
Định kỳ báo cáo tình hình quản lý, gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Địa phương để xảy ra tình trạng mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, chế biến, trưng bày, quảng cáo động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trái phép trên địa bàn mà không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã và thành phố phải có hình thức xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quản lý địa bàn để xảy ra vi phạm; đồng thời Chủ tịch UBND huyện, thị xã và thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý, gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã được quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006, về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cây nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 23/9/2012, quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường; Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
b) Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y và giám sát tình hình dịch bệnh của các trại, cơ sở nuôi động vật hoang dã.
c) Hướng dẫn kiểm tra, truy xuất nguyên nhân sản phẩm từ động vật hoang dã tiêu thụ trên địa bàn không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) Rà soát, lập danh sách các đối tượng đã bị xử lý vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục và chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
e) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn voi: Hướng dẫn chủ voi, nài voi chăm sóc sức khỏe voi nhà; giám sát hành lang di chuyển, biến động của các đàn voi hoang dã trên dọc tuyến biên giới; xây dựng và triển khai thực hiện phương án bảo vệ các đàn voi hoang dã, cứu hộ kịp thời các cá thể voi con mới sinh, voi bị thương tật, bệnh...; chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan, triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn voi.
g) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và đoàn thể: tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích gây nuôi phát triển các loài động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát. Giới thiệu, hướng dẫn, đầu tư phát triển các mô hình nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã mang lại lợi ích kinh tế cao, đúng quy định pháp luật.
h) Tham mưu UBND tỉnh tổng hợp và xây dựng báo cáo tình hình quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của các loài động vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các trại, cơ sở nuôi động vật hoang dã đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường; đồng thời kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm người, phương tiện ra vào khu vực biên giới và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra săn bắt, mua, bán, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật trong khu vực vùng cấm và khu vực vành đai biên giới.
5. Sở Giao thông vận tải thông báo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách, hàng hóa, dịch vụ, bến xe chủ động trong việc phối hợp ngăn chặn các hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Yêu cầu các lái xe phải ký cam kết không vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Mọi đối tượng vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nội dung tuyên truyền về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt chú ý các loài đặc biệt nguy cấp, quý, hiếm như Voi, Hổ, Gấu...để lồng ghép trong các chương trình học tập ở các trường học, ở các cấp học; các buổi tham quan, du lịch, ngoại khóa.
7. Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, thu hồi và cấm sử dụng các loại súng độ chế, các loại bẫy tự chế có khả năng đánh bắt động vật hoang dã. Phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
8. Sở Công thương có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã.
9. Cục Hải quan có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu động vật hoang dã hoặc các sản phẩm của chúng.
10. Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, đưa tin những tấm gương điển hình về quản lý, gây nuôi động vật hoang dã; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm quy định của nhà nước về động vật hoang dã.
11. Các chủ rừng trên địa bàn tỉnh có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện phương án quản lý, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trên diện tích rừng, đất rừng được giao; theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng động vật hoang dã trên diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao, cho thuê; xây dựng nội quy, lập bảng niêm yết bảo vệ đối với từng khu rừng có các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Các chủ rừng phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra săn bắt động vật hoang dã trong lâm phần mình quản lý.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Chỉ thị 05/2014/CT-UBND tăng cường quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: | 05/2014/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký: | Hoàng Trọng Hải |
Ngày ban hành: | 18/06/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 05/2014/CT-UBND tăng cường quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Chưa có Video