Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số 86/ 2006/TT-BTC

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VỐN BỔ SUNG CÓ MỤC TIÊU TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương như sau:

Phần 1:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập, phân bổ, quyết định giao, chuyển vốn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, bao gồm:

- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (chương trình 135 giai đoạn II) và các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng.

- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn tăng thu ngân sách trung ương và các nguồn khác theo chế độ quy định.

 Trường hợp bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ đã có văn bản hướng dẫn của  Liên Bộ hoặc Bộ Tài chính thì thực hiện theo hướng dẫn đó và những quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư này.

2. Thông tư này không áp dụng đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách, chế độ mới có tính chất thường xuyên hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách (như bổ sung thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung có mục tiêu thực hiện các chế độ chính sách khác) và vốn bổ sung có mục tiêu bằng hình thức ghi thu, ghi chi từ nguồn vốn ngoài nước.  

3. Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phải được sử dụng theo đúng mục tiêu đã quy định, không được sử dụng cho các mục tiêu khác.

4. Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

5. Căn cứ dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; căn cứ quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách và căn cứ vào kết quả thực hiện, định kỳ hàng tháng, Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn cho địa phương theo tiến độ thực hiện của mục tiêu, nhiệm vụ đã quy định. 

6. Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được hạch toán, quyết toán vào thu, chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.

7. Thực hiện công bố công khai dự toán và quyết toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định.

Phần 2:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. Lập, phân bổ, quyết định giao dự toán ngân sách vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

1. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm:

Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; các văn bản hướng dẫn về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hướng dẫn việc quản lý đầu tư và xây dựng Chương trình 135 giai đoạn II và các văn bản khác có liên quan; đồng thời, thực hiện một số điểm sau:

- Căn cứ dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển gửi Sở Tài chính để tổng hợp; Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới đối với nhiệm vụ chi thường xuyên và tổng hợp phương án phân bổ giao dự toán các khoản vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh trước ngày 10 tháng 12 năm trước.

- Sau khi dự toán được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới; đồng thời, tổng hợp kết quả phân bổ, giao dự toán gửi Bộ Tài chính chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ngân sách địa phương (chi tiết theo phụ lục số 01, 02 và 03).

2. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh như phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn thường xuyên):

- Việc xác định nhu cầu chi cho các nội dung nêu trên phải căn cứ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, mức độ thiệt hại về thiên tai, dịch bệnh, chế độ chi tiêu ngân sách và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp nhu cầu chi tính theo chế độ chính sách vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính và các Bộ liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Căn cứ mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định, căn cứ chế độ quy định  thực hiện nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác; căn cứ chức năng nhiệm vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan và ngân sách cấp dưới. Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi thực hiện. Riêng đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương từ nguồn thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Trường hợp vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định đã rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đơn vị sử dụng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân bổ, giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp trong kỳ họp gần nhất biết để giám sát thực hiện.

- Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao bổ sung dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới để thực hiện, đồng thời tổng hợp (chi tiết theo phụ lục số 04) gửi Bộ Tài chính chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có ý kiến thống nhất với phương án của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. 

II. Về phương thức chuyển vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

1. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm:

Căn cứ dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, sau khi nhận được quyết định giao dự toán của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới theo quy định tại điểm 1 và 2 mục I phần II của Thông tư này, báo cáo kết quả thực hiện quý trước của Sở Tài chính theo quy định tại tiết a điểm 4 mục II phần II của Thông tư này và tiến độ thực hiện của quý trước, số vốn đã chuyển của các tháng trước đó, Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn theo từng tháng để địa phương thực hiện (việc chuyển vốn được thực hiện theo tổng số, không chia chi tiết từng chương trình, dự án, nhiệm vụ). Riêng đối với các tháng đầu của các quý trong năm (tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10) do chế độ báo cáo quý quy định tại Thông tư này chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý nên Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn cho địa phương đối với những tháng này bằng với mức theo dự toán tháng để địa phương thực hiện.

Trường hợp Sở Tài chính không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không đúng và đầy đủ theo quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình 135 giai đoạn II và các dự án, nhiệm vụ khác có liên quan, Bộ Tài chính sẽ tạm dừng chuyển vốn cho địa phương, kể cả các tháng đầu của các quý còn lại trong năm quy định ở trên cho đến khi địa phương có báo cáo đầy đủ.

2. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác được cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn một lần cho địa phương và địa phương thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại tiết a điểm 4 mục II phần II của Thông tư này.

3. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ quy định tại Thông tư này, cơ quan Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát để cấp phát, thanh toán cho từng chương trình, dự án, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. 

4. Chế độ báo cáo:

a) Báo cáo quý:

- Hàng quý, Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là kho bạc nhà nước tỉnh) thực hiện báo cáo số vốn đã thanh toán cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ được thực hiện từ vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và từ nguồn ngân sách địa phương bố trí thêm (nếu có) gửi Sở Tài chính chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý theo phụ lục số 05, 06 và 07 kèm theo Thông tư này.

- Hàng quý, căn cứ báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện báo cáo số vốn đã thanh toán từ vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và từ nguồn ngân sách địa phương bố trí thêm (nếu có) theo từng chương trình, nhiệm vụ cụ thể (chi tiết theo phụ lục số 05, 06 và 07) gửi Bộ Tài chính chậm nhất là 30 ngày sau khi kết thúc quý. 

Riêng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác được Bộ Tài chính chuyển vốn một lần. Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện (chi tiết theo phụ lục số 08) gửi Bộ Tài chính theo yêu cầu về thời gian do Bộ Tài chính quy định, trường hợp không quy định thời gian cụ thể thì Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày nhận được vốn do Bộ Tài chính chuyển cho địa phương để Bộ Tài chính kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

b) Báo cáo năm:

- Hàng năm, Kho bạc nhà nước tỉnh báo cáo khối lượng thực hiện, số vốn đã thanh toán cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ được thực hiện từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và từ nguồn ngân sách địa phương bố trí thêm (nếu có) gửi Sở Tài chính chậm nhất trước ngày 15 tháng 3 năm sau theo phụ lục số 09, 10 và 11 kèm theo Thông tư này.

- Căn cứ báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo kết quả khối lượng thực hiện, số vốn đã thanh toán từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và từ nguồn ngân sách địa phương bố trí thêm (nếu có) theo từng chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể (chi tiết theo phụ lục số 09, 10 và 11) gửi Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 31 tháng 3 năm sau để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.  

III. Về hạch toán, quyết toán:

1. Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đến 31 tháng 12 chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết được xử lý như sau: 

- Đối với vốn bổ sung có mục tiêu ngân sách trung ương đã chuyển cho ngân sách địa phương thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ mà địa phương chưa chi hoặc chưa chi hết, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện trong thời gian chỉnh lý quyết toán thì hạch toán vào chi ngân sách năm trước; nếu quyết định chi vào ngân sách năm sau thì cơ quan tài chính chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện.

- Trường hợp Bộ Tài chính chưa chuyển hết vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do địa phương chưa có báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không đúng và đầy đủ theo quy định hoặc tiến độ thực hiện chương trình, dự án, mục tiêu, nhiệm vụ chậm, trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách địa phương (thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách địa phương đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau), nếu địa phương có báo cáo đúng và đầy đủ theo chế độ quy định hoặc có thêm khối lượng thực hiện, Bộ Tài chính chuyển nguồn cho địa phương để thực hiện. Việc hạch toán, quyết toán ở địa phương được thực hiện như quy định đối với trường hợp Bộ Tài chính đã chuyển vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. 

Hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách địa phương, nếu địa phương không có báo cáo theo chế độ quy định hoặc không thực hiện hết nhiệm vụ theo dự toán, Bộ Tài chính sẽ dừng chuyển vốn, giảm dự toán ngân sách; trường hợp do nguyên nhân khách quan dẫn đến chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm (như văn bản hướng dẫn của Trung ương để thực hiện Chương trình, dự án, nhiệm vụ chưa kịp thời, thiên tai, hoả hoạn, phát sinh các yêu cầu về kỹ thuật mà cần phải có các cơ quan chuyên môn xử lý,...), căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chuyển nguồn sang năm sau để địa phương thực hiện và quyết toán vào ngân sách năm sau.

2. Các đơn vị sử dụng ngân sách, các đơn vị dự toán và các đơn vị được giao quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ phải thực hiện hạch toán kế toán, đảm bảo việc quản lý theo từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể theo quy định hiện hành. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ đã ban hành mã số thì phải hạch toán theo mã số quy định.

3. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được thực hiện quyết toán vào thu, chi ngân sách địa phương và địa phương có trách nhiệm báo cáo, phân tích cụ thể tình hình và kết quả thực hiện. Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 135 giai đoạn II báo cáo theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Riêng đối với quyết toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách được quyết toán vào ngân sách địa phương (trừ những khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương mà Bộ Tài chính có quy định khác) và địa phương có trách nhiệm báo cáo, phân tích cụ thể tình hình và kế quả thực hiện (chi tiết theo phụ lục số 12, 13 và 14) gửi Bộ Tài chính cùng với báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Phần 3:

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đảm bảo đúng mục tiêu, đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm và hiệu quả.

2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan liên quan, lập, tổng hợp phương án phân bổ dự toán chi ngân sách từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung (nếu có) cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định và giám sát thực hiện theo thẩm quyền .

- Quản lý, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn này của các cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới để đảm bảo việc sử dụng đúng mục tiêu, chế độ quy định.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định gửi Bộ Tài chính.

- Thẩm định các báo cáo quyết toán của các cơ quan, đơn vị sử dụng và ngân sách cấp dưới về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo chế độ quy định.

3. Các cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới được giao nhiệm vụ quản lý các chương trình mục tiêu ở địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng chế độ, mục tiêu đã quy định, thực hiện hạch toán, quyết toán và tổng hợp báo cáo tình hình sử dụng kinh phí nguồn vốn bổ sung có mục tiêu theo quy định gửi Sở Tài chính để tổng hợp.

4. Cơ quan Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát chi nguồn vốn bổ sung có mục tiêu  tư ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và nguồn ngân sách địa phương bổ sung (nếu có) đúng chính sách, chế độ, định mức chi tiêu, đúng mục tiêu quy định. Kho bạc nhà nước tỉnh tổng hợp kết quả thanh toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì phải xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý  theo đúng qui định của pháp luật.

6. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị và nhân dân giám sát việc thực hiện nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và giám sát việc thực hiện công khai phân bổ, sử dụng và quyết toán nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định.

Phần 4:

  ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. 

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương  chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Căn cứ vào các quy định tại Thông tư này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định việc quản lý, sử dụng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới của địa phương.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Lưu: VT, Vụ NSNN
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

 

 

 

 

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 86/2006/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 86/2006/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Trần Văn Tá
Ngày ban hành: 18/09/2006
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 86/2006/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…