Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 1916/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Chương I

PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018

Điều 1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước

1. Thực hiện cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước và Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ.

2. Năm 2018 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách (giai đoạn 2017-2020) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật ngân sách nhà nước), thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có) từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo mức đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại quyết định giao dự toán ngân sách năm 2017.

3. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định. Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước.

Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

4. Thực hiện phân chia, sử dụng một số khoản thu đặc thù như sau:

a) Thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Tiếp tục ổn định tỷ lệ (%) giữa sản lượng xăng, dầu sản xuất, bán ra trong nước năm 2018 như đối với năm 2017 - năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 làm cơ sở phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2018 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Theo đó, tỷ lệ (%) giữa sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước năm 2018 so với tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường năm 2018 là 37,2%, thực hiện phân chia số thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017; tỷ lệ (%) xăng dầu nhập khẩu năm 2018 so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường năm 2018 là 62,8%, thực hiện điều tiết 100% số thu về ngân sách trung ương;

b) Tiếp tục thực hiện điều tiết ngân sách trung ương 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn;

c) Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí bảo đảm hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) tiếp tục nộp ngân sách trung ương sử dụng để duy tu, bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải. Riêng nguồn thu và sử dụng phí bảo đảm hàng hải luồng Soài Rạp được thực hiện theo văn bản số 9634/VPCP-KTTH ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ;

d) Thực hiện điều tiết tiền thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như phân cấp quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đối với giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% số thu cho ngân sách địa phương; đối với giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện phân chia 100% số thu cho ngân sách địa phương);

đ) Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Các địa phương bố trí nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất (sau khi đã hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) trên địa bàn xã cho ngân sách cấp xã để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định tại Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ;

e) Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển, trong đó các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% số thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và lĩnh vực y tế. Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau khi bố trí vốn đảm bảo hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Trong tổ chức thực hiện, phát sinh tăng thu so với dự toán, địa phương chủ động phân bổ chi đầu tư thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên chi các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 2. Giao dự toán thu ngân sách nhà nước

1. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc (nếu có).

2. Việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2017; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, hạn chế nợ mới phát sinh, thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Điều 3. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước

1. Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển:

a) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn;

b) Dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc danh mục bố trí trong trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã có đầy đủ quyết định đầu tư, ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2018, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bố trí vốn để thanh toán tối thiểu 20% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản và tối thiểu 20% số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thanh toán; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí cho dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên dự án cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, bảo vệ môi trường;

c) Các bộ, cơ quan trung ương trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các công trình, dự án và thực hiện ghi thu, ghi chi theo chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

d) Ngoài việc thực hiện phân bổ, bố trí vốn và giao dự toán chi đầu tư phát triển như trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú ý một số nội dung sau:

- Căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao, các địa phương bố trí dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đến hạn phải trả trong năm 2018 và dành thêm nguồn để trả nợ lãi các khoản vay đến hạn trong năm 2018 (nếu dự toán chi trả nợ lãi đã được giao còn thiếu); phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

- Các khoản địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã tính trong tổng mức dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương năm 2018 Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính giao tổng số, danh mục chương trình, dự án vay. Căn cứ tổng mức vay vốn nước ngoài được giao và dự kiến khả năng giải ngân của các thỏa thuận vay đã ký kết, địa phương phân bổ và giao dự toán cho từng chương trình, dự án, đồng thời chỉ thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán được giao. Trường hợp các dự án đã được giao kế hoạch vốn giải ngân thấp hơn dự toán được giao, địa phương được phép phân bổ vốn vay cho dự án vay mới phát sinh chưa có trong danh mục dự án đã được cấp có thẩm quyền giao nhưng phải đảm bảo tổng số vốn vay nước ngoài của tất cả các chương trình, dự án không vượt quá tổng mức dự toán vay được giao.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào tiến độ giải ngân và khả năng vay, các địa phương được chủ động tăng hoặc giảm nguồn vốn vay trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài về cho địa phương vay lại nhưng phải đảm bảo không vượt quá tổng mức dự toán vay được giao (trừ các địa phương có số dư nợ vay đã vượt quá hạn mức vay theo quy định của Luật ngân sách nhà nước).

- Việc phân bổ, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (nếu có) đảm bảo phù hợp với tiến độ và mức vay được phép.

- Ưu tiên bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư tái tạo rừng từ nguồn thu thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên phát sinh hàng năm theo quy định của pháp luật.

- Bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cho các dự án ODA do địa phương quản lý theo quy định.

2. Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên:

a) Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; phân bổ dự toán chi phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

- Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ người dân ở các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới cải thiện đời sống, không tham gia buôn lậu thuốc lá.

- Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề:

Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ giao; phân bổ giảm kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo lộ trình điều chỉnh học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ và tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập.

Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho người học thuộc đối tượng chính sách; tạo nguồn cải cách tiền lương; tăng chi đầu tư, mua sắm cho một số nội dung cấp bách khác của ngành giáo dục.

- Đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ: Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ đã giao; việc phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2018 cho các hoạt động khoa học và công nghệ của ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn.

- Đối với sự nghiệp y tế:

Phân bổ giảm kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình kết cấu các khoản chi trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tăng khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị.

Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tạo nguồn cải cách tiền lương; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi đầu tư, mua sắm cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế.

- Đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ dự toán Bộ Tài chính hướng dẫn, chế độ chính sách, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Không bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho các công trình có tính chất đầu tư, xây dựng; ưu tiên phân bổ kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, vệ sinh môi trường trong các trường học, bãi xử lý rác thải, xử lý các điểm nóng về môi trường;

b) Căn cứ dự toán chi ngân sách được giao năm 2018, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương.

- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm địa phương thực hiện theo phân cấp (bao gồm cả nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông). Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương tương ứng 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương trên cơ sở số thu năm liền trước năm hiện hành.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có) thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp theo quy định tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ, địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính theo Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2018. Đối với các địa phương có nguồn cải cách tiền lương dự kiến hết năm 2018 còn dư (sau khi đã dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 theo chế độ quy định), thực hiện phân bổ, giao kinh phí chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành (phần ngân sách trung ương phải hỗ trợ theo chế độ) từ nguồn này, nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có), nguồn ngân sách địa phương phải đảm bảo theo chế độ quy định. Kết thúc năm, địa phương có trách nhiệm báo cáo quyết toán cụ thể kinh phí chi trả cho từng chính sách, chế độ an sinh xã hội, trường hợp thừa, thiếu so với mức đã bố trí dự toán năm 2018, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trong quá trình điều hành ngân sách năm 2018 hoặc trong dự toán các năm tiếp theo.

- Bố trí giao dự toán chi đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước của địa phương được giao nhiệm vụ thu lệ phí. Trường hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì được để lại tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí.

- Bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên phân bổ kinh phí thực hiện Luật Công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ; kinh phí thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; kinh phí rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ thị số 144/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phân bổ, giao dự toán chi dự trữ quốc gia:

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước về dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân bổ và giao dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương quản lý hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo khớp đúng với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trên cơ sở đó, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương phân bổ, giao kế hoạch cho các đơn vị dự trữ trực thuộc đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao và chi tiết theo từng danh mục mặt hàng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia và quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Phân bổ, giao dự toán chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu:

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và trên cơ sở dự toán chi thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo đúng mục tiêu, quy định của pháp luật đối với từng chương trình, dự án và từng nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền giao;

b) Căn cứ vào tình hình thực tế, quyết định việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đảm bảo vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định; đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật để thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu;

c) Ngoài các quy định tại điểm a, b khoản này, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện phân bổ giao dự toán chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết theo nội dung, dự án thành phần thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị trực thuộc phù hợp với nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án và theo quy định hiện hành. Đồng thời, bố trí dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có chỉ tiêu về an toàn thực phẩm).

5. Phân bổ và giao dự toán chi từ nguồn vốn vay, viện trợ của nước ngoài:

a) Các bộ, cơ quan trung ương phân bổ chi tiết cho từng đơn vị sử dụng, chi tiết theo từng chương trình, dự án và đảm bảo khớp đúng tổng mức dự toán và từng lĩnh vực chi đã được Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Các địa phương phân bổ chi tiết cho từng đơn vị sử dụng, chi tiết theo từng chương trình, dự án và đảm bảo khớp đúng tổng mức dự toán chi đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

6. Vay và trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương cấp tỉnh:

a) Các địa phương chỉ được phép vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc trong hạn mức Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với các địa phương dự toán có vay để trả nợ gốc, sau khi đã bố trí chi trả nợ gốc theo quy định tại tiết c khoản này, địa phương được phép vay trong hạn mức vay đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao (không phân biệt vay trả nợ gốc hay vay bù đắp bội chi), đồng thời việc phân bổ, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư từ khoản vay này phù hợp với tiến độ và mức vay cho phép;

b) Bố trí từ nguồn bội thu; tăng thu, tiết kiệm chi; kết dư ngân sách để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ gốc đến hạn.

Đối với các địa phương có bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; kết dư ngân sách để trả nợ gốc, nhưng thực tế không có nguồn hoặc không bố trí đủ thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương (tăng mức bội thu) để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;

c) Đối với các địa phương dự toán có vay để trả nợ gốc: Để bảo đảm chủ động nguồn trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn, khi phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, địa phương phải chủ động dành nguồn để bố trí chi trả nợ gốc đến hạn và bù lại nguồn cho chi đầu tư phát triển khi thực tế thực hiện được khoản vay theo kế hoạch; chỉ giải ngân thanh toán số vốn đầu tư này sau khi đã thực hiện được khoản vay. Trường hợp không vay được theo kế hoạch hoặc chỉ vay được một phần theo kế hoạch, thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương (tăng mức bội thu tương ứng) để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

7. Bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để chủ động sử dụng cho các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật ngân sách nhà nước.

8. Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách, trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), sau khi dành 50% thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại cần ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tăng quỹ dự trữ tài chính để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách, nguồn còn lại khả năng thực hiện đạt được dự toán thu mới phân bổ để chi cho những nhiệm vụ, chế độ, chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định, xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định.

9. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư chi tiết đến Loại, Khoản của Mục lục Ngân sách nhà nước theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mục lục ngân sách.

Đơn vị dự toán cấp I lập phương án phân bổ chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chi chương trình mục tiêu giao cho đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, chi tiết đến Loại, Khoản và mã dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mục lục ngân sách.

10. Đối với cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, việc phân bổ và giao dự toán thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

11. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ được giao năm 2018, phân loại đơn vị sự nghiệp, dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); dự toán chi tiết theo 2 phần: phần dự toán chi ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, phần dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cơ quan có thẩm quyền giao cơ chế tự chủ thì phân bổ và giao dự toán chi vào phần dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên.

Đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện cơ chế thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định tại quyết định của cấp có thẩm quyền.

12. Ngoài các nội dung phân bổ, giao dự toán hướng dẫn tại Thông tư này, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương còn phải thực hiện đúng quy định liên quan khác của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

Điều 4. Thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2018

1. Các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định để đảm bảo dành nguồn tự cân đối thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 30 tháng 06 năm 2018 và mức 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 01 tháng 07 năm 2018.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2018 (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

Ủy ban nhân dân các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc không bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên nêu tại khoản này (không kể các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP) để thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2018.

3. Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 của các địa phương bao gồm:

a) 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2017 thực hiện so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) được Thủ tướng Chính phủ giao;

b) 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao;

c) Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang;

d) 10% tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền giao;

đ) 10% tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán chi năm 2018 tăng thêm so với dự toán chi năm 2017;

e) Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2018. Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại được thực hiện theo quy định riêng của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018.

4. Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho các địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối nguồn nêu tại khoản 3 Điều này mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.

Sau khi cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương nêu tại khoản 3 Điều này, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của mình để thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do trung ương ban hành (giảm tương ứng phần ngân sách trung ương phải hỗ trợ theo chế độ), ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.

Riêng đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Thời gian phân bổ, giao dự toán và nhập dự toán vào hệ thống Tabmis

1. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, cơ quan trung ương quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách; Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình đảm bảo thời gian giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy trình, yêu cầu và thời hạn quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật ngân sách nhà nước; tổ chức việc công khai dự toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước và hướng dẫn tại Điều 12 của Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách địa phương về Bộ Tài chính chậm nhất là 05 ngày làm việc sau khi Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách; báo cáo dư nợ vốn huy động đến 31 tháng 12 năm 2017 và phương án vay, trả nợ năm 2018 của ngân sách địa phương về Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 01 năm 2018; báo cáo thu, chi và số dư Quỹ dự trữ tài chính theo quy định riêng của Bộ Tài chính.

3. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân giao, đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương và các cấp ngân sách địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo đúng quy định tại Điều 50 Luật ngân sách nhà nước, Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ngân sách nhà nướcĐiều 13 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I không thống nhất với yêu cầu của cơ quan tài chính thì đơn vị dự toán cấp I báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đối với các đơn vị dự toán cấp I của trung ương) và Ủy ban nhân dân (đối với các đơn vị dự toán cấp I của địa phương) trong phạm vi 05 ngày làm việc.

Ngoài ra, trường hợp các nhiệm vụ chưa xác định được rõ đơn vị thực hiện trong dự toán đầu năm của các đơn vị dự toán cấp I ở địa phương và các nội dung dự kiến phát sinh nhưng chưa có chủ trương của Ủy ban nhân dân cùng cấp cho phép thực hiện, căn cứ quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật và tình hình thực tế ở địa phương thực hiện một trong hai phương án như sau:

a) Sau khi Ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và dự kiến nhiệm vụ giao cho các đơn vị để thực hiện giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; đồng thời, trong quyết định giao dự toán ghi rõ các nội dung dự kiến phát sinh nhưng chưa có chủ trương của Ủy ban nhân dân cho phép thực hiện và chỉ được thực hiện khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh trường hợp có đơn vị thừa, đơn vị thiếu kinh phí, thì đơn vị dự toán cấp I thực hiện việc điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị trực thuộc theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;

b) Cơ quan tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp chưa giao cho các đơn vị dự toán cấp I đối với các nhiệm vụ chưa xác định được rõ đơn vị thực hiện trong dự toán đầu năm của các đơn vị dự toán cấp I và các nội dung dự kiến phát sinh nhưng chưa có chủ trương của Ủy ban nhân dân cho phép thực hiện. Khi phát sinh nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để ban hành quyết định giao bổ sung dự toán cho các đơn vị dự toán cấp I.

4. Việc nhập dự toán vào hệ thống Tabmis được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2008, Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính, văn bản số 4754/BTC-KBNN ngày 11 tháng 4 năm 2017 và số 10702/BTC-KBNN ngày 14 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tài chính.

Chương II

TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 6. Tổ chức quản lý thu ngân sách nhà nước

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, lưu ý triển khai một số nội dung sau:

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về thuế đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành;

b) Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ. Tiếp tục triển khai thực hiện liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với cải cách hành chính, khai, nộp, hoàn thuế điện tử và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh.

2. Cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, trị giá, số lượng,... để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá,...bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật, điều hành hoàn thuế giá trị gia tăng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2018; đồng thời tạo điều kiện cho người nộp thuế; thực hiện kiểm tra trước và sau hoàn thuế theo quy định của pháp luật và mức độ rủi ro; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước. Thực hiện rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế; các giấy phép cấp quyền khai thác khoáng sản để triển khai thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Rà soát, xác định cụ thể các đối tượng đang được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật đất đai năm 2013, cơ quan tài nguyên và môi trường hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, chuyển cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính và đôn đốc, thu nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ đất đai vào ngân sách nhà nước.

3. Các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Thực hiện rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán ngân sách được giao; cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Trong đó lưu ý:

1. Các khoản chi từ nguồn vốn vay, viện trợ thực hiện giải ngân và kiểm soát chi theo nguyên tắc:

a) Đối với dự toán chi từ nguồn vốn vay, viện trợ bằng tiền: Thực hiện đúng dự toán được giao và cơ chế thực hiện như nguồn vốn trong nước (trừ trường hợp hiệp định có quy định khác thì thực hiện theo hiệp định);

b) Đối với dự toán chi từ nguồn vốn vay, viện trợ theo phương thức ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước:

- Dự toán chi từ nguồn vốn vay: Thực hiện trong phạm vi dự toán được giao. Trường hợp trong năm các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có nhu cầu bổ sung dự toán thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển) và Bộ Tài chính (đối với các khoản chi thường xuyên đã ký Hiệp định vay, giải ngân từ năm 2017 về trước - nếu có) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

- Dự toán chi từ nguồn vốn viện trợ: Đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại bằng tiền phát sinh sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Tài chính chủ trì (đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước, hỗ trợ vốn cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên, hỗ trợ phi dự án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì (đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển) phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, căn cứ vào các thỏa thuận viện trợ ký giữa nhà nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam với các nhà tài trợ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng, bổ sung dự toán năm 2018 nguồn vốn viện trợ này và thông báo cho các đơn vị có liên quan biết để triển khai thực hiện.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan tài chính chủ động bố trí vốn ngay từ đầu năm cho các dự án, công trình quan trọng theo chế độ quy định, nhất là các dự án xây dựng tu bổ các công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả lũ lụt, dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2018 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

4. Dự toán chi thường xuyên năm 2018 Bộ Tài chính giao cho các bộ, cơ quan trung ương, thông báo rõ các khoản chi bằng ngoại tệ. Đối với kinh phí tương đương từ 500.000 USD/năm trở lên thì được đảm bảo chi bằng ngoại tệ theo dự toán đã giao và phù hợp với tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thực hiện Kho bạc Nhà nước vẫn kiểm soát theo dự toán chi bằng nội tệ đã giao cho đơn vị. Trường hợp do biến động tăng tỷ giá, dẫn đến dự toán chi bằng nội tệ đã hết nhưng dự toán chi bằng ngoại tệ vẫn còn, thì đơn vị có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét để kịp thời xử lý bổ sung kinh phí bằng nội tệ; trường hợp số kinh phí nhỏ hơn 500.000 USD/năm thì các bộ, cơ quan trung ương được rút dự toán bằng ngoại tệ theo tỷ giá hạch toán tại thời điểm giao dịch, nhưng không vượt quá dự toán giao bằng nội tệ.

5. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu có nhu cầu chi các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để đáp ứng các nhu cầu chi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Luật ngân sách nhà nước.

6. Đối với số thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành các địa phương cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế, trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.

7. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, ngân sách cấp dưới; quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán được giao, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch, vay nợ trong hạn mức được giao; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, các trường hợp ứng thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công. Tiếp tục cải cách hành chính và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đối với tăng cường giám sát trong quản lý chi ngân sách nhà nước; chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Trường hợp phát hiện các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách không đúng chính sách, chế độ, nhất là liên quan đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo,...cần có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo chính sách, chế độ được thực hiện đúng và có hiệu quả.

Căn cứ kết quả thực hiện từng chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành, các địa phương xác định nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện chính sách và bố trí nguồn thực hiện như sau:

a) Nhu cầu kinh phí tăng thêm, ngân sách trung ương phải bổ sung năm 2018, gồm:

- Đối với những chính sách an sinh xã hội đã được quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tại từng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành (trong đó có chính sách chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 09 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính): Tổng hợp nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm, nhu cầu kinh phí tăng thêm, trong đó xác định rõ phần ngân sách trung ương phải bổ sung cho ngân sách địa phương đối với phần kinh phí tăng thêm theo tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương của từng chính sách.

- Đối với các chính sách an sinh xã hội còn lại: Tổng hợp nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm, nhu cầu kinh phí tăng thêm, trong đó xác định rõ phần ngân sách trung ương phải bổ sung cho ngân sách địa phương đối với phần kinh phí tăng thêm theo tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28 tháng 04 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020;

b) Trường hợp các địa phương có nguồn cải cách tiền lương còn dư (nếu có, sau khi đã đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương trong năm) thực hiện giảm trừ tương ứng phần kinh phí ngân sách trung ương phải hỗ trợ nêu tại điểm a khoản này;

c) Sau khi gán trừ giữa nhu cầu kinh phí tăng thêm ngân sách trung ương hỗ trợ với nguồn ngân sách địa phương đảm bảo nêu tại điểm a, b khoản này nếu thiếu nguồn, ngân sách trung ương sẽ bổ sung phần chênh lệch thiếu cho từng địa phương theo quy định.

8. Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện giảm mức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở mức điều chỉnh giá dịch vụ công, sử dụng nguồn kinh phí giảm chi để tăng chi hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia dịch vụ công, tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ cấp bách, đầu tư và hỗ trợ mua sắm sửa chữa để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công trong từng lĩnh vực. Căn cứ kết quả thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện phần giảm chi ngân sách nhà nước hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xác định phương án sử dụng phần giảm chi ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn thực hiện các chế độ chính sách do trung ương ban hành trên địa bàn.

9. Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo quy định.

Điều 8. Thực hiện cấp phát, thanh toán kinh phí

1. Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách:

Căn cứ dự toán ngân sách năm được giao, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán chi theo chế độ, định mức chi ngân sách đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiến độ, khối lượng thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo nguyên tắc:

a) Các khoản chi thanh toán cá nhân (lương, phụ cấp lương, trợ cấp xã hội,...) đảm bảo thanh toán chi trả từng tháng cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chi trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương; Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Trích nộp các khoản đóng góp (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật;

c) Những khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản có tính chất không thường xuyên khác thực hiện thanh toán theo tiến độ, khối lượng thực hiện theo chế độ quy định và trong phạm vi dự toán được giao.

2. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước đối với các nhiệm vụ chi theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính.

3. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện cấp bằng hình thức lệnh chi tiền đối với các nhiệm vụ chi theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính.

4. Trường hợp ngân sách địa phương đã được ứng trước dự toán bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư ngân sách từ ngân sách trung ương, cần phải thu hồi trong dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2018, Bộ Tài chính thông báo cho Kho bạc Nhà nước trừ số ứng trước vào dự toán đầu năm đã giao cho địa phương; phần dự toán còn lại thực hiện rút dự toán theo quy định đối với các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Số đã ứng trước cho ngân sách địa phương được thu hồi như sau:

a) Đối với số ứng trước theo hình thức lệnh chi tiền thì việc thu hồi số ứng trước cũng được thực hiện bằng hình thức lệnh chi tiền từ ngân sách trung ương;

b) Đối với số ứng trước theo hình thức rút dự toán thì Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện điều chỉnh hạch toán từ ứng trước sang thực chi ngân sách trung ương và thực thu ngân sách địa phương cấp bổ sung từ ngân sách trung ương.

5. Trường hợp trong năm ngân sách cấp trên ứng trước dự toán bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư năm sau cho ngân sách cấp dưới, khi rút dự toán và chi từ nguồn ứng trước phải hạch toán thu, chi vào ngân sách năm sau theo quy định.

6. Đối với số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

a) Mức rút dự toán và mẫu biểu rút dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính;

b) Trường hợp bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách (bao gồm cả việc ứng trước bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) được thực hiện như sau:

- Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác: căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính có văn bản thông báo bổ sung ngoài dự toán cho ngân sách địa phương. Căn cứ vào văn bản thông báo của Bộ Tài chính, Sở Tài chính thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

- Đối với khoản ứng trước bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương: Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính có văn bản thông báo, Sở Tài chính thực hiện rút dự toán ứng trước tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Sở Tài chính lập giấy rút dự toán ứng trước dự toán năm sau theo quy định.

- Đối với các khoản ngân sách trung ương ứng trước cho ngân sách địa phương, khi rút dự toán các khoản ứng trước thực hiện hạch toán tạm thu, tạm chi và thực hiện thu hồi theo quy định (hạch toán điều chỉnh sang thực thu, thực chi trong trường hợp chuyển thành số bổ sung cho ngân sách địa phương hoặc giảm tạm thu ngân sách địa phương, giảm tạm chi của ngân sách trung ương trong trường hợp phải hoàn trả cho ngân sách trung ương).

7. Đối với số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương:

a) Mức rút số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới: Được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính;

b) Mức rút số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (bao gồm cả bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán giao đầu năm): Được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính;

c) Hạch toán các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương thực hiện như quy định đối với các khoản bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

8. Việc rà soát, đối chiếu số liệu rút dự toán chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính.

Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chính sách. Trường hợp địa phương không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không đúng và đầy đủ theo quy định, Bộ Tài chính sẽ tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho địa phương cho đến khi địa phương có báo cáo đầy đủ.

9. Về chi trả nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính.

Điều 9. Thực hiện điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách

1. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I được cấp có thẩm quyền giao bổ sung dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát sinh, chậm nhất 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được quyết định giao bổ sung dự toán), đơn vị dự toán cấp I phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật ngân sách nhà nước.

2. Trường hợp có yêu cầu điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc mà không làm thay đổi tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao, đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm xem xét sự cần thiết, căn cứ điều chỉnh, kiểm tra số dư dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách có liên quan, quyết định điều chỉnh dự toán, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra theo quy định và thực hiện điều chỉnh dự toán trên hệ thống Tabmis, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ kiểm soát chi, thanh toán. Trường hợp cơ quan tài chính kiểm tra, không thống nhất với việc điều chỉnh của đơn vị dự toán cấp I hoặc kiểm tra không còn đủ số dư dự toán để điều chỉnh, thì thông báo cho đơn vị dự toán cấp I để điều chỉnh lại.

3. Trường hợp điều chỉnh dự toán từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, kinh phí không thường xuyên sang kinh phí thường xuyên, kinh phí chi bằng nội tệ sang chi bằng ngoại tệ, điều chỉnh nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán kinh phí được giao nhưng đã được ghi chú kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi trong quyết định giao dự toán đầu năm hoặc quyết định giao dự toán bổ sung trong năm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đơn vị cần phải có ý kiến thống nhất của cơ quan tài chính để đảm bảo việc phân bổ kinh phí thực hiện được các nhiệm vụ được giao.

4. Trường hợp điều chỉnh dự toán giữa các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

5. Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra và điều chỉnh trên hệ thống tabmis theo quy định.

6. Việc điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Điều 10. Thực hiện chuyển nguồn sang năm sau

Các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương quản lý chặt chẽ chi chuyển nguồn sang năm sau theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Điều 11. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng

Ngoài việc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Thông tư này, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đồng thời xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.

Điều 12. Thực hiện công khai ngân sách nhà nước

1. Các cấp ngân sách thực hiện công khai ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách.

2. Các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 06 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

3. Các cơ quan, đơn vị được sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 10/2005/TT-BTC ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với việc phân bổ, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

4. Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân thực hiện công khai theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng tài sản nhà nước thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16 tháng 06 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

6. Đối với các khoản hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đối với cá nhân, dân cư việc công khai được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân dân cư.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thiết lập trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân, đồng thời chỉ đạo Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với những huyện đã có Trang/Cổng thông tin điện tử) lập chuyên mục công khai ngân sách trên Trang/Cổng thông tin điện tử để công khai số liệu, báo cáo thuyết minh ngân sách theo quy định, trong đó tạo lập các chuyên mục con theo các nội dung công khai sau:

a) Dự toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân;

b) Dự toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân quyết định;

c) Tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương trong năm (quý, 06 tháng, 09 tháng, năm);

d) Quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn;

đ) Tổng hợp tình hình công khai.

8. Các bộ, cơ quan trung ương thiết lập trên Trang/Cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị dự toán trực thuộc (đối với những đơn vị đã có Trang/Cổng thông tin điện tử) lập chuyên mục công khai ngân sách trên Trang/Cổng thông tin điện tử để công khai số liệu, báo cáo thuyết minh ngân sách theo quy định, trong đó tạo lập các chuyên mục con theo các nội dung công khai sau:

a) Dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao;

b) Tình hình thực hiện dự toán ngân sách trong năm (quý, 06 tháng, 09 tháng, năm);

c) Quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Tổng hợp tình hình công khai.

9. Đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng thời hạn theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng đối với năm ngân sách 2018.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản mới thì áp dụng theo văn bản mới đó.

3. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy định tại Thông tư này để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền địa phương cấp dưới tổ chức thực hiện. Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước, Cục Hải quan các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Quang Hải

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 132/2017/TT-BTC về quy định tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 132/2017/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Huỳnh Quang Hải
Ngày ban hành: 15/12/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [47]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 132/2017/TT-BTC về quy định tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…