Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 348/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI – TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIÁ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIÁ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2023

Ngày 03 tháng 8 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

1. Trong 7 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, tín hiệu phục hồi tăng trưởng chưa rõ ràng, tiêu chuẩn thương mại toàn cầu và hàng rào bảo hộ gia tăng trong khi tiêu dùng còn yếu ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cung cầu, giá cả. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia; xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trong phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai diễn ra tại nhiều quốc gia làm cho sản xuất lương thực mất cân đối. Lạm phát toàn cầu trong nửa đầu năm đã giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn thì mức lạm phát hiện tại vẫn còn ở mức cao đối với nhiều quốc gia.

Trong nước, từ đầu năm tới nay, nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả mặt hàng nông sản không có biến động lớn; mặc dù giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 04 tháng 5 năm 2023 với mức độ và thời điểm phù hợp, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới nhưng nhìn chung, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, các hàng hóa, dịch vụ khác như vật liệu xây dựng, chủ động được nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành đã đề ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,06% so cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá trong công tác chỉ đạo,điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân.

2. Năm 2023, Quốc hội đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức khoảng 4,5%. Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần chủ động nắm bắt tình hình, khai thác tối đa dư địa còn lại để chủ động thực hiện các phương án giá theo lộ trình quy định và phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế; chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 05 tháng 01 năm 2023 và Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 10 tháng 4 năm 2023, trong đó tập trung vào những biện pháp sau:

a) Biện pháp chung:

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất trong các dịp lễ, tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, đồng thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

- Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. Đánh giá, tính toán kỹ tác động của các chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi và phát triển đang triển khai thực hiện sẽ hết hiệu lực thời gian tới để kịp thời đề xuất biện pháp, giải pháp chính sách và điều hành phù hợp.

- Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường: phải có kế hoạch cụ thể về lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức độ điều chỉnh, tính toán tác động đến mặt bằng kinh tế xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát từng giai đoạn,

Trong điều kiện dư địa lạm phát tương đối rộng để các cơ quan nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý trong bối cảnh mục tiêu lạm phát năm 2023 được Quốc hội phê duyệt ở mức 4,5%, các bộ ngành cần chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo. Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

- Tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá

- Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải chủ động đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá của các cơ quan trung ương và địa phương.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát hiệu quả lạm phát, nhất là lạm phát kỳ vọng.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

b) Đối với một số mặt hàng thiết yếu

- Xăng dầu: Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 19 tháng 8 năm 2023.

- Điện: Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Mặt hàng nông sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu; theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

- Dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lộ trình, mức độ và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để các địa phương chủ động quyết định các mức học phí phù hợp cho năm học 2023-2024.

- Dịch vụ y tế: Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá, chọn thời điểm phù hợp để kết cấu các chi phí vào giá dịch vụ theo lộ trình thị trường. Khẩn trương hoàn thiện Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi ban hành Thông tư, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

- Vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hàng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường và đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông; thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng; phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát nguồn cung đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng cho việc triển khai các tuyến đường cao tốc để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, nguồn vốn thi công của các công trình trọng điểm. Các bộ quản lý ngành thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước.

-Dịch vụ dịch vụ vận tải: Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao.

- Đối với một số hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện lộ trình giá thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai theo chức năng nhiệm vụ và mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra; kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề vướng mắc phát sinh.

- Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

c) Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, xử lý các khoảng trống pháp lý. Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá;
- Các Bộ: TC, CT, NG, CA, Y tế, GDĐT, GTVT, TTTT, NNPTNT, TNMT, XD, KHĐT, LĐTBXH;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng
TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, CN, NN, KGVX, PL;
- Lưu: VT, KTTH.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 348/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 24/08/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [9]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…