ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 09 tháng 3 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG BẢO VỆ RỪNG, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG, VẬN CHUYỂN LÂM SẢN TRÁI PHÁP LUẬT VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao liên tục duy trì và kéo dài, đây cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt là đối với diện tích rừng mới trồng, vườn cao su. Theo cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm thì tỉnh Kon Tum đang ở cấp dự báo cháy rừng cao, nguy hiểm. Bên cạnh đó tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nói chung và tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp.
Để chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Đề nghị các Sở, ban ngành, địa phương:
- Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 47/TB-UBND ngày 20/3/2017, Thông báo số 2735/TB-VPUB ngày 19/12/2017. Văn bản số 692/UBND-NNTN ngày 29/4/2016, Quyết định số 1637/QĐ-UBND ngày 30/12/2016.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào toàn dân tham bảo vệ rừng theo Kế hoạch số 3079/KH-UBND ngày 13/12/2016 của UBND tỉnh. Chú trọng việc phát hiện, biểu dương, nêu gương điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhằm tạo sức lan tỏa về nhận thức và hành động cho nhân dân trên địa bàn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị khác có liên quan:
- Phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, chủ động thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến, nguy cơ hạn hán để người dân nhận thức đầy đủ, chủ động tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây gọi là PCCCR); nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR đến nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện.
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm và kịp thời ứng phó, ngăn chặn ngay từ thời điểm xuất hiện các điểm cháy rừng. Có Phương án bố trí nhân, vật lực phù hợp thực hiện công tác PCCCR. Bố trí trực PCCCR thường xuyên 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy lớn; trường hợp đám cháy vượt tầm kiểm soát phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum1 để có biện pháp xử lý kịp thời. Báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về UBND tỉnh và Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp để phối hợp chỉ đạo và huy động lực chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2017 - 2018. Chú trọng việc thành lập lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở và phương án huy động lực lượng chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô.
- Xây dựng, lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR, đặc biệt đối với công tác chỉ huy chữa cháy. Tổ chức trực PCCCR 24/24h trong các thời kỳ cao điểm của mùa khô (cấp dự báo cháy rừng cấp III trở lên); tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, chốt giữ, kiểm soát người ra, vào rừng, kiên quyết ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở những vùng trọng điểm. Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất nương rẫy trên địa bàn và tăng cường quản lý hoạt động canh tác nương rẫy và sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trái quy định trong mùa khô; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.
- Chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động canh tác nương rẫy; nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt nương rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở các khu vực ven rừng, trong rừng; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về PCCCR; tổ chức ký cam kết với các chủ rừng, hộ gia đình sống trong rừng, gần rừng thực hiện quy định PCCCR.
- Trong quá trình triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng và đề nghị cấp thẩm quyền biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; đồng thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các chủ rừng, cơ quan, đơn vị để tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xảy ra phức tạp không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
- Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất với các cấp, các ngành về công tác phòng cháy và tình hình cháy rừng xảy ra. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.
3. Cơ quan Kiểm lâm các cấp, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR đã ký kết; hướng dẫn tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCCR; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng; điều tra, xác minh tìm nguyên nhân để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.
4. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị chủ rừng, các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh.
6. Đề nghị Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sư đoàn 10 bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chữa cháy rừng trong trường hợp có cháy lớn xảy ra
7. Các Sở, ban ngành liên quan thuộc UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mình tổ chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đảm bảo không để xảy ra ách tắc trong quá trình tổ chức triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
8. Các đơn vị chủ rừng và các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp: Tăng cường vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy đối với diện tích cao su; thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về diện tích rừng được giao quản lý, diện tích cao su đã đầu tư. Khẩn trương hoàn thành các công trình phòng cháy để đưa vào sử dụng có hiệu quả; tổ chức ứng trực và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động sử dụng lửa vô ý thức trong rừng và ven rừng...
9. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan việc bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô đến toàn thể nhân dân; tăng cường đưa tin các cá nhân, tập thể điển hình có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng.
10. Đề nghị các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo có hiệu quả công tác QLBVR và PCCCR trên địa bàn quản lý; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ QLBVR đối với các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép nhưng không có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị này. Trường hợp để tình hình quản lý, bảo vệ rừng diễn biến phức tạp và xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý ở đơn vị, địa phương nào thì thủ trưởng các đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh./.
1 Qua số điện thoại: Cơ quan thường trực PCCCR - Chi cục Kiểm lâm: 0603.863.887; Đ/c Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0903.594.017; Đ/c Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: 0905.156.144
Chỉ thị 03/CT-UBND về tăng cường biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: | 03/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum |
Người ký: | Nguyễn Văn Hòa |
Ngày ban hành: | 09/03/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 03/CT-UBND về tăng cường biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Chưa có Video