Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53-TC/TCNH

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 53 TC/TCNH NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN TRUNG ƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân trung ương tại Văn bản số 6901/KTTH ngày 9/12/1994 của Chính phủ, Quyết định số 162/QĐ-NH5 ngày 8/6/995 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc cho phép thành lập Quỹ tín dụng nhân dân trung ương.
Sau khi thống nhất ý kiến với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ban chỉ đạo trung ương thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Bộ tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân trung ương trong giai đoạn thí điểm như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương là loại hình kinh tế hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ Ngân hàng, được thành lập và hoạt động vì sự phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo đề án thí điểm ban hành tại Quyết định 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ.

2- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế độc lập, tự chủ về tài chính, thực hiện bảo toàn và phát triển vốn, tự bù đắp rủi ro, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và hoạt động của Quỹ trước pháp luật.

3- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương thực hiện thu, chi, hạch toán và quyết toán thu chi tài chính theo Pháp lệnh kế toán thống kê, chế độ tài chính chung của Nhà nước và những nội dung hướng dẫn trong văn bản này.

4- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương chịu sự quản lý tài chính của Bộ Tài chính. Năm tài chính của quỹ được tính từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 hàng năm.

II- NỘI DUNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

1- Về nguồn vốn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương:

a) Vốn điều lệ: được hình thành từ các nguồn sau:

- Vốn Nhà nước góp: tối đa không vượt quá 40% tổng số vốn điều lệ.

- Vốn góp của các Quỹ tín dụng khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

- Vốn góp của các doanh nghiệp. Tối đa không vượt quá 20% tổng số vốn điều lệ.

b) Vốn huy động; Quỹ tín dụng nhân dân trung ương được huy động vốn từ các nguồn sau:

- Huy động của các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước dưới các hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu ... theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Nhận tiền gửi của các Quỹ tín dụng thành viên để cân đối, điều hoà vốn trong toàn hệ thống theo cơ chế vay và cho vay.

c) Vốn đi vay của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước:

2- Sử dụng vốn và bảo toàn vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương:

a) Vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương được sử dụng vào các mục đích sau:

- Chủ yếu cho vay các quỹ tín dụng thành viên.

- Xây dựng và mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Quỹ.

- Góp vốn điều lệ các Quỹ tín dụng khu vực.

- Hùn vốn, góp vốn liên doanh.

Số vốn điều lệ được sử dụng cho mục đích trên theo mức cụ thể do Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng tổng số vốn điều lệ sử dụng cho các mục tiêu trên, từ mục tiêu thứ 2 đến mục tiêu cuối cùng tối đa không vượt quá 50% vốn điều lệ thực có của Quỹ.

b) Mức vốn cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay được thực hiện theo chế độ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

c) Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn theo quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, thu hồi đầy đủ, kịp thời vốn (cả gốc và lãi) bảo toàn được vốn và hoàn trả đầy đủ, kịp thời số vốn Quỹ đã huy động và vay của các tổ chức và cá nhân. Các rủi ro, mất vốn trong cho vay được bù đắp bằng quỹ dự trữ bù đắp rủi ro được trích theo quy định tại văn bản này.

3- Chế độ thu chi tài chính của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương: a) Thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương gồm các khoản sau:

- Thu lãi cho vay.

- Thu lãi tiền gửi.

- Thu lãi liên doanh, liên kết. - Thu lãi hùn vốn, mua cổ phần.

- Thu về mua, bán chứng khoán.

- Thu về kinh doanh ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý.

- Thu phí dịch vụ.

- Các khoản thu khác theo chế độ quy định.

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu nêu trên phát sinh trong quá trình kinh doanh.

b) Chi phí hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương:

- Chí phí nghiệp vụ gồm:

+ Chi trả lãi tiền gửi.

+ Chi trả lãi vốn huy động kỳ phiếu, trái phiếu.

+ Chi trả lãi tiền vay.

+ Chi phí nghiệp vụ khác (nếu có)

- Chi phí quản lý:

+ Chi lương và phụ cấp lương cho cán bộ của Quỹ.

+ Chi bảo hiểm XH, bảo hiểm y tế và các khoản phải nộp theo lương.

+ Chi công tác phí.

+ Chi cước phí bưu điện.

+ Chi văn phòng phẩm, ấn chỉ.

+ Chi đào tạo huấn luyện nghiệp vụ.

+ Chi bảo hộ lao động, trang phục giao dịch.

+ Chi điện, nước, vệ sinh cơ quan.

+ Chi KHCB TSCĐ.

+ Chi thuê trụ sở, tài sản làm việc.

+ Chi mua sắm công cụ lao động.

+ Chi sửa chữa và bảo dưỡng tài sản.

+ Các khoản chi khác cần thiết cho quá trình hoạt động kinh doanh như chi hội nghị, tiếp tân, khánh tiết, giao dịch ... theo chế độ Nhà nước quy định.

- Chi bảo hiểm tiền gửi.

- Trích lập quỹ bù đắp rủi ro.

- Chi nộp thuế theo chế độ quy định.

c) Chế độ chi của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương:

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương chi cho hoạt động của Quỹ theo hướng dẫn chung sau đây:

- Chi phí nghiệp vụ: chi trả lãi, trả phí nghiệp vụ theo số thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động theo mức lãi suất, mức phí nghiệp vụ trong khung lãi suất, phí nghiệp vụ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

- Về chi lương và phụ cấp lương: hàng năm, căn cứ vào Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời về chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp và Thông tư liên Bộ số 20/LB ngày 02-6-1993 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính, Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân trung ương lập phương án trả lương cho cán bộ, nhân viên làm việc cho quỹ gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để thống nhất ý kiến. Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng trung ương quyết đinh việc trả lương cho cán bộ nhân viên trên cơ sở số lao động thực tế làm việc và trong phạm vi quỹ lương thực hiện theo phương án đã thống nhất với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

- Các khoản chi về tài sản:

+ Trích khấu hao cơ bản tài sản cố định theo chế độ Nhà nước quy định.

+ Chi sửa chữa và bảo dưỡng tài sản và chi mua sắm CCLĐ: chi theo nhu cầu cần thiết phát sinh trong năm theo kế hoạch đã được Hội đồng quản trị thông qua, đảm bảo yêu cầu hoạt động và triệt để tiết kiệm.

- Quỹ bù đắp rủi ro: được trích vào chi phí cả năm từ 1,0% đến 1, 5% dư nợ bình quân năm trên nguyên tắc đảm bảo sau khi trích quỹ này kết quả kinh doanh vẫn có lãi. Trong năm, căn cứ vào kết quả kinh doanh và khả năng rủi ro phát sinh, Hội đồng quản trị của Quỹ quyết định mức trích để hình thành quỹ bù đắp rủi ro hàng tháng, hàng quý bảo đảm mức trích thực hiện cả năm trong phạm vi tỷ lệ quy định trên.

- Các khoản chỉ còn lai được chi theo nhu cầu thực tế cần thiết phát sinh, mức chi theo chế độ Nhà nước quy định.

- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm thực hiện các khoản chi trên theo đúng chế độ Nhà nước và những quy định trong văn bản này. Quỹ không được hạch toán vào chi phí các khoản sau đây:

+ Các khoản mất mát tổn thất vốn, tài sản do cá nhân tập thể Quỹ gây ra.

+ Các khoản chi xây dựng mua sắm tài sản cố định thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

+ Các khoản tổn thất rủi ro thuộc nguồn bù đắp của quỹ bù đắp rủi ro.

Các khoản nêu trên nếu có phát sinh phải sử dụng đúng nguồn để bù đắp.

4- Chế độ phân phối lợi nhuận:

Lợi nhuận thực hiện hàng năm của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương được xác định trên cơ sở: Tổng số thu nhập thực hiện (mục a, điểm 3 nêu trên) trừ (-) Tổng chi phí thực hiện (mục b điểm 3 nêu trên).

Lợi nhuận thực hiện năm được phân phối như sau:

- Nộp thuế lợi tức theo luật định (trong thời gian được miễn, giảm nộp Quỹ tín dụng trung ương trích số tiền được miễn giảm thuế để bổ sung vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, không dùng để phân phối ăn chia).

- Phần còn lại (coi như 100%) được phân phối tiếp như sau:

+ Trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%.

+ Trích lập quỹ phát triển nghiệp vụ tối thiểu là 35%.

+ Chia lợi tức cổ phần cho các thành viên theo mức vốn thực góp.

+ Trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi, mức trích tối đa cho 2 quỹ không vượt quá 10%.

Mức trích lập cụ thể hàng năm cho các mục tiêu trên do Hội đồng quản trị của Quỹ quyết định.

Trường hợp kết quả kinh doanh năm bị lỗ được dùng quỹ bù đắp rủi ro, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ phát triển nghiệp vụ để bù đắp, nếu vẫn còn thiếu thì được dùng lãi thực hiện của các năm sau để bù đắp theo chế độ Nhà nước quy định.

5- Chế độ sử dụng các quỹ:

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương sử dụng các quỹ được trích lập theo các mục đích sau:

- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được trích để bổ sung tăng thêm vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương. Quỹ này được sử dụng vào các mục đích như đã quy định đối với sử dụng vốn điều lệ ở mục "a" điểm 2 phần II.

- Quỹ dự trữ bù đắp rủi ro: được hạch toán riêng, dùng để bù đáp những rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh hoặc kết quả kinh doanh năm bị lỗ, không được sử dụng vào các mục đích khác. Mức chi cụ thể hàng năm do Hội đồng quản trị xem xét quyết định.

- Quỹ khen thường dùng để:

+ Khen thưởng thường kỳ và thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân trong đơn vị có thành tích đóng góp đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

+ Khen thưởng cho tập thể và cá nhân ngoài đơn vị nhưng có quan hệ đã có đóng góp mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của quỹ.

- Quỹ phúc lợi dùng để:

+ Đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản phúc lợi của đơn vị. + Chi cho các nhu cầu phúc lợi của cán bộ công nhân viên trong đơn vị như: trợ cấp khó khăn, văn hoá, thể dục thể thao...

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm sử dụng các quỹ theo các mục đích, đối tượng trên. Mức sử dung cụ thể các quỹ hàng năm do Hội đồng quản trị của Quỹ quyết định.

6- Nghĩa vụ thu, nộp ngân sách Nhà nước:

Theo Luật thuế hiện hành thì Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phải nộp đầy đủ kịp thời vào ngân sách Nhà nước theo quy định các khoản thuế sau:

- Thuế môn bài theo quy định của Chính phủ.

- Thuế lợi tức: 45% tính trên lợi tức chịu thuế theo Nghị định số 57/CP ngày 8-8-1993 của Chính phủ. Riêng hai năm đầu mới thành lập, kể từ khi bắt đầu có lợi tức được tạm miễn nộp thuế lợi tức để đầu tư duy trì và mở rộng phạm vi kinh doanh và cho giảm 50% thuế lợi tức trong hai năm tiếp theo (theo hướng dẫn của Bộ tài chính tại văn bản số 198 TC/TCT ngày 25-1-1994).

- Các khoản thuế khác theo Luật định.

7- Chế độ hạch toán, kế toán và quyết toán tài chính:

- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm thực hiện mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ và thực hiện hạch toán, quyết toán tài chính theo đúng quy định của Nhà nước tại Pháp lệnh kế toán - thống kê và các quy đinh của Bộ tài chính.

Chế độ kế toán của Quỹ tín dụng nhân dân trung ương do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ tài chính.

- Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm thực hiện lập các báo cáo quyết toán tài chính quý, năm sau đây:

+ Bảng cân đối tài khoản.

+ Báo cáo quyết toán kết quả kinh doanh.

+ Báo cáo tăng giảm vốn và tài sản cố đinh.

+ Báo cáo tăng giảm các quỹ.

Thời hạn gửi báo cáo:

+ Báo cáo quyết toán quý chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc quý.

+ Báo cáo quyết toán năm chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc năm. Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ do Hội đồng quản trị thẩm định xét duyệt, gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân trung ương chịu trách nhiệm về sự đúng đắn và tính chính xác về kết quả xét duyệt quyết toán tài chính hàng năm của mình trước pháp luật.

8- Lập kế hoạch tài chính:

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm gồm:

- Kế hoạch nguồn và sử dung vốn.

- Kế hoạch kết quả kinh doanh.

- Kế hoạch xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

- Kế hoạch sử dung các quỹ.

Các kế hoạch trên được Hội đồng quản trị của Quỹ xem xét phê duyệt và là căn cứ để Quỹ thực hiện trong năm. Các kế hoạch này được gửi đến Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để theo dõi thực hiên.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng và bảo toàn vốn, tài sản của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế và cá nhân cho mục tiêu xây dựng, phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo mô hình mới đã được Chính phủ phê duyệt.

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện chế dộ quản lý tài chính của Quỹ theo nội dung hướng dẫn trong văn bản này và chiu sự giám sát, kiểm tra của Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước theo chế độ quy định.

Thông tư này được thực hiện đối với Quỹ tín dụng nhân dân trung ương trong giai đoạn thí điểm và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1996.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ tài chính để xem xét, giải quyết.

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã Ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 53-TC/TCNH-1996 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong giai đoạn thí điểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 53-TC/TCNH
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 14/09/1996
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 53-TC/TCNH-1996 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong giai đoạn thí điểm do Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [7]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…