UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Thanh Hoá, ngày 03 tháng 01 năm 2008 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ.
Động vật hoang dã là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là bộ phận quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái. Bảo vệ và phát triển động vật hoang dã là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội và của mọi công dân.
Trong những năm qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân về những giá trị to lớn của các loài động vật hoang dã đối với môi trường sống của con người. Ngày 02/11/2005, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 3297/2005/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, sử dụng súng săn; bảo vệ động vật hoang dã. Đã hạn chế việc săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, kinh doanh, chế biến các loài động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là nuôi nhốt động vật hoang dã quý, hiếm như Hổ, Gấu...không có nguồn gốc. Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tổ chức thực hiện ngay một số biện pháp sau đây:
1. Chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về giá trị, lợi ích của các loài động vật hoang dã; các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã; các biện pháp xử lý khi vi phạm qui định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã theo qui định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản có liên quan khác, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, miền.
2. Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm kinh doanh, các tuyến đường giao thông, các khu dân cư, các tổ chức, hộ gia đình đang nuôi nhốt, kinh doanh, chế biến, quảng cáo trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng. Địa phương nào có các tụ điểm kinh doanh, nuôi nhốt, mua, bán trái phép động vật hoang dã thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Nghiêm cấm săn bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên và sản phẩm của chúng. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
- Rà soát, lập danh sách những đối tượng đã nhiều lần vi phạm các qui định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, phối hợp với chính quyền các địa phương, các ngành hữu quan có biện pháp quản lý và đấu tranh, ngăn chặn. Việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã phải được tổ chức quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ. Đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu gây nuôi sinh sản, sinh trưởng phải có giấy phép do cơ quan CITES Việt nam cấp; Đối với động vật hoang dã thông thường phải có giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng do Chi cục Kiểm lâm cấp. Việc kinh doanh, vận chuyển, chế biến động vật hoang dã có nguồn gốc gây nuôi hoặc sản phẩm của chúng phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo qui định và bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi và môi trường.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức cứu hộ những cá thể động vật hoang dã bị xử lý tịch thu, đảm bảo khoẻ mạnh trước khi thả về môi trường tự nhiên phù hợp với đặc tính sinh sống của từng loài. Đối với động vật hoang dã bị tịch thu nhưng bị thương, yếu, không có khả năng thả về môi trường tự nhiên phải phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp và các cơ quan có liên quan, để xử lý theo qui định của pháp luật.
5. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tiếp tục triển khai cuộc vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hoá, Báo Văn hoá thông tin trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền sâu rộng các qui định của pháp luật về động vật hoang dã và Chỉ thị này đến mọi tầng lớp dân cư trong tỉnh.
Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Giao Chi cục Kiểm lâm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2008 về tăng cường biện pháp để bảo vệ và phát triển loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành
Số hiệu: | 01/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Mai Văn Ninh |
Ngày ban hành: | 03/01/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2008 về tăng cường biện pháp để bảo vệ và phát triển loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành
Chưa có Video