Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/2019/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUY TRÌNH XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ TỊCH THU THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; tịch thu theo thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quy trình xử lý tài sản bị tịch thu thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định

 

QUY ĐỊNH

QUY TRÌNH XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ TỊCH THU THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/2019/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Trình tự, thủ tục lập phương án và hình thức xử lý đối với tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

2. Xác định giá khởi điểm và tổ chức bán tài sản bị tịch thu.

3. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trình tự, thủ tục lập phương án xử lý tài sản tịch thu

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (viết tắt là Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính).

2. Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án tịch thu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính.

Điều 4. Trách nhiệm bảo quản tài sản

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì cơ quan của người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan trình người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tài sản tịch thu.

Việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

2. Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền và tài sản là vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu, đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân chịu trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính.

3. Đối với các tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 2 Điều 17 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ việc bảo quản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính.

4. Trường hợp đơn vị chủ trì quản lý tài sản không có kho bãi để bảo quản tài sản hoặc tài sản là máy móc, thiết bị đã cố định, khó tháo dỡ thì chuyển giao cho cơ quan dự trữ nhà nước hoặc ủy quyền, ký hợp đồng thuê với cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kho bãi để bảo quản. Việc chuyển giao, ủy quyền, thuê bảo quản tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hình thức xử lý tài sản bị tịch thu

1. Đối với tài sản quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 2 Điều 17 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ thì xử lý theo hình thức giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành.

2. Đối với tài sản nhà, đất; xe ôtô; xe môtô, xe gắn máy, máy móc, thiết bị và các tài sản khác có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên: Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thì giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Việc xác định giá trị của tài sản bị tịch thu để giao hoặc điều chuyển thực hiện như Điều 7 Quy định này.

3. Đối với tài sản xe môtô, xe gắn máy, máy móc, thiết bị và các tài sản khác có tỷ lệ chất lượng còn lại dưới 50%: Được xử lý theo hình thức bán theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Tiêu hủy đối với tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng nhưng không thể xử lý theo hình thức bán; tài sản không còn khả năng sử dụng hoặc tài sản thuộc danh mục cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông theo quy định của pháp luật gồm: Văn hóa phẩm độc hại, ma túy, hàng giả, vật phẩm gây hại sức khỏe cho con người, vật nuôi, cây trồng, động vật hoang dã đã chết và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy.

Trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản báo cáo Bộ Tài chính hoặc báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có) để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định xử lý.

Điều 6. Tổ chức xử lý tài sản tịch thu

1. Đối với tài sản quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 2 Điều 17 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ thì chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý và xử lý thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

2. Đối với tài sản xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển tài sản (trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

Trường hợp không thể áp dụng hình thức giao hoặc điều chuyển theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định này thì tài sản được xử lý theo hình thức bán quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Đối với tài sản xử lý theo hình thức bán

a) Cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản thực hiện việc bán theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

b) Thực hiện công khai theo hình thức đấu giá trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Quy định này.

4. Đối với việc xử lý tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

5. Đối với tài sản xử lý theo hình thức tiêu hủy quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy định này thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có chức năng tiêu hủy thực hiện việc tiêu hủy theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc tiêu hủy phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có: Căn cứ thực hiện tiêu hủy; thời gian, địa điểm tiêu hủy; thành phần tham gia tiêu hủy; tên, chủng loại, số lượng, hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.

Điều 7. Xác định giá khởi điểm để bán tài sản

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

a) Đơn giá và giá trị tang vật, phương tiện phải chuyển giao để bán đấu giá được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử phạt vi phạm hành chính là giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá.

b) Trong các trường hợp sau đây thì phải thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm:

- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để bán đấu giá chưa được xác định giá trị.

- Thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá vượt quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của mặt hàng cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để bán đấu giá. Trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường tại thời điểm xác định.

2. Tài sản tịch thu là vật chứng vụ án, tài sản của người kết án

Cơ quan chủ trì quản lý, xử lý tài sản thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm.

3. Hội đồng để xác định giá khởi điểm thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính.

4. Việc xác định lại giá khởi điểm tài sản tịch thu trong trường hợp đấu giá không thành được thực hiện tương tự việc xác định giá lần đầu.

Đối với trường hợp bán tài sản theo hình thức niêm yết giá, thì việc xác định lại giá bán tài sản để tổ chức bán niêm yết giá lại được xác định theo nguyên tắc mỗi lần giảm không quá 10% giá niêm yết của lần trước liền kề.

5. Giá tài sản được xác định tại khoản 1, 2 Điều này không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Điều 8. Các hình thức bán tài sản tịch thu

1. Bán tài sản theo hình thức đấu giá

Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng đấu giá (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá tài sản) theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ.

2. Bán tài sản tịch thu theo hình thức niêm yết giá

a) Bán tài sản tịch thu theo hình thức niêm yết giá được áp dụng với tài sản có nguyên giá dưới 250 triệu đồng/01 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản. Hình thức niêm yết giá không áp dụng đối với tài sản là nhà, đất, xe ôtô.

b) Trình tự, thủ tục bán tài sản tịch thu theo hình thức niêm yết giá được quy định cụ thể tại Điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính.

3. Bán tài sản tịch thu theo hình thức chỉ định

a) Bán tài sản tịch thu theo hình thức chỉ định được áp dụng đối với tài sản có nguyên giá dưới 250 triệu đồng/01 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại dưới 10 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

Hình thức chỉ định không áp dụng đối với tài sản là nhà, đất, xe ôtô trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

b) Tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiêu, khó bảo quản, hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày, động vật rừng hoang dã đã chết nhưng không thuộc đối tượng phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật…); tài sản là hàng hóa cồng kềnh, có trọng lượng lớn được chuyên chở trên các phương tiện giao thông đường thủy, đường biển mà việc bốc dở tốn kém, chi phí lớn.

c) Tài sản là vật tư, hàng hóa cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất mà chỉ có một tổ chức kinh tế có chức năng tái xuất đối với vật tư, hàng hóa đó.

d) Trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

đ) Việc bán chỉ định thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Điều 9. Xử lý tài sản trong trường hợp đấu giá không thành

1. Trường hợp đấu giá lần đầu không thành

Việc xử lý tài sản trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

2. Trường hợp sau 02 lần tổ chức đấu giá không thành, cơ quan chủ trì quản lý, xử lý tài sản thực hiện theo một trong các phương án sau:

a) Tổ chức thực hiện việc đấu giá lại theo quy định của pháp luật.

b) Trình cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản để bán cho người duy nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

c) Trình cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản để áp dụng hình thức xử lý khác theo quy định tại Điều 40 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành được quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Điều 10. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước

Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công làm chủ tài khoản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Điều 13 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính. Sau khi trừ đi các khoản chi quy định tại Điều 29 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 11. Nội dung chi quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước

1. Các khoản chi phí liên quan đến quản lý, xử lý tài sản tịch thu được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 29 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

2. Mức chi được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm quản lý hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý việc quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm chấp hành việc quản lý xử lý tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật có liên quan và theo quy định tại Quy định này.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; các đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 82/2019/QĐ-UBND quy định về quy trình xử lý tài sản bị tịch thu thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu: 82/2019/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký: Phan Thiên Định
Ngày ban hành: 26/12/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [11]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 82/2019/QĐ-UBND quy định về quy trình xử lý tài sản bị tịch thu thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…