Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo dự báo của các cơ quan Khí tượng thủy văn, hiện tượng EL Nino còn tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024, chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa, lũ sớm năm 2024 ở Bắc Bộ. Dự báo từ nay đến tháng 6 năm 2024, khả năng cao lượng dòng chảy trên các sông, suối về hồ chứa trên các lưu vực sông ở mức thấp và thiếu hụt so với TBNN (dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với TBNN từ 23% - 48%, riêng sông Thao thiếu hụt khoảng 73%, lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 30% - 40%, sông Chảy thiếu hụt từ 3%-30%).

Để chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thời kỳ nắng nóng cao điểm trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

I. Nhiệm vụ chung

1. Tập trung phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2605/BNN-TL ngày 10 tháng 4 năm 2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (sao gửi kèm theo) và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 281/UBND-CNXD ngày 17 tháng 01 năm 2024 về chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; kiểm kê nắm bắt thông tin về nguồn nước để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

3. Triển khai kịp thời có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; trường hợp thiếu nước, không đảm bảo cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ra.

4. Rà soát, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện để cấp nước cho người dân.

5. Chủ động nạo vét hồ chứa nước bị bồi lắng, kênh mương để khôi phục khả năng trữ nước; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông bị hạ thấp mực nước để triển khai giải pháp lấy nước phù hợp.

6. Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, các trạm bơm ven sông và hồ đập.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh, gắn với bám sát tình hình, diễn biến thời tiết theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để xây dựng, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh Kế hoạch sản xuất phù hợp theo từng kịch bản hạn hán, thiếu hụt nguồn nước; trong đó phải chủ động phương án cấp nước cho các đối tượng ưu tiên, các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh; những khu vực không có giải pháp cấp nước đảm bảo thời vụ phải chủ động hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ưu tiên chuyển đổi diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước sang các cây trồng có khả năng chống chịu hạn tốt nhằm ổn định sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ra.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Công ty TNHH Nhà nước một thanh viên Khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi sớm đưa vào phục vụ sản xuất; chủ động nguồn vật tư, nhiên liệu, máy móc thiết bị (bao gồm cả phương án đảm bảo cấp điện) và nhân lực phục vụ cho công tác chống hạn, sẵn sàng phương án lắp đặt máy bơm dã chiến để cấp nước khi cần thiết; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên ngành về phương án lấy nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước tại các hồ chứa; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh, báo cáo bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Xây dựng

- Chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Phú Thọ phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị triển khai rà soát, lập phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt, cấp nước sản xuất công nghiệp. Yêu cầu triển khai thực hiện công tác nạo vét, khơi luồng dẫn nước, nối dài họng hút nước thô tại các xí nghiệp cấp nước để đảm bảo cấp đủ nước trong mọi trường hợp; bố trí, lắp đặt máy bơm dã chiến tại các xí nghiệp cấp nước khi cần thiết; hướng dẫn các đơn vị thực hiện duy trì việc nạo vét đất, cát, bùn rác bồi lắng tại các khu vực luồng dẫn nước vào các trạm bơm thô của các xí nghiệp cấp nước theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị rà soát các quy hoạch có liên quan đến nguồn nước để có kế hoạch, giải pháp đáp ứng nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước tại các hồ chứa, các sông suối trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án lấy nước, quản lý, sử dụng và tích trữ nước kịp thời, hiệu quả;

- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhằm tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Thực hiện tốt công tác giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn phù hợp với chức năng nguồn nước (chức năng hiện có và chức năng được quy hoạch) trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; đôn đốc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, lưu giữ chất thải đúng quy định; không để các loại chất thải gây ô nhiễm phát tán vào nguồn nước.

- Quản lý chặt chẽ nguồn nước, đặc biệt là các nguồn nước đã được phê duyệt, công bố trong danh mục các nguồn nước hồ, ao, đầm không được san lấp tại Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về tình hình thời tiết, và thực trạng nguồn nước; các khuyến cáo, hướng dẫn chuyên ngành để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và người dân nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, tăng cường các biện pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, nắng nóng, hạn hán chi tiết cho từng mùa vụ, từng vùng theo mục đích phục vụ dân sinh và sản xuất; bám sát diễn biến nguồn nước, hướng dẫn thời vụ, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người dân thực hiện đảm bảo tiết kiệm, phù hợp, hiệu quả;

- Chủ động bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước sạch tập trung nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu trữ nước, không để xảy ra tình trạng thiếu nước do hư hỏng các công trình; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các phương án cấp bách ứng phó với hạn hán, thiếu nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cấp nước và điều tiết nước phục vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch, đảm bảo hiệu quả;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm nước.

6. Công ty TNHH Nhà nước một thanh viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Thọ, Công ty Cổ phần Cấp nước Đoan Hùng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khánh Linh

- Bám sát lịch thời vụ, diện tích sản xuất, xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước của đơn vị cho từng công trình, từng khu vực cụ thể; chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, nhiên liệu để bơm nước phục vụ sản xuất từ sông, suối hoặc từ dưới mực nước chết trong các hồ chứa vào thời kỳ cuối vụ, đảm bảo phục vụ sản xuất;

- Xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt;

- Bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, duy tu, nạo vét công trình hiện có nhằm nâng cao năng lực tích trữ, khai thác, sử dụng nguồn nước, đảm bảo cấp đủ nước trong những thời điểm khó khăn về nguồn nước.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội: Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh về phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2024 tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu: 03/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
Người ký: Nguyễn Thanh Hải
Ngày ban hành: 23/04/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2024 tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…