BỘ THUỶ SẢN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/CT-BTS |
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÔM CHÂN TRẮNG Ở VIỆT NAM
Hiện nay hoạt động sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei) đang diễn ra tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bạc Liêu, Cà Mau... Qua tổng hợp thông tin về phát triển nuôi đối tượng này trên thế giới và Việt Nam cho thấy tôm chân trắng dễ nuôi, năng suất cao, giá cả hiện có tính cạnh tranh nhưng thường mắc những bệnh của tôm sú, ngoài ra còn mắc hội chứng Taura gây nên dịch bệnh lớn và có thể nhiễm sang đối tượng tôm khác làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên. Một số nước có nghề nuôi tôm chân trắng mạnh như Trung Quốc, có nước cho khoanh nuôi hạn chế như Inđônêxia, Xrilanca, Ôxtrâylia, có nước đã thông báo cấm nuôi như Philippin, Malaixia, có nước phát triển nuôi đạt đến sản lượng cao nhưng đến nay cấm nhập như Thái Lan.
Theo Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững khi đưa các đối tượng mới có triển vọng vào nuôi, tránh tác động tiêu cực đến sản xuất các đối tượng nuôi khác cũng như chính trên đối tượng tôm chân trắng và bảo vệ môi trường sinh thái, Bộ trưởng Bộ Thủy sản chỉ thị:
1. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu tôm chân trắng phải thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 18/2002/QÐ-BTS ngày 3/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế Khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn, thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Trước khi nhập khẩu phải cung cấp đầy đủ Hợp đồng khảo nghiệm với cơ quan có thẩm quyền, trong đó nêu rõ địa điểm, quy mô, thời hạn khảo nghiệm và phải cô lập các lô tôm bố mẹ, tôm giống tại nơi tách biệt để tiến hành kiểm dịch chặt chẽ trước khi thực hiện khảo nghiệm.
2. Không tiến hành sản xuất giống tôm chân trắng tại các trại giống tôm sú và giống tôm khác; Chỉ được phép nuôi tôm chân trắng tại các khu vực, ao, đầm nuôi có sự tách biệt nhằm đảm bảo không gây lây lan dịch bệnh cho các đối tượng nuôi khác và bảo vệ môi trường sinh thái. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng chịu sự giám sát của Cục Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (NAFIQAVED) về phòng trị dịch bệnh, tự chi trả phí kiểm dịch và chi phí tiêu diệt mầm bệnh.
3. Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản triển khai hệ thống kiểm tra, giám sát chấp hành kiểm dịch, có phương án phòng và chống dịch bệnh; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm.
4. Cục Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản chủ trì tiến hành tổng kết công tác khảo nghiệm, thử nghiệm tại tất cả các Công ty, đơn vị đã được cấp giấy phép khảo nghiệm theo nội dung Quyết định số 18/2002/QÐ-BTS ngày 3/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản để đề xuất giải pháp quản lý nuôi tôm chân trắng có hiệu quả ở Việt Nam, có thông tin đầy đủ về tác động của nuôi tôm chân trắng đối với nguồn lợi, đa dạng sinh học, đề xuất giải pháp kiểm dịch và đề phòng lây lan dịch bệnh.
5. Vụ Khoa học Công nghệ chỉ đạo các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Trung tâm Tin học của Bộ tập hợp thông tin, kinh nghiệm trong nước, ngoài nước về nuôi tôm chân trắng, xây dựng cơ sở khoa học về triển vọng lâu dài và những nguy cơ có thể của phát triển nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam.
6. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III tiếp tục hoàn thành sớm các nhiệm vụ nghiên cứu đã được giao về tôm chân trắng, thực hiện tốt các khảo nghiệm nuôi tôm chân trắng tại các vùng địa lý thuộc phạm vi phân công của đơn vị và sớm xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng tôm bố mẹ, Tiêu chuẩn chất lượng tôm giống, Tiêu chuẩn chất lượng trại sản xuất giống tôm chân trắng.
7. Vụ Nuôi trồng thủy sản tổng kết công tác quản lý và thực trạng hoạt động sản xuất giống, nuôi thương phẩm tôm chân trắng tại các địa phương trong cả nước. Ðánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội về sản xuất tôm chân trắng tại các tỉnh. Ðề xuất hướng quản lý sản xuất tránh dịch bệnh bùng nổ và lây nhiễm sang đối tượng nuôi khác.
8. Các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thủy sản triển khai và báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị này của Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Xây dựng báo cáo đánh giá mặt được, chưa được, nguy cơ của phát triển nuôi tôm chân trắng tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, khảo nghiệm theo phân cấp và chỉ đạo trực tiếp về nghiệp vụ của Cục Quản lý Chất lương, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản.
9. Vụ Kế hoạch-Tài chính có kế hoạch ngân sách hàng năm và đột xuất cho công tác thực hiện chỉ thị này; Rà soát các văn bản đã có về xuất nhập đối tượng mới, đề xuất nội dung liên quan để đảm bảo an toàn nhập tôm chân trắng vào Việt Nam.
Yêu cầu các đơn vị có tên nêu trên thực hiện ngay Chỉ thị này và gửi báo cáo phần việc được phân công về Bộ Thủy sản (Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản) trước ngày 15/2/2004.
|
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
|
Chỉ thị 01/2004/CT-BTS về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam do Bộ trưởng Thủy sản ban hành
Số hiệu: | 01/2004/CT-BTS |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Thuỷ sản |
Người ký: | Nguyễn Việt Thắng |
Ngày ban hành: | 16/01/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 01/2004/CT-BTS về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam do Bộ trưởng Thủy sản ban hành
Chưa có Video