BỘ
NỘI THƯƠNG-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 13-TT/LB |
Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1966 |
Căn cứ vào Quyết định số 84-CP ngày 04-5-1966 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách đối với lực lượng vận tải nhân dân và xếp dỡ huy động đi làm nhiệm vụ theo kế hoạch của Nhà nước, liên bộ Giao thông vận tải - Nội thương - Tổng cục Lâm nghiệp quy định cụ thể việc cung cấp thực phẩm, vải cho người làm vận tải hay xếp dỡ, và nguyên vật liệu để sửa chữa, đóng mới phương tiện như sau.
1. Đối với những người làm vận tải và xếp dỡ chuyên nghiệp.
Những người làm vận tải hay xếp dỡ chuyên nghiệp được huy động đi làm nhiệm vụ theo kế hoạch của Nhà nước và thi hành đúng những quy định ở điều 1 trong thông tư số 007-TT ngày 15-11-1966 của Bộ Giao thông vận tải thì mới được cung cấp thực phẩm theo tiêu chuẩn quy định trong thông tư này. Trong thời gian công tác, những người làm vận tải hay xếp dỡ nghỉ việc vì ốm đau, hay nghỉ để chuẩn bị cho mỗi chuyến vận chuyển hay đợt xếp dỡ vẫn được cung cấp thực phẩm theo tiêu chuẩn quy định. Trường hợp những người làm vận tải hay xếp dỡ tạm nghỉ công tác vận tải hay xếp dỡ tạm nghỉ công tác vận tải hay xếp dỡ để đi làm việc riêng cho gia đìng từ 15 ngày trở lên thì chỉ được cung cấp thực phẩm theo tiêu chuẩn như nhân dân lao động trong thời gian nghỉ.
a) Tiêu chuẩn thực phẩm.
- Thịt, mỗi người một tháng 0kg300
Ở nơi nào và lúc nào không thể cung cấp đủ 0kg300 thịt thì cung cấp một phần bằng đậu phụ để thay thế.
- Đường, mỗi người một tháng 0kg250
- Nước chấm, mỗi người một tháng 0l500
- Muối, bán theo nhu cầu
- Cá, rau bán theo khả năng của từng địa phương.
b) Các loại hàng khác.
- Vải may mặc, mỗi năm bán cho mỗi người 5m theo giá bán lẻ cho nhân dân.
- Các loại hàng khác (đèn pin, bật lửa, đá lửa, diêm, thuốc lào, thuốc lá, chè hương v.v) thì không quy định theo tiêu chuẩn cung cấp thường xuyên, nhưng tùy tình hình từng địa phương và xét nhu cầu cụ thể sẽ được cung cấp ưu tiên hơn nhân dân nói chung, và có chú ý nhiều hơn cho những người ở vùng có chiến sự phải làm đêm nhiều.
2. Đối với những người làm vận tải và xếp dỡ bán chuyên nghiệp.
Những người làm vận tải và xếp dỡ bán chuyên nghiệp (đã có hướng dẫn trong Thông tư số 007-TT ngày 15-11-1966 của Bộ Giao thông vận tải) được huy động đi làm nhiệm vụ theo kế hoạch của Nhà nước thì phải mang theo thực phẩm để ăn. Nếu thời gian phục vụ trên một tháng thì tùy theo lực lượng và nhu cầu, Nhà nước sẽ bán theo giá cung cấp một số thực phẩm, cố gắng giải quyết theo tiêu chuẩn quy định đối với những người làm vận tải hay xếp dỡ chuyên nghiệp. Vải vẫn cung cấp theo tiêu chuẩn nhân dân. Các loại hàng khác thì tùy theo khả năng của từng địa phương và tùy theo nhu cầu từng thời gian được huy động đi làm nhiệm vụ vận tải hay xếp dỡ theo kế hoạch của Nhà nước mà xét cung cấp.
II. CẤP PHÁT CÁC LOẠI PHIẾU THỰC PHẨM, VẢI
1. Đối với các tổ chức chuyên nghiệp.
Về việc cấp phát các loại thực phẩm, vải, các sở, ty giao thông vận tải cần tổng hợp kế hoạch và đề nghị các sở, ty thương nghiệp cấp phát trực tiếp theo đơn vị hợp tác xã hay tập đoàn. Các sở, ty thương nghiệp có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ty giao thông vận tải để xét duyệt và cấp phát các loại phiếu. Đối với gia đình của những người làm vận tải hay xếp dỡ như cha mẹ, vợ con, ở địa phương nào thì địa phương đó giải quyết như hiện nay.
2. Đối với các tổ chức bán chuyên nghiệp.
Các cơ quan sử dụng phương tiện vận tải có nhiệm vụ lập kế hoạch, nhưng phải có sự xác nhận của các cơ quan giao thông vận tải. Cơ quan thương nghiệp sẽ tổ chức cấp phát trực tiếp cho những người được huy động trong từng thời gian đi làm nhiệm vụ vận tải hay xếp dỡ theo kế hoạch cụ thể của cơ quan sử dụng phương tiện.
3. Tổ chức cung cấp thực phẩm.
Đối với những người làm vận tải thường phải đi lưu động dài ngày, các sở, ty thương nghiệp phải tổ chức và bố trí việc cung cấp thực phẩm thuận tiện cho người làm vận tải:
- Phiếu thịt có giá trị mua ở địa phương nào cũng được;
- Đường có thể bán một lúc 2, 3 tháng để mang theo dùng suốt trong thời gian công tác;
- Các loại hàng khác thì các sở, ty thương nghiệp cấp giấy giới thiệu mua ở các cửa hàng dọc đường vận chuyển.
Các sở, ty thương nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ thị cho các cửa hàng thực phẩm ở các địa phương biết và chấp hành tốt những quy định trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm vận tải an tâm làm tròn nhiệm vụ.
III. NHỮNG NGUYÊN VẬT LIỆU DO NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP CUNG CẤP
1. Nguyên vật liệu cho thuyền.
- Gỗ, tre, nứa, lá, cột buồm để sửa chữa các loại thuyền (gỗ và cột buồm đóng mới thì do ngành lâm nghiệp cấp),
- Vải làm buồm,
- Sơn, chàm, dầu trâu, đinh, dây để sửa chữa và đóng mới,
- Nhiên liệu cho ca-nô lai như dầu xăng , ma-dút, than.
2. Nguyên vật liệu cho các các loại xe thô sơ đường bộ (Xe trâu bò, xe ba gác, xe ngựa, ngựa thồ, xe cải tiến vv…)
- Gỗ để sửa chữa (nếu đóng mới do lâm nghiệp cấp),
- Đinh các loại để đóng mới và sửa chữa,
- Vải làm yên ngựa thồ,
- Sắt thép.
3. Xe đạp thồ và xe xích lô.
Ngành thương nghiệp sẽ cung cấp thẳng xe đạp thồ cho các hợp tác xã, đội xe thồ chuyên nghiệp và cho các đội xe thồ trong các hợp tác xã nông nghiệp theo chỉ tiêu của Nhà nước giao cho nội thương.
Đối với các loại xe đạp thồ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, khi được huy động đi làm nhiệm vụ trong một thời gian dài từ 3 tháng trở lên, nếu xe bị hư hỏng thì sẽ được mua phụ tùng xe đạp theo giá cung cấp. Nếu thời gian phục vụ ngắn hơn mà xe bị hư hỏng thì mua phụ tùng theo giá tự do, nhưng những đội và hợp tác xã xe đạp thồ chuyên nghiệp được ưu tiên phân phối.
Đối với các xe xích lô thì chỉ cung cấp phụ tùng sửa chữa và thay thế như hiện nay.
4. Đối với các đội xếp dỡ chuyên nghiệp.
Những đội xếp dỡ chuyên nghiệp nếu có những phương tiện vận chuyển thô sơ hay công cụ xếp dỡ cũng được cung cấp nguyên vật liệu như đối với hợp tác xã vận tải chuyên nghiệp;
Về dụng cụ bảo hộ lao động, mỗi người mỗi năm được mua theo giá cung cấp các dụng cụ bảo hộ lao động theo chế độ, như một đôi găng tay, đệm vai hoặc vải choàng.
5. Các sở, ty thương nghiệp phải căn cứ kế hoạch đã được duyệt mà chuẩn bị lực lượng cấp phát cho kịp thời. Về việc cung cấp nguyên vật liệu, các sở, ty thương nghiệp cần chuẩn bị lực lượng để cấp phát theo yêu cầu từng quý được kịp thời nhằm giúp cho các hợp tác xã vận tải có điều kiện củng cố và phát triển phương tiện để phục vụ. Trừ những thứ nào có thể sản xuất hoặc khai thác tại địa phương còn những thứ nào xin trung ương thì làm dự trù gửi lên Bộ Nội thương để có kế hoạch phân phối.
IV. NGUYÊN VẬT LIỆU DO NGÀNH LÂM NGHIỆP CUNG CẤP
1. Cung cấp gỗ.
Gỗ các loại, cột buồm dùng để đóng mới phương tiện của các hợp tác xã, tập đoàn vận tải chuyên nghiệp đều do ngành lâm nghiệp cung cấp trực tiếp cho các đơn vị vận tải theo chỉ tiêu kế hoạch đã được Nhà nước duyệt.
Đối với các đơn vị vận tải ở các tỉnh miền xuôi thì do các trạm lâm sản cấp I cung cấp; ở miền ngược thì do các công ty lâm sản liên tỉnh chịu trách nhiệm cung cấp các loại gỗ đóng mới theo chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các sở, ty giao thông vận tải hàng năm cần lập riêng kế hoạch cung cấp gỗ đóng mới phương tiện để đề nghị với Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết.
Tất cả những nguyên vật liệu dùng để sửa chữa hoặc đóng mới đều được ngành thương nghiệp hoặc lâm nghiệp bán theo giá cung cấp.
2. Khai thác gỗ.
Thi hành điều 1b trong phần chính sách cụ thể của Quyết định số 84-CP ngày 04-5-1966 của Hội đồng Chính phủ cho phép các hợp tác xã vận tải tự khai thác nguyên vật liệu để sử dụng và đóng thuế theo quy định của Nhà nước, các cơ quan lâm nghiệp và các đơn vị vận tải phải chấp hành đúng những quy định cụ thể dưới đây:
a) Sau khi được phép của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hợp tác xã vận tải tự tổ chức nhân lực mang dụng cụ để đi khai thác theo đúng sự hướng dẫn của cơ quan lâm nghiệp địa phương về loại gỗ, quy cách và khu rừng được khai thác. Các đơn vị được phép tự khai thác phải có trách nhiệm bảo vệ theo quy định những khu rừng mình khai thác.
b) Trường hợp hợp tác xã khai thác trúng loại gỗ đã quy định để làm gỗ dán, thì phải giao lại cho cơ quan lâm nghiệp địa phương quản lý và cơ quan lâm nghiệp đó có trách nhiệm đổi loại gỗ khác theo đúng yêu cầu để đóng mới phương tiện.
Để chấp hành tốt thông tư hướng dẫn và quy định cụ thể này, các sở, ty thương nghiệp và giao thông vận tải cần phải quản lý thật chặt chẽ việc cấp phát các loại phiếu thực phẩm, phiếu vải, ngăn ngừa những sự tham ô có thể xẩy ra. Các sở, ty giao thông vận tải có nhiệm vụ cùng với các sở, ty thương nghiệp, lâm nghiệp theo dõi, kiểm tra việc sử dụng những nguyên vật liệu đã phân phối cho các hợp tác xã, tập đoàn vận tải, tránh tình trạng sử dụng không đúng theo yêu cầu.
Bộ Nội thương, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ cho các cấp sau.
K.T. BỘ TRƯỞNG
|
Q. BỘ TRƯỞNG
|
K.T. TỔNG CỤC
TRƯỞNG T |
Thông tư liên bộ 13-TT/LB năm 1966 hướng dẫn thi hành cung cấp thực phẩm cho người làm vận tải và xếp dỡ và việc cung cấp nguyên vật liệu để sửa chữa và đóng mới phương tiện theo Quyết định số 84-CP do Bộ Nội thương - Bộ Giao thông vận tải - Tổng cục lâm nghiệp ban hành
Số hiệu: | 13-TT/LB |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội thương, Tổng cục Lâm nghiệp |
Người ký: | Vũ Quang, Hoàng Quốc Thịnh, Nguyễn Văn Phương |
Ngày ban hành: | 07/12/1966 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư liên bộ 13-TT/LB năm 1966 hướng dẫn thi hành cung cấp thực phẩm cho người làm vận tải và xếp dỡ và việc cung cấp nguyên vật liệu để sửa chữa và đóng mới phương tiện theo Quyết định số 84-CP do Bộ Nội thương - Bộ Giao thông vận tải - Tổng cục lâm nghiệp ban hành
Chưa có Video